MANG VIÊN LONG
Những vở kịch đời
được đưa vào trang viết
của Lữ Kiều
của Lữ Kiều
Vào thập niên 60 -70 của thế kỷ trước, những người viết trẻ đi vào văn học thường vẫn chọn thơ hay truyện làm thể loại sáng tác chính, bởi hai lãnh vực nầy ít đòi hỏi “kỹ thuật” chuyên môn, dễ phổ biến hơn là viết kịch. Tuy vậy, cây bút Lữ Kiều đã sớm chọn cho mình con đường gian khó bằng vở kịch đầu tiên là “Bọn Họ Bốn Người” (1964), và “Kẻ Phá Cầu” tiếp theo viết vào năm 1969; được giới thiệu ngay trên tạp chí Ý Thức số 01 vào năm 1970 (ngày 01 tháng 10 năm 1970).
Thời điểm ấy, Kẻ Phá Cầu là “vở bi kịch” đầu tiên đã đề cập đến “một màn/một cảnh” của biến cố Mậu Thân 1968 một cách sâu sắc, trung thực, hàm súc bao điều mà hầu hết giới trẻ đang trăn trở! Có thể nói đây là “vở kịch” tiêu biểu của muôn ngàn vở kịch đã và đang “diễn ra” trong cuộc chiến bi thảm. lặng thầm và khốc liệt, mà tất cả đang phải gánh chịu!
Thái độ phản kháng cuộc chiến tương tàn dai dẳng ngày càng hủy hoại đất nước, con người, và niềm khát khao yêu thương, hòa bình cao độ của những người trí thức trẻ Miền Nam mà tác giả là một người đại diện; đã tạo được nhiều ấn tượng sâu đậm, mới mẻ, một thời lôi cuốn người đọc hết sức quan tâm; qua cách “dựng kịch” tưởng rất đơn giản, mà vô cùng vi tế, sâu khuất, gợi cảm, và gần gũi với đời sống… Niềm mơ ước đến sự yên bình hạnh phúc cho đời sống muôn nhà, đến Hòa bình cho đất nước, đã luôn là mạch nguồn “làm tươi mát” nỗi bi tráng của bao thảm cảnh bao trùm quanh thôn làng, phố thị, mà chỉ “một màn/một cảnh” của một đêm “phá cầu” đã được tác giả ghi lại thật sôi động: “Miên ạ, một mai, khi hòa bình, đời sống sẽ khác. Chúng ta sẽ gặp lại những người thân, sẽ trở về làng cũ, chị sẽ đưa Miên đi…” - “ Chị vẫn bền lòng hy vọng ư? Dù sao, chúng ta cũng không được già cỗi để chờ ngày hòa bình trở lại (…)”
Nhưng rồi, cuộc chiến cứ dẫn dắt tất cả đi dần vào sự thù hận, bức bách, không lối thoát như những mắc xích oan nghiệt qua cuộc đối thoại giữa hai người bạn cũ đang ở hai bên bờ vực thẳm: ”Không, chiếc cầu không phải của bên nào cả. Nó là của thành phố chúng ta. Nó là của lịch sử. Chiếc cầu đã có từ khi chúng ta chưa sinh ra. Nó có lịch sử của nó, gắn liền với lịch sử đất nước. Phá cầu là một hành động phá hoại thuần túy” - “Phá hoại nào cũng thuần túy cả. Miên ạ, tôi cũng yêu quý cây cầu (mơ màng) Đâu phải dễ dàng quên hết những liên hệ giữa mình và cây cầu kia. Nhưng nó phải bị hủy diệt”.
Những mâu thuẫn ý thức hệ, những dồn nén riêng tư, sự đấu tranh giữa tình cảm và mệnh lệnh, giữa quá khứ và hiện tại (…), cứ dồn dập đưa đẩy tất cả tiến dần vào ngõ cụt của sự hủy diệt - một thảm kịch lớn của cuộc nội chiến kéo dài như được thu nhỏ lại trong một đêm “phá cầu” đầy máu và nước mắt của chính những người thân yêu khi chưa nhìn rõ được mặt nhau, cho dù chỉ quanh quẩn có tám con người (nhân vật)!
Năm 1972, Lữ Kiều viết “Con Sâu Trong Mắt”(vanchuongviet.org) - tiếp nối dòng suy tưởng, thái độ, và cảm nhận từ “những vở kịch đời”, ngày càng lan rộng, quy mô hơn, bi thảm hơn. Sự xung đột không chỉ nhìn thấy (& nghe thấy) từ bên ngoài, mà là một sự xung đột tiềm ẩn, tôi tạm gọi là những mâu-thuẫn-nội-tại trong mỗi con người. Trong “Kẻ Phá Cầu” tuy sự xung đột có lúc lên đến đỉnh cao của sự thù hận là máu và nước mắt; nhưng cuối cùng đã tìm thấy sự cảm thông bằng tình thương yêu, tuy có hơi muộn! Ngược lại, trong “Con Sâu Trong Mắt” tác giả đã “dựng lại” vở kịch đời, không những chỉ có máu và nước mắt, mà còn là một thảm họa lớn hơn trong cuộc sống mỗi người: Sự mâu thuẫn nội tại không thể giải quyết, xóa bỏ, hay chuyển hóa được ngoại trừ ngay chính bản thân của họ: “Ta không quên được chuyện cũ Hận thù. Hận thù. Hận thù giữ chặt chân con người trên quả đất này” và ”Hận thù và lòng tàn nhẫn làm tai họ điếc. Tim họ chai. Họ đã nghi ngờ tôi. Ôi, những người anh em tôi hết lòng yêu mến đã nghi ngờ tôi (…)”.
Thảm kịch đã bắt đầu từ đó, và xuyên suốt theo cả cuộc đời mỗi người, không thể làm khác: “Lòng tàn nhẫn. Chỉ có lòng tàn nhẫn mới giúp ta thẳng tay nhúng vào máu người anh em mà ta nghi ngờ. Chỉ có lòng tàn nhẫn mới làm cho họ chỉ còn thấy kẻ bị nghi ngờ là một cái cớ, một sự kiện, chứ không phải một người. Người ta yên ổn, bình tâm triệt hạ những sự kiện, chứ khó lòng triệt hạ con người, phải không?
Có đôi lúc, được phút giây “nhìn lại chính mình”, nhưng cũng chóng trôi theo guồng máy của bạo lực, của uy quyền, của mệnh lệnh như tâm sự của người kỹ sư trẻ Trần Văn Quyết: “(…) Anh cười, tôi linh cảm nhiều quá? Đúng. Và chính linh cảm này hại tôi. Dù sao, anh cũng ráng hiểu cho tôi, tôi ghét máu. Tôi ghét sự chết. Mà tay tôi đã ngập máu đến cùi chỏ. Mà sự chết của anh em đã đầy trái tim này...”
Khi sự mù quáng và lòng thù hận đã đi vào tim óc mỗi con người, thì trái tim và khối óc đâu còn rung theo nhịp đập tự nhiên của đạo đức, của lẽ phải? - “Những lý do, có thể gọi đó là lý do được không khi chúng tôi sống trong sự mù quáng của lòng thù hận, khi mà hai mắt nhìn đâu cũng chỉ thấy kẻ tình nghi, kẻ phản bội…”.
Một đoạn đối thoại giữa Người Trẻ Tuổi & Người Đàn Ông:
NGƯỜI ĐÀN ÔNG (mơ màng)
Họ hỏi gì?
NGƯỜI TRẺ TUỔI
Tên kẻ phản bội.
NGƯỜI ĐÀN ÔNG (ngậm ngùi)
Kẻ phản bội!
NGƯỜI TRẺ TUỔI
Phải. Họ hỏi tên kẻ đã bán đứng anh em cho trại giam. Kẻ đã cho tin bọn giám thị để chúng phục kích những người đào thoát ngay miệng hầm, không kịp tẩu tán. Hắn là ai? Lúc bấy giờ tôi chưa định thần để nghĩ ra ai đã phản bội. Tôi hoàn toàn không biết những người ở lại ra sao?
NGƯỜI ĐÀN ÔNG
Anh muốn biết ư?
NGƯỜI TRẺ TUỔI
Tôi muốn biết. Bởi tôi biết rằng tên phản bội còn ở lại đó trong trại giam.
NGƯỜI ĐÀN ÔNG
Thật tình anh muốn biết?
NGƯỜI TRẺ TUỔI (cười ghê rợn)
Ha! Ha... Sự thật nào cũng đau lòng. Phải không anh Quyết?
NGƯỜI ĐÀN ÔNG
Anh hãy bình tĩnh. Tôi biết anh đang nghĩ gì trong đầu. Tôi biết anh em ở trại A đã nghĩ gì về tôi. (cười nhạt) Tôi biết lưỡi dao anh giấu trong tay áo. Không. Tôi không chạy tội. Tôi chờ đợi cái phút này từ lâu. Mỗi buổi sáng, mỗi buổi chiều. Tôi biết sẽ gặp lại anh, hay một anh em khác. (ngậm ngùi) Một cố nhân với cây dao sắc giấu sau lưng, hoặc một viên đạn trong nòng súng. Khi mặt trời mọc, cũng là lúc tôi tìm đến cái cổng chùa này. Để làm gì? Anh cười. Anh chế riễu tiếng chuông, tiếng mõ. Anh khinh bỉ tiếng động của thiên nhiên. Anh cho là tôi sám hối. Không. Hơn thế nữa. Còn một thứ mãnh liệt hơn: sự quên lãng. Quên đi. Quên đi những ngày rùng rợn khi cuộc đào thoát thất bại, anh em bị giết.
NGƯỜI TRẺ TUỔI
Anh đã biết? (cười) Tôi nghĩ gì về anh? Tất cả tù binh trại A nghĩ gì về anh? Chỉ một ý nghĩ: anh là kẻ phản bội. Vậy thì anh đã hiểu số phận của anh. (khích động) Con dao này ư, anh tinh mắt thật (rút dao ra) Tôi đã giấu trong mình ba năm qua. Anh còn muốn phân trần điều gì nữa không?
NGƯỜI ĐÀN ÔNG (buồn bã)
Thành thật mà nói: không còn gì để nói. Sống sót sau những tháng ngày ấy là một tội lỗi. Đúng vậy. Nhưng bởi anh muốn biết chuyện gì xảy ra ở trại giam khi anh đã thoát ra, tôi muốn chia sẻ với anh những tháng ngày ấy. Hận thù, trong tim anh chỉ có vậy, phải không? Trong tim tôi, ừ nhỉ, trong tim tôi còn gì? Hình như chẳng còn gì. (tiếng trống) Hình như trái tim tôi chẳng còn đập cùng nhịp với tim đồng loại. Tôi đã thoát ra từ một lò luyện người, tôi biến thành kẻ khác. Chỉ trừ cái trí nhớ, trí nhớ cay nghiệt như con sâu cựa quậy trong đầu đau buốt từng cơn. Giờ đây, tôi chỉ muốn quên. Anh nói đúng, tôi đến đây, gối đầu lên những bực cấp cổng chùa này, tôi nhắm mắt, nhưng không ngủ. Không thể ngủ được, cũng như không thể quên được.
NGƯỜI TRẺ TUỔI (riễu cợt, háo thắng)
Tôi giúp anh quên bằng lưởi dao này, lẹ lắm.
NGƯỜI ĐÀN ÔNG
Tôi không phản đối. Nhưng tôi muốn thẳng thắn đối diện với sự thật còn làm tôi bàng hoàng cho đến bây giờ. Không phải cái sự thật đau lòng như anh nói đâu. Đau đớn. Nhảm. Có sá gì với cõi lòng này. (thân mật) Này anh, dù sao tôi cũng cám ơn anh. Có anh, tôi hình như sáng suốt hơn, như thể đang đối diện với một quá khứ vẫn làm tôi như lạc hồn bấy lâu. Anh bạn, hãy cho tôi gọi như thế, anh bạn hãy cất dao đi. Tôi nhắc lại: chúng ta còn nhiều thì giờ mà...
NGƯỜI TRẺ TUỔI
Nhất trí. Tôi cất dao. Nhưng Thần Chết vẫn cạnh anh, ông kỹ sư Trần Văn Quyết ạ (…)”
Nỗi bi thảm của cuộc chiến tương tàn, không chỉ tàn phá nhà cửa ruộng vườn, đường sá cầu cống phố chợ, mà đã tàn phá con người; biến con người thành những cỗ máy vô tri, xảo quyệt, bất hạnh! Một con người (nhân vật Người Đàn Ông có tên Trần Văn Quyết) là một trí thức trẻ, đã tâm sự như một lời di chúc: “Tôi muốn vợ tôi khóc một lần. Tôi không muốn vợ tôi mỏi mòn chờ đợi (ngậm ngùi) Chờ đợi một cái gì đó ở bên kia đường thấp thoáng, ta bước đến nhưng chẳng thấy gì. Như một trò hú tim. Trò chơi kéo dài. Cho đến lúc ta không biết mình chờ gì. Và người đàn bà như cái hoa, tàn héo. (Đổi giọng, tâm sự) Đúng ra, trong một nghĩa nào đó, tôi đã chết, đã chết vì không còn như xưa. (trở lại cứng cỏi) Xin lỗi anh, anh Năm, chúng ta sắp chia tay, anh là người tôi kính phục, tôi xin thú thật điều này: tôi là một kỹ sư, nhưng tôi là một kẻ lãng mạn!”.
Cuối “vở kịch”, Người Trẻ Tuổi (nhân vật) đã ôm lấy một chú tiểu thơ ngây, trong trắng (nhân vật) nơi cửa chùa nọ để chỉ cho chú nhỏ thấy trong mắt mình có “một con sâu” như một lời sám hối: “Ta chỉ muốn chú phân biệt kẻ phản bội với kẻ khác. Thật chú không thấy gì trong hai mắt của ta sao? Có HAI CON SÂU, có hai con sâu đang bò trong ấy. Tất cả kẻ phản bội đều có CON SÂU TRONG MẮT. Có HAI CON SÂU đang bò trong hai mắt của ta!” - Bởi vì, không ai khác, chính hắn - Người Trẻ Tuổi, là “Kẻ Phản Bội” đã giết chết cả trăm người trong đêm vượt ngục, và hôm nay…
Với sự cách tân cho kịch khi viết (cũng như khi dàn dựng: “Tác giả chủ trương các nhân vật được giản lược phần hóa trang đến mức tối đa. Nhưng đặt quan trọng ở kỹ thuật âm thanh và ánh sáng…”), nhà văn Lữ Kiều đã đặc biệt quan tâm đến các chuỗi chuyển biến tâm lý, tư tưởng, thái độ của từng nhân vật; do vậy - sự “biểu diễn” cũng cần đòi hỏi nhiều nỗ lực của đạo diễn, và từng diễn viên, mới có thể “lột tả” hết được tâm trạng, nỗi lòng, cốt lõi của kịch được gởi gắm trong nhiều tình huống hết sức phức tạp, vi tế… Ngoài hai vở kịch quan trọng được ghi nhận trên, Lữ Kiều còn có vở kịch “Nơi Đảo Xa Kia”(tienve.com) được anh viết trong những tháng năm đầu đời hành nghề bác sĩ nơi Phú Quốc - một hòn đảo xa ở phía Nam, khi vừa tốt nghiệp trường Y. Nếu hai vở kịch trên là hai “trường hợp” mà người đọc có thể dễ dàng chia sẻ, ghi nhận trực tiếp, thì “Nơi Đảo Xa Kia” là một “trường hợp” khác, thiên về một triết lý sống rất sâu khuất, đã thấm sâu vào từng cảnh đời ngay từ thuở nhỏ. Cuộc chiến lúc nầy, không chỉ hủy hoại ở những “người trẻ tuổi, người đàn ông, ông già, bà già”, mà đã bắt đầu đến với những đứa trẻ thơ ở một làng chài xa xôi, hẻo lánh…
Kịch bản” Nơi Đảo Xa Kia” chỉ có vỏn vẹn hai nhân vật chính (là 2 đứa nhỏ/một trai – một gái) và 2 nhân vật phụ (người tù & lính canh) – với một màn một cảnh “Một bãi biển hoang vu; cây rừng và ghềnh đá xen kẽ. Bãi cát vàng. Những con cá chết nằm lăn lóc dọc theo bờ. Hình ảnh trại giam tượng trưng bằng cái chòi canh ở thật xa trên đỉnh núi - nhưng nó đòi hỏi ở người đọc (người xem) nhiều suy nghĩ, trăn trở hơn hết! Người đọc mãi mê theo dõi “trò chơi” kỳ quặt của hai đứa nhỏ, lắng nghe những lời trò chuyện hồn nhiên, chơn phác của chúng; và cuối cùng cảm nhận rằng “trò chơi” của người lớn đã ảnh hưởng đến tâm hồn, suy nghĩ tuổi thơ một cách thật đau lòng, buồn thảm!
Một đoạn đối thoại của hai đứa trẻ:
“BÉ GÁI: Nè. Anh Tư con chú Xồi. Vậy mà ông hội đồng xã nói anh Tư con chính phủ rõ ràng tao nghe. Vậy chú Xồi là chính phủ chớ ai nữa.
BÉ TRAI: Người ta xạo đó.
BÉ GÁI: Sao mày biết.
BÉ TRAI: Người lớn ưa xạo lắm.
BÉ GÁI: (cười ngặt nghẽo) Sau này mày lớn mày cũng bày đặt xạo hé!
BÉ TRAI: Tao không.
BÉ GÁI: Ai biết (im lặng một lát). Thôi nói vòng vo hoài. Bày trò khác chơi đi mày.
BÉ TRAI: Hết biết trò gì rồi (thở dài). Mấy hôm trời động, chỉ mong trời nắng. Bữa nay trời nắng mà cũng đéo có gì vui. Chỉ có mấy con cá chết.
BÉ GÁI: Ừ, chỉ có mấy con cá thúi ình. (Khịt mũi) Thôi về mày.
BÉ TRAI: Tao chưa muốn về (…)”
Kết thúc vở kịch là cái chết của đứa bé trai chạy theo tiếng quạ kêu, và đứa con gái còn lại gọi tên bạn là một bản cổ nhạc miền Nam đã một thời làm say đắm lòng người:
“BÉ TRAI: Tao làm quạ nghe mày. Mày làm xác chết đi. Đi mày. Nằm xuống.
Đứa bé gái vâng lời, nằm xuống cạnh những con cá chết.
BÉ TRAI: (kêu lên) Quạ! Quạ! A...
Bé chạy quanh vòng quanh bé gái. Vòng chạy càng lúc càng rộng và nó phải leo lên những ghềnh đá. Nó vung tay, mặt ngước lên trời, hai chân thoăn thoắt trên những ghềnh đá càng lúc càng cao. Tiếng kêu của bé trai bắt đầu trở nên man rợ.
Quạ! Quạ! A...
Tiếng còi tàu hụ. Tiếng quạ kêu. Đứa bé trai càng chạy mau. Nó nhảy lên ghềnh đá cao và trợt chân té xuống. Sân khấu im lặng.
BÉ GÁI: (bật ngồi dậy) Mày đâu rồi.
Bé gái chạy lại đỡ bạn. Bé trai mặt mày đẫm máu.
BÉ TRAI: (thều thào) Quạ... Quạ... Quạ...
BÉ GÁI: (thét lên) Hoàng Trung! Hoàng Trung! Tỉnh dậy mày ơi!
Bé gái ôm lấy bạn. Người lính canh từ từ dẫn người tù đi ra. Người tù hai tay bị trói gập ra đàng sau. Người lính chĩa súng sau lưng người tù.
LÍNH CANH: (nhìn hai đứa nhỏ, lắc đầu) Em nhỏ, em nhỏ, bạn em chết rồi.
Tiếng còi hụ. Người lính canh dẫn người tù đi.”
Có thể nói, ở mỗi “vở kịch đời” được anh nhìn ngắm, ghi nhận dưới nhiều lăng kính khác nhau, qua từng trang viết tâm huyết một đời…
Sau mấy mươi năm, cuộc chiến đã đi qua, nhưng hiện thực đời sống của “những vở kịch” vẫn còn đang tiếp diễn…