Friday, December 19, 2014

95. NHƯ ÁNG MÂY TRÔI Hồi ký MANG VIÊN LONG (9)





9.
Ở CHÙA


Vào gần cuối đông năm 1993, tôi lại ra đi, vào Tuy Hòa, nhưng lần nầy tôi quyết định không lang bạt nơi xa, mà tìm đến chùa Phi Lai để thăm Thầy Thích Thiện Đạo vì đã sau gần hai mươi năm tôi chưa được gặp lại Thầy. Trước khi vào Tuy Hòa, tôi ghé thăm nhà anh Huỳnh Trung Khuê ở thôn Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước – người đồng nghiệp thàng hậu, có tâm đạo, cũng là bạn thân của anh Trần Huiền Ân, vì đã nhiều lần hẹn mà chưa “đủ duyên” ghé thăm.
               
Anh Khuê đã nghỉ dạy, trồng hoa Sói, hoa Ngâu trong mảnh vườn rộng, chế biến trà gói, mang bỏ sỉ hoa và trà cho các hàng quán ở chợ Tuy Phước và Bình Định. Anh tiếp tôi với những ấm trà thơm ngát mùi hoa Sói, với chai rượu thuốc để dành, và bữa cơm chiều tương rau cùng vợ chồng anh, rất chân tình. Buổi sáng, trước khi rời gia đình anh để tiếp tục vào Tuy Hòa, vợ anh đã “đãi” tôi một bữa bánh xèo tôm thịt, rất hấp dẫn! Chị còn “bỏ túi” tôi hai chục ngàn đồng làm lộ phí nữa, tuy gia đình anh đang rất khó khăn vì con cháu… (lúc ấy tiền xe đò vào Tuy Hòa chỉ tốn gần 10 ngàn thôi,  tôi chỉ còn có đủ vỏn vẹn bấy nhiêu). Tôi do dự không muốn làm phiền thêm gia đình anh, nhưng trước tấm lòng chân thật, tôi không dám dứt khóat khước từ. Tôi cảm thấy mình đang “mắc nợ” gia đình anh nhiều lắm – nhất là tấm chân tình mà cả hai vợ chồng anh đã dành cho tôi như một người thân ruột thịt.
               
Tôi ghé vào Tuy Hòa sau cơn bão và lụt lớn từ nhiều chục năm chỉ vài ngày. Dường như cơn bão lụt lớn vừa qua đã “thổi bay” tôi đến Tuy Hòa? Mà thật vậy, những chuyến ra đi của tôi đều rất bất chợt, như cơn bão. Không kể ban ngày, hay ban đêm. Có những lần ra đi mà trong túi không có một đồng bạc, chỉ với một bộ đồ trong người, trong giấc ngủ bị đánh thức nửa đêm… Tôi đã trải qua những chuyến ra đi như vậy – trong suốt hơn mười năm!
               
Thị xã còn ướt sũng, đường sá nhiều nơi lởm chởm, trũng nước. Sự giá buốt và lạc lõng sau cơn bão lụt còn hiện rõ trên các nẻo phố chợ và trên những gương mặt lạnh lẽo, nhẫn nại. Tôi đến thăm gia đình anh Trần Huiền Ân trước tiên như mọi lần bất chợt vào Tuy Hòa. Nhìn thấy tôi bước vào hiên nhà, chị hỏi: “Sao vậy, chú Long?” Tôi chỉ cười. Vợ chồng anh rất thương và lo lắng cho hoàn cảnh bất hạnh của tôi. Cả hai đều sẵn lòng giúp đỡ, khi tôi có yêu cầu. Có hôm tôi vào đến Tuy Hòa trễ, đã quá trưa  nhưng chị vẫn vui vẻ mời tôi dùng cơm. Bữa cơm hôm ấy chỉ có dĩa rau muống luộc, một con cá nục kho, và tô nước canh rau nhưng là bữa cơm ngon nhất mà tôi mãi nhớ.
                 
Vợ chồng anh đều là giáo viên, nghèo, nhưng tấm lòng với bạn bè, bạn văn thì rất rộng! Tôi đề nghị: “Sáng nay anh em mình lên Hòa Thịnh, đến chùa Phi Lai thăm Thầy Thiện Đạo, được không anh?” Anh vui vẻ: “Lâu nay tôi cũng ít có dịp gặp Thầy, chú muốn đi thì anh em mình đi!”


Mang Viên Long  -  Trần Huiền Ân
Tuy Hòa - 1998

               
Tôi vội xuống nhà chị Lê Tăng Mính ở đường Hoàng Diệu mượn tạm chiếc xe Honda làm phương tiện di chuyển. Chị cho tôi mượn chiếc Honda Dream mới tinh, còn chạy rô-đa của cậu con trai út, mới mua về giáp tuần.
               
Chùa Phi Lai ở mãi thôn Hòa Mỹ, xã Hòa Thịnh, cách Tuy Hòa hơn ba mươi cây số, về phía dãy núi Tây-Nam thị xã.
             
Chúng tôi lên đường ngay trong buổi sáng. Trời cuối đông, tuy những cơn mưa lớn không còn, nhưng cơn lụt lớn nhất trong vòng mấy mươi năm cũng chỉ vừa rút khỏi khoảng một tuần lễ nên con đường rẽ từ ngã ba Phú Lâm lên Hòa Thịnh bị xói lở, lồi lõm, có đoạn bị nước chảy tràn xói lở, đứt quãng, rất khó đi. Cảnh vật làng quê hai bên đường còn in rõ nét tiêu điều, rét mướt.
             
Con đường từ phía bên kia cầu dẫn vào xã Hòa Thịnh mới thật là lầy lội, hiểm trở. Vì là đường đất, lại bị lụt chảy xiết xói mòn, nên có vài nơi dòng nước cắt ngang; chúng tôi phải xuống xe, cùng nhau đẩy qua trũng nước sâu khá dài. Vừa ngập nước, vừa lầy lội.
             
Sau vài lần xe bị trơn trợt suýt ngã xuống ruộng, anh Trần Huiền Ân đề nghị để anh lội bộ theo sau cho chắc ăn! Tôi lái xe đi rất chậm, cố vượt qua các vũng lầy, nhưng xe luôn chao đảo. Lúc này, tôi mới thấy lội bộ như anh Trần (và nhiều người) là khỏe hơn ngồi trên xe. Ngồi trên xe cố vượt qua chặng đường nhầy nhụa này, không biết sẽ ngã lăn xuống ruộng lúc nào! Rất khổ.
               
Hơn hai giờ lặn lội, chúng tôi đã tiến khá sâu vào xã, gần đến quãng chợ. Nhưng con đường mỗi lúc một gay go hơn, có nhiều đoạn đường bị đứt. Nước chảy ào ào. Phải khiêng xe qua.
             
Quá mệt, tôi dừng lại bên một mô đất cao, tìm một điếu thuốc châm lửa hút, nhìn trời mây lạnh lẽo, âm u, chờ anh Trần đến gần. Tôi nhìn anh, áy náy hỏi:
-Bây giờ anh liệu thế nào?
Anh cười cười:
-Tùy ông thôi! – Anh nói tiếp. Tôi vừa hỏi thăm, chùa Phi Lai cũng gần đến rồi.
-Vậy thì chúng ta quyết định tiến lên nhé?
-Dĩ nhiên là phải tiến lên, không thể lùi…
               
Sau bao vất vả, khó khăn, chúng tôi cũng cho xe chạy vào cổng chùa Phi Lai vào lúc gần 12 giờ trưa! Chùa vắng. Người sa di ni từ phía nhà bếp bước lên chào hỏi. Được biết Thầy đã thọ trai, và đang nghỉ nơi phòng riêng bên chánh điện. Các cô chú đi đắp đường chiều tối mới về.
             
Thầy rất đỗi ngạc nhiên và hoan hỉ khi thấy sự có mặt của hai chúng tôi – nhất là tôi, đã xa hơn 18 năm – sau cơn lụt lớn như vậy.
             
Hai ly trà sâm có chút đường để gọi là “lấy lại sức” sau mấy giờ vật lộn với con đường, với chiếc xe, của Thầy mời, quả thật đã làm dịu đi cơn mệt l (và đói) của tôi và anh Trần. Áo quần của hai chúng tôi dính đầy bùn.
Thầy chỉ tay vào vách chùa:
-Lụt vừa rồi nước dâng lên đến từng ấy – gần một phần ba vách, lo di chuyển, thu dọn… rất là mệt!

Thầy nói tiếp:
-Tôi cũng vừa tham gia đoàn cứu trợ ở xã mới về…

Tôi lo ngại hỏi:
-Các đoàn cứu trợ có vào tận nơi này sao, thưa thầy?

Thầy cười:
-Toán nào chịu khó, quyết tâm thì vào, còn hầu hết chỉ đi dọc quốc lộ…

Anh Trần góp:
-Vậy thì bà con ở vùng xa, sâu, có thể bị thiệt thòi…
-Dĩ nhiên là như vậy rồi! Thầy cười – Ở vùng sâu thì cái gì cũng thiệt thòi cả!
         
Chúng tôi được một bữa ăn trưa thật ngon lành, dầu chỉ với món “canh mì ăn liền” và một chén nước tương, dĩa rau lang luộc. Thầy ngồi ở bàn tiếp khách, vừa nhấm chút trà nóng, vừa hỏi thăm tình hình sinh hoạt của tôi và gia đình. Tôi cũng đã mang hết tâm sự u buồn, phiền lụy của mình kể lại với Thầy – như với người thân yêu lâu ngày được gặp lại.
         
Thầy an ủi:
-Rồi tất cả cũng sẽ đi qua, anh nên giữ tâm thật yên tịnh! Đã nói đời là khổ, thì có muôn vàn nỗi khổ, lo khác nhau; anh hơi đâu mà dính mắc vào đó cho thêm mệt? Cứ an nhiên mà sống với hiện tại…
             
Sau một giấc ngủ trưa nơi chiếc phản kê gần cửa sổ nhà khách, chúng tôi nghĩ tới chuyến trở về. Giấc ngủ êm ái, ngon lành giữa trưa cuối đông se lạnh, yên vắng, nhất là được nghe lời an ủi của Thầy Thiện Đạo, đã làm cho tôi cảm thấy vô cùng khỏe khoắn, hưng phấn. Tôi bắt đầu nghĩ đến ước mơ xưa cũ nơi một gian tịnh thất khuất vắng sau lũy tre, những buổi tham cứu kinh sách, những tối ngồi thiền tự tại, an lạc… Tôi nói ý định với Thầy:
-Thầy cho phép tôi được nương tựa nơi Phi Lai một thời gian được không?

Thầy lại cười:
-Sẵn sàng! Cửa chùa luôn mở rộng, chỉ ngại rằng anh chưa đủ duyên mà thôi! Điều gì đến, nó sẽ đến anh à!
               
Lúc chúng tôi chào Thầy, từ biệt Phi Lai trở lại thị xã thì các cô chú lớn đi tham gia sửa chữa đường ở thôn vừa trở về… Nhìn họ nói cười vui vẻ, hồn nhiên, tôi thật thèm khát. Dường như ở đây không có bóng dáng của sự phiền muộn, khổ đau, toan tính…
             
Từ ấy, hình như năm nào tôi cũng đã có dịp tìm về Phi Lai đôi ba lần. Có năm tôi ở lại cả hai ba tháng, coi Phi Lai là “chốn xưa” của mình. Được sống trong niềm cảm thông bao dung của Thầy, trong sự chia sẻ thân thiết của các cô chú, sự đồng cảm của quý đạo hữu chung quanh, và nhất là trong cái không gian yên vắng, tươi mát, rạng rỡ của Phi Lai, tôi luôn cảm thấy an lạc, tinh tấn trên bước đường tìm về với Đạo…
             
Ở chùa, tuy được Thầy cho phép sống tự do theo sinh hoạt riêng, nhưng tôi luôn hòa đồng, gần gũi, chia sẻ mọi việc với các cô chú. Tôi tha hồ đọc kinh sách, đọc báo, tha hồ viết, tha hồ đi dạo quanh vùng để thăm viếng các đạo hữu… Khi công việc đọc và viết có phần căng thẳng, tôi theo các cô chú đi làm cỏ đậu cả ngày, đi tưới nước, thăm ruộng, tưới cây, đắp đường, quét dọn quanh chùa… Công việc đã làm cho cuộc sống có thêm ý nghĩa, có thêm hiểu biết, và có thêm niềm vui…
             
Tôi rất sung sướng được tham gia vào các thời Kinh công phu hai buổi sớm tối. Tôi nhiệt tình dạy thêm Ngoại Ngữ và Việt Văn cho các cô chú đang chuẩn bị ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trung học cơ sở. Để có thể góp phần nhỏ vào sinh hoạt cần có của Phi Lai, tôi mở lớp dạy Anh Văn cho các con em quý đạo hữu đang học ở trường phổ thông trong xã… Tôi ao ước có thêm việc để vừa làm, vừa học, đem lại niềm vui cho người, cho mình. Có lúc Thầy phải xa chùa vì Phật sự đôi ba ngày, hay mươi bữa, nửa tháng, Thầy đã nói vui: “Tôi giao chùa cho ông, thay tôi “trụ trì” nhé!”
           
Thời gian về sau, mỗi lần tôi trở về Phi Lai – dầu chỉ một ngày – bao giờ tâm tôi cũng an lạc, hoan hỷ… Tôi nghĩ là tôi có duyên với Phi Lai từ nhiều kiếp trước do vậy, tôi cho Phi Lai là “quê nhà, chốn cũ” mà tôi luôn phải tìm về.
             
Thầy Thiện Đạo lúc ấy đang là Trưởng Ban Hoằng Pháp của Giáo Hội Phật giáo Phú Yên, nên sách báo Phật giáo rất nhiều; tôi đã rất hạnh phúc khi được tiếp nhận giáo lý Phật giáo uyên thâm mầu nhiệm hằng ngày. Thầy cho phép tôi được tự do mở các tủ sách ở chùa, tùy ý đọc. Một hôm, trao cho tôi tờ bán nguyệt san Giác Ngộ, Thầy nói: “Ông đọc, rồi viết bàì cng tác cho vui đi! Tôi bận nhiều Phật sự quá!”  Nhờ sự khích lệ của Thầy, tôi đã bắt đầu viết đôi bài tạp bút, tiểu luận, và thơ  gởi cho báo Giác Ngộ. Viết cho Giác Ngộ thuở ấy với tôi, là một cách để tự học, và tự tu tập, tự an ủi mình! Các bài tôi nhờ đạo hữu gởi đi, không ngờ đã được Giác Ngộ đăng tải, không bỏ bài nào!
           
Ở chùa Phi Lai, tôi thường được “tháp tùng” Thầy mỗi khi Thầy được các chùa mời đến thuyết giảng. Có buổi giảng xong, trên đường về, Thầy vui vẻ hỏi: “Ông ngồi dưới nghe có được không?” Tôi chân thật trả lời: “Được đi cùng Thầy, nghe giảng – tôi sáng ra thêm nhiều điều mà chưa tìm thấy trong sách vở!” Tôi biết Thầy có làm thơ từ lâu, có viết tản văn, tiểu luận (như một bài giảng pháp), nhưng Thầy chưa hề nghĩ đến việc in thành tập. Đôi lần được đọc các bản thảo của Thầy tôi đều “góp ý” cùng Thầy, nên xuất bản, để đệ tử và đạo hữu có cơ hội “nghe pháp” thêm.
             
Trong những lần Thầy đi thuyết pháp, có ngôi chùa xa tận vùng núi Đó hiểm trở, hai thầy trò đi về trong đêm khuya, rất vui! Thầy hoan hỉ nói: “Chính ở những nơi này, Chánh Pháp rất cần cho mọi người…”  Có hôm Thầy và quý chú đến nhà đạo hữu để hành lễ cầu an cho gia đình họ, tôi cũng được đi theo! Một lần,  hay tin đứa con trai út  không thể học thi được, tôi phải xin Thầy trở về sớm. Thầy lấy phong thư “cúng dường chùa” của Phật tử đang đặt ở bàn  trao ngay cho tôi: “Ông cầm lấy mà đi đường!” Tôi im lặng nhận, lòng vô cùng cảm kích và biết ơn. Tôi đã nhận được sự đùm bọc, thương yêu của Thầy và quý chú ở chùa Phi Lai như vậy…
             
Tôi đã được ăn Tết , đón ngày Phật đản, ngày Phật thành đạo, tham dự các ngày lễ lớn, ngày Giỗ ở chùa Phi Lai như một “thành viên” đặc biệt! Lúc tôi đã về nhà, Thầy đều phone gọi, nhắc nhở, hẹn gặp nhau ở Phi Lai cùng với quý đồng nghiệp, bạn văn ở Tuy Hòa…
           
Thời gian ở chùa và sống nơi này chốn nọ ở Tuy Hòa, tôi cũng đã có thời gian “tạm trú” ở nhà chị Lê Tăng Mính, các con chị đã xem tôi như người chú ruột thịt vì khi còn dạy học ở trường Nguyễn Huệ, tôi đã ăn ở trong gia đình anh chị mấy năm. Các cháu cởi mở, thân thiết, sẵn sàng chia sẻ với tôi mọi điều! Có lúc, tôi ghé lại, sống cả tháng ở căn nhà lầu rộng lớn bỏ trống của người bạn đồng nghiệp – anh Phan Tiên Hương, dọc quốc lộ vì gia đình anh vừa dời về căn nhà mới ở bờ biển để kinh doanh. Anh dành cho tôi một căn phòng thoáng mát trên lầu, cửa sổ mở ra con đường sắt phía sau, hằng ngày nghe tiếng còi tàu ra vào ga Tuy Hòa để nhớ lại một thời xưa cũ. Tôi tha hồ đọc Kinh, tha hồ viết khi thích! Thời gian gần một tháng “trụ trì” ở nhà anh Hương, hằng ngày tôi trì đọc hai quyển kinh mang theo là Kim Cang, rồi biên chép Bát Nhã Tâm Kinh thành nhiều bản. Để giúp tôi dễ dàng trong việc đi lại, anh còn giao cho tôi chiếc xe đạp mới, ngày hai lần đạp xe xuống phố, ghé quán cơm chay của chùa Bảo Tịnh, hay đi vòng vòng đâu đó trong thị xã, thăm bạn bè. Rồi tà tà về nhà!
               
Một hôm, anh Hoàng Văn Trí – bạn đồng nghiệp lúc dạy ở Nguyễn Huệ, đang là Chánh thư ký  Giáo hội Phật Giáo Phú Yên, tìm đến nhà anh Hương thăm tôi. Gần trưa, anh nói: “Mời anh đi ăn bữa cơm chay với tôi” – “Ở chùa nào vậy anh?” Anh cười hiền: “Ở ngôi chùa nhỏ thôi!” Tôi đạp xe theo anh, và “ngôi chùa nhỏ’ ấy  chính là ngôi nhà của anh sâu trong con hẻm đường Lê Lợi. Ngôi nhà cấp bốn nhưng rộng rãi, thoáng sạch, ngăn nắp, yên tịnh vô cùng. Giữa nhà là bàn thờ Phật trang nghiêm, sáng rực ánh đèn. Và hoa kiểng, và tủ kinh sách, và bàn làm việc, và tấm lòng nhân hậu, quý khách của vợ chồng anh  đã khiến cho tôi vô cùng hạnh phúc! (Vợ của anh cũng là giáo sư dạy Pháp văn của trường Nguyễn Huệ xưa, đang là giảng viên trường Cao Đẳng Sư Phạm Phú Yên). Trước khi tôi ra về, anh Trí đã tặng cho tôi tập sách mỏng, được xuất bản từ năm 1958; đó là tập “Luận Tối Thương Thừa” của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, mà anh đã gìn giữ hằng mấy chục năm... Được cho ăn ngon, được tặng sách quý, tôi cảm thấy đời tôi cũng đã có nhìều “duyên lành”, bên cạnh những bất hạnh, khổ đau…
             
Về sau, dầu ở đâu, đi đến nơi đâu, tôi vẫn thường gởi bài về cho Giác Ngộ, nhận được thư động viên của Cư sĩ Tống Hồ Cầm (nhà thơ Tống Anh Nghị, Phó tổng biên tập Giác Ngộ). Tôi trở thành cng tác viên thường xuyên của Giác Ngộ trong nhiều năm, được quý Thầy Thích Trí Quảng, Thích Giác Toàn (nhà thơ Trần Quê Hương), Thích Thiện Bảo, Thích Tâm Hải ... chia sẻ, góp ý chân tình! Khi Giác Ngộ quyết định chuyển bán nguyệt san thành tuần báo, Cư sĩ Tống Hồ Cầm đã hai lần viết thư đề nghị tôi vào làm việc ở tòa soạn, ông sẽ lo cho chỗ ăn ở tại một ngôi chùa gần, lo cho các sinh hoạt thường nhật ở Saigon. Trước tấm lòng ưu ái của ông, tôi chỉ biết cám ơn, bởi tôi đã biết “duyên nghiệp” của tôi đang còn rất nặng! Chưa có thể ở yên lành một chỗ nào, dầu tôi rất ao ước được như vậy!
             
Tháng giêng năm 1998, trở lại Phi Lai, tôi có viết được mấy đoạn thơ gởi tặng Thầy Thiện Đạo và các cô chú ở Phi Lai như sau:

Chốn cũ ngàn năm vẫn nhớ hoài,
Ngàn năm duyên bước đến Phi Lai…
Dấu xưa in rõ phương trời ấy,
Muôn dặm quan hà đâu dễ phai? 

Xuân ấy, phong trần mỏi cánh chim…
Còn đâu tổ ấm – mãi bay tìm?
Còn đâu mơ ước thêm đôi cánh,
Khuất nẻo đường xa chỉ bóng đêm!

Từ dạo êm đềm vui tiếng kinh,
Phi Lai mở sáng ánh bình minh…
Chỉ trong giây phút xua đêm tối,
“Pháp Bảo Đàn Kinh” rõ bóng mình!

Ngày ấy, xuân này – cách mấy xuân?
Cõi riêng xuân ngát biết bao tình!
Phi Lai chốn cũ bao duyên trước,
Giờ vẫn còn nguyên vẹn bóng hình.”

Sau tuần báo Giác Ngộ, tôi được mời cng tác thường xuyên cho tập san Vô Ưu , tập san Pháp Luân, Hương Từ Bi , Hoa Từ , Văn Hóa Phật Gíáo, Suối Nguồn... với ước mong được góp chút tâm thành cho sự nghiệp hoằng dương chánh pháp mà đời mình đã được ân huệ, duyên lành đón nhận…

(Còn tiếp)
MANG VIÊN LONG