Thursday, September 4, 2014

52. NGUYỄN THỊ MINH NGỌC Truyện ngắn TIỂU HÀ


Nguyễn Thị Minh Ngọc

T i ể u   H à



Khăn hồng
Sơn dầu trên giấy 12 x 14 in
dinhcuong


Cô chú ý số máy 9969 ngay khi nó mới bắt đều hoạt động. Câu đầu tiên được nhờ nhắn tới số máy là: “Tôi ơi! Ðừng tuyệt vọng!”.
- Cô hỏi theo thông lệ:
- Xin cho biết ai là người nhắn tin này?
- Dạ! Tôi!

Cô khựng lại một giây:
- Nghĩa là sao ạ?

Bên kia giọng vui đánh vần từng chữ:
- Dạ! Tờ ô tô i tôi!

Cô nén bực bội, hỏi tiếp:
- Dạ thưa còn người nhận là ai ạ?
- Tôi!
- Dạ, nghĩa là sao?

Bên kia một tràng cười giòn giã:
- Dạ! Nghĩa là tôi nhắn cho tôi. Cô không hiểu gì sao?
- Tôi mới sắm máy và báo cho mọi người biết số này nhưng chờ mãi chẳng ai gọi đến. Tôi phải nhắn câu trên để tự dỗ dành mình ráng đợi.

Lại cười. Giọng cười này quen lắm. Dường như cô đã được nghe hoặc xem ở đâu đó trong một tiết mục hài. Dường như 9969 là một nghệ sĩ biểu diễn.

Mà cái thế giới của những người biểu diễn này, rất thường có những câu nhắn kỳ quái như bỡn đùa, khác hẳn với ngôn phong đứng đắn của những người làm các nghề nghiệp khác. Chẳng hạn:
“Trăm con chim mộng về bay đầu giường chưa?”.
“Trăm con hạc trắng đã bay về bồng lai!”.
“Sao không đến dự đám tang chồng thứ năm của Võ Tắc Thiên tại Bá Lạc Ðài!”.
“Nhóm Hồng Lâu Mộng họp kiểm điểm ở nhà hàng Ngàn Sao trước giờ diễn hai tiếng”.
“Chia buồn cùng Người Bị Ăn Cắp Giấc Mơ!”.
“Làm sao giết được người trong mộng?”.
“Hãy tập thể dục trước khi ngủ”.
“Người ơi, người ở đừng về!”.
“Bán miệng nuôi con nhanh lên. Các con đang đợi mẹ ở nhà”.
“Mẹ Can Ðảm đã bị Gã Khờ quyến rũ mất rồi”.

Có lần nghe một câu hơi quá trớn:
- Con Thị Mầu kia, chồng còn sống đấy!.

Cô đã lễ phép thưa:
- Dạ, xin phép bớt chữ “CON” ở đâu được không ạ?

Bên kia rộ lên năm, sáu giọng cười và một giọng nói nghiêm chỉnh:
- Chị ơi, chính là chữ quan trọng nhất trong câu mật mã riêng của chúng tôi mà!

Những lời nhắn tin của 9969 sau đó thì rất hiếm hoi những câu nhắn như vậy. Ða số chỉ là những tin tức về giá xe cúp xuống lên, giá vàng, đô-la lên xuống.

Cô hình dung về 9969 như một nhân vật bán buôn là chính, còn nghệ thuật chỉ là một sinh hoạt rất phụ nhưng cái phụ này là hỗ trợ lớn cho cái chính ố như một vài nhân vật cô vẫn thấy xuất hiện trên màn ảnh nhỏ với những lời xì xào từ phía khán giả rằng người đó “mua vai”.

Nhưng chẳng dính dáng gì tới cái sinh hoạt bạc tiền ngày một của anh ta với câu nhắn ngày đầu tiên. Tôi ơi, đừng tuyệt vọng. Và nếu không có câu nhắn ấy thì có lẽ cô đã xóa ấn tượng về 9969 ngay sau khi rời khỏi chỗ làm. 

Ngoài giờ đến trung tâm nhắn tin, cô đi học thêm vài lớp ngoài giờ. Tánh cô ít giao du bạn bè. Có lẽ khối lượng tin phải nhận và đưa trong giờ làm việc đã khiến cô mỏi mệt đến độ không còn tha thiết đến chuyện phải quen biết thêm ai nữa. Ðã có lần cô thử chơi trò kết thân bằng thư tín nhưng rồi cũng chẳng đến đâu. Giờ rảnh cô thích đọc sách hơn. Những nhân vật trong truyện đôi khi tạo cho cô cảm giác gần gũi hơn những người cô đã gặp ngoài đời.

Tháng tư năm nay, bắt đầu xuất hiện một nhân vật mới thường gọi về số máy 9969: Tiểu Hà!.
“Em chúc anh một giấc ngủ đầy mộng đẹp”.
“Anh ơi! Nhớ mang theo áo mưa! Tháng này mưa nhiều lắm đó!”.
“Anh ơi! Ráng ăn thêm chén nữa, cho em”.
“Em không học được. bỗng nhớ đến độ muốn bỏ hết để chạy vô trong đó với anh”.

Cô thấy mừng vì xen kẽ những câu ngắn quẩn quanh dream, cub, màu ngọc, đậu, lý... hột xoàn ngọc huyết còn là những câu nhắn êm ả chân tình này cho 9969. Và cô bỗng nhận ra có cái gì đó khác thường khi cô để tâm lắng nghe ngữ điệu để hình dung ra một Tiểu Hà. Lúc giọng Nam, khi giọng Bắc, khi là phụ nữ, lúc lại con trai nhưng âm sắc lộn xộn ấy lại luôn mang một cái tên chung là Tiểu Hà.

Cô thử vẽ ra một câu chuyện. Tiểu Hà ở một nơi rất xa. 9969 quen được Hà trong một chuyến đi xa (để bán buôn hay lưu diễn chưa biết!). Hà rất quý mến anh, nghe những lời nhắn thiết tha thì biết. Còn anh thì thế nào? Gặp một cô gái như vầy và nếu cả hai đều chưa lập gia đình thì cũng không thể không thương. Sau đó, anh về Sàigòn. Ngoài thư từ, Hà còn gọi điện thoại vào đây nhờ những người thân quen như cô dì chú bác nhắn tin giùm đến số máy của anh bằng những lời Hà dặn sẵn.

Về một mặt nào đó, cô thấy mình vi phạm đạo đức của một người nhận tin. Lẽ ra cô không nên suy diễn lan man về những mẫu đời riêng của khách hàng. Nhưng khốn thay cô cũng có nỗi buồn chán của riêng cô, một cô gái nhút nhát, nhan sắc trên trung bỉnh một chút, chưa có người yêu, cô lẽ cũng không nên cấm cô mơ mộng vẩn vơ về những mẫu chuyện tình của người khác.

Một hôm, cô nghe Diệp số 28 ngồi nói chuyện với Yến số 13.

“Chưa thấy ai vô duyên như cái ông số 9969, cứ gọi điện thoại lại đây dặn nếu ai tên Tiểu Hà nhắn tới 9969 thì đừng truyền đi nữa, ông không muốn nhận. Ông cằn nhằn rằng sao đã gọi rồi mà không nghe. Mình phải giải thích là tụi mình gồm rất nhiều người, có khi ông ấy dặn mình thì người khác không biết, vẫn phải truyền đi tin của Tiểu Hà.

Ðúng rồi, cô là một trong những “người khác” ấy. 9969 chưa trực tiếp dặn cô thì cô vẫn còn nhận những lời thủ thỉ của Tiểu Hà:
“Anh ơi, bộ không còn thương em nữa hả?”.
“Kệ anh, dù sao thì em vẫn thương anh...”.

Lời lẽ thiết tha đến tội tình. Nhưng họ gặp trục trặc gì vậy kia? Có lẽ 9969 đã có người yêu khác, thích hợp với nghề buôn bán tay mặt (hay tay trái) phức tạp của anh hơn.

      Rồi đến lúc 9969 gọi trúng ngay ca trực của cô. Không vui vẻ như hôm nào nhắn “Tôi ơi, đừng tuyệt vọng!” mà giọng giận:
- Tôi nói hoài sao không nghe! Làm ơn đừng báo cho 9969 biết gì về Tiểu Hà nữa.

Cô biết trước nên ôn tồn giải thích:
- Anh ơi! Mấy hôm trước chắc anh dặn bạn tôi, còn tôi mới được nghe yêu cầu này lần đầu.

Giọng bên kia ngớ ra:
- Ủa, vậy là có nhiều cô, nhưng sao giọng các cô giống nhau quá vậy?

Cô nói cho anh an tâm:
- Ðược rồi, tôi sẽ báo các bạn đều biết. Nhưng anh ơi, sao nỡ cắt tin của một người dễ thương như vậy?

Giọng 9969 bỗng nghẹn:
- Dạ! Chuyện phức tạp lắm. Không phải ai cũng tử tế như cô đâu! À, cô tử tế ơi, tên cô là gì?

Cô nói nhanh, như sợ cvó ai đó bắt gặp cô vừa làm một điều không phải:
- Tôi mang số 18.

9969 trở lại giọng vui của ngày đầu tiên:
- Vậy là cô Chín Nút. Cô sẽ gặp hên. Chiều nay, giờ tan sở tôi xin phép được mời cô đi uống nước...

Lâu lắm rồi cô mới được một người đàn ông mời cô đi uống nước. Chẳng biết anh ta là người như thế nào. Ít ra cũng có một cô gái dễ thương tên Tiểu Hà mê anh. Hy vọng những mẫu chuyện vui vẻ của anh ta sẽ làm cô tạm quên đi một buổi chiều buồn bã trở về phòng riêng một mình!.

- 18 ơi! Có người nhà cần gặp.

9969 đến sớm hơn giờ hẹn. Anh cười ranh mãnh:
- Dạ! Vậy mới dễ tìm ra cô. Chờ lúc tan sở chẳng lẽ chận từng cô lại hỏi: “Dạ không biết trong các cô ai là người mang số 18”.

Anh mời cô đến một quán nước lộ thiên nằm ở gần một quảng trường lớn. Anh cao và ốm lỏng khỏng như tre. Mặt tối nhưng mắt sáng. Cô nhớ đã được xem anh diễn rồi. Có một người mập tròn cùng diễn với anh. Họ giúp vui cho một đám cưới bạn cô. Hai người chủ yếu khai thác hình thể tương phản của họ hơn là sử dụng ngôn ngữ hài.

Anh gọi nước cho hai người rồi ngồi nói huyên thuyên đủ chuyện, có vẻ vui lắm nhưng cô vẫn cảm được một cái gì đó buồn bã ở hai hàng lông mi rủ, ở chiếc nón vải mân mê trên tay anh, ở chiếc áo sơ-mi hai vạt bên nâu bên lục, hai tay áo bên lục bên nâu, ở chiếc quần cao hơn mắt cá chân đã nối một tầng ống. Cô khơi chuyện Tiểu Hà. Hai hàng mi rủ chớp nhanh, giọng chợt buồn sũng:
- Dạ! Mấy nhóm tấu hài tụi tôi theo bầu sô ra Ðà Nẵng diễn, đứa nào cũng cặp được một cô khán giả ái mộ. Phần tôi chỉ có một con bé bán bắp rang ở Chợ Cồn theo. Nó bị té sông mấy lần nên không bình thường. Trẻ con gọi nó là con gái của Hà Bá. Về tới Sàigòn, tôi được tin của nhỏ Hà nhắn hoài. Lúc đầu tưởng thiệt, mừng lắm, sau thấy tụi nó cười rần mới biết bị chọc. Muốn khùng luôn vì không biết thủ phạm là đứa nào. Cuối cùng mới biết cả đám luân phiên nhau ghẹo tôi.

Cô thắc mắc về những tin tức xe cộ đô-la, mắt nhung lại rủ:
- Dạ! Chị gái tôi buôn ngọc. Em trai tôi bán xe. Họ bỏ tiền ra sắm máy cho tôi đeo để nhận tin cho họ. Họ muốn kiếm chuyện để tôi làm, khi nhận tiền của họ không bị mặc cảm.
- Trong gia đình còn ai theo nghề này như anh không?

Anh lắc đầu, chớp mi rồi dụi mắt. Chẳng biết bụi bay hay nước mắt? Cô chuyển sang chuyện khác cho vui:
- Anh có quen nhóm “Hồng Lâu Mộng” không? Có biết điểm hẹn Ngàn Sao?

Anh lấy lại nụ cười:
- Dạ! Ðó là nhóm mấy anh chị danh hài hạng A. Thỉnh thoảng họ cũng có ghé “Khách sạn Ngàn Sao” của dân tấu hài hạng C, D như chúng tôi. Ðó là dãy quán cóc vỉa hè gần tụ điểm Tiên Rồng!
- Nè, mà sao nói cái gì cũng dạ hết vậy? Coi chừng người nghe bị tổn thọ!

9969 cười bẽn lẽn:
- Dạ, lỡ quen rồi! Lớn nhỏ gì cũng phải dạ! Má tôi nói như vậy tốt, đỡ bị người ta ăn hiếp. Nghe nói hồi có mang tôi, má giận ba định bỏ, nhưng không hiểu sao tôi vẫn ra đời. Hồi nhỏ tôi khờ nhất nhà, nhất xóm. Sau này thấy tôi đi tấu hài ai cũng ngạc nhiên. Ðầu tiên má tôi gởi tôi theo gánh Hồng Hà làm hậu đài. Ai cũng chọc ghẹo nên tôi đi đến đâu là có tiếng cười tới đó. Tới lúc túng hề, người ta đẩy tôi ra. Riết rồi thành nghề. Ðoàn rã, tôi thất nghiệp một thời gian. May nhờ có chị Hồng bên vũ đoàn Hồng Dạ bị phát phì không múa được, ráp với tôi nên thành nhóm tấu hài Một Không...

Tới lúc trả tiền, 9969 nhất định không cho cô trả. Anh nói cô đừng làm nhục anh. Rồi anh lượm cái nón vải chụp lên đầu như một thói quen dù trời đã xẩm tối sau khi nhắc tới nhắc lui nhớ nói giùm với bọn mạo tên nhỏ Hà rằng đừng đem anh và nhỏ ra chọc ghẹo nữa, tội nghiệp nhỏ.

Mấy tuần sau, tháng cao điểm, cô và bạn bè nhận tin không kịp thở, nhưng ở những phút rảnh rang hiếm hoi, cô vẫn luôn mong ngóng một Tiểu Hà mạo danh nào đó để thực hiện lời dặn của anh. Cô hỏi thăm bạn bè thì họ cũng bảo không hề nhận được tin Tiểu Hà nữa dù chưa ai kịp thực hiện yêu cầu của 9969. “Tiểu Hà” dường như biến mất từ lúc anh đến gặp cô.

Ðã vậy, gần đây, máy 9969 chỉ chuyên nhận tin về những dịch vụ bán buôn, không còn một dòng nào của cái thế giới bỡn cợt trước đây cho riêng anh. Ðọc báo, cô biết nhóm Một Không đã rã, cô số Không xuất hiện trong một liên doanh mới: Vuông Tròn. Vuông là một anh chàng cắt tóc ca-rê, nhỏ con như một đứa bé mắc bệnh còi, và mặt dữ dằn như con cá tai tượng trong bồn cá đặt ở nhà bà giám đốc.

Nhiều lúc bỗng trở về trong trí cô cái bóng lêu nghêu đổ dài trong chiều tà của 9969 khi chia tay, dáng nghiêng xiêu về trước như đã bị quá tải bởi những lời trêu ghẹo của người đời đổ xuống hai vai. Có lẽ bây giờ 9969 đang rãnh rang ố mà không biết hiện tại anh có còn được mang cái máy ấy trên người hay không? Có lẽ giờ đây anh đang thèm biết bao được nghe lại những lời lẽ chọc ghẹo của Tiểu Hà mạo danh, thuở anh còn là một diễn viên hài dù chỉ cỡ hạng C hay D gì đó!

Một buổi tối, trở về nhà sau ca trực, cô ghé một trạm điện thoại công cộng nhờ nhắn tin đến máy 9969: “Số Một ơi! đừng tuyệt vọng!”. Bên kia, có vẻ như là giọng của Liễu số 25:
- Dạ, xin chị cho chúng tôi biết tên của người nhắn ạ.


Không suy nghĩ, 18 đáp thật nhanh để rồi cúp máy ngay sau đó: “Tiểu Hà”.

Nguyễn Thị Minh Ngọc