TRẦN
YÊN HÒA
Xã
trưởng tân truyện
Buổi họp bạn trường đại
học rất đông anh em. Những người đã từng có một thời trai trẻ, có lớp trên, lớp
dưới. Kha là dân mới qua Mỹ được mấy tháng, anh còn đang lao đao chuyện chỗ ăn,
chỗ ở, cũng như công việc làm ăn. Ở nhà người anh họ không được nên Kha lên nhà
anh Ngàn ở tạm, ảnh nhờ lên ở giữ nhà gìùm cho ảnh khi ảnh về thăm VN. Một căn
nhà house có khu vườn phía sau rộng trồng đầy cây ăn trái và rau xanh.
Lúc họp bạn đông vui, anh
Tiễn buộc miệng hỏi Kha:
- Kha qua đang ở đâu? Đã
thuê nhà chưa, đã ổn định chưa?
Kha đáp:
- Đang ở tạm nhà anh Ngàn.
Hàng loạt mấy người cùng
lớp với anh Ngàn la lên:
- A, ở nhà thằng xã
trưởng.
Kha nghe nói vậy và tự
hiểu, xã trưởng là biệt danh, của bạn bè cùng lớp đặt cho anh Ngàn. Ở trường đại
học ra, đứa nào cũng có một biệt danh. Biệt danh để chọc nhau chơi mà cũng đúng
y chan với con người, với tính tình từng đứa. Như ở lớp Kha, lớp đệ nhị, có
biết bao nhiêu tên tuổi được lưu truyền. Thằng Thời mập được gọi là thằng nhái
bầu, nhìn thằng Thời là tưởng tượng ngay đến con nhái mập ú ù. Thằng Chung có
cặp mắt hí hí giống Đại Hàn nên được gọi là Chung Li. Thằng Toàn hăng rô, hô
răng. Thằng Thông “loa che
lửa”, rồi thằng Minh ống nhổ, thằng Đồng đại liên vì nó nói chuyện như đại liên
bắn ra phanh…thằng Hoan trâu nước …Hơn ba trăm thằng con trai ở đó gần ba năm
trời, ăn ngủ cùng nhau, tạp dịch cùng nhau, bò lê bò càng chung
quanh vũ đình trường cùng nhau, leo đèo lội suối cùng nhau làm sao mà quên
nhau được, ai mà chẳng có một biệt danh.
Nhìn anh Ngàn, Kha quan
sát và suy nghĩ. Xã trưởng là biệt danh của anh thật đúng y chan, nghĩa là dáng
dấp đó đúng là dáng dấp của một xã trưởng thời chế độ cũ, cao hơn cấp thôn ấp
một tí mà không hơn cán bộ cấp quận được. Người lùn thấp, trán bắt đầu hói, tóc
chải hất ra phía sau, dáng đi lệch bệch, mới trên năm mươi mà đầu xã trưởng bắt
đầu hói đậm.
*
Hồi ở trại tập trung ra,
không có việc làm, Kha ra chợ cùng bán sạp hàng quần áo với Diên. Gọi là sạp
hàng cho ra vẻ chớ thật ra đó chỉ là một cái kệ nhỏ, có giá treo áo quần.
Mặt hàng chỉ lèo tèo đâu mấy chục bộ quần áo trẻ con, ngày nắng thì còn bán
được chứ ngày mưa khu chợ lầy lội vô cùng, chẳng có khách nào đến mua. Vợ bán,
chồng chạy hàng cũng đắp đổi qua ngày.
Một buổi chiều Kha đang
đạp xe xuống đường Lê Văn Duyệt để lấy hàng thì anh thấy một cô gái đạp xe
ngược chiều, trông giống Khanh quá. Khanh là bạn của Diên. Khanh và Diên thân
nhau rất đậm, học chung lớp, chung trường liền mấy năm trung học. Sau này Diên
lấy Kha, mối tình đó có sự chứng kiến của Khanh, nên Khanh và Kha có chút thân
tình. Từ ngày trời sụp đến nay cũng tám, chín năm không gặp lại Khanh, nên Kha
quyết chí quay xe lại, coi cô gái đó có phải là Khanh không. Khi bắt kịp người
con gái đi trước, anh gọi to:
- Khanh, Khanh. Có phải cô
Khanh đó không?
Khanh cũng dừng xe lại và
nhận ngay ra anh:
- Ủa, anh Kha, lâu quá mới
gặp anh. Anh ở đâu? và Diên bây giờ thế nào?
Thật ra thì đôi bạn cũng
thất lạc nhau từ ngày đất nước “đứt phim”. Hồi trước Khanh dạy một nơi,
Diên dạy một nơi, nhưng hai người vẫn liên lạc, khi thì viết thư, khi thì hỏi
han nhau qua bạn bè. Đến ngày đứt phim thì cuộc đời trôi giạt quá đổi, mỗi
người cố giữ lấy cái nghề để kiếm miếng cơm mà bỏ vô miệng cũng là điều khó
khăn. Khanh thì tiếp tục dạy học đâu ở trên vùng cao nguyên, còn Diên thì với
ba đứa con thơ dại lê thê lếch thếch về quê chồng làm ruộng, có còn thì giờ đâu
để nghĩ đến bạn bè. Trôi giạt, thật là trôi giạt, mỗi người một phương, một
hoàn cảnh, họa hoằn lắm mới biết tin tức về nhau.
Diên về làm ruộng ở quê
chồng, rồi không làm nỗi với cái nắng chói chan của mặt trời đổ lửa xứ miền
trung, nên nàng bỏ ruộng đồng chạy sang buôn bán hàng xáo. Nghĩa là mua từng rổ
khoai lang, từng rổ khoai mì, từng mủng lúa, mủng gạo của người nhà quê đem ra
chợ bán. Chuyện buôn bán này cũng thật là may rủi, ngày được ngày không, lúc
bán được thì mua lon gạo, mớ cá về cho con ăn, không được thì đem khoai lang về
nấu cho cả nhà ăn đở đói.
Từ một cô giáo trung học
đến một người buôn bán hàng xáo đã đẩy đưa Diên xuống chỗ tận cùng ngắt
ngứ, như con cá mắc câu không biết xoay xở cách nào. Thời gian này Kha đang bị
tập trung cải tạo tại trại Long Giao, mấy lần trại cho thăm nuôi, Kha đều có gởi
giấy báo về cho Diên đi thăm. Nhưng Diên lúc đó quá cùng kiệt, làm ăn không đủ
để bỏ vào miệng bốn cái tàu há mồm, thì lấy tiền đâu mua vé xe, tàu. Chuyện di
chuyển cũng rất khó khăn, phương tiện giao thông không có, đi lại phải có giấy
phép xã ấp, cuộc sống con người lùi lại một khoảng thời gian khá xa. Người dân
như sống trở về thời các vua chúa với những điều kiện hưởng thụ rất thấp. Trong
buổi họp nào cán bộ cũng la lên ”nhà nước ta còn nghèo, phải khó khăn khắc
phục”. Đi từ miền trung vào trong nam để thăm thân nhân đâu phải dễ dàng
gì, đã không có tiền đi xe còn phải mua quà cáp nữa, nên Diên không đi được.
Thế là Kha trở thành “con bà phước” suốt mấy năm liền.
Nghĩ ra thì ai cũng đáng
thương, nhưng thương nhất là Kha, đã gọi là đi ở tù thì làm sao được tự do, làm
sao kiếm được miếng ăn, cho nên Kha rạt rày thấy rõ. Tôi tình nhất là trong
trại tập trung, cái đói thật là ghê hồn, cái đói vật vã ghê lắm. Mỗi ngày chỉ
được phát mấy lác khoai mì với một chút nước mắm ruốc lợn bợn rác rưởi, làm sao
mà đủ sức để nuôi cơ thể cho được. Thèm một cục đường, một tép mỡ, một gói mì
còn cao hơn thèm cao lương mỹ vị lúc bình thường, mà lại ở Long Giao, chỗ gần
Sài Gòn, nơi quy tụ nhiều gia đình của những tù nhân cải tạo, nên thường được
thăm nuôi ba tháng một lần. Cái khổ nhất của Kha là phải nhìn những gói lạp
xưởng, những nồi thịt được kho ngon, những lác cá được chiên vàng um mà những
người bạn tù được thăm nuôi đem vào cất ở chỗ ngủ, rồi mỗi lần họ ăn thì Kha
càng khổ thêm.
Cái đói cái thèm nó dằng
vặt ghê lắm. Một thân xác bình thường cũng đủ bị vật vã khổ sở lắm rồi, huống
hồ gì thân xác Kha trên sáu chục ký lô mà từ từ sụt xuống còn ba lăm ký, là một
chuyện vô cùng bi thảm. Những mảng da bị chảy xệ vì phần thịt và mỡ bên trong
bỗng dưng biến mất, phần da còn lại trở nên nhễu nhão trông thật thảm hại. Cái
bao tử hoài hũy kêu gào, riết róng, đánh vật Kha trong những cơn thèm khát vô
bờ. Bạn đồng tù có thương, cho anh vài cục đường, vài miếng thịt hay
mời anh ăn cùng một bữa cơm là điều quá tốt rồi, đâu có dư để mà nuôi nhau hàng
bữa. Cái bao tử lúc nào cũng xẹp lép chỉ làm quen với khoai mì lác hay bo bo
lại nhào lên kêu gọi cá, thịt. Đối diện với những mùi thơm tỏa ra từ thức ăn
của bạn bè được thăm nuôi, anh thường bỏ đi thật xa, đi vật vờ đâu đó. Nhiều
khi cơn thèm khát quá độ, anh phải bỏ ra hố xí ngồi, cho sự tanh lợm hôi thối
cùng độ đẩy anh ra khỏi cơn thèm khát ăn uống vô bờ này, nhưng điều đó chỉ là
giai đoạn. Anh làm “con bà phước” dài dài, chỉ họa hoắn lắm thì mẹ anh hoặc chị
anh mới đi thăm. Người mẹ trên bảy mươi tuổi, lưng còng dán đất mà còn phải lặn
lội đi thăm đứa con trai ở trại tập trung, đó là những năm sau cùng của đời tù
cải tạo.
Câu chuyện thăm nuôi đã
khiến anh và Diên giận nhau. Hai người có hai hoàn cảnh như nhau mà cũng ngược
nhau, lại không hiểu nhau gì hết. Như anh suốt bảy năm Diên không thăm nuôi,
không thư từ, anh thấy mình sao bất hạnh quá, vì anh nghĩ, cái cùng khổ trong
tù là cái cùng khổ nhất. Còn Diên khổ vì ba đứa con thơ dại, không đi thăm anh
cũng được, nhưng sao Diên không viết thư, điều này khiến anh uất hận và cay
đắng vô cùng. Nhưng Diên ở ngoài cũng quá rạc rày cùng lũ con lau chau lách
chách. Nàng quần quật suốt ngày, xoay xở bên này, bên kia cũng không sao kiếm
đủ vài lon gạo, vài ký khoai lang để nuôi ba con. Diên nghĩ, “dù gì đi nữa
trong trại cải tạo mỗi ngày Kha cũng có được vài chén khoai mì mà bỏ vô miệng,
chứ mình ở ngoài thì vô phương”. Làm sao hiểu hoàn cảnh nhau nếu không có chút
cảm thông trong đó. Giận dỗi, hờn trách cùng thù hận cũng qua đi, đến ngày được
thả về, Kha cũng về với Diên ở thành phố. Ngày đó, Diên đã về lại thành phố và
nhuần nhuyễn trong chợ đời muôn mặt.
Kha đã cho Khanh địa chỉ
nơi Diên bán ang và hình như hôm sau, hay hôm sau nữa là Khanh tới. Hai người
bạn gái gặp nhau trong cuộc trường chinh của cuộc sống, cũng mười mấy năm, biết
bao nhiêu chuyện để nói. Khanh cho Diên biết là Khanh vẫn còn độc than, ba mươi
tám tuổi mà chưa có chàng nào tới rước nàng về dinh.
Một hôm Khanh dẫn tới chỗ
sạp ang của Diên một người đàn ông đứng tuổi, giới thiệu cùng hai người:
- Đây anh Ngàn, bạn trai
của Khanh, học lới đệ nhất trường Nguyễn Trãi, trước Kha một lớp đó.
Kha rất cảm động và vui
mừng trông thấy, vì anh gặp được một người bạn cùng trường. Đối với anh bây giờ
chỉ có niềm vui ở những người bạn cùng hoàn cảnh, cùng tù đày, cùng trường lớp.
Những ngày tháng cũ như những vầng hào quang rạng rỡ một thời, bây giờ nó đã
mất đi, nên thật quý hiếm. Những câu chuyện tâm sự rất đổi đậm đà. Đối với Kha
đây là vấn đề tâm lý, gần bảy năm trói chặc đời chàng trong những ang rào kẽm,
bây giờ được thoát ra cảnh đó và sống dưới tận cùng đáy xã hội, làm sao cấm anh
nói chuyện đến những ngày đã cũ vàng son.
Kha rất cảm động, cái cảm
động rất người của những người bạn một thời chinh chiến gặp lại nhau.
*
Anh Ngàn và Khanh vẫn
trong tình trạng dậm chân tại chỗ, tấn thối lưỡng nan. Ngàn giữ ở lằn mức vừa
phải, không mạnh bạo tiến tới mà chẳng có dấu hiệu rút lui, khiến Khanh
nhiều lúc thật nóng lòng vì hai người đã qua tuổi thanh niên, thế mà anh Ngàn
vẫn án binh bất động. Anh chàng ấm ớ hội tề đến độ bí mật.
Sự ràng buộc của mối tình
nầy là khi Khanh và anh Ngàn tới nhà Kha chơi. Diên và Kha đã se kết mối tình
bằng cách thực tế là thỉnh thoảng cho Khanh và Ngàn ngủ lại. Khanh đến làm đồ
ăn, Ngàn mua hột vịt lộn, Kha mua xị đế, thế là có một bữa nhậu tương đối cho
bốn người. Kha và Ngàn nhâm nhi còn Khanh và Diên thì kể chuyện cũ thuở còn nữ
sinh trung học. Cũng có thể là Diên và Khanh bàn với nhau cho anh Ngàn “vô
thế”, như người ta đấu cờ tướng, khi bị đối phương cho vô thế là khó gỡ. Nhà
của Kha thuê thì chật như cái hủ nút, cái giường hai mét của vợ chồng anh và ba
đứa con cùng ngủ chiếm hết một khoảng rộng, nên Ngàn và Khanh phải trải chiếu
ngủ dưới khoảng nền xi măng còn lại. Kha nghĩ là anh Ngàn và Khanh có ngủ với
nhau cũng chỉ nằm nói chuyện, hoặc ôm ấp hôn hít cho đỡ thèm mà thôi.
Rồi tự nhiên anh Ngàn biến
mất mấy tháng, Khanh cũng không đến nhà Diên, coi như đôi bạn bận công việc.
Bỗng đột nhiên một buổi chiều mưa u ám cuối tháng mười, anh Ngàn xuất hiện đột
ngột và báo tin “sẽ cưới Khanh”. Câu chuyện khá ly kỳ. Kha biết tình anh Ngàn
bây giờ không còn là tình hoa bướm, hoa học trò, hoa phượng vỹ để tôn vinh, để
lãng mạn một mối tình nữa. Qua nhận xét, Kha biết anh Ngàn có nhiều âm mưu ẩn
chứa.
Anh Ngàn có lúc nói với
riêng Kha, anh có kết một cô buôn bán trong chợ, anh muốn lợi dụng cô này để đi
vượt biên. Nhưng cặp đôi này, ai cũng muốn lợi dụng người kia, bốn chín gặp năm
mươi, nên chuyện không thành, Ngàn đành quay trở lại cưới Khanh.
*
Khanh được cho là cô gái
hiền ngoan, dù nhan sắc trung bình, theo cái nhìn của Nam hồi còn học trò. Kha
vẫn nghĩ lấy vợ như vậy là được rồi, và chuyện xã trưởng có thể kết thúc ở đây,
nêu không có những khám mới của Nam sau này.
Khi mới qua Mỹ, ai cũng lo
những thủ tục đầu tiên là lo giấy tờ cho hợp lệ, rồi điều cần nhất là phải có
bằng lái xe. Anh Ngàn chuyên lo việc tập lái xe cho những người mới qua, và anh
thường rêu rao:
- Ưu tiên cho anh em cùng
trường. Lớp dưới chỉ lấy giá tượng trưng.
Kha hỏi lại:
- Vậy thì anh dạy tôi lấy
bao nhiêu?
- Năm trăm.
Kha chửi thầm trong bụng:
Thế thì tượng trưng cái khỉ mốc gì, chỉ nói xạo cho sướng lỗ miệng, giá vậy cũng
bằng những nơi khác thôi, chỉ quảng cáo lấy tiếng, rồi thì vơ vào.
Nhưng anh lại nghĩ, thôi
kệ, ở đâu cũng vậy, miễn tập lái xe đậu là được rồi.
Thế là Kha ngồi lên xe cho
anh Ngàn hướng dẫn. Mới ngày đầu tiên mà anh đã kể lễ:
- Bà Khanh độ rày hỗn lắm,
một điều là cải hai điều là cải.
Kha nói:
- Tôi thấy chị Khanh hồi
trước hiền lắm mà.
- Hiền khỉ gì, dữ
như bà chằn lửa. lại còn nhỏ nhe, bủn xỉn.
Rồi Ngàn chuyển qua:
- Cả anh em bả ai cũng
chẳng ra gì, hồi mới qua, thằng Thạnh em bả qua trước hồi bảy lăm, mà chỉ đem
cho mấy chục chén bát cũ, thật là kẹo ra nước.
Rồi anh kể lung tung
chuyện những ngày ở đảo, em trai của Thạnh là Thuật. Vợ và những đứa em gái vợ
của Thuật đi chung với Ngàn cùng thuyền, vượt biên trot lọt qua đảo, ở trên đảo
chung cùng một lán:
Anh Ngàn huênh hoang:
- Tụi nớ muốn ngủ với tau
lắm, tối nào ngủ cũng khoèo tau mà tau đâu có rớ.
Thấy anh Ngàn đi lạch bạch
như con vịt đẹt thế mà anh khoe nhiều người mê anh, tôi cũng nể phục anh ra
mặt.
Anh nói thêm:
- Dạy lái xe, nhiều bà
khoái tau lắm. Mấy bả ngồi cầm lái mà làm bộ rờ đùi tau, tau phải hất ra.
Đó là những chuyện xe cán
chó trong lúc ngồi tập lái xe. Nghe anh Ngàn ba hoa chích choè về chuyện đàn bà
cũng vui vui, cho qua thời gian. Nhưng có điều không biết những chuyện kia có
thật hay không mà nghe ảnh nói ngon lành như vậy. Kha nghĩ, cũng buồn cho gia
đình của những người bạn đã tin tưởng ảnh, cho vợ thuê ảnh dạy lái xe.
Nhưng có một chuyện
động trời, mà từ ngày Kha lên ở nhà anh Ngàn, Kha khám phá ra một điều khiến
anh suýt ngã ngữa.
Trong một buổi tối buồn
bã, Kha bật TV, không có chương trình nào hay, anh lục trên đầu giường thì thấy
có một băng video. Kha liền bỏ tape vào máy, thì đây là cuốn phim gia đình của
anh Ngàn, từ VN gởi sang.
Cuốn video quay lại cảnh
miền quê Đại Lộc, có ông già, bà già anh Ngàn, những đứa con gái, những đứa con
nít ngồi trên những cái ghế quanh một cái bàn dài. Ông già dáng vẻ nông dân,
chất phát, nói tiếng Quảng Nam rặt ròng. Ông chỉ vào một con bé, khoảng mười
hai, mười ba tuổi, ngồi đối diện với ông, rồi nói:
- Tau nói với thằng Ngàn ở
bên nớ biết, mi phải nuôi con mi chứ, đẻ con ra bỏ nó cù bơ, cù bất như ri đâu
có được. Đây là con gái mi nề, nó ốm o gầy mòn như thế này mà mi ở bên nớ ăn bơ
sữa, mi không thương con mi sao. Mi phải gởi tiền về để tau cho nó vô Sài gòn
học may chớ. Nó lớn sộ rồi nên phải tìm cho nó cái nghề, nhớ đó nghe. Đẻ con ra
rồi mẹ đi đường mẹ, cha đi đường cha, mi làm như vậy coi sao được?
Nam ngớ người, tự nhiên
anh cảm thấy mình như từ cung trăng rơi xuống, mất trọng lượng. Cứ tưởng là anh
Ngàn còn thanh niên tươi rói khi cưới Khanh, không ngờ tay này cũng ghê quá
thể.
Hôm sau, thằng Bích “lớp
hai” tới chơi với Kha, Kha đem chuyện này ra hỏi thằng Bích, thì nó bô bô cái
miệng kể một hơi dài:
- Thì tay Ngàn này hồi đi
tù, có kết một con bên hình sự, vì tội làm gái. Khi được ra, tay Ngàn có tìm
đến thăm, gặp nhau ngoài đời cô cậu hù hí với nhau đến có chửa. Tay Ngàn liền
quất ngựa truy phong, nhưng cô biết quê Ngàn nên đem con giao cho ông bà nội
nuôi. Vậy đó, mi không biết sao?.
Kha nói thật:
- Tau không biết thiệt.
Thằng Bích bồi thêm:
- Mi tưởng giả hiền lắm
hả? Bợm lắm, đúng là bợm.
Chuyện như vậy đối với một
người đàn ông, Kha đã gặp rất nhiều. Nhiều tay miệng nói đạo đức, xoen xoét nói
ra điều cao đạo, thế mà bên trong lén lút chơi đĩ chạy làng, giựt dọc, lừa đảo
bạn bè. Xã hội đủ mọi thành phần, đủ mọi chuyện, biết đâu mà lường.
*
Cuộc bầu phiếu của mấy lớp
học trường Nguyễn Trãi diễn ra ồn ào, tuy chỉ là chuyện vác ngà voi,
nhưng cũng rất sôi động. Một số tay anh lớp một thì lúc nào cũng đóng
vai kẻ cả, thái thượng hoàng, làm lãnh tụ trong bóng tối. Trong số các
tay đó, có tay ra mặt chỉ dẫn, lèo lái, khuynh loát, cố dựng lên một số người
do họ xỏ mũi, như tên Vỹ, tên Luận, tên Hồng, có cả tên Ngàn cũng nhảy vô ăn
có.
Lớp hai
có người bạn tên Lục, bị tay Ngàn lên tiếng nói xấu thậm tệ. Ngàn hận thù Lục
bởi vì Lục cùng quê, cùng tù, biết gốc gác xuất thân lừa đảo của Ngàn, nên Lục
nói thẳng mọi lúc mọi nơi, là Ngàn một thằng đễu cán. Vây nên Ngàn quyết chí
loại bỏ Lục bằng mọi cách. Cuộc đấu đá này làm những anh em có chút tự trọng bỏ
de ra xa, nhổ nước bọt vào mặt những thằng người kia. Nhưng những tên thái
thượng hoàng vẫn mặt trơ trán bóng, chạy nhảy xun xoe, như tên Luận, cố làm
cao đạo của một lãnh tụ, núp trong bóng tối mà tâm địa ác khôn cùng. Như tên Vỹ
bất chấp chút liêm sĩ cuối cùng, mồm loa mép dãi, cổ động khắp nơi, cố gian lận
cho đám em chân tay dưới trướng, như tên Hồng bắt thằng em đại diện ghi phiếu
gian, cố đấm ăn xôi.
Tay Ngàn nhảy xoi xói như
con quay, chun chỗ này, rúc chỗ kia, cố đem hết thủ thuật lưu manh hạng nặng
lừa đảo của mình ra gian lận trong vụ tranh quyền này. Ôi cai quyền lực ảo
tưởng mong manh đó mà lũ bốn thằng, Vỹ, Ngàn, Hồng, Luận chạy đôn
chạy đáo để cho những tay chạy cờ đắc cử.
*
Thằng Lục sau đó có một
câu nói với Kha:
- Kha nề, tay Ngàn mi đặt
cho tên xã trưởng thì cao quá, với tư cách đó, khả năng đó, con người đó, chả
làm ấp trưởng, thôn trưởng còn chưa xứng nữa, chứ xã trưởng làm sao nổi. Sao mi
đề bạt chức vụ chả cao quá vậy.
Kha cười hề hề, nói với
Lục:
- Tau đâu có đề bạt cho
giả đâu, lớp giả đề bạt cho giả đấy chứ. Mà đúng! Đây là vở tuồng cải lương xã
hội, có đủ bi hài, hỉ, nộ, ái, ố, lạc, dục mà. Chả không xứng đáng, cả về tư
cách lẫn khả năng. Nhưng cho chả lên một bực như vậy để còn có chuyện để cười,
chứ mi.