PAULO COELHO
NHƯ DÒNG SÔNG ĐANG CHẢY
(LIKE THE
FLOWING RIVER)
Thân Trọng Sơn
dịch và giới thiệu
PAULO COELHO
Cuốn
sách này ghi lại những chuyện kể về những khoảnh khắc tôi đã trải qua,
những câu chuyện tôi được nghe thuật lại và những chiêm nghiệm tại mỗi
khoảnh khắc trong từng chặng hành trình trên dòng sông đời tôi.
PAULO COELHO
NGƯỜI CHẾT MẶC BỘ QUẦN ÁO NGỦ
Tôi đọc trên báo mạng tin ngày 10 tháng 6 năm 2004, tại Tokyo, một người đàn ông được tìm thấy đã chết trong bộ quần áo ngủ.
Cho
đến nay mọi việc đều ổn. Tôi nghĩ rằng phần nhiều những người chết khi
mặc đồ ngủ (a) hoặc là chết khi đang ngủ, đó là điều hạnh phúc, hoặc là
(b) đang ở cùng gia đình hay đang nằm bệnh viện, tức là cái chết không
đến đột ngột, và họ có đủ thời gian để làm quen với " người khách không
được mong đợi" như cách gọi của Manuel Bandeira, nhà thơ Brazil.
Bản
tin viết tiếp: khi chết, ông ta đang ở trong phòng ngủ, điều này loại
trừ mọi giả thuyết về đau ốm nằm bệnh viện, và chúng ta chỉ còn có thể
nghĩ là ông chết khi đang ngủ, chẳng đau đớn gì, cũng chẳng nhận thức là mình sẽ không nhìn thấy lại ánh sáng ban mai.
Tuy nhiên, vẫn còn một khả năng: có thể ông bị tấn công hay sát hại.
Ai
đã từng biết Tokyo ắt cũng biết rằng, tuy rộng lớn, đây là một trong
những nơi an ninh nhất trên thế giới. Tôi nhớ một lần dừng chân dùng bữa
với những nhà phát hành người Nhật trước khi lái xe đi tiếp vào nội địa
nước Nhật. Tất cả túi xách đều để ở băng ghế sau xe hơi. Tôi nói ngay
là thế này thì nguy hiểm quá; có thể ai đấy đi qua, nhìn thấy hành lý
của chúng ta và lấy đi hết áo quần, tài liệu và tất cả các thứ khác.
Người bạn phát hành mỉm cười bảo tôi chớ bận tâm; suốt đời ông chưa hề
biết chuyện như thế xảy ra bao giờ cả (và thật vậy chẳng có chuyện gì
xảy ra với hành lý của chúng tôi, thế mà suốt bữa ăn tôi vẫn thấy căng
thẳng).
Nhưng
hãy trở về với người đàn ông chết trong bộ quần áo ngủ: không có dấu
hiệu xô xát, bạo lực hay chuyện gì tương tự thế cả. Một viên chức của Sở
Cảnh sát trả lời phỏng vấn của tờ báo đã cho biết hầu như chắc chắn
rằng ông ta chết vì đột quỵ. Vậy thì cũng loại trừ giả thuyết bị sát hại
luôn.
Thi thể được các công nhân của một công ty xây dựng phát hiện tại tầng hai một toà nhà trong khu định cư sắp bị phá
dỡ. Tất cả cho chúng ta nghĩ rằng người chết trong bộ đồ ngủ do không
thể tìm được chỗ tá túc tại một trong những nơi đông đúc nhất và đắt đỏ
nhất thế giới đành phải quyết định tìm đến sống nơi toà nhà này để khỏi
phải trả tiền nhà.
Giờ
mới đến phần thảm thiết của câu chuyện. Người chết chẳng còn lại gì
ngoài bộ xương khô trong quần áo ngủ. Bên cạnh là một tờ nhật báo mở ra,
đề ngày 20 tháng 2 năm 1984. Trên chiếc bàn kế bên, tấm lịch cũng chỉ
đúng ngày tháng đó.
Ông đã nằm đấy hai mươi năm rồi.
Không ai để ý đến sự vắng mặt của ông.
Người
đàn ông được xác nhận nguyên là công nhân của công ty phụ trách xây
dựng khu định cư, nơi ông chuyển đến làm việc vào đầu thập niên 1980,
ngay sau khi ly dị vợ. Ông mới qua tuổi năm mươi vào cái ngày ông đọc
báo và đột ngột lìa đời.
Vợ
cũ của ông không hề tìm cách liên lạc với ông. Các nhà báo tìm tới công
ty cũ của ông và phát hiện là công ty bị phá sản ngay sau khi dự án
hoàn tất vì không thể bán được căn hộ nào, điều này giải thích tại sao
những người ở công ty không ngạc nhiên khi thấy ông thôi không tới tìm
việc nữa. Các nhà báo truy tìm bạn bè của ông, những người này đều nghĩ
là ông biến mất vì đã mượn tiền mà không trả được.
Bản
tin kết thúc bằng chi tiết hài cốt của ông đã được chuyển về cho người
vợ cũ. Đọc xong bài báo, tôi cứ suy nghĩ mãi về câu kết này, người vợ cũ
vẫn còn sống, vậy mà trong suốt hai mươi năm, bà không một lần thử liên
lạc với ông. Điều gì đã xảy ra trong đầu óc bà ta vậy? Rằng ông không
còn yêu thương bà nữa, ông quyết gạt bà ra khỏi cuộc đời? Rằng ông đã
gặp một phụ nữ khác rồi bỏ đi mất tăm? Rằng cuộc đời thường đơn giản là
như thế khi thủ tục ly dị đã kết thúc, rằng chẳng còn chút gì để nối
tiếp một mối quan hệ một khi đã chấm dứt về mặt pháp lý? Tôi tưởng
tượng xem bà ta đã cảm thấy ra sao khi biết được số phận của người đàn
ông đã cùng bà chia sẻ một phần cuộc đời.
Rồi
tôi nghĩ đến người đàn ông chết trong bộ quần áo ngủ, nghĩ đến nỗi cô
đơn thê thảm và khốc liệt của ông, cô đơn tới mức, trong hai mươi năm
đằng đẵng, trên cõi đời này không hề có một ai nhận biết là ông đã biến
mất không để lại một dấu vết nào. Tôi chỉ có thể kết luận rằng, tệ hại
hơn đói khát, tệ hại hơn thất nghiệp, khổ đau vì tình, thất bại và tuyệt
vọng, tệ hại hơn bất cứ điều nào hay tất cả những thứ đó, là cái cảm
giác rằng không có ai, tuyệt đối không có ai quan tâm đến chúng ta.
Xin
hãy lặng lẽ nguyện cầu cho người đàn ông kia và cám ơn ông đã giúp
chúng ta suy nghĩ đến điều TÌNH BẠN quan trọng tới mức nào.
CHUYỆN CÂY BÚT CHÌ
Một đứa bé đang nhìn bà viết thư. Được một chốc, nó hỏi:
“Bà viết chuyện bà cháu mình làm phải không? Chuyện kể về cháu phải không?”
Bà ngừng viết, bảo cháu:
“Đúng là bà viết về cháu, nhưng quan trọng hơn những câu chữ là cây bút chì bà đang dùng đây. Bà mong là khi lớn lên cháu sẽ giống như cây bút này.”
Rất ngạc nhiên, đứa bé nhìn cây bút chì. Nó chẳng có vẻ gì đặc biệt cả.
“ Nhưng nó cũng giống như những cây bút mà cháu từng thấy cả thôi.”
“ Điều đó tùy thuộc vào cách cháu nhìn sự việc. Nó có năm phẩm chất, nếu cháu cố giữ được, chúng sẽ giúp cháu trở thành một người lúc nào cũng bình yên trong cuộc sống.
Phẩm chất thứ nhất: cháu có thể làm được những việc lớn lao, nhưng cháu đừng bao giờ quên rằng luôn có một bàn tay dìu đỡ bước cháu đi. Chúng ta gọi bàn tay ấy là Thượng Đế, và Ngài luôn dìu dắt ta theo ý định của Ngài.
Phẩm chất thứ hai: thỉnh thoảng, bà ngừng viết và dùng đến cái gọt bút chì. Điều này có thể làm cây bút đau chút đỉnh, nhưng sau đó, nó sẽ sắc bén hơn. Vậy thì, cháu cũng vậy, cháu phải tập chịu đựng đau đớn, buồn phiền, bởi vì chúng sẽ giúp cháu hoàn thiện.
Phẩm chất thứ ba: bút chì cho phép ta dùng cục tẩy để xóa lỗi đi. Điều này có nghĩa là sửa chữa điều ta đã làm không nhất thiết là việc xấu; nó khiến ta giữ đúng con đường tới lẽ phải.
Phẩm chất thứ tư: cái quan trọng thực sự nơi cây bút chì không phải là cái vỏ bằng gỗ bên ngoài mà chất liệu than chì ở bên trong. Vậy thì cháu nhớ luôn luôn chú ý tới những gì xảy ra bên trong tâm hồn cháu.
Cuối cùng, phẩm chất thứ năm của cây bút chì: nó luôn luôn để lại dấu vết. Cũng như thế, cháu nên nhớ là bất cứ điều gì cháu làm trong đời cũng có để lại dấu vết, vậy cháu hãy ý thức điều đó trong mỗi một hành động của mình.”
LÀM THẾ NÀO MỘT VẬT
CÓ THỂ CHỨA ĐỰNG MỌI VẬT
Cuộc hội họp tại nhà một họa sĩ gốc gác Sao Paulo được bố trí tại New York. Chúng tôi đang thảo luận về thiên thần và thuật giả kim. Được một chốc, tôi cố gắng giải thích cho các khách mời khác về lý thuyết giả kim cho rằng mỗi một chúng ta đều chứa cả vũ trụ, và do vậy, phải chịu trách nhiệm về sự hoàn hảo của nó. Tôi cố tìm cho được những từ chính xác, nhưng không sao trưng ra được hình ảnh nào rõ ràng để giải thích quan điểm của mình.
Người họa sĩ, nãy giờ yên lặng lắng nghe, bảo mọi người nhìn ra khung cửa sổ phòng vẽ của mình và hỏi:
“ Quý vị nhìn thấy gì?”
“ Một đường phố của khu Greenwich Village”, ai đó trả lời.
Người họa sĩ dán một mảnh giấy lên khung cửa sổ để khỏi nhìn thấy con đường nữa; sau đó dùng con dao nhíp cắt một ô nhỏ nơi mảnh giấy.
“ Bây giờ nếu có ai nhìn qua ô này thì sẽ thấy gì? “
“ Vẫn con đường đó.”, có tiếng trả lời.
Người họa sĩ cắt tiếp nhiều ô khác nơi mảnh giấy, rồi nói:
“ Mỗi ô nhỏ này chứa bên trong nó hình ảnh trọn vẹn của con đường, cũng giống như vậy, mỗi một chúng ta chứa trong tâm hồn mình cùng một vũ trụ.”
Tất cả chúng tôi đều tán thưởng hình ảnh thú vị mà anh ấy đã phát hiện.
CÁI HỒ CỦA QUỶ
Tôi đang ngắm một cái hồ thiên nhiên thật đẹp gần làng Babinda bên Úc. Một chàng trai thổ dân đến cạnh tôi.
“ Ông hãy cẩn thận kẻo trượt chân đấy.”
Bao quanh hồ là những tảng đá, có vẻ bước lên rất an toàn.
“ Nơi này gọi là Hồ của Quỷ, anh ta nói tiếp. Nhiều năm trước đây, có một cô gái xinh đẹp tên là Oolona, đã kết hôn với một chiến binh người làng Belinda lại đi yêu một thanh niên khác. Cả hai bỏ trốn vào trong vùng núi này nhưng bị người chồng phát hiện. Anh tình nhân chạy thoát, nhưng Oolona bị sát hại ngay dưới dòng nước này. Từ đó về sau, Oolona cứ nghĩ là bất cứ chàng trai nào đến gần cũng là người tình đã mất của mình nên khoát nước ôm chặt lấy đến chết.”
Về sau, tôi đem chuyện cái Hồ của Quỷ hỏi người chủ khách sạn.
“ Có thể chỉ là chuyện mê tín dị đoan thôi, ông nói, có điều là trong vòng mười năm trở lại đây, có đến mười một khách du lịch đã thiệt mạng ở đó, mà toàn là nam giới.”
TRÊN ĐƯỜNG TỚI HỘI CHỢ SÁCH CHICAGO
Tôi đang bay từ New York đến Chicago để tham dự môt hội chợ sách do Hiệp Hội Phát Hành Mỹ tổ chức. Thình lình, một thanh niên ra đứng giữa các hàng ghế trong máy bay và nói lớn:
“ Tôi cần mười hai người tình nguyện, mỗi người cầm một đóa hoa hồng khi ra khỏi máy bay.”
Nhiều người đưa tay lên. Tôi cũng vậy nhưng không được chọn.
Tuy vậy, tôi cũng quyết định đi theo nhóm. Máy bay hạ cánh, chàng trai chỉ một cô gái trẻ trong sảnh đợi chuyến bay đến. Nhóm hành khách từng người một trao hoa cho cô gái. Cuối cùng, tiến lên trước mặt mọi người, chàng trai ngỏ lời cầu hôn cô gái, và cô nhận lời.
Một tiếp viên hàng không nói với tôi:
“Tôi làm việc ở đây bao nhiêu năm rồi và đây là cảnh tượng lãng mạn nhất chưa từng diễn ra ở phi trường này.”
THỜI ĐIỂM RẠNG ĐÔNG
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, Shimon Peres, người đoạt giải Nobel về hòa bình, kể câu chuyện sau:
Một vị giáo sĩ Do Thái họp các môn sinh và hỏi:
“ Làm sao biết được thời điểm chính xác lúc đêm kết thúc và ngày bắt đầu? “
“ Khi có ánh sáng vừa đủ để phân biệt cừu và chó.”, một người đáp.
Người khác nói: “ Không phải, đó là lúc có ánh sáng vừa đủ để phân biệt cây olive với cây sung.”
“ Không, giải thích như thế vẫn chưa đúng.”
“ Vậy thì câu trả lời chính xác là sao ạ?’, tất cả lên tiếng hỏi.
“ Khi một người lạ mặt tới gần, và chúng ta nghĩ đó là người anh em và mọi xung đột đều biến mất, đấy mới chính là lúc đêm kết thúc và ngày bắt đầu.”
COPACABANA, RIO DE JANEIRO
Vợ chồng tôi gặp bà tại góc đường Contante Ramos, ở Copacabana. Bà khoảng sáu mươi, ngồi trên xe lăn, lạc lõng trong đám đông. Vợ tôi ngỏ ý muốn giúp đỡ, bà nhận lời và nhờ chúng tôi đưa tới đường Santa Clara.
Có mấy chiếc túi bằng chất dẻo treo phía sau xe lăn. Trên đường đi, bà bảo chúng tôi đồ dùng cá nhân của bà chỉ có thế. Bà ngủ trước các cửa tiệm và sống nhờ của bố thí.
Chúng tôi đến nơi bà muốn đến. Một số hành khất khác đang tụ tập ở đó.Bà già lấy từ đống túi của mình hai hộp sữa có hạn sử dụng kéo dài và trao cho mấy người trong nhóm hành khất.
“ Mọi người đều nhân đức đối với tôi, bởi vậy tôi cũng phải nhân đức với người khác.”, bà chia sẻ.
TÔI KHÔNG THỂ VÀO
Gần thành phố Olite, bên Tây Ban Nha, có một lâu đài hoang phế. Tôi quyết định đi thăm nơi này, khi tôi đang đứng trước lâu đài, một người đàn ông tới nói:
“ Ông không được vào.”
Trực giác cho tôi biết là ông ta nói thế chỉ vì thấy vui khi nói “ không “. Tôi giải thích là tôi từ xa đến, tôi định cho ông chút tiền, tôi cố tỏ ra thân thiện, tôi nói rõ là dầu sao đây chỉ là một lâu đài bỏ hoang. Bỗng nhiên tôi cảm thấy việc đi vào lâu đài này rất quan trọng đối với tôi.
Ông ta vẫn cứ khăng khăng: “ Ông không được vào.”
Chỉ còn một lựa chọn: tiếp tục, để xem ông ta có dùng sức lực mà ngăn cản tôi không. Tôi tiến bước qua cổng. Ông ta nhìn tôi nhưng không phản ứng gì.
Khi tôi ra về, hai du khách khác đến và cũng vào bên trong. Ông già không cản họ. Tôi cảm thấy chừng như do tôi chống lại nên ông già thôi không bịa ra những luật lệ quái gỡ nữa. Đôi khi, cuộc sống đòi hỏi chúng ta phải đấu tranh với những điều ta không hiểu và cũng không bao giờ khám phá ra ý nghĩa của những điều đó.
TRÊN "NÚI XANH"
Một
ngày sau khi tôi đến nước Úc, nhà phát hành sách của tôi đưa tôi đến
một công viên thiên nhiên gần Sydney. Giữa khu rừng phủ lấy cả khu vực
gọi là Núi Xanh ( Blue Mountains ), có ba khối đá có hình dạng giống
những ngọn tháp.
"Đấy là Ba Chị Em ", ông ấy nói, rồi kể tôi nghe câu chuyện truyền thuyết sau đây:
Một vị pháp sư dẫn ba cô em đi dạo chơi, một chiến binh khá nổi tiếng thời đó lại gần và nói:
" Tôi muốn cưới một trong ba cô gái đáng yêu này."
"
Nếu một trong ba cô kết hôn, hai cô còn lại sẽ nghĩ là mình xấu. Tôi sẽ
tìm đến một bộ lạc nơi mà các chiến binh được phép cưới ba vợ ", vị
pháp sư trả lời, rồi bỏ đi.
Trong nhiều năm, ông đã đi khắp Châu Úc mà không tìm ra bộ lạc đó.
"Đáng lẽ một trong ba chúng em đã được hạnh phúc," một trong ba chị em nói, khi mà họ đã già yếu và mỏi mệt vì đi bộ.
" Anh đã sai lầm," pháp sư nói, " nhưng giờ thì muộn mất rồi."
Và
ông biến ba chị em thành những tảng đá để bất cứ ai đi qua đó sẽ hiểu
được rằng hạnh phúc của một người không có nghĩa là sự bất hạnh của
những người khác.
RAJ KỂ TÔI NGHE MỘT CHUYỆN
Một
goá phụ trong một ngôi làng nghèo ở Bengal không có đủ tiền cho con
trai đi xe buýt, đến lúc con đi học, nó phải một mình đi bộ băng qua
rừng. Để trấn an con, bà nói:
"Đừng sợ rừng con ạ. Hãy xin Thần Krishna cùng đi với con. Thần sẽ nghe lời cầu nguyện của con đó."
Cậu bé nghe theo gợi ý của mẹ, và Krishna hiện ra đúng lúc rồi từ đó cùng đi với cậu tới trường.
Rồi đến hôm sinh nhật của thầy giáo, cậu bé xin mẹ tiền để mua quà tặng thầy.
" Chúng ta không có tiền đâu con. Hãy xin anh Krishna của con mua quà cho ."
Ngày hôm sau, cậu bé trình bày khó khăn của mình với Krishna và vị thần liền cho cậu một bình sữa.
Cậu bé hãnh diện đưa bình sữa cho thầy, nhưng quà của các học sinh khác giá trị hơn nhiều nên thầy không để ý đến quà của cậu.
Thầy bảo người phụ tá: " Mang bình sữa này xuống nhà bếp."
Người
phụ tá làm theo lời thầy. Tuy nhiên khi anh ta đổ sữa ra thì ngay lập
tức sữa tự đầy bình trở lại. Anh báo cho thầy giáo biết, thầy ngạc nhiên
hỏi cậu bé:
" Con lấy bình sữa này ở đâu, và làm sao mà nó cứ tự làm đầy mãi như thế được?"
" Thưa Thầy, thần rừng Khrisna cho con đó !"
Thầy giáo, học sinh và người phụ tá đều bật cười.
"
Chẳng có thần thánh nào trong rừng cả, toàn chuyện mê tín dị đoan,"
thầy giáo nói." Nếu quả thực có thần, chúng ta thử đi gặp xem sao."
Mọi người ra đi. Cậu bé lên tiếng gọi Krishna nhưng thần không hiện ra. Cậu bé cố gọi lần cuối, không hy vọng gì:
" Hỡi thần Krishna, thầy giáo muốn gặp thần. Xin hiện ra đi!"
Ngay lúc này, một giọng nói trổi lên và vang khắp rừng:
" Làm sao mà ông ấy có thể muốn nhìn thấy ta hở cậu bé? Ông ta còn không tin là ta hiện hữu mà! "
NGƯỜI PHỤ NỮ GIÀ Ở COPACABANA
Bà đứng ở khu vực dành cho người đi bộ trên đại lộ Atlantica, với cây đàn ghi ta và tấm bảng có chữ viết tay: HÃY HÁT VỚI NHAU!
Bà
bắt đầu tự mình biểu diễn. Sau đó có một người say đi tới, rồi một bà
già khác, cả hai bắt đầu cùng hát với bà. Rồi một nhóm nhỏ cùng hát, một
nhóm nhỏ khác tạo thành khán giả, vỗ tay cổ vũ mỗi khi nghe xong một
bài.
Giữa hai bài hát, tôi hỏi bà:
" Tại sao bà làm thế này?"
"Để khỏi thấy cô đơn ", bà nói, " Cuộc sống của tôi đơn độc lắm, cũng như hầu hết người già khác thôi."
Giá mà ai cũng giải quyết vấn đề theo cách này.
SỰ QUAN TRỌNG CỦA CON MÈO
TRONG THIỀN ĐỊNH
Khi viết cuốn Veronika quyết chết, cuốn
sách nói về sự loạn trí, tôi phải tự đặt ra câu hỏi bao nhiêu việc ta
làm thực sự là cần thiết và bao nhiêu việc là vô lý. Tại sao ta thắt cà
vạt? Tại sao kim đồng hồ xoay theo chiều của nó? Nếu ta sống với hệ
thống thập phân thì tại sao ngày lại có hai mươi bốn giờ và giờ có sáu
mươi phút?
Thực
tế là nhiều quy tắc chúng ta tuân thủ hiện nay chẳng có cơ sở đúng đắn
nào. Tuy vậy, nếu ta chọn lối hành xử khác đi thì ta sẽ bị xem là "điên
khùng" hoặc "không chín chắn".
Cứ
theo cái đà này, xã hội sẽ tiếp tục tạo ra những hệ thống mà, theo dòng
thời gian, rốt cuộc sẽ chẳng có ý nghĩa gì, thế nhưng vẫn tiếp tục áp
đặt lên ta những quy tắc của chúng. Một câu chuyện khá thú vị của Nhật
minh hoạ cho quan điểm của tôi.
Một
vị thiền sư nổi tiếng, trụ trì thiền viện Mayu Kagi, có nuôi một con
mèo, là tình yêu đích thực trong đời ông. Vào giờ dạy thiền định, ông
luôn cho con mèo ngồi kế bên, để có thể hưởng được niềm vui ở bên cạnh con thú càng nhiều càng tốt.
Bây giờ ông thực đã già lắm rồi, một sáng kia, mọi người phát hiện ông đã chết. Môn sinh lớn tuổi nhất thay thế ông.
" Chúng ta sẽ làm gì với con mèo?" , các vị sư khác hỏi.
Để tỏ lòng tôn kính thầy cũ, vị thiền sư mới quyết định cho phép con mèo tiếp tục hiện diện tại các lớp học Thiền.
Nhiều
môn sinh ở các thiền viện gần đó thường hay du hành khắp vùng, phát
hiện ra việc tại một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất của khu vực,
có một con mèo tham gia vào buổi thiền định. Câu chuyện bắt đầu lan
truyền.
Năm
tháng trôi qua. Con mèo chết, nhưng các môn sinh đã quen với việc nó
luôn có mặt nên đi tậu một con mèo khác. Cùng lúc đó, các thiền viện
khác cũng bắt đầu đưa mèo vào dự các buổi thiền định, họ tin rằng nhờ có
mèo nên thiền viện Mayu Kagi mới nổi tiếng và chất lượng tu tập ở đó
mới tốt như vậy, mà quên mất là vị thiền sư trước đây hoàn hảo như thế
nào.
Một
thế hệ qua đi, những văn bản nói về sự quan trọng của mèo trong thiền
định được ấn hành. Một giáo sư đại học khai triển một luận án, được giới
học thuật chấp nhận, cho rằng mèo có khả năng làm tăng sự tập trung của
con người và loại bỏ năng lượng tiêu cực.
Và như thế, trong vòng một thế kỷ, mèo được xem là một yếu tố thiết yếu trong việc thực hành thiền trong cả vùng này.
Sau
đó, có một thiền sư bị dị ứng vì lông mèo, ông quyết định không cho mèo
tham dự những buổi hành thiền hàng ngày với thiền sinh nữa.
Mọi
người phản đối, nhưng thiền sư vẫn quyết chí. Vì đây là một vị sư có
tài năng nên môn sinh vẫn tiến bộ bất chấp việc mèo vắng mặt.
Dần
dần, các thiền viện- lúc nào cũng muốn tìm ý tưởng mới, lại chán ngán
việc nuôi ăn bao nhiêu là mèo - cũng bắt đầu thôi không cho mèo hiện
diện trong các lớp nữa. Hơn hai mươi năm sau, những luận án mới mang
tính cách mạng được viết ra, mang các nhan đề rất thuyết phục như " Sự
Quan Trọng của việc Thiền Định Không Có Mèo " hay là " Làm Quân Bình Vũ
Trụ Thiền Bằng Năng Lực Của Trí Tuệ Và Không CóTrợ Lực Của Mèo ".
Một
thế kỷ nữa trôi qua, mèo hoàn toàn biến mất khỏi nghi thức thiền định
trong cả khu vực. Nhưng cũng phải mất đến hai trăm năm để mọi thứ trở
lại bình thường, và tất cả chỉ vì, suốt thời gian này, không ai nghĩ đến
việc thắc mắc tại sao mèo lại có ở đó.
Trong
chúng ta có bao nhiêu người, suốt cuộc đời mình, có lần dám hỏi: tại
sao ta ứng xử như thế này? Trong những điều ta làm, bao nhiêu lần ta
đã dùng tới những " con mèo " phù phiếm như thế mà không đủ can đảm để
gạt bỏ đi chỉ vì nghe bảo rằng " mèo " rất quan trọng để giữ cho mọi
việc tiến triển suôn sẻ.
Tại sao chúng ta không tìm một cách ứng xử khác?
NƯỚC MẮT CỦA SA MẠC
Một người bạn của từ Morocco trở về kể câu chuyện thú vị về một nhà truyền giáo. Ngay khi đến Marrakesh, vị
này quyết định mỗi sáng sẽ đi bộ trên sa mạc ngay bên ngoài thành phố.
Lần đầu tiên làm việc này, ông để ý tới một người đàn ông đang nằm, tai
ép sát mặt đất, một bàn tay vỗ lên cát.
Nhà truyền giáo tự nhủ: anh ta điên thật rồi.
Nhưng
cảnh này vẫn tái diễn mỗi ngày, sau một tháng, ngạc nhiên về thái độ lạ
lùng này, ông quyết định bắt chuyện với người đó. Khó khăn lắm, vì ông
chưa rành tiếng Á rập, ông quỳ gối bên cạnh anh ta.
" Anh đang làm gì vậy?"
" Tôi kết bạn với sa mạc, mang đến chút an ủi cho sự cô đơn và những giọt nước mắt của sa mạc ".
" Tôi không biết là sa mạc cũng có thể rơi nước mắt."
"
Ngày nào sa mạc cũng khóc vì nó mơ sẽ trở nên hữu dụng cho loài người
và biến thành một khu vườn rộng lớn để người có thể trồng ngũ cốc, trồng
hoa và thả cừu ăn cỏ."
"
Vậy thì anh hãy bảo với sa mạc rằng nó đang thực hiện một nhiệm vụ quan
trọng", nhà truyền giáo nói. " Mỗi khi tôi đi bộ trên sa mạc, tôi hiểu
được tầm vóc thực sự của con người, bởi vì không gian mênh mông của sa
mạc nhắc nhở tôi rằng chúng ta bé nhỏ biết bao so với Thượng Đế. Khi
nhìn vào cát sa mạc, tôi hình dung ra hàng triệu con người trên thế giới
đã sinh ra bình đẳng, cho dù thế giới không phải lúc nào cũng công bằng
với tất cả mọi người. Những ngọn núi nơi sa mạc giúp tôi suy ngẫm, và
khi tôi ngắm nhìn mặt trời hiện từ lên phía chân trời, tâm hồn tôi dâng
tràn niềm vui, tôi cảm thấy gần với Tạo Hoá hơn."
Nhà
truyền giáo giã từ anh chàng kia để trở về với công việc hàng ngày. Hãy
tưởng tượng ông ngạc nhiên xiết bao khi, vào sáng hôm sau, ông lại thấy
người đàn ông cũng tại vị trí đó, cũng tư thế đó.
" Anh đã kể với sa mạc tất cả những gì tôi nói chưa?"
Người đàn ông gật đầu.
" Và nó vẫn khóc?"
"
Tôi nghe được từng tiếng nức nở. Bây giờ sa mạc đang khóc vì cả hàng
ngàn năm nó cứ tưởng là hoàn toàn vô dụng, là phí thời gian vô ích vào
việc báng bổ Thượng Đế và số phận của chính mình."
"
Vâng, anh nói với sa mạc rằng, dẫu cuộc đời ngắn ngủi hơn nhiều, loài
người chúng ta cũng mất nhiều thời gian cho rằng chúng ta vô dụng. Hiếm
khi chúng ta khám phá được số phận thực sự của mình, và cứ nghĩ là
Thượng Đế bất công với chúng ta. Cuối cùng, thời điểm cũng đến, có điều
gì đó tiết lộ cho chúng ta cái lý do tại sao chúng ta ra đời, rồi chúng
ta cho là đã trễ để thay đổi cuộc sống, và tiếp tục đau khổ, và, giống
như sa mạc, tự dằn vặt mình về thời gian đã bỏ phí."
" Tôi không biết sa mạc sẽ nghe những điều này không. Nó đã quen đau khổ và không nhìn sự vật theo cách khác."
" Chúng ta hãy làm điều tôi vẫn thường làm khi cảm thấy là mọi người đã mất hết hy vọng. Chúng ta hãy cầu nguyện."
Cả
hai người quỳ xuống và cầu nguyện. Một người hướng về Mecca vì ông ta
là tín đồ đạo Hồi, người kia đan hai tay lại với nhau để cầu nguyện vì
ông theo đạo Cơ Đốc. Mỗi người cầu nguyện Thượng Đế của mình, mà thực ra
cũng chỉ là một Thượng Đế thôi tuy là mọi người đều quyết gọi bằng
những tên khác nhau.
Ngày
hôm sau, khi nhà truyền giáo lại đi bộ buổi sáng như thường lệ thì
người đàn ông kia không có ở đó nữa. Tại vị trí mà anh ta thường ôm hôn
mặt đất, cát trông có vẻ ướt, vì có một con suối nhỏ bắt đầu sủi bọt
nước nơi đó. Mấy tháng sau, suối lan rộng, dân thành phố xây ở đó một
cái giếng.
Dân
du mục Bedouin gọi chỗ này là " Giếng Nước Mắt Sa Mạc". Họ bảo rằng
người nào uống nước giếng này sẽ biết cách biến nguyên nhân nỗi khổ
thành nguyên nhân của niềm vui, và thôi không tìm kiếm số phận thực sự
của mình nữa.
NGHI LỄ UỐNG TRÀ
Tại
Nhật Bản, tôi có tham dự một nghi lễ uống trà. Bạn vào một gian phòng
nhỏ, trà được phục vụ, và tất cả chỉ có thế, ngoại trừ việc mọi thứ được
thực hiện với nhiều nghi thức và lễ nghi đến mức một sự việc tầm thường
hàng ngày biến thành một thời khắc giao hoà với Vũ Trụ.
Vị trà sư, Okakura Kakuzo, giải thích sự việc:
"
Nghi lễ là cách thức tôn vinh cái đẹp và cái giản dị. Tất cả nỗ lực của
người tham dự nhằm cố thể hiện sự hoàn hảo thông qua những động tác
không hoàn hảo của cuộc sống thường ngày. Vẻ đẹp của nó cốt yếu ở sự
trân trọng khi tiến hành nghi lễ. Nếu chỉ một cốc trà nhỏ có thể mang ta
đến gần Thượng Đế hơn thì chúng ta nên quan sát kỹ hàng chục cơ hội
khác mà mỗi một ngày bình thường tặng cho ta."
PRAGUE 1981
Có
một lần, vào mùa đông năm 1981, khi cùng vợ tản bộ trên đường phố ở
Prague, chúng tôi tình cờ gặp một thanh niên đang vẽ những ngôi nhà xung
quanh.
Mặc
dù tôi vốn rất sợ chuyện mang theo đồ đạc lỉnh kỉnh khi đi du lịch ( và
chúng tôi còn cả hành trình dài trước mắt ), tôi vẫn thấy thích một
trong những tranh vẽ của anh ta và quyết định mua nó.
Khi trả tiền, tôi nhận thấy anh không mang găng tay, dù trời lạnh tới năm độ âm.
" Sao anh không mang găng?", tôi hỏi.
"Để cầm được bút chì".
Rồi
anh bắt đầu kể anh yêu cảnh mùa đông Prague ra sao và nói đó là mùa đẹp
nhất để vẽ cảnh thành phố. Anh tỏ ra rất hài lòng đã bán tranh cho tôi,
rồi hỏi anh có thể vẽ miễn phí chân dung vợ tôi được không.
Khi
tôi chờ anh vẽ xong, tôi phát hiện một điều kỳ lạ đã xảy ra: chúng tôi
đã nói chuyện với nhau được gần năm phút mà người này không hề nói được
ngôn ngữ của người kia. Chúng tôi hiểu nhau bằng cử chỉ, nụ cười, diễn
cảm qua nét mặt và mong muốn được chia sẻ.
Điều
mong muốn giản dị được chia sẻ chút gì đó có ý nghĩa rằng chúng ta có
thể đi vào thế giới ngôn ngữ không cần lời, ở đó mọi chuyện đều rõ ràng
và không có nguy cơ bị hiểu lầm.
DU LỊCH MỘT CÁCH KHÁC
Từ lâu tôi đã nhận thức rằng, với tôi, du lịch là cách học hỏi tốt nhất. Tôi vẫn có tinh thần một người hành hương, và tôi nghĩ có thể dùng bài này để nói về những bài học tôi đã tiếp thu được, với hy vọng là chúng có thể hữu ích cho những người hành hương giống như tôi.
1.Tránh các viện bảo tàng. Điều này có vẻ như là một lời khuyên phi lý, nhưng thử suy nghĩ một chút xem sao. Nếu bạn đến một thành phố nước ngoài, phải chăng sẽ thú vị hơn nhiều nếu đi tìm hiện tại thay vì quá khứ? Hẳn là nhiều người cảm thấy cần phải tới viện bảo tàng vì từ nhỏ họ đã học rằng du lịch là để tìm kiếm thứ văn hóa đó. Tất nhiên bảo tàng là quan trọng,nhưng cần phải có thời gian và chủ đích – bạn phải biết mình muốn xem gì ở đó, nếu không bạn sẽ ra về với cảm giác đã xem được ít điều thực sự cơ bản, nhưng sẽ không thể nhớ điều đó là gì.
2. Lân la các quầy rượu. Quầy rượu là nơi mà cuộc sống ở thành phố thể hiện chính nó, chứ không phài tại các viện bảo tàng. Nói quầy rượu không phải tôi muốn nhắc đến các quán ca nhạc khiêu vũ, mà chỉ là những nơi người bình thường đến để uống, bàn bạc về thời tiết và lúc nào cũng sẵn sàng tán gẫu. Mua tờ báo và thích thú nhìn người vô ra. Nếu có ai gợi chuyện, dù ngớ ngẩn đến mấy cũng cứ tham gia: bạn không thể phán đoán vẻ đẹp của một lối đi đặc biệt nào đó chỉ bằng cách nhìn chiếc cổng.
3. Tỏ ra cởi mở. Người hướng dẫn viên du lịch tốt nhất là người sống tại chỗ, biết hết mọi thứ ở đó, hãnh diện về thành phố của mình, và không làm việc cho bất cứ một hãng du lịch nào. Hãy bước ra đường, chọn lấy một người bạn muốn bắt chuyện, và hỏi họ dăm điều. ( Nhà thờ ở đâu? Bưu điện chỗ nào? ) Nếu không thu nhận được điều gì thì hãy thử tìm một người khác- tôi bảo đảm là đến cuối ngày thế nào bạn cũng tìm thấy cho mình một người bạn đồng hành tuyệt vời.
4. Hãy đi du lịch một mình hoặc – nếu bạn đã có gia đình – đi với vợ hay chồng của mình. Có thể sẽ khó khăn hơn, không ai chăm sóc bạn, nhưng chỉ bằng cách này bạn mới có thể thực sự bỏ lại đằng sau quê hương của mình. Du lịch theo nhóm là cách ra nước ngoài mà vẫn nói tiếng mẹ đẻ, làm bất cứ việc gì người nhóm trưởng bảo bạn làm, và bận tâm tới những chuyện tầm phào của nhóm nhiều hơn là tới nơi bạn viếng thăm.
5. Đừng so sánh. Đừng so sánh gì hết – giá cả, tiêu chuẩn vệ sinh, chất lượng cuộc sống, phương tiện giao thông, không gì cả. Bạn không đi du lịch để chứng tỏ rằng mình đang có cuộc sống tốt hơn người khác – mục đích của bạn là khám phá xem người khác sống ra sao, họ có thể dạy bạn điều gì, cách họ ứng phó với thực tế và những điều khác thường.
6. Hãy hiểu rằng mọi người đều hiểu bạn. Ngay cả khi bạn không biết ngôn ngữ ( nơi đến ) cũng đừng sợ: Tôi đã từng đến nhiều nơi mà tôi không thể nào giao tiếp bằng lời được, nhưng rồi tôi đều có thể tìm được trợ giúp, hướng dẫn, lời khuyên hữu ích, và cả bạn gái nữa. Có người nghĩ rằng nếu đi du lịch một mình, họ bước ra đường và có thể bị lạc vĩnh viễn. Chỉ cần chắc chắn là trong túi bạn có tấm danh thiếp của khách sạn và – nếu điều tệ hại xảy đến – hãy vẫy một chiếc taxi và đưa tấm danh thiếp cho tài xế.
7. Đừng mua sắm nhiều quá. Hãy tiêu tiền vào những thứ mà bạn khỏi mất công mang theo: vé xem kịch hay, bữa ăn trong tiệm, các chuyến đi chơi. Thời nay, với nền kinh tế toàn cầu và internet, bạn có thể mua bất cứ thứ gì mà vẫn không phải trả thêm tiền hành lý quá mức quy định.
8. Đừng cố xem cả thế giới trong vòng một tháng. Lưu lại một thành phố bốn hay năm ngày tốt hơn là đi thăm năm thành phố trong một tuần. Một thành phố cũng giống như một phụ nữ tính khí thất thường: cô ấy cần có thời gian để bị quyến rũ và bộc lộ mình hoàn toàn.
9. Mỗi chuyến đi là một cuộc thám hiểm. Henry Miller thường nói việc khám phá một giáo đường mà chưa ai nghe nói đến quan trọng hơn nhiều so với việc đi tới La Mã và cảm thấy cần phải viếng Nhà Nguyện Sistine với 200 000 du khách khác ầm ĩ trong tai bạn. Bằng mọi cách hãy đến Nhà Nguyện Sistine, nhưng cũng nên lang thang trên những con đường, khám phá các ngõ hẻm, trải nghiệm sự tự do được tìm kiếm điều gì đó – hẳn là bạn không biết – nhưng, nếu bạn tìm được, bạn có thể chắc chắn rằng nó sẽ làm thay đổi cuộc sống của bạn.
SÁCH VÀ THƯ VIỆN
Tôi
thực sự không có nhiều sách. Vài năm trước đây, với ý tưởng muốn có
chất lượng cuộc sống tốt nhất với số lượng sở hữu ít nhất, tôi đã có vài
lựa chọn. Điều này không có nghĩa là tôi chuộng lối sống của một tu sĩ,
ngược lại, việc
tự mình khước từ nhiều thứ sở hữu sẽ mang lại cho bạn tự do lớn lao.
Vài người bạn của tôi, nam và nữ, than phiền là, do có quá nhiều quần
áo, họ mất nhiều thời gian để quyết định sẽ mặc thứ nào. Còn tôi, bây
giờ tôi đã giảm thiểu tủ quần áo của mình đến chỉ còn " màu đen cơ bản
", tôi khỏi phải lo vấn đề đó.
Tuy
nhiên, hôm nay tôi không nói về thời trang mà về sách. Trở lại với chủ
điểm chính, tôi đã quyết định chỉ giữ lại bốn trăm cuốn trong thư viện,
một số, vì giá trị tình cảm của chúng, số khác, vì tôi thường lấy ra đọc
lại. Tôi quyết định như thế vì nhiều lý do, trong đó có việc tôi cảm
thấy rất buồn khi nhìn thấy bao thư viện một đời góp nhặt thường bị bán
đổ bán tháo chẳng chút tôn trọng khi chủ nhân qua đời. Vậy thì giữ sách ở
nhà để làm gì? Để chứng tỏ cho bạn bè biết là tôi thông thái đến mức
nào? Để trang trí tường nhà? Sách tôi đã mua có thể sẽ hữu dụng trong
một thư viện công cộng hơn là ở nhà tôi.
Tôi
thường nói tôi cần đến sách trong trường hợp tôi muốn tham khảo điều gì
trong đó. Tuy nhiên, giờ đây, khi muốn tìm kiếm điều gì, tôi chỉ việc
bật máy vi tính, gõ một hay vài từ, điều tôi muốn tìm sẽ hiện ra trên
màn hình, nhờ internet, thư viện vĩ đại nhất hành tinh.
Tất
nhiên, tôi vẫn tiếp tục mua sách - phương tiện điện tử không thay thế
hết sách được - nhưng ngay khi đọc xong, tôi mang cho người khác, hay
chuyển cho thư viện công cộng. Ý định của tôi chẳng phải để bảo vệ rừng
hay tỏ ra hào phóng, mà đơn giản chỉ vì tôi tin rằng một cuốn sách phải
đi tiếp hành trình của nó, thay vì bị buộc phải chết gí trên kệ.
Là
nhà văn, sống nhờ nhuận bút, làm như thế có thể thiệt hại cho tôi, bởi
dẫu sao, sách càng được mua thì tôi càng có nhiều tiền. Tuy nhiên như
thế có thể là không công bằng với người đọc, nhất là tại những nước mà
phần lớn ngân sách chính phủ dành vào việc mua sách cho các thư viện
không rõ ràng dựa trên hai tiêu chí cho sự lựa chọn nghiêm túc - thú vui
đọc sách cộng với chất lượng tác phẩm.
Hãy
để cho sách thoải mái du hành, để rồi được những bàn tay khác chạm vào,
những đôi mắt khác thưởng lãm. Khi tôi viết bài này, tôi mơ hồ nhớ đến
một bài thơ của Jorge Luis Borges, nói về những cuốn sách không bao giờ được giở ra lại.
Tôi nay đang ở đâu? Trong một quán cà phê tại một thị trấn nhỏ miền Pyrénėes nước Pháp, êm ái với nhiệt độ điều hoà trong khi bên ngoài cơn nóng không sao chịu nổi. Thực tế là tôi có toàn bộ tác phẩm của Borges ờ
nhà, cách nơi tôi đang ngồi viết đây vài cây số - đó là một trong những
tác giả mà tôi thường đọc và đọc lại. Nhưng mà sao tôi lại không trắc
nghiệm lý thuyết của tôi nhỉ?
Tôi
băng qua đường và đi bộ năm phút tới một quán cà phê khác, có trang bị
máy vi tính ( nơi thường được gọi bằng cái tên dễ thương mà nghịch lý là
"cyber-cafė " ). Tôi
chào chủ quán, gọi một ly nước khoáng ướp lạnh, mở công cụ tìm kiếm, gõ
một vài từ của cái câu tôi còn nhớ, cùng tên tác giả. Mất chưa tới hai
phút, tôi đã có bài thơ trước mắt :
Trong số sách của thư viện ( hiện tôi đang có đây )
Có những cuốn tôi sẽ không bao giờ giở ra lại.
Tôi
cảm thấy chính xác như thế về nhiều cuốn sách của tôi, tôi chẳng bao
giờ giở ra lại, bởi lẽ sách mới và hay vẫn tiếp tục được xuất bản và tôi
vốn thích đọc sách. Bây giờ, tôi nghĩ là thật tuyệt vời nếu mọi người
có được thư viện, nói chung, sự tiếp xúc với sách lần đầu của một đứa
trẻ sẽ khơi dậy sự tò mò muốn khám phá những pho sách đóng bìa chứa đầy
hình ảnh và chữ nghĩa; nhưng tôi cũng thấy cũng tuyệt vời như thế nếu
tại buổi ký tặng sách mới ra mắt, một độc giả đến chỗ tôi, tay cầm một
bản sách của tôi đã nhàu nát vì đã được chuyền tay từ người bạn này đến
người bạn khác cả chục lần. Điều đó có nghĩa là cuốn sách đã du hành,
chẳng khác nào tâm trí tác giả đã du hành khi viết sách đó.
TRONG MỘT THÀNH PHỐ Ở ĐỨC
" Thật là một công trình kỷ niệm thú vị, phải không?", Robert nói.
Mặt trời một chiều cuối thu bắt đầu lặn. Chúng tôi đang ở tại một thành phố bên Đức.
" Tôi chẳng thấy gì cả", tôi nói, " chỉ là một bãi đất trống."
" Công trình dưới chân chúng ta," Robert nhấn mạnh.
Tôi
nhìn xuống. Chỉ thấy những phiến đá phẳng, giống hệt nhau. Không muốn
làm bạn thất vọng, nhưng quả thật tôi không nhìn thấy gì khác trong bãi
đất này.
Robert
giải thích: " Chỗ này được gọi là "Công trình Vô hình ".Khắc vào bên
dưới mỗi một phiến đá này là tên của một địa điểm nơi những người Do
Thái đã bị sát hại. Những nghệ sĩ ẩn danh đã tạo ra bãi đất này trong
thời kỳ Thế Chiến thứ 2 và tiếp tục đặt thêm một phiến đá mỗi khi khám
phá thêm những vị trí tàn sát nữa. Cho dù không ai nhìn thấy chúng, công
trình vẫn tồn tại như một chứng nhân, và hậu thế sẽ thôi đi tìm sự thực
về quá khứ.
PHÍA BÊN KIA CỦA THÁP BABEL
Tôi
đã mất cả buổi sáng để giải thích là tôi quan tâm đến cư dân trong vùng
quê hơn là bảo tàng và giáo đường, và, do vậy, tốt hơn là chúng ta nên
đi chợ. Họ bảo tôi rằng hôm nay cả nước nghỉ lễ và chợ đóng cửa.
“ Vậy thì ta đi đâu?”
“ Đi nhà thờ.”
Tôi biết ngay.
“
Hôm nay chúng tôi làm lễ tưởng niệm một vị thánh rất đặc biệt với chúng
tôi, và chắc chắn là với ông nữa.Chúng ta sẽ đến viếng mộ vị thánh này.
Nhưng xin đừng hỏi gì nữa và hãy chấp nhận là đôi khi chúng tôi muốn
dành ngạc nhiên thú vị cho các nhà văn.”
“Mất bao lâu để tới đó?”
“Hai mươi phút.”
Hai
mươi phút là câu trả lời tiêu chuẩn. Tôi biết thế, dĩ nhiên, nhưng thế
nào cũng phải lâu hơn. Tuy nhiên, cho đến lúc này, họ đều tôn trọng ý
thích của tôi, cho nên tốt hơn hết là tôi nên nhượng bộ lần này.
Sáng
chủ nhật này, tôi đang ở Yerevan, xứ Armenia. Tôi miễn cưỡng bước lên
xe. Tôi có thể nhìn thấy ngọn Ararat phủ tuyết ở phía xa. Tôi ngắm nhìn
cảnh đồng quê chung quanh. Ước gì tôi có thể tản bộ ngoài đó, thay vì bị
kẹt lại trong chiếc hộp kim loại này. Những người đón tiếp tôi cố tỏ ra
tử tế với tôi nhưng tôi không thoải mái, buộc lòng phải chấp nhận "
chương trình du lịch đặc biệt” này. Cuối cùng họ cũng từ bỏ toan tính
muốn tạo cuộc trò chuyện, và chúng tôi tiếp tục ngồi trên xe trong im
lặng.
Năm
mươi phút sau ( tôi biết vậy mà!), chúng tôi đến một thị trấn nhỏ và
tiến đến một nhà thờ đông nghẹt người.Tôi để ý là mọi người đều mặc còm
lê đeo cà vạt, hẳn là một sự kiện trang trọng, tôi cảm thấy thật lố bịch
với áo thun và quần jean. Tôi bước xuống xe, nhiều vị trong Hội Nhà Văn
đang chờ tôi ở đó. Họ trao hoa cho tôi và hướng dẫn tôi đi qua đám đông
đang dự lễ. Chúng tôi bước xuống mấy bậc cấp sau bàn thờ. Tôi thấy mình
đang đứng trước một ngôi mộ. Tôi hiểu rằng đây là nơi vị thánh được
chôn cất, nhưng trước khi đặt hoa lên mộ, tôi muốn biết người mà tôi tỏ
lòng tôn kính là ai đây.
“ Vị Thánh Dịch thuật!”, là câu trả lời.
Thánh Dịch thuật! Mắt tôi đẫm lệ.
Hôm
nay là ngày 9 tháng mười năm 2004, tên thành phố là Oshakan, và
Armenia, theo như tôi biết, là nơi duy nhất trên thế giới đã công bố
ngày lễ Thánh Dịch thuật, Thánh Mesrob, là ngày quốc lễ và đây là nơi họ
cử hành lễ theo đúng nghi thức. Cùng với việc tạo ra bảng chữ cái tiếng
Armenia ( ngôn ngữ này đã tồn tại từ trước nhưng chỉ ở dạng nói ),
Thánh Mesrob đã cống hiến cả đời mình vào việc phiên dịch sang tiếng mẹ
đẻ những văn bản quan trọng của thời đại, viết bằng tiếng Hy Lạp, Ba Tư
và Cyrillic. Ông và các môn sinh đã cống hiến cả đời cho công việc vĩ
đại là dịch Kinh Thánh và những tác phẩm văn học kinh điển quan trọng
của thời đại. Từ đấy về sau, nền văn hóa của đất nước ông đã tạo được
bản sắc riêng, và được duy trì cho đến ngày nay.
Vị
Thánh Dịch Thuật. Tôi cầm đóa hoa trong tay và nghĩ đến tất cả những
người tôi đã từng gặp hoặc có thể không bao giờ có cơ hội được gặp,
nhưng những người này, giờ đây, đang cầm một trong những tác phẩm của
tôi trong tay và đang cố hết sức để giữ cho trung thành với những gì tôi
muốn chia sẻ với độc giả của mình.Hơn hết thảy, tôi nghĩ đến nhạc phụ
của tôi, Christiano Monteiro Oiticica, nghề nghiệp: dịch thuật, người mà
hôm nay đang cùng với các thiên thần và với Thánh Mesrob chứng kiến
cảnh tượng này. Tôi nhớ lại hình ảnh ông đang khom mình trên chiếc máy
đánh chữ cũ kỹ, và thỉnh thoảng than phiền về số tiền nhuận bút tệ hại
trả cho việc dịch thuật ( và, than ôi, bây giờ cũng thế ). Tuy nhiên,
ngay sau đó ông vẫn tiếp tục giải thích rằng lý do thực sự ông làm công
việc này là vì muốn chia sẻ những kiến thức mà, nếu không có các nhà
dịch thuật, sẽ không bao giờ đến với đồng bào của ông.
Tôi
lặng lẽ cầu nguyện cho ông, cho tất cả những người đã giúp phiên dịch
những cuốn sách của tôi, và cho những người đã cho phép tôi đọc được
những cuốn sách mà nếu không có bản dịch của họ, tôi sẽ không bao giờ
tiếp cận được, và như thế, đã giúp tôi – môt cách ẩn danh – hình thành
cuộc sống và tính cách của mình. Khi rời nhà thờ, tôi thấy vài đứa trẻ
đang viết bảng chữ cái với những viên kẹo có hình các chữ cái và với
những bông hoa, rất nhiều hoa.
Khi
loài người ngày càng có nhiều tham vọng, Thượng Đế đã hủy Tháp Babel,
và mọi người bắt đầu sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau.Tuy nhiên, với
lòng khoan dung vô biên, Ngài cũng đã tạo nên những con người để tái
dựng những chiếc cầu ngôn ngữ, nhằm mở ra đối thoại và truyền bá tư
tưởng nhân loại. Con người này, mà ta ít khi chịu khó lưu ý đến tên mỗi
khi giở ra đọc một cuốn sách nước ngoài, chính là nhà dịch thuật.
CUỘC GẶP GỠ KHÔNG XẢY RA
Tôi tin là, ít nhất mỗi tuần một lần, tất cả chúng ta đều có gặp một người lạ mà mình muốn trò chuyện, nhưng lại không đủ can đảm để làm việc đó. Cách đây ít hôm, tôi nhận được một lá thư về đề tài này, do một bạn đọc mà tôi tạm gọi là Antonio gởi đến. Sau đây tôi tường thuật ngắn gọn chuyện đã xảy đến với anh ta.
Tôi đang đi bộ dọc theo đường Gran Via thì nhìn thấy một phụ nữ, người nhỏ nhắn, làn da sáng, ăn mặc đẹp – đang xin tiền khách qua đường. Khi tôi tới gần, cô xin tôi ít tiền lẻ để mua chiếc sandwich. Ở Brazil, tôi quen nhìn hình ảnh những hành khất mặc áo quần cũ mèm và dơ dáy, do vậy tôi quyết định không cho cô ta gì cả và tiếp tục đi. Tuy nhiên, cái nhìn cô ta gởi theo tôi lại khiến tôi có một cảm giác lạ lùng.
Tôi về lại khách sạn và bỗng nhiên cảm thấy một thôi thúc khó hiểu phải trở lại nơi đó và cho cô ta tiền – tôi đang trong kỳ nghỉ, vừa ăn trưa xong, trong túi có tiền và thật là tủi nhục vô cùng khi phải ăn xin ngoài đường để mọi người dòm ngó.
Tôi trở lại vị trí hồi nãy đã gặp cô. Cô ta không còn ở đó nữa; tôi đi tìm ở mấy con đường gần đó, nhưng không còn thấy dấu vết nào của cô. Ngày hôm sau, tôi lặp lại cuộc hành hương này và vẫn vô vọng.
Từ hôm đó, tôi chỉ ngủ chập chờn. Tôi quay về Brazil và kể chuyện này cho một người bạn.Cô bạn nói rằng tôi đã thất bại khi thực hiện mối nối kết rất quan trọng và khuyên tôi nên cầu Thượng Đế giúp đỡ. Tôi cầu nguyện và tưởng là đã nghe được một giọng nói bảo tôi cần phải tìm gặp người phụ nữ hành khất này lại. Tôi thổn thức cả đêm, không ngủ lại được; tôi hiểu rằng không thể tiếp tục như thế này được nên cố vơ vét cho đủ tiền mua vé trở lại Madrid hầu tìm lại người phụ nữ hành khất.
Tôi bắt đầu một cuộc tìm kiếm chừng như dài vô tận, hết lòng hết sức mình, thời gian cứ qua đi, túi tôi đã cạn dần. Tôi tới hãng du lịch đổi vé ngày về lại Brazil cho đến khi tôi có thể trao cho người phụ nữ kia khoản tiền mà đáng lẽ tôi đã cho hôm gặp lần đầu.
Khi bước ra cửa hàng du lịch, tôi vấp một bậc cấp và đụng phải một ai đó – chính là người phụ nữ tôi đang đi tìm.
Tôi tự động cho tay vào túi, lấy ra tất cả số tiền có trong đó và đưa hết cho cô ta; tôi nhận thấy một cảm giác thanh thản và biết ơn Thượng Đế về cuộc gặp lặng lẽ thứ hai này, về cơ hội thứ hai này.
Từ đấy tôi còn nhiều dịp trở lại Tây Ban Nha, và tôi biết tôi sẽ không bao giờ gặp lại cô ta lần nữa, nhưng tôi đã làm được việc mà con tim mách bảo.
PAOLO COELHO
( Trích tuyển tập LIKE THE FLOWING RIVER - Nguyên tác tiếng Bồ Đào Nha, bản tiếng Anh của Margaret Jull Costa.
NXB Madison Park Press, 2006 )