PHAN TẤN HẢI
Lữ Quỳnh
một cõi thơ lặng lẽ, trong vắt
Chân dung Lữ Quỳnh - Ảnh PTH
Thơ
của Lữ Quỳnh… những trang thơ Lữ Quỳnh. Điềm đạm, dịu dàng, trong vắt, ẩn mật…
Thêm
nữa, hình như đọng lại trong các dòng thơ anh là một nỗi buồn. Mỗi khi đọc
thơ anh, dù một hay vài bài, tôi vẫn tự hỏi, phải chăng đó là những nỗi buồn lặng
lẽ, rất mực lặng lẽ, được chép lại trên giấy thật vội để không kịp trở thành những
niềm vui… Vậy đó, từ sâu thẳm của một thâm cảm về cõi hư huyễn này, thơ Lữ Quỳnh
đã hiển lộ như một hướng vọng về Tịnh Độ, một cõi ẩn mật trong vắt hiện ra giữa
các dòng chữ của anh.
Hình
như có hai hình ảnh trong một tác giả Lữ Quỳnh: một của thời trước 1975, nổi tiếng
phần lớn với văn xuôi; và một của thời sau đó, hầu hết là làm thơ. Là người
của thế hệ đi sau, tôi không có cơ duyên đọc nhiều văn xuôi Lữ Quỳnh. Và do vậy,
khi đọc thơ Lữ Quỳnh, lòng tôi như trang giấy mới, những cảm xúc tự nhiên chạy
theo chữ của anh: ngấm vào thịt da mình một nỗi buồn rất lặng lẽ ẩn tàng trong
thơ Lữ Quỳnh.
Nói
như thế, không có nghĩa rằng Lữ Quỳnh chỉ viết về những nỗi buồn. Không phải thế.
Ngay cả khi anh viết về những gì lẽ ra là vui, vẫn phảng phất những gì rất buồn.
Thí
dụ, như bài thơ tựa đề "Lời xin lỗi trước mùa xuân." Khi đối diện mùa
xuân, lòng người thơ phải vui chớ, sao cớ gì như phải xin lỗi? Phải chăng thơ
cũng là một ý thức về biến diệt vô thường, khi những tiếng cười không thể kịp
giữ trên môi? Lữ Quỳnh viết, trích:
…Bây giờ em ở đó
Trời buồn như mắt dân Chiêm
…Bây giờ em ở đó
Trời buồn như mắt dân Chiêm
Tháng này gió nhiều tha hồ lá đổ
Em ru con bằng tiếng xạc xào
Ôi nỗi buồn hun hút dâng cao
Anh biết mùa xuân sắp về
Nhưng lòng còn bình yên để đợi?
Em ở đó một mình
Hằng đêm nằm nghe cỏ mọc
Lòng nặng tiếng à ơi
Làm sao không khóc…
Không
chỉ thế, nỗi buồn đã đi sâu vào tận những cõi vô thức của Lữ Quỳnh. Như trong
bài thơ "Giấc Mơ" cũng là những hình ảnh về một cõi nhân sinh rất lạ,
trích:
Có tiếng vỗ tay râm ran
Trên từng hàng ghế trống
Lạnh lẽo gió thiên đường…
Mắt
dân Chiêm, đêm nằm nghe cỏ mọc… Tiếng vỗ tay từ hàng ghế trống, gió thiên đường
buốt lạnh… Bài “Giấc Mơ” vừa dẫn là để tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, một
trong những người bạn thân của Lữ Quỳnh.
Những
người bạn thường được nhắc trong thơ Lữ Quỳnh là Đinh Cường, Đỗ Hồng Ngọc, Bửu
Chỉ, Lữ Kiều… những người một thời của văn học nghệ thuật Miền Nam. Tình bạn
thân thiết này, khi nhắc tới trong thơ cũng đậm những nỗi buồn.
Như
bài thơ tựa đề “Bài tưởng niệm" được Lữ Quỳnh ghi đầu bài là "Gửi anh
Đinh Cường"... Bài này làm vào tháng 3-2015, khi đó họa sĩ Đinh Cường đang
ở Virginia, và Lữ Quỳnh ở Bắc California. Bài thơ ngậm ngùi tưởng nhớ về ba người
đã rời cõi vô thường này: thi sĩ Lê Văn Ngăn, nhà văn Võ Hồng, và người không
được ghi rõ tên nhưng hình ảnh ôm đàn ngồi hát gợi tới nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Cuối bài thơ là những nỗi buồn được nhà thơ Lũ Quỳnh chép vào một bài kinh sám,
trích:
tháng tư dành tưởng niệm. ngậm ngùi
sao người đi nhiều hơn kẻ ở
tôi ngồi chép A Di Đà Sám
thay làm thơ cho một cõi đi về…
Một
điểm để suy nghĩ: ngay cả những cảm xúc tôn giáo của Lữ Quỳnh cũng là một nỗi
buồn lặng lẽ, một nỗi buồn có khi không nói minh danh nhưng vẫn hiện diện đó.
Như
trong bài "Ngậm Ngùi Ru Ta" viết trong tháng 3-2015, Lữ Quỳnh ghi lại
hình ảnh thầy Thích Minh Niệm dùng ca từ Trịnh Công Sơn trong một bài giảng
pháp. Lữ Quỳnh cũng ghi lời niệm Phật trong thơ, cũng ghi về một cõi tịnh độ
nhân gian sáng rực, trích:
…bình minh xanh con đường đi tới
chánh niệm bàn chân từng bước. mặt đất này
mùi cỏ mới thơm lừng hơi thở
nắng vàng bên đồi xa. và chim hót trên cây…
nhưng
rồi, chỉ vài dòng sau đó, chữ của Lữ Quỳnh cũng trở thành những nỗi buồn lặng lẽ
(dù là buồn trong chánh niệm?), trích:
…mà lòng cũng hoang vu trầm lặng
không người qua. không một bóng ai
Nam mô Vô Lượng Thọ Như Lai
Quang minh chiếu mạng mỗi sát- na
trên dòng sông lấp lánh sự sống này
cuộc đời trôi. lênh đênh bờ sinh diệt…
Thử
đọc lại lần nữa mấy dòng thơ trên, chúng ta sẽ thấy cách sử dụng chấm câu rất
là nghịch lưu. Có phải Lữ Quỳnh muốn mời gọi độc giả cảm nhận nỗi lặng lẽ cô quạnh
trong “chánh niệm bàn chân từng bước” và rồi thấy rằng “không người qua. không
một bóng ai” bất kể rằng cuộc đời vẫn miên viễn trôi…
Trong
bài thơ "Sinh Nhật," Lữ Quỳnh cũng nói về những người bạn một thời, trích:
…đêm thì ngắn mà giấc mơ trùng điệp
những niềm vui bạn bè đem đi hết
để mình tôi ngồi giữa quạnh hiu...
Có
phải, niềm vui chỉ là những gì trong quá khứ? Không, không hoàn toàn như thế. Lữ
Quỹnh vẫn lặng lẽ chánh niệm với cái hiện tiền của anh, với những khi anh mở
trang kinh ra và thấy mây, thấy thiền tâm và thấy niệm Di Đà, với khoảnh khắc mở
trang kinh ra và “chẳng thấy tôi”…
Bài
thơ dưới này ghi những lại khoảnh khắc hạnh phúc đó của Lữ Quỳnh, cũng với dấu
chấm câu rất riêng, hệt như một dấu lặng của một lời ẩn mật, nơi trang 25 của tập
thơ “mây trong những giấc mơ” – toàn văn bài này như sau:
Chép
một tờ kinh
tặng anh Đinh Cường
tặng anh Đinh Cường
mở trang kinh. chỉ thấy mây
thiền tâm thanh tịnh niệm ngay di đà
tranh hoàng hôn. cảnh tuyết sa
giọt vàng giọt đỏ. nhạt nhòa giọt tôi
mở tờ kinh. chẳng có lời
quang minh thanh tịnh chiếu soi cõi người
giấc yên. trời lặng. xanh trôi
chép mừng tranh mới. sáng ngời chân như
Vâng,
đó là một cảnh tịnh độ rất đẹp, kể rằng họa sĩ Đinh Cường vẽ cảnh hoàng hôn, cảnh
tuyết sa, với màu vàng, màu đỏ, với môt cõi trời lặng xanh trôi, với hình ảnh
khi mở trang kinh thoạt tiên thấy mây và rồi ngó lại thấy kinh cũng chẳng còn lời…
Tôi
đọc bài thơ này mấy lần, và cảm nhận một nỗi buồn rất mực trong vắt khi cõi người
được trang kinh chiếu soi, một nỗi buồn rất mực lặng lẽ và ẩn mật. Cõi người của
chúng ta dù đẹp thế nào, dù đẹp như tranh, vẫn là một nỗi buồn như thế. Những
người bạn thân đã lần lượt bước vào cõi thanh tịnh quang, để lại tiếng đàn vọng
xa như lời thiên cổ, để lại những tấm tranh ngời sáng chân như, để lại hình ảnh
trời buồn như mắt dân Chiêm, để nàng nghẹn lời những tiếng à ơi, để riêng
mình nhà thơ ngồi giữa cõi quạnh hiu…
Nhưng
có ai trên đời này rời được cõi quạnh hiu? Phải đâu chỉ một nhà thơ Lữ Quỳnh?
Không phải sao, chúng ta thực sự chỉ là những thóang chớp “nắng vàng bên đồi
xa”?
Đối
với nhà thơ Lữ Quỳnh, anh có một câu trả lời bằng thơ, rất điềm đạm,
rất dịu dàng, rất trong vắt, và rất ẩn mật. Đó là bài thơ viết theo thể 4 chữ,
như thể văn tụng kinh, cũng với dấu lặng kiểu riêng, nơi trang 21, khởi đầu tập
thơ vừa nói trên, trích toàn văn:
Bài
đầu năm 2015
dành tặng Kim
giao thừa thức giấc
nhìn vầng trăng khuya
dành tặng Kim
giao thừa thức giấc
nhìn vầng trăng khuya
lời ba la mật
thoảng giữa trời hương
âm âm tiếng hạc
bài kệ đầu năm
mở lòng. bát ngát
một trời sao đêm
mười trang đại nguyện
vọng từ đáy tim
con. nam mô Phật
Khi
tập thơ khép lại, âm vang thơ Lữ Quỳnh như vọng lại từ một cõi tịnh độ rất
riêng, nơi như dường xa thật xa tầm với của tham sân kiếp người, nơi các trang
thơ là hình ảnh những người bạn nghệ sĩ một thời, và tận cùng là một khát vọng
bước qua bờ bên kia – như hai câu cuối trong bài thơ “bờ kia” ở trang 33, trong
thi tập đã dẫn:
trăm năm đợi bóng trăng từ ngàn năm
và tôi nay cũng trăng rằm.