Thursday, June 1, 2017

297. VĂN HỌC MIỀN NAM 1954-1975 - HUỲNH ÁI TÔNG sưu tầm và giới thiệu NHÀ THƠ THÀNH TÔN





Thành Tôn tên thật là Lê Thành Tôn sinh ngày 09 tháng 9 năm 1943 tại xã Lộc Phước, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, con ông Lê Mẫn và bà Nguyễn Thị Cưu. Thành Tôn sống tại quê nhà qua hết cấp tiểu học tại gia rồi vào trung học Trần Cao Vân, Tam Kỳ.

Năm 1960, Thành Tôn trở lại Hội An, theo học tại trường Trần Quý Cáp, trong hai niên khóa đệ tam và đệ  nhị.

Năm 1962, Thành Tôn đến Đà Nẵng học năm đệ nhất tại trường Phan Châu Trinh, cuối năm học Thành Tôn đỗ tú tài toàn phần. Vì hoàn cảnh gia đình nên vừa học Văn Khoa Huế vừa dạy giờ tại các trường tư thục Phan Thanh Giản, Thánh Vinh Sơn (một chi nhánh của trường trung học Sao Mai, tại An Hải). Cùng lúc này Thành Tôn ghi danh học hàm thụ môn triết tại Đại học Đà Lạt.

Năm 1966, Thành Tôn thành hôn cùng chị Phan Thị Trinh là công chức  Thuế Vụ Đà Nẵng.

Năm 1967, Thành Tôn thi hành lệnh động viên, nhập ngũ theo học khóa 25 trường Bộ binh Thủ Đức.

Sau khi mãn khóa ra trường Thành Tôn được phân bổ về Tiểu Khu Quảng Tín, nơi đây được chọn làm chánh văn phòng (bí thư) cho hai đời Tỉnh trưởng Quảng Tín (Quảng Nam): Đại tá Hoàng Đình Thọ, và Đại tá Đào Mộng Xuân. Sau đó anh được chuyển về phòng Tâm Lý Chiến, giữ chức Trưởng phòng cho đến cuối tháng 3 năm 1975.

Thành Tôn đã làm thơ khi còn đi học và đã có thơ đăng trên Bách Khoa, tiếp theo là Văn Học, Văn, Vấn Ðề, Khởi Hành, Nghệ Thuật, Sóng Văn, Quảng Ðà. Năm 1969, tập thơ đầu tay Thắp Tình của ông ra đời.

Sau 30 tháng 4 năm 1975, ông bị đi cải tạo ở tận miền Bắc.

Năm 1997, Thành Tôn cùng gia đình được đi định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO và ông chọn cư ngụ tại nam California.

Tác phẩm:

- Thắp Tình (Ngưỡng Cửa, 1969)

(Bản tiểu sử trên đây khá đầy đủ và chính xác vì trước khi post bài này chúng tôi có liên lạc trực tiếp với nhà thơ Thành Tôn để sửa chữa và bổ sung. PCH - June 1, 2017)


Nhà thơ Thành Tôn - Ảnh Lưu Na (2012)


TRÍCH THƠ

        
NÓI VỚI CON GÁI

1.
Con thức dậy cùng con chim sẻ non hé mồm trên mái hiên
Con nhện rề rà chăng lưới dưới chiếc nôi đung đưa
Bóng tối thẹn thùng dấu mặt
Nước đái con tinh khiết chan hòa


Con thức dậy cùng lúc con mèo thì thầm cùng con chuột nhắt
Con chó con đùa bỡn với chiếc đũa bếp
Bà nội đang vo nước gạo trong xanh vào lòng thau trắng
Mẹ nhóm đốm lửa hồng cho một ngày rực rỡ.
         
2.
Con thức dậy với đôi mắt dịu dàng của tuổi thơ cha không có
Đôi má mũm mĩm của ấu thời mẹ đánh rơi
đôi môi hồng hào ngọt dịu của thiên thần bỏ quên đêm hợp cẩn


đôi tay hào hoa vẽ vào chân không vùng trời ảo tưởng
đôi chân son thì thào gió sớm
Con thức dậy và nằm đó cùng mặt trời
Con hãy khóc lên cùng với ngày rạng rỡ
Con hãy cười cùng ánh sáng ngụy hình
hãy khóc, hãy cười cùng bà, cùng mẹ đi con.
           
3.
Cha cũng thức dậy trên chiếc giường đung đưa của bệnh xá
Trong khi những người bạn chuyền tay cây súng lạnh vọng canh ngoài
Đúng lúc tiếng súng ì ầm cùng với đất
Cha thức dậy cùng quê hương ta chan hòa máu đỏ.
         
4.
Con thức dậy cùng cha
Thức dậy cùng cha
Thức dậy để quê hương ta cùng thức.


HỒI ÂM

Ngày anh đi, tôi vẫn còn bé dại
chỉ biết cười thôi, dù buổi chia ly
nhưng vẫn nhớ, khi thuyền nan quay lái
dòng sông xanh dậy sóng tiễn người đi

anh say hải hồ, tôi mê học hỏi
tình cảm chúng mình nào đã...tàn phai
lời tiếc thương anh nhắn về thăm hỏi
bắt trí tôi ôn lại tháng năm dài

ừ nhỉ, ngày xưa , cái gì lưu luyến
dòng sông xanh. Trăng thắm. Lũy tre làng
bến nước đò ngoan, núi chờ mây quyện
pháo đỏ, rượu nồng...Giỗ, Tết xênh xang

tất cả ngày xưa , chừ là kỷ niệm
bến Trâu Dầm, cầu Bà Đội...tang thương !
vì bởi thời gian một lòng quyết chiếm
cả chúng mình, cả bướm, cả chim muông

nào Bích, nào Ngân, nào Hà, nào Tố
đã không còn vết tích của ngày xanh
mà lại Ngọc Bích, Thu Hà...rất ngộ
đang bôn ba trên mấy nẻo kinh thành

và những Đào tong, Thi gầy, Hải móm
cũng lên đường dẹp loạn giữ quê hương
như anh biết tre tàn măng sẽ nhóm 
câu hát : à ơi...vẫn quyện trong sương

chưa rượu tao phùng đã nhiều ngây ngất
khi ngày xưa sống dậy ở trong tôi 
tiếng hát ru con, ru tình thứ nhất 
tiếng quê hương hay tiếng nói cuộc đời

tôi phục tài anh, ngày xưa, còn nhớ
và mối tình gắn bó với quê làng 
muốn ngỏ đôi lời, nhưng sao vẫn ngại
anh có buồn khi người ấy sang ngang?


MIỀN CƯ NGỤ

1.
bước chân đuổi theo cùng ngày tháng
con đường vòng không dẫn đến đâu
muốn soi mặt mình gương đã rạn
tôi trở về tôi như vực sâu


tôi thỏa thuận xác thân miền cư ngụ
nhận sống đời như chuyện đã đành
cha mẹ anh em cùng ngôn ngữ
trao đổi nhau như dĩ nhiên

2.
kể từ đó đứng ngồi cho phải phép
vô lẽ nằm khi thiên hạ đi


cũng có lúc tưởng mình lộn kiếp
nhìn tay chân mặt mũi nghĩ hơi kỳ


đặt câu hỏi cho từng người đã gặp
nhưng lạ thay , bị từ chối cảm thông
nên trở về tôi thằng lạ mặt
trở về tôi cùng một chiếc gông


làm kẻ lưu vong trên thân xác
có đứng đi đâu ý định riêng


phải sống là đầu hàng cái chết
sao tranh giành nhau một miếng ăn

3.
bây giờ tôi như kẻ tử thương
nén cái nhìn tật nguyền lên thân thể
tay có cụt tôi ôm em bằng môi
chân có què tôi đi bằng hai vế


đến trăm tuổi đời, tôi ngã xuống
sống đã khôn thì thác phải thiêng
thôi gỉã từ anh em nó về đất


tôi rời tôi như một chiếc tên 


CUỘC ĐUỔI BẮT

Tôi chóng mặt đi theo chiều trôn ốc
Va vào đâu dội lại số phận buồn
Tay thủ thế lăn từng vòng ảo tưởng
Mặt mày tôi lem luốc nỗi bi thương

Thử đứng lại nhưng dòng sông vẫn chảy
Tôi buông tôi theo triều lũ xa bờ
Mặt xây xẩm tay ngoằn ngoèo mất dạy
Ðấm đá tôi và cấu xé thơ

Tôi xa lạ như tháng ngày cuốn hút
Tách khỏi tôi và đứng lại nhìn
Mặt vuông vức, tóc đen niềm cốt nhục
Ðá vào tôi con vụ đảo điên

Tôi lấy trớn để thăng bằng lại
Nhưng quẩn quanh sơ ý vấp luôn luôn
Trò chơi cũ không gây thêm hào hứng
Tôi ngọt ngào như vết thương

Ðể kiếm sống kéo lê đời ảo thuật
Khán giả ngoài la ó xua tay
Tôi xa lạ ngắm xem từng khuôn mặt
Chợt hiểu rồi tôi nhảy múa lăn quay

Trò giải trí từng ấy năm cương lại
Ði vòng vòng theo lịch sử xem
Khi đã giáp mặt mình gương cũng vỡ
Tôi vô cùng như bóng đêm.


RANH GIỚI

Vui riêng, cười lẻ, khóc thầm
đời sao sống vậy hồi âm cõi nào
vô ra nhạt bóng lao đao
co thân thủ thế trông vào những đâu

nhện buồn chỉ đó canh thâu
lưới chăng hồn dựng mắt sầu nhặt thưa
tới lui chân lạc tay thừa
mẹ cha cũng vậy nên chưa hiểu giùm

xuống lên trời tận đất cùng
anh em ngày một muôn trùng cách xa
máu hồng mạch sẻ lần qua
bàn chân vỉa phố một ta kẻ chờ

dây dưa chắp nẻo ơ thờ
ngọn đèn chứng giám cũng mờ bóng quen
sống không tiếng động thân hèn
lại qua cũng vậy chi bằng thu thân

đi, về bóng lạ bàn chân
dòng sông nghiệp dĩ tiếp dần biển khơi
quanh co nghĩ rộng đất trời
cái tôi hiện hữu một thời vong nô

khép dần cánh cửa hư vô
thân chưa nhập thế cơ hồ cách xa


CUỐI CUỘC KIẾM TÌM

Tôi rảo bước trên sợi giây ngờ vực
nhưng lạ thay vẫn giữ được thăng bằng
tôi giả lả với tôi từng uẩn khúc
tra hỏi mình phải sống đây chăng

nó đã đến trú nơi tôi từng bữa
và tò mò lục lạo nỗi ưu tư
tôi nhẵn túi có gì đâu đời sống
tóc đã thưa dần râu đã hư

tôi rờ khắp châu thân rồi tự hỏi
có tay chân mặt mũi cũng tình cờ
ở trong đó âm thầm vang tiếng gõ
và máu hồng chắc cũng hư vô

tôi tra gạn tôi như cuộc chiến
không lý do trên số phận con người
sống lẩn lút để thấy mình hiển hiện
mãi rồi quen nghĩ cũng vui

khi bắt gặp tôi thấy mình ủy mị
thân cong vòng uốn dấu hỏi bâng quơ
gương trước mặt vô tình không tráng thủy
nên lập lờ tôi nỗi hư vô


THUYẾT GIÁO

1.
Trên mỗi tấm thân xem đã nặng
hai vai sầu đeo nhánh tử sinh
bởi có mặt anh tôi hiện diện
nhưng mỗi chúng ta là cõi riêng

sống không là cõi phúc
chết đâu nỗi cực thân
đứng đi như trò bấm nút
không là nhau nhưng chấp nhận chung

cần có mặt nhau như tấm kiếng
sao hóa trang thêm những râu
khi mở mắt biết mình sẽ nhắm
tranh giành chi nỗi thiệt hơn

2.
Đời chưa đủ giả dối
sao còn đeo mặt nạ chung thân
sống là thu vào trong chiếc vỏ
ta vẫy vùng cho nó lăn

làm người không lựa chọn
diệt sinh đâu là chuyện tiên thiên
mỗi chúng ta còn đeo thêm chiếc bóng
dãn co và lẩn quẩn trong chân

không là anh nếu tôi vắng mặt
sống là soi vào nhau
đừng sắp chúng ta thành công cụ
đã đành là động vật như ai

hãy cúi xuống gõ bốn chân như ngựa
hãy đứng lên từng bước như đười ươi
cử động đó đâu là ta có phải
bởi sống đời không luận suy

3.
Tôi bắt tay anh chắc gì thân thiện
nhưng đâu thù nghịch nhau
sống là dửng dưng xoay hai mặt
sấp ngửa gì cũng chung 

      
KẺ ĐÀO NGŨ

Buổi sáng soi gương và đội mũ
Lòng đã hồ nghi khuôn mặt quen
Dấu vết riêng nào trên nhân dạng
Ðã hằng hằng không tuổi tên

Chân bước ra đường luôn chạm mặt
Những bàng hoàng trên nhan diện ai
Sống nửa đời người chưa dám chắc
Chân dung ta trung thực bao phần

Nên nhiều lúc tâm thần chấn động
Một kẻ nào ẩn dạng, âm mưu
Hắn tà giáo hay giòng chính thống
Mặt đầm đầm đường nét hư vô

Những dội đập ngày đêm bấn loạn
Trán phẳng phiu dậy sóng muộn phiền
Thân chống bộ xương ròn hữu hạn
Hồn mang ảo giác kẻ tham thiền

Ngực sống đã mơ hồ nhịp đập
Tim trong tay kẻ lạ âm thầm
Cõi nào phân chia miền tranh chấp
Thân vô cùng ràn rụa mối thương tâm

Ta bắt gặp ngoài ta hình bóng
Những đường quen nét thuộc nghi ngờ
Kẻ đào ngũ lầm lì, ngập ngọng
Nhàn nhạt trong cơ thể hồ đồ

Kẻ đào ngũ, chính ta trong hắn
Ngực cơ hồ đập nhịp ai xa 
                            

NIỀM RIÊNG

Ngắm ta dị tướng kỳ hình
Ngay thân thất lạc cong mình bơ vơ

Trăm năm xê dịch hằng giờ
Tình thâm nhòa nhạt từng tờ lá bay

Ngoài tầm mắt thịt, vòng tay
Sáng ra phiến trán đã dày vết nhăn

Gương soi mặt nọ thường hằng
Ta trong ý kẻ đôi đằng loanh quanh

Máu nào trăm sợi phân ranh
Bóng chao tượng động hồn nhanh xác rù

Cuộc ta, một cõi biên khu
Thác thiêng ảo giác sống ngu đời đời

Khoanh tay chịu tiếng ngậm lời
Phàm thân linh thể đất trời hư không 
                                   

KẺ LÃNG TỬ

Quán trưa ghế một ta ngồi
Ly bia cũng nhạt cảnh đời tiêu sơ
Vào ra quen mặt nghi ngờ
Vòng quay đã lặp đĩa mờ âm thanh

Buồn buồn thổi khói lên nhanh
Mờ hơi ẩm quán lạnh tanh hồn người

Ngoài trời vồi vội mưa rơi
Phố quen nhàn nhạt cảnh đời bay bay
Co ro hồn tỉnh chân say
Thân ta ướt át quên ngày nồng cơn

Nhớ em trăm sợi chờn vờn
Nhạc hâm nóng máu dập dờn da gai

Bia lưng. Ghế nóng. Mưa mài
Quanh ta cảnh tượng nhạt phai tình người
Ngồi đây trông thật thảnh thơi
Tủy xương dậm dật trăm lời nôn nao

Cảnh ta, kẻ lạ trông vào
Dài đuôi mắt liếc đủ xao dòng tình 


NÓI VỚI CÔ BÉ NGỒI QUÁN

Tặng các bạn hội quán: Đán, Lân, Danh

Vào đây, ghế quạnh, khuya người
Quán như địa phủ, nhạc đời nhân gian
Quầy trơ, mắt biếc ngỡ ngàng
Thuyền ai đổ bến, lòng nàng bâng khuâng


Hồn ta trải gió đầy sân
Tình ta, mây cũng mấy lần thu nao 


Vào đây bàn nhẵn, câu chào
Quen như thân thể, lạ nào chén ly
Đời nhau, khói thuốc quên đi
Bên tai cổ nhạc lầm lỳ canh tân 


Trên kia dáng bé tần ngần
Lời yêu chậm nói, tình gần tay trao


Vào đây đèn đủ hanh hao
Bóng ai theo đến kẻ nào quay lui
Cúi đời trên chén ly, khuya
Mắt nhau một hướng, tình chia mấy trùng


Ngồi thầm, góc quán mông lung
Xa nghe lời kẻ, gần chùng dáng ai 


Vào đây nhạc đĩa đầy vai
Vòng quay nhịp lặp, kim mài giọng quen
Mòn hao sợi tóc trăm năm
Khuya, mưng máu chậm. Tình, bầm tim mau 


Ngậm lòng, quán vắng, ơn nhau
Ly trơ ghế nóng, bé chau mắt nhìn


Vào đây như một đức tin
Khói tan đốm thuốc, đời vin tay nào
Miệng cười kín nụ lao đao
Tình chia nghĩa sớt, câu chào riêng ai


Trách gì ý lỡ, lời sai
Cho nhau góc quán đêm dài dung thân 


Thôi em trả đó tình gần
Ta xin bóng chiếc, đời cần nhau, đâu?
Vào đây, ghế quạnh, khuya nhàu
Tình như cổ tích đời sau kể thầm.

Luân Hoán viết về Thành Tôn:

Những bài thơ đã xuất hiện ở các tạp chí Văn Học, Hợp Lưu, Văn...và các đặc san Quảng Nam Đà Nẵng chắc chắn cũng sẽ được tập họp, gióng hàng ngay thẳng dưới một tên gọi rất Thành Tôn, ông bạn đã Thắp Tình lên để đi Thuyết Giáo cái đạo tình thương yêu, nhân bản của đời thường.

Nguồn tham khảo:

- damau.org
- luanhoan.net
- xuquang.com