Thursday, November 19, 2015

177. NGUYỄN VY KHANH Tính tự truyện ở Phùng Nguyễn



NGUYỄN VY KHANH

Tính tự truyện ở Phùng Nguyễn

\
Phùng Nguyễn
(Ảnh PCH - Virginia, 2015)



Tưởng nhớ Phùng Nguyễn
vừa ra đi, ghi lại đây nhận định văn-học gần 15 năm trước.


Có những nhà văn mở đầu sự nghiệp với những tác phẩm mang tính tự thuật, lấy đời sống và kinh nghiệm bản thân làm chất liệu, rồi với thời gian tính chất này sẽ loãng dần, như Nguyên Hồng, Thái Can, Tô Hoài, Duyên Anh, Thanh Tâm Tuyền,... Phùng Nguyễn khởi nghiệp văn chương khi tuổi đã trung niên và theo thiển ý, tự truyện đã và vẫn là cái nền chính của những gì ông viết. Từ Tháp Ký-Ức đến Đêm Oakland Và Những Truyện Khác (1), tính tự sự ở Phùng Nguyễn có lúc công khai, lộ liễu, có lúc tiềm ẩn - ít ra ông cho người đọc cảm tưởng đó! Ông đưa người đọc hành hương với ông trở lại nơi đất cũ, nhà cũ, thời niên thiếu của ông, một tháp ký-ức giữa những tàn tích của quá khứ, ngay trên bãi đất hiện tại! Những bước chân hoài niệm và chiêm nghiệm qua văn chương! Riêng tập sau, tính tự sự không còn cao như tháp nhưng vẫn dày dặc ở bề sâu, ở tính cách. 


Với Phùng Nguyễn, quá khứ như đối tượng của một đặt lại vấn đề cho hôm nay và ngày mai. Tự truyện là văn bản bám vào hiện thực; người viết truyện kể lại như sống lại quá khứ qua tâm tưởng và ký ức, cảm tính hay ý thức. Tự truyện tức kể lể chuyện cũ, chuyện đã xảy ra hay từng mơ mộng mong xảy ra, "đợi khuya tàn bắt sống một chiêm bao" - như với cô gái tóc thắt bím trong Phía Bên Kia Đường. Dù gì thì đó là của một con người có hữu thể, thực tính, đã sống thật, có khi trọng tâm chỉ ở cuộc sống cá nhân người đó, cuộc đời hoặc nhân cách con người đó.


Trong Đêm Oakland Và Những Truyện Khác, người đọc thường gặp những "tro tàn", " tro than của quá khứ", "quá khứ buồn tủi",... Ở truyện ‘Đêm Oakland. Câu Hỏi’, những thằng Kình, thím Tám, chị Sáu, chị Hạnh,... đi vào thế-giới Phùng Nguyễn như những ám ảnh, và vì là ám ảnh nên họ ở lại nơi chữ nghĩa của Phùng Nguyễn. Dù nhân vật "tôi" đã qua đêm và con đường bỏ lại phía sau nhưng câu hỏi hãy còn đó! Những người bạn trẻ vẫn bị ám ảnh đã không thể quay lưng lại với "cái quá khứ buồn thảm mà bọn người lớn chúng tôi cứ giữ rịt lấy như một bộ phận bất khả phân của phần đời còn lại" (tr. 27). Quá khứ với những cuộc sống thôn dã không trầm lặng vì lòng người bạo động. Hạnh trở nên trò chơi định mệnh của hai phe đối đầu qua Hồ Luyện phe quốc gia và qua Kình của phe "giải phóng". 


Phùng Nguyễn thích kể chuyện tình và những tái ngộ với những khuôn mặt của thời trước. Cháy Lên Những Ngọn Đồi Cỏ Khô kể chuyện một thương binh thời chinh chiến, nay ở một cuộc đời mới nơi xứ người, nhận chân ra tình yêu là cái đã mất và không ai trách nhiệm gì về tình cảm của người khác. Qua Thái, một nhân vật phụ, "tác giả" đã có cái nhìn xuyên qua không gian hiện tại để trở về một nơi chốn quá khứ, khiến nhân vật xưng "tôi" hiểu được thế nào là tình yêu và thế nào là hạnh phúc! 

Tình yêu qua ngã "chatroom đìu hiu" (tr. 74) là dịp để tự sự lên ngôi. Những đối phó, mưu chước và những lời lẽ, cung cách chiều chuộng lấy lòng và cả phân tích tâm lý. Ngay đến khi chạm mặt, vẫn là những đắn đo tính toán hơn thiệt về tình cảm. Tương quan qua lời hơn là hành cử đối xử (Quan Hệ)!

Cũng vì chiến-tranh mà những người thân thiết có lúc phải chiến tuyến đối nghịch, như Tấn và Thuận trong Chim Gáy Sau Vườn. Nơi chim gáy cũng là chốn chớm nở của tình yêu trái ngang của Xuyến, cũng là nơi bạn thành thù phải giết nhau, và oan trái thay người chết lại là người con gái - dấu nối của hai chiến tuyến. Cũng nơi đó, Thuận, người sống sót cuối cùng trong ba nhân vật, "nhận ra" khung cảnh hạnh phúc dù trong thực tế chỉ là một giấc mơ, và cuối cùng ông chết khi đất nước thống nhất đang hồ hỡi "đổi mới"!

Tự truyện cả khi đứng ở vị trí của nhân vật khác, như cô chủ quán cà phê trong Khách Quen. Hay nói chuyện về một nhân vật thứ ba, người khác (không phải người khác đối diện), như trong Chuyện Thằng Bạn, nói chuyện Long nhưng vẫn tham chiếu so sánh với cái Tôi, một bên gái theo bất cứ ở đâu, một bên chấp nhận thua thiệt thất bại, chỉ mong luôn được uống cà phê với bạn để dễ dõi theo những "hạnh phúc" của bạn. Cái Tôi ở đây định hình trong tương quan với tha nhân và thế-giới ở ngoài, thế-giới trở thành nơi phản chiếu cái Tôi! 

Phùng Nguyễn hay dùng thể độc thoại, kể lể như tự kể. Ở nhiều truyện chen lẫn những độc thoại nội tâm - một diễn văn không người nghe hay không cần, không phải có, cho người đọc cảm tưởng tâm tình tư duy đến lộn xộn. Ngay khi đối thoại với người đọc, đưa người đọc vào trong truyện, khi kể một chuyện tình của những con người viết văn vốn "cô đơn" (Tỏ Tình Với Bình Minh).

Tập truyện là sản phẩm về một cái Tôi khác cái Tôi vẫn phơi bày theo thói quen trong xã hội, cả trong những thói hư hay khuyết tật. Cái Tôi khác này là cái Tôi văn chương, cái còn lại sau khi đã được văn chương gạt bỏ những bình thường của thường ngày. Mỗi truyện là một bản, một mảnh của tác phẩm, của người viết. Thế-giới trội bật của Phùng Nguyễn qua tập truyện là thế-giới nhà văn, rõ trong Văn Sĩ Ngại Ngần, Tỏ Tình Với Bình Minh, Dựng Truyện, Chuyện Thằng Bạn,... Phùng Nguyễn - qua nhân vật, có lúc hoài nghi hoài niệm và tính tự sự, khi dùng quá khứ làm chất liệu viết thành truyện đăng báo và được người đọc ưa thích (tr. 161). Vai trò của người viết ở thể loại tự sự quan trọng vì vừa là nhân vật, nội dung, vừa là người sáng tạo. Và người viết sẽ dễ chứng tỏ thành thật khi kể chuyện thời đã qua như những tiếp nối của hiện tại, như cộng những hiện tại đó lại! Bài toán có khi kết quả ngược lại!

Là mảng, con người phân thân, liên hệ với bốn người phụ nữ tên Châu, hay bốn người mà như một mờ ảo thực hư (Chuyện Tình Kể Lại). Ở đây, con người sống trong ảo vọng quá khứ, sống tâm bệnh hay thân xác trật nhịp khi kỷ niệm không đủ làm "chạy máy" cái Tôi! Sống trong thế-giới của tưởng tượng, cứ tưởng thật là thật. Ảo tưởng cô gái Phía Bên Kia Đường với hai đuôi tóc vung vẫy, tưởng có đó nhưng chưa có đó, chưa mà Tôi đã cất giấu trong "một ngăn kéo trân trọng nào đó của ký ức" nhưng hóa ra không dễ vì "nàng cứ chồm ra vào những lúc bất ngờ nhất", vì lẽ "Cô chưa hề biến mất bởi vì cô chưa từng hiện hữu. Cô chỉ nằm trong óc tưởng tượng của tôi khi tôi đi dọc theo quãng đường đã định sẵn cho chuyến đi bộ mỗi buổi sáng" (tr. 132). Nhìn thấy chuyện sắp xảy ra bằng ảo tưởng và hoài niệm quá khứ, mơ có thành như thực cũng là nỗi hy vọng đừng trở lại thành ảo tưởng! Rõ Phùng Nguyễn rất giàu lan man, dự phóng, nhất là khi lùi lại thời gian. Và đầy nhịp điệu của tình cảm và cả lý luận!

Người đọc Phùng Nguyễn ngay từ những hàng đầu dễ có cảm giác đã như ở trong tâm tư suy nghĩ hoặc ý thức sâu thẳm của ông, và chính những diễn tiến tâm tư này qua hình thức truyện, tiểu thuyết, cho người đọc biết hành động của nhân vật và những gì xảy ra. Về một phần của tôi mà tôi không thể chối bỏ. Độc giả đọc tiểu thuyết về một người lại như khám phá ra những ảo tưởng từ một người - ở đây là Phùng Nguyễn! 

Chủ đề của Đêm Oakland Và Những Truyện Khác chính là cái Tôi của Phùng Nguyễn, và nhân vật truyện cũng thường là Tôi. Người đọc truyện ông làm công việc phân tích tác giả như là tác phẩm, mới là tác phẩm. Có thể nói tất cả chi tiết, hình ảnh,... của truyện vốn là tự truyện nhưng đã được kỹ thuật văn chương dựng lại như "tiểu thuyết", và vì là tiểu thuyết nên cần đến những yếu tố bên ngoài nhân vật đã được tác giả xào nấu theo ‘gia chánh’ và ý của mình.

Trong Bóng Phượng, Tôi đắm mình trong quá khứ của một thời quá vãng, một thời chiến-tranh. "Có lắm khi tro tàn sẽ bị gió cuốn đi. Và cùng với chúng là cánh phượng hoàng sẽ ngàn năm bằn bặt. Còn lại là mảng hồi ức không trọn vẹn, những hình tượng sứt mẻ, cùng với những điều bất toàn khác đã làm nên một di sản kỳ dị mà đứa bé được thừa hưởng. Và sẽ không quên" (tr. 142). Ở những hình ảnh phượng tím, "những cánh hoa tím trên cây phượng Mỹ" (tr. 133), hoặc thiên nhiên hoa lá, "tàng lá xanh của cây gạo đầu làng nơi anh đã ngã xuống trong màu hoa đỏ vào một ngày chói chang nắng Hạ" (tr. 138). Nhắc đến hoa tím phượng Mỹ tức có ý tham chiếu hoa phượng đỏ xa xôi của một chân trời khác! Cái Tôi chậm rãi sống, chậm rãi nên dễ sống lại dĩ vãng và sống lâu hơn, với nhiều chi tiết, như một Tôi chạy bộ qua những nẻo đường quen mỗi ngày trong chương trình phục hồi sức khỏe (Phía Bên Kia Đường).

Ở Cựu Chiến Binh, Nhà Thơ, cái Tôi nhập vào vai người lính Mỹ, với những tâm tình và vấn đề Mỹ, "Tôi" tự truyện và người kia. Ở đây Tôi trở nên hình thức triệt để của "vô danh", nói triệt để nhưng không hẳn vì lý lẽ vẫn là của một con người Việt Nam vùng tác giả sinh trưởng! Không hiểu lối khai thác văn chương này có thành công không, chỉ sợ đưa đến bế tắc khi phải ẩn trốn không chỉ dưới hành vi của nhân vật mà cả đổi biệt hiệu như Roman Gary phải bí mật ký Emile Ajar để viết La vie devant soi, núp sau nhân vật Momo trong một xã hội đa văn hóa tràn ngập bởi dân Bắc Phi.

Truyện cuối Dựng Truyện là một thích thú bất ngờ, hai thế-giới "thực" và "tiểu thuyết" trộn lẫn, trộn lẫn ở cả thể loại vừa tự sự vừa kịch bản. "Tôi" và "người đàn bà " tình cờ (mà đã được dàn cảnh) gặp nhau khi đi cùng chuyến máy bay đến thành phố nghỉ mát Fort Lauderdale ở Florida, từ điểm "tình cờ" mở đầu đó họ trở thành nhân vật cho một truyện mở đầu bằng "nhà xoay lưng..." để rồi truyện dựng lại với một kết cục là những nhân vật đã có liên hệ với nhau từ trước và tình yêu "phân tâm"... thắng thế! Truyện đầu Văn Sĩ Ngại Ngần lại là một thử nghiệm liền hơi dù ngắn vẫn "đến" được với người đọc, chúng tôi tin thế!

Dòng tự sự của cây viết Phùng Nguyễn không thể không đụng đến hội nhập. Sự chia xa, mất mát, đổ vỡ... che giấu một ước muốn sống, làm lại, rồi đến ước muốn sáng tạo, một kiếm tìm ý nghĩa mới. Một trong những phương tiện là qua văn chương. Kinh nghiệm lưu thân của mỗi người viết là cá biệt, có thể vô nghĩa, nhưng sẽ hóa thân khi trở nên thường trực, khi cá thể trở thành phổ quát. Bản ngả lùi một bước, hai bước sẽ rơi vào khoảng không và Tôi hội nhập vì tự nhiên, sinh tồn, hoặc vì không còn lựa chọn khác. "Khoảng không" trở thành một sức mạnh sống còn, một sức sống yêu đời. Con người sống xa quê hương có thể không ngày về, sống lưu đày, thường sống cái trống rỗng hụt hẫng thường trực đó. Đưa đến hai tính hiện thực và trống không của văn chương lưu đày. Hội nhập xây trên phủ định văn hóa, gia đình, đạo đức. Phải phá không gian và thời gian để sống cái hôm nay. Tâm tình lưu xứ ở Phùng Nguyễn dù vậy chưa hẳn đã bị hội nhập lấn át. Quê hương, chốn tình yêu, nơi kinh nghiệm sống đầu đời,.. trở thành không gian tâm tưởng, không gian con chữ! Kinh nghiệm qua phân không gian-thời gian này là một kinh nghiệm về cái bất khả thi trong thực tại nhưng khả thi trong văn chương. Lưu đày là sự hủy phá một không gian, có thể tâm thức, và áp đặt nó vào không gian mới có. Một trốn chạy ở giữa hai thực thể không gian cũng như thời gian. Cố gắng ký ức như Phùng Nguyễn với hai tập truyện là hậu quả của những khuynh hướng không tưởng làm nên văn chương lưu đày, ở ngoài! Hoàn cảnh có thể khiến thành dòng, xuôi chảy!

Truyện ‘Đêm Oakland: Câu Hỏi’ dùng cái nền nếp sống ở xứ người, với những Đức, Thiện và... "tôi" dĩ nhiên! Tra vấn về hội nhập ở những mảng tuổi đời khác nhau, ở những nỗi trôi của tiếng nói và khả năng phát biểu tiếng mẹ đẻ: "Bất kể những khác biệt lớn về tuổi thơ và kinh nghiệm chiến-tranh, tôi cho rằng Đức và tôi cùng thuộc về nhóm những kẻ đứng chông chênh trên hai mảnh ván trôi ngược chiều nhau, cố giữ thăng bằng để không rơi vào cái vực đen ngòm của hoang mang bên dưới. Thực ra, cái mảnh ván cứ kéo giật tôi về quá khứ có nhiều cơ hội thành công hơn. Có những điều nằm ở đó sẽ đeo đuổi tôi cho đến hết đời. Trong nhiều năm, tôi cứ đi giật lùi nhiều hơn là đi tới. (...) Mãi về sau này khi nỗi ngạc nhiên qua đi, tôi cho rằng nếp nghĩ của mình có thể đã xuất phát từ nỗi sợ của người bị giật mất đi chiếc phao cuối cùng của lòng tự hào. Khi người ta không có nhiều thứ để bám vào, khả năng sử dụng nhuần nhuyễn tiếng mẹ đẻ trong một môi trường không thuận lợi có thể chứng minh được nhiều điều, kể cả việc biểu hiện một cách kín đáo, và trong cùng một lúc mong muốn người khác nhận ra, thẩm quyền về và lòng trung thành với chính cái quá khứ buồn tủi của mình..." (tr. 14-15). Từ đó dùng quá khứ như cắt nghĩa, như làm nền cho đời sống hôm nay, ở xứ người, lưu thân trong hội nhập!

Toàn tập truyện có thể xem như là cuộc sống ở Mỹ, cuộc sống hội nhập, không gian Mỹ, nhưng cái nền vẫn là một Việt Nam quê hương, một Việt Nam tuổi thơ rồi tuổi trẻ, một Việt Nam học đường rồi tình yêu. Những mảng quá khứ đó đã là hoài niệm, kỷ niệm,.. quanh quẩn, chợt hiện về đó rồi đi. Những cái Tôi hay một cái Tôi biến thiên, lớn dậy,... có tuổi! Những cánh đồng tuổi thơ không bình yên vì chiến-tranh, những cánh đồng mót khoai chỉ còn là những dây rễ ăn vẫn ngọt lịm. Sống nơi dư thừa vật chất nhưng lòng con người xa xứ vẫn có những niềm vui lạ lẫm như Chung thích đi lượm tỏi và bắt hến xào ăn với bánh tráng nơi hồ xa xôi đường đi cheo leo bờ vực hiểm nghèo để rồi phải chuốc lấy tai nạn chết người. Những con hến mà hành trình đã khởi từ một quá khứ quê nghèo ở miền Trung nước Việt (Bắt Hến Ở Hồ Isabella). Sống cái "đương thời" của quá khứ ở một không gian khác là sống ở đáy sâu thời gian nhưng vẫn làm cho con tim đập và máu chạy đều!
*
Đang nhìn lại thể loại tự sự trong văn chương Việt Nam thì nhận được tập truyện Phùng Nguyễn mới xuất bản, đó là lý do chúng tôi cụ thể hóa một số suy nghĩ về thể loại này nhân đọc Đêm Oakland Và Những Truyện Khác. Với Phùng Nguyễn, cái Tôi luôn ở đó hơn là không ở đó. Cái Tôi biến thiên từ ngập ngừng đến "làm chủ tình hình" trên trang viết và ở cấu trúc câu chuyện - tiêu biểu trong Dựng Truyện. Từ cảm nhận, chiêm nghiệm cái Tôi mới đi đến thực hiện cái Tôi trong văn chương, Phùng Nguyễn hãy còn ở giai đoạn tìm kiếm, dù đã có những thử nghiệm văn chương đáng kể như ở Văn Sĩ Ngại Ngần, Dựng Truyện,... Trong bài này chúng tôi dùng tập truyện của Phùng Nguyễn để bàn về thể loại tự truyện chứ không hề có ý rằng sáng tác của Phùng Nguyễn toàn là tự truyện. 

Phùng Nguyễn dĩ nhiên không tự sự trí thức như Roland Barthes hay Jean-Paul Sartre từng trãi lên trang giấy và cũng không tự sự chính trị như biết bao hồi ký ở hải ngoại, ông cống hiến cho người đọc những tự sự tình cảm sống động, có khi êm đềm như những giòng lưu bút, có lúc sôi xục như những cuộc tình sôi nổi nhiêu khê! Simone de Beauvoir có lần vào cuối đời đã tâm sự với Annie Ernaux: "Mục đích chính của đời tôi có thể chỉ là để thân xác tôi, cảm xúc và tư duy tôi trở thành văn chương, có nghĩa là cái gì đó tri thức được và một cách tổng quát, sự hiện hữu của tôi tan biến trong tâm trí và sự sống người khác" (2). 

Nếu phải phân biệt hai loại tự sự tiểu thuyết và tự sự hồi ký, thì Đại Học Máu của Hà Thúc Sinh, Câu Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Đình Tấn và cả Những Ngày Thơ Ấu của Nguyên Hồng đều thuộc tự sự hồi ký, viết là để kể cái gì; còn Đêm Oakland Và Những Truyện Khác của Phùng Nguyễn có thể xếp vào loại tự sự tiểu thuyết, sử-dụng cái Tôi cho mục đích tiểu thuyết. Tiểu thuyết hóa cái Tôi, tiểu thuyết đời sống và con người tác giả; nghĩa là vay mượn dù chỉ phần nào. Tác giả chủ động trong vai người kể chuyện và là nhân vật chính - xưng "tôi" hoặc ngôi thứ ba hoặc cách khác - thể loại này Serge Doubrovsky là người tiền phong với tác phẩm Fils (1977) ghi ở trang bìa trước "roman" mà ở trang bìa sau lại ghi "autofiction" với cắt nghĩa "Autobiographie? Non... Fiction d'évènements et de faits strictement réels; si l'on veut, autofiction" (3). Doubrovsky còn là một nhà lý luận và phê bình văn chương nổi tiếng, phải chăng khi ông thử nghiệm thể loại sáng tác này (4), ông như muốn chính thức hóa khuynh hướng tự truyện (autobiographie) từng là mốt tiểu thuyết ở Âu Mỹ với Jean-Paul Sartre, Claude Simon, Simone de Beauvoir, Marguerite Duras, Philippe Solelrs,... Dĩ nhiên, hồi ký (memoirs/mémoires) và "chuyện đời tôi" (life story) không phải là những thể loại thuần văn chương! Ngoài ra, thể loại tiểu thuyết tự truyện vốn là một phản ứng lại khuynh hướng cấu trúc. Ở đây, nhân vật và cuộc đời như được viết lại!



Chú-thích:


1. Tháp Ký-Ức (1998) và Đêm Oakland Và Những Truyện Khác (2001) đều do nhà Văn xuất bản ở California. Các nhà xuất bản Việt Nam ở hải ngoại thường thiếu sót ghi tên thành phố nơi xuất bản, gây khó cho vấn đề lên thư tịch. Thí dụ NXB Văn xuất bản hai tập truyện của Phùng Nguyễn ở hai thành phố Westminster và San Jose tuy cùng tiểu bang nhưng cách nhau nhiều trăm dặm đường.

2. Annie Ernaux. L'événement. Paris: Gallimard, 2000.

3. "Tiểu sử ư? Không... Tiểu thuyết biến cố và sự việc hoàn toàn có thật; nếu muốn, hãy gọi là tự sự tiểu thuyết".
4. Sau thêm Un amour de soi (1982) và Le livre brisé (1989). Ông là người đầu tiên dùng từ autofiction, sau còn được các nhà lý thuyết văn học gọi là roman autobiographique.


Nguyễn Vy Khanh 

(14-7-2001)
(33 Nhà Văn Nhà Thơ Hải-Ngoại, TGXB, 2008; sẽ tái-bản 2016)