Monday, February 3, 2014

35. NGUYỄN TRÍ Truyện ngắn Mạt cưa, rượu trắng, đường vàng




NGUYỄN TRÍ

Mạt cưa, rượu trắng, đường vàng


Đốt trấu và mạt cưa thì may ra còn có tí lời. Còn củi thì chỏng gọng.Vậy mà không hiểu sao, cái lò của Mai ngốn trấu và mạt cưa không khác Tây uống bia. Mai đã dày công xây, đắp, sửa chữa… làm không khác chi Tư Rừng xây lò cho Tạo. Tư Rừng cũng không dấu, còn tỉ mỉ từng li một:
 -Cái nồi của mày đường kính sáu mươi, vậy đường kính đáy lò phải là…chiều dài là… miệng lò bỏ tấm vĩ bốn mươi, trấu hay mạt cưa đổ lên tự động lọt kẻ mà xuống…
--Sao chú không xây bằng xi măng mà xây bằng đất?
 -Xi măng bị lửa đốt cháy lò sẽ sụm, đất sét thì không bao giờ. Xây xong tụi bây nhớ lấy tro hòa với nước cho tan rồi hồ lên thân lò như hồ dầu sau khi tô tường nhà, đảm bảo  không nứt, hiểu chưa?

Thì Mai cũng y khuông. Gạch ống, đất sét, kích cỡ. Vậy mà lò của Tạo rất đằm thắm vụ lửa củi, rượu ra chừng mực. Cái quan trọng của sự chừng mực trong kỹ thuật nấu rượu là độ cồn. Cao quá là không tốt, thấp cũng không xong. Cứ năm mươi lăm độ cho lít rượu đầu là tốt nhất, những lít về sau, không quan trọng. Từ đó pha chế sao cho mười kí gạo tấm ra mười một lít ba mươi độ, ngày đêm cho ra năm đến sáu mươi lít thì may ra có tí đỉnh lời, thêm cái hèm nuôi heo. Kể ra cũng chật vật chứ không ngon lành gì. Nhưng thời buổi kinh tế khó khăn ở trong mát kiếm cơm vậy cũng tương đối gọi là. Muốn kiếm thêm, phải cậy qua chất đốt là trấu và mạt cưa, xứ nầy mạt ở mấy nhà máy cưa thiếu điều cho không, còn trấu cũng tương tự vậy. Chủ yếu kỉ thuật xây lò. Lò của Mai khi thì hổn như gấu ngựa khi thì lì lì không bốc. Điều đó đã làm Mai mất dần những mối hàng. Tạo – bạn thân – người đã học từ Mai nghề nấu rượu đã ra tay để những mối hàng ruột không bỏ đi nơi khác. Vợ Tạo than:
-Vợ chồng em kham hết nổi rồi đa, hay là anh nhờ chú Tư Rừng thử xem.

Đành vậy. Mai muối mặt đến Tư Rừng. Nói muối cũng hơi quá, thực ra chỉ quê tí. Với bản tính tự phụ cố hữu, Mai tuyên bố với anh em rằng:
-Đắp cái lò thì có gì khó mà nhờ ông Tư. Ổng làm được tao làm được.

Ngon vậy mà bây giờ vấn kế thì quê độ, nhưng làm lại lò củi thì mệt cho bà xã, mình vào rừng ăn cắp củi thì đối diện với Kiểm Lâm. Củi hay cây gì bắt tuốt, khô thì để cho mục làm phân cho rừng. Để tránh tình trạng bị tịch thu xe, thêm cái tự kiểm (Có thể bị nhốt không biết chừng). Mai phải đến Tư Rừng:
-Đâu mậy? – Tư Rừng hỏi.
-Con đến nhờ chú coi dùm con cái lò.
-Khi thì cháy dữ dội, khi thì lì lì phải không?
-Sao chú biết hay vậy?
-Mày muốn tao tới coi hay muốn tao chỉ cho rồi về mà làm.
-Con thua rồi, chú đến dùm con cái đi.

Tư Rừng đến. Và cái lò được đập ra xây lại. Lạ thật,  chừng đó kích cỡ, ống khói cũng chuẩn đó. Vậy mà chỉ di chuyển khỏi chỗ cũ một tí, chếch một góc thì mọi sự đâu vào đó. Buổi tối Mai và Tạo đến Tư Rừng trước cám cái ơn, sau thỏa cái tò mò:
-Cái lò mày đắp nó chính Tây, gió khi đến nó thốc vô, ống khói thông nên hút bạo cuồng, củi rừng còn không chịu nổi huống trấu hay mạt cưa. Tao chỉnh lại nó chếnh Tây Nam, gió Tây không vô được hết, nên đằm, hết gió Tây lại Nam nên lúc nào cũng như lúc nào. Xây thì ai xây chẳng được, quan trọng làm lò phải định được hướng gió. Tao ăn đựợc tiền xây lò là nhờ vậy, hiểu không?
-Làm sao định được hả chú? Với lò củi đâu có tình trạng nầy xẩy ra?
-Muốn định phải có kinh nghiệm lâu năm, còn ba cục đá bắt cái nồi thì đâu có bị ảnh hưởng bởi ống khói. Cái lò đắp thì ống khói quan trọng bậc nhất, hút hay trả lửa lại là do nó, may cho mày là không bị lửa trả vô mặt.

Tư Rừng chiêu một ngụm. Mai hỏi:
-Rượu uống được không chú?
-Tàm tạm.
-Cỡ vậy mà tàm tạm à?

Tư Rừng lôi chai ba xị của mình ra:
-Thử cái này xem sao?

Không riêng Mai, cả Tạo cũng chép miệng:
-Tầm Gò Đen Long An à.
-Mày nói tao nghe được.

Từ chú cả hai chuyền tông gọi Tư Rừng bằng sư phụ:
-Sư phụ sử dụng men miền nào, cho đệ tử cái địa chỉ được không?
 -Men Việt mình chớ đâu vô. Nhưng rượu đâu chỉ một mình men, nó còn có cả nguồn nước, cách ủ cơm, và phải ủ trong điều kiện nào để tránh cái trái gió trở trời. Tụi bây chỉ chăm bẳm vô ba cái men của Trung Quốc, đồng ý rượu có ngon hơn, có nồng hơn, nhưng bây đâu biết trong loại men bây sử dụng, bọn sản xuất lậu đã trộn thêm ma túy hoặc phiện đen.
-Làm gì có chuyện đó sư phụ. Ma túy hay phiện đâu có rẽ, điên hay sao mà trộn vô, chẳng qua họ có bí quyết riêng.
-Hai thằng bây không rành bằng tao đâu. Thiên hạ uống rượu của bây không bỏ được vì nhớ mùi hương. Hương đó phát xuất từ ma túy. Đồng ý ma túy không rẽ, nhưng tiêu thụ nhiều lợi nhuận sẽ cao. Hầu hết mấy lò rượu trong xã mình đều dùng men Trung Quốc, vậy là men Việt mình xếp xó, hiểu không?
- ….?
-Hai thằng mầy không tin à? Tại bây chưa biết đó thôi. Rượu bây uống sẽ nhanh chóng nghiện. Còn rượu của tao không bao giờ vì men không ma túy. Tao nói có thể bây không tin, thậm chí cà phê còn có nữa kìa.
- ...
-Hồi đó ở Suối Nho, xóm tao ngụ có một bà tên Tư Truyện. Bà nầy ghiền cà phê nặng. Mẹ chết hồi năm 5 tuổi, ông già ngày nào cũng dẫn bả ra quán cà phê đấu láo, bả ghiền cà phê từ đó. Khi tao biết thì bả đã ngoài năm mươi. Suối Nho là xứ cà, bả vô vườn mua về rồi tự rang, tự pha chế. Quán của bả cà phê ngon có tiếng. Tao Miền Trung vô, bạn bè dẫn tới thưởng thức. Bà Tư thấy tao gật gù liền hỏi : “ Ngon không?” Tao trả lời ngon nhưng mà cà phê của thím có trộn Cần Sa. Bả tâm phục khẩu phục liền.
-Sao sư phụ biết?
-Bây biết sao tao vô xứ nầy không? Thuở ấy quê tao nghèo lắm, dân xứ tao lấy khoai lang củ mì làm lương ăn chính thống, cơm độn ngày một bữa được một chén. Nhà có trồng mấy cây cần sa, tao chuyên hái lá phơi khô làm thuốc hút, nên nghe qua mùi là biết liền. Cần sa là tiền ma túy đó, biết không?
-Nghe vậy thôi chứ tụi con làm sao biết. Mà cái thuở ấy là thuở nào mà khổ vậy chú?
-Cũng tròm trèm bốn chục năm rồi. Đất nước sau chiến tranh, nhiêu khê lắm Thiếu thốn từ miếng cơm đến manh áo. Thất nghiệp cả thanh niên trai tráng cũng bó tay chịu sầu, cứ rừng núi mà leo trèo kiếm sống. Nhà tao ba đời nấu rượu cũng chết d vì bị cấm.
-Sao lại cấm chú?
-Kinh tế khó ai cho mày lấy gạo nấu ra cái ăn chơi rồi quậy?
-Rồi chú bỏ nghề à?
-Không, tao nấu lậu.
-Lậu? Nhưng lậu làm sao?
-Tao ra mí rừng làm chòi, đào hầm dấu khạp ủ rượu, một hai giờ sáng mới dám nấu. Hồi đó rượu gạo hiếm hoi lắm… Nấu lậu phải kĩ lưỡng, để mùi lọt mũi mấy anh quản lí thị trường là bị tịch thu cả đồ nghề lẫn con người… Khà khà khà. Tao bị nhốt mấy tua về tội danh nầy, sau bức quá tao lên tàu dông vô đây làm thuê kiếm sống. Nè, tao truyền cho bây một chiêu ủ rượu. Khi trái gió hoặc thời tiết đổi thay, cơm rượu dễ bị chai không nổi, đổ vô nồi nấu là cầm chắc cái khê, chiêu của tao có thể làm giảm thiểu cái hư hao đến bảy phần mười.
-Xin lắng nghe sư phụ.
-Xây hầm mà chứa khạp ủ cơm rượu. Gió và sự thay đổi thời tiết ít ảnh huởng tới chất lượng, còn muốn ngon… E hèm… mà bây thấy rượu tao ngon hông?
-Rất chi đặc biệt.
-Đó là do nguồn nước. Quê tao ở Tây Sơn Bình Định. Bàu Đá nổi danh về rượu là do nước ở cái bàu nầy mà ra. Những thôn ấp xung quanh không thể có được loại rượu đó vì nước khác nguồn. Các xứ khác không thể bì được là do vậy, muốn ngon phải qua hệ thống lọc nước, phải sạch và trong thì ruợu mới ngon, sau đó mới tới men. Nhà hai thằng bây sát mí sông, nước bơm bằng máy là quá tiện lợi, nên xây một bể lọc bằng cát đá than sỏi. Bây mà nghe tao là rượu bây lừng danh xứ thượng liền.
-Con sẽ thực hiện theo lời chú. Bữa nay con mới biết rượu cũng có vụ nấu lậu.
-Rượu mùi mẽ gì, nấu đường lậu mới chiến đấu kìa.
-Đường làm sao mà lậu? Mùi của nó bay bốn hướng tám phương dấu ai được chú?
-Vậy mới có chuyện để nói bây nghe. Mày có biết cái nhà mày đang ở bây giờ hồi đó là gì không? Toàn bộ khu vực đó là một trạm xá dã chiến của Bộ Đội. Năm bảy chín tao vô đây rừng còn tuốt ngoài lộ. Cây cối thôi thì….
                                                           
Bây biết không? Kinh tế khó khăn khiến dân cánh ngoài vào Miền Đông lập nghiệp với nghìn lẻ một phương cách. Ngoại trừ Kinh Tế Mới do nhà nước tổ chức, còn có cái Kinh Tế Dân Lập. Cứ rừng núi dân chúng ào vào đóng đô định cư. Tao vô Kinh Tế Dân Lập Suối Nho những năm bảy tám bảy chín, Từ chợ Suối Nho đến Thác Trời vài nghìn héc ta rừng, bạt ngàn vậy mà ngày nay toàn điều, cà phê là bây biết sức tàn phá dữ dội của con người như thế nào…
-Bộ không có Kiểm Lâm sao chú?
-Sao không, ở đâu mà không chịu sự quản lí của ông nhà nước, nhưng sự hung hãn của thiếu thốn đã thắng thế. Dân mà, bây không nghe câu Dân Vi Quý sao?
-Là sao, con không hiểu?
-Nguyên câu của nó là dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh nghĩa là dân số một, đất nước kế tiếp vua là cuối, hiểu không?
-Mà tại sao lúc đó khó vậy chú? Con nghe ông già kể ổng không có cả cái quần dài để đi o mèo luôn.
-Tao cũng như ông già mày. Vì sao hả? Thì như tao đã nói, sau chiến tranh đất nước nào cũng khó khăn hết, phần lo tái thiết… Cái vụ tái thiết nầy mới cực lớn à. Đất nước mình sau hai mươi năm chiến tranh, ruộng đồng bị bom đạn tàn phá, làm lại từ đổ nát khó khăn lắm. Đang tái thiết thì bị cái họa diệt chủng của mấy ông Khờ Me Đỏ ở Tây Nam, ông Bành Trướng ở phía Bắc, đã khó ta còn khó thêm. Rồi lực lượng Fulrô chống phá chính quyền làm rối như canh hẹ. Đó là tao chưa nói tới mấy ông chạy ra nước ngoài ngoại trừ tuyên bố nầy nọ, còn đưa cái chiêu chuyển lửa về quê nhàlàm ì ì xèo xèo mệt mỏi lắm. Và quan trọng nhất là cái Cấm Vận của Mỹ vào Việt Nam.
-Cấm vận là sao chú? Nói thiệt, ai chê ngu thì chịu, hiểu chết liền. Mà theo con biết chỉ Liên Hiệp Quốc mới có quyền cấm vận. Mỹ chỉ là thành viên của Liên Hiệp, họ lấy quyền gì cấm vận Việt Nam?
-Cách đây bốn chục năm, Mỹ được mệnh danh là đế quốc không biên giới. Tất cả mọi thứ họ đều mạnh. Về sức mạnh quân sự thì chỉ Liên xô là có thể sánh ngang tầm, cỡ Trung Quốc lúc đó không nghĩa địa gì. Quân sự mạnh, kinh tế lại là cường quốc số một, cái thế đó nên Mỹ muốn là trời muốn. Thua trận ở Việt nam đau quá, họ không quan hệ giao lưu nữa thì chớ, còn nghiêm cấm những quốc gia khác không được chơi với Việt Nam, nước nào không tuân xem như tự làm khó mình. Tài nguyên thiên nhiên cho chí của làm ra phe ta phải tự cung tự tiêu. Đói nghèo là do vậy, hiểu không ?
-Đại khái như rượu nấu ra mà không bán được, mình uống luôn thay cơm …
-Khà khà… ví như mày cũng đúng.
   Vậy là muốn sống phải tự làm ra cái ăn, ngon lành nhất là mấy tay bộ đội. Sau thống nhất đất nước họ kéo bầu đoàn thê tử vào. Với cái uy đi B họ được Kiểm Lâm cho qua vụ phá lâm làm rẫy. Mấy tay có tiền tung ra móc mở ngoặc với Bảo Vệ. Dân địa phương thì vô chính giữa rừng âm thầm phá nương. Đầu tháng ba khi rừng phát đã khô, một mồi lửa nổi lên là đất trời vần vũ khói, lúc đó có thánh cũng cứu không được. Mưa đầu mùa đổ xuống, dân tra hạt là xem như rừng hóa đất canh tác. Cứ vậy năm nầy sang năm khác, rừng hóa rẫy, rẫy lên phố thị. Đến bây giờ tre trẻ như tụi bây chỉ còn biết rừng cao su, thậm chí muốn biết rừng là gì, phải làm cái anh du lịch  bỏ tiền vô Nam Cát Tiên mới mục sở thị.
-Dễ vậy sao chú có cái thổ cư nầy không vậy?
-Không tiền, không thế như tao chỉ có đi phát mướn thôi.

Làm mướn như chú Tư Rừng bây đây, ăn ngủ luôn trong chòi, nước độc, muỗi rừng nên bệnh tật triền miên, tuần bảy ngày sốt hết bốn, làm không đủ nuôi tiệm thuốc, lấy đâu đất với cát. Tao phát rẫy thuê, lấy cây trộm, làm đủ thứ nghề để kiếm sống. Đi trộm cây khó khổ lắm bây ơi. Vào rừng phải đến trạm chung chi cho Bảo Vệ để mua cây. Đưa được cây về nơi bán phải qua chục trạm, ưng mấy anh cho đi, không ưng mấy anh bắt, bắt là tịch thu xe. Mang tiếng Lâm tặc nhưng thằng nào thằng nấy tệ hơn cái xơ mướp chà nồi. Có tuần tao bị tịch thu bốn chiếc xe thồ loại chiến, may mà lúc đó tao chưa có bà Tư, nếu có không chừng tao lâm cảnh như thằng bạn tao rồi.
-Bạn chú sao?
-Nó tên Sơn, mắt một mí nên gọi Sơn Hí, lơ của nó là thằng Tòng. Sơn và Tòng ăn nhậu, quậy đến trời còn sợ. Tao và đệ tử tên Dũng Trắng là bạn rừng của hai thằng quậy. Tuần đó bị bắt rát quá, cả bọn bị con nợ bủa vây tứ phía. Bị đưa xe về trạm lần thứ tư là cả bọn muốn tự vận cho rồi, ba thằng kia kẹt vợ con, tao thì độc thân nên không thằng nào dám chết.  Bọn tao vô quán uống rượu giải quyết cái buồn. Ngà ngà men bàn nhau vô xin lại cái xe. Vậy là bốn thằng băng rừng lội suối vô trạm.

Trưởng trạm tên Hai Nhiều. Khi đến tao được anh em phân công vô thương lượng. Nhiều đang ngủ, trong trạm không có ai, chắc chắn là lính tráng của nó đã đi truy quét trong rừng. Nhiều nằm quay mặt vô vách, khẩu AK treo ngay phía trên đầu. Ngay lúc đó bổng nhiên tao đau bụng nên quay trở ra. Báo tình hình cho ba thằng rồi ôm bụng chạy đi tìm chỗ xả. Tao chột bụng vì ba cái tiết canh lòng heo. May cho tao bữa đó.

Trong nầy, Sơn Hí có rượu nên nổi máu du côn. Lợi dụng tình hình nó lấy khẩu súng, lên đạn rồi kêu Hai Nhiều dậy. Nó ra lệnh cho hai thằng Tòng và Dũng Trắng dùng dây xe thồ trói trưởng trạm. Trói xong cả ba thằng lấy ba cái xe thồ, cầm theo súng rồi dông. Vụ việc làm chấn động cả xã Suối Nho. Tao đi ngoài xong bổng nhiên nghe la bài hải trong trạm nên chạy vô coi thử.

Mở trói xong, tao và Hai Nhiều chạy theo bọn cướp cạn. Nguy là khẩu súng bị tước, tội nầy không đùa được. Tao mong là gặp tụi nó, nhưng bên chạy bộ, bên phi bằng xe đạp, đành thua. Cuối cùng phải ra Ủy Ban Nhân Dân xã báo cáo sự việc. Phần Sơn Hí với hai thằng lơ sau khi tỉnh rượu, bỏ trốn. Tao phải đi tìm cả ba thằng, thuyết cho cả bọn một tràng giang đạo lí. Cả bọn sợ bị mọt gông vì tội đã chống người thi hành công vụ còn cướp súng nên ra Huyện đầu thú. Tội chết tòa tha nhưng tội sống phải trị, Sơn Hí mười tám tháng, hai thằng kia mỗi thằng một cuốn lịch. Còn tao khà khà cũng dính hết sáu tháng treo.
-Chú có gì mà treo?
-Tội tham gia phá rừng.

Sợ quá tao đi phát mía mướn cho dân làm đường lậu. Phát xong gom mía tới lò. Đêm cho che chạy…
-Che là cái khỉ gì chú Tư?
-Là cái ép mía thủ công bằng gỗ. Che là ba cục gỗ được đẽo bằng cây Xay. Xay là loại cây rừng ăn trái, gỗ nó dẽo và cứng như thép nguội. Ba cục gỗ đó nằm theo thế như cái xe nước mía bây giờ, mỗi khúc có đường kính ba mươi phân, cao sáu mươi, người ta dùng bò để kéo. Nhìn cảnh con bò bị che mắt kéo che suốt đêm là bây chép miệng cả ngày. Nhưng chắc chắn là không ai không rơi nước mắt khi thấy con người hì hục kéo.

Sao lại có vụ người kéo vô đây vậy? À…Đã nói lậu mà. Lậu thì phải dấu. Nhưng chuyện đó để nói sau đi. Trước mắt là gom mía tới lò. Khi thùng nước chè đầu tiên đổ vào chảo thì lửa phải nổi lên. Làm thủ công chất đốt chủ yếu là bả mía. Nhưng trước tiên phải sử dụng củi để mồi. Chủ rẫy mía đào lò không biết hướng gió nên không thông. Khói mù mịt trời đất. Đêm đầu tiên không thể nấu, bao nhiêu nước chè ép ra không sử dụng được. Chủ lò sửa đi sửa lại cả mấy ngày đều không xong.

Đào một cái lò thủ công ba chảo tuy không công phu bằng năm hoặc bảy chảo, nhưng công cán cả tuần gồm ba người chứ không ít. Đào? Dễ thôi. Nhưng nấu được là hai vấn đề khác nhau. Lò không bốc là chủ rẫy méo mặt liền. Sửa ư? Sửa làm sao? Dân rẫy thấy đường có giá, thiên hạ nấu thì mình cũng nấu, đâu có kinh nghiệm gì ngoại trừ cái hên xui. Lò không bốc họ đổ cho thần hỏa, và để đã thông tư tưởng thần, họ…cúng. Cúng xong, ăn nhậu đã đời nổi lửa lên vẫn vậy. Ngà ngà men, Tư Rừng xuất chiêu:
-Nè chị Hương – Hương là chủ rẫy – Muốn biết vì sao lò trục trặc thì phải hỏi thằng Tư Rừng nầy, thằng nầy từng nấu đường ở Bình Định, Quảng Ngãi. Ba cái vụ nấu thủ công thằng nầy tuy không thầy nhưng cũng thợ. Lò của chị gió đâu có vô miệng, ống khói lại quá nhỏ nên không thông, muốn ngon lành, chị phải cho chếch về phía tây chừng nửa thước thì mới yên. Cho cái ống khói rộng tí nữa… Tui nói chị nghe kịp không?
-Kịp, nghe kịp rồi, nhưng mà em nói có linh không? Nếu linh, bây giờ mà đào lại thì mía phát ra hổm rày chị làm củi hết.
-Ai biểu chị đào cái khác, sửa miệng lại thôi.
-Em làm được không, giúp chị một tay coi, chị trả công một tuần nếu em cho cái lò dậy lửa.
-Được rồi tui lấy ba ngày công thôi.

Vậy là Tư Rừng xắn tay áo cùng anh em thợ khoét cái thiếu và đắp lại cái dư. Một ngày là hoàn tất. Quả là danh trấn, lò phừng phừng lửa dậy, bả mía cuộn lại, dùng sào đẩy vô, nước chè bùng lên. Thợ lửa nói với Tư Rừng:
-Nói thiệt mày tự ái ráng chịu nghe Rừng, lúc đầu nghe mày nói sửa được tao cho mày ba đía, ai ngờ mày hay thiệt.
-Hay khỉ mẹ gì, trăm hay đâu bằng tay quen mậy.

Vậy là chủ Hương xem Rừng như vốn quý. Quý lắm, bởi nấu đường là nghề cao cấp chứ không chơi. Muốn lên một anh thợ ra đường phải bắt đầu từ thợ lửa. Ngon lành lửa củi mới được cất nhắc lên đi bọt. Vớt cho sạch sẽ rác rưởi là chuyện rất nhỏ, thợ bọt phải biết phân bổ thuốc tẩy cho đều để nước chè khi lên chảo thứ ba phải một màu vàng như nghệ. Cuối cùng là thợ đường, lỗ mũi phải bắt được mùi. Đường khi dùng gáo múc ra là tuyệt đối không sẩm màu. Sẩm là mất giá, còn không tới là nấu lại. Nấu đường ăn theo thí, mỗi thí là mười thùng nước chè tổng một trăm lít, ra chục kí đường, nấu lại chẳng những đã mất công còn mất tiền. Trong nghề nấu đường, thợ chính được tâng tiu như ngọc. Cái quan trọng bậc nhất khi ra đường là thợ phải biết đánh lao.
-Đánh lao là đánh gì vậy chú?
-Khi đường đã tới, thợ phải múc ra nồi. Múc xong lại sang nước chè từ chảo thứ hai sang chảo một, rồi đưa nước chè ở chảo thứ ba sang chảo hai, thợ bọt sẽ đưa nước mới ép vào để vớt bọt. Thợ chính lúc đó mới bắt đầu sử dụng một cây chèo để đánh lao. Nếu không đường sẽ hóa cát. Ở miền Đông Nam Bộ người ta chuyên nấu đường thùng hoặc đường táng như xứ Quảng Ngãi nấu đường muỗng. Riêng một số địa phương ở Bình Định, khi đường tới họ không đánh lao mà cho thẳng vào những thùng chứa, để một thời gian cát sẽ đọng lại bên trên, mật đường tụ lại dưới đáy, lúc cần bán họ mở cái nút dưới đáy thùng, mật chảy ra, còn lại cát. Hiểu không?
-Mật để làm gì chú?
-Họ dùng để nấu cồn, hoặc cho ra rượu mía.
-Nghĩa là khi đánh lao tất cả sẽ cho đường táng hoặc đường thùng, không còn cái gọi là mật nữa?
-Mày hiểu ra rồi đó. Phải tay thiện chiến mới đánh được lao. Cây chèo trong tay thợ dẻo như vũ nữ Chăm múa ápsara. Tiếng đánh lao vang lên phòm phọp, cách cả cây số cũng nghe rõ mồn một. Nó là tiếng gọi các anh Quản Lý Thị Trường tìm đến để bắt kẻ vi phạm tội nấu đường lậu. Mấy tay nầy không đi lẻ, có cả Kiểm Lâm theo để bắt chủ rẫy tội phá rừng bất hợp pháp, thêm vài anh Du Kích Ấp và Cơ Động Xã để hậu thuẩn. Chủ rẫy có mà chạy lên trời.
-Chú nói một hồi là hai thằng con lạc lối hết đường về luôn, làm lậu cái kiểu gì kì vậy? Làm mà chắc chắn bị bắt, bị phạt, bị tịch thu thì làm làm chi cho…phá sản?
-Chưa hết đâu nghe. Trong chòi che tài sản nhiều lắm. Riêng bộ che ép mía trị giá cả năm chỉ vàng, ba cái chảo gang mỗi cái một chỉ là mua lại cái xài rồi, cặp bò kéo xe một cây ngoài chớ không ít, chưa kể đường ê hề . Cán bộ mà phát giác ra, họ lập biên bản rồi đưa tất cả lên xe bò đánh ra xã là chủ rẫy mạt vận. May là cái vụ đó không bao giờ xảy ra.
-Bắt rồi không bắt, chú nói hai thằng con không hiểu gì luôn.
-Thực ra khoảng thời gian đó tuy khó nhưng không khó. Dân phá lâm bất hợp pháp nhiều quá, không thể nào cản được. Chính quyền đi bắt chỉ cho có lệ nên không gắt lắm, tất nhiên nếu bướng bỉnh họ có thể thẳng tay. Nhưng bây nghĩ đi, mình làm lậu thuế, ai dám cương, Vì thế nên lấy tình làm chính. Trong cái tình đó ngoại trừ quen biết phải có cái vật chất đính kèm.
-Nghĩa là ăn xôi chùa thì ngọng miệng hả chú?
-Vậy chớ mỗi lần mấy ổng vô là bọn tao phải đem bò đi giấu ngoài rừng, để trong chòi mấy ổng dẫn đi là chết ông nội liền. Có khi mấy ổng ăn nhậu tới sáng bọn tao phải thay nhau tra ách vô cổ mà kéo che, mẹ nó, lúc đó mới thấy thương cho mấy con bò.
-Sao không để sáng hoặc đêm khác làm.
-Mía chặt ra hôm nào giải quyết hôm đó, nấu đêm, ban ngày ngủ, hiểu hông?
-Ngủ rồi lấy mía đâu mà nấu?
-Ban ngày đàn bà, con gái chặt mía thuê, mấy thằng bá nghệ bá tri vi chi bá láp, chuyên sống bằng cơ bắp đưa vai vác mía gom lại chòi. Vậy đó.
-Khổ vậy chỉ để trốn thuế sao chú?
-Thuế chỉ là chuyện nhỏ. Nếu mày muốn làm công khai không bị bắt bớ thì phải đăng kí, và sản phẩm làm ra phải bán lại cho Công Ty Cấp Ba của Thương Nghiệp. Và giá của mấy ổng đưa ra so với thị trường chợ đen là một vực một trời. Vì thế nên lậu vừa trốn thuế, vừa cho ra chợ đen có tiền hơn. Biết vậy nên mấy tay đi kiểm tra nghe tiếng đánh lao ở đâu là định hướng có mặt kiếm tí liền. Nấu lậu, nấu có đăng kí xen nhau, đêm nào tiếng đánh lao cũng vang tám hướng, vậy mà mấy tay kiểm tra hay lắm, nơi đến luôn luôn là lò lậu, Hồi đó vui lắm. Có cái đặc biệt là lò bà chủ Hương của tao ít bị mè nheo lắm.
-Là sao?
-Ít nhiều cũng nhờ tao. Tao tay đánh lao số một. Có cái hay là nghe tiếng đánh lao là biết thợ nào, lò của ai, như mày chạy xe đi ga vậy, nghe tiếng pô biết người liền.
-Bà Hương nhờ chú cái gì?
-Tao tuy rừng nhưng chơi dữ lắm. Bảo vệ rừng không ai không biết mặt. Thằng Nhiều tao vừa kể với bây xem tao như ân nhân vụ Sơn Hí tước súng. Mấy thằng theo nó đứa nào cũng kêu tao là sư phụ. Trước tao có dạy cho tụi nó mấy ngón Bình Định chân truyền phòng khi hữu sự.
-Ra chú biết dzõ luôn hả?
-Cũng chút chút. Vậy là có tới kiểm tra tụi nó thấy thầy, thấy ân nhân là đứa uống vài li cầm theo kí đường là biến. Nấu đường vui lắm, đàn ca hát xướng ì xèo cả đêm. Mấy đứa con gái nhà xa chặt mía xong ngủ lại trong chòi tối nào cũng ca hát…
-Có em nào khoái chú hông?
-Có một em.
-Em nào, bà Tư bây giờ hả chú?
-Không bà Tư dân đây. Em khoái tao là bà chủ Hương.
-À…
-À cái con khỉ, năm đó tao hăm bảy, bả ba bảy, hai đứa con gái bả một mười tám, một mười sáu. Tao lại thích nhỏ chị mới chết cha.
-Sao chú biết bả thích chú?
-Là dzầy nè….
                                                          
Hương cũng tội. Cô có chồng, chồng đi lính, mất xác đâu đó ở chiến trường. Cô cạy cục nuôi hai con gái. Hòa bình, cô vô Tà Rua phát rẫy kiếm cái nuôi con. Khó, nên hai con gái Hương lớp năm là nghỉ. Trời thương nên cô làm ăn cũng được. Ba bẩy tuổi cô rực rỡ như hoa xuân. May lắm cho những cô gái có tí nhan sắc. Ba mẹ con như nam châm, hút các anh có quyền chức, sẵn sàng cho qua trốn thuế và nấu đường không phép. Cả bảo vệ rừng cũng du di vụ phá lâm bất hợp pháp. Tư Rừng khoe nhờ mình vụ võ nghệ và biết chơi là nhỏ thôi, nhan sắc quyết định tất cả.

Nói chi nhan sắc. Bèo bèo cỡ Tư Rừng đã có lắm em mê. Rừng còn có tài vặt, lại xuất chiêu lúc xuất ý bất kì. Thấy anh em vui vẻ đàn ca, Rừng cũng ôm đàn làm vài câu cổ nhạc. Mẹ ơi. Giọng ca mùi như danh ca chính hiệu, đàn ca tài tử chơi mượt mà. Lan – con gái lớn của Hương – thường liếc mắt với Rừng lắm, và tất nhiên cậu trai cũng hơn cả thích với Lan:
-Tao biết con Lan đắm tao. Nếu không có gì xẩy ra chắc tao lấy nó làm vợ rồi. Nhỏ đẹp lắm, lại nết na, thùy mị. Tóc dài xõa ngang lưng, mười thằng chết hết cả mười. Tao chết trước nhất vì tao ở trong chòi mía của ẻm hăm bốn trên hăm bốn.
-Mà sao không thành hả chú?

Đã nói Rừng có nhiều em cảm lắm. Tài hoa rừng thì có em rừng thương. Khổ cái góa phụ Hương cũng cảm tình Rừng. Ba bảy tuổi yêu một trai hăm tám cũng chẳng có chi lạ. Xuân tình tìm cách cho giang hồ vặt ngã tay mình. Mía trong đám rẫy vừa xong, Hương đi mua thêm mấy đám kế cận để kiếm thêm. Và cô đã kiếm được thêm rất nhiều. Miền Đông mà, nghèo rớt còn phóng khoáng huống ăn nên làm ra. Nhà có nuôi cặp heo để gọi là vốn chết phòng hữu sự. Vụ mía gần tàn, Hương quyết định cho hai chú Trư ra đi :
-Tao kể bây nghe vụ bán một con heo, nó cũng li kì không kém.
-Bán heo mà li kì cái gì chú?
-Hồi đó cái gì cũng bán cho Hợp Tác Xã. Dĩ nhiên là theo giá thu mua. Ai mua ngoài luồng là bị bắt, xét cần tịch thu luôn. Một thằng lái heo được kêu tới, nó đồng ý mua giá gấp ba lần Hợp tác xã, nhưng yêu cầu chở tới nhà. Nghĩ mình quen biết lớn nên tao xung phong chở dùm cho Hương, chủ yếu lấy lòng em Lan. Tao bị bắt dọc đường, thằng bắt là lính của Tư Khai, trưởng ban quản lí thị trường, nó yêu cầu tao đưa chú trư về bán ở hợp tác xã. Biết về là thua cuộc nên tao năn nỉ, lại khoe là bạn thân của Tư Khai, có bắt về cũng thả ra thôi. Vậy mà thằng lính lạnh như tiền yêu cầu về trụ sở.  Tao phải để xe tại chỗ chạy đi tìm viện binh…
-Chớ di động đâu?
-Mụ nội mày, tao đang kể chuyện hồi xưa.
-Ừ há, con quên.
-Tao chạy về báo cáo với chủ Hương. Hương lôi em Lan của tao đi tìm Tư Khai.
-Dẫn cô Lan theo làm chi?
-Là Tư Khai mê con Lan, hiểu hông ông cố nội? Và đúng là sắc bất ba đào dị nịch  nhân…
-Nho gia gì đây chú?
-Nghĩa là nhan sắc không phải sóng gió nhưng dư để giết…đàn ông.

Vậy là chỉ một tiếng thở than của Lan là con heo bay về nhà anh lái. Nói vậy để bây thấy Lan đẹp tầm cỡ. Vậy mà em đâu có thích quyền chức, em thích vai u thịt bắp mồ hôi dầu là tao đây. Nghĩa là hồi trẻ Tư Rừng nầy cũng đào hoa ghê lắm.

Hôm đó lò tạm nghỉ để chủ làm tiệc đãi anh em. Tao ra tay cho chú trư còn lại về chầu tổ:
-Chú biết làm heo hả?
-Tao là đồ tể chính thống luôn, dân tha phương cầu thực mà mậy, đập đầu thọc tiết tao rành. Tao mà đã đánh tiết canh thì dân Bắc phải nghiêng đầu bái phục. Hôm đó tại nhà của em Lan tao nhậu tưng bừng, Đàn ca sáo thổi đến nửa đêm. Gần sáng tỉnh giấc thì giật mình khi thấy có một nữ nhân ôm tao…
-Bà Hương hả chú?
-Ừ.
-Chú làm sao? “ Ăn thịt” luôn chớ hả?
-Không, tao đâu có súc vật đến vậy, tao xô bà chủ ra, nghĩ rằng may mà chưa tỏ tình với em Lan. Bả ôm siết tao, nói yêu tao và khóc nữa. Tao nói không thể được. Rồi ra khỏi nhà, tao vô lại chòi mía trong Tà Rua. Chả biết giải quyết ra sao sự vụ nầy. Hôm đó bà Hương không vào, tao e là bả mắc c. Nhưng tao chỉ ở lại chòi ngày hôm đó, nấu đường thêm một đêm rồi đi.
-Đi khơi khơi vậy sao?
-Có chuyện mới đi, chuyện nầy mới thật sự li kì. Đời được vài người chứng kiến như tao chứ không nhiều.
-Dữ vậy sao? Chuyện gì vậy chú?
-Mày có bao giờ mục kích một giai nhân khỏa thân chưa?
-Khà khà… đừng nói là chú thấy rồi nghe.
-Mày tưởng tao đùa chắc…

Sự sinh hoạt của nhân công lò mía đều tập trung vào dòng chảy của suối Tà Rua. Từ chòi xuống suối khoảng trăm mét. Bọn làm việc về đêm, sử dụng suối vào bốn giờ chiều sau giấc ngủ ngày. Bầy con gái chặt mía đứa nào gần nhà thì về, đứa nào nhà xa thì ở lại chòi. Năm giờ sẽ thay phiên xuống suối để tắm gội… Hôm đó hơi choáng váng sau vụ việc với bà chủ. Tao ngồi dưới suối bâng khuâng chả biết phải làm sao, tụi đệ tử lên, tao cũng định ùm một phát rồi lên theo, kẹt cái lúc đó bổng nhiên đau bụng.

Cái vị trí đi ngoài của bọn đàn ông con trai tụi tao cũng đặc biệt số một. Bên kia bờ suối có một cây Si tầm cổ thụ, Bọn tao dùng tàng cây nầy để giải quyết cái sự đời. Leo lên vừa yên vị, thì có tiếng rúc rích cười đùa của mấy nhỏ con gái xuống làm vệ sinh chiều. Mẹ ơi, trong ba cô nàng có cả Lan. Tao đành ngồi yên, may mà cây Si cổ thụ cành lá sum suê, tao dấu người nhìn xuống. Kể ra thì cũng chẳng có chi vì các cô mặc áo quần kín từ dầu đến chân. Nước suối thì ngồi xuống là đến cổ. Mẹ ơi, tao lo lỡ tụi nó phát giác ra thì mang tiếng rình rập con gái tắm….
-Vậy có gì lạ đâu chú?
-Cái đoạn cả ba lên bờ để thay đồ mới thật sự là…
-Cha chả….
-Cả ba cũng đâu có lột ra như đàn ông mình, đứa nào cũng có khăn rằn quấn từ lưng quần trở xuống, trước tiên chỉ có bộ ngực là phơi ra. Trên cao nhìn xuống bộ ngực con gái đẹp mê hồn… Tháng hạn và nắng chiều … cả ba đứa, hai thằng mầy hiểu không?
-Kha kha kha… hiểu chết liền. Chừng đó thôi hả sư phụ?
-Còn… Tụi nó cũng nghịch lắm. Có lẽ nghĩ rằng mình đang là chủ nhân của đoạn suối nên cả ba giật khăn choàng của nhau…
-Rồi sao nữa?
-Hết.
-Hết kì vậy, ông thấy gì không?
-Không. Tao nhắm mắt.

NGUYỄN TRÍ