Thursday, March 31, 2016

218. NGUYỄN XUÂN THIỆP Tản mạn bên tách cà phê


NGUYỄN XUÂN THIỆP
Tản mạn bên tách cà phê




Chúng ta sống và nhìn bạn bè ra đi… Câu này Nguyễn viết từ những ngày nào, có lẽ từ lúc Lê Uyên Phương  rồi Nghiêu Đề ra đi. Sau đó còn biết bao người nữa.Và mới đây là Hoài Khanh. Sáng nay, trời sao nhiều mây và có những giọt mưa đang rơi…


Hoài Khanh
qua trí nhớ Đinh Cường

Theo tin từ gia đình, nhà thơ Hoài Khanh vừa qua đời ở tuổi 83 tại nhà riêng vào 2g30 ngày 23-3 sau một thời gian nằm bệnh.
   
“Cách đây bốn năm, sau một cơn đột quỵ, ông nằm một chỗ đến giờ, yếu dần và ra đi, khi mẹ em phát hiện thì lúc khoảng 2g30 sáng”. Người con dâu nhà thơ Hoài Khanh cho biết.

Hoài Khanh tên thật là Võ Văn Quế, quê quán tại Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.Từ năm 1957, Hoài Khanh đã hiện diện trên thi đàn Việt Nam với thi phẩm Dâng rừng. Sau đó là các tập thơ: Thân phận (1962), Lục bát (1968), Gió bấc - trẻ nhỏ - đóa hồng và dế (1970). Về văn ông có tập truyện Trí nhớ hoang vu và khói (1970).

Thời gian trước năm 1975, Hoài Khanh viết báo làm thơ. Ông là người chủ trương và điều hành nhà xuất bản Ca Dao tại Sài Gòn, một trong những nhà xuất bản uy tín, có nhiều ấn phẩm giá trị, thu hút được đông đảo người đọc. Kẻ viết những dòng này có gặp Hoài Khanh mấy lần trước 1975 ở nhà Thanh Sâm lúc Hoài Khanh cùng bạn bè lên Đà Lạt chơi. Anh đúng là hiền nhân với mái tóc dài phủ quanh tai và cặp kính gọng đồi mồi, nét mặt khắc khổ nhưng nụ cười hồn nhiên. Kể từ dạo đó, những câu thơ của Hoài Khanh cứ ở mãi trong tâm trí mình “Rồi em lại ra đi như đã đến/ Dòng sông kia cứ vẫn chảy xa mù/ Ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng/ Nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu” (Ngồi lại bên cầu)."... Qua sông là một nhịp cầu / Qua tôi là một kiếp sầu vô chung". Cả những hình ảnh trong tập Gió Bấc. Trẻ Nhỏ. Đóa Hồng Và Dế. Bùi Giáng hồi xưa cũng đã rất mê thơ anh và viết: "Anh chưa quá hai mươi tuổi, anh làm những vần thơ mà Nguyễn Du, Nguyễn Khắc Hiếu tái sinh nghe được phải lạnh mình trước cái vĩ đại, hồn nhiên của một tài hoa chưa ráo máu đầu. Cái vẻ ngây thơ thăm thẳm của lời thơ, chỉ những thiên tài xuất chúng mới có được".
Sau 1975, Hoài Khanh về sống tại Biên Hòa - Đồng Nai, cuốc đất, trồng rau. Thời gian này trong nước có in lại hai tập thơ của anh thông qua Thư quán Hương Tích liên kết xuất bản, là Lục bát (NXB Phương Đông, 2009), và Thân phận (NXB Hồng Đức, 2014).
     
Chứng kiến quê hương trong thời ly loạn, Hoài Khanh là một trong số ít nhà thơ đưa những địa danh chân chất ở Bình Thuận vào thơ: “...Tôi lớn lên ven bờ sông Cà Ty/ Với giữa hai triền núi Cú và Tà Zôn/ Lưu luyến nhìn biển cả gọi hồn đi tám hướng…”.
    
Vào những năm cuối đời, Hoài Khanh làm thơ thấm đẫm ý đạo, vừa như kiểm nghiệm lại mình, vừa như muốn thoát ly thế tục: “Con từ sa cõi phan duyên/ Nếm mùi nghiệp chướng lụy phiền não nhân/ Tham sân như cát sông Hằng/ Đắm mê bóng sắc quên thân phận mình…” (Sám hối tâm kinh). Nói theo Lê Ngọc Trác: “Qua thơ Hoài Khanh, chúng ta nhận thấy cuộc đời rất an nhiên:

"Cái gì hễ mất lại còn
Hễ không là có, hễ tròn là lăn
Ngày xưa có một dấu chân
Bước qua bãi cát sông Hằng nhẹ tênh".
("Dấu chân từ phụ")


  Bìa tập thơ Thân Phận của Hoài Khanh
do Đinh Cường trình bày năm 1962 

Tháng 4 năm 2013, nghe tin Hoài Khanh bị đột quỵ nằm ở Đà Nẵng, Đinh Cường đã có bài thơ cho bạn.

Đoạn ghi để cùng mong Hoài Khanh sớm về lại Biên Hòa

Rừng cây khô cành nay rợp lá xanh non
mùa xuân nhiều bông nở
bụi phấn bông vàng làm cay mắt
cám ơn con đường mòn và tiếng còi tàu
lúc bốn năm giờ chiều
cám ơn tiếng chim kêu vang ra khỏi mùa đông
và những nụ mầm lên mạnh sóc ăn cũng nhiều
mùa này ít thấy nai ra, mấy con nai hiền lành
có khi lên ăn mấy chậu cây bông sứ
mấy cây bông sứ khó trồng …

vẫn gần như mỗi chiều tôi đi bộ ra Starbucks ngồi
phone thăm vài người bạn
Nguyễn Xuân Hoàng than đau cột sống dữ lắm
Lữ Quỳnh đã bỏ máy thở thấy vui qua mấy giấc mơ
Nguyễn Xuân Thiệp hôm đi Georgia uống rượu
vấp bậc thềm té bể mắt kiếng
Nguyễn Đình Thuần chiều nay đang tiếp Ngu Yên
và Phan Xuân Sinh từ Houston qua Santa Ana ra mắt tập thơ mới…

Tuần qua hay tin Hoài Khanh đi thăm bạn ở Hội An
bị tai biến còn đang nằm điều trị ở bệnh viện Hoàn Mỹ - Đà Nẵng
nhờ Nguyệt Mai nhắc Nguyễn Quang Chơn ở Đà Nẵng
tôi e-mail về nhờ bạn đến thăm Võ Văn Quế   
sợ nói Hoài Khanh họ không biết
dù là nhà thơ nổi tiếng của miền Nam 

cám ơn Nguyễn Quang Chơn đã đến thăm ngay hôm nay
thấy bạn còn chằng chịt giây nhợ, nằm thiêm thiếp
gặp con trai Hoài Khanh nói ba cháu đã đỡ
cầu mong cho bạn sớm về lại Biên Hòa
khoan vội rong chơi cùng Phạm Công Thiện
như một đêm đầy sương mù Noel Đà Lạt
ôi đồi thông những chiều nghiêng nhớ nắng
lòng ta trôi chiều cũ dưới chân đèo [1]
và tôi đã vẽ bìa tập thơ Thân Phận
in trên giấy Ingres màu xám đậm, năm 1962
và Đặng Tiến đã có bài phê bình rất hay đăng trên báo Mai [2]
dù lúc ấy mới ngoài hai mươi tuổi
thời chúng ta sống rất thơ mộng rất say đắm
bạn luôn thần tượng Van Gogh không ai khác

cám ơn chiếc cầu gỗ mục vừa được làm lại
tôi đứng soi mình xuống dòng suối nước trong
mà nhớ Hoài Khanh đang nằm thiêm thiếp thở …

Vậy mà rồi Đinh Cường ra đi trước cả Hoài Khanh.Ôi chia ly sao buồn vậy.
   
Mới đây, trong email gởi bạn bè Nguyễn có viết: Chỉ trong vòng 5 tháng thôi chúng ta mất đi nhiều người tốt và tài năng: Phùng Nguyễn, Đinh Cường, Nguyễn Ngọc Bích, Tạ Chí Đại Trường và Hoài Khanh. Ngọn gió khốc liệt vẫn không ngừng thổi tới.

Nguyễn Xuân Thiệp
(Tổng hợp từ các bài viết của Lam Điền, Đinh Cường)