Sunday, January 24, 2016

202. HỒ ĐÌNH NGHIÊM Âm độ


Montréal  (Canada) - Nguồn: Wikipedia




Không biết đã mấy giờ. Trời buốt giá, ban đầu gió là ám khí với ngàn mũi kim tẩm độc vung vãi bắn tới để không mấy lâu da thịt phơi trần hứng đỡ co quắp mất dần đi cảm giác. Cả một khuôn mặt sượng sùng tái tê bắt đầu chết trân xúc cảm. Buồng đợi xe buýt với ba mặt gương che chắn mờ đục tối dần. Tuyết chẳng rơi, nếu nó xuống, lân la với tốc độ chậm rãi, hẳn bầu trời sẽ vơi đi thứ hàn khí khắc nghiệt. Bảo rằng lạnh thì quả là chẳng chuyên chở, tải hết nỗi lập cập này. Hơn cả lạnh thì phải dùng tới chữ gì? Run như thằn lằn đứt đuôi chỉ vẽ ra một hình ảnh buồn cười.

Để nhằm chống cự, trong vô vàn phương cách, tợp rượu có lẽ là giải pháp vẹn toàn? Hai mét vuông trong trạm đợi bus có lữ hành đứng cắn răng ở một góc khuất gió, từ cơ thể còm cõi bất động ấy xông lên mùi nồng của một loại cồn nhiều độ. Rất nhiều áo xống khăn nón mũ mão bằng nỉ bằng dạ bằng laine bằng lông thú sùm sụp đậy điệm nhưng tất thảy vẫn không khiến ông ta phải phình to ra. Da bọc xương thì y phục năm bủa bảy vây bên ngoài cũng chẳng đánh lừa nhận định của mắt nhìn kẻ lạ. Ngày đầu đặt chân tới định cư chốn này tôi là một hình nhân tám lạng nửa cân so với ông ta. Ngoài khác biệt địa hình giữa vùng miền đông tây, bấy giờ tôi là một gã trai trẻ đầy năng động, luôn hăm hở với những thứ mới mẻ và rượu, đó là thứ chất lỏng chẳng hợp tạng tôi. Một ông già ốm nhách phải vin vào rượu mới đứng vững trong ngày đông, điều ấy nào có gì trở ngại. Cảnh sát cũng phải chạnh lòng, cái họ không đồng ý chừng nào ông ấy ngồi trước tay lái. Đường vốn trơn trợt, xe sẽ lảo đảo chạy quàng xiên tới cỡ nào nếu giao xe cho ông ta điều khiển. Từ một hòn đảo xa xôi được gọi tên cho nợ tiền vé máy bay sang đây, dạo đó có người biểu tôi: Mày thật thà khai báo với Liên Hiệp Quốc là ở quê nhà mày đại diện cho công ty trách nhiệm hữu hạn chuyên sản xuất tăm tre. Dĩ nhiên là tôi câm như hến, có ngoa ngôn để nói tôi là Phù Đổng thiên vương mà thu trong ngực hai lá phổi có vấn đề thì dẫu là thánh cũng không được leo lên cỡi chim sắt bay một lèo nửa vòng trái đất. Tôi là Trần Quốc Toản mà bóp chẳng nát trái cam nhưng giờ đây thì tình hình đã khác xưa, đã phương phi có chút thịt da đeo bám, chí ít thì bề thế hơn gã đàn ông cô độc đang liêu xiêu đứng với men nồng. Ở đây, tôi chưa thấy một kẻ đói ăn. Khi người ta ốm dơ xương hẳn người ta phải chịu câm lặng thu dấu một nỗi buồn lòng. Và rượu, dụng tửu giải sầu, thành ngữ kia muôn năm chẳng lạc hậu.

May phước, chuyến buýt số 50 đã trờ tới. Tôi đang đợi số 40 mới đúng tuyến, nhưng không hề gì, kể cả số 100. Miễn mang bộ hành thoát khỏi trạm đợi gồng mình cắm lẻ loi giữa một ngã tư quạnh vắng. Tôi nhường cho người lớn tuổi bước lên trước. Chúng tôi cần nghe tiếng động cơ gầm rú át tiếng gió, cần một kín bưng, cần một luồng nhiệt điện từ máy sưởi bắt dọc chiều dài chiếc buýt lấm lem bùn tuyết. Chúng tôi đang cần một sự tan chảy, khi đó máu trong thân mới đi đúng lộ tuần hoàn. Phải tiếp cận hơi ấm môi chúng tôi mới phát âm tròn lời thôi ngọng nghịu. Tôi khó khăn hỏi ông tài xế mặc đồng phục xanh nước biển về nơi tôi sẽ bước xuống. Ông nhìn những đồng xu rơi loảng xoảng vào hộp thu tiền mãi lộ. Chuyến này chạy tới trạm cuối, dừng ở đó thì nhắm số 60 mà leo lên. Thông tin chỉ ngần ấy, chẳng mấy sốt sắng nhưng đã vẹn toàn một đáp trả. Không biết mất bao lâu, trễ nải một cuộc hẹn là điều chẳng ai muốn, trong muôn ngàn lý do, thứ thời tiết chết tiệt này đã bảo chứng cho lời biện hộ. Anh phải ra đường trong hôm nay, đi dưới cảnh sắc ngập tràn băng tuyết trắng rợn như thành phố đang phải chịu tang và anh lơ ngơ tìm tới một địa chỉ được biết qua điện thoại: Cậu có sẵn bút không? Ghi nó xuống giấy kẻo quên, cũng chả xa đâu, nằm ngoại vi thành phố.

Kẻ nồng mùi rượu dường như không hề say, ông ta biết đâu là trạm cuối để bước xuống mà chẳng đợi gã tài xế loan báo bằng chất giọng như xua đuổi hành khách. Gã sẽ tắt máy xe, gã sẽ đi ngó từng mặt ghế trống để xem có ai đánh rơi vật gì không. Những trang báo Métro nhàu nát hoặc đôi găng tay xơ cũ vẫn là hình ảnh quen thuộc còn lưu lại sau lộ trình dật dờ tới đích cuối. Nếu cẩn tắc rà soát quanh thân trước khi rời ra người ta vẫn bỏ quên ở mặt ghế chút hơi ấm, nôm na là ngồi vừa nóng đít thì xe đã thắng đứng.

Tiếp cận vành đai nên chốn này coi bộ lạnh hơn trong thành phố, nơi có nhà cửa chen chúc thắp sáng dãy đèn vàng thường ít nhiều trấn áp được nỗi tái tê. Ở đây thưa nhà để gió tha hồ đi với bụi tuyết mịt mù. Tôi bước sau lưng cái bao tải di động, một tiệm tạp hoá sáng đèn cách khoảng năm chục mét phía trước hẳn là nơi ông ta tìm tới. Đi chưa xong nửa đường thì ông ta ngã lăn quay ra mặt lộ đóng băng. Rất trơn trợt, tôi cố tìm một tư thế thuận tiện, giữ thăng bằng để bặm môi thò hai tay xuống xốc nách ông ta đứng lên. Ông có sao không? Du ô-kê? Một khuôn mặt chẳng biểu lộ cảm xúc gượng rời chỗ nằm đớn đau. Fuck. Ông nói, đám khói mỏng chóng biến với hơi thở nồng mùi rượu. Quanh mồm là những cọng râu khô cứng sắp biến thành thép nguội và chúng đang bao che cho thứ vũ khí vừa bắn ra. Ông la to, tiếng khàn đục: Cứu, cứu, có ai giúp tôi không? Ban đầu là gã tài xế xe buýt bước xuống, kế đó là đứa thanh niên đứng hút thuốc cạnh tiệm tạp hoá chạy lại. Và một vị nữ lưu ở đâu hiện ra với tay cầm chiếc iPhone. Họ hiện diện nhưng họ mặc xác tôi đứng nâng nỡ cái thân xác ốm o của người nghiện rượu. Không lâu thì ánh sáng xanh đỏ vằn vện quét vào hiện trường. Nạn nhân khai với cảnh sát: Thằng người Tàu chó đẻ này đã xô tôi từ sau lưng. Cánh tay tôi rất đau, có thể là bị trật xương.

Khó khăn lắm tôi mới moi được bót đựng giấy tờ nằm sau túi quần, tôi cắn chiếc găng để dễ dàng lôi ra mấy tấm thẻ bọc nhựa theo yêu cầu của người cảnh sát trang bị vũ khí đến tận răng. Người tôi run rẩy. Tôi nghĩ tới một cốc cà phê nóng. Một điếu thuốc. Hoặc tốt hơn cả: Một ly Vodka nguyên chất. Ông có ngửi ra mùi rượu từ cơ thể ông ta không? Tôi nói với tên nhân viên công lực bặm trợn mặc áo chống đạn trương phình. Thứ hai, chỗ ông đứng có trơn không? Và việc quái gì tôi phải xô ngã ông ấy. Mà cứ cho là tôi xô, thì hà cớ gì tôi phải khom người nâng đỡ hỏi han ông ta cơ chứ! Tốt. Vị cảnh sát nói, trong lúc này cái tôi cần là một nhân chứng.  Để chấm câu ông ta đi quanh quẩn dòm chừng. Tôi ngó lão già đang được thằng thanh niên dìu đỡ, hắn trao thuốc lá theo đòi hỏi rồi cả hai cùng thở khói mù mịt. Thằng giàu lòng hảo tâm trấn an, xe cứu thương đang tới, có thể hút chưa xong điếu thuốc thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp.

Trong túi tôi thường eo hẹp chứa đựng không mấy tiền. Tôi có thể thành tâm khai với bạn rằng là tôi nghèo. Thuộc dạng tay làm hàm nhai, đắp cái này đổi cái nọ. Tôi dùng xe buýt để đi lại thì bạn cũng hiểu. Bạn có quyền khi dễ tôi đã qua đây mà sắm không nổi chiếc xe, tôi hiểu được thứ quyền tự do phát ngôn ấy và sẽ chẳng giận hờn bạn, mặc cho bạn khinh khi tôi. Hôm nay, trong túi tôi có xấp bạc gồm mấy tờ năm đồng, mấy tờ mười đồng, mấy tờ hai chục. Tôi moi ra hết, đặt trên quầy ở tiệm tạp hoá. Tôi hỏi người đàn bà đứng sau máy tính tiền: Chừng này có mua được một chai rượu chát và một bao thuốc lá không? Dĩ nhiên rồi, thừa ra là đằng khác. Bà trả lời mà không thèm đếm tiền, con mắt lá răm quen nhìn mặt nữ hoàng in trên giấy bạc chỉ liếc qua là biết ngay một con toán đơn giản cọng trừ. Có thể bà là người di dân, đến từ miền Trung đông chẳng hạn, mập mạp, khá phúc hậu và lý ra tôi nên đề cao nhan sắc của bà lên thập phần. Bà đã nói với ông cảnh sát: Lạy Chúa tôi, tôi thấy ngay từ đầu, rằng gã say rượu kia đã đặt điều, hoàn toàn chẳng có ai hãm hại ông ta cả. Bán buôn ở đây, tôi chẳng lạ gì cái trò đùa tai quái kia. Tôi trông đến mòn con mắt. Tôi cám ơn bà, kẻ nhân chứng. Nếu tôi giàu có chút đỉnh, tôi sẽ mua thêm những nhu yếu phẩm bà sắp xếp ngăn nắp trên kệ, lấy mỗi thứ một ít, hoặc lấy hai cây thuốc và năm chai rượu. Hút và uống, chết bỏ bể bỏ để tạ từ hàn khí, lạnh đến chai người, lì lợm nén tiếng chửi thề.

Trạm cuối, bãi đỗ của xe buýt yên vắng trở lại, khoảng sân xi măng bị tuyết phủ vẫn mốc thếch như một tảng thịt không tài nào phân huỷ rã rời. Mặt trời có mọc thì chung quy chỉ là vầng dương soi tỏ thứ ánh sáng sắt se của âm độ, rét hơn cả ẩn mình trong tủ lạnh. Tôi tìm ra cái buồng điện thoại công cộng chứa đầy rác với những hình vẽ thô tục. Nó trở thành một thứ gần như sắp trú thân vào viện bảo tàng, nó còn tồn tại là cốt cho những hạng người lạc hậu như tôi sử dụng. Tôi nào có điện thoại cầm tay, di động siêu mỏng hoặc cực choáng như chữ dùng trong nước. Tôi bỏ hai cái 25 xu vào khe dọc, cầm cục nhựa đen đúa lạnh ngắt áp bên tai. U u u… Tôi xin lỗi đã trễ hẹn… Chuyện dài lắm, sẽ kể sau… A-lô… Tốt hơn bạn đừng cất công tới nữa, ông ấy nói sẽ dành việc làm đó cho người khác mất rồi. Phút đầu bạn đã cho người ta thấy sự bất tín nhiệm. Vậy đi nhé… U u u…

Hồ Đình Nghiêm