Monday, February 3, 2014

34. MẶC LÂM Nói chuyện với tác giả “Bãi vàng, đá quý, trầm hương”


MẶC LÂM
Nói chuyện với tác giả

“Bãi vàng, đá quý, trầm hương”



Giải văn học năm nay của Hội Nhà Văn Việt Nam có một bất ngờ lớn khi tập truyện của một cái tên rất lạ, lần đầu tiên xuất hiện trên văn đàn Việt Nam lại được 9 trên 9 phiếu chấp nhận là tác phẩm văn xuôi hay nhất của Hội đồng chung khảo. Tác giả đó có tên Nguyễn Trí với tập truyện “Bãi vàng, đá quý, trầm hương”.

Nguyễn Trí sinh năm 1956 người gốc Quảng Bình nhưng sinh ra tại Bình Đình. Sau nhiều lần lưu lạc từ Huế lên Tây Nguyên rồi cuối cùng ông trú chân tại Long Thành Đồng Nai.



Nhà văn Nguyễn Trí

Miêu tả từ kinh nghiệm sống

Tập truyện do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành dày 352 trang với 16 truyện ngắn trong đó nói về các hoạt động nơi bãi vàng, những toán thợ lên rừng tìm trầm hay khai thác đá quý, chặt lồ ô cho các xưởng chế biến tăm nhang hay săn tìm đười ươi một loại trái giải khát mà dân Việt Nam ưa chuộng.

Tập truyện cũng viết về những mảnh đời công nhân trong các nhà máy công nghiệp và cuộc sống trôi nổi, bơ vơ đầy bất trắc của các cô gái giang hồ sống tựa vào những tay tứ chiến.

“Bãi vàng, đá quý, trầm hương” của Nguyễn Trí viết lại theo chính kinh nghiệm của tác giả sau nhiều năm lăn lộn làm đủ thứ nghề từ đào vàng, khai thác đá quý cho tới lặn lội tận rừng sâu núi thẳm để tìm cho được trầm hương là loại sản phẩm thiên nhiên có giá bán hơn vàng. Trong những lần sống cùng, va chạm với những con người dày dạn phong trần mà cái nghèo như một định mệnh, Nguyễn Trí đã thấm sâu từng cọng cỏ dính cả bùn lẫn máu của bạn bè đồng nghề và với khả năng thiên phú ông kể lại câu chuyện của chính cuộc đời mình với giọng văn của một tay viết nhà nghề thực thụ.

Cho tới bây giờ thì sức tàn lực kiệt rồi  mới buồn tình ngồi viết lại những cái mình đã trải qua cho nên tôi viết những mẩu truyện đó dễ lắm anh, rất dễ.
-Nguyễn Trí

Tập truyện được chọn trao giải bởi cách miêu tả từ kinh nghiệm sống nhưng không phải là những bài phóng sự đường rừng hay người thật việc thật thường thấy trên các trang báo. Mỗi nhân vật trong “Bãi vàng, đá quý, trầm hương” là một góc nhìn riêng của tác giả. Đôi khi thân phận của họ được tác giả chia sẻ bằng chính giọng kể, tiếng thở dài ngấm ngầm hay sự khích lệ hồn nhiên cho một mảnh đời tan nát.

Từ rừng sâu, núi thẳm tác giả bỏ về thị thành làm những nghề khác do đó ông có dịp va chạm với những công nhân trong khu công nghiệp, hay đánh bạn với những tay anh chị để hiểu thêm thân phận của gái giang hồ rồi từ đó Nguyễn Trí chỉ đơn giản làm công việc của một nhân chứng, ghi nhận sự việc và diễn tả như mắt mình thấy tai mình nghe và nhất là tim mình cùng đập chung nhịp đập của những người mình đang kể.

Chính cái nhịp tim cùng cảnh ngộ ấy làm nên một Nguyễn Trí.

Chúng tôi hân hạnh có cuộc nói chuyện với ông và qua những chia sẻ ngắn gọn nhưng bộc lộ hầu hết tính cách nhân vật, nếu cho rằng nhân vật chính của “Bãi vàng, đá quý, trầm hương” chính là Nguyễn Trí. Trước tiên ông chia sẻ sự ngạc nhiên, bất ngờ nếu không muốn nói cái cảm giác khi nhận được tin trúng giải. Khác gì một chuyến thắng trầm rất lớn trong lần đầu tiên lên núi tìm trầm....

Nguyễn Trí: Đây là lần đầu tiên đó anh. Tôi thực sự cầm bút trong 30 tháng trở lại đây. Truyện thì tôi có gửi đi cho các báo để mong được in nhưng rồi cuối cùng tôi gửi cho anh Hồ Anh Thái ở báo Đại biểu Nhân dân thì anh Thái khuyến khích tôi viết vì cho rằng tôi viết được. Bắt đầu từ đó tôi viết và chỉ gửi riêng cho anh Hồ Anh Thái. Sau đó anh Thái đưa cho những tờ báo nào phù hợp và những tờ báo đó in giúp cho tôi. Đích thân anh Thái chọn truyện và cho ra “Bãi vàng, đá quý, trầm hương” Đây là tác phẩm đầu tiên cho đến hôm nay tôi có.
Tác giả tập truyện Bãi vàng, đá quý, trầm hương - Nguyễn Trí. Photo courtesy of trebook.com
Mặc Lâm: Ông viết “Bãi vàng, đá quý, trầm hương” với những chi tiết về ba cái nghề này chính xác từng chút một. Chắc ông đã phải sống cùng với nó rất lâu phải không?

Nguyễn Trí: Thực ra xin nói với anh thế này: cái việc làm vàng làm đá quý, trầm hương là nghề nghiệp tay phải của tôi. Như anh đã biết sau ngày giải phóng thì đất nước của chúng ta khó khăn trong vấn đề kiếm ăn lắm. Những người có tham vọng như tôi muốn làm giàu bằng cách đi làm trầm, làm đá quý mới mong có cơ hội đổi đời cho nên tôi lao vào cái nghiệp này như một con thiêu thân vì vậy tôi sành lắm.

Không có một bãi vàng nào trên đất nước này mà thiếu mặt tôi hết. Còn trầm thì nói thật với anh coi như các đoạn rừng Trường Sơn tôi đã đi tứ tán hết. Còn đá quý thì cũng như vàng vậy nhưng cuối cùng thì tôi bị thua, tôi chẳng có gì với cái nghiệp đó hết nên về đồng bằng làm đủ thứ nghề khác để kiếm sống. Cho tới bây giờ thì sức tàn lực kiệt rồi  mới buồn tình ngồi viết lại những cái mình đã trải qua cho nên tôi viết những mẩu truyện đó dễ lắm anh, rất dễ. Thí dụ như tôi viết truyện bãi vàng 10 nghìn chữ trong vòng một tuần. Còn đá quý cũng 10 nghìn chữ tôi viết cũng chỉ 1 tuần. Bời vì nó như cơm ăn, như nước uống như chúng ta sống hàng ngày nên nó cứ tuôn ra từ trong đầu vậy thôi.

Vừa sợ vừa thích thú

Mặc Lâm: Cái câu “ngậm ngải tìm trầm” vẫn có khả năng làm cho người ta vừa sợ vừa thích thú bởi những câu chuyện có tính chất phiêu lưu của nó. Là người đã nhiều lần chạm tới trầm và cũng không ít lần khổ sở vì nó ông có thể kể vài chi tiết mà ông cho rằng những câu chuyện ly kỳ ấy có độ chính xác tới đâu?

Nguyễn Trí: Về vấn đề trầm hương thì coi như có rất nhiều người trong đất nước của chúng ta đi làm cái việc này. Cho tới bây giờ cũng còn nhiều người đang đi trên Trường Sơn để kiếm nó chứ không phải bí ẩn gì đâu chỉ vì tham vọng làm giàu, chỉ vì thiếu đói. Ở phố thị thì cảm thấy những việc đó nó bí ẩn mà nói theo kiều ngày xưa người ta ngậm ngải tìm trầm rồi hóa thành dã nhân….nhưng trong thời gian sau giải phóng rồi, núi rừng đã bị bom đạn tàn phá bởi chiến tranh…. người làm trầm y thì có đi xuyên qua những đoạn mà trước đây bộ đội giải phóng miền nam đã qua thì cái truyện đó nó không còn gì là bí ẩn. Còn những điều mà mình nhớ lại khi làm trầm thì nói thật với anh cái nghề này gian khổ lắm. Mỗi chuyến đi như vậy nhiều lắm là 10 ngày. Mỗi người phải mang vửa đủ trên lưng của mình thức ăn cho 10 ngày đó cho tới khi trở xuống khỏi rừng.

Mặc Lâm: …và trong những chuyến đi ấy ông đã kể lại cho độc giả trong sách của ông như thế nào? Ấn tượng nhất là gì thưa ông?

Thú thật với anh trình độ học vấn của tôi chỉ lớp 10 thôi. Ừ, lớp 10 thôi. Cho tới bây giờ tôi viết là viết lại những gì mình trải nghiệm còn thậm chí tôi không biết nó thuộc thể loại gì.
-Nguyễn Trí

Nguyễn Trí: Ấn tượng nhất là sự chết. Chết trên rừng. Phải nói nghề làm trầm rất là đa dạng, chẳng hạn như bị rắn cắn rồi bị sốt. Anh biết nhóm người đi trong rừng sâu núi thẳm mỗi người lo kiếm chỗ cho bản thân của mình nhưng lỡ có một người bị sốt thì sao? Thì đương nhiên anh phải chờ cho họ bớt sốt. Mà không bớt sốt thì sao? Sốt trên rừng Trường Sơn thì anh đã biết không phải là một chuyện dễ đâu. Rồi lỡ như người bạn của mình chết thì làm sao? Anh không thể khiêng về và đành phải chôn lại trên rừng sâu núi thẳm. Ấn tượng của những người đi làm trầm là như vậy.

Khoảng thời gian ở cuối thập niên bảy mươi bước qua thập niên tám mươi của thế kỷ trước thì thú thật với anh thì những người đi làm trầm như tôi hay bạn bè như tôi đều xuất phát từ cái thiếu đói mà ra chứ không phải xuất phát từ lòng tham đâu anh. Khi anh lao vào cái nghiệp đó nó có những cái quyến rũ riêng của nó và nó khiến anh phải bám theo. Anh có ít có nhiều gì không biết nhưng khi anh đến chỗ tào kê - tào kê là những người họ mua hàng ‑ thì anh sẽ thấy có người huy hoàng và cũng có người khổ sở.

Người huy hoàng giúp cho người khổ sở để đi làm tiếp, cho nên họ hy vọng một ngày nào đó thần rừng sẽ mở cửa cho họ vì thế cho nên họ cứ bám theo bám theo…. do đó xuất phát là từ sự thiếu đói chứ không phải là lòng tham. Những nhân vật đó, những con người đó, những thân phận đó hết sức tội nghiệp, nó hoàn toàn khác với ngày nay hầu như người ta tàn phá rừng đề tìm trầm do lòng tham bởi họ nghĩ rằng phải có trầm nhưng thật ra họ những người thế hệ ngày nay họ không am hiểu gì về trầm hết. Vì thế tôi nghĩ rằng như bọn tôi chẳng hạn là một thế hệ chuyên nghiệp đi làm trầm mà chỉ có con đường duy nhất là sự thất bại mà thôi cho nên tôi từ rừng trở về với hai bàn tay trắng và phải đi làm đủ thứ nghề dưới đồng bằng để sống. Tôi chỉ muốn nói như vậy để những người đang rắp tâm muốn đi làm vàng, làm trầm làm đá quý là: đừng nên, đừng nên… mà hãy yên phận với những gì mình đang có.

Mặc Lâm: Có người đọc xong tập truyện này cho rằng nó có quá nhiều dữ kiện, quá nhiều chi tiết và mỗi chi tiết mỗi dữ kiện như vậy ông đã bỏ qua hay nói đúng hơn không thể khai thác hết. Ông nghĩ sao về nhận xét này?

Nguyễn Trí: Cái này thì chắc phải suy nghĩ nhiều lắm bởi vì tác phẩm của tôi là tác phẩm đầu đời, nó chỉ dài có 352 trang thành ra những thông tin mà tôi được biết do bạn bè đọc rồi nói lại rằng truyện của ông nhiều chi tiết quá, mà chỉ cần một chi tiết như vậy là đủ để viết một truyện ngắn rồi. Tôi cũng biết điều đó, nhưng anh biết không tôi là dân amateur mới bước vào lĩnh vực văn chương thôi thậm chí tới bây giờ thì anh biết đó. Thú thật với anh trình độ học vấn của tôi chỉ lớp 10 thôi. Ừ, lớp 10 thôi. Cho tới bây giờ tôi viết là viết lại những gì mình trải nghiệm còn thậm chí tôi không biết nó thuộc thể loại gì. Truyện ngắn mà không thề ngắn được, truyện dài thì không thể chỉ có 10 ngàn chữ…vì thế tôi cũng suy tư nhiều lắm vá hy vọng trong tương lai tôi có thể cải thiện được những gì mình viết ra tuy viết ít nhưng nó đủ.

Mặc Lâm: Nhận giải thưởng tức là nhận một số phận mới bắt đầu với thành công, mà lại là thành công lớn nữa, vậy ông có định viết tiếp cái chương mang tên nghề viết văn sau khi có rất nhiều nghề….

Nguyễn Trí: Nói thật với anh như thế này. Tôi đã từng đi qua nhiều nghề, nhiều nghề lắm bây giờ tới ngưỡng cửa 58 tuổi này sức lực của tôi nó không cho phép tôi sử dụng tay chân để kiếm sống được thì tôi viết văn. Trước là sau những biến cố không hay của gia đình nên viết văn để tất cả những gì trong đầu của mình nó tuôn ra đi rồi nó ra sao thì ra. May mà nó được thành công được in báo, được in thành sách hay đoạt được giải thì đó là may mắn lớn cho tôi chứ còn thực ra mà nói có ý định kiếm sống bằng nghề viết văn thì có lẽ còn phải suy nghĩ lại. Tôi nghĩ rằng một mai đây đến một lúc nào đó cái gì ở trong đầu chúng ta mà được khai thác hết rồi thì chúng ta đâu còn gì nữa để mà khai thác? Tôi biết lấy gì nữa để mà viết, cho nên thì thôi tới đâu hay tới đó.

Tuy nhiên có thể trả lời với anh là trước mắt nhu cầu sống của tôi không cao. Tôi không uống rượu không hút thuốc, mỗi ngày chỉ ba bữa cơm cho nên không có nhu cầu lớn lắm nên một tháng đối với tôi có vài truyện đăng báo thì cũng tạm gọi là sống được.

Mặc Lâm: Hiện ông còn tác phẩm nào đã hay sắp viết không và ông có dự định gì cho chúng?

Nguyễn Trí: Thật ra tôi có một truyện dài đã viết hoàn chỉnh rồi có tựa là “Ngoi lên từ dưới đáy”. Truyện dài này viết cặn kẽ về nghề trầm tôi và đã viết xong. Một truyện nữa có tên là “Thiên đường ảo vọng” viết về một bãi vàng, mà bãi vàng này tôi là một trong số những người đầu tiên khai thác ra nó. Đây là một tiểu thuyết dày 80 nghìn từ cũng đã xong, đã gửi cho nhà xuất bản rồi để xem họ như thế nào.

Tất nhiên truyện ngắn Trầm hương in trong tập này nó không đầy đủ lắm còn trong truyện dài của tôi thì tương đối gọi là đủ mà khi xuất bản ra nếu những người đã đi làm trầm chuyên nghiệp đọc nó thì tôi cũng không e ngại vì tôi viết nó đều dựa trên sự thật.

Mặc Lâm: Câu hỏi cuối xin ông cho biết cảm tưởng về giải thưởng mà rất nhiều nhà văn mơ ước nó. Liệu nó có làm cho ông lạc mất những dự định trước đây và liệu hào quang của nó sẽ giúp gì cho ông?

Nguyễn Trí: Hiện nay tôi vẫn cố gắng viết, cố gắng duy trì không để hào quang của cái giải này làm lu mờ lý trí của tôi. Cũng rất may sau khi được biết mình nhận được giải thì tôi có choáng hết ba ngày nhưng tới hôm nay thì tôi đã hoàn tất xong một truyện dài 10 ngàn chữ!

Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.

Nguồn: RFA