Tuesday, July 16, 2013

15. PHẠM CAO HOÀNG Vu Vơ của Tế Hanh và Hẹn Xưa của Trần Huiền Ân



PHẠM CAO HOÀNG
VU VƠ của Tế Hanh

và HẸN XƯA của Trần Huiền Ân



Thời học Trung Học Đệ Nhất Cấp ở trường Nguyễn Huệ, Tuy Hòa (1961 – 1965)  tôi chơi thân với người bạn cùng lớp tên Phạm Thành Long. Nhà Long ở La Hai (cách Tuy Hòa khoảng 50 km), và tôi thường theo Long đi xe lửa về La Hai chơi. Sân ga, tiếng còi tàu, những toa tàu, tiếng máy xình xịch, tình bạn thuở học trò… tất cả gắn liền với tuổi thơ tôi. Trong thời gian này tôi đọc được bài thơ VU VƠ của Tế Hanh. Bài thơ gây ấn tượng mạnh nơi tôi đến nỗi, hồi ấy, cứ mỗi lần đọc bài thơ này là tôi rơm rớm nước mắt. Bài thơ gồm 4 khổ thơ. Không gian là sân ga, và cảm xúc của tác giả là nỗi buồn khi nhìn thấy mọi người phải từ giã nhau. Hình ảnh cậu học trò trong bài thơ thật dễ thương: những ngày nghỉ học cậu thường đến ga xe lửa để nhìn cảnh mọi người tiễn biệt nhau. Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt. Chỉ có vậy thôi. Không có gì khác. Tác giả dùng thể thơ bảy chữ một cách điêu luyện với những câu thơ đầy cảm xúc. Lâu lâu còi rúc nghe rền rỉ. Lòng của người đi réo kẻ về. Thuở học trò, tình bạn chiếm một phần lớn trong tâm hồn tôi nên bài thơ này để lại dấu ấn đậm nét trong những ngày tháng ấy. Đến bây giờ, đọc lại bài thơ VU VƠ của Tế Hanh tôi vẫn còn giữ nguyên cảm xúc.

V u   v ơ
T ế  H a n h


những ngày nghỉ học tôi hay tới
đón  chuyến tàu đi đến những ga
tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt
lòng buồn đau xót nỗi chia xa

tôi thấy tôi thương những chuyến tàu
nghìn đời không đủ kiếp đi mau
có chi vương víu trong hơi máy
mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau

bánh nghiến lăn lăn quá nặng nề
khói phì như nghẹn nỗi đau tê
lâu lâu còi rúc nghe rền rỉ
lòng của người đi réo kẻ về

kẻ về không nói bước vương vương
thương nhớ lan xa mấy dặm trường
lẽo đẽo tôi về theo bước họ
tâm hồn ngơ ngẩn nhớ muôn phương


Mấy năm sau tôi đọc được một bài thơ khác, cũng viết về một thuở học trò, và cũng gây ấn tượng rất mạnh đối với tôi: bài HẸN XƯA của Trần Huiền Ân. Bài thơ là câu chuyện của người thầy kể cho học trò nghe về thời đi học của mình. Thời gian là những ngày tháng kháng chiến chống Pháp và không gian là những lớp học ban đêm nơi hiên đình làng. Lớp học dùng một loại đèn gọi là đèn chai và khi nghe tiếng máy bay của Pháp thầy trò phải tắt đèn ngay, nếu không, Pháp sẽ phát hiện và ném bom. Bút không có nên học trò dùng cây tre vót nhọn làm ngòi bút chấm mực để viết. Ngoái các buổi học, các em giúp cha mẹ chăn bò, cắt cỏ, đắp nước thăm đồng, mót lúa, đuổi chim… Tuổi học trò của tôi là thế đấy. Trên đất khô cằn vượt nở hoa tươi. Quen thuộc quá nên nhọc nhằn chẳng thấy. Vòng tay ôm hoài bão ấm môi cười.

Học trong điều kiện khó khăn như vậy nhưng tác giả không than khó, mà nuôi hoài bão sau này khi giành độc lập sẽ cùng xây dựng những ngôi trường đàng hoàng cho các thế hệ mai sau. Bài thơ không dừng lại ở những cảm xúc về tuổi học trò mà đi xa hơn: những băn khoăn về một đất nước nghèo khó. Ngày nào đất nước còn nghèo thì các em còn khổ.


Hẹn xưa
Trần Huiền Ân


tôi đi học giữa những ngày kháng Pháp
áo quần thô xám nếp vải xi ta
đêm đến lớp ngọn đèn chai gió táp
tắt vội vàng khi tiếng máy bay qua

chúng tôi ngồi quanh hiên đình chật hẹp
bóng thầy chao trên vách chắn phên thưa
chòm tóc ngắn bên những vồng tóc kẹp
ngước uống từng lời mắt sáng đong đưa

ngòi bút dùng gốc tre già vót nhỏ
giấy nam trung còn dấu sợi rơm hiền
son thầy phê vàng hoe màu thuốc đỏ
tôi nâng niu từng nét chữ nghiêng nghiêng

tan buổi về lo chăn bò, cắt cỏ
đắp nước, thăm đồng, mót lúa, đuổi chim
thương cha mẹ già nua còn khốn khó
nước mắt xuôi hàng..máu ngược về tim

tuổi học trò của tôi là thế đấy
trên đất khô cằn vượt nở hoa tươi
quen thuộc quá nên nhọc nhằn chẳng thấy
vòng tay ôm hoài bão ấm môi cười

chúng tôi căm hờn quân thù tàn ác
đốt sách, giết thầy, phá sập trường quê
lưỡi lê nồng tanh máu người bạo sát
đã không chừa em nhỏ mới a b

chúng tôi nguyền lớn lên cùng xây dựng
đất nước Việt Nam độc lập hòa bình
cho những ngôi trường oai nghi sừng sững
tiếng hát học trò thêm sáng bình minh

và bây giờ theo tháng ngày xưa tính
bạn bè trôi lưu lạc mất trong hồn
tôi ngỡ ngàng tra thân vào nghiệp lính
chợt giật mình nhìn lại hẹn lớn khôn

buổi hàng buổi theo đoàn quân tiến bước
ra thao trường tắm nắng gội mồ hôi
tôi nhìn các em – nhìn tôi thuở trước
chạy dọc đường bưng rổ bánh mâm xôi

lời em rao lên cao rồi tắt nghẽn
tầng dư ba không lả lướt chào mời
đôi tay gầy cặm xương vào xác én
khấp khểnh chân trần nhịp thở chùng hơi

bán đi em, nhanh nhanh về đi học
rồi thả trâu, rồi bế bé, trông nhà
tôi xét mình xin cúi đầu trách móc
bao lỡ lầm thiếu sót phận anh cha

nên các em còn bơ vơ đói rách
sớm tảo tần mong kiếm bát cơm vơi
bốn năm tuổi mũi thòng chưa lau sạch
đã đua tranh chen chúc với dòng đời

tôi tự hỏi mình xưng tên chiến đấu
cho các em cùng nối mộng cao xa
hay cho những người cười trên lửa máu
thêm sang giàu nhờ xáo thịt nồi da?


Điểm tương đồng của hai bài thơ là ngôn ngữ gần gũi với đời thường, bằng tài năng của mỗi tác giả, được nâng lên thành ngôn ngữ thi ca. Những bài thơ sử dụng loại ngôn ngữ này thường là những bài thơ vượt qua được thử thách của thời gian nên cả hai bài thơ xuất hiện trên dưới 50 năm rồi mà đọc đi đọc lại vẫn thấy hay. VU VƠ của Tế Hanh và HẸN XƯA của Trần Huiền Ân là những viên kim cương trong thi ca Việt Nam.

Phạm Cao Hoàng
July 17, 2013