PHẠM QUỐC BẢO
Từ một lần lên thăm
bạn
Trong tâm tình sâu kín, tôi đã có ý định lên thăm Ngô Vương Tọai cả gần một năm nay... nhưng rồi cứ lấn bấn, việc này việc nọ thay nhau đến mà không rứt ra được.Lại nữa, tình trạng thắt chặt an ninh phi trường lẫn giá sinh họat mỗi năm một tăng, ảnh hưởng rõ rệt vào điều kiện di chuyển nói chung bằng máy bay của chúng ta. Như cái cảnh tượng hàng dọc ngoằn ngòeo con rắn những hành khách chờ khám xét hành lý và cá nhân, đối với ai trong chúng ta thì đây cũng đã là một ám ảnh đến nỗi..phải khó chịu. Còn vé máy bay giá cao hơn trước khá nhiều, hành lý mang theo cũng bị giới hạn, phải chịu thêm sở phí, và cả đến vấn đề ăn uống trên phi cơ cũng bị giảm thiểu hẳn nếu không muốn chịu chi thêm tiền túi ra... Và nhất là dạo này ảnh hưởng của tuổi tác đã bắt đầu khiến cho tâm lý của cá nhân tôi ngại đi xa, thích chần chừ khất lần với chính mình.
Ôi...Nhớ
lại mười năm trở về trước, tôi vốn sẵn là tên thích di chuyển: Cứ cuối tuần là
nhấp nhỏm, không xuống San Diego chơi với Nghiêu Đề, Lê Tất Điều thì lại lên
San Jose bù khú với một lô anh em trên đó. Từ Trần Lam Giang, Bùi Ngọc Tô, Nguyễn
Bá Trạc, Phạm Tài Tấn, Nguyễn Văn Tấn, Trần Trị Chi...Hồi ấy, chân tôi làm như
lúc nào cũng ngứa ngáy, luôn luôn cần phải di chuyển chỗ này chỗ kia, chứ không
thì phát cuồng mất! Phải vậy thôi: Chân có đi thì mới thỏa mãn được cái miệng
thèm ăn món ngon vật lạ,cái tai chỉ khóai nghe những luồng gió mới - những chuyện
đời thường vô cùng quyến rũ, cái mắt hau háu nhìn cảnh sắc và con người thay đổi
bất ngờ trong đời sống... Có như vậy mới kích thích cho cái đầu làm việc, cái
ký ức hớn hở tiếp nhận, cái tay tí tóay viếc lách để làm quà trao gửi với bạn hữu
được chứ!
Tuy nhiên mới đây nghe thêm là Nguyễn Minh Diễm và Lê Thiệp sức khỏe bắt đầu lại có vấn đề, tôi làm như được tiếp sức thúc đẩy mình lên Washington D.C. một chuyến.Vậy mới biết rằng tuổi tác lẫn hòan cảnh đối với tôi cho đến lúc này vẫn chưa đủ cân nặng bằng cái thâm tình bạn hữu vốn sẵn hiện diện từ lâu trong con người mình...
Và đến lúc ngồi yên vị trên máy bay, tôi mới nhẩn nha nhớ rõ: Cũng phải cả 18 năm nay mình mới lại có dịp lên đó! ..Ấy mà chuyến đi lên đấy lần này mở đầu xem ra đã khiến tôi có cảm giác như tươi mới hẳn hòan tòan. Mở đầu cái màu sắc mới lạ này chính là trong tâm tình, cho đến bây giờ tâm trí tôi vẫn đinh ninh rằng mình xa nơi đấy dường như không hề lâu đến mức gần hai thập niên như vậy! Thế mới biết thời gian mỗi lúc một qua nhanh, tuổi tác càng chất chồng thì tâm tình có huynh hướng đốt giai đọan, khiến cho tôi chỉ nhớ những gì muốn nhớ mà thôi.
Chẳng
qua cũng tại ..cái tuổi già!
Đầu tiên thì lấy vé máy bay di chuyển đã là một vấn đề mới rồi: Người bạn của tôi dò tìm trên NET để mua vé trả bằng thẻ tín dụng một cách dễ dàng, nguyên công việc này cũng đủ khiến cho tôi không thốt hẳn ra bằng lời nhưng trong bụng đã 'chào' thua bạn ấy rồi.Thêm vào đấy,bạn tôi mua được vé đi từ phi trường địa phương là John Wayne Airport, trước ngày đi có hai tuần mà khứ hồi chỉ có ba trăm đồng bạc, đợt đi thì xế trưa còn đợt về đến nơi là trên11 giờ đêm,chỉ có một điều là phải chuyển một lần máy bay. Đi vào buổi trưa mà tại phi trường LAX thì rời Little Sàigòn này trễ nhất cũng là 9 giờ rưỡi sáng mới 'chắc ăn' vì phải trừ hao các vụ bị kẹt xe trên xa lộ mà còn phải đợi khám xét cá nhân và hành lý thường ra xếp hàng trong cái đuôi dài dằng dặc trước khi lên được máy bay ở đấy. Nhận được vé qua email, tôi hết sức cảm ơn và quả thật là 'phục' lăn, buột miệng khen sự chu đáo vô cùng của bạn tôi!
Nhưng,
theo kinh nghiệm của cá nhân, tôi đã thấy rằng chẳng khi nào đời mình lại có những
điều kiện hòan hảo trong may mắn cả: Vé mua trước có hai tuần mà được rẻ đến gần
nửa giá, rồi còn đuợc đi về ngay tại phi trường địa phương. Nghĩa là chắc chắn
chẳng sợ bị kẹt xe trên xa lộ, mà chỉ tốn có hai mươi phút là đến và về, thì nhờ
bạn hữu đưa đón thật dễ mà khỏi phải tốn dăm ba chục bạc tiền taxi hay Shuttle!... Được lợi thì đại khái là thế,
nhưng thật ra khi vào thực tế thì bất cập.. rắc rối. Vé đã ghi rõ là không được
bay một mạch đến nơi: Khi đi, phải chuyển máy bay ở Chicago và lúc về chuyển ở
San Francisco, một tiếng đồng hồ xách va ly chạy vòng vo trên những hành lang
dài hun hút, mệt đứt hơi thì mới kịp lên chuyến kế. Rõ rệt là tiền nào của nấy
!
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng cốt lõi ở đây vẫn là bắt nguồn từ cá nhân của tôi: Cách đây mười năm trở về trước thì cái trò chuyển đổi chuyến bay như vậy là một sự kiện chả bao giờ tôi phải lưu tâm tới, mà thường ra tôi lại thích thế nữa, nghĩa là được dịp háo hức biết thêm những phi trường mới. Còn bây giờ thì khác hẳn. Mệt bở hơi tai, khiến mình không còn hứng thú tới cái chuyện đủng đỉnh nhìn ngắm người qua kẻ lại... Ôi. Chẳng qua cũng tại cái tuổi tác nó hành mình.
Lại nữa: Lúc về, va ly của ai nấy xách cho đỡ tốn tiền gửi. Thế mà lên máy bay, va ly tôi to hơn thì cứ phom phom được cho qua trạm xét vé; va ly của anh bạn nhỏ hơn thì trái lại, chẳng hiểu tại sao lại bị yêu cầu trao cho nhân viên chuyển đi sau. Chúng tôi cứ đinh ninh là sẽ xuông xẻ lãnh hành lý ngay khi về tới nơi; nhưng khi hai đứa xuống phi trường John Wayne rồi mà chờ mãi không thấy, hỏi trạm thì mới được biết rằng hành lý của anh bạn đã thất lạc và chiều hôm sau họ mới đưa tới tận nhà!
Cảnh
xưa.., xưa quá, đến độ lại như mới hòan tòan!
Thủ đô nước Mỹ kỳ lên thăm này quả cho tôi có một cảm tưởng như mới mẻ thật đấy.
Phi
cơ cất cánh ở Nam Cali vào xế trưa, chính xác là 13 giờ 55 phút ( tức gần 2 giờ
chiều), tới phi trường O'Hare, Chicago, lúc 8 giờ tối, xách va ly đi như chạy
loạn thì mới vượt qua được ba hành lang dài nối đuôi nhau để lên chuyến kế tiếp
đúng 9 giờ lẻ 5 phút, nhưng phải đợi đến gần một tiếng sau và như vậy là vừa thở
vừa uống chưa xong ly nước lọc thì bắt đầu đã nghe phi công trưởng nhắc, chuẩn
bị xuống phi trường Reagan. Ra tới hành lang đợi bạn đón, nhìn đồng hồ:12 giờ,
giữa đêm,ở Washington D.C. Hóa ra hai nơi, Chicago và Washington D.C. cách nhau
một múi giờ!
Anh
bạn Dương Thiệu Chí chở hai chúng tôi qua ngược rẽ xuôi trong đêm tối,mà lại lất
phất mưa nữa. Tôi chẳng thấy cái gì hai bên đường,ngòai những lằn sơn trắng lờ
mờ giữa đường đi trong sương mỏng. Chỉ như anh mù đang sờ voi. 'Sờ' vào đường
phố thủ đô mà chẳng thấy ra cảnh vật chung quanh gì xất cả!
Sáng hôm sau, 7 giờ dậy, nhìn ra ngòai cửa sổ trời sáng mờ mờ. Liếc qua nhiệt kế thấy thóang gần 50 độ F. Tắm một cái, mới có cái cảm giác sảng khóai trở lại. Bước xuống bếp, làm một ly cà phê đen với một muỗng đường và ra cái deck phía sau nhà, đốt một điếu thuốc lá đầu ngày.Yên lặng rít , nghe ông bạn Chí nói rằng cái luật cấm hút thuốc ở thủ đô này bây giờ khá là gắt gao: Ở thị xã Silver Spring, khu bạn tôi có nhà ở, hàng xóm khiếu nại đến độ hút thuốc ở cái deck đằng sau nhà của mình cũng bị 'hỏi thăm' đến! May mà bạn cũng đang hút thuốc với bọn tôi, và có sẵn cả cái gạt tàn để bên cạnh, hút thả giàn!..Nhưng vẫn chỉ theo lời bạn tôi kể: Ở bất cứ nơi nào khác trên này thì hút thuốc lá phải nên có một giỏ rác 'đặc biệt', bọc bao ny lông lót hẳn hòi, hút xong gói bao ny lông kỹ lại và đem 'diếm' vào đáy thùng rác lớn ngay, không có 'bà chủ' ( tức xếp ở trong nhà) thấy ngứa mắt là cũng vẫn bị cự như thường!..
Ông
bạn còn kể ra mấy lần phải sửa chỗ này chữa chỗ nọ, khiến tôi ngầm hiểu một
cách rõ rệt là căn nhà này 18 năm trước tôi đã được đến trú ngụ một lần.Thế mà
từ khuya hôm qua với sáng nay tôi vẫn thấy là lạ như mình mới lần đầy bước chân
tới! Đồng thời, tôi lại bùi ngùi nhớ về lần lên kỳ trước ấy: Có một tối vì bận
bịu, hai đứa chúng tôi về tới nhà đã 10 giờ đêm rồi mà bà cụ thân sinh ra bạn
tôi( sẵn dịp lên ở nhà con gái) vẫn thương hai đứa ( con ruột lẫn bạn của
con)như thời hai mươi mấy năm về trước còn ở Sàigòn, cụ nhất định nấu canh mồng
tơi và rán đậu rồi rưới nước mắm trộn hành lá xắt nhỏ, ăn ghém với dưa cà để
“hai đứa về ăn cơm tối cho nó mát ruột!”.Cụ còn cất công ngồi đợi tụi tôi đi
khuya về, khiến bước vào nhà sau một ngày họp hành liên miên mà hai chúng tôi vội
lên phòng tắm cho nhanh một cái là xuống ăn, “không có cụ phải đợi lâu nữa!”...Lần
lên kỳ này thì cụ đã về với ông bà tổ tiên cả gần mười năm nay rồi...
Gần
trưa, đến giờ hẹn trước, bạn chủ nhà bận việc khác phải đi, cho mượn chiếc xe.
Hai đứa chúng tôi lên đường, với chiếc GPS: Từ đấy ra khu Eden trung bình nửa
tiếng, nếu không kẹt xe. Bạn cùng đi với tôi lái xe trên xa lộ 495, một lọai
beltway của thành phố Houston vậy. Thấy bên trái có 2 lằn EZ Pass (như lọai
Express Way ở Cali) đang trống trơn vì giờ này không bị kẹt xe. Đi xa lộ vòng
đai về phía nam rồi chuyển sang phía đông, sau đó mới bắt vào đại lộ Arlington.
Hai bên đường còn những vạt bãi cỏ thóang, thỉnh thỏang mới có một khu shopping
center nhỏ, còn phía trong cùng vẫn là những mảnh rừng cây..Và tuyết không biết
tự bao giờ đã bay xuống như mưa bụi, phủ lốm đốm trên những mái nhà thấp ven đường.
Anh
bạn vừa lái xe vừa giảng giải cho tôi nghe rằng giữa những nếp nhà kia, căn nào
mà có mái tan tuyết sớm nguyên do là vì hệ thống sưởi của nhà ấy đã lâu không
được bảo trì nên bị hở, khiến không gian trong nhà ấm lên đến mái...
Qua
mấy giao lộ, thấy dòng xe cộ ở đây tương đối chịu đi nối đuôi và thứ tự nhường
nhau .Tôi đang tự nhủ thầm rằng dân cư ở đây chạy xe xem ra cũng còn 'hiền' hơn
bên Cali, nhất là so với khu Little Sàigòn Nam Cali. Thì bạn tôi chỉ cho thấy đằng
sau một chiếc xe đang chạy phía trước mặt, tôi đọc được trên bảng số có ghi:
“Nước Mắm:I put that shit on everything”. Tôi bật cười: “ Riêng cái hiện tượng
này coi bộ trên này ' xôm tụ' hơn dưới mình đấy!”.
Bây
giờ là vào giữa tháng Ba, 2013. Tôi đã có ý xem thủ đô nước Mỹ đang ở thời gian
biên giới mùa đông sang Xuân nó biến chuyển ra sao. Tôi nhớ rằng khuya qua đã chớm mưa và sáng nay có tuyết nhẹ.
Hai vạt cỏ trước nhà của bạn tôi ở Silver Spring lún phún tươi; còn sau nhà thì
khỏang cách từ cái deck ra đến bờ rừng thông là mảnh đất gồ ghề lơ thơ mấy bụi
lau khô trơ cành, phải tinh mắt một chút ta sẽ thấy vài túm thủy tiên đất đã
nhú lên một hai chiếc lá hình lưỡi kiếm và mấy nụ hoa hiếm hoi đã nẩy mầm
xanh.. Nhưng khi được đến ngôi nhà nhỏ khuất nẻo trong khu bên phải đại lộ
Arlington, nhà của anh Đặng Đình Khiết ( nơi đây cách khu Eden chỉ độ chưa đầy
một cây số), tôi như òa lên một nỗi mừng vui thích thú :Nhìn ra những khóm cây
cỏ hoa lá ở vườn trước nhà anh Khiết đã xanh om. Nhiều cụm thủy tiên đất hoa
vàng lá xanh cũng đã điểm xuyết một cách duyên dáng không ngờ, như hơi thở của
mùa xuân đang ấm áp len lén về đây tự lúc nào rồi!
Khung
cảnh của nhà anh Khiết khiến tôi hừng chí và chợt nhớ tới ông cụ thân sinh ra
anh Nguyễn Bá Trạc: Hai mươi mấy năm về trước, tại căn nhà yên tĩnh trên con đường
nhỏ chạy trên một cây cầu xi măng bắc qua cái lạch bé con con, cạnh vườn hoa
bên một trường tiểu học ở trung tâm thành phố San Jose. Cuối năm nào mà tôi từ
dưới Little Sàigòn lên thăm là thấy cụ sớm chiều một mình ngồi bên chiếc bàn nhỏ
ngòai hàng hiên nhà tỉ mẩm tỉa thủy tiên, những củ và rễ trắng phau có mấy cọng
lá vút dài xanh mướt. Nhận ra tôi, cụ ngẩng đầu lên, đôi kính lão trễ tới gần chóp mũi, miệng cụ mỉm cười. Sau lời
chào của tôi, cụ lại nhắc: “ Khi nào về lại dưới ấy, anh chịu khó cầm theo vài
nhánh thủy tiên mà ăn Tết!”
Mới đấy mà đã thóang vút một cái, hai mươi mấy ba chục năm lướt qua như một cái chớp mắt...
Mới đấy mà đã thóang vút một cái, hai mươi mấy ba chục năm lướt qua như một cái chớp mắt...
Cuộc đời tôi bắt nguồn từ di chuyển.
Định
cư ở Hoa Kỳ, tôi đã từng được nhiều dân Mỹ cho biết họ sinh ra và lớn lên tại một
thành phố rồi cả đời chưa có dịp đi xa ra ngòai tiểu bang họ sinh trưởng. Trái
hẳn lại, tôi là một cá nhân xem ra suốt cả đời đều sống theo những di chuyển không ngừng.
Đầu tiên hết, bất cứ ai trên trái đất này khi cần đề cập tới gốc gác là phải nói về nơi sinh chốn ở, phải không? Nói chung là về ý niệm quê hương thì thường ra đối với đa số chúng ta chắc cũng khá đơn giản...Nhưng suy nghiệm từ bản thân, quê hương đối với tôi xét vào chi tiết rõ rệt thì không hề đơn giản hóa được đâu.
Thí dụ như nói tới nguyên quán, nơi phát xuất ra giòng họ của cha mẹ tôi là ở Nam Định...Ấy! Riêng cái nghĩa của chữ nguyên quán ở đây có thật là bao hàm nơi cha mẹ tôi sinh ra hay không, hiện nay tôi cũng chẳng biết chắc nữa. Còn cá nhân tôi thì mãi tới khi sống được tới 62 tuổi rồi tôi mới có dịp trở về nơi đó, Nam Định, để chính mắt nhìn thấy quê quán bản gốc của mình lần đầu!
Và tôi cũng chỉ có cơ hội lưu lại ở đó gần một ngày trời, để được hướng dẫn thăm khu nhà từ đường và ra đến nghĩa địa của dòng tộc.(Dòng tộc xác định ở đây chỉ với những người còn sống ở lại ngòai Bắc sau năm 1954 thôi nhá, chứ cha mẹ tôi thì lại mất và được chôn cất tại những nghĩa trang quanh Sài Gòn,rồi sau năm 1975 bị bắt buộc phải bốc mộ,bỏ tro cốt vào hũ thờ trong một ngôi chùa ở trong Nam)
Cũng ở cái làng Dương Lai- tổng Trình Xuyên- huyện Vụ Bản- tỉnh Nam Định ấy, tôi đã được ăn một bữa cơm trưa tại nhà một người bà con xa, rồi ngay sau đó thì vội vã lên đường lại...
Nghĩa là tất cả chuyến về quê năm 2004 ấy chỉ thóang phớt qua, như tôi chỉ hiện hữu trong một giấc mơ, mà không một hình ảnh nào đậm nét còn đọng lại lâu trong tâm trí mình!
Còn nơi tôi được sinh ra đời là ở Vĩnh PhúcYên. Cho đến giờ phút đang viết đây tôi cũng chưa hề mường tượng ra sao về cái nơi chốn ấy. Tôi chỉ nghe nói lại rằng thời gian tôi sinh ra đó là đúng lúc cha tôi đang làm việc cho nhà giây thép (tức là nhân viên sở bưu điện, nói theo ngôn ngữ bây giờ) ở đấy ... Và trong thời thơ ấu ( mẹ tôi mất đi lúc tôi chưa đầy 11 tuổi đầu!), tôi còn nhớ mang máng là mẹ tôi đã có lần tâm sự rằng khi tôi vừa sinh ra đời thì bà mệt quá, thiếp đi một lúc sau tỉnh lại, nhìn ra thì thấy bầu trời vẫn chưa ửng mây phớt đỏ rạng đông...
Thật ra thì ngay chính cha mẹ tôi cũng suốt đời phải bôn ba kiếm sống tại rất nhiều nơi, nên tất cả anh chị em tôi đều đuợc lấy chữ của địa danh nơi được sinh ra mà đặt thành tên, như các cụ thường dạy là để đánh dấu những giai đọan sống trên con đường tha phương cầu thực vậy mà.Cha mẹ tôi bảo thế. Chẳng hạn như tôi tên Bảo là vì được sinh ra đời tại một chẩn y viện tọa lạc trên một ngọn đồi nhỏ thuộc huyện Bảo Sơn, tỉnh Vĩnh Phúc Yên vậy!
Rồi
đến trú quán thì SàiGòn là nơi gia đình tôi từ Hà Nội di chuyển vào và định cư
từ cuối năm 1954 cho đến năm 1975...Và trú quán thứ nhì của tôi là Little
SàiGòn, Nam Cali, suốt từ giữa năm 1981 cho đến bây giờ, 32 năm, một quãng thời
gian dài nhất trong cuộc đời của riêng tôi.
Thế
đấy. Cá nhân tôi mà bản quán- sinh quán lẫn trú quán khác biệt chí ít thì cũng
được liệt kê đại khái như kể trên rồi. Chứ nói chi đến gần sáu năm tù đầy, tôi
đã phải di chuyển bốn trại ở trong Nam và ba trại ở ngòai Bắc. Và sang đây 32 năm,
mặc dù định cư chỉ có một tiểu bang nhưng nhà ở thì cũng đã phải thay đổi độ khỏang
trên mười chỗ khác nhau. Đấy là chưa nói tới nguyên do vì công việc và cũng vì
tâm tính của cá nhân thúc đẩy mà tôi đã không năm nào mà không đi xa tới dăm bẩy
chỗ, trên nước Mỹ lẫn Úc Châu, Âu Châu, Canada và Đông Âu.
Bệnh với lão.
Cũng suy ra từ cái tuổi tác của cá nhân, tôi thấy bắt buộc phải thổ lộ ở đây một vài điều nhận xét mới nhờ vào kinh nghiệm bản thân.Chứ tôi phải thú thật rằng xưa nay vốn ngại đề cập tới 'cái tôi' vừa đáng ghét lại vừa 'chẳng giống ai' cả.
Số
là từ trước tới nay chúng ta vẫn quen thấy rằng khi nhắc nhở đến cuộc đời thì
người ta thường hay đề cập vấn đề “sinh-lão-bệnh-tử”.Trước tuổi sáu mươi, tôi vẫn
băn khoăn rằng, nếu câu nói này mà xét theo nguyên tắc trình tự những giai đọan
sống của một đời người, từ ấu thơ sang thiếu niên rồi trưởng thành kéo dài tới
trung niên thì sau đó tuổi già mới phát hiện ra; như vậy phải nói là “sinh-bệnh-lão-tử”
mới xác thực chứ. Bởi con người từ lúc sinh ra cho đến khi chết, bệnh là một yếu
tố có thể phát tác ra ở bất cứ lớp tuổi nào.
Nhưng trên mười năm nay, mỗi tuổi được sống thêm ra thì biến chuyển tâm-sinh lý mỗi lúc một khác đi, đã khiến tôi dần dà cảm nhận được rằng:
- Đời sống của bất cứ một con người nào thì cũng giống nhau ở chỗ là đã có 'sinh' thì nhất định phải có 'ốm đau bệnh tật', có 'già nua đi' và phải 'chết'. Như thế, đời người mặc dù hết sức ngắn ngủi nhưng vẫn theo tuần tự như vậy, có khác nào so với vũ trụ và vạn vật đâu.
- Trong cái vòng quẩn quanh vô cùng nhỏ bé của đời sống ấy, có sinh thì chắc chắn phải có tử, hai mốc điểm“sinh” và “tử”đánh dấu ở hai đầu giới hạn của một đời người. Còn “lão”và “bệnh” là hai hiện tượng chúng cứ thường xuyên xẩy ra, ở cả thể xác-tinh thần-tâm lý, và đều có thể bất cứ lúc nào chúng đưa ta đến cái chết, chẳng ai có thể biết trước được cả.
- Xét sâu vào chi tiết, chúng ta còn nhìn ra những diễn biến hỗ tương ảnh hưởng vào nhau trong cuộc sống của “bệnh”và “lão”:Bệnh đại khái có bệnh của thân thể và bệnh của tâm lý( lạc quan hay bi quan), bệnh của tinh thần (trí tuệ phát triển hay trì trệ). Cả ba thứ bệnh này đều có tác dụng ảnh hưởng lẫn nhau, để tạo ra những hậu quả cho con người chúng ta! Hiện tượng già nua đi ở con người cũng vậy, cũng lão hóa thể xác( thể hiện ra bên ngòai hình thể và những bộ phận bên trong cơ thể), lão hóa tâm lý và lão hóa trí tuệ. Hai lọai già và bệnh còn hỗ tương ảnh hưởng lẫn nhau nữa!
- Do đó, câu nói “sinh-bệnh-lão-tử” mục đích không phải chỉ được liệt kê theo thứ tự của những sự kiện phát sinh ra trong đời sống, mà còn muốn diễn tả nội dung ảnh hưởng tương tác lẫn nhau của bốn yếu tố này trong sự sống của con người ( lẫn vũ trụ và vạn vật).
- Đặc biệt hơn nữa, lúc ta còn trẻ và trung niên, nghĩa là lúc mà cả con người của ta từ thể xác lẫn trí óc và tâm thần đang thời phát triển phương cương, bệnh có phát sinh thì ta mới thấy đau khổ đầy ải. Đến khi được chữa trị xong rồi là con người ta thường quên ngay đi cái khổ bị bệnh hành, mạnh dạn tiếp tục hân hoan trên con đường sống. Nhưng chính thời kỳ ấy, ta cần phải lưu ý rằng khi thể xác bị bệnh hành, chuyện chữa trị cấp thời là điều cần thiết trước tiên. Tuy nhiên, ngay sau đấy, nếu ta không truy cứu để thấu hiểu cặn kẽ đến căn nguyên của mầm bệnh để tìm cách trừ cho tuyệt 'nọc', cứ ỷ y như cũ, tức là cứ nuôi mầm bệnh bằng những chứng tật, thì sớm muộn gì bệnh cũng sẽ tái phát, hiện tượng này được gọi tắt là bệnh tật và tật bệnh, có tính cách xoay vòng ảnh hưởng lẫn nhau.
- Còn lúc tuổi tác ta trở về già, từ thể xác cho tới tâm thần và trí não chúng ta đều cằn cỗi dần đi, vì chứa đựng quá nhiều thứ, nên mọi sinh họat của con người ta cũng đều 'uể uải' hết, nếu lại phải chịu đựng thêm tật bệnh nữa thì cái mầm mống ngại khổ-chán sống nó cứ mỗi ngày một 'hành hạ' tòan diện con người của mình. Nếu chúng ta không thức thời mà thay đổi triết lý sống, đơn giản hóa mọi sinh họat cho phù hợp với tuổi tác thì nỗi khổ đau dằn vặt cứ thế mà đeo đẳng day dứt chất chồng, ta không thể nào chịu đựng nổi nữa đâu!
Nhận
xét như trên quả có hơi dài dòng về bệnh tật đấy. Nhưng kinh nghiệm cho tôi biết,
hãy chứng tỏ tối đa tình cảm của mình qua hành động sống, còn đồng thời ngòai
ra lại cần phải giới hạn cũng tối đa cái thói ưa bầy tỏ cho người khác biết về
những hiểu biết mới của mình, nhất là đừng bao giờ đề cập đến tật bệnh cuả thân
hữu. Bởi phần đông người ta không ưa đề cập nhiều đến cái bệnh tật mà mình đang
phải chịu đựng. Hơn nữa, ở vào chừng tuổi này, chả còn ai 'dậy khôn' được cho
ai nữa cả!
Bạn hữu.
Sau khi phải 'bóp bụng' thổ lộ ba điều bốn chuyện về cái già và bệnh tật, tôi thật sự đang thở phào nhẹ nhõm và thơi thới hân hoan để bàn sang cái 'mảng' quan trọng là bạn hữu với quí vị đây.
Dù
gì đi nữa, bạn hữu đối với cá nhân tôi xưa nay vẫn được mỗi lúc một trân quí
hơn lên, bổ túc cho cái vòng thân mật bản thân bên cạnh gia đình của mình. Tôi
nghiệm thấy thế. Hay nói một cách khác đi, tôi quan sát thấy rằng phần đông những
ai thuộc thế hệ sinh trước và sau thập niên 1940, như tôi chẳng hạn, đa số đều
bầy tỏ bằng hành động trong đời sống của mình là cái thái độ quyến luyến bạn hữu,
mỗi tuổi sống thêm là một thân thiết hơn lên.
Chẳng thế mà có người cho rằng bạn hữu quan trọng ở chỗ gần gũi thân mật với nhau từ thuở còn đi học.Sự kiện này xem ra rất phù hợp với hầu hết chúng ta.Nhưng nếu chỉ học chung hồi nhỏ không thôi, rồi sau đó ít gặp, mà còn tan tác một người một nơi, mỗi người theo đuổi một nghề nghiệp riêng, thì dù thời đi học có thân mật với nhau cách mấy đi nữa thì cũng vì hòan cảnh 'xa mặt cách lòng” mà phôi phai dần đi.Còn như trường hợp đã học chung hồi nhỏ, lớn lên thường xuyên vui chơi với nhau, hay cùng một sở thích, rồi ra đời vẫn còn có dịp sinh họat chung, gặp gỡ nhau hòai nữa... Nghĩa là phải có một thời gian gắn bó dài lâu với nhau bằng nghề nghiệp, bằng cái phần số trong những giai đọan khó quên nhất vừa qua của cuộc đời mình thì chắn chắn là phải mật thiết với nhau hơn cả.
Cũng
có người thổ lộ rằng sở dĩ thế hệ tôi mà bạn hữu quí mến nhau được như vậy là
vì chúng tôi sinh ra là gặp ngay lúc đất nước phải chiến tranh, rồi lại cùng
nhau trải qua hai mốc điểm khá đặc biệt của lịch sử dân tộc cận đại:Năm 1954
chuyển đổi nơi cư trú để chan hòa nếp sống với nhau (dù có gốc gác là từ Bắc-Trung hay Nam phần đi nữa); và cái năm 1975 tan tác
khổ ải, thêm quá nhiều người bạn của chúng tôi bị tiêu vong từ lúc còn xanh
tóc, rồi sau đó lại thóat ra khỏi nước mà định cư ở hải ngọai này, và nhất là
hiện nay chỉ còn ít người sống sót cho đến tận bây giờ để được xếp vào cái lớp
tuổi già với nhau như chúng tôi đây...Nghĩa là tựu trung lại, có đến bốn năm thứ
đổi đời hy hữu như vậy đều gom góp lại cho một thế hệ chúng tôi.
Trong
kinh nghiệm của dân tộc, chúng ta vốn đã được biết rằng“ không thầy đố mầy làm
nên” Nhưng đặc biệt hơn nữa là cả đời
tôi những vị thầy đếm cũng chưa hết hai bàn tay mình.Thế mà, trong khi đó, kinh
nghiệm bản thân tôi đã chúng minh cho thấy trong bất cứ giai đọan nào của đời sống
thì cái châm ngôn “học thầy không tầy học bạn” bao giờ và luôn luôn đều đi kèm
với ' bạn cũng là thầy của mình' nữa! Cho nên đối với tôi, từ ngữ bạn hữu có một
nội dung khá sâu xa...Ở một bài viết khác thuận tiện, tôi sẽ xin khề khà trình
bầy cặn kẽ vào vấn đề này sau.Riêng ngay tại đây, tôi chỉ xin dứt khóat khẳng định
rằng: Sống ở đời mà được có bạn hữu, càng nhiều bao nhiêu càng hãnh diện bấy
nhiêu; và đối với tôi bạn hữu là một niềm hạnh phúc vô biên, không một giá trị
nào khác có thể so sánh bằng!
Còn
nói chung, trong mỗi một cá nhân, những ai vốn sẵn từ trong cuộc sống đã tỏ ra
bằng hành động coi trọng tình bằng hữu. Thì theo tôi đấy là điều kiện tiên quyết
đáng trọng nhất, sau đó rồi mới có thể xét vào những chi tiết khác nữa đuợc...
Cho
nên, kỳ này hai đứa chúng tôi lên đấy, đương nhiên là đi thăm mấy ông “thần nước
mặn”. Trước nhất phải là Nguyễn Minh Diễm.Rồi cũng nhờ Diễm hứng khởi một cách
hăng hái(đến nỗi chính bà xã của chàng cũng chính thức tỏ ra khuyến khích)
'tình nguyện' hướng dẫn cả bọn đến thăm Lê Thiệp, và gian nan nhất là tới với
Ngô Vương Tọai, ở một khu nhà còn khá mới, thuộc Manassas, khá xa và cũng khó
tìm đến. Thế là tất cả mong muốn đều được chu tòan, quá những gì chúng tôi dự định!
Ngòai ra, chúng tôi còn hẹn hò được với những Đặng Đình Khiết, Phạm Đức Tiến, Đào Trường Phúc, Nguyễn Anh Văn, Nguyễn Mai Thọ...Riêng anh Trần Quang Duật thì đã rất sốt sắng và ăn ý với Phạm Gia Cổn, cho nên tôi cứ thế mà được 'ăn theo', thỏai mái được hưởng ké sự thù tiếp ân cần tới ba lần của anh.
Không những thế, hai đứa chúng tôi còn được lên khề khà ở quán Xe Lửa.Và nhờ vậy,chúng tôi tình cờ một cách hân hạnh được gặp gỡ những ông bạn như Nguyễn Tường Giang, Đỗ Hùng...,những vị tôi nghe danh lâu bây giờ mới có dịp gặp là ông Cò Ly, ông luật sư Tòan.., cả đến như ông Nguyễn Mạnh Hùng, một nhân vật thường xuyên có việc xuống 'chơi' dưới Nam Cali chúng tôi nữa!
Tuy
thế, vài ngày ở nán lại thủ đô Mỹ vẫn phải gọi là quá vội vã. Tôi không làm sao
còn có thêm được thì giờ đâu để dám hẹn gặp những Đòan Triệu Hân, Nguyễn Hữu Hiệu,
Duy Lam, Đặng Văn Thụ, Uyên Thao...và với
những bạn quá lâu rồi mà không liên lạc lại được như Nguyễn Đình Hùng, Đỗ Việt
Cường...
Thôi thì..xin hẹn gặp lại.
Thôi thì..xin hẹn gặp lại.
Tôi dám nói lên lời hẹn gặp lại một cách 'chắc như bắp' như thế là vì trong quá khứ của chưa đầy một năm nay, nào có hẹn trước bao giờ đâu mà tôi đã được bù khú một lần với Phạm Đức Tiến, tới hai ba lần với Đòan Triệu Hân, Đặng Văn Thụ..., tại Nam Cali!