Saturday, June 17, 2017

303. LỜI THÚ TỘI Truyên ngắn của nhà văn Pháp GUY DE MAUPASSANT (1850-1893) Dịch và giới thiệu: THÂN TRỌNG SƠN






Hầu hết truyện ngắn của Maupassant đều được đăng lần đầu trên các nhật báo. Ông cộng tác với nhiều báo và sử dụng nhiều bút danh khác nhau. Trong vòng một năm, Ông viết ba truyện cùng chung nhan đề " Lời thú tội " ( La Confession ). Truyện thứ nhất, đăng trên tờ Le Gaulois ngày 21/10/1883, là lời thú tội của người chị đã đầu độc người sắp cưới em gái mình chỉ vì chị cũng yêu người ấy. Truyện thứ hai đăng trên tờ Gil Blas, ngày 12/8/1884, là lời thú tội của người chồng nghi vợ ngoại tình nên đã giết oan một mạng người. Truyện dưới đây đăng trên tờ le Figaro ngày 10/11/1884, là lời thú tội của một người cha đã giết con trai của mình. Những tình tiết bất ngờ xuất hiện theo diễn biến tâm lý của nhân vật khiến người đọc hồi hộp theo dõi câu chuyện cho đến hồi kết.


      Tất cả người dân hạt Véziers-le- Réthel đã đi theo đoàn đưa tang ông Badon-  Leremincé, và những lời cuối cùng trong điếu văn của đại diện địa phương vẫn còn in đậm trong ký ức mọi người: "Ít nhất, ông ấy là một người "lương thiện!"
      Vâng, ông là người lương thiệnqua tất cả những hành vi có thể nhận xét được trong cuộc đời, trong lời nói, trong ứng xử, trong thái độ, trong cách ăn mặc, đi đứng, trong kiểu râu, loại mũ của ông nữa. Chưa bao giờ ông nói lời nào mà không có ý nêu gương, chưa bao giờ giúp đỡ ai mà không khuyên nhủ, chưa bao giờ bắt tay ai mà không chúc phúc.
      Ông để lại hai người con: một trai một gái, con trai ông là uỷ viên hội đồng tỉnh, con gái kết hôn với công chứng viên Poirel de la Voulte, thuộc tầng lớp thượng lưu ở Véziers. Cả hai chưa nguôi nỗi buồn mất cha, vì họ yêu cha thực lòng.
      Tang lễ vừa xong, họ trở về nhà người vừa mất, con trai, con gái và con rể, cả ba tự giam mình trong phòng rồi mở chúc thư, chính họ mới được mở niêm phong và chỉ mở sau khi quan tài đã nằm sâu trong lòng đất. Một ghi chú trên bao thư đã nói rõ di nguyện đó.
      Ông Poirel de la Voulte xé bao thư, theo tư cách một công chứng viên đã quen với công việc đó, rồi, chỉnh lại cặp kính, ông đọc bằng cái giọng buồn tẻ vốn thường đọc các chi tiết những khế ước.
      - Các con của cha, các con yêu quý của cha, cha sẽ không thể an giấc ngàn thu nếu như từ dưới mộ sâu cha không gửi đến các con một lời thú tội, thú nhận về một tội ác khiến cha đã bị ăn năn dày vò suốt đời. Phải, cha đã phạm một tội ác, một tội ác tày trời, kinh tởm.
        Hồi ấy, cha mới hai mươi sáu tuổi, bắt đầu làm nghề luật sư ở Paris, sống cuộc sống của thanh niên tỉnh lẻ lạc lõng nơi chốn thị thành, không người quen, không bạn bè, không họ hàng.
      Cha có một tình nhân. Biết bao nhiêu người nghe nói " tình nhân " là phẫn nộ, tuy nhiên cũng có những người không  chịu nổi cuộc sống cô đơn. Cha là người trong số đó. Sự cô đơn khiến lòng cha tràn ngập một nỗi lo sợ khủng khiếp, sự cô đơn trong căn phòng, bên lò sưởi, khi đêm về.
      Lúc này cha cảm thấy dường như cha chỉ có một thân một mình, trơ trọi đớn đau trên thế gian này, lại bị bủa vây bởi những hiểm hoạ mơ hồ, những điều khủng khiếp không biết rõ, và bức tường ngăn cách cha với người hàng xóm chưa hề biết mặt, khiến cho cha với anh ta xa nhau một khoảng cách vời vợi, khác nào những vì sao cha nhìn thấy qua cửa sổ. Một thứ như cơn sốt xâm chiếm lấy cha, cơn sốt bồn chồn và lo sợ, và sự yên lặng của các bức tường khiến cha hãi hùng. Ôi, cái yên lặng của gian phòng ta sống đơn độc mới sâu lắng và sầu thảm làm sao! Chẳng phải chỉ là sự yên lặng bao quanh thân xác, mà còn là sự yên lặng bao quanh tâm hồn, và khi bỗng có tiếng đồ đạc kêu răng rắc, ta run rẩy cả cõi lòng, bởi trong căn phòng sầu muộn này, nào ai có chờ mong một tiếng động nào đâu.
      Biết bao nhiêu lần, căng thẳng, sợ hãi vì sự lặng lẽ im lìm đó, cha đã cất tiếng, thốt lên những lời rời rạc, không ý nghĩa, cốt chỉ để có âm thanh thôi. Giọng cha lúc ấy nghe ra lạ lùng quá đỗi khiến cha cũng thấy sợ.
      Có điều gì khủng khiếp hơn là một mình cất tiếng nói trong căn phòng trống hoắc? Giọng phát ra chừng như giọng của ai khác, xa lạ, vu vơ, không nhằm vào ai, đi vào hư không, chẳng có đôi tai nào lắng nghe, bởi vì ta biết lời nào sẽ được thốt ra trước khi chúng tan vào cảnh tịch liêu của căn phòng. Và khi những lời ấy vang lên sầu thảm trong thinh lặng, dường như chúng chỉ như là một tiếng vọng, tiếng vọng lạ kỳ của những lời thì thầm trong ý nghĩ một người. 
      Cha có nhân tình, một cô gái trẻ cũng như nhiều cô gái khác, sống ở Paris bằng cái nghề không đủ nuôi sống mình. Cô ấy dịu dàng, nhân hậu, giản dị, có bố mẹ sống ở Poissy, thỉnh thoảng cô về đấy sống với họ vài ngày.
      Trong suốt một năm, cha sống yên ổn với cô ấy, và có ý sẽ rời bỏ cô khi nào  tìm được người mà cha yêu thương để có thể cưới làm vợ. Cha sẽ chu cấp chút ít cho cô gái, bởi trong xã hội chúng ta, ai cũng thừa nhận là yêu thương phụ nữ phải  trả công, bằng tiền nếu cô ấy nghèo, bằng quà cáp nếu cô ta giàu.
      Nhưng bỗng một ngày, cô ấy báo cha biết là cô có thai. Cha nghe mà rụng rời và trong thoáng chốc nhận ra là cuộc đời cha sẽ bi thảm rồi. Cha thấy rõ gông xiềng mà cha sẽ đeo cho đến chết, ở mọi nơi, trong gia đình tương lai của cha, lúc cha về già, mãi mãi: gông xiềng của một người đàn bà trói buộc đời cha bằng đứa con, gông xiềng của đứa bé mà cha phải nuôi nấng, trông nom, che chở, nhưng phải làm như không biết nó, phải che giấu nó với mọi người.
      Tâm trí cha xáo động bởi cái tin đó, và một mong muốn mơ hồ, cha không bày tỏ được, mà chỉ cảm thấy nó ở trong tim cha, sẵn sàng bộc lộ ra, chẳng khác nào những người núp sau rèm cửa chờ nghe lệnh lộ mặt ra, một mong muốn tội lỗi rình rập tận nơi sâu thẳm của tâm trí cha! Có thể nào một tai nạn xảy ra nhỉ? Phải rồi, cũng đã có nhiều sinh linh bé nhỏ đã chết trước khi sinh ra đó thôi!
      Ôi! Cha không muốn người tình của cha chết. Cô gái tội nghiệp, cha yêu cô ấy lắm! Nhưng có lẽ, cha mong đứa bé sẽ chết trước khi cha thấy mặt nó.
      Thằng bé được sinh ra. Vậy là cha có một gia đình trong căn hộ nhỏ của trai độc thân, một gia đình giả tạo có trẻ con, thật là chuyện khủng khiếp. Nó cũng giống mọi đứa trẻ khác. Cha chẳng thương nó chút nào. Các con biết đó, tình yêu của những ông bố chỉ về sau mới biểu lộ.  Người bố không có sự dịu dàng bản năng và mãnh liệt của người mẹ, tình cảm yêu thương của họ cần được đánh thức dần dần, tinh thần của họ cần được nối kết bằng những sợi dây hình thành mỗi ngày giữa những người cùng sống chung  với nhau.
      Một năm nữa trôi qua: bây giờ cha thường tránh về nhà, nơi chật chội bừa bãi áo quần, tã lót, những đôi vớ cỡ găng tay, cả ngàn thứ linh tinh ngổn ngang trên đồ đạc, nơi tay dựa ghế bành, ở khắp mọi nơi. Cha bỏ đi chủ yếu là để khỏi nghe nó kêu thét lên vì lúc nào nó cũng kêu thét lên được, khi thay quần áo, khi tắm rửa, khi người ta đụng vào, khi được dỗ ngủ, khi được bế dậy, nó kêu thét không dứt.
      Rồi cha cũng có những mối quen biết khác, và trong một buổi tiệc cha đãgặp người phụ nữ sau này là mẹ các con. Cha yêu nàng và mong muốn được cưới nàng. Cha đã tỏ tình, đã xin gia đình nàng cho cưới và đã được chấp nhận.
      Lúc này cha mới thấy mình đang ở tình thế tiến thoái lưỡng nan. Hoặc là đang có con, cưới cô gái mà cha yêu thương này, hoặc là nói ra sự thật và từ bỏ nàng, từ bỏ hạnh phúc, tương lai, từ bỏ tất cả, vì cha mẹ nàng, vốn khắt khe và thận trọng, sẽ không chấp thuận cho cha cưới nàng nếu họ biết chuyện.
      Cha đã trải qua một tháng khủng khiếp đầy lo sợ và dày vò tinh thần, một tháng bị ám ảnh bởi những ý nghĩ kinh người, và cha cảm thấy dấy lên sự căm ghét đối với con trai của cha, cái khối thịt nhỏ bé sống động và hay kêu thét đó, chính nó đã chặn đường, cản lối cha, buộc cha phải sống một cuộc đời không mong đợi, không còn hy vọng mơ hồ khiến cho tuổi trẻ tươi đẹp ra.
      Rồi ngày nọ, mẹ cô người tình bị bệnh và cha ở một mình với đứa bé. Lúc này vào tháng mười hai. Trời lạnh khủng khiếp. Một đêm thật kinh hoàng! Người tình của cha vừa đi khỏi, cha ăn tối một mình trong căn phòng nhỏ và bước khẽ vào phòng thằng bé đang ngủ.
      Cha ngồi xuống chiếc ghế bành trước lò sưởi. Gió thổi làm những cánh cửa kêu lách cách, một cơn gió khô, lạnh buốt, xuyên qua khung cửa sổ, cha nhìn thấy những vì sao đang toả ra thứ ánh sáng sắc lạnh như thường thấy những đêm băng giá.
      Rồi cái ý nghĩ đã từng ám ảnh cha từ một tháng nay lại thấm vào đầu cha. Ngay khi cha ngồi im, nó trở lại, nhập vào người cha, gặm nhấm cha. Nó gặm nhấm cha như những ý niệm đã định hình, như những ung nhọt gặm nhấm da thịt. Cha thấy như nó cứ ở đó, trong đầu cha, trong tim cha, trong toàn thân thể cha, và nó nuốt chửng cha như một con thú dữ.
     Cha muốn xua đuổi nó, đẩy lùi nó, muốn mở tâm trí mình ra với những thứ khác, những hy vọng mới, như người ta mở cửa sổ đón gió mát ban mai để xua đi  không khí ô nhiễm đêm khuya. Nhưng cha không thể nào xua nó ra khỏi đầu óc dù chỉ trong một giây. Cha không biết giải thích sự dày vò này ra sao. Nó gặm nhấm tâm hồn cha, cha cảm được từng vết răng của nó với sự đau đớn ghê người, cả thể xác lẫn tinh thần.
      Đời cha thế là tàn rồi! Làm sao thoát khỏi tình thế này? Làm sao có thể rút lui, làm sao thú tội?
      Và cha đã yêu người phụ nữ sau này là mẹ các con bằng một niềm đam mê dữ dội và càng tệ hại hơn bởi điều chướng ngại không thể vượt qua này.
      Một cơn giận khủng khiếp đang bừng dậy, bóp nghẹt cổ họng cha, cơn giận  dần dần gần sự điên loạn! Đúng vậy, tối hôm đó cha đã điên loạn.
      Đứa bé đang ngủ. Cha đứng nhìn nó ngủ. Chính nó, cái đồ trẻ ranh này, cái đồ quái quỷ này, cái đồ không ra gì này, đã buộc cha lâm vào cảnh bất hạnh không thoát được.
      Nó đang ngủ, miệng há ra, người bọc trong lớp chăn mền, nằm trong nôi, cạnh giường của cha, còn cha thì không sao chợp mắt được!
      Làm sao cha đã thực hiện được điều cha đã làm? Sao cha biết được? Sức lực nào đã thúc đẩy cha? Thế lực xấu xa nào đã chế ngự cha? Chao ôi! Sự cám dỗ gây tội ác đã đến với cha mà cha nào thấy được báo trước. Cha chỉ còn nhớ là tim cha đập dữ dội. Tim đập mạnh đến nỗi cha nghe thấy được, như ta nghe tiếng búa đập sau bức vách. Cha chỉ nhớ có thế. Tim cha đập loạn xạ.
      Trong đầu cha là một sự hỗn loạn lạ kỳ, một sự xáo động, một sự lạc hướng khỏi lý trí, khỏi bình tâm. Cha đang ở vào một trong những giờ phút hoang mang đầy ảo giác, khi con người không còn ý thức về hành động cũng không điều khiển được ý muốn của mình.
      Cha nhẹ nhàng kéo mấy cái mền che cơ thể đứa bé ra, ném chúng phía dưới nôi, và cha thấy nó trần truồng hoàn toàn. Nó vẫn không thức giấc. Rồi cha bỏ đi ra phía cửa sổ, thật khẽ, thật khẽ, và mở cửa sổ ra.
      Một làn khí lạnh len vào phòng như tên sát thủ, lạnh đến nỗi cha phải lùi lại, hai ngọn nến chập chờn. Và cha vẫn đứng cạnh cửa sổ, không dám quay lại như thể để khỏi nhìn thấy những gì xảy ra sau lưng, nhưng cha vẫn cảm thấy cái khí lạnh chết chóc đó không ngừng lướt qua trán, qua má, qua hai bàn tay cha. Cha đứng vậy một lúc lâu.
      Cha không nghĩ gì, không suy tư việc gì. Bỗng nhiên có một tiếng ho nhỏ khiến cha sợ hãi rùng mình từ chân đến đầu, cơn rùng mình mà giờ đây cha vẫn còn cảm thấy đến tận chân tóc. Và bằng một động tác hoảng loạn, cha đột ngột đóng hai cánh cửa sổ lại và quay lui, chạy đến bên nôi.
      Đứa bé vẫn ngủ, miệng há ra, hoàn toàn trần truồng. Cha sờ hai chân nó, chân lạnh ngắt, cha đắp chân lại.
      Trái tim cha bỗng dịu lại, đau đớn, ngập tràn lòng trắc ẩn, dịu dàng, yêu thương dành cho sinh linh ngây thơ tội nghiệp mà cha đã muốn giết đi. Cha hôn trên mái tóc mịn màng của nó thật lâu, rồi cha đến ngồi trước lò sưởi.
      Cha ngẫm nghĩ với sự kinh ngạc và khiếp sợ về những gì cha vừa làm, tự hỏi những cơn bão lòng này từ đâu tới, khiến con người mất hết khái niệm về sự việc, mất hết khả năng điều khiển bản thân, để hành động trong một cơn say điên cuồng, không biết mình đang làm gì, không biết mình đang đi đâu, như con thuyền trong bão tố.
      Đứa bé còn ho lần nữa, và cha cảm thấy nát cả cõi lòng. Lẽ nào nó chết! Ôi! Chúa ôi! Chúa ôi! Cha sẽ ra sao đây?
      Cha đứng dậy đến bên đứa bé, cầm ngọn nến trong tay, cha cúi xuống nhìn nó,  thấy nó vẫn thở ổn cha cố trấn an, khi nó ho lần thứ ba. Và cha cảm thấy choáng váng, cha phải lùi ra sau, như khi xáo động nhìn một cảnh tượng hãi hùng nào đó, đến mức đánh rơi cả ngọn nến.
      Nhặt nến lên đứng dậy, cha nhận ra là thái dương ướt đẫm mồ hôi, thứ mồ hôi vừa nóng hổi vừa lạnh giá, toát ra do những khắc khoải của tâm hồn, chừng như từ một nỗi đau tinh thần, nỗi dày vò không gọi tên được, quả thực là vừa nóng rực như lửa, lại vừa lạnh như băng, nó thoát ra từ xương từ da của sọ não.
      Và từ lúc đó cho đến rạng sáng, cha cứ cúi xuống con trai, yên tâm khi đứa bé yên lặng được lâu và lòng nát tan khi một cơn ho yếu ớt thoát ra khỏi miệng nó.
      Đứa bé tỉnh dậy, mắt đỏ, họng nghẽn, có vẻ đau đớn.
      Khi người làm phòng đến, cha bảo bà mời bác sĩ ngay. Một tiếng sau bác sĩ đến khám cho đứa nhỏ rồi ông hỏi:
      - Nó không bị nhiễm lạnh chứ?
      Cha bắt đầu run, như kiểu người già yếu, cha ấp úng:
      - À không, tôi không nghĩ vậy.
      Rồi cha hỏi:
      - Chuyện thế nào? Có trầm trọng không?
      Bác sĩ đáp:
      - Tôi vẫn chưa biết được. Tối nay tôi trở lại.
      Bác sĩ đến lại vào buổi tối. Gần như suốt cả ngày con trai cha cứ mê man uể oải, và một chốc lại ho. Đến tối thì cơn viêm phổi bắt đầu.
      Chuyện đó kéo dài mười ngày. Cha không thể diễn tả được những gì cha phải chịu đựng trong những giờ phút dài vô tận đó, hết sáng lại tối, hết tối lại sáng.
      Rồi đứa bé chết.
      Và kể từ... kể từ giờ khắc đó, cha không còn có một giờ nào, không còn một giờ nào, mà cái hồi ức ác độc, cay đắng đó gặm nhấm, dày vò tâm trí cha không sống dậy trong cha như một con thú hung dữ bị nhốt dưới đáy tâm hồn cha. Ôi! Giá mà cha có thể phát điên được!
      Ông Poirel de la Voulte nhấc kính lên với một động tác quen thuộc khi ông đọc xong một văn kiện, và ba người thừa kế nhìn nhau, tái nhợt, bất động, không nói lời nào.
      Một phút sau, ông công chứng viên tiếp tục:
      - Phải tiêu huỷ cái này thôi.
      Hai người kia cúi đầu, tỏ dấu hiệu đồng ý. Ông công chứng viên thắp một ngọn nến, cẩn thận tách rời những trang chứa lời thú tội nguy hiểm khỏi những trang nói đến việc phân chia tài sản, rồi ông ta cho chúng lên ngọn nến và ném vào lò sưởi.
      Họ nhìn những tờ giấy trắng đang cháy. Một lát sau chúng chỉ còn là những mảnh vụn đen. Và khi thấy vẫn còn vài chữ đọc được trên mẩu giấy trắng, người con gái lấy mũi giày dẫm lên những phần cháy dở, đẩy nó lẫn vào đám tro cũ.
      Rồi cả ba đứng nhìn một lúc nữa, như sợ điều bí mật đã bị đốt cháy còn có thể thoát ra khỏi lò sưởi.
  
THÂN TRỌNG SƠN
dịch từ nguyên tác
La confession / 10 novembre 1884
Guy de Maupassant