KIỀU LAM
Vườn rau của Mẹ
Truyện thật của tác giả
Kiều Lam - Ảnh chụp thời ở Trại Hầm Đà Lạt (1966) |
Mùa hè miền đông bắc Hoa Kỳ 8 giờ tối trời vẫn còn rất sang nên sau khi xong việc ở
chỗ làm về đến nhà là tôi lao ngay ra sau vuờn trồng mỗi thứ một chút. Tôi
trồng đủ mọi thứ rau mà nguời Việt mình hay ăn, ham trồng cho vui và để giảm
bớt thì giờ lãng phí cho những việc không đâu. Đến ngày thu hoạch được thì phải
kiếm nguời đem cho vì ăn thì không
hết mà bán thì không đủ. Cũng như mọi ngày, vừa buớc xuống xe là tôi đi thẳng tới cửa rào để
vào vuờn chứ không vào nhà. Nhìn vuờn rau xanh ai cũng nghĩ tới bánh xèo, lẩu
mắm, hay nồi canh chua .v.v…
Vừa kê cái kéo cắt mớ
rau răm để chiều nay làm gỏi gà tự nhiên bỗng thấy nhớ mẹ quay quắt. Cũng những thứ rau
này, suốt ngày Mẹ quanh quẩn ngoài vuờn, hết nhổ cây này lên, trồng cây khác
xuống, nhờ vậy mà cả nhà muời mấy người không tốn đồng tiền rau
nào mà lại là rau hoàn toàn organic. Mẹ tôi, một nguời mẹ quê chơn
chất nhưng trồng rau rất mỹ thuật, đằng
truớc mặt nhà có năm cái chậu, mới nhìn qua giống như năm cái chậu hoa được làm
từ năm cái thùng cây Bố giúp
Mẹ cắt từ những cái thùng gỗ tròn đựng ruợu tây. Hồi đó bố nấu ăn cho nhà hàng
Tây. Những thứ này phải là những nguời lớn tuổi từ
thời Tây mới biết được. Một nửa được chôn duới đất một nửa nổi trên mặt đất - Mẹ cho đất vào đó. Một chậu trồng hành và ngò chung, hễ mà nấu canh gì cần hành
ngò là chạy ra hái vài cọng rửa sạch cho vào nồi canh, thơm đáo để. Một chậu trồng chung các
loại rau thơm, chậu nữa trồng bụi cây bina - loại này do một bà đầm đem giống từ bên Pháp
qua. Ăn hơi giống như rau mồng
tơi của mình nhưng có mùi thơm hơn, nguời Pháp rất thích ăn loại rau này, một
chậu trồng cây sâm nam chỉ ăn lá chứ không có củ, còn một chậu trồng rau càng
cua, các loại rau này rất dễ sống cứ cắt đi năm muời ngày sau lại nứt tuợt mọc lại cái khác.
Thế là Mẹ cứ thay đổi, bữa thì ăn
rau này, bữa ăn rau kia, khi nào mấy thứ đó hết thì lại có những thứ
khác. Quanh năm mùa nào theo thức ấy.
Bên hông nhà có miếng
đất trống giữa vuờn chè (trà), Mẹ đào một cái hố thật sâu để làm nơi đổ rác. Một công hai việc,
xung quanh cái hố rác Mẹ chất những cành cây được tỉa cắt từ những cây mít, cây
ổi hoặc có khi phải đi
xa một chút để nhặt những cành thông khô, chặt những bụi quỳ vàng mọc hoang.
Rồi vây thành một cái vòng tròn, xong quẳng vào đó vài hạt giống bí ngô. Vào
mùa hè khi mà giây bí đã bò kín cái hố rác rồi thì sẽ không còn thấy cái hố
rác, tuy vẫn xử dụng để đổ rác hằng ngày rác sẽ trở thành phân hữu cơ nuôi cây
rất tốt. Đến khi bí đã trổ bông sẽ thấy
một bụi hoa khổng lồ vàng rực trông rất đẹp mắt, thuờng nguời ta phải
tiả đi những bông đực vì loại
này không có trái. Vào lúc này tôi hay lúc thúc cầm theo cái rổ con, giúp mẹ đi vòng vòng theo sau
lưng Mẹ cùng đứa em gái út lẩm đẩm xung quanh bụi bí để chờ
Mẹ hái bông bí và đọt bí. Một hình ảnh thật ấm áp và dễ thương. Cây bí ăn từ
lúc những đọt còn non cho tới trái bí non, bí đúng độ tuổi rồi tới bí già để
dành được rất lâu trữ để ăn vào những ngày trời Đà Lạt mưa dầm.
Vuờn nhà tôi rất rộng nhưng Mẹ không để một chút đất nào trống. Những nơi không
thể chen lọt được một loại cây nào cũng rải vào đó mớ hạt dền cơm,
lâu lâu hái thêm những loại rau mọc hoang như rau má, rau tàu bay v.v… là cũng
có được bữa canh tập tàng ngon bổ khỏi tốn tiền… Ngoài những loại cây có
trái nhu mận, hồng, đào, cam sành v.v…Thứ nào cũng tuyển giống thật ngon mới
trồng, có hàng có lối đàng hoàng. Nhớ nhà tôi chỉ có hai cây mít, một cây mít
nghệ, một cây mít dừa, cây nào cũng ngon đặc sắc. Chắc chị Lang (Chị này là
lang thang, chứ không phải là hoa lan) còn nhớ mùi vị của hai cây mít nhà em?
Em còn nhớ lúc nào mít chín rộ thế nào Mẹ cũng sai một trong ba chị em mang
sang biếu thím Năm
Tý mẹ của chị Lang. Em là đứa hay giành đi để sang nhà chị đổi lấy ly nuớc hột é ngâm với
trái luời ươi, ờ há! Sao nhà chị lúc nào cũng có sẵn nuớc hột é? Vành đai truớc sân nhà là một
giàn hoa kim châm, khi hoa trổ bong, hoa có màu vàng óng ả. Buổi sáng mặt trời ló dạng
chiếu ánh sáng qua những hàng bông có những giọt sương còn đọng lại đêm qua,
lấp lánh như những chuỗi kim cương rất đẹp. Rồi đến khi hoa sắp tàn, hái
đem phơi khô để dành vào dịp giỗ, Tết dùng để nấu canh miến
rất ngọt. Nhà tôi ở lưng chừng đồi phía sau lưng nhà tính
từ nhà nguợc lên trên đồi có bốn tầng. Mẹ trồng những luống khoai mì xen kẽ với
những cây ổi và đaò
lông (giống nhu trái peach ở Mỹ). Mùa Tết hoa nở rất đẹp - những loại này ít tốn
công chăm sóc. Khoảng giữa là căn nhà gỗ lợp tole bốn gian. Xuống đến tầng cuối
cùng có bốn tầng nữa vị chi là chín tầng (vì Mẹ tôi tính theo phong thủy), tầng
ở đây giống như ruộng bậc thang ở ngoài miền Trung, hay ngoài miền Bắc. Rồi từ
sân nhà trở xuống tầng tiếp vẫn thêm một phần trà. Cho đến trà Mẹ tôi cũng tự sao
lây để uống chứ khỏi phải đi
mua. Hai tầng kế tiếp là hồng và mận. Nói tới Trại Hầm là phải nói tới mận
(Tức là trái plum ở Mỹ). Mận và trái đào thì không
lớn như ở Mỹ nhưng giòn và ngọt có nét đặc trưng riêng. Mẹ tôi còn tự làm ruợu
mận. Tôi không nhớ nuớc cốt của ruợu mẹ làm như thế nào còn trái mận thuờng mẹ
tôi hay ra vuờn buổi sáng sớm có khi cả nhà chưa thức dậy. Mẹ đi từng gốc cây mận
để luợm những trái mận rụng vì quá cao dùng sào hái không tới nên khi chín nó
tự động rụng xuống. Trái mận rụng chín mùi ăn
rất ngọt. Những trái mận này mẹ tôi cho vào chum ruợu khoảng một năm sau mới đổ
ra. Lúc này thì trái mận săn lại nhăn nhúm, mẹ để cho
ráo và bay hết mùi ruợu, rồi cho một ít muối và đường ngào lại thành món xí mụi
ăn không giống xí mụi của Tàu nhưng cũng rất ngon, ăn nhiều cũng say đấy vì có
chất ruợu. Tôi thuờng gói đem
đi học để hối lộ cho nhỏ
bạn ngồi cùng bàn đổi lấy mấy bài toán khó.
Rồi đến tầng cuối cùng
nơi có con suối nhỏ chảy ngang vuờn cũng là ranh giới giữa hai nhà hàng xóm.
Tầng này rộng nhất nên Mẹ trồng rất nhiều thứ. Quanh mé bờ suối là một
hàng mía, nghe mẹ nói một công hai việc, trồng mía để giữ đất không bị sạt lở
những khi trời mưa lớn, nuớc trên nguồn đổ về làm xói mòn đất. Khi trồng mía mẹ tôi cũng chọn giống mía từ Nha Trang - mía có hai màu, màu tím
thẫm và màu vàng. Cây mía rất cao trồng xen kẽ mỗi bụi một màu nhìn mía cũng đã
đẹp. Ngoài ra cũng có những bụi mía lau màu đen, nhưng đặc biệt có một loại mía màu trắng rất
mềm và cái ngọt của nó rất đặc biệt tôi không biết ở nhà có ai phát hiện ra loại
mía này trong vuờn nhà không. Còn tôi hể mà muốn ăn
mía thì tôi lục lọi từng bụi chừng nào không có cây mía màu trắng thì mới ăn
tới cây nào có màu đen
nhất. Vì vậy tôi nghĩ trong nhà chưa có ai phát hiện ra vì loại này rất hiếm
nên có cây nào thì đã bị tôi xơi mất tiêu rồi. Mỗi khi tết đến, truớc bàn thờ
nhà tôi lúc nào cũng chưng hai cây mía giống như nguời ta trồng cây nêu ngày
tết.
Thôi chuyện tết thì
nhiều lắm, để rồi sẽ viết vào truyện khác. Còn bây giờ nói tiếp về vuờn rau của
Mẹ. Ở sát vách đất là một giàn su su. Hà
tiện đất, Mẹ tôi chỉ dựng nghiêng nghiêng những cây sào phần duới soai soải sát
mặt đất phần ngọn thì dựa cao theo đến đỉnh của phần đất bên trên, mỗi cây sào
cách nhau 30 centimet rồi lấy dây thép sợi nhỏ buộc lại đan thành ô vuông đến khi
lá su bò rợp kín, và khi su có trái lủng lẳng trên giàn nhìn hay lắm. Khoảng
trống ở duới mẹ trải một chiếu cho mấy chị em chúng tôi chơi, khi chơi chán
buồn ngủ thì lăn quay ra đó mà ngủ rất
thích. Sát cạnh bờ rào ranh giới phía tay mặt của nhà hàng xóm
là một hàng chuối Ba Hương. Ủa mà sao cứ mỗi lần chuối bắt đầu già
hay có trái chín bói, tôi là đứa hay bị sai đi hái lá bông trang về
để dú chuối. Còn mấy ông anh, bà chị làm cái gì ta? Nhưng mà bù lại tôi là kẻ có công nhiều nên
khi chuối chín tôi đượcc ăn nhiều nhất vì chỉ có tôi và Mẹ mới biết chuối dấu
ở đâu hi…hi! (loại chuối này thơm lắm, khi chín vỏ có dấu chấm đen ở ngoài, giờ mới biết
chuối càng có chấm đen
nhiều chừng nào tốt chừng ấy ngăn ngừa được bệnh ung thu, làm tăng trí nhớ, trị bệnh vọp
bẻ v.v… Vỏ chuối cũng trị được bệnh ngứa đó, khi nào bị con gì đốt, lấy vỏ
chuối lật bên trong chà lên chổ ngứa hết liền). Phần đất còn lại ôi thôi đủ
thứ, có cả bắp chừng vài trăm cây nhưng chúng tôi cũng được ăn đủ thứ món chế
biến từ bắp. Đầu tiên được ăn bắp luộc,
bắp nấu chè, rồi khi bắp già Mẹ cắm vào đuôi trái bắp một chiếc đũa tre, gạt than hồng
cho mỗi đứa tự nuớng, bắp chín phết lên chút mỡ hành có pha chút muối, trời ơi ngon hết biết! Giờ nghĩ lại cũng còn
thèm. Nếu còn thừa lảy hạt đem
phơi khô, làm món bắp hầm, nguời bắc gọi là bắp bung, bữa nào sang cho tí nếp,
đậu xanh làm xôi bắp. Còn một món độc đáo nữa là bắp lớ món này không có trên
thị truờng, và cũng chưa thấy trong mục gia chánh nào trên “net” hay trong sách
nào cả. Bắp rang giòn, giã mịn trộn tí đường, phải
ăn từ từ không thôi bị nghẹn, vừa ăn, vừa nói là
bị sặc chết luôn. Hôm nọ thấy nhớ nhớ cũng làm ăn, nhưng mà sao thấy nó vô
duyên tệ, món này phải ăn đúng lúc, nhất là trời mưa dầm của Đà Lạt nhà quê không có quà
vặt, vây quanh nồi bắp rang, háo hức chờ Mẹ làm xong xếp tờ giấy học trò thành
như cái phễu Mẹ chia cho mỗi đứa một gói, đồ xúc là cái lá mít gập lại. Ủa mà
sao tôi lan man chi qua tới món gia chánh của Mẹ vậy cà? Vậy đó những ngày trời
mưa, không đi ra vuờn được, Mẹ ở trong nhà lục lọi khi thì món này khi món kia,
chế từ những thứ đa
số là từ trong vuờn nhà tôi có được Mẹ tôi nấu ăn rất ngon. Vì thế có lần nghe đuợc mẫu đối thoại giữa hai
nhà hàng xóm. Cô này nói giọng Đà Lạt giống tôi nhưng gốc miền trung, “O Bảy nè! Bửa ni con hấp
bánh đúc lát nữa mang qua cho O
ăn thử, bánh đúc con làm
trắng bóc chở không vàng khè như của bác Bếp mô.” “Bánh đúc thì nguời ta
phải cho nuớc vôi nên mới có màu vàng, và khuấy mỏi tay mới ra bánh đúc, còn mi
làm trắng bóc, còn đem
đi hấp chắc e mi làm bánh
bèo thì có”. Bánh đúc mà ai làm cho qua bác Bếp. Cả làng
đều gọi Bố Mẹ tôi là bác Bếp vì họ không
biết tên tộc của bố mẹ tôi. Vì nghề của bố là nghề nấu ăn, nên đặt cho cái tên
Bếp còn thêm đằng sau nữa là bác Bếp Vĩnh. Ủa mà chữ Vĩnh này ở đâu mà ra? Tên
tộc của bố tôi đâu phải vậy! Điều
này tôi quên chưa kịp hỏi bố mẹ.
Chúng tôi may mắn được
huởng những món ăn cả Tây lẫn Ta từ nơi Bố Mẹ. Cho tới món nuớc mắm kho quẹt cũng làm
ngon hơn nguời ta, Mẹ kho bằng cái trách đất, khi bắc nồi cơm lên, gạt than qua
một bên, để cái trách đất nghiêng nghiêng cạnh cái bếp kiềng ba chân, khi cơm chín
thì nồi mắm kho quẹt cũng vừa cạn. Bởi vậy món kho quẹt của mẹ tôi làm có nguời
ăn đã 50 mươi năm
rồi mà vẫn còn nhớ… Nhỏ Hạc Cúc con gái ruợu của Bác Hòa (Tiệm thuốc bắc
Nghĩa Hòa ở Đà-Lạt ) 50 năm sau hai đứa gặp nhau ở
Texas trong một tiệc cuới. Sau một hồi hỏi thăm nhận ra nhau chuyện đầu tiên nó
nhắc tới là món nuớc mắm kho quẹt. Đổi lại hồi đó đi học xa nhà tôi phải ăn
com ké nhà Hạc Cúc với gà tìềm thuốc bắc. Nhà Hạc Cúc lúc nào cũng sẵn có
thuốc bắc. Gà tiềm đổi nước mắm kho quẹt. Chuyện không tin mà có thiệt! Hồi đó hai đứa học chung
một lớp ở trung học có nhiêù kỷ niệm nhưng thôi để bữa nào viết riêng chuyện
hai đứa mình nghe Hạc Cúc.
Mẹ
còn có món khoai lang chà làm từ
những củ khoai lang luộc chín cho vào cái rổ thưa chà cho rớt xuống đem phơi khô. Món này bỏ
túi ăn vụng trong lớp ít bị phát hiện. Còn củ chuối (loại để làm miến) củ mình
tinh, luộc ăn tươi, còn thì đem mài hoặc xay, đăng lại làm thành bột. Buổi
sáng không có gì ăn Mẹ khuấy một chút bột, một chút đường cho chúng tôi lót dạ đi học. Giờ thấy thằng
cháu ngoại sáng sáng ăn cereal đi
học cũng giống cái cảnh nghèo của tụi tôi hồi đó chứ có khác gì, cereal cũng
làm bằng bắp mà. Sau khi thu hoạch bắp, thì mẹ lại trồng những loại có củ
xuống. Hai thứ này bất di bất dịch vì hai vụ cách nhau năm đến sáu tháng. Giờ
nghĩ lại Mẹ tôi trồng có kế hoạch đàng hoàng giống như cách dẫn thủy nhập điền vì vuờn có con suối chảy
ngang. Trong khuôn viên của vuờn, Mẹ lấy đá tảng chăn từ đáy lên cho khỏi
mặt đất của vuờn, cứ vài ngày thì bịt kín lại cho nuớc tràn vào
trong vuờn, khi nuớc đã thấm đều các nơi thì Mẹ lại tháo
cho nuớc chảy ra suối lại, vì thế nên không phải tuới bằng gánh hay vòi bơm
bằng máy như các nơi khác. Còn lại chừng một phần ba của thửa vuờn một vài loại phải
cần có cây làm choái như đậu leo, dưa leo, đậu ngự, đậu petit pois
(pea). Một vài luống rau tần ô (cải cúc), xà lách, nhưng nhiều nhất là cải bẹ
xanh loại này ăn được nhiều thứ từ khi cây cải còn rất non thì nhổ bớt để ăn
rau ghém. Trời mưa lâm râm, nhổ cải non làm bánh xèo thì tuyệt cú mèo,
không còn gì bằng. Lớn hơn một chút thì nấu canh hay luộc. Khi già thì làm dưa.
Mẹ tôi làm dưa cải rất ngon, một ít muối sổi để ăn ngắn ngày, còn bao nhiêu
thì đem muối truờng (loại này
làm mặn hơn và để nguyên cây) để giành ăn lâu ngày. Dưa cải truờng, thuờng thì đem kho với cá bè, cá
ngừ, với thit heo quay, nấu canh với sườn heo, tôm khô v.v… Ý cha! Nói cho sang vậy
thôi, thuờng thì kho với tóp mỡ. Lâu lâu Mẹ sai cầm cái hũ chao không để mua dầu
phụng. Leo lên con dốc ngoằn ngoèo vừa bò vừa chạy lúc
lên mỗi buớc đi cái lưng còng khẳm như đang bò, lúc về có đi cũng nhìn như chạy, bộ
dạng như cái xe bị đứt thắng lúc xuống phải chạy, cũng hết nửa tiếng đi về mới
tới quán ông Ý. Cái quán mà là vừa là nhà ở vừa bán tạp hóa, hầm bà lằng thứ gì
cũng có, vừa là nơi làm phòng mạch để chích thuốc nữa đó. Lâu lâu có khách đông
ông cũng ra phụ bán hàng mắm muối gì cũng bán, xong rửa tay, chích thuốc tiếp.
À mà có rửa tay hay không tui hổng biết à nha! Kể
cũng lạ, làng Trại Hầm hồi đó có chừng hơn
trăm nóc nhà mà quán nhỏ quán lớn gần chục cái bình quân mỗi quán bán cho muời
nhà!
Có lần vấp té trầy đầu
gối, hũ chao
làm bằng loại thủy tinh dỏm nên bị bể, thế là được dịp
khóc! Sau lần đó bố kiếm cho cái hũ bằng nhựa. Tôi là đứa
hay bị sai vặt nhất nhà. Bù lại, mỗi lần đi như vậy được
Mẹ cho một đồng để ăn kẹo … Không cho
thì xén bớt, đưa 5 đồng thì mua 4 đồng thôi, do
vậy mà ham đi chớ có siêng năng gì ! Bởi vậy mới bị quả báo cái tội ăn bớt, phải trả
nợ hơn hai mươi năm rồi mà chưa hết. Nhắc tới ông Ý còn nhớ chuyện tôi cũng bị
ông chích thuốc một lần. Hồi nhỏ tôi có một cái thú là những
ngày trời
có sương mù nhiều tôi chạy lên đứng bên này ngọn đồi sau lưng nhà. Đợi mặt trời lên, màn
sương tan từ từ nhìn sang bên kia đồi thấy như có ai kéo cái màn của sân khấu,
từng cảnh của những ngôi nhà bên kia đồi, như cảnh ngôi chùa Linh Phong, cảnh mái đình,
hai nơi này cao nhất nên lúc nào cũng hiện ra truớc, rồi từng nhà, từng nhà
hiện ra thú vị lắm. Có hôm quần áo đẫm sương lạnh quá tôi về nhà cứ để vậy chui
vào chăn trùm kín nên mới bị cảm sốt. Cho nên mới biết nhà ông Ý có chỗ chích
thuốc.
Nghe bố tôi nói, gia
đình tôi là một trong những gia đình đến đây lập nghiệp từ rất sớm. Và nơi đây
lúc bấy giờ là những rừng thông bạt ngàn còn có cả những thú dữ như cọp, beo v.v…Không hiểu từ lúc nào mà
Mẹ tôi có một cái vuờn khuôn viên đẹp đẽ với ngần ấy thứ rau quả. Cả
nhà rất đông nhưng tôi đâu có thấy nguời nào giúp mẹ những công việc vuờn tuợc. Bố thì đi làm bên
ngoài. Các anh đi lính, chị lớn cũng theo bố kinh doanh. Thỉnh thoảng
những việc nặng nhọc Mẹ nhờ bác Hai Nghi (Ba của chị Tý) hay những nguời dân
tộc thuợng. Và hình như chỉ còn lại ba chị em tôi - dù chúng tôi còn rất
nhỏ - là gần gũi mẹ để giúp mẹ một vài công việc vặt vảnh. Nhiều khi mỏi quá Mẹ
nhờ bóp cái tay hay đấm lưng cho mẹ. Tôi ra điều kiện: con chỉ bóp tay mẹ
100 cái thôi nghe. Nhung đâu có đếm từ một tới 100 mà đếm năm muời, muời lăm,
hai mươi … Có ai còn ngu hơn tôi nữa không? Ngày đó chắc ông Phạm
Duy có đi ngang nhà tôi hay sao ấy nên ông mới sáng tác được
bài hát “Bà mẹ quê” (Vuờn rau vuờn rau xanh ngát một màu … Có đàn có đàn gà con
nương náu. Mẹ quê mẹ quê vất vả trăm chiều …Nuôi một nuôi một đàn con chắt chiu
…) Hình ảnh bà mẹ quê trong bài hát là thế nhưng hình như cũng chưa đủ để lột tả được hết
những cơ cực, gian khổ của mẹ tôi. Mùa đông Đà Lạt hồi
ấy lạnh như cắt nhưng Mẹ tôi ở ngoài vườn nhiều
hơn ở trong nhà. Có khi mẹ vừa từ vuờn vào đển nhà là vừa lên đèn để lo bữa
cơm chiều. Lúc nào cũng đi chân trần. Không khi nào ra khỏi nhà. Những nhu
cầu khác thì đã có chị và bố lo. Hôm nào bố ở
nhà Mẹ mới ở trong nhà để
lo cơm nuớc cho bố. Nhưng hễ mà bố đi nghỉ
trưa là lại cũng len lén đi ra vuờn. Thế đó nhưng hình như chưa bao giờ
nghe một tiếng than thở nào từ nơi mẹ, có chăng mẹ đã âm thầm nên tôi không
được biết. Một thời tôi đã nghĩ rằng bố là nguời gian khổ hơn mẹ vì bố là nguời
lo phần kinh tế. Thực ra mẹ là nguời chăn dắt đàn con, từng đứa từng đứa, đã
vắt kiệt dòng sữa từ tấm thân gầy. Và cứ thế lớn lên êm đềm trong vòng tay yêu
thương của Bố Mẹ. Khờ dại không hiểu đuợc Bố Mẹ
nuôi mình khôn lớn là cả một cuộc đời đánh đổi bằng mồ hôi nuớc mắt. Nói là
thế, viết là thế nhưng liệu nếu có còn mẹ còn bố không biết tôi trả hiếu cho
bố mẹ bằng cách nào đây? Hay như vợ chồng ông cán bộ lớn tổ chức mừng
Đại Thọ cho mẹ nhưng dặn rằng bà ăn xong thì đi cửa sau mà về, đừng có mà
léng phéng ra cửa truớc mà làm nhục chúng tôi. Hay có
nguời mua vé cho mẹ về thăm quê hương mà không mua vé khứ hồi. Ngày đưa được
ông bố bà mẹ vô nhà già thở phào nhẹ nhỏm . Hôm cầu siêu cho mẹ ở chùa Thầy
tụng ở trên, mình ngôi duới có nhất tâm được đâu, vì còn nghĩ tới làm sao sửa
lại cái phòng truớc đây mẹ ở để cho thuê chí ít cũng có đuợc 500
dollars mỗi tháng v.v…Đọc
tới đây chắc có nguời nghĩ làm gì có mà tệ vậy! Ồ xin lỗi! Nói vậy chớ không phải vậy mà còn tệ hơn nữa
kìa !
Năm 88 tuổi mẹ tôi mất.
Nguời thanh thản ra đi trong một buổi chiều. Sau khi tắm, gội sạch sẽ, cơm
chiều xong, chị tôi đọc kinh Phật cho nguời nghe, thấy mẹ nằm
im nhắm mắt tuởng Bà ngủ chị tôi thôi không đọc nữa nhưng khi thấy Mẹ nằm ngoẹo
cổ qua một bên chị tôi đưa tay sửa lại thế nằm cho bà thì mới hay Mẹ tôi đã
vĩnh viễn ra đi. Mẹ tôi có một đời sống rất hiền hòa, nhân hậu, hạnh
phúc bên nguời cha đáng kính của chúng tôi.
Cám ơn chị Hai đã thay
mặt và có công lo cho Thầy U đến ngày cuối cùng . Thôi thì để
chúng em trả hiếu bằng cách lo lại cho chị những ngày tuổi
già bóng xế của chị vậy!
Kiều Lam
Virginia mùa đông 2011