LỮ QUỲNH
Một người tù lãng mạn
Ở
tận cùng sự đau khổ là niềm hoan lạc của hạnh phúc? Hắn nhớ rõ ràng hắn đã nghĩ
như thế vào một ngày cảm thấy tuyệt vọng vô cùng, vào một ngày hắn nhìn mảnh trời
xanh bị cắt xén bởi mái tôn nhà ngục và hàng cây chi chít dây kẽm gai mà mơ tưởng
tới hình ảnh thân yêu đã có trong quá khứ. Hắn chỉ có quá khứ để nghĩ tới. Dù
cho hắn biết với quá khứ, chỉ nên ngã nón chào. Hắn biết điều ấy rõ lắm, nhưng
điều ấy chỉ có thể có với một người còn tương lai. Với hắn thì tương lai mù thẳm.
Hắn đang sống mỗi ngày với các động tác
như nhau, với một thứ không khí, và trí tưởng tượng cùng quẩn bởi không một dự
phóng, không một khung cảnh đổi thay. Hắn chỉ biết chịu đựng. Và phút mà hắn khám
phá ra cái điều ở cuối sự đau khổ là niềm
hoan lạc của hạnh phúc là phút sự tuyệt vọng đã làm giác quan hắn tê liệt hẳn.
Người tù hỏi
chuyện người quân cảnh một cách tự nhiên:
-Giờ này người
ta vẫn đang sinh hoạt ngoài kia chứ?
Người quân cảnh
im lặng nhìn hắn rồi quay đi không chú ý. Sự tuyệt vọng làm người tù thản nhiên
lạ lùng, hắn tiếp tục hỏi:
-Buổi sáng vẫn
có những người đàn bà đến chợ ngoài kia, và lũ trẻ con thì tới trường học…sinh
hoạt vẫn như mọi ngày?
Người quân cảnh
hỏi một người bạn tù đang đứng bên cạnh hắn:
-Sáng nay có bác sĩ đến không?
Hắn cúi xuống
đất mỉm cười khinh bạt. Anh ta không hiểu gì hắn hết. Mà anh ta làm sao hiểu được
khi mỗi ngày anh vẫn từ cái sinh hoạt đó đến đây. Có lẽ anh hỏi bác sĩ đã đến
chưa để khai bệnh giúp hắn chăng? Hắn bị loạn trí, hắn sắp điên? Thật là nhầm lẫn.
Hắn phải làm cho anh ta hiểu rằng hắn, không đau yếu gì cả. Người tù nói:
-Nếu anh còn
tin có những con người trên mặt đất này, xin anh hãy tin tôi. Tôi đã thành thật
hỏi anh những câu hỏi mà anh cho là ngớ ngẩn, nhưng với tôi, nó thỏa mãn tôi như
nắm cơm khi đói, như miếng nước khi khát. Anh nhớ cho tôi đã ở đây bốn năm chưa
kể chốn tù ngục cũ. Mỗi ngày tôi đã ăn những chén cơm, làm tạp dịch và ngủ. Ăn,
ngủ, làm tạp dịch, ngày nào cũng như ngày nào. Anh thử tưởng tượng tôi đã sống
bốn năm với từng ấy động tác. Những nhớ mong cũng trở thánh cũ kỹ, kỷ niệm rồi
cũng rỉ sét mất. Xin anh hãy tin tôi như tin những con nguời tuy còn rất ít trên
mặt đất này.
Người quân cảnh
có vẻ chú ý tới câu nói cuối của người tù. Anh gỡ nón xuống ôm vào ngực, ôn tồn
nói với hắn:
-Anh là một
người tù tốt trong khu vực này. Ngoài nhiệm vụ phải có của tôi đối với anh, tôi
còn quý anh…Tôi mong anh đừng bao giờ để tôi phải nói ra như thế. Nên ở trong vị
trí của mỗi người và vững tin vào lương tri…
Người tù bỗng
ứa nước mắt:
-Cám ơn anh,
cám ơn anh. Thật đủ quá rồi, tôi xin im lặng cho tới bao giờ…
Người quân cảnh
bỏ hắn đứng lại một mình dưới hiên, lặng lẽ tiến ra phía cổng. Người tù ngồi xuống,
đưa hai bàn tay lên úp mặt, tự nhiên thấy nước mắt ứa ra, thấm qua kẽ những ngón
tay. Hắn khóc ngon lành như một đứa bé.
Hắn cứ tưởng
rồi hắn sẽ không bao giờ làm phiền người quân cảnh ấy nữa. Dù chỉ một lời nói,
anh ta đã trở thành ân nhân của hắn. Anh ta đã hiểu hắn, như hắn vẫn nhớ mong nếp
sinh hoạt tầm thường ngoài bốn bức tường tù ngục. Nhưng buổi chiều người quân cảnh
đã gợi chuyện trước:
-Anh có nghĩ
tới một ngày nào đó cuộc chiến sẽ ngừng lại và người ta làm công việc trao trả
tù binh…
Người tù
nghe tiếng nói người đối diện mình xa xôi quá. Hắn nói:
-Có một điều
lạ là tôi chưa nghĩ tới chuyện đó. Điều tôi đang mơ ước sao tầm thường quá, có
lẽ anh không ngờ tới đâu…
Người quân cảnh
ngắt lời vội vàng:
-Thử nói
xem?
Người tù nhìn
người quân cảnh dò hỏi, nhưng ánh mắt hắn xoắn vào đôi mắt của anh ta, hắn tự
nghĩ không có gì phải dè dặt cả. Hắn nói chậm rãi:
-Nếu anh còn
tin có những con người trên mặt đất này, xin anh tin những điều tôi sắp nói ra.
Tôi đang ao ước được rời khỏi những vòng rào dày kẽm gai này chỉ trong chốc lát.
Tôi chỉ cần thời gian đủ đi một vòng trên bãi cát, tôi sẽ đi bằng chân không…Có
phải ngoài kia là biển không anh? Biển xanh thẳm và bọt sóng thì trắng ngần…Ước
gì được như thế nhỉ, tôi sẽ không mang theo gì hết, tôi đi bằng chân không, tôi
bước rất chậm rãi, cát mềm làm sao dưới chân mỗi bước…sự ao ước của tôi giản dị
quá phải không anh…
Giọng nói của
người tù xa vắng, có lúc sự mơ màng đã làm mắt hắn dại đi một cách tội nghiệp.
Người quân cảnh hỏi:
-Rồi sao nữa?
-Thì còn sao
nữa! Sau đó tôi sẽ trở về đây, chắc chắn sẽ trở về đây…
Người quân cảnh
áy náy khi nghe câu trả lời bình thản của người tù. Anh ta nhìn hắn, rồi bất chợt
nói nhỏ:
-Có thật anh
ao ước như thế?
Người tù thấy
anh ta bỏ đi, không đợi câu trả lời của mình.
Bây giờ thì
biển đang ở trước mặt người tù. Biển đen thẳm với những đóm đèn ẩn hiện trên mặt
sóng ngoài khơi. Người tù bước đi rất chậm rãi, hắn lắng nghe hơi mát dưới lòng
bàn chân. Hơi mát từ mặt cát ướt tỏa lên như mang theo sinh khí thắp nóng các mạch
máu trong người. Hắn đi thật chậm, đủ ý thức rõ ràng từng phút tự do của một
con người. Hắn đang bước trên mặt đất mênh mông, đang thở gió biển và cảm thấy
mình trực tiếp tham dự vào sinh hoạt của những con người tự do. Hắn đang đứng
trên chỗ đứng của con người. Dù với niềm hãnh diện nào về những tháng ngày
trong ngục tù chăng nữa, cũng không thể đổi được giậy phút xúc động này. Nỗi xúc
động òa vỡ bất ngờ, khi hắn không thể ngăn được nước mắt. Những giọt nước mắt cùng
với gió biển làm mặn chát môi hắn. Hắn không thèm để ý tới, tiếp tục bước với tâm
hồn rộn rã. Những tàng cây xao xác bóng đêm, tiếng sóng cùng bọt sáng lòa liếm
mát đôi chân. Ôi cảm giác của ngày nào xa thẳm với tâm hồn tràn ngập thiên nhiên.
Người tù bước
đi không ngừng nghỉ. Bờ cát thoai thoải hoang vắng. Đôi chân trần tiếp tục đem
sinh khí từ lòng đất lên. Người tù không ngờ sự tuyệt vọng đã đưa hắn đến những
giây phút hạnh phúc bất ngờ như thế này. Hắn vươn vai hít không khí vào phổi.
Gió của biển đấy. Mùi thơm của đất đấy. Hắn hít thở tham lam. Bằng những bước đi
chậm rãi, hắn cố thu hết cảm giác thoải mái, những cảm giác làm hắn có cảm tưởng
như được tái sinh. Hắn đang cảm thấy ngất ngây trong sự sung sướng kỳ diệu.
Có lẽ đêm đã
khuya. Người tù rùng mình kéo cao cổ áo, nhưng đó chỉ là cái thói quen xưa cũ.
Chiếc áo tù binh không có cổ đủ cao cho hắn làm thế. Hắn nhận ra trước mặt mình,
từ đằng xa, một chiếc quán với ánh đèn hiu hắt và hình như có cả tiếng nhạc bị
thổi giạt trong gió. Hắn chậm rãi đi tới. Sự sống kỳ diệu như quấn lấy mỗi bước
chân. Hắn bắt đầu nghe rõ tiếng nhạc lạ hoắc. Người tù ngập ngừng đứng lại trước
hàng rào, đưa tay áo lên lau mặt, xong mạnh dạn bước vào quán. Hắn tìm một chiếc
bàn khuất trong bóng tối, ngồi xuống và nhìn quanh ngẩn ngơ. Quán với những chiếc
bàn trống trơn, có lẽ khách đã bỏ về hết trước đó. Đã quá lâu rồi hắn không trở
lại với không khí này. Hắn gọi một tách cà phê, không đợi cho đứa trẻ đến gần.
Hắn nhớ tới một hơi thuốc lá, nhưng không thèm lắm. Chợt một cánh tay lay động
sau đám lá cây ở chiếc bàn cạnh đó làm hắn chú ý.
Khi người tù
nhìn được khuôn mặt của người đàn bà, cũng là lúc hắn bắt gặp đôi mắt nàng đang
nhìn hắn với vẻ quan sát.
Quán hoàn toàn
vắng vẻ. Người đàn bà có lẽ là người khách sau cùng nếu hắn không tới. Đứa trẻ
mang tách cà phê đặt trước mặt người tù với ánh nhìn lạ lùng. Người tù im lặng
mỉm cười với nó.
Ngắm những
giọt cà phê nhỏ giọt qua lớp thủy tinh, hắn không quên mình là người tù chỉ tự
do trong vài tiếng đồng hồ. Sự tự do được đổi bằng lòng tin, và có thể hơn thế
nữa, bằng sự huyền nhiệm chỉ có giữa những con người. Hắn thầm cảm ơn lòng tốt
của người quân cảnh, lòng tốt mà trước đó hắn tin là không thể nào có thực. Bỗng
một ý nghĩ thoáng qua đầu, làm người tù mạnh dạn ngẩng mặt nhìn người đàn bà ngồi
một mình ở bàn bên cạnh. Nàng còn trẻ, tóc ngắn đổ xuống vai, có nhiều sợi bị
gió vắt qua trán như một cách điểm trang cho khuôn mặt thêm phần gợi cảm. Nhưng
đôi mắt của người đàn bà bỗng làm lòng hắn chùng xuống. Đôi mắt sâu hút, thâm
quầng, biểu lộ một tâm hồn phiền muộn đầy an phận. Nhận xét đó làm người tù chạnh
lòng, đánh bạo hỏi:
-Xin phép
cho tôi được ngồi cùng bàn…
Người đàn bà
có vẻ lưỡng lự, trong khi người tù chậm rãi mang tách cà phê bỏ bàn của mình. Hắn
nhận ra sự ngạc nhiên đến gần như hốt hoảng của nàng khi hắn xuất hiện toàn thể
trước nàng trong cặp đồ tù binh. Hắn nói:
-Xin lỗi, tôi
đã làm bà kinh ngạc. Tôi xin giới thiệu tôi là tù binh…
Người đàn bà
vẫn mở tròn mắt không thốt được lời nào.
-Tôi là tù binh. Đây là lần thứ nhất tôi được tự do tạm vài
giờ. Sự tự do trên nguyên tắc không thể nào có được. Xin bà yên tâm…
Người đàn bà cúi nhìn mặt bàn một lúc rồi nói ngập ngừng,
câu nói mà hắn nghĩ như một cách triển hạn để nàng có thêm thì giờ tìm hiểu người
đối diện.
-Tôi không ngạc nhiên đâu…Hình như ông nói tiếng Bắc?
-Vâng, tôi sinh ra ở Hà Nội.
Người tù trả lời và cũng nhận ra nàng nói đặc tiếng Nam.
Hắn lấy phin cà phê ra khỏi tách, lắng nghe một bản nhạc cũ. Hắn cảm thấy ngờ
ngợ, rồi dè dặt hỏi:
-Nhạc Phạm Duy chăng?
Người đàn bà gật đầu. Hắn nghe lòng bùi ngùi khi tiếng hát
bỗng dẫn hắn trở về với quá khứ. Người đàn bà hỏi:
-Ông có thích nhạc tiền chiến không?
Người tù ấp úng, không biết phải trả lời sao. Người đàn bà
tiếp:
-Nhạc của Văn Cao, Đoàn Chuẩn…ấy.
Người tù chợt hiểu, đáp:
-Vâng, có… Những bản nhạc thật xưa nhưng mỗi khi nghe vẫn
còn cảm xúc như thủa nào…
Những ngày dài tù ngục đã làm hắn cách ngăn hẳn với đời sống
bên ngoài. Riêng cuộc sống ở miền Bắc với miền Nam đã là một cách ngăn rồi, huống
gì khoảng cách giữa trong và ngoài nhà ngục. Người tù cảm thấy ngượng ngùng trước
mỗi câu hỏi của người đàn bà. Hắn phải lắng nghe để đoán hiểu một vài danh từ
chỉ mới xuất hiện trong khoảng thời gian hắn bị bắt. Người đàn bà có lẽ cũng nhận
ra thế, nên nàng bắt đầu cẩn thận trong cách nói của mình:
Một bài hát được cất lên làm cho họ cùng cảm thấy buồn não
nuột. Người đàn bà quay mặt nhìn ra biển. Gió hất tung những sợi tóc nàng ra
sau cho người tù thấy trọn làn da trắng của nửa khuôn mặt nhìn nghiêng. Chỗ trũng
của mắt và nét cao thẳng của chiếc mũi cắt nền đen của đêm trông linh hoạt đến đẹp
mắt. Bản nhạc với âm thanh như tơ trời đang làm rối lòng người nghe. Người tù hỏi:
-Bà có biết tên bản nhạc này?
Người đàn bà quay lại, dành một phút lằng nghe:
Yên phụ đôi bờ
sóng vỗ
Nhị Hà lấp
lánh sao thưa
Cầu Giấy…
Rồi nhìn hắn với ánh mắt dịu dàng:
-Bản Thương về năm
cửa ô xưa đấy.
Người tù thì thầm lặp lại: Thương về năm cửa ô xưa, năm cửa
ô xưa…Trong khi người đàn bà vẫn giữ nguyên mắt mình trong mắt người đối diện.
Chợt nàng bắt theo tiếng nhạc đệm, hát nho nhỏ:
Thương về năm
cửa ô xưa
Nhớ nhung biết mấy cho vừa…
Người tù cảm
thấy buồn tràn ngập tâm hồn một cách mãnh liệt. Hắn nén tiếng thở dài trong cổ.
Người đàn bà bỏ ngang câu hát hỏi:
-Năm cửa ô
là những cửa nào ông nhỉ? Chưa một lần tới Hà Nội nhưng sao mỗi lần nghe những
bài hát nhắc về thành phố đó lòng tôi cứ nao nao…Hà Nội nghe sao thân thiết quá
chừng.
Người tù nhìn
sững nàng. Hắn phải kể như thế nào về năm cửa ô, năm cửa đã mở ra thiên đường của
thời thơ ấu hắn, mà giờ đây chỉ còn mịt mù ký ức. Những kỷ niệm xa vời tưởng cũng
đã mờ nhạt như thế, tưởng đã vuột xa trên quãng đường gian khổ, tưởng đã làm trắng
trí nhớ, bỗng chỉ trong một phút kéo về tràn ngập, làm cảm xúc như nước sông Hồng
vào một ngày mùa đông dâng cao nhanh chóng. Hắn ngậm ngùi nhìn người đàn bà đã
nặng tình với thành phố quê hương hắn.
-Năm cửa ô…có
lẽ nên chờ một ngày nào đó, tôi tưởng tượng một ngày nào đó sẽ mời bà đáp chuyến
tàu suốt đầu tiên đến Hà Nội, tôi bấy giờ có lẽ cũng như bà, bằng một cảm xúc mới
mẻ khi cùng đứng trước ô Cầu Giấy…
Người đàn bà
nhấp nháy mắt, có lẽ vì cảm động, nàng hỏi giọng mềm đi trong gió khuya:
-Biết đến
bao giờ ông?
Hắn nhớ đến
một câu hỏi của người quân cảnh sáng nay, và nghĩ đến ngày cuộc chiến phải ngừng
lại. Hắn nói:
-Có lẽ còn
không lâu nữa…
Người đàn bà
mở lớn mắt nhìn hắn, như ngầm chờ ở hắn sự giải thích tiếp. Nhưng người tù đã
im lặng kịp. Hắn không quên mình là tên tù binh, hắn cũng không muốn lợi dụng
những giờ tự do ngắn ngủi để vượt xa hơn vị trí của mình. Hắn cố tránh cho nàng
nghĩ tới cái vị trí ấy, để từ đó như một thói quen buồn thảm, nàng phải thấy hắn
qua một lăng kính chủ nghĩa hay giới tuyến hận thù này nọ. Trong đôi mắt trũng
sâu và quầng thâm kia, biết đâu chẳng đang theo hút một bóng hình không còn nữa.
Người thân yêu đã ngã xuống một ngày nào trên mặt trận. Người thân yêu ấy của nàng và hắn từng gầm gừ
nhau trên một đấu trường đã xa. Biết đâu chẳng đã như thế… Ý nghĩ đó bỗng làm
người tù cảm thấy sợ hãi trước những dấu tích đau khổ của người đàn bà. Hắn đang
sợ hãi thật sự.
-Những tâm hồn
cao đẹp như bà, cùng với những ánh mắt trong veo của đám trẻ mới lớn mới làm
cho quê hương chúng ta rực rỡ…
Người tù cảm
thấy hổ thẹn về câu nói của mình. Có lẽ hắn không định nói thế. Hắn đang cần trấn
an mình, chứ không phải nói cho người đối diện nghe. Hắn sợ người đàn bà có thể
đang suy nghĩ về vị trí hiện tại của mình nên bối rối hỏi tiếp:
-Hẳn bà đã có
cháu…
Đôi mắt người
đàn bà ánh lên rồi sụp xuống buồn bã. Người tù nghe giọng nàng bỗng nghẹn đi.
-Vâng, nhưng
cháu không còn ở đây…
Rồi như không
muốn nhắc đến chuyện cũ, người đàn bà đổi giọng:
-Ông sắp tới
giờ trở lại trại chưa?
Người tù nhìn
chiếc đồng hồ treo hút trong quán.
-Cũng sắp,
nhưng vẫn còn đủ thì giờ cho tôi ngồi lại thêm chốc nữa.
Người đàn bà
nhìn hắn thương hại.
-Người ta
dám cả gan cho ông ra ngoài như thế này nhỉ?
-Nếu bà là người
giữ ngục, bà có dám cho tôi tự do như người quân cảnh kia không? Có lẽ khi thả
tôi lang thang như thế này, anh ta đã đem chính bản thân mình ra đổi lấy sự bội
phản có thể có ở một kẻ như tôi. Nhưng cái gì đã làm anh ta cả gan đến thế? Bà ạ,
tôi nghĩ đến ánh mắt của tôi mà anh ta nhìn thấu, tôi nghĩ đến tình yêu thương
chân thật từ trái tim tôi mà anh ta đã cảm nhận được…
Trong quán,
một ngọn đèn vừa bị tắt. Bóng tối trùm xuống một khoảng sân. Có lẽ chủ nhân muốn
nhắc với họ rằng đêm đã khuya.
-Tôi phải trở
về trước khi người quân cảnh đổi gác.
Người đàn bà
nhìn người tù với vẻ ngậm ngùi.
-Rồi ông còn
dịp nào nữa không?
Ý người đàn
bà muốn hỏi hắn còn cơ hội nào được sống tự do dù vài tiếng đồng hồ như thế này
nữa không. Người tù nghĩ đến câu chuyện giữa người quân cảnh với hắn sáng nay.
Cuộc chiến rồi sẽ ngừng lại và người ta rộn rịp làm công việc trao trả tù binh.
Hắn tự hỏi mình có đang chờ đợi ngày đó? Để rồi không chờ câu trả lời hiện ra,
hắn quay lại câu chuyện bỏ dở với người đàn bà:
-Mà bà vẫn
chưa kể cho tôi nghe về cháu nhỏ. Hẳn có phải có đôi mắt lạ… giống bà…
Người đàn bà
mỉm cười nhưng sau đó mím môi lại. Nàng có vẻ không hài lòng về sự nhắc nhở đó
của hắn. Nàng nói, giọng đanh lại:
-Vâng, nhưng
như tôi đã nói với ông, cháu không còn ở đây…
Và tiếp theo
bằng giọng chua chát:
-Quả như ông
nói, cháu có đôi mắt lạ, nhưng không giống tôi chút nào. Đôi mắt cháu đẹp, xanh
lơ như của bố nó. Bây giờ thì cả hai bố con đang sống bên kia bờ đại dương.
Nàng ngừng nói,
nhìn thẳng vào mắt người tù, người tù không muốn giữ lâu tia nhìn như một sự thách
thức ấy, hắn cúi mặt xuống im lặng:
-Không biết
có nên kể với ông về cuộc sống tôi, cuộc sống dưới mắt ông sẽ bẩn thỉu biết chừng
nào.
Người tù đưa
một bàn tay lên ngăn người đàn bà lại. Hắn cảm thấy lao đao, hắn đã hiểu hết tất
cả nỗi bất hạnh của nàng.
-Xin lỗi bà,
tôi đã lỡ nhắc đến một điều không vui. Có lẽ chúng ta nên quên đi những gì đã xảy
ra không bởi sự chấp nhận của chính lương tri mình.
Nỗi buồn vẫn
còn nguyên trong đôi mắt người đàn bà. Người tù biết những điều hắn nói ra vừa
rồi cho có nói vậy thôi, thật ra nó chẳng san sẻ được gì giúp nàng và cho cả chính
hắn. Hắn cuí xuống nhìn màu áo buồn thảm đang mặc.
-Bà có tự hỏi
tại sao tôi không lợi dụng lúc này để vượt ngục?
Người đàn bà
cũng nhìn tấm áo trên người hắn.
-Tôi đã tự hỏi
như thế rồi đấy. Cái gì đã giữ ông lại?
Người tù gõ
tay vu vơ xuống mặt bàn. Một lúc hắn nói chậm rãi:
-Tôi cũng không
biết nữa. Nhưng tôi tự hỏi cho vui vậy thôi, chứ tôi vẫn luôn luôn nghĩ tôi phải
quay trở lại đó, và có thể chờ đợi đến cái ngày trao trả… Ngày đó ra sao nhỉ?
Ngày đó tôi sẽ ra sao nhỉ?
Người tù thì
thầm như nói cho mỗi mình nghe. Người đàn bà thắc mắc:
-Thế ông vẫn
chưa tưởng ra nỗi cảm xúc của ông sẽ ra sao vào ngày trọng đại ấy?
Người tù không
trả lời người đàn bà. Hắn chưa nghĩ tới ngày đó. Hắn không biết ngày đó có cho
hắn cảm xúc ngây ngất, có cho hắn thứ hạnh phúc ngợp ngàng như hắn đã có trong đêm
nay, khi với hai bàn chân trần dằm lên mặt cát ướt, khi với buồng phổi khô hít đã
không khí tự do không hận thù của đại dương. Hắn không biết ngày đó giữa con người
và con người có còn nhìn nhau bằng tâm hồn phẳng phiu, không nghi ngại, không đề
phòng, như của một con điếm và tên tù binh đối nghịch đang có đêm nay trên bờ
biển này?
-Tôi thường
nghĩ tù binh là những kẻ may mắn nhất trong mọi cuộc chiến tranh…
Người đàn bà
cắt ngang ý nghĩ của hắn. Đó có phải là một câu an ủi?
-Xin cám ơn
bà. Xin cám ơn bà về điều đó, và cũng xin cám ơn bà về sự gặp gỡ mà bà đã cho tôi
đêm nay.
Người đàn bà
im lặng một lúc, rồi chỉ tay về phía trại giam, nơi có một khoảng sáng mờ trong
sương.
-Ông sắp phải
đi về phía đó? Chắc chắn không thay đổi ý…?
Người tù gật
đầu.
-Tôi sẽ tiển
chân ông một quãng.
Người tù ngồi
im, hắn không phản đối. Người đàn bà từng có một đứa con lai với người ngoại quốc
vốn là thù nghịch của hắn, sắp đi bên cạnh hắn trên một quãng đường. Người tù cảm
thấy chua xót trước sự bình yên của thực tế.
Người đàn bà
trả tiền. Hắn nhìn cử chỉ đó mà cảm động mềm lòng. Cử chỉ xa xưa nào của người
chị, người mẹ mà từ lâu lắm rồi hắn không có được. Người đàn bà đứng dậy. Người
tù cũng chậm chạp đứng lên theo.
Khi họ bước
xuống bờ cát ướt, người tù thấy người đàn bà ngừng lại tháo giày ra cầm trên
tay. Nàng bước thật chậm rãi. Người tù nhìn hai bàn chân trắng ngần của nàng trên
mặt cát, nghĩ đến ít phút nữa đây nàng sẽ quay về một mình trên bãi biển hoang
vắng.
Lữ Quỳnh