Chiếc
xe
lam dừng lại trước cổng chợ. Lão bước xuống xe nhìn dáo dác chung
quanh, như tìm
kiếm một cái gì đó đã quen với lão từ lâu. Phải rồi. Con đường trước cổng chợ này mà lão thường hay đến hiệu thuốc Tây vào những buổi chiều rảnh rỗi, ngồi tán hươu tán vượn với H., cô gái con của bà chủ tiệm. Rồi sau đó lại ra ngôi quán của thượng sĩ Tán để uống ly cà phê đen nghe vài ba bản nhạc mà lão ưa thích trước khi trở về doanh trại. Lần nào đến quán cà phê của thượng sĩ Tán, mấy đứa con gái của ông thượng sĩ cũng nói: chú nghe lại bản nhạc này nghe, hay đáo để. Tụi cháu mới sang lại thích ghê lắm. Lần nào cũng như lần nào. Tựa như một điệp khúc. Mới đấy. Mới sang lại đấy. Nghe lại bản nhạc này nghe chú...Thế mà lão vẫn nghe, vẫn thích cái giọng Huế của mấy cô con gái này.
Con đường cũ đây rồi. Ngôi chợ vẫn nằm khuất sâu trong những dãy nhà cất vô trật tự. Có lẽ, trong khu chợ này, không có người con gái nào đẹp hơn H., mà cũng có lẽ nơi góc phố này cũng không có ai nhí nhảnh như những đứa con của ông thượng sĩ Tán.Tuy nhiên với lão: H. vẫn hơn tất cả. Lão thường hay nói: H. có một vẻ đẹp của những người đàn bà quý phái Tây phương vào thế kỷ 16. Lúc ấy H. như đĩa phải vôi, giãy nãy : khiếp! Làm gì mà ghê thế. Nhưng rồi, cô bé lại tò mò hỏi lão: làm sao anh biết em đẹp như những người đàn bà vào thế kỷ ấy. Lão cười, nhìn lên tấm hình thằng bé quảng cáo sữa “ babi lắc ” bụ bẫm, xinh xắn, dễ thương treo trên tường : thì xem tranh, lão
nói. Những bức tranh cổ mà các họa sĩ vẽ trưng bày trong các lâu đài có ma cà rồng đấy. Lúc ấy, cô bé rút vai, le lưỡi trông thật dễ thương nhí nhảnh làm sao: chỉ có ma cà rồng thôi sao. Lão cười: ừ, ma lúc nào cũng thích gái đẹp. Chẳng bao giờ thích những người con gái xấu cả. Cô bé lại le lưỡi, rút vai. Những lần cô bé le lưỡi, rút vai lão thấy thích vô cùng. Để rồi, trước đó một tháng, cô bé đi chiếc vélo solex vào đơn vị lão từ giã để theo bố mẹ di tản về Sài Gòn. Khi những toán quân và đoàn người từ Ban Mê Thuột kéo xuống ồ ạt như một cơn lốc thổi mạnh xuống từ đèo M’ Rắc . Thị trấn nhỏ như bị lên cơn sốt. Chỉ còn lại gia đình của những người lính của ba quân trường nháo nhác chờ đợi chồng. Họ đùn đùn ra đi. Bỏ lại nhà cửa. Thị trấn trong chốc lát vắng hoe.
Lão đứng nhìn con đường dẫn vào chợ. Tấm bảng hiệu nhà thuốc Tây không còn treo trước nhà. Có lẽ H. đã theo gia đình ra đi vào những ngày ấy. Đi trong lần bỏ của lấy người mà chạy. Hai mươi tám năm. Vâng, đã hai mươi tám năm lão vẫn còn nhớ như in cô bé thường hay vào tiểu đoàn của lão với chiếc vélo solex đen, mỗi buổi chiều. Chiều xuống, lão thường hay đứng dưới chân tượng bán thân của Đức Trần Hưng Đạo
do một anh khoá sinh từ Đà Lạt
xuống thụ uấn, tạc nên. Lão đứng để nhìn cảnh về chiều của tiểu đoàn thật im ắng quá. Khoảng sân đất rộng, sạch nhẵn không có một cọng rác, lá cây do những bàn tay tân binh chăm sóc sáng chiều. Và những hàng dương trồng chung quanh càng về chiều càng vắng vẻ khi những đơn vị khóa sinh đã ra nơi điểm kích.
Mình lão đứng hằng giờ vào buổi chiều để nghe tiếng lá dương rì rào quanh lão, khi có những cơn gió từ cánh rừng phía sau khu mưu sinh thổi tới. Và, mỗi chiều như thế, lão lại muốn nghe tiếng xe vélo solex của H. chạy trên đường dẫn vào cổng tiểu đoàn. Mỗi lần gặp H., lão thường hỏi: mignonne vào thăm tôi đấy à. Cô bé hình như thích thú từ ngữ này mỗi lần lão nói.
Bây giờ không biết H. ở đâu từ lúc chia tay lão trong sân
tiểu đoàn Trần Quốc Tuấn. Buổi trưa đứng bóng. Con đường như muốn bốc hơi. Như hai mươi tám năm trước khu vực lòng chảo vẫn nóng như đổ lửa dạo nào mà lão đã nhìn thấy những tân binh trong tiểu đoàn của lão ướt đẫm mồ hôi trên lớp áo trận mới lãnh từ kho quân trang về. Con đường mà lão đi lại nhiều lần. Nhiều lắm, sáu năm chứ chẳng phải ít ỏi chi đâu. Đủ để cho lão nhớ.
Thả bộ tới trước cổng ngôi chùa cổ, lão dừng lại dưới tàn lá rợp trước cổng chùa nhìn qua bên kia đường là nhà của thượng sĩ Tán xem có còn ai không.
Lâu quá, chắc
không còn ai nữa.
Cũng có thể mấy cô con gái của thượng sĩ Tán đã lấy chồng và cũng già như lão. Lão đứng nhìn ngôi quán năm xưa. Ngôi nhà vẫn không
có gì thay đổi.
Hai cây trứng
cá già nua, cằn cỗi vẫn còn đó, trước hiên nhà. Lão mong có ai
đó đi ra để lão hỏi thăm về người thượng sĩ già trong tiểu đoàn của lão ngày nào. Có lẽ ông cũng đã mất lâu rồi. Như lão đây. Còn sống, nhưng cũng không ai nhìn ra khi
lão bước xuống xe lam đứng nơi góc phố cũ. Lão vừa đi chậm rãi trên lề đường vừa suy nghĩ còn ai ở đây để tìm lại thăm. Lão lại thả bộ về hướng cây cầu sắt đỏ. Ở đó có con suối nước chảy quanh năm mà có một thời gian lão và người bạn của lão chiều nào cũng lội xuống dùng súng M16 bắn cá trong những hốc đá rồi lên nhà của Long, ngay bên bờ suối, rủ nhau ngồi nhậu. Tội nghiệp Long, những năm đầu vào trại cải tạo ở Tuy Hòa đã chết sau nhiều ngày mất nước vì tiêu chảy. Buổi chiều đi lao động về lão thấy chiếc xe ngựa chở cái hòm không đáy chạy về hướng những ngọn đồi. Lão biết là Long đã mất. Một người bạn cùng đơn vị những ngày lão mới đổi về nay đã từ giã bạn bè ra đi. Đời lính của lão cũng có nhiều cái vui, cái buồn ở đây. Sáu năm, đủ để cho lão nhớ về con suối trên núi cao đổ nước trắng xóa trên những dãy núi chập chùng tiếp giáp với Phú yên, mà ai đó đã vẽ nên cái phù hiệu cho đơn vị . Phải đi bộ mới được để ngang qua “ khu gia binh
”. Những dãy nhà tiền chế cất ngay ngắn dành cho gia đình binh sĩ. Và, ngôi trường tiểu học dành cho các con em của lính. Ngang qua đó để xem có thay đổi gì không và nhớ đến cô giáo Nam, người Bắc, người yêu của Đặng, người tiểu đoàn phó của lão.
Với Nam , cô gái Bắc kỳ có sóng mũi cao, gương mặt thanh tú và với nước da trắng đủ để cho những quan to chức lớn trong đơn vị theo đuổi. Như chỉ huy phó chẳng hạn. Thế mà Đặng đã đánh bật ra hết những vị quan ấy. Có lần, liên đoàn trưởng xuống tiểu đoàn chơi với lão, hỏi: toa dàn cảnh thế nào mà để thằng Đặng
nó phỗng tay trên của mấy quan to trên bộ chỉ huy vậy? Lão cười: của tiểu đoàn thì để tiểu đoàn hưởng chứ. Thế rồi, những ngày cuối cùng của cái tháng hấp hối ấy, Đặng xin phép lão về Nha Trang để đưa gia đình về Sài Gòn rồi đi luôn không trở lại. Bỏ tiểu đoàn. Bỏ luôn cả cô giáo Nam mà bố mẹ của cô ấy có một câu lạc bộ trong tiểu đoàn của lão. Tội nghiệp, Nam khóc không
còn nước mắt tưởng chừng như vậy, trong đêm cuối tháng hai của năm ấy, khi biết Đặng đã ra đi. Lão còn nhớ Nam
nói: đồ đạc trong câu lạc bộ của em còn lại đầy đủ. Nếu có ra đi, anh cho lính mang đi tất cả. Bỏ lại cũng uổng. Nhưng không, những tân binh trong tiểu đoàn của lão khi có lịnh rút đi, mỗi người chỉ mang theo một nón sắt gạo, khi lão ra lịnh cho mở cửa kho. Lúc ấy, lão biết Đặng ra đi thật sự. Thôi, thời buổi hổn mang, lão không bỏ nhiệm vụ là được. Khi tiểu đoàn di chuyển theo đội hình tác chiến trên quốc lộ mà lão đã đi lại sáu năm hơn, người bạn của lão, trưởng phòng nhân viên lái chiếc jeep tới, gọi lão lên xe để về trường Đồng Đế, lão
từ chối. Nhìn một đoàn quân lính chưa ra lính, dân cũng không phải dân, rồi nhìn những tiểu đoàn bạn đi sau. Lão thấy tội nghiệp cho lão mười năm trong quân ngũ. Được cái gì, và hôm ấy mất cái gì.
oOo
Vừa đi vừa suy nghĩ thì một thanh niên lái chiếc honda 68 trờ tới, hỏi:
- Bác lên khu tiếp tân hả. Lên xe cháu chở đi.
Lên khu tiếp tân nào? Lão nghĩ. Rồi nheo mắt nhìn cậu thanh niên. Rồi nhìn chiếc xe Honda 68 cũ kỹ sơn phết đủ màu sắc. Hình như sơn với mục đích là đễ chống sét gỉ. Dạo này nghe nói người ta dùng toàn xe dream nhập cảng, chứ không ai còn dùng loại xe cũ kỹ, lỗi thời này. Lão im lặng nhìn cậu thanh niên lái xe thồ đang đội cái mũ lưỡi trai sáu múi của một thời xa xưa mà lão đội. Nhìn mãi, như bắt được bóng dáng cũ của lão nơi chiếc mũ này. Phải rồi, chiếc mũ lưỡi trai sáu múi này gắn chặt đời lão 10 năm. Mười năm, biết bao mồ hôi trên đầu lão đã dính vào trong mũ ấy với cái mùi nghe chua chua
mà mỗi lần về Nha Trang thăm nhà, vợ lão cũng nhăn: sao anh không chịu khó giặt cái mũ để nghe chua dữ vậy?
Lão chỉ cười: cái mùi đó là mùi để cho em nhớ nó đó. Mới đó mà đã hơn 28 năm hơn. Hai mươi tám năm, người ta nhìn lão như một ông già với nước da đen đúa như tượng đồng; mặc dầu ở Mỹ cũng hơn 10 năm. Mười năm, với khí hậu của miền hàn đới không làm thay đổi màu da trên con người của lão. Ừ, mà làm sao thay đổi được màu da. Người Châu Phi đã bị bắt dẫn đến đây để làm nô lệ trên những chiếc tàu xuyên đại dương đã hơn 200 năm, thế mà nước da của họ vẫn là nước da đen, không thay đổi dưới khí hậu hàn đới này. Thì với lão, mười năm sống trên đất Mỹ da của lão vẫn đen như ngày nào.
Lão lại nhìn người thanh niên, rồi nhìn cái mũ. Không phải ai cũng đội cái mũ này. Có lần người bạn lão về thăm nhà như lão hôm nay, qua lại, gặp lão nói: mày biết không, dân Bắc bây giờ tụi nó thích đội cái mũ lưỡi trai sáu múi như dạo nào tụi mình đội. Lão không tin; Vì khó
có ai bắt chước may giống được. Như người thanh niên này đội cái mũ giống hệt mũ của lão ngày nào. Lão hỏi:
- Cháu hôm nay bao nhiêu tuổi?
- Hai mươi tám. Mà sao bác hỏi cháu tuổi tác làm gì.
Bác lên khu tiếp tân cháu chở đi. Lấy rẻ thôi mà.
- Ừ! Thì bác cũng phải đi thôi mà.
- Thật nhé. Sáng nay cháu chỉ mới chở có hai người lên trên đó. Chưa đủ sở hụi trong ngày.
- Mà sao cháu biết bác lên khu tiếp tân. Mà khu tiếp tân nào nhỉ?
Người thanh niên lái xe ôm nghe lão hỏi, thấy lạ. Ai đến đây cũng biết khu thăm nuôi trên đó. Sao lão già này lại hỏi gì lạ vậy.
- Cháu thấy bác xuống xe lam trước cổng chợ. Cháu biết bác là người lạ mới tới. Đoán là bác thế nào cũng lên khu tiếp tân.
Khu tiếp tân. Cái mũ lưỡi trai. Một thời lão không thể nào quên, và cũng một thời lão nhớ qua hình ảnh của người thanh niên đang đứng trước mặt lão. Lão lẩm bẩm trong miệng. Người thanh niên hỏi:
- Bác nói gì vậy?
- À không. Bác không nói gì cả. Thôi vậy, cháu đưa bác tới đó một chút.
- Đâu ạ.
- Khu tiếp tân. Nhưng cháu chạy thật chậm qua trường học cũ và khu gia binh cũ nhé.
- Nơi nào vậy bác? Cháu không biết chỗ ấy.
- Vậy sao. Để bác
chỉ cho cháu. Chạy đi, nhưng phải chậm đấy.
Người thanh niên cho xe chạy chậm trên đường về hướng đơn vị cũ của lão. Bỗng dưng lão đập tay lên vai người thanh niên rồi nói nhanh:
- Ngừng. Ngừng lại.
- Có việc gì thế bác? Không lên khu tiếp tân à.
Lão bước xuồng xe bảo người thanh niên chờ lão.
Lão đi nhanh như bắt được cái gì đó bên vệ đường. Sợ đi chậm nó sẽ tan biến . Đây rồi. Cái cổng trường học “ Văn Hóa Quân Đội ” làm bằng những ống đạn pháo binh ghép lại vẫn còn đây. Lão bước tới đưa tay lên rờ những ống đạn pháo binh đã muốn gỉ sét mà mỗi lần tết Trung Thu hay tết Nguyên Đán lão cùng với những tiểu đoàn trưởng khác được mời về ngồi trên hàng ghế danh dự do khối CTCT mời để phát quà cho các cháu, con em của những người lính đóng quân ở đây. Đâu rồi, ngôi trường cũ không còn thấy nữa. Mà sao lại còn hai cây trụ được ghép lại bởi những ống đạn pháo binh là không tháo
gỡ. Còn cô giáo Nam đâu? Chắc rồi cũng bỏ cái thị trấn nhỏ bé này mà ra đi sau tháng hai năm ấy.
Lão trở lại người thanh niên:
- Ta đi thôi cháu nhỉ. Lên khu tiếp tân cũ.
- Bác nói gì. Khu tiếp tân cũ?
- Ừ ! thì cho bác lên đấy.
-
Bác có người
nhà đi bộ đội?
- Không. Không mà.
- Như vậy lên đó làm gì. Lúc đầu cháu nghĩ bác lên khu tiếp tân thăm thân nhân học ở đấy mà.
- Thôi, thì chở bác lên bác nhìn lại cảnh cũ một chút.
- Vậy bác là người lính cũ.
Lão nghe người thanh niên hỏi. Lão im. Bỗng nhiên lão sợ nói hớ một cái gì đó sẽ làm phiền vô cùng. Lão ngồi sau xe đưa mắt nhìn trái, nhìn phải. Thấy cái gì cũng lạ. Lạ lắm. Chỉ có những cánh rừng trước mặt lão là không thay đổi. Lá rừng vẫn xanh, và những con đường mòn đưa đến các bãi B. Lão bắt được hình ảnh ngày nào của lão trong những cánh rừng này. Cái nón nhựa được sơn màu xanh, viền trắng, có hai chữ CT mà ngày nào lão cũng đội cùng với những người bạn cùng ngồi trên những chiếc xe GMC chạy ngoằn ngoèo trên những con đường mòn, bỏ từng toán xuống các bãi chiến thuật. Nắng trong khu lòng chảo oi bức. Những cánh rừng bao phủ, khuất gió, mệt mỏi trên từng đôi mắt của mỗi tân binh. Lão nhớ lại ngày đó. Ngày này, hơn hai mươi tám năm. Cái ngày lão dẫn tiểu đoàn ra đi, tới cổng chính, lão chỉ nhìn thấy lá cờ còn bay trên cột cờ. Hình như lúc đó không ai buồn kéo xuống, và một tân binh điên điên dại dại đang ngồi hát nghêu ngao dưới cột cờ. Lão dừng lại nhìn người tân binh ấy và cho tiểu đoàn dẫn đi. Anh ta vẫn hát nghêu ngao theo đơn vị lão cho đến ngã ba
Ninh Hòa thì bỏ chạy về phía chợ. Hắn vừa chạy vừa hô những câu khẩu hiệu ủng hộ phía bên kia. Lão tức muốn bắn bỏ tên tân binh nửa điên nửa dại này.
Nhưng rồi cũng phải cho con cái tiếp tục đi về hướng Nha Trang để còn có một chút hy vọng.
Không nghe lão nói gì. Người thanh niên hỏi lại:
- Bác có vào chơi trong khu tiếp tân không?
- Thôi. Cho bác về phía cầu đỏ.
- Cháu nghe bố cháu nói ngày xưa khu tiếp tân này được xây cất đẹp đẽ lắm, sơn phết đủ màu. Bây giờ chỉ là những túp lều lá che nắng.
- Bố cháu cũng là người ở đây?
- Dạ. Bố cháu là lính ở trung tâm này mà. Trước đó kìa. Bây giờ bố cháu già rồi, ông thường hay lùa đàn bò vào trong khu rừng dưới chân núi Bạch mã cho ăn cỏ. Ông chán không muốn trở về nhà khi còn ánh sáng.
- Bố cháu tên gì?
- Chấn. Trung sĩ Chấn.
Lão vui quá khi nghe đến tên. Hèn chi lúc đầu lão đã nhìn chiếc xe honda 68 mà lão cứ nheo mắt ngó mãi.
Hình như có linh tính gì đó báo trước. Lão hỏi:
- Có phải Chấn răng vàng không?
- Dạ. Đúng rồi.
Bố cháu đây.
Lão cười vui như đứa con nít được quà mà mỗi lần lão ngồi nơi hàng ghế danh dự phát quà Trung Thu cho các
con em binh sĩ .
Chưa lần nào lão được cười vui như thế. Chấn răng vàng. Cái thằng cha trung sĩ mà chiều nào cũng chở cái bao cát sau xe để trong sân tiểu đoàn để chờ cho các đại đội khoá sinh dùng cơm xong, Chấn sẽ lấy những thứ cơm thừa, canh cặn còn lại về cho heo ăn. Lương trung sĩ lúc ấy chắc chắn là không đủ nếu vợ con ở nhà không canh tác gì thêm.
Theo chồng, chỉ trông chờ vào những đồng lương của chồng thì thế nào cũng thiếu trước hụt sau trong những khu nhà dành cho vợ con binh sĩ. Lão biết. Và cứ mỗi chiều như thế lão hay ngồi trước cái hồ bán nguyệt để nhìn ra khoảng sân của tiểu đoàn. Nhìn cảnh sinh hoạt của đơn vị, lão thấy vui. Vui lắm. Như hôm nay nghe nhắc đến tên Chấn là lão vui rồi.
Lão vỗ vai người thanh niên:
- Bác là bạn của bố cháu.
- Thật hả bác. Như vậy để cháu đưa bác về gặp bố cháu. Ông bây giờ già lắm. Cứ vui với đàn bò. Nhưng mà phải chờ cho trời sập tối thì bố cháu mới về.
- Ừ! Cũng được. Bác cứ tưởng là không gặp ai.
Lão ngồi lại ở dốc cầu đỏ. Người thanh niên lái xe ôm nói:
- Cháu phải chạy xe. Một đỗi nữa cháu sẽ trở lại đón bác về gặp bố cháu.
Con đường trải đá dăm màu xanh vẫn không thay đổi dẫn ra các bãi bắn. Những ngôi quán hôm nay cất nhiều hơn, không như hai mươi tám năm trước. Cũng nơi đây những đơn vị tân binh dừng lại tập hợp trước khi trở về đơn vị. Lão ngồi nơi dốc cầu để nghe nước suối róc rách dưới chân, và hình ảnh của Long như hiện về đâu đây sau lần lão tới bịnh xá của trại thăm Long lần cuối. Mất nước, con người của Long khô đét, nằm tóp tọp dưới cái chăn cáu bẩn của người tù.
Phải chi có những viên thuốc cầm ỉa thì Long chắc cũng qua khỏi. Cái thằng có một tấm lòng rộng mở, có một nụ cười rất sảng khoái, và đối với bạn bè rất là tế nhị, thì hôm ấy lão nhìn đôi mắt của Long như lạc mất phần hồn, đờ đẫn trên gương mặt của người sắp chết. Chiếc xe ngựa và chiếc hòm không đáy vẫn là hình ảnh ám ảnh mãi với người tù. Đâu rồi,
những tiếng cười thâu đêm khi anh em xuống suối bắn được những con cá đem về nhà Long ngồi nhậu. Đâu rồi những tiếng còi thổi lên re ré tập hợp những đơn vị lại trước khi qua cầu đỏ. Lão ngồi nơi dốc cầu đỏ mà nhớ lại tất cả...như chiều nào, những đơn vị của lão đi đều bước trên con đường dẫn về tiểu đoàn với một khúc hát quân hành quen
thuộc. Cũng như những buổi chiều lão thường nghe quen thuộc tiếng máy vélo solex của H.
Chiều xuống, cảnh núi rừng của lòng chảo D.M như chớm một chút lạnh của sương rừng. Cái lạnh làm cho lão thích thú. Đang nghĩ ngợi thì có tiếng xe honda 68 dừng lại, và tiếng của người thanh niên chạy xe ôm, nói:
- Bố cháu đang lùa đàn bò về bên kia đường kìa bác.
Lão đứng dậy sửa lại bộ điệu để đón người lính cũ mà lão ngỡ rằng khi về thăm lại chốn cũ khó mà gặp được ai. Nào ngờ lão gặp lại người lính dưới quyền lão.
Đàn bò dừng
lại bên cầu , và Chấn chạy lại ôm chầm lấy lão: Thầy đã về lại
sao. Tự nhiên
những giọt nước mắt của hai người lính già ứa ra trong cái lạnh hây hây của sương rừng ./.