Mùa Đông lạnh lẽo
đang qua, nắng ấm mùa Xuân sắp đến, lòng chúng ta ai cũng đang nao nức đón chờ
và hy vọng những điều tốt đẹp nhất sẽ đến trong năm mới. Người nghệ sĩ, vốn dĩ
mang tâm hồn nhạy cảm chính là những người đầu tiên nhận biết được những tín
hiệu của đất trời : văn thi nhạc hoạ tha hồ nắm bắt cảm xúc của mình, từ tiếng
kêu ríu ít của cánh én dặt dìu, đến bóng chiều rớt trên giàn thiên lý, từ cánh hoa
mai vàng đang ướm nụ hoặc chồi đào sắp nở... Và cùng với nụ hoa đào tươi thắm, ông đồ đã trở thành
biểu tượng của mùa xuân.
Vì mỗi khi nhìn sắc thắm hoa đào giữa nắng
xuân, chúng ta không thể không nhắc đến bài thơ Ông đồ của nhà thơ Vũ
Đình Liên.
Ở Việt Nam, nhắc đến Tết, có lẽ không có bài thơ nào được phổ biến rộng rãi như
bài thơ "Ông đồ". Lời thơ mộc mạc và giản dị là sự hoà quyện của hai
nguồn cảm hứng: “Lòng thương người và
tình hoài cổ” (Hoài Thanh).
Mỗi dịp Tết, trước thời
khắc chuyển giao thiêng liêng giữa năm cũ đang tàn và năm mới sắp đến người Việt
xưa thường “xin chữ” viết trên giấy hồng điều, dán trước cửa để gửi gắm những
mong ước, khát vọng của gia đình mình trong năm mới.
Chữ đó là chữ Nho, thứ
chữ tượng hình rất giàu ý nghĩa. Người có hoa tay, có thể viết mà tưởng như đang
vẽ tranh.
Đầu thế kỷ XX, trên
các đường phố Hà Nội thường có những cụ đồ cặm cụi vẽ từng nét chữ trên giấy điều
để bán cho dân Hà Thành vào những ngày trước Tết. Hình ảnh ông đồ già trong chiếc áo the, khăn
xếp và guốc mộc cũ kỹ từ đó đã in sâu vào tâm trí và trở thành biểu tượng cho những mùa xuân cổ
điển. Vũ
Đình Liên đã nắm bắt hình ảnh nên thơ ấy và viết nên bức tranh thơ sinh động:
Trên một góc phố, dưới cánh hoa đào đang phơ phất trong gió xuân vẫn còn se lạnh, có một ông đồ với mái tóc bạc phơ đang bày mực đen và giấy đỏ. Rồi khi khách đến mua, người xem kinh ngạc nhìn thấy ông thầy đồ đang hoá thân thành một nghệ nhân đang vung bút. Tiếng trầm trồ thán phục. Trên giấy đỏ hiện lên những con chữ mà không hẳn là chữ, vì đó là một bức hoạ thần kỳ, đường nét như phượng múa rồng bay.
Nhưng ông đồ đang trải
lên giấy chữ nghĩa của thánh hiền, hay đang trải lòng mình nỗi ngậm ngùi của kẻ
sĩ đang nhìn thời cuộc đổi thay?
Câu hỏi ấy nhắc chúng ta nhớ lại thời kỳ đất nước Việt Nam trải qua những cơn biến động, xã hội đảo lộn, và hệ quả có liên quan đến số phận của ông: sự tàn tạ của nền nho học. Khoa thi cuối cùng của triều Nguyễn đã khép, làm tiêu tan giấc mộng vinh quy của các đệ tử cửa Khổng sân Trình. Biến động ấy dẫn đến sự thất thế của một lớp người mà có thời chúng ta coi như biểu tượng của văn hoá truyền thống.
Người người đổ xô đi
học tiếng Tây. Ông đồ cũng đành từ giã mái trường, từ giã những buổi bình văn,
để chấp nhận cách mưu sinh buồn tủi là ngồi viết thuê dăm ba câu đối. Xưa nay ông
quan niệm chữ nho là thứ chữ thánh hiền và việc học không phải để kiếm sống mà
là để làm người quân tử, để phò vua, giữ nước ... thế nhưng trong thời buổi suy
tàn, ông phải đi bán chữ. Chữ nghĩa cao quý ngày nào giờ trở thành một món hàng đem ra chưng
trên vỉa hè đường phố … làm sao lòng ông không khỏi xót xa cho ánh hào quang
rực rỡ một thời.
Trong nỗi xót xa của
người buộc phải làm điều bất đắc dĩ, những tấm tắc ngợi khen của khách qua đường
âu cũng an ủi được phần nào nỗi niềm của kẻ sinh bất phùng thời.
Nhưng rồi chút an ủi
nhỏ nhoi ấy cũng không còn. Ông đồ cảm nhận số khách hàng mỗi năm mỗi vắng. Không
còn ai cần, không còn ai hay là ông vẫn
ngồi đấy cô đơn, lạc lõng giữa vệ đường. Màu sắc cũng phôi pha. Giấy cũng không
còn thắm, bẻn lẽn nằm bên đĩa mực đã khô với những xác lá vàng.
Hình bóng lẻ loi, cô độc của ông đồ giống
như một nỗ lực cuối cùng, đang cô đơn chống chọi trong vô vọng... cố níu giữ
một thời vàng son trên nét bút giữa dòng đời hối hả. “Lá vàng rơi trên giấy”
gợi trong lòng khách yêu thơ một không gian thấm đượm nỗi buồn, đang quấn lấy
số phận hẩm hiu của ông đồ trước khi tàn tạ. Tiếng gõ nhịp thời gian càng khắc
khoải với câu hỏi :“Người thuê viết nay đâu?” Hờ hững rồi lãng quên.
Xung quanh ông chỉ
là khoảng trống...
Xuôi dòng thời gian, mọi thứ lui vào dĩ vãng và để lại cho
chúng ta bao nỗi niềm tiếc nuối. Trong số đó có hình ảnh ông đồ một thời vang
bóng. Và bài thơ của Vũ Đình Liên là một hoài niệm day dứt, thương cảm cho một
giá trị tinh thần sắp tàn, man mác nỗi lòng hoài cổ.
Mỗi độ xuân sang, đọc lại bài thơ, chúng ta
không khỏi cảm thấy như trước mắt mình vẫn còn có bàn tay của ông đồ đang phóng bút. Cánh tay ông đưa đẩy, cổ tay ông cầm
chiếc bút lông uốn lượn, rồi từng nét chữ
còn tươi màu mực dần dần hiện ra mềm mại như “rồng, phượng” trên tờ giấy hồng
điều đỏ thắm. Dường như trong phút xuất thần ấy ông đồ đang bặm môi, gửi gắm tất
cả lý tưởng và khát vọng của mình lên từng nét chữ và nỗi niềm đã và đang làm
con chữ sống dậy. Bài thơ của Vũ Đình Liên như muốn níu kéo thời gian lùi lại, đưa chúng ta trở
về không gian cổ, để cùng tưởng nhớ thời vàng son của những đệ tử “cửa
Khổng sân Trình”.
Trương Văn Dân
Ông đồ
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua.
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua.
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
“Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay”.
Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm;
Mực đọng trong nghiên sầu...
Ông đồ vẫn ngồi đấy,
Qua đường không ai hay.
Lá vàng rơi trên giấy;
Ngoài giời mưa bụi bay.
Năm nay đào lại nở,
Không thấy ông đồ xưa.
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ ?