Nguyễn
Lương Vỵ
Bản
giao hưởng gió mùa
của
Nguyễn Xuân Thiệp
43 bài thơ trong thi tập “Tôi Cùng Gió Mùa” của thi sĩ
Nguyễn Xuân Thiệp là một bản Giao Hưởng Thơ lộng gió, đẹp nao lòng nhan sắc mùa
màng. Gió Mùa - Gió, của sử lịch u trầm
rạng rỡ tháng năm, Mùa, của đời-người bão giông chớp tắt u hoài thân phận. 43
bài thơ, 43 tấu khúc, trôi và chảy, chảy và trôi, êm đềm và dữ dội, sâu lắng và
tuôn trào. Gió Mùa - Thi sĩ đã thọ mệnh và mang theo trong suốt hành trình thơ
với một tâm thế khiêm hạ, tĩnh tại và bi mẫn ngay từ buổi thiếu thời:
sáng
nay. tôi lắng bước mùa xưa
chim
nhỏ. năm nao. đậu khóm dừa
sông
chớm đôi bờ thu quạnh quẽ
đường
dài, son đỏ. quán lau thưa
nhà
ai. phơi áo. ngoài hiên nắng
nắng
tắt trưa qua. lạnh bến chờ
cây
ố. sắc tường. vương phủ ấy
trẻ
nghèo. nhặt lá. ngói rơi. hư
nghìn
mùa. sương khói. dậy âm vang
lộp
bộp. hiên sau. trái rụng vàng
bóng
sậu. kêu qua bờ mía dại
xa
nhau. mùa thu. mưa trong trăng
em
đi. nhịp bước dạo đôi mùa
áo
biếc. chìm trong dáng núi xa
trống
lẻ. trường bên. hờ hững điểm
hoàng
thành vừa chợp giấc mơ trưa
thời
đại xây trên lòng quá khứ
tiếng
mùa. hốt gió. rắc ly tan
này
em. nhìn lại nương cày cũ
mặt
đất. khô se. bặt tiếng đàn
(Nhịp
Bước Mùa Thu. 1954. Tr. 5-6.)
Tấu khúc mở đầu, khoan thai trầm lắng, nhìn và nghe
theo nhịp bước mùa thu, tâm tình hoài niệm nhẹ nhàng sâu lắng, “…nghìn mùa. sương khói. dậy âm vang / lộp
bộp. hiên sau. trái rụng vàng…” Kín đáo mà tha thiết, để rồi buông một
tiếng thở dài, “thời đại xây trên lòng
quá khứ / tiếng mùa. hốt gió. rắc ly tan / này em. nhìn lại nương cày cũ / mặt
đất. khô se. bặt tiếng đàn”. Bặt tiếng đàn. Nghĩa là không còn nghe được
nữa, nhưng tiếng đàn vẫn còn ngân vang rất sâu rất xa trong tâm thức. Có chút
dư vang gì đấy của thi ca Tiền Chiến? Không hề gì, “xa nhau. mùa thu. mưa trong trăng,” câu thơ lung linh sáng, đẹp và
lạ. Tôi ước chừng, bài thơ đã được thi sĩ viết ở độ tuổi anh niên (15 – 17
tuổi? Nếu căn cứ vào thời điểm sáng tác, 1954.) Tinh hoa đã sớm phát tiết. Độ
chín của ngôn từ, ý tứ, thi pháp đã sớm hiển lộ. Theo suy nghiệm của người xưa,
Mệnh – Nghiệp của người thơ Nguyễn Xuân Thiệp đã được (hay bị) buộc vào rồi!
Một giọng thơ rất riêng. Một phẩm cách thi sĩ rất riêng.
Hai
năm sau (1956,) vẫn giọng thơ khoan thai trầm lắng, nhưng đã nhuốm màu ưu tư,
khắc khoải hơn:
“…em bảo mùa xuân lạnh
dù hoa sơn khê nhiều
dù ven rừng cô quạnh
đã vang tiếng chim kêu
nhưng bên kia đất nước
một mùa xuân tiêu điều
cúc e dè. ngại nở
bếp nghèo. lửa biếng reo…”
(Trong
Quán. Nhìn Ra Hoa Nở Trắng. 1956. Tr. 8.)
Ngôn ngữ thơ dung dị, âm vang sắc màu vẫn còn nét đẹp
cổ điển, nhưng chất suy tưởng nhạy cảm của một tâm hồn nhân hậu đã chạm tới
trái tim người đọc. Tố chất ấy, sáu năm sau (1962,) khoan thai trầm lắng hơn,
nhưng mạnh dạn phá cách, buông bắt ý tứ mới lạ:
“… tôi nhãn chín. nhớ chim mùa cũ
tôi đường dài. nhớ những hạt mưa thưa
tôi bông sứ. nhớ nắng hương. vàng lụa
tôi trưa hè. ai tiếng võng đưa”
(Nhãn
Chín Nhớ Chim Mùa Cũ. Tr. 12)
Thi sĩ đã cùng Gió
Mùa đi qua năm tháng, đi qua sử lịch theo thể điệu “phong hành, lôi động”
(gió đi, sấm động - kinh Dịch,) theo “nhịp hải hà” (chữ của Nguyễn Xuân Sanh)
của thuở anh niên không còn nữa (Tôi bước
lên đường kêu gọi mãi / Nhớ người bạn cũ thuở anh niên – Xuân Diệu.) Những dự cảm của buổi đầu đời “tiếng
mùa. hốt gió. rắc ly tan” đã hiện
tiền mười năm sau đó (1972,) khi cuộc chiến huynh đệ tương tàn đã đến đỉnh điểm
của tang thương khốc liệt trên quê hương, cho dẫu “trong vườn tôi hoa phù
dung đã nở / ngày rất hồng và chim hót rất xanh”, (…,)“vườn quên lãng đã
phục hồi trí nhớ” (Trong Vườn Tôi Hoa Phù Dung Đã Nở, 1972, tr. 13,) chỉ là
những giây phút yên bình rất ngắn ngủi, mong manh, để rồi, thi sĩ phải thốt lên
lời cảm thán:
“…hỡi
anh em. bạn bè
mắt
chúng ta. đục ngầu cát bụi
kìa
trái đời đã chín trên cây
rồi
rụng
thế
giới chúng ta bây giờ
của
diều và quạ
bay
trên những xác người
anh
tìm gì trong bóng tối
anh
tìm gì trên những giòng cổ ngữ
trên
bia đá nghìn thu
hiền
giả đã quyên sinh…”
(Tôi Muốn Yêu. Tôi Muốn Tin Cuộc Đời. 1973. Tr.21.)
Tháng 3. 1973, hợp âm ưu
uất, cất lên trong “cơn sốt của trái chín và cánh đồng”, trong trận
gió hung, trong bóng quạ, trong tiếng thét hư không… Cuộc
chiến khốc liệt đã cướp mất những giấc mơ và hoài vọng của tuổi trẻ, để chỉ
còn:
“…
tháng ba. rực trời nắng gió
bụi
bay. hợp âm qua hàng thông
em
đốt đời em trên sắc lá
lãng
quên. ngọn lửa dưới chân tường
tháng
ba. chân trời chớp tía
những
chuyến xe lên đường. cơn mưa chợt đến
rào
qua mái nhà. bàng hoàng. mưa ngưng bật
đêm.
những căn nhà gỗ sáng đèn
tháng
ba. trên đồi vông nở
anh
trở về thị trấn. tháng ba
những
sợi dây trời. cắt đau trí nhớ
cườm
tay em. rỏ máu. hè xưa
(…)
tháng
ba. em. những căn nhà gỗ
ánh
đèn khuya. vệt máu hè xưa
đừng
tiếc. chiếc khăn tay ngày ấy
sẽ
bay trong lửa hoàng hôn
tháng
ba. cơn giông rền mặt đất”
(Pleiku. Tháng 3. 1974. Tr. 30-32.)
Những hợp âm của nắng gió, bụi bay, ngọn lửa, những
chuyến xe, những cơn mưa, những căn nhà gỗ sáng đèn, đồi vông, thị trấn, những
sợi dây trời, những vệt máu hè xưa… Những hợp âm của nỗi niềm chua xót, ngậm
ngùi… “cườm tay em. rỏ máu. hè xưa”
(…) “tháng ba. cơn giông rền mặt đất” - “tháng ba. cọp chạy. người xa người / em mang hồn hoa sứ / ngủ
ngàn năm. đất xưa” (Nha Trang. Tháng 3. 1975. Tr.34.) Những hợp âm cũng là
những linh cảm của Thơ, ngân dài, rung lên những hợp âm khác trong bài thơ tự
do “Tôi Cùng Gió Mùa” (1974,) với nhịp chảy trôi ghập ghềnh, khắc khoải,
như dự báo những hiểm nguy, bất hạnh phía trước:
“… hỡi gió mùa
đã cùng ta gặp lại
nhớ không
lần đầu tiên chia tay cùng người
mà lịch sử đã có dư nghìn tuổi
mà hôm nay ta lại gặp ta
người lại gặp người
trong nỗi bàng hoàng
trong cơn sốt vỡ da
hỡi gió mùa
đã thổi từ cội nguồn xa tới cửa hiện thời
thổi qua những rặng núi. những dòng sông
những xóm làng. thành phố
quê hương tôi
đã đến đây chiều nay gặp lại
trong ký ức âm u của đời tôi
đã có những cơn gió mùa chợt dậy
đã có cơn gió mùa thổi qua thành quách cũ
thấp thoáng bóng ngọn cờ
đã có cơn gió mùa thổi qua hàng hàng bia mộ
những mặt người thiên thu…”
đã cùng ta gặp lại
nhớ không
lần đầu tiên chia tay cùng người
mà lịch sử đã có dư nghìn tuổi
mà hôm nay ta lại gặp ta
người lại gặp người
trong nỗi bàng hoàng
trong cơn sốt vỡ da
hỡi gió mùa
đã thổi từ cội nguồn xa tới cửa hiện thời
thổi qua những rặng núi. những dòng sông
những xóm làng. thành phố
quê hương tôi
đã đến đây chiều nay gặp lại
trong ký ức âm u của đời tôi
đã có những cơn gió mùa chợt dậy
đã có cơn gió mùa thổi qua thành quách cũ
thấp thoáng bóng ngọn cờ
đã có cơn gió mùa thổi qua hàng hàng bia mộ
những mặt người thiên thu…”
(Tôi Cùng Gió Mùa. Tr. 39-40.)
“Ánh Trăng” (tr.
88-106,) bài thơ viết năm 1980, trong thời điểm thi sĩ là “người tù cải tạo”,
đã cho tôi một cảm xúc dâng trào, thán phục và ngưỡng mộ. Ban đầu, khi đọc lướt
qua bài thơ, trong trí tôi hiện lên một bản sonate, theo kiểu Sonate Ánh Trăng
(Moonlight Sonate)
của Ludwig van Beethoven, nhưng thông
thường thì một bản sonate chỉ có 3 phần chính, phần nhiều viết cho piano.“Ánh Trăng” của thi sĩ có 6 tiểu khúc,
dài trên 260 câu (dài nhất trong thi tập,) sử dụng cấu trúc 7 chữ theo kiểu
những bài hành thường thấy trong thơ Việt. Có thể gọi, đây là một tiểu trường
ca.
“Ánh Trăng” bàng bạc chất lãng mạn và bi tráng, những nhịp hành
ca thấm đẫm phong vị Đông phương: Hành ca của người thọ nhận điêu linh khổ nạn,
hòa quyện với sắc màu huyền ảo của ánh trăng trải rộng như muốn ôm hết dâu bể
muôn trùng, tạo nên những tiết tấu, cung bậc khắc khoải u hoài của sử lịch và
thời đại, của quê hương và dân tộc.
Tiểu
khúc dạo đầu của “Ánh Trăng,” người
đọc bị cuốn hút ngay bằng những nhịp điệu phiêu bồng, gợi cảm:
“Chiều
xanh. rơi một câu thơ cổ
màu
ráng trời thoảng nét hoàng hoa
bông
sậy lao xao lời trẻ dại
gọi
ai còn lãng đãng bờ xa…”
Và
rồi, tha thiết mời gọi:
“… những
ai trót sẩy đàn tan nghé
hãy
đứng trông trăng sáng lại đời
những
kẻ mù sâu đôi mắt tối
những
hồn mê sảng lạc đôi nơi
trông
trăng thấy bóng đèn hoa nở
soi
áng gương xưa mặt rạng ngời
bằng
hữu đem thân vùi cát bụi
tiếng
tù và động giấc bi ai
này
nghe nếp áo sông thu vỗ
hồn
ơi hồn. nhập khúc trăng trôi…”
Ánh trăng huyền hoặc, vi
diệu, cảm thông, cảm ứng với kiếp người, phận người, “trông trăng thấy bóng
đèn hoa nở / soi áng gương xưa mặt rạng ngời”. Phải chăng, cái đẹp của ánh
trăng đã giúp cho thi sĩ nhẹ lòng, thanh thản trong chốn lao tù, tự tại lắng
nghe mình, lắng nghe đời giữa thời buổi điêu linh thống khổ? Nhẹ lòng, nhưng
Thơ vẫn vang lên tiếng nấc kêu thương, “này nghe nếp áo sông thu vỗ / hồn ơi
hồn. nhập khúc trăng trôi…” Đây không phải là niềm đau cho riêng mình, mà
là niềm đau cho tang thương ngẫu lục của sử lịch.
Tiểu khúc 2, hồi tưởng về
ánh trăng quá khứ, gắn với đời mình “vầng trăng đứng cuối đường ray. gió /
những toa tàu. qua. khuất. lau thưa / thức trong cây. trái tim sầu úa / như
trăng. người của thuở không nhà”. Để từ đó, suy nghiệm về cơn cuộc bể dâu.
Những câu hỏi trong Thơ, hờ hững lời đáp. Câu hỏi cũng là lời đáp không thành
tiếng. Người đọc hẵn sẽ tự hiểu và cảm thông:
“… giữa
cuộc bạo hành. cơn sốt dữ
nỗi
đau này cháy vỡ thịt da
thử
ngẩng nhìn trăng đêm phán xét
ai
công. ai tội. dưới trời khuya
ai
xô trăm họ vào gai gốc
ai
hái dâng đời một đóa hoa
hãy
xét trong cơn đau lịch sử
nỗi
đau nào đau của riêng ta
áo
quan chưa đóng. thời chưa chết
có
kẻ cùng ta thức đợi chờ…”
Tiểu khúc 3, từ thực đến
mộng, “ta nghe nước khỏa bờ lau dại / có một vầng trăng đi trong mưa / có
một vầng trăng hư mọc muộn / tóc ai còn vướng cánh đồng mua…” Cơn cuộc mộng
mị lại quay về thực tại đau xót đến nao lòng:
“…
đêm tù. bạn đọc thơ đầu núi
tưởng
chim rừng động ánh trăng xưa
gió
mùa. thổi lộng trên miền bắc
trăng
rét căm căm. vệt sáng mờ
ta
thấy vầng trăng quầng khóe mắt
chiêm
khê. mùa thối. cánh đồng thưa
trăng
nghiêng xuống xóm làng dịch tể
qua
gò trâu. giọng gió ru hờ
vầng
trăng nào đứng trên đầu dốc
dậy
tiếng tù đóng ván giữa khuya…”
Tiểu khúc 4, lại quay về hồi tưởng để thấu tỏ hơn
những cơn đau của sử lịch, của thời đại, của dân tộc. Thấu tỏ cơn đau để mong tự
mình làm dịu cơn đau bản thân trong chốn lao tù?:
“…ta
nghe cuộc chuyển dời im lặng
những
thời phủ rêu trong sử thi
bỗng
dậy. bàng hoàng cơn sốt biếc
ta
nghe. gió rỉ siết qua mùa
ta
nghe. sấm dậy rền trong đất
những
cuộc tương tranh máu lệ nhòa
thấy
động ngựa xe. tầng khói phủ
những
đoàn quân hạ trại trong mưa…”
Tiểu khúc 5, réo rắc những
âm, màu đẹp, trải dài nỗi niềm tin yêu cõi người và cõi đời. Tuy mang dấu ấn cổ
điển trong cấu trúc, ngôn từ, nhưng vẫn toát lên nhịp đập của thời đại một cách
khoáng đạt. Đây là khổ thơ sâu lắng, cô đọng nhất trong bản tiểu trường ca. Thi
ảnh lấp lánh ánh trăng, biển trời, lệ, tóc, sương, khói, lửa, thép, tro, than…
quyện với nụ hôn nồng nàn trong giấc mơ một ngày sum họp, đoàn viên… Nhạc trong
Thơ như tiếng dương cầm réo rắt trong ánh trăng bảng lảng, bàng bạc, mênh mông,
đẹp một cách bi thiết, nồng nàn. Dù có thể ảnh hưởng đến độ dài của bài viết,
nhưng tôi vẫn trân trọng giới thiệu để bạn đọc thưởng lãm nguyên văn tiểu khúc
nầy:
“trăng
cẩm thạch. biển trời chợt hiện
mây
lìa đàn. bay đi. mây trôi
hạo
ca. biển rạng ngời tan hợp
trăng
bỏ neo thôi. hải phận người
ta
thấy giữa triều mây xao động
lệ
ngân hà. tóc rũ sô gai
chia
ly màu xám. sương và khói
lửa.
thép. tro. than. những tiếng còi
ta
thấy tàu đi. những đóm tía
chiếc
hôn nồng. và lệ đọng môi
ngày
vui sum họp. như hoa. nến
chia
cách dài hơn gió chiến thời
cái
chết im như niềm vắng mặt
trước
sân con trẻ vẫn đùa chơi
ngày
reo trong khóm tường vi nở
nghe
thoảng đêm về. cánh nhẹ rơi
ta
thấy. ôi. mây trời ảo biến
dưới
trăng lấp lánh bãi hằng sa
đất
ơi. nỗi lầm than muôn kiếp
nhân
loại đi như những bóng mờ
nhân
loại yêu đời trong cõi chết
vượt
biên thùy. sa mù. và mưa
từng
nơi đi dưới triền hoe nắng
gùi
nặng. mang theo cả lợn gà
riêng
lão già điên còn ở lại
đêm
đêm. ra nhìn dòng sông. ca”
Hình ảnh của 2 câu thơ
cuối,“riêng lão già điên còn ở lại / đêm đêm. ra nhìn dòng sông. ca”, tôi
đọc chậm lại và lạnh buốt tâm hồn. Phía sau 2 câu thơ là điều gì đây? Hỡi thi
sĩ?!
Tiểu khúc 6, tiết tấu trầm
lắng, chẫm rãi buông xuống ánh sáng dịu nhẹ của đêm trăng, “trăng khuya vằng
vặc soi tâm thức / đêm tịnh. trời trong. gió lắng sâu / mây từng cụm nhỏ. trôi.
trôi khuất / lũ vịt trời. ô. trăm ánh sao…” Ánh trăng vẫn còn đó, cảm
thông, cảm ứng với người. Người tri ân ánh trăng vì “trăng nguyệt cầm ơi.
ngọc mới đông”, “trong khuya. nghe một bông quỳnh nở / phiến lá ngời vàng óng
búp trăng”, “dưới trăng. những mảnh đời han rỉ / sáng lại. ô hoa đã rộ cành”.
Hai khổ thơ cuối cùng, ánh trăng, hồn người cùng sáng lên niềm hỉ lạc, bi mẫn,
độ lượng của từ tâm:
“mai
sau. ôi những mùa đang tới
khép
mi. trong một chút hương trà
lòng
ta. một ánh trăng trong suốt
trên
những nẻo đường nhân loại qua
bên
bữa ăn xanh người đạo sĩ
những
buồn vui của khắp mọi nhà
trăng
khuất. nhưng mùa sau lại mọc
loài
người ơi. nghe tiếng võng đưa
lên
cao. thấy một vừng trăng ngọc
xuống
thấp. còn trong giấc ngủ mơ
soi
bóng thời gian. hồ nước tịnh
đông
phương này. đêm ủ mật hoa.”
Với tôi, đây là một trường ca rất hay, rất đẹp, rất bi
tráng, rạng ngời chất nhân văn. Tôi khâm phục và ngưỡng mộ về cái tâm thế nhân
hậu, trầm tĩnh đến lạ thường của thi sĩ khi viết lên những giòng thơ nầy, giữa
lúc bản thân đang phải chịu cảnh lao tù, thọ nhận bi kịch điêu linh nhất của
phận người. Với tôi, làm thơ cũng chính là tu thơ, cam go thử thách bội phần,
nhất là trong hoàn cảnh thi sĩ phải chịu cảnh đọa đày cả về thân xác lẫn tâm
hồn. Tâm thế của người làm thơ như thế nào thì Thơ cũng như thế ấy! Thơ ngắn,
thơ dài, thể loại, trường phái, cấu trúc, ngôn ngữ trong thơ kiểu gì thì kiểu,
cách gì thì cách, đều đòi hỏi người làm thơ phải biết hàm dưỡng nội lực, khí
chất, tâm thế, trí tuệ. Chính Thơ đã giúp cho thi sĩ có đủ sức mạnh tâm linh,
cộng với lòng nhân hậu vốn có, vượt lên nghịch cảnh, vượt lên những trớ trêu,
khắc nghiệt trong cảnh lao tù. Dẫu đôi lần thi sĩ có cất lên lời oán thán (“Trà Oán” viết năm 1980. Tr. 108-11, “Bài Oán Thi. Đêm Phương Nam,” viết năm 1982.
Tr. 124-127,) nhưng tuyệt không nuôi thù, chuốt hận. Tâm hồn thi sĩ đã bật lên
những giòng thơ rất Thơ, giúp cho thi sĩ sáng thêm bản tâm vô úy, vô ngại. Một
tâm hồn thơ Đông phương hiếm hoi, rất đáng trân trọng. Vì vậy, tôi nghĩ, “Ánh Trăng” là một trong những trường ca
có vị trí rất xứng đáng trong thi ca Việt Nam thời cận đại.
“Như Một Lời
Chia Tay,” bài thơ viết vào tháng
5.1995, từ biệt quê nhà, đành lòng rời xa đất mẹ dấu yêu,“tôi gửi lại / con hẻm mùa đông / gầy yếu / tiếng rao hàng vào giấc ngủ
khuya / những khuôn mặt bạn bè. với nhiều nét gãy / cuộc đời. sướng. khổ. nhọc
nhằn” (tr. 152,) ngậm ngùi nhưng chẳng biết nói gì hơn, chỉ biết mang theo
những hồi ức và kỷ niệm của một quãng đời đầy thơ mộng, trắc ẩn và bi thương
nơi xứ lạ quê người.
“Con Chim Màu
Đỏ,” bài thơ viết vào những ngày đầu
tiên trên xứ sở Hoa Kỳ, Del City, 1995, đầy sức biểu cảm, lắng đọng nhưng da
diết nỗi nhớ quê nhà, “kìa. mùa hè / và
chim / ôi. màu đỏ / đâu. đâu. miền đất xa. nơi gió mùa. và mây trắng / cơn bão
thổi. xơ xác. mái tranh nghèo / nơi tôi từ đó ra đi / trốn chạy một tai ương /
tìm trời nắng rộng (…) “gió trời / đã thổi / chim. hãy bay đi / và mang về cho
ta. từ miền đất khổ. một cọng rơm màu vàng / để ta thấy lại. mùa gặt nơi quê
nhà / mùi đất / và cỏ / ngọn lửa. giờ này. đang cháy âm u. trong thôn lau
lách…” (tr. 155-156.)
Những trận Gió Mùa vẫn tiếp tục thổi trong thơ Nguyễn
Xuân Thiệp nơi đất lạ. Giữa buổi trưa vàng nắng, nhớ bạn nơi quê nhà, hình như
những trận Gió Mùa vẫn mang theo niềm hiu hắt, se lạnh, “ở đây trưa vàng. nắng / hồn mơ một tiếng gà / tưởng tới màu hoa cúc /
đỗ phủ. còn lệ sa / nghỉ những điều không được / núi mờ. kinh nam hoa / quạ kêu
khung trời vắng / ôi mùa xuân. đã xa” (Trưa Nắng Vàng. Làm Thơ Nhớ Bạn. San
Diego, 1996. Tr. 158.) Ngắm khung cảnh xứ người, mà vẫn đau đáu niềm hoài
hương, “này. những thị trấn thơ / những
mái nhà. góc phố / chiều nay / ta mang tặng người hồn viễn xứ / nắng việt nam.
từ bờ xa / ta đi / mang theo màu nắng quê nhà / để không quên / một góc bến
tàu. vỉa hè xưa / mùa này rụng đầy những bông sứ máu / và hồn ta. ôi hồn ta /
đã gửi hương lưu. vàng phố. đi qua…” (Đi Trong Sương Mù Cựu Kim Sơn, 1996,
tr. 160.) Giữa những buổi chiều một mình hồi ức, hồi tưởng, vẫn chưa phai những
ký ức chiều nơi chốn xa, ray rức, bồi hồi, “những
chiều nào chiến tranh việt nam xa / tôi đi trên đường biên giới / thấy trước
mặt mình chập chùng rào cản / mờ mờ những ngọn cờ ma / bên kia một khu rừng.
bên kia một cánh đồng / những ngọn cờ chia lòng người ra từng cõi / và che
khuất những chân trời…” (Những Buổi Chiều Qua Trong Đời Tôi. 1996. Tr.
65-66.) Ngay cả khi mùa thu đến nơi đất lạ, hốt lá trong vườn nhà, nỗi ám ảnh
của mùa thu xa vẫn réo rắt âm vang, “khi
ta đi. mùa thu chưa lại / phượng tàn. đèn thắp. phố mưa / ngói âm dương. rợn
cười. khuya khoắt / tường vi ơi. thuở đợi ai về/ cây rộ kêu. một ngày nắng chết
/ lá rơi. lá rơi. bàn tay phủ đầy / thời gian rã. phù dung. hương tóc / phố xưa
xa. lòng mây trắng bay” (Thu Sang Hốt Lá Trong Vườn. 1996. Tr. 170.) Và
tháng Tư oan khốc, oan khiên, bi thống, bi thương, bi kịch của sử lịch, của quê
hương một thời,“khi nước mất. nhà tan. bạn
bè xiêu tán / thập loại chúng sinh. mờ đồng rừng / hãy diệt. hãy quên. và bắt
đầu lại / này cây redbud / này chim tháng tư / tôi phục sinh. từ một thân cây
mục” (Cây Redbud Và Chim Tháng Tư. 1997. Tr. 172.) Đó cũng là lời cảm tạ
của thi sĩ với đất lạ, và chắc chắn, tôi nghĩ, với Thơ nữa! “hãy nói với quê nhà / hoa quỳ đã bắt đầu nở
lại. trên vùng tuyết tan” (Trên Vùng Tuyết Tan. 1997. Tr. 175.)
Cuối thi tập, “Hoa
Bluebonnet Và Nắng Thơ Tôi” (tr. 182-183,) với 2 bài thơ, “Bài Đinh Cường,” viết cho người bạn
thân của thi sĩ, vào đông 1997 và “Bài
Mai Thảo,” viết để tưởng niệm một nhà văn đã từ trần (10.01.1998,) dậy lên
trong tôi một niềm rung cảm sâu xa về tình bạn, đúng hơn là tri âm tri kỷ trong
cõi văn chương nghệ thuật,“bạn đến tôi. rót
rượu lên trời / có nắng vàng. màu nắng thơ tôi” (Bài Đinh Cường) - về mối
cảm hoài đối với “mệnh” của những người đồng điệu trong cõi văn chương nghệ
thuật, “ca sỹ. sao người dứt tiếng ca /
bãi cát sông hằng. cơn sóng tuyệt / hoàng hôn. hoàng hôn. áo nghĩa thư / hốt
nhiên. đốm lửa từ sinh diệt / cháy. tàn đông. mùa tuyết sắp qua / thì cho cụm
hoa bluebonnet / nở lại trong màu nắng của thơ / sao không. cũng là trang tuyệt
bút / một nghìn trang. có lẻ một tờ” (Bài Mai Thảo.) Nhà văn Mai Thảo, tác giả của “Đêm Giã Từ Hà Nội” và rất nhiều đoản thiên, truyện dài khác; cũng
là tác giả thi tập “Ta Thấy Hình Ta Những
Miếu Đền” (Văn Khoa, California, 1989,) thi tập duy nhất của nhà văn, nhưng
với tôi, đây là thi tập lừng lững chói chang thi tính của Mai Thảo thi sĩ.
Chân dung Nguyễn Xuân Thiệp Sơn dầu Đinh Cường |
Thi tập“Tôi Cùng
Gió Mùa,” một chặng đường khá dài của đời thơ Nguyễn Xuân Thiệp. Khi tôi
ngồi gõ phím những giòng chữ nầy, bài thơ “Nhịp
Bước Mùa Thu” của thi sĩ đã vừa tròn 60 năm tuổi, nhưng bài thơ dường như
vừa mới ráo mực ngày hôm qua, vẫn tươi rói âm vang và sắc màu, vẫn dội vào tâm
thức tôi niềm rung động khôn tả. 43 bài thơ, trải dài trên 44 năm nước chảy qua
cầu (tính từ bài thơ đầu tiên, viết năm 1954 đến bài thơ cuối cùng viết năm
1998, trong thi tập,) cho thấy, thi tập, với số lượng thơ rất chắt lọc, cẩn
trọng, nhưng vẫn cho người đọc cảm nhận được một nội lực thơ có sức hàm dưỡng
sung mãn, thâm hậu. Bản giao hưởng thơ “Tôi
Cùng Gió Mùa” chắc chắn sẽ còn vang vọng sâu xa trong tâm hồn người đọc,
trong dặm dài năm tháng mai sau. Giờ đây, thi sĩ đã bước qua quá nửa của tuổi
thất thập, nhưng vẫn còn đang tiếp tục miệt mài với thơ và những giòng tạp bút
một cách bền bỉ, tràn đầy cảm hứng sáng tạo. Tôi hình dung, thi sĩ vẫn ngồi đó,
một mình một bóng tâm tình với đêm tận, với hồn chữ, hồn người và hồn dâu bể
thiên thu. Và, tôi, sau 16 năm thi tập ra đời, nay mới có duyên để được lắng
lòng thưởng thức. Có chăng, một niềm đồng thanh tương ứng từ phương trời xa của
cố hương, nơi chúng ta cùng hoài niệm? Và tôi tin, rất tin, rằng Thơ, đã, đang
và sẽ mãi cứu chuộc chúng ta! Phải không thi sĩ?!
Bolsa, California, 7.2014
Nguyễn Lương Vỵ
Ghi chú:
Thi tập “Tôi Cùng Gió Mùa,” thơ Nguyễn Xuân Thiệp –
NXB Văn Học – California, ấn hành lần thứ nhất, 1988 – NXB Phố Văn tái bản lần
thứ nhất, 2012.