CHA CON
Hannah LinhGiang VõĐình
Trần
thị LaiHồng chuyển ngữ
(Trích
Giã Từ Võ Đình)
Một số quý vị có thể không biết nhiều vế thân phụ tôi,
nên tôi xin nói ngắn gọn về cuộc đời và những thành quả sáng tác ông để lại. Không thể nói đến cha tôi mà không nhắc nhở
về việc làm của ông, bởi đối với ông, cuộc đời và nghệ thuật đan kết chặt chẽ
nhau.
Xin tóm lược chút tiểu sử: Thân phụ tôi ra đời năm 1933 tại Huế, Việt
Nam. Những tác phẩm khắc gỗ - mộc bản -
và tranh vẽ của ông từng được trưng bày khắp Á châu, Âu châu, Canada và Hoa Kỳ,
với trên 50 cuộc triển lãm cá nhân. Là
một nhà văn, một dịch giả và minh họa, ông có trên 40 tác phẩm. Thân phụ tôi và thân mẫu tôi cùng được giải
Christopher Award về cuốn First Snow,
bà viết và ông minh họa. Ông còn được
giải Literature Program Fellowship, của National Endowment for the Art.
Dầu thành công trong văn học nghệ thuật, thân phụ tôi
chẳng bao giờ giàu và cũng chẳng bao giờ cố làm giàu. Vừa đặt chân đến Mỹ, ông đặt cao giá trị tự
do. Ông biết rằng phóng theo đà ham lợi
bừa bãi có thể ảnh hưởng nguy hại đến tinh thần nghệ thuật.. Trong thời chiến tranh Việt Nam, phòng triển
lãm nơi ông trưng bày tranh khuyên ông nên vẽ những đề tài chiều theo thị hiếu
quần chúng để dễ bán: trẻ con vui chơi,
phong cảnh thôn dã… vân vân. Nhưng cha
tôi đã tuyên bố quyền của ông là diễn tả thẳng thừng những tàn phá của cuộc
chiến, vì ông biết rõ màu sắc đường nét hội họa của ông là phương tiện, là vũ
khí, có thể gây chấn động, biến dạng và khích lệ được sự thay đổi. Hậu quả là ông rời bỏ nơi hằng triển lãm lâu
nay mặc dầu gia đình chúng tôi hồi đó hoàn toàn sống nhờ vào tiền tranh bán
được tại đó.
Đối với ông, vẽ là mục tiêu thiêng liêng ông hằng theo
đuổi cần được bảo toàn, thoát hẳn những tác dụng nhơ bẩn thương mại vụ lợi cùng
chế độ kiểm duyệt của chính quyền.
Chị tôi – Katherine Phượng Nam - và tôi may mắn trưởng
thành trong lối sống đơn giản. Bất cứ ai
gặp cha tôi dẫu chỉ vài phút đều thấy rõ ông dị ứng với những kiểu xe cầu kỳ,
nhà cao cửa rộng và những thứ vật dụng tân kỳ.
Ông thường nhắc nhở với chúng tôi lời Bà Nội: “ Tạo ra bao nhiêu thì phiền não
bấy nhiêu.” Khi cần thứ gì, ông tự
tay làm lấy, nếu không làm được thì đối đế lắm phải chạy đi mua. Có thứ gì hư hỏng, ông sửa lại hoặc chế thành
thứ khác có thể dùng được. Trong lúc đó, ông không bủn xỉn; ông rất rộng lượng
với bạn bè và gia đình, và ngay với số thu nhập bán tranh rất khiêm nhượng ông
cũng vẫn thu vén gửi tiền về giúp gia đình ở Việt Nam.
Cuộc sống biệt xứ xa cha mẹ và quê hương là nguồn đau
đớn thâm sâu trong đời ông. Những kỷ
niệm thời thơ ấu của tôi là hình ảnh cha tôi khóc nức nở trên những bức thư đến
từ Việt nam, khi ông diễn dịch ra tiếng Anh cho chúng tôi thấu hiểu.
Cha tôi đã chịu đựng những thử thách giữa hai nền văn
hóa Mỹ Việt, một đàng ráng bảo tồn thuần phong mỹ tục Việt Nam và một đàng phải
nuôi dạy con cái mang hai dòng máu sinh trưởng trên đất Mỹ. Đây là lãnh vực không hề có tiêu chuẩn ấn
định, và để sống còn, như trong hội họa của ông, ông phải tự tạo thế giới riêng
và ứng xử trong thê giới đó. Ông lập
riêng cấu trúc cuộc sống qua chương trình sinh hoạt hàng ngày, tự chế cách tập
thể dục chẳng cần đồ thiết bị, ông tham thiền, tập yoga, vẽ suốt buổi xế chiều
và buổi tối mải mê viết cho đến khuya lắc khuya lơ.
Nhưng nếu đầu óc cha tôi lơ lửng chín tầng mây, thì
hai chân ông chôn chặt vào đất. Ông đẵn
gỗ, chặt củi, cắt cỏ, chăm sóc vườn rau, và nấu những bữa ăn với món Pháp hay
Việt ngon lành.
Cha tôi lại thích những buổi họp mặt đại gia đình và
là linh hồn của những buổi họp măt đó, liên miên kể chuyện bằng cả tiếng Anh
rồi tiếng Pháp và tiếng Việt. Ông kể
nhiều chuyện lý thú, giải thích tỷ mỷ những liên hệ về lịch sử, nghệ thuật, văn
học và cả triết lý, và thao thao bất tuyệt đọc những đoạn thơ tuôn từ trí nhớ.
Nhưng khi tàn cuộc họp, ánh đèn lần lượt tắt và mọi
người ra về, cha tôi một mình lặng lẽ trong khu vườn vắng vẻ, uống chén trà dưới
ánh trăng rằm dưới bầu trời nước Mỹ, tơ tưởng đến vầng trăng quê hương Việt Nam.
Đó là hình ảnh tôi sẽ nhớ suốt đời về cha tôi.
Hannah Linh Giang
Thiệp Wind Play vẽ Phượng Nam UNICEF 1963 và 1967