Wednesday, September 23, 2015

156. NGUYỄN THỊ THANH BÌNH Ngày Giỗ Đầu, Tưởng Niệm Nhà Văn Nguyễn Xuân Hoàng!


NGUYỄN THỊ THANH BÌNH
Ngày Giỗ Đầu,
Tưởng Niệm Nhà Văn Nguyễn Xuân Hoàng!

Chân dung Nguyễn Xuân Hoàng
Tranh sơn dầu Trương Thị Thịnh
2007


Kể cũng thật lạ, khi anh Nguyễn Xuân Hoàng chỉ về lại được Nha Trang, thành phố “nơi tôi đã chào đời, lớn lên…” không bằng thứ “visa” nhập cảnh đời thường, mà chỉ có thể bằng đôi cánh của thần chết (và đã hẳn bằng đôi cánh văn chương với thế giới tin học bây giờ). Không-về-được, khi vị chủ nhân mới mặc nhiên có quyền coi những Nguyễn Hưng Quốc, Thụy Khuê, Hoàng Ngọc Diêu, Hoàng Ngọc-Tuấn… và bọn nhà văn chúng ta chỉ là những đứa-con-hoang lầm lỗi không còn được phép về lại quê mẹ, quê cha đất tổ. Không-về-được đồng nghĩa với những đoạn lìa quê hương thăm thẳm, khi không ai còn buồn và đủ sức muốn hóa giải lòng mình, và khi Nghị quyết 36 chỉ là thứ phấn son hời hợt và muôn vàn những nghị quyết này nghị quyết nọ sẵn sàng làm rào cản những cánh chim biệt xứ khi không đã mất hẳn lối về. Anh Hoàng biết không, năm kia ông chủ tịch Trương Tấn Sang khi ghé thủ đô Washington DC cũng đã ra cái điều muốn hải ngoại mình làm cầu nối bang giao này nọ, nhưng hà cớ chi họ không hoan nghênh chúng ta về thăm lại quê nhà hay phố biển năm xưa của mình?

Vậy sao vẫn có lúc chúng ta, hay nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng của chúng ta vẫn hơn một lần tự hỏi: “Tôi sẽ trở lại thành phố đó chớ! Tại sao không?”

Ờ nhỉ, tại sao lại không?

Câu hỏi của anh Hoàng cũng vừa là câu trả lời của rất nhiều người.Và lần này thì quả thật anh Hoàng đã trở về bằng thứ hộ chiếu mây bay.

Vâng, khỏi nói như trong bài thơ xuôi tràn đầy xúc cảm duy nhất “Nha Trang Hang Động Tuổi Thơ” của anh, chúng ta đều nhận ra ai cũng mong mỏi được về thăm lại chốn cũ thân yêu và ngôi nhà kỷ niệm của mình, như “Căn Nhà Ngói Đỏ” mà anh đã phải bỏ đi chia lìa nên đã ấp ủ gói ghém thành truyện đó thôi.

Đi, khi mọi niềm tin đã không còn và tận cùng của khánh kiệt, khủng hoảng. Đi như phân đoạn con người mình thành hai mảnh: một mảnh quê nhà và một mảnh quê người. Đi, để trong những rủi ro phận nước, chúng ta có thể thấy hơn 400 ngàn “chất xám” sẵn sàng tìm cách trở về dựng lại quê hương“khi đất nước tôi thanh bình”. Và riêng với giới viết lách của anh chị em chúng ta, lúc trở về có lẽ cũng là lúc được trọn vẹn giành lại quyền tự do tư tưởng, ngôn luận, báo chí, in ấn phi kiểm duyệt và sẽ không có chuyện in chui đọc chui, văn chương ngoài luồng, văn chương trong luồng vì chúng ta đã nhập lại thành một dòng chảy miên man tự nhiên và tự do.

Và như thế quả đúng với những lần tâm sự đâu đó của anh, một nhà giáo, một nhà văn, một nhà báo nổi tiếng trước 75 và đã từng làm Tổng Thư Ký của báo Văn. Hẳn lúc đó, những giọt nước mắt mừng mừng tủi tủi của những anhchị em còn lại bên thành phố Sài Gòn, cũng không khác mấy với một Dương Thu Hương ngồi khóc bên lề đường phố thị Hòn Ngọc Viễn Đông năm 75 chỉ vì sửng sốt cho “Một chế độ man rợ đã đánh bại một nền văn minh.”Với nhà văn Võ Thị Hảo thì mới đây lại cảm thấy như những kẻ khách trọ.Tệ hơn là cảm giác phải làm kẻ lưu vong trên chính đất nước mình. Hoặc đau đớn nhất là phải cúi đầu nhận chịu thân phận nô lệ, khi những quyền tự do căn bản của con người đã bị tước đoạt, đánh cắp.

Không riêng gì nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, mà tất cả chúng ta cũng đã yên tâm hơn, vì biết rằng vụ truy lùng cầm tù “biệt kích văn hóa”, tiêu diệt đốt sách “văn hóa đồi trụy” của nền văn học đồ sộ Miền Nam cũng đã, đang và sẽ được mọi quý vị quan tâm bất chấp khó khăn trở ngại để kiếm tìm, bảo bọc, gìn giữ lại. Một Tần Thủy Hoàng tàn bạo đốt sách và một chóp bu C.S Tàu coi trí thức, trí tuệ như cục phân chưa đủ sao?

Xin lỗi anh Hoàng, khi mỗi lần gặp anh vẫn đùa đùa: “Tên Thanh Bình, mà sao thích gây chiến quá đi thôi”. Kể ra lòng mình cũng không vui và thật buồn, lúc không thu xếp về thăm anh lần cuối, khi lần đó Lê thị Thấm Vân bảo: “Anh Hoàng ngồi lại họp mặt với anh em ở nhà Vân rất lâu, dù anh chỉ hớp được vài ngụm nước chanh của Vân pha”, và nhất là lần cuối này, khi anh đã nằm yên giữa những hàng nến trắng, trong cỗ quan tài đời đời đóng lại và không còn Vy không còn ai bên cạnh để chuyện ngắn chuyện dài. Nằm yên ở một nơi xa lắm bên kia bờ Thái Bình Dương, không phải là quê nhà, không phải là phố biển thân yêu, vì dường như mọi điều cũng đã quá vô vọng lao đao như khúc ly ca và như câu thơ buồn đẹp của Du Tử Lê: “Khi tôi chết hãy mang tôi ra biển.” Ai cũng phải muốn “ra biển” cả, như lần nào đó anh Hoàng cũng đã theo dòng người di tản làm thuyền nhân, nhưng “ra biển” như những tàn tro lạnh lẽo và không ấm nóng như “Ra Biển Dã Ngoại” thì buồn thật!

Thôi thì chúng ta cũng đành chào thua tên đồ tể “Sarcoma” bệnh hoạn đã cướp mất anh thật nhanh.Nói chi thì nói, khoa học Mỹ sẽ không dễ gì chào thua bất cứ loại đồ tể nào. Vấn đề là nhanh hoặc hơi chậm mà thôi, và khi chính con bệnh phải biết can đảm chống trả. Phải chống trả rồi may ra mới phải quy hàng, chứ ai đời chỉ biết quy hàng trước khi cần chống trả thì đúng là hèn yếu quá thể phải không anh Hoàng? Mà anh chắc cũng đã phải chống trả kịch liệt, nên dù đau cột xương sống chí tử mà vẫn luôn ráng đến với bạn bè, ráng tiếp và cầm tay thật chặt bạn bè đến thăm, ráng thoát ra khỏi những đớn đau bất lực khi thổ lộ: “Bây giờ thì anh mới hiểu tại sao có những nỗi bất lực khiến một người phải tự tử, tự sát.”

Thì vâng, mỗi chúng ta đều có mỗi cách để nói lời ly biệt. Với một người cầm bút, thường thì bạn bè đồng nghiệp chọn cách chia tay bằng một Số Tưởng Niệm giữa những bạn văn viết về nhau. Với những độc giả thầm lặng, có lẽ họ sẽ mặc niệm bằng cách theo dõi số báo ấy kỹ hơn hoặc chỉ âm thầm lặng lẽ đến bên kệ sách và “ôm” ông tác giả ấy xuống ve vuốt phủi bụi qua loa, ngắm nghía đôi chút và tìm gặp lại chút dư âm gọi là. Ồ mà không phải ông ta đâu, chỉ là đứa con tinh thần mang hình tượng dấu ấn của ông ta mà thôi. Vì thế, sẽ không có hoặc hiếm có màn điên cuồng khóc lóc như giới mộ điệu âm nhạc, ở bên trời Ta cũng như trời Tây. Với nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, bạn bè trong giới viết lách cũng đã kịp thời làm được một số chuyên đề lúc anh lâm trọng bệnh. Một hình thức của Số Tưởng Niệm, nhưng chí ít nhà văn của chúng ta đã có dịp được đọc thấy, và yên lòng.

 Còn bây giờ có thể là anh không còn đọc được nữa, nên thôi cũng đành gởi theo hộ chiếu mây bay một lời cảm ơn muộn màng. Cám ơn không chỉ bài thơ viết về phố biển đầy ấn tượng mang đậm nét hơi thở văn chương của Nguyễn Xuân Hoàng vẫn còn đọng lại trong tôi, mà có thể nói nhà văn đã viết Căn Nhà Ngói Đỏ cũng thật tràn đầy cảm xúc và sắc sảo, mà mỗi lần đọc lại chúng ta đều nhận ra đó là Nguyễn Xuân Hoàng và không thể là một ai khác. Một nhà văn không những đã sống hết mình với văn chương mà còn cả với bằng hữu quanh năm. Đặc biệt anh Hoàng có thói quen đánh máy chữ in thật lớn như một cách gây chú ý thật buồn cười trong chỉ mấy dòng thư đòi nợ… bài, hoặc ngay cả những thăm hỏi. Anh cũng như chị Vy hay tỏ ra dziên dzáng: “Bộ bẻ gãy hết keyboard rồi hay sao vậy?” Một chủ bút khá ngộ nghĩnh!

Ờ nhỉ, sao lại không thể tặng hoa cho tác giả những ngày còn sống? Đợi khi tác giả đi rồi thì vòng nguyệt quế mới linh thiêng, hiệu nghiệm, công tâm hơn chăng?Và sao chỉ có những hoa và hoa, có khi không dành tặng cho những người vừa chết. Vì lắm khi hoa và hoa chỉ cốt mang đến tặng cho người “nhà” đang sống (dù xem ra cũng chẳng có gì gọi là đáng sống, chữ vô-tích-sự của anh Hoàng đấy nhưng một người tự cho mình “vô tích sự” tức sẽ không “vô tích sự” được) và những khách thăm viếng lắm lúc lơ láo chức phận ngó qua ngó lại phô trương… “hoa” (nghe sao giống Hội Nhà Văn của Hữu Thỉnh). À vâng, nói sao nghe chừng như hoa của những khóc mướn thương vay.Ôi, cả một rừng hoa diễm ảo sao bằng những sợi nước mắt có thật của anh em thân thiết quí mến nhau.Những điếu văn cảm động trân quý cũng đã là những cành hoa trắng tưởng niệm và cảm tạ có ý nghĩa nhất.Đừng dại mắc cười, vì chợt nhớ đến những giọt nước mắt bôi dầu cù là made in Korea, của dân Bắc Triều Tiên hôm nào.

Với nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, mỗi chúng ta đã có mỗi cách gặp gỡ, tiếp cận anh qua tác phẩm, và trong mỗi chặng viết của anh suốt mấy mươi năm dài, tôi nghĩ anh đã tìm được cái hương sắc “hoa”, cái không khí “hoa” của riêng mình. Anh không cần vay mượn “hoa” của ai khác. Anh đọc nhiều, giàu kiến thức, nhiều vốn liếng của một giáo sư triết; nhiều nhưng không dễ gì làm ảnh hưởng được anh, mà trái lại anh chỉ cần băng qua đời với chính cuộc đời thật của mình đã sống, đã chiêm nghiệm một cách trí tuệ tinh tế, rồi từ đó Nguyễn Xuân Hoàng ngắt ra từng cánh một bát ngát diễm tuyệt để dàn trải săm soi và để viết. Tôi dùng chữ diễm tuyệt trong một ám chỉ văn chương Nguyễn Xuân Hoàng rất đẹp, và anh thuộc dạng biết kén chọn cách tỉa cắt hoa (văn) như gọt dũa cách diễn tả sao cho vừa gây không khí truyện vừa có thổ ngơi của riêng mình. Những truyện mà không phải là truyện, những thơ mà cũng nào phải là thơ, nhưng chừng như chúng ta gặp gỡ cả hai quyện lẫn trong cách sử dụng ngòi bút văn chương của tác giả.

Trong toàn bộ những tác phẩm tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Hoàng, tôi cũng không rõ lắm điều gì đã khiến mình thấy gần gũi nhất ở cái tập truyện đầy chất thơ, đoản văn và chỉ một bài thơ xuôi đầy văn chương của những dòng nhật ký nhắc đến tên gọi Nha Trang, nhưng lắm khi kéo chúng ta đi về những ngõ ngách khác của ký ức. Đó là một tuyển tập chưa tới 200 trang in năm 1989 do Văn Nghệ xuất bản, 4 năm sau khi tác giả đến định cư ở Mỹ, mang tên “Ngôi Nhà Ngói Đỏ” ở phần mục lục. Tuy nhiên, ở tựa sách tác giả lại đổi thành “Căn Nhà Ngói Đỏ”, và tôi thích chữ “căn” hơn, vì nghe như “căn phần” của một định mệnh đã biến “Ngôi Nhà Ngói Đỏ” thành những điêu tàn cũ kỹ hơn hay sửa sang “phồn hoa giả tạo” hơn trong tay “chiếm cứ” của chủ mới thì… xin lỗi, tôi quên hỏi anh Hoàng rồi và không muốn đoán mò (để độc giả tự suy đoán chắc có phần lý thú hơn).

“Căn Nhà Ngói Đỏ” không biết có phải là truyện ngắn đắc ý nhất của anh, hay có thể là truyện đắc ý nhì để được chọn làm tựa đề của cuốn sách, vì hình như anh có thú nhận ở một thời điểm nào đó trong đời, anh thấy tâm đắc nhất với “Tự Truyện Một Người Vô Tích Sự”. Một truyện ngắn được xếp ở đầu cuốn sách, và cũng đã được nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc đánh giá là một trong những truyện ngắn hay nhất ở hải ngoại, và họa sĩ Trương Vũ cũng đã chọn biên tập cánh hải ngoại và nhà văn Lê Minh Khuê cánh trong nước, cùng với Wayne Karlin tuyển tập văn chương chiến tranh của nhà xuất bản Curbstone Press (1995).

Với tôi, cái chất truyện, hơi truyện, không khí truyện của “Căn Nhà Ngói Đỏ” chứa đựng được phong cách lừng khừng, lững thững giữa đời tiêu biểu của những “nhân vật” Nguyễn Xuân Hoàng.Đặc biệt ở truyện này có một kết cấu khá lạ và toàn truyện toát ra chỉ một lời độc thoại, gợi mở hình ảnh của một người đàn ông Việt Nam cô đơn và cô lẻ duy nhất trong quán nhậu vào chiều cuối tuần ở Cali xa nhà, xa quê hương. Tôi có cảm tưởng như từ đầu cho đến cuối truyện, người đàn ông cô độc khật khưỡng say này khi thì lùng bùng trong cuống họng, khi thì lùng bùng với khoảng trống của lòng mình, và tác giả đã dựng xây nhân vật này khá thành công khi trở về chiếm lãnh cả không gian của quá khứ là quê nhà. Coi bộ cái hình nói chuyện với cái bóng cũng thú vị chán. Một đoạn “đối thoại” cũng chừng như người đàn ông đang chuyện vãn với những chiếc bàn ghế lặng câm chung quanh:

“Ông ơi, ai mà chẳng biết con chim có tổ con người có tông.Nhưng tông gì mới được chớ.Bộ chui vô cái lỗ cống cũng là cái tông à?”

“Chứ sao! Bao nhiêu năm trong tông nhà tù chưa làm ông mở mắt ra sao mà chừ muốn kiểu cọ nhà cửa xanh đỏ vàng tím!”

Viết truyện ngắn, tôi nghĩ khó nhất là phần kết.Ở đây, chỉ vài câu đối thoại ngắn ngủi cuối cùng, tác giả đã có thể mở ra cho mỗi người đọc mỗi câu trả lời khác nhau.

Thật tình tôi chỉ dựa theo cảm tính của mình nhiều hơn, và có lẽ nên để bạn đọc tự trải nghiệm thích thú khi đến với “cõi văn” của Nguyễn Xuân Hoàng. Một tác giả cũng vừa mới biến bay khỏi trần gian nhiều hệ lụy ô trọc này, và tôi cũng đã có quá nhiều kỷ niệm với anh, nên chắc là cầm lòng không đậu thế thôi.

Coi vậy ai mà chẳng mắc nợ anh những món nợ tinh thần nào đó anh đã hơn một lần mang đến, cống hiến cho cuộc đời.Với tôi, bất đắc dĩ phải đóng vai một nhà phê bình. Làm một nhà phê bình, tôi phải hình dung ra một khuôn mặt khá nghiêm trọng đăm chiêu để còn “đặt bày” ra những định hướng, suy gẫm, kết nạp… đằng sau những con chữ. Rồi thì có lúc mình phải giống người thợ lặn phải tập thở đều, với cái đầu lạnh để bơi thật sâu xuống tận đáy tác phẩm.Bơi không nổi, quờ quạng thì coi như chỉ là một cách đọc tài tử, cho vui thôi mà, có phải?

Ngày giỗ đầu, muốn “cho vui” chắc cũng là không nổi đâu anh Nguyễn Xuân Hoàng ơi!

Nguyễn Thị Thanh Bình
13/9/2015