Tuesday, December 31, 2013

27. KIỀU LAM Thằng điên



THẰNG ĐIÊN

Kiều Lam



Mới đầu nó chỉ giữ giọng cười khùng khục trong cổ họng nhưng kềm không nổi nó úp mặt trong lòng hai bàn tay, cúi xuống trên đầu gối, hai vai rung lên từng chặp rồi đứng phắt dậy cười ha hả. Thằng Phát ngồi bên cạnh thúc cùi chỏ vào nó, “Bộ mày điên hả? Người ta đang làm lễ nghiêm trang, có gì đâu mà mày cười dữ dậy?”. Chính cái câu hỏi của thằng Phát lại càng làm cho nó nín cười không được. Chạy ra khỏi chánh điện, nó cười nghiêng, cười ngã. Hằng mấy trăm con mắt cùng một lúc đổ dồn về nó.  Người nào cũng nói, “Đồ điên!”

Rồi thì sự yên lặng trở lại, nhưng trong lòng chẳng ai còn được yên. Có người vẫn còn nhớ tới nó như tôi đây. Có người tan lễ sẽ ghé đâu đó, làm việc gì đó, trong đầu ngổn ngang đủ thứ việc. Bà Diệu Liên nãy giờ nhấp nhỏm, “Chà, chắc là tui phải ra sớm một chút để phụ với mấy bà trong ban trai soạn múc cari không thôi uổng công tui nấu cả đêm để đem vô chùa cúng dường. Mấy ông bà trong ban trị sự trưa nay phải họp bàn cho dứt điểm về việc tổ chức lễ sắp tới. Kỳ rồi mọi người đưa ra ý kiến ý cò tùm lum mà vẫn chưa xong".

Sư ông được thỉnh từ tiểu bang khác về. Có làm lễ quy y nữa nên bà con đi chùa sáng nay đông hơn mọi khi.  Sư ông khai thị LÝ BÁT NHÃ.  Giọng của Sư ông chậm và điềm tĩnh. Mỗi người một thái độ, nghe theo một cách. Những người già đi chùa lâu đời rồi ngồi vòng tay, hay chắp tay ngồi nghiêm chỉnh nhưng trong lòng chắc nghĩ cái này nghe tới nghe lui nhiều rùi. Những người trẻ hơn ngồi nghe gật gật ,chắc có hiểu chút chút. Có người làm như lắng nghe, cái mặt suy tư lung lắm nhưng mà hiểu, chết liền. Còn mấy đứa choai choai nói tiếng Việt lơ lớ thì miễn bàn. Ai đời cầm cái phái Quy y trong tay mà hỏi nhau, "What's your name?" Ý chúng hỏi nhau, “Tên Pháp danh của mày là gì?”

Tiếng rù rì, tiếng ho, tiếng khịt mũi... Sư ông biết mấy người này tâm chẳng mấy an nên cho ngồi thiền 15 phút. Trước khi ngồi thiền, Sư ông hướng dẫn cách điều thân, điều tức, ngồi xếp bằng theo kiết già cho vững chải là tốt nhất, không ngồi được thì ngồi bán già lưng phải thật thẳng, hít thật sâu Nam- Mô-A, thở ra từ từ Di-Dà-Phật. Tập trung một điểm chính nơi trước trán, tập xả bỏ những ưu phiền, tay trái để lên tay phải. Hai chân chéo nhau lật ngửa bàn chân, chân này gát chéo qua đùi bên kia.

Mất hết 5 phút rồi là ít nhưng vẫn chưa yên. Tiếng sột soạt, tiếng ách xì... Giờ thì tiếng gì cũng nghe rõ mồn một. Tôi làm theo lời Sư ông hướng dẫn nhưng vừa mới nhắm mắt tự nhiên trong đầu ở đâu phát ra câu hát Nhắm mắt chỉ thấy một chân trời tím ngắt, buồn cười quá nhưng cố nhịn, chỉ mỉm cười một mình. Sư ông nói, "Đúng rồi đó", Mắt khép hờ ngó xuống, miệng mỉm cười, tôi giật mình đánh thót. Ý trời, bộ Sư ông còn đọc được cả tư tưởng của tôi nữa sao? Người Sư huynh bên cạnh tôi chưa chi đã nhập đại định, nghe ổng ngáy pho pho. Thôi kệ chắc tâm ổng an lắm nên ổng mới dễ dàng nhập định như vậy. Không biết ai thì sao chớ tôi càng ngồi yên thì tâm càng loạn chỉ được vài chục giây là cùng. Tôi lại nghĩ tới nó. Rồi cứ thế tưởng tượng không chừng đó là vị Bồ Tát thị hiện chăng? Xưa kia ngài Tế Điên Hòa Thượng còn có nhiều hành động kỳ quái hơn nhiều. Biết đâu vì thương chúng sinh, mà nhất là chúng sinh trong cái chùa này mà ngài thị hiện.

Ui da! không biết bao lâu nữa mới được xả thiền. Hai cái chân tê điếng, may mà tôi chọn pháp môn niệm Phật, thây kệ có tới chậm một chút cũng được, chớ pháp thiền sao khó quá. Vậy mà xưa kia có vị Cửu Niên Diện Bích chín năm ngồi quay mặt vô trong vách. Chỉ có các bậc thánh thôi. Sư ông gõ nhẹ một tiếng chuông báo hiệu giờ thiền đã qua. Lan man nghĩ ngợi lung tung nghe tiếng chuông giật mình như đang ở cõi nào. Mọi người hỉ hả, thoa bóp chân rồi trở lại trật tự để làm lễ tự quy. Rồi lui ra. Bà Diệu-Tâm vừa rủ áo tràng phành phạch vừa hỏi khơi khơi, “Cái thằng hồi nãy con nhà ai vậy không biết?” Ông Nguyên-Si, “Gặp nó mà con tui là tui cho cái tát tai, thiệt là mất dạy”. Bà Tâm-Như cũng góp chuyện, “Chắc không được bình thường, mới thấy nó lần đầu “

Té ra nãy giờ cũng còn có nhiều người nghĩ tới nó nữa chớ có phải mình tui đâu. Tôi vừa đi vừa nói khơi khơi, "Bồ Tát thị hiện đó". Người nào đó nói, "Thêm một thằng điên nữa". Tự ái ghê nơi, nhưng không muốn biết là ai, sợ mình nổi sân thì uổng công sáng nay bỏ hết công chuyện đi chùa với một cái tâm thanh tịnh.  Bộ họ không nhớ hồi nãy Sư ông nhắc, "Kinh pháp cú nói rằng chớ nhìn lỗi của người có làm hay không làm, mà hãy nhìn lỗi của mình không làm hay có làm". Tôi đắc ý với câu này nên thây kệ.

Thử đi tìm nó. Xuống nhà ăn, à nãy giờ nó xuống đây phụ với mấy bà trong ban trai soạn. Tôi nhìn kỹ để tìm xem có gì đặc biệt nơi nó không. Bà Diệu-Nhẫn nhờ nó bưng nồi xúp bỏ lên bàn cho bả. Thấy tôi, nó nhe răng cười thân thiện. Tôi chắp tay chào lại  với một cử chỉ vừa thân thiện vừa kính trọng.  Bà Diệu-Nhẫn sai nó túi bụi, bả khó lắm nghe, không phải ai muốn phụ là phụ đâu. Pháp danh của bà là Diệu-Nhẫn nhưng lúc nào cũng nhăn nhăn, nhó nhó nên tụi tôi kêu sau lưng bà là bà Diệu-Nhăn. Tất cả những bữa ăn trong dịp lễ, hay cuối tuần đều do một tay bà lo liệu xắp xếp làm việc miệng bằng tay, tay bằng miệng.  Khổ nỗi giá mà làm với một cái tâm vui vẻ hơn một chút xíu có phải hay hơn không. Biết rằng bá tánh cũng không phải ai cũng biết điều, bá gia bá tánh mờ. Một niệm sân là đốt đi rừng công đức. Tới bữa ăn nếu ai không quen cái tật của bà thì khó chịu lắm. Mặc dù chỉ nhìn cách bà đối xử với người khác chớ chưa đụng chi tới mình. Có nhiều khi tan lễ xong có người bỏ về hậm hực, muốn ăn miếng cơm chùa kiếm chút phước, chớ có thèm khát chi mô, thấy cái mặt bả làm vậy nuốt sao vô. Nhưng cũng có nguời nói, mượt kệ bả, của chùa chớ của chi bả. Ai đi chùa mà đi không, sáng ni tui cũng bỏ vô thùng phước sương 20 đô chớ ít à, lát nữa tui phải lâý hai phần về cho thằng con trai với ông chồng tui, sáng ni mắc đi chùa,  có nấu nướng chi mô. Bà Diệu-Nhăn nguýt cho một cái có đuôi. Không muốn nói chi nhưng thức ăn dọn xong tạm đủ cho bá tánh, còn bà đem cất hết, cái ni để cho chúng trong chùa, họ còn để dành cả tuần lễ nữa đó. Thầy la bả hoài, "Bác cứ để cho bá tánh dùng cho đầy đủ, thầy trò tui tương chao chi cũng xong". Nhưng chứng mô tật nấy. Bà quay qua nó, "Nè con,  đem muỗng nĩa cho ra bàn đi". Nó dạ to, cho một tay lên trán tuân lệnh. Bà khen, “Con nhà ai mà dễ thương ghê nơi, sai chi làm nấy, vui vẻ mà làm”. Chợt một bà  ghé vô tai bà nói chi không biết, bà dừng tay nhìn nó có vẻ suy nghĩ, nhưng rồi một người, hai người họ nghĩ nó là thằng điên nên toang toang kể cho bà nghe không thèm dè dặt cái chuyện sáng ni trên chánh điện. Rứa là bà không cần suy nghĩ chi , chạy te te tới bên cạnh nó giật lấy cái khay trên tay nó,”Thôi thôi đưa đây tui, ai biết rứa mô nờ!”

Nó đưa bà xong, giang hai tay nhún vai, nhưng miệng vẫn cười. Đứng nhìn cách họ xử sự với nó tôi có phần nào bất mãn. Một khi đã có cái nhìn sai lệch về người khác thì cử chỉ nào của họ cũng bị cho là điên. Tôi chưa biết lý do gì mà nó cười có lẽ vì nó cười không đúng lúc đúng chỗ mà thôi. Cười kiểu này ai trong đời ai mà không một lần đã cười như thế, khi thấy, biết một chuyện cười mà mình cố nén chừng nào thì nó càng làm cho mình cười chừng đó, nhiều khi kể lại cho người khác nghe là mình cũng phải cười cho đã rồi mới nói được, mà còn vừa nói vừa cười nữa kìa.  Đúng không nà? Tôi thấy ngoài cái chuyện cười trong chánh điện của nó, có cái gì mà họ nhận xét cho nó là điên?

Rồi tới giờ ăn. Hễ nó ngồi đâu là bà con né tới đó làm như ngồi gần nó bị lây hay là nguy hiểm không bằng. Nó cũng thừa sức thông minh hiểu như thế nên đứng dậy. Bà Diệu-Nhăn làm như cũng tội nghiệp cho nó, múc một cái dĩa hầm bà lằng đưa cho nó biểu lại đằng góc kia mà ngồi. Trong khi ai cũng lên mâm lên bát đàng hoàng. Tôi ngồi cảm thấy nuốt không vô nên bưng chén cơm không lại ngồi gần nó. Nhìn chén cơm không của tôi làm như đọc được cả những suy nghĩ của tôi nó tự động sớt thức ăn từ dĩa của nó cho tôi và nói ăn đi, đừng suy nghĩ, cơm thương. Nó làm cho tôi giật mình có phải đây là …

Chúng tôi vui vẻ ngồi ăn quên hết những chuyện vừa qua. Bà con ai cũng lo ăn chứ ngồi nhìn chúng tôi vừa ăn vừa cười lại cho là hai thằng điên. Ăn xong mọi người còn có thêm món tráng miệng. Nó quay qua quay lại tìm không thấy cái ly để uống nước, nó đành cho nước vào cái dĩa để uống, lại không có giấy lau miệng (vì bà Diệu- Nhăn tằng tiện cho chùa mà,chỉ phát mỗi người đủ xài thôi) nó kéo ống tay áo lên lau miệng. Thằng Phát nhìn nó nói trong cổ họng á a !! Lại nghĩ đúng là thằng điên mới ăn uống kiểu đó.

Nó đến bên thằng Phát. Bà con hồi hộp tưởng nó làm gì thằng Phát. Chực sẵn hễ mà nó làm gì thằng Phát là can thiệp liền. Nó rút cái phái Quy y mà thằng Phát đang kẹp trong nách. Nói rõ to, “Thằng này mới là thằng điên nè. Phái Quy-Y mà đem kẹp dô trong nách, nè coi đi. Sư ông cũng nói nó điên mà”. Nói rồi nó chào bà con rồi đi thẳng ra cửa. Nó đưa qua cho tôi, mở ra xem, à thì ra tôi biết tại sao nó cười. Sư ông cho thằng Phát cái tên Pháp danh là "Thiền-Đăng".  Nó nói lái ngược lại là thằng điên nên nó cười, chỉ có vậy. Tôi  đưa vội cái phái quy y cho người nào đó đang đứng bên cạnh để chạy theo nó. Không thể nào chỉ trong vòng một phút mà nó mất hút. Tôi ngó theo hai ngõ lên xuống hun hút của chùa không một bóng người nào, đang tần ngần thì một cơn gió  cuốn mớ lá khô thành hình vòng xoáy bay vút lên cao rồi rơi xuống tận góc vườn, giống hệt như trong phim Tôn Ngộ Không khi hô biến làm tôi thêm phần tưởng tượng. Tôi quay vô chùa đụng đầu thằng Phát mặt mày đỏ ke sượng sùng vì bị mấy cái người không điên kia chọc quê. Trong đầu tôi, vẫn cứ còn nghĩ tới nó. "Tôi khoát vai thằng Phát, nói một mình, “Từ rày về sau, ai nói gì mặc kệ, mình biết mình không điên là được rồi!”  Thằng Phát tưởng tôi nói với nó, an ủi nó. Nó gật đầu đưa tay ra bắt tay tôi.
                                 
Kiều Lam