TRẦN HUIỀN ÂN
Bài phú cổ Gia Định
(Trần Huiền Ân sưu tầm, chú thích)
Tạp chí Nam Phong số 77 tháng 11 năm 1923 có
đăng bài Gia Định phú, do Nguyễn Ánh Tuấn sao lục với lời
giới thiệu như sau:
“Bài phú này không rõ tên tác giả, cũng
không rõ làm thời nào, song độ chừng trăm năm nay thì phải. Văn không phải thật
là hay, nhưng tác giả có tài góp nhặt những cảnh tượng cùng nhân vật đất Sài
Gòn và Chợ Lớn sắp đặt ra đối chọi
với nhau đủ cách thể, như là song quan, cách cú, hạc tất, vân vân… Nay muốn xét
xem cho rõ biết từng chỗ từng nơi, tưởng không thể biết hết được. Mà có rõ được đi nữa, trông thấy cũng thương
tâm, vì các nơi cổ tích nay đã di dịch biến thiên đi rồi. Vậy lục giả lục ra
đây là có ý để ghi lấy quốc âm cổ thời ở trong Nam đó thôi. – NG.A.T.”
TOÀN VĂN BÀI PHÚ
“Phủ
Gia Định, phủ Gia Định, nhà đủ người no chốn chốn,
Xứ
Sài Gòn, xứ Sài Gòn, ở ăn vui thú nơi nơi.
Lạc
thổ nhóm bốn dân: sĩ nông công thương ngư tiều canh mục,
Qui
thành xây tám cửa: càn khảm cấn chấn tốn ly khôn đoài.
Lợi
đất thìn thìn xóm Vườn Mít,
Bình
trời vòi vọi núi Mô Xoài.
Đông
đảo thay! Phường Mỹ Hội,
Xum
nghiêm bấy! Làng Tân Khai.
Ngói
liệng đuôi lân, phố thương khách tòa ngang tòa dọc,
Hiên
xè cánh én, nhà quan dân làng vắn làng dài.
Gái
nha nhuốc tay vòng tay niểng,
Trai
xênh xoang chơn hán chơn hài.
Dù
võng nghênh ngang chợ Điều Khiển,
Quan quân rậm rật cầu Khâm Sai.
Vào Chợ Quán, ra
Bến Nghé,
Xuống Nhà Bè, lên
Đồng Nai.
Coi ngoài rạch Bà
Nghè, dòng trắng hây hây tờ quyến trải,
Ngó lên đồng Ông Tố, cây xanh mịch mịch
lá chàm rai.
Dưới Bến Nghé hát
lẳng lơ giọng con đò, giọng con rổi, (1)
Trên tàu voi ca
khổn khểnh, tiếng thằng mục, tiếng thằng nài. (2)
Cây da Thằng Mọi
coi bán đủ thuốc xiêm cau mức,
Cái cầu Cao Miên
thấy làm nguyên cột vắp ván trai.
Trên cây Da Còm nỡ
để ông già gùi đội,
Dưới dàng Cầu Khắc
chi cho con trẻ lạc loài.
Đàng Nước Nhỉ chảy
tiêu tiêu người thương khách lại qua hóng mát,
Quán Nước Trên dòng
dợn dợn, khách bộ hành tắm mát nghỉ ngơi.
Kho Cẩm Thảo chứa
thuế vua, mạch nước sữa dân ai dám đoái,
Chùa Kim Chương làm tôi
Phật, tương chua muối mặn sãi trường trai.
Trong làng Cây Gõ
nhà bền rường cột,
Ngoài chợ Cây Vông giậu cắm gốc gai.
Nhắm kinh mới như
chỉ giăng đàng đất,
Đi chợ hôm vừa tối
sập mặt trời.
Chùa Cẩm Đệm nên
nghiêm, rựt rựt thấy sãi nằm nệm gấm,
Xóm Hoa Nương đua
nở, dầy dầy coi khách bẻ nhụy người.
Trong Chợ Lớn thinh
thinh góp nhóp đủ loài rừng vật biển,
Trên Cầu Quan lộ lộ
lại qua nhiều chú đội cậu cai.
Giếng Chùa Bà nhiễm mạch
cam tuyền, trai gái thảy thỏa tình khát vọng,
Cầu Bà Thuông trên
đường quan lộ, lớn bé đều phỉ chí quy lai.
Choi chói bấy! Chùa Ông
Quan Đế, nền trung nghĩa cao danh ngàn thuở,
Thăm thẳm thay! Miếu Đức
Thánh Nhơn, mối tư văn dựng để muôn đời.
Coi chùa Ông Bổn
đầu cân, dám quên chữ ngọn rau tấc đất,
Thấy miếu Công Thần
chư vị, chạnh nhớ câu niềm chúa nghĩa tôi.
Kẻ lâm dân vái Bà Chúa
thai sanh, xin mẹ tròn con vuông, chẳng đặng trai thì đặng gái,
Người ký chúc lạy Chùa Bà
Mẫu Hậu, xin thuận buồm xuôi gió, đi đến chốn về đến nơi.
Cắc cớ thợ lò rèn,
nghe chạc chạc nhà bang đánh búa,
Lạ lùng xóm lò gốm,
chơn vò vò bàng cổ xây trời.
Khỏi lo bề lắm nhắm
dầm sương, rong vác người đi chợ sỏi,
Hằng thấy kẻ hùng
hào xúc ốc, nồng nàn kẻ ở lò vôi.
Cứng cỏi bấy, thứ
đờn bà xứ Gò Vấp,
Thanh tao thay, ông
Hòa thượng chùa Cây Mai.
Giếng Hàng Xáo múc
lao xao kẻ chở thuyền người chuyên bộ,
Xóm Cối Xay làm lạc
chạc chồng đục họng vợ trổ tai.
Trong Cầu Đường chuốt ngót
ngọt ngon, đủ đường cát, đường hạ, đường phèn, đường phổi,
Ngoài Xóm Bột phơi phong
trắng rã, những bột mì, bột lọc, bột đậu, bột khoai.
Đồn tập trận rộng
thênh thênh, coi xấp xỉ hòng bằng Thái Nguyên dã,
Gò nổ súng cao trập
trập, nhằm sâm si nửa tợ Vọng Tân đài.
Chốn Thi trường lẩy lẩy
nho phong, đền phỉ chí hộc hồng, một thuở bảng vàng lăm chiếm,
Nhà Quốc học dày dày sĩ
tử, gắng gia công đăng hỏa, mười năm đèn sách dùi mài.
Cầu Cây Gõ trây
trây, ốc gẩm hổ ngươi cầu ông Bỉnh,
Quán cao lâu vọi
vọi, đành thay mắc cỡ quán bà Mai.
Trước phường phố
bày hàng bày hóa,
Sau nhà quê trồng
bắp trồng khoai.
Đồn tiếng Nam châu thời đã
phải, ghe đen mũi ghe vàng mũi, vào ra coi lòa nước,
Người phương Đông qua lại
bán buôn, tàu xanh mang tàu đỏ mang hàng hóa ngất trời.
Trọ trẹ ở dưới sông bọn Huế kéo neo hồ hố
hụi,
Xi xô ngang đường
cái khách già rao kẹo ối châu ôi.
Dãy thầy bói chiếm bên
đường, thấy gieo tiền hào sách hào đơn, lời kỳ cục quẻ rằng linh quẻ,
Bọn quân phường ngồi dưới
cội, nghe đổ sứa hồi khoan hồi nhặt, giọng hoan ương hơi thiệt tốt hơi.
Lính nghèo ngoài
cửa kéo chổng khu, tội báo ham vui chơi con thỏa,
Trùm ruộng trong
ghe xui mất của, cũng vì vác mặt ngó cái đoi.
Nhiều nhà giàu một
lạ một lùng, giàu có kẻ đến vàng đến vẹo,
Mấy ai khó cho bần
cho tiện, khó sạch trơn và đất và dùi.
Chốn chốn phong
quang ca xướng,
Nhà nhà lịch lịch
an nơi.
Lũ bảy đoàn ba, rựt
rựt thấy bạn mai khách trúc,
Kẻ qua người lại,
rần rần nghe nhạc ngựa chuông voi.
Muốn nói không hay
vừa hết,
Muốn nghe không hay
vừa thôi.
Và tôi nay:
Học còn vắn học,
tài vốn thua tài.
Mắt nhìn thấy dân
phong vật phụ,
Tính thừa ưa xúc
cảnh hứng hoài.
Góp nhóp những lời
quê tiếng kịch,
Nối nắn nên giọng
vắn câu dài.
Một thủa vui thì
ghi để,
Khi buồn lại giở ra
coi…”
Nguyễn
Anh Tuấn sao lục
(Vĩnh Long)
Chú thich trên tạp chí Nam Phong:
(1) Con rổi là phường đánh cá.
(2) Thằng nài là người quản tượng, người đánh ngựa.
CHÚ
THÍCH
Những chú thích dưới đây, chúng tôi tham khảo từ: Đại Nam quấc âm tự vị (Hùinh Tịnh Paulus Của -HTC), Văn học Việt Nam (Dương Quảng Hàm -DQH), Hán Việt từ điển (Đào Duy Anh - ĐDA, Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức – Lê Ngọc Trụ - LVĐ), Tự vị tiếng nói Miền Nam, Sài Gòn năm xưa
(Vương Hồng Sển - VHS), Bến Ngé xưa
(Sơn Nam – SN), Thành cổ Sài Gòn (Lê
Nguyên –LN), Tìm hiểu nguồn gốc địa danh
Nam Bộ (Nguyễn Hữu Hiếu –NHH).
* Tác giả bài phú:
Theo người sưu tầm đăng
trên Nam Phong thì “không rõ tên tác
giả cũng không rõ làm thời nào, song độ chừng trăm
năm nay thì phải”. Tạp chí Nam Phong
số này xuất bản năm 1923.
Trong Sài
Gòn năm xưa Vương Hồng Sển dẫn Trương Vĩnh Ký: “Cổ Gia Định vịnh, tương truyền do ông Ngô Nhơn Tịnh soạn, bản in
Trương Vĩnh Ký, 1882, trương 5” - Ngô
Nhơn Tịnh (1761-1813), gốc người Minh hương, cùng Lê Quang Định, Trịnh Hoài
Đức, Ngô Tùng Châu học với thầy Võ Trường Toản, phò nhà Nguyễn từ lúc ban đầu
dựng nghiệp, trải các chức vụ: Thị độc Viên Hàn lâm, Hữu Tham tri bộ Binh, Hiệp
Trấn tỉnh Nghệ An, Thượng thư bộ Công kiêm Hiệp Hành Tổng trấn Gia Định, tước
Tinh Viễn hầu. Từng lãnh nhiệm vụ Giáp Phó sứ sang nhà Thanh (Chánh sứ là Trịnh
Hoài Đức), Chánh sứ sang Chân Lạp (Cao Miên). Ngô Nhơn Tịnh, Trịnh Hoài Đức, Lê
Quang Định lập “Bình Dương thi xã”, đương thời gọi là “Gia Định tam gia”. Tác
phẩm của Ngô Nhơn Tịnh có thơ, văn, biên khảo về phong thổ địa phương.
Theo Sơn Nam trong Bến Nghé xưa: “Gia Định hoài
cổ vịnh tương truyền của Ngô Nhơn Tịnh, nhưng tác giả này mất từ năm 1813.
Kinh mới đề cập trong bài thì đào trễ hơn, năm 1819 ... Bài này khuyết danh,
soạn ra trước khi Lê Văn Khôi khởi binh, Quy thành còn nguyên vẹn” (Lê Văn Khôi
khởi binh năm 1833, mất năm 1834, năm 1835 triều đình thu phục Quy thành và phá
hủy)
* Về thể phú:
Nguyễn Anh Tuấn có nói đến các cách đặt câu: song quan, cách cú, hạc tất… Trong Văn học Việt Nam, Dương Quảng Hàm giải thích: Câu tứ tự: mỗi vế bốn chữ. Câu bát tự: mỗi vế tám chữ. Câu song quan (hai cái cửa): mỗi vế có 5, 6 chữ trở lên đến 8, 9 chữ, đặt thành một đoạn liền. Câu cách cú (cách: ngăn ra, cú: câu): mỗi vế có 2 đoạn, một đoạn ngắn một đoạn dài, có một câu khác xen vào giữa. Câu hạc tất (gối hạc): mỗi vế có 3 đoạn, đoạn giữa ngắn, hai đoạn trước và sau dài.
Nguyễn Anh Tuấn có nói đến các cách đặt câu: song quan, cách cú, hạc tất… Trong Văn học Việt Nam, Dương Quảng Hàm giải thích: Câu tứ tự: mỗi vế bốn chữ. Câu bát tự: mỗi vế tám chữ. Câu song quan (hai cái cửa): mỗi vế có 5, 6 chữ trở lên đến 8, 9 chữ, đặt thành một đoạn liền. Câu cách cú (cách: ngăn ra, cú: câu): mỗi vế có 2 đoạn, một đoạn ngắn một đoạn dài, có một câu khác xen vào giữa. Câu hạc tất (gối hạc): mỗi vế có 3 đoạn, đoạn giữa ngắn, hai đoạn trước và sau dài.
* Từ
ngữ:
-Lạc thổ: Chỗ
an vui.
-Thìn thìn:
Thìn: Thuần, hiền từ, đằm thắm.
-Niểng: Đồ
bắt chỉ, chạy chỉ, làm khéo như đồ chạm trổ. (HTC) Vật trang sức.
-Chơn hán chơn
hài: Chơn giày chơn dép, sự thể sang giàu, làm mặt sang giàu. Hài hán: giày
dép.
-Tờ quyến:
Giấy quyến, giấy mỏng, trắng, mịn, thường dùng vấn thuốc hút.
-Con rổi: Tác
giả chú là “phường đánh cá”. Ở Miền Trung dùng để chỉ những người bán hải sản,
thường “chạy” từ bến biển đến các chợ cho kịp bán cá tôm còn tươi ngon.
-Thằng nài: Ở
Miền Trung chỉ gọi người điều khiển voi là thằng nài, không có ngựa đua nên
không có nài ngựa, chỉ có ngựa cỡi, chủ nhân cỡi chứ không phải người nài, ngựa
chở hàng hóa thì chủ nhân đi bên cạnh điều khiển.
-Tàu voi: Chỗ
nhốt voi.
-Cau mức: VHS viết cau
mứt. Là trái cau để già, nấu kẹo như mứt, người Thổ rất thích ăn. Hai món
[thuốc xiêm cau mứt] là gia vị đặc biệt trong miếng trầu thời xưa, nay đã ít
được thấy. (VHS)
-Cột vắp: Cột
làm bằng gỗ vắp. Vắp: Gỗ nhứt hạng, khó làm, cứng, giỏi chịu đựng dưới nước
ngọt, không sợ mối nhưng sợ hà. Dùng làm cột cầu tàu, đà xe hỏa, sườn nhà, tiện
các món gỗ dùng theo máy v.v... (VHS) – Loại danh mộc, lá như lá khế, muốn cưa
hoặc đục đẽo thì làm ngay lúc cây còn tươi, khô rồi dao búa đẽo không vô, chịu
đựng nước mưa, đốt làm than để nấu đồng nấu sắt đúc súng rất tốt (SN dẫn theo Gia Định thành thông chí) – Cũng gọi
lim, cây to, lá đơn mọc đối, hoa trắng, 4 lá đài, 4 cánh, nhiều tiểu nhị, noãn
sào không lông, có 2 buồng, nag có đài và một phần cánh còn lại, nở làm 2 mảnh,
có từ 1 tới 4 hột to, hột có dầu, dầu có chất tùng chỉ cá tác động vào tim, vỏ
cây đắng, bổ (LVĐ). Vắp cũng đọc là vấp: Gò Vấp.
-Ván trai:
Ván bằng gỗ trai. Trai: Thứ cây gỗ lớn, xằng thịt, nhỏ sớ, rất bền chắc, người
ta thường dùng mà đóng hòm (HTC) – Cũng gọi cây tách, cây to, gỗ rắn chắc, lá
láng giòn, hoa trắng có nhiều tiểu nhị, trái có cánh thuộc loại dực quả (LVĐ).
-Thương khách:
Khách đi buôn.
-Khách bộ hành:
Người đi chân.
-Trường trai:
Suốt năm ăn chay.
-Cam tuyền:
Suối nước ngọt.
-Khát vọng:
Ước ao, trông mong.
-Quan lộ:
Đường cái quan, đường do nhà nước đắp.
-Phỉ chí:
Thỏa chí, toại chí, đúng với lòng mong mỏi, với ý định.
-Qui lai: Về
lại. Đi lại.
-Nhà bang:
Hùinh Tịnh Của viết “nhà Ban”: Nhà ông Lỗ Ban là tổ các thầy thợ. Nhà bày đủ
các nghề nghiệp. Câu “Búa bày nhà Ban”
là “nhằm tổ mà khoe tài”, cũng như “Múa
rìu qua cửa Lỗ Ban”.
-Bàng cổ xây trời:
Hùinh Tịnh Của viết “Bàn Cổ”: Sách ngoại kỉ nói Bàn Cổ là ông tổ thiên hạ. Ông
Bàn Cổ sinh ra đầu hết, mới phân ra trời đất. (Thợ làm gốm chân đạp bàn xoay,
tay nương theo khối đất tạo hình vật dụng, ví như Bàn Cổ xoay vòng trời đất).
-Hồng hộc:
Hồng: Con ngỗng trời. Hộc: Thứ chim giống như chim nhạn. cũng gọi là thiên nga.
Chim hồng và chim hộc, tức con ngỗng trời và con ngan trời, là thứ chim bay cao
lắm (ĐDA) – Bay cao, bay xa như chim hồng chim hộc, là biểu tượng ước vọng
thành đạt của những sĩ tử Nho học ngày xưa.
-Ghe đen mũi, ghe
vàng mũi, tàu xanh mang, tàu đỏ mang: Thời nhà Nguyễn triều đình có quy
định màu sơn và màu cờ cho tàu thuyền từng tỉnh, khác nhau, để phân biệt.
-Khách già:
Khách: Người Hoa kiều. Ở đây nói đến những ông Khách già đi bán dạo.
-Hào sách hào
đơn: Hào: Dấu gạch theo bát quái. Hào trùng: hào gạch đôi. Hào sách, hào
đơn: hào gạch chiếc (HTC)
-Kỳ cục: Lạ
đời, ngộ nghĩnh.
-Hoan ương:
Đào Duy Anh viết “Oan ương”: Một thứ chim, con đực là oan, con cái là ương, ở
từng cặp, không khi nào rời nhau. Ngb: Vợ chồng thương nhau. - Tục truyền rằng
oan ương là một thứ ốc nhỏ, một con là oan, một con là ương, bỏ hai con vào một
cái dĩa có nước chanh chua, thì nó tìm nhau mà đi lại với nhau. (Ở đây, giọng
hoan ương (oan ương) là những bài hát diễm tình).
-Đoi: Âm hộ,
cửa mình (tiếng nói cho loài thú cái) (HTC).
-Khó sạch trơn và
đất và dùi: Không có chút đất cắm dùi, cũng không có cái dùi để cắm.
-Phong quang:
Cảnh tượng, phong cảnh – Vinh diệu – Phẩm cách (ĐDA)
-Lịch lịch:
Lịch: Trải qua, từng trải, trải việc, xinh đẹp. Lịch lịch: Xinh tốt, đẹp đẽ.
-Bạn mai khách
trúc: Cây mai và cây trúc. Hai loại cây giỏi chịu đựng với thời tiết, mùa
nào cũng xanh tươi, thường được vẽ trong tranh trang trí. Tượng trưng cho tình
bằng hữu gắn bó, cả tình vợ chồng chung thủy.
-Dân phong vật
phụ: Dân chúng giàu có, no ấm, đời sống tốt đẹp, sản vật nhiều, dồi dào.
-Xúc cảnh hứng
hoài: Cảm động trước cảnh vật khiến ta có những ý tưởng nhớ thương, cảm
khái.
* Một
số địa danh:
-Quy Thành: Thành Gia Định xưa. Năm 1789
Nguyễn Ánh cả thắng Tây Sơn, thâu được Sài Gòn và ra lịnh xây đắp thành trì
thêm kiên cố. Tính ra thành nầy xây năm 1790, lúc Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn
nối vách thành lên cao hơn, dùng toàn đá ong kiên cố, năm 1832 vua Minh Mạng
đổi tên là Phiên An Thành (Phan Yên), năm 1833 Lê Văn Khôi làm phản, chiếm
thành 3 năm, đến năm Minh Mạng thứ 16 (1835) quân triều đình hạ thành, vua ra
lệnh san phẳng toàn bộ, xây một thành mới nhỏ hơn ở phía bắc thành cũ. Thành
chỉ tồn tại 45 năm. Về sau, sử sách gọi là “Gia Định phế thành”... Cứ theo tài
liệu Trương Vĩnh Ký thì bốn vách Quy Thành ám theo bốn hướng, có thể nói ở lọt
vào: 1. Đông: đường Lê Thánh Tôn. 2. Tây: đường Phan Đình Phùng. 3. Bắc: đường
Đinh Tiên Hoàng (nối dài qua Cường Để). 4. Nam: đường Công Lý (tên đường trước 4/1975 –THÂ). Mỗi mặt có
2 cửa Đông môn (cửa Cấn, cửa Chấn), Tây
môn (cửa Tốn, cửa Đoài), Bắc môn (cửa Khôn, cửa Khảm), Nam môn (cửa Càn, cửa
Ly) cộng là 8 cửa. Theo Đại Nam nhất thống
chí Quy Thành còn có tên Gia Định kinh, ở về địa phận làng Tân Khai huyện
Bình Dương, vừa giống bát quái vừa giống hình hoa sen. (VHS) – Đường Phan Đình
Phùng nay là Nguyễn Đình Chiểu, đường Công Lý nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa.
-Xóm Vườn Mít:
Ba bốn mươi năm về trước, hai bên đường xe lửa giữa có trồng xoài và mít chen
lộn nha, đến nay không còn, có còn chăng là những danh từ: Xóm Vườn Xoài Bà
Lớn... Xóm Vườn Mít (xưa dân nghrfo lấy hột mít xay ra bột bán, xóm này truy ra
ở lối Taberd-Mac Mahon cũ, chỗ Bộ Tư Pháp hiện nay [trước 1975 – THÂ] và đừng lộn với một xóm mít ở trên Phú Nhuận,
đường Võ Di Nguy nối dài. (VHS) – Có tư liệu ghi Bộ Tư Pháp VNCH (năm 1959-1960)ở
đường Thống Nhất, nay là Lê Duẩn. Đường Vĩ Di Nguy Phú Nhuận nay là Phan Đình
Phùng, Nguyễn Kiệm, Nguyễn Oanh.
-Núi Mô Xoài:
Còn có các tên Môi Xui, Mỗi Xuy, thuộc địa phận Biên Hòa (LVĐ)
-Phường Mỹ Hội:
Thành phố Sài Gòn thuộc vùng đất thôn Mỹ Hội, bắt từ mé kinh Cây Cám chạy đụng
ranh làng Tân Khai ... Đời xưa, ông Xã trưởng làng Mỹ Hội, nhờ trong vùng đất
có xây thành trì, cùng như ngày nay chức Đô trưởng (1960), nên oai vệ không Xã
trưởng nào bì kịp. Xã trưởng làng Mỹ Hội, chức tuy nhỏ, nhưng đặc cách ngang
hàng Cai tổng đương thời ấy, và được đặc ân đội mão trái bí. Mỗi khi làng Mỹ
Hội chạy sớ xin xây cất đền chùa hoặc làm lại hay tu bổ công sở, khi sớ tâu đến
kinh, bận về vua phái một Khâm sai đại thần mang vào năm quan tiền kẽm và vài
món tặng phẩm khác đựng trên một mâm sơn son thếp vàng “vật khinh hình trọng”
“ơn vua lộc nước”, bấy nhiêu đó đủ phỉnh mũi dân đen. (VHS)
-Làng Tân Khai:
Tân Khai, tục danh là Chợ Sỏi, hoặc Vàm Bến Nghéd, ranh đất ăn giáp đường
Trường Tiền (đường mé sông lối Cầu Mống). Hồi đàng cựu, đường mé sông nhà cửa
đông đúc, lớp trên bờ, lớp dưới mé nước, chạy dài chen chúc khít nhau ... Tân
Khai có đình thờ thần xưa của đất Sài Gòn ... (VHS) – Gò Tân Khai, nơi xây
thành Gia Định năm 1790. Thành khá to hình vuông, mỗi cạnh hai cửa, tất cả tám
cửa, vì vậy gọi là thành Bát Quái, còn có tên Quy Thành, chung quanh hào sâu,
vách kiên cố. (SN)
-Chợ Điều Khiển:
Chức quan võ cao nhất tại Gia Định thời đó là chức Điều khiển, được thiết lập
lần đầu tiên năm 1731, thời chúa Nguyễn Phúc Trú. Người giữ chức Điều khiển tại
Sài Gòn khi ấy là Trương Phúc Vinh, có nha lỵ riêng ở phía nam Phiên Trấn dinh
gọi là dinh Điều khiển và có trách nhiệm thống lĩnh quan binh tất cả các dinh
trấn phía nam. Đến thế kỉ XIX trước dinh Điều khiển cũ có một cái chợ mọc lên
nên chợ này mang tên là chợ Điều Khiển (LN) -Điều khiển là chức quan võ thời
chúa Nguyễn (điều khiển ba quân), một chức võ nữa là Điều bát (điều bát nhung
vụ) ... Trước năm 1790, khi trong Nam
chưa có thành trì kiên cố thì đại binh chúa Nguyễn “đồn” dinh trại nơi xóm Tân
Mỹ, sau đi về chợ Điều Khiển ở xóm Tân Thuân. (VHS) – Đồn Dinh, sau gọi chợ
Điều Khiển, phía nam trấn Phiên An hai
dặm rưỡi. Một vùng nhà cửa đông đúc từ Ngã Sáu ăn theo đường Nguyễn Trãi, đóng
khung trong đường Nguyễn Thị Nghĩa, Lê Lai, Bùi Chu, Bùi Thị Xuân. Theo Trương
Vĩnh Ký, chợ Điều Khiển ở trên đường đi về chuồng nuôi ngựa giống (trại Ô-ma).
(SN) –Nguyễn Cửu Đàm là con trai của Khâm sai Nguyễn Cửu Vân, phò chúa Nguyễn
Phước Chu. Năm 1772 được phong làm quan
Điều khiển nhờ có công đánh đuổi quân Xiêm xâm lược. Ông đã tham gia xây dựng
một cái lũy gọi là Bán Bích cổ lũy ... Ngoài ra ông còn lập một cái chợ, được
dân chúng gọi là chợ Điều Khiển, tức chợ Thái Bình ngày nay (NHH).
-Cầu Khâm Sai:
Từ Cầu Đường vô Cầu Khâm Sai, trên đường Gò Công, cũng gọi Cầu Khâm Sai hay Cầu
Ba Miệng, nhà cửa nối liền san sát xem rất ngoạn mục. (VHS)
-Chợ Quán:
Tân Kiểng, Nhơn Giang (trước 1885 tên Nhơn Ngãi), Bình Yên là tên ba làng xưa,
sau sáp nhập làm một là vùng Chợ Quán. Trước kia, nơi đây có làng Thợ Đúc, dân
trong làng chuyên nghề trau lư đồng có tiếng, nổi danh một thuở, không kém lư
Chợ Gạo (Phú Lâm). Gọi là “Chợ Quán” vì thuở trước chợ nhóm họp dưới gốc những
cây me đại thọ lối nhà thương Chợ Quán hiện nay. Chung quanh chợ có nhiều quán
xá lốc cốc tựu một chỗ, nên đặt tên làm vậy ... Từ đường nhà thương đi đến một
cái ao lớn, chỗ này mới đúng là làng Thợ Đúc năm xưa. (VHS)
-Bến Nghé:
Nơi tụ tập của người Việt từ năm 1790. Thuở “đàng cựu” vùng Sài Gòn chánh danh
gọi “Bến Nghé”. Đó mới là xóm Việt Nam. Bến Nghé, tên gọi “Ngữu Chữ”, tên khác
nữa là Tân Bình Giang; xóm Bến Nghé chạy dài từ khu Chợ Quán tới Hiển Trung Tự
và chạy đến Thủy xưởng ... Cả ba vùng: vùng Miên (Phú Lâm), vùng Tàu (Đề Ngạn)
và vùng Việt (Bến Nghé) nối liền nhau nhờ rạch, kinh, sông ngòi nhiều hơn bằng
đường lộ đất. Nay các đường thủy đạo bị lấp lần hồi, không dễ gì truy tầm ta
manh mối ... – Bến Nghé: Tên sông Sài
Gòn tức con sông bắt nguồn từ Bình Long theo chiều bắc nam chảy qua Bình Dương,
Gia Định, hợp lưu với sông Đồng Nai tại làng Thạnh Mỹ Lợi (Gia Định) chảy vô Sài Gòn trổ ra Soi Rạp. Tên của cửa
sông là Vàm Bến Nghé ... - Vùng Bến Nghé:
trọn vùng Sài Gòn Gia Định hoặc hiểu rộng hơn tức trọn Miền Nam Việt Nam đối
với toàn quốc ... (VHS) – Bến Nghé ở vào vị trí độc đáo: -Sát bờ biển, bên
Khánh Hội là ranh giới của Rừng Sác, chạy tới biển. -Ở lằn ranh đất cao từ Tây Nguyễn đổ xuống, có
thể trồng cây cao su. -Ở ranh giới của đất thấp ăn đến Đồng Tháp Mười, đến đồng
vằng sông Cửu Long. Như vậy Bến Nghé liên lạc dễ dàng ra Trung, Bắc Bộ, lên Cao
Nguyên, có đường thủy bộ lên Campuchia.
Muốn vào Cảng, tàu bè theo con sông Lòng Tàu quanh co giữa Rừng Sác;
lạch nước sâu và rộng, không phải nạo vét thường xuyên, quanh năm không có
sương mù. (SN)
-Nhà Bè: Chữ
Hán là Phù Gia tam giang khẩu, gồm 3 vàm sông., sông Phước Long, sông Tân Bình,
gặp sông Phước Bình. Buổi xưa hai dinh Trấn Biên và Phiên Trấn vừa thành lập,
đường bộ chơa mở, hành khách có việc qua hai dinh phải đáp đò đường trường. Đầu
bến đò phía bắc thì ở bến sông Cát dinh Trấn Biên, đầu bến đò phía nam thì ở
tại cầu đò thôn Tân Hương tổng Tân Long, hai đò này đều phải đậu tại Tam Giang
khẩu đêr chờ con nước thuận. Thuở ấy dân
cư thưa thớt, hành khách trong đò nấu nướng rất khổ, khiến nên có ông bá hộ
thôn Tân Chánh tên Thủ Huồng (Võ Thủ Hoằng) lấy tre kết làm bè có mui che rồi
bày nồi bếp, củi gạo cùng các vật để nấu ăn cho hành khách tự ý dùng mà khỏi
trả tiền. Khi hết ông lại tiếp tế, suốt nhiều năm, đến khi tài lức khánh kiệt.
Sau có nhiều người bắt chước, tự nhiên nổi lên một nhóm chợ nổi trên sông tấp
nập và vì vậy thành danh Nhà Bè. Nhưng
từ ngày thủy lục lưu thông thuận tiện, nhứtb là từ có binh Tây Sơn vào đóng, đò
đường trường ít ai dùng, cảnhg Nhà Bè trở nên vắng lạnh, chỉ còn danh trơ.
(VHS)
-Đồng Nai:
Vùng tỉnh Biên Hòa. Nay là tỉnh Đồng Nai. Cũng dùng để nói chung cả Miền Đông
Nam Bộ.
-Bà Nghè: Rạch
Bà Nghè, cũng gọi sông Thị Nghè, chảy bọc theo vườn Bách Thảo ở Sài Gòn, tên
chữ Bình Trị giang. Đời đàng cựu có bà Nguyễn Thị Khánh, con của Khâm sai Chánh
thống Vân Trường hầu Nguyễn Cửu Vân, lấy chồng là một ông nghè, làm thơ lại ở
Phan Trấn Định dưới trào Tả quân Lê Văn Duyệt, vì nhà ở làng Thạnh Mỹ Tây, cách
sở làm một con sông Bình Trị, qua lại bằng đò bất tiện, nên bà xuất tiền dạy
bắc một cây cầu gỗ lim, người đồng thời cảm đức
gọi “cầu và sông Bà Nghè”, nhưng các quan không chịu xưng như vậy và đổi
lại là “cầu và sông hay rạch Thị Nghè”. (VHS)
-Đồng Ông Tố:
Giồng Ông Tố. Tên chữ Hán là Lão Tố cang, ở phía nam tỉnh Biên Hòa, nay thuộc
huyện Thủ Đức. Gò nổng nổi lên đột ngột bằng thẳng chuyển quanh, trên giồng cây
cối xanh tươi, bốn phía ruộng bằng rộng rãi. Mặt trước có sông nhỏ từ hướng bắc
vòng quanh qua hướng nam thông với sông Tân Bình đến sông Phước Bình. (VHS
trích theo Thượng Tân Thị)
-Cây da Thằng Mọi:
Khỏi chợ Điều Khiển là đến chợ Cây Da
Thằng Mọi. Gọi làm vậy nhưng khoan vội tưởng rằng đây là một nhà chợ do một
người Mọi nào đó đứng ra xây cất. Sự thật là tại chợ này thường thấy bày một
móin hàng không đâu có bán: ấy là một thứ đèn thắp dầu phộng hay dầu dừa làm
bằng đất nung, nắn hình một người Chàm (ông Phỗng) hai chân quỳ, hai tay chắp
lại, trên đầu đội một thếp dầu. (VHS)
-Cầu Cao Miên:
Sách sử cổ cho biết người Cam Bốt có ở vùng Thị Nghè, vùng Cầu Bông, cổ danh
gọi Cầu Cao Miên. Dẫn thêm Đại Nam nhất
thống chí (Nguyễn Tạo dịch): Ở Bình
Dương, năm Tân Hợi quốc sơ (1731) vua nước Cao Man là Nặc Tha bị Nặc Sô đánh
đuổi chạy qua Gia Đinh ở nương cậy chỗ đất khoáng đãng nơi thượng du con sông,
mà chỗ ở lại cách sông, phải làm cầu ván qua lại, nên gọi là cầu Cao Man. (VHS)
-Cây Da Còm:
Học giả Trương Vĩnh Ký chép lại rằng xưa tại chỗ Khám Lớn cũ (nay Đại học Văn
khoa) gần bên Tòa Pháp đình, thuở đó có một cái chợ tục danh “chợ Da Còm”, tức
là chợ nhóm dưới gốc một cây da nhánh còm, lá gie khòm xuống mặt đất. (VHS)
-Cầu Khấc . Đường
Nước Nhỉ . Chùa Cẩm Đệm: Đường Nước Nhỉ xét ra ở giữa đường đi Chợ Lớn, đầu
này trở ra Bến Thành, mé ngoài là chợ Kim Chung, mé trong là xóm Cây Da Thằng
Mọi. Cầu Khấc ngoài chợ Cầu Kho đi lên đường Nước Nhỉ nói trên. (Ý câu này) Cầu
Khấc là nơi thị tứ, trẻ con có thể lạc đương. (VHS) Phía bắc của Bến Nghé là gò nổng ... Phía tây
nam gò Tân Triêm (vùng thành Ô Ma cũ – sau
đổi là thành Cộng Hòa) tốt bậc
nhất. Triêm là thấm ướt. Mội nước từ lòng đấy chảy tươm lên quanh năm, dầm ướt
quãng đường dài (khoảng đường Cống Quỳnh) gọi là đường Nước Nhỉ. Phú Thọ cao ráo,
tên chữ Cẩm Sơn, gọi nôm na là gò Cẩm Đệm, khoảng góc đường Lạc Long Quân và Lê
Đại Hành: mùa xuân, nền có non như gấm mướt xanh, hoa dại điểm vào như bức
tranh thêu. (SN)
-Kho Cẩm Thảo:
Cầu Kho là tên cây cầu bắc ngang qua con rạch ăn vào kho Giản Thảo, còn gọi là
kho Cẩm Đệm, do Chúa Nguyễn đặt từ 1741, một trong chín kho ở rải rác vùng Đồng
Nai – Cửu Long. Trên bản đồ Trần Văn Học năm 1815, kho Cẩm Thảo được vẽ rõ rệt,
hình vuông, sông rạch bao bọc như một cù lao. Một phía rạch Vàm Bến Nghé, ba
phía kia là rạch Bến Chiếu ăn qua Rạch Bần rồi chảy trở lên Rạch Bến Chùa. (SN)
-Chùa Kim Chương:
Chùa Kim Chương quan trọng và đẹp nhất của Bến Nghé, cất từ năm 1755. Qua đời
Tự Đức, trong Đại Nam nhất thống chí
gọi chùa Thiên Trường. Klhi Pháp đến chùa này chẳng nghe nói tới, trong gò đất Ô Ma chỉ còn miễu Hội Đồng và
đền Hiển Trung. (SN)
-Chợ Cây Vông:
Chợ Cây Vông thì ở lối nghĩa địa Đô Thành ngày nay ăn giáp tới Cầu Bông. Theo
ông Trần Văn Học là ông quan đàng cựu có công vẽ ra bản đồ thành Sài Gòn thời
ấy (1815) thi Cầu Bông trước kia gọi là cầu Cao Mên, sau đổi làm Cầu Hoa, rồi
vì húy tên một bà phi tần của đức Minh Mạng nên gọi Cầu Bông cho đến ngày nay.
(VHS)
-Chợ Lớn: Tỉnh thứ 16 của Nam Kỳ thời
Pháp thuộc. Năm 1956 bị lấy mộtr phần nhập với Gia Định, một phần nhập với Tân
An làm ra tỉnh Long An, riêng thành phố Chợ Lớn buôn bán thì nhập với Sài Gòn
làm Đô thành Sài Gòn. Danh từ Chợ Lớn này nên hiểu là đã có từ trước khi Tây
qua đây và lúc chưa có chợ Bến Thành như ngày nay. Psar Thom là chợ Sài Gòn đời
trước và Psar Toc (chợ nhỏ) để gọi Chợ Quán. (VHS)
-Giếng Chùa Bà:
Trên Chùa Bà (thờ bà Thiên Hậu Thánh Mẫu) dọc đường lên Cầu Phố , xưa có một
cái giếng, tục gọi nôm na “Giếng Chùa Bà” hoặc “Giếng Bộng”, có danh là nước
tốt ngọt hiền nên các văn nhơn thuở ấy đặt là “Giếng Cam Tuyền”. (VHS)
-Chùa Ông Quan Đế:
Từ con đường “Cháo Muối” (Đồng Khánh) xuống một con kinh, sau lấp đi biến thành
đại lộ Tổng đốc Phương thì có xóm người Minh Hương ...Đây là một xóm kỳ cựu
nhất và hiệp với xóm Chùa Quan Võ, đường Triệu Quang Phục, là trung tâm buôn
bán của cựu Chợ Lớn ngày xưa. Phố Triệu Quang Phục ngày nay, bắt từ chùa Quan
Đế chạy dài tận mé sông. Trong chùa có
lên cốt tượng thờ đức Quan Công, thái tử Quan Bình (?THÂ) và kẻ bề tôi trung tín là Châu Thương cùng ngựa Xích Thố. Vía
đức Quan Đế vào ngày mười ba tháng giêng âm lịch ... Còn một chùa Quan Đế khác
nữa gọi là “Chùa Ông Nhỏ” để phân biệt với chùa đường Triệu Quang Phục là “chùa
Ông Lớn”. Chùa này ở trên đường Nguyễn Huệ, dường như của người Triều Châu.
(VHS)
-Chùa Ông Bổn:
Người Hoa ở nước ngoài thờ nhà hàng hải Trịnh Hòa như vị phúc thần, gọi là Tam
Bảo Công hoặc Bổn Đầu Công, ta gọi mnơi thờ phượng ấy là chùa ông Bổn. (SN) –
Đời Vĩnh Lạc (1403-1424) vua có sai ông thái giám Trịnh Hòa cưỡi thuyền buồm dạo khắp các nước miền Đông
Nam Á ban bố văn hóa Trung Hoa và luôn dịp mua về cho hoàng đế Minh triều những
kỳ trân dị bửu. Trịnh Hòa là nhà thám hiểm, du lịch, khảo cứu địa dư, ngoại
giao, ngôn ngữ học, mỗi mỗi đều tài tình. Sau này ông mất dân ngoại kiều cảm
đức sâu thờ làm phúc thần, vua sắc phong “Tam Bửu công” cũng gọi “Bổn Đầu công”
(đọc giọng Tàu là Bủn Thầu Cúng) gọi tắt là “Ông Bổn”. (VHS)
-Bà Chúa Thai Sanh:
Cách chùa Quan Đế một tấm vách có chùa “Tam Hội miếu” thờ bà Chúa Thai Sanh,
coi về sanh đẻ. Nơi đây những người đàn bà hiếm con thường đến cầu nguyện về
đường tử tức. Chùa lập năm 1839, gọi tắt là “Phò miếu” (miếu Bà). (VHS)
-Chùa Bà Mẫu Hậu:
Ở góc đường Triệu Quang Phục và Nguyễn Trãi cũng có “Phò miếu” hoặc “Chùa Bà”
nhưng đây thờ bà Thiên Hậu Thánh Mẫu. Xét ra người Tàu thuở đầu qua đây, lúc ấy
chưa có thuốc trị bệnh, nên họ tin nhiều ở sự phù hộ của thần thánh, đâu đâu
đều có miếu thờ đức Quan Đế và bà Thiên Hậu. Về Chùa Bà, còn một ngôi chùa rất
xưa ở góc đường Lê Văn Duyệt – Hồng Thập Tự, một chùa nữa ở tại mé sông chợ Cầu
Ông Lãnh. Thiên Hậu là bà Mi Châu sanh vào đời vua Tống Nhân Tông, là vị thần
hộ mạng những người đi ngoài biển khơi. (VHS) – Đường Lê Văn Duyệt nay là Cách
mạng tháng 8, đường Hồng Thập Tự nay là Võ Thị Sáu.
-Chùa Cây Mai:
Theo ông Trịnh Hoài Đức, chùa Cây Mai tên chữ là Thứu Linh tự, nguyên xây cất
trên một nền chùa cổ Cao Miên, xung quanh có đào ao rộng và sâu, hồi xưa mỗi
năm tại đây có tổ chức lễ đua ghe ngo. Dưới đời vua Minh Mạng chùa được tu bổ
lại. Bấy lâu nghe đồn tại chùa có một gốc mai già bông trắng, từng trải mấy
phen biến cố và đã làm đầu đề cho bài thơ “Vịnh Mai Sơn tự” của Tôn Thọ Tường.
(VHS)
-Giếng Hàng Xáo:
Trước khi vô đến Chợ Lớn, ngang Xóm Than, có một giếng gầm mé sông, tên gọi
“Giếng hàng Xáo”, vì dân đổi nước đem về nấu ăn vẫn đồn đãi và đua nhau đến
giếng này giành giựt đổi chác ... (VHS)
-Cầu Đường:
Ngày nay, rạch Chợ Lớn, cũng gọi rạch Cầu Đường biến thành đại lộ Gaudot ...
(VHS) - Đường Gaudot sau 1954 đổi thành
được Khổng Tử.
-Xóm Bột: Từ
Chợ Quán trở vô Chợ Lớn thì đầu tiên gặp “Xóm Bột”, ngày ngày phơi trắng dã tận
lề đường những bột mì, bột đậu, bột lọc, bột khoai v.v...Đi tới nữa thì gặp Chợ
Hôm, nhóm lúc chiều tối. (VHS)
-Đồng Tập Trận:
Hàng năm vào ngày mồng 6 tháng giêng âm lịch Tả quân Lê Văn Duyệt duyệt binh.
Dịp này người ta ra lệnh đòi hết các cơ binh đóng ở Lục Tỉnh về để Tả quân
duyệt nơi khoảng đất trống gọi Đồng Tập Trận cũng gọi là “Mô Súng”. Từ vườn Bà
Lớn (đường Phan Thanh Giản) ngó qua Trường Đua cũ, cánh Đồng Tập Trận ăn thông
đến Xóm Lách, trên đường Yên Đổ. Sau khi dẹp loạn Lê Văn Khôi, vua Minh Mạng ra
lệnh giết khoảng 1.200 người (nam phụ lão ấu) tại đây, vùi lấp, nên chỗ này gọi
là “Mả Ngụy”. Ngày nay nhà cửa cất lấp bít bùng không còn nhìn được nơi nào.
(VHS) – Dọc theo đường Trần Quốc Toản, lối Học viện Quốc gia Hàdnh chánh Sài
Gòn (LVĐ) – Đường Phan Thanh Giản nay là Điện Biên Phủ, đường Yên Đổ là Lý
Chính Thắng, đường Trần Quốc Toản nay là đường 3 tháng 2.
-Cầu Cây Gõ:
Đoạn đường Minh Phụng bắc ngang qua Rạch Lò Gốm. có Cầu Cây Gõ. Cầu này khi xưa
làm bằng sắt trên lót ván, từ năm 1924 được đúc lại bằng đá sạn. (VHS)
-Dãy Thầy Bói:
Thuở ấy hai bên rạch Arroyo Chinois nhà sàn cất san sát, dân cư trù mật, nhưng
khúc chợ sung túc hơn cả thì ở vào khoảng từ Cột cờ Thủ Ngữ chạy đến Cầu Mống
mút đường Công Lý, xóm này có tên riêng là “Dãy Thầy Bói”, cũng gọi là “Đường
Thợ Tiện”. Đây là dãy nhà đẹp nhứt thuở “cựu trào”, phong lưu nhứt thời đó, vừa
giàu vừa sang. (VHS) – Arroyo Chinois là rạch Ông Lãnh, sông Ông Lãnh.
Theo các ý kiến dẫn trên thì bài Phú cổ Gia Định có lẽ được sáng tác sau năm 1819 và trước năm 1835.
Như lời giới thiệu của Nguyễn Anh Tuấn, tác phẩm đã góp nhặt những cảnh tượng và nhân
vật đất Sài Gòn – Chợ Lớn xưa khá đầy đủ.
Cảnh trí: Nào thành xây tám cửa, nhà ngói liệng đuôi
lân, hiên xòe cánh én, Chợ Quán, Nhà Bè, Đồng Nai, Bến Nghé, rạch Bà Nghè, đồng
Ông Tố… Rồi cầu Cao Miên, cây Da Còm, kho Cẩm Thảo, chùa Kim Cương, chợ Cây
Vông, cầu Bà Thuông… Mỗi địa danh, giờ này không còn, nhưng đọc lên, âm hưởng
cứ vang vọng đâu đây những “hồn ma cũ”.
Con người: Nhà
đủ người no, nơi nơi vui thú, gái tay vòng tay niểng, trai chân hán chân hài,
dù võng nghênh ngang, dưới bến trên tàu ca hát… Chốn chốn phong quang, nhà nhà
lịch lãm… Nơi đây quy tụ đủ hạng dân, từ Miền Trung vào, tận bên Tàu qua: trọ
trẹ dưới bến sông, xi xô ngang đường cái… Thờ kính cả các vị thần viễn xứ: chùa
ông Quan Đế, miếu đức Thánh Nhơn…
Nghề nghiệp: Lò rèn, lò gốm, phố phường bày hàng hóa,
nhà quê trồng bắp khoai, sinh hoạt tấp nập với ghe đen mũi ghe vàng mũi, tàu
xanh mang tàu đỏ mang…
Việc học hành đã phát triển: chốn thi trường lẩy lẩy
nho phong, nhà quốc học dày dày sĩ tử…
Và với tấm lòng trung hậu, người dân Gia Định luôn luôn
nhớ đến công ơn người xưa, các bậc tiền bối mở đất, hữu danh và vô danh: Coi chùa Ông Bổn đầu cân, dám quên chữ ngọn rau tấc đất. Thấy miếu Công Thần chư
vị, chạnh nhớ câu niềm chúa nghĩa tôi.
Gia Định thành – Sài Gòn – Chợ Lớn – Lục Tỉnh Nam Kỳ…
tự ngày xưa đã là một mảnh đất lành cho bao đàn chim Việt di trú về Phương Nam
chọn cành làm tổ. Cho nên cả trong những bài phú với vần luật khắt khe vẫn tìm
thấy ở đó chất dân gian hồn nhiển của người đi mở cõi:
Đến đâu gặp vịt cũng lùa,
Gặp duyên cũng kết, gặp chùa cũng
tu.