Nguyễn Thị Khánh Minh
Nhà thơ Lữ Quỳnh
và con mắt của giấc mơ
Một buổi sáng tháng 7 của mùa hè này, tôi được gặp
gỡ ba người anh trong cõi văn chương.
Một đến từ Virgina, nơi quanh năm rét mướt, nên hơi
cọ của anh đầy lửa, lửa xanh khơi từ trái tim phết lên tranh sắc mầu của hy
vọng, hoạ sĩ Đinh Cường.
Một đến từ miền bắc California miền đất nở ra một thung
lũng hoa vàng thơ mộng, nên thi sĩ đi trong thời gian của mình những bước thao
thức của giấc mơ, người thơ Lữ Quỳnh.
Một, ở ngay đây, lần đầu tôi được diện kiến dù từ
lâu đã văn kỳ thanh, nhà thơ Thành
Tôn, nhớ nhất câu thơ của anh, buổi sáng
soi gương và đội mũ/ lòng đã hồ nghi khuôn mặt quen. Đôi khi soi gương tôi
cũng có cái nhìn ngờ ngợ mình như thế.
Nhưng sáng nay thì khuôn mặt mùa hè thấy được niềm
vui rất rỡ ràng từ những tình thân. Tôi đang thời gian dưỡng thương chờ phục
hồi, cũng hơi e ngại khi phải xuất hiện với một dung nhan sau cuộc mổ và đi
đứng với cái walker, nhưng kinh nghiệm đã cho tôi biết rằng, những phút giây
quí, có thể sẽ không trở lại trong đời, lần nữa. Nên sau đó tôi có được tự
nhiên chuyện trò, nhìn anh Đinh Cường ngồi xem world cup với nhà tôi với phong
thái của các ông say mê bóng đá. Thật thú vị khi tôi chợt nghĩ rằng, tôi biết
một hình ảnh khác của hoạ sĩ khi không cầm cây cọ. Còn anh Lữ Quỳnh thì đã vội
vã đi công việc cùng anh Thành Tôn.
Mà lạ ghê, lần nào gặp anh Lữ Quỳnh cũng chớp
nhoáng như thế. Nhớ lại, lần đầu tiên, là nghe anh Lữ Quỳnh nói, hôm ở Viện Y Dược Học Dân Tộc, nghe anh Trương Thìn gọi tên khánh minh, thì biết đó là Khánh Minh. Vậy
cũng như không, coi như chưa quen nhau. Lần thứ hai nơi đám cưới con anh TT,
tôi ngồi với Ngọc Sương, Quý Loan và Trần Lê Sơn Ý, cô nhà thơ trẻ măng, thơ
rất hay, được anh Lữ Kiều vô cùng hâm mộ, anh Lữ Quỳnh ngồi đối diện tôi, và được
giới thiệu đàng hoàng, đó là lần tôi gặp và được nói đôi ba câu với anh. Lần
thứ hai, gặp anh ở toà soạn Việt Báo, Little Saigon, cũng vội vã, anh em chụp
với nhau tấm hình rồi chia tay, vì rằng tôi không lái xe, nên có người đến đón
thì phải đi về. Lần này, cũng như mây xẹt ngang, rồi đi.
Trong nhóm Ý Thức, chỉ có anh Nguyên Minh, Lữ Kiều,
Lê Ký Thương là tôi được gặp và nói chuyện nhiều, còn anh Lữ Quỳnh thì chỉ, như
thế. Những nhân vật này luôn cho tôi cái nhìn rất quý về một thế hệ của những
chàng lãng tử. Thế hệ được thời gian trao tặng rất nhiều và cũng lấy đi của họ
không ít, có khi keo kiệt đòi trả lãi. Tặng phẩm đẹp nhất là họ có được thời
gian để sống cho giấc mơ, và cũng nghiệt thay đó cũng là điều đầu tiên bị tước
đoạt. Cái chông chênh giữa được và mất ấy đã để lại trong thơ văn tranh của họ
những nét đặc biệt, vừa thơ mộng vừa bi thương.
Thơ mộng ở chỗ họ theo đuổi rất quyết liệt niềm đam
mê văn chương nghệ thuật, trong một không gian vốn vô cùng trắc trở của cuộc
sống còn, lại lọt vào quãng thời gian khắc nghiệt của lịch sử.
Chính vì vậy mà bi thương. Trong kề cận sinh tử,
những chàng nghệ sĩ có tâm hồn như mây ấy đã nương tựa vào sự gắn bó của tình
bạn, có phải vì ý thức được sẽ có những ra đi bất ngờ mà họ hết mình hơn trong
những lúc còn bên nhau với ly rượu đầy vơi? Và họ phổ những nét đẹp đau thương
ấy vào câu thơ lời văn tranh vẽ?
Họ đã khắc hoạ được một dòng văn chương thơ- mộng-
bi- thương.
Cho nên khi đọc họ tôi luôn thấy lòng mềm theo
những lãng mạn kiêu bạt cùng ngậm ngùi cho những mất mát mà họ chỉ đủ sức buồn
trong phẫn nộ, hay đôi khi là tiếng cười, vì tận cùng của nỗi đau không phải là
hạt lệ. Tôi thấy rõ hơn những điều mà tôi đã không thấy hết vào lúc điêu linh
ấy. Cái thời mà Lữ Quỳnh đã buông câu cười nhạt “Cánh vừa mọc nhưng thiên đường đã mất”(Hôm Nay, Ngàn Sau). Ôi! Như
Thi Sĩ Du Tử Lê ở lời tựa trong thi phẩm Sinh Nhật Của Một Người Không Còn Trẻ,
đã nói, “hôm nay, đọc những trang văn của Lữ Quỳnh tôi vẫn còn nghe được tiếng
reo vui, hân hoan của những con chữ búng mình trên mặt sông máu/xương gập ghềnh
nghiệt, oan vận nước”.
Đọc thơ Lữ Quỳnh, cái ánh sáng lấp lánh pha lê
choáng mắt tôi, là của tình bạn. Không chỉ mình tôi thấy như vậy, thi sĩ Du Tử
Lê cũng nói trong bài tựa “…tôi cũng còn nghe được tiếng gọi rộn rã thanh niên,
đi ra từ trái tim sóng sánh nhiệt-hứng-trẻ-thơ tình bằng hữu”. Vậy xin nghe,
Kể với quê
hương
Chuyện núi
rừng- máu xương
Và rất
nhiều anh em đã chết
…Mỗi lần
ước ao cầu nguyện
Chỉ cần giơ
hai cánh tay lên
Mà nói với
Trời
Niềm vui sẽ
nở ra trên nụ cười trắng dã
Nhưng anh
biết đã muộn rồi
Khi đất là
da thịt anh em
Khi mùa
xuân bắt đầu hồng lên sắt máu
Nên em ơi
anh phải cúi đầu
Nhận số
phận quê hương
Ánh vinh
quang trong mắt chúng ta
Những người
còn sống
Cũng là của
bùn đất các anh
Những người
đã chết
Nỗi
Nhớ Từ Cao Nguyên
Anh hãy nằm
yên đó
Chờ lũ bạn
thân này
Chiến
trường đang lửa đỏ
Máu còn
xanh cho cây
Sân Bay
Buổi Chiều
Đường địa
cầu thấp thoáng vành nôi
Vạn dặm
không dài hơn tiếng khóc
Đường
Vạn Dặm
Hôm nay thì tôi biết thêm cái muôn trùng khác của
tiếng khóc, cái thăm thẳm của hạt lệ vành nôi. Và cái tràn đầy của chiếc ly
không, khi người một mình vắng bạn.
Đường thuốc
lá chiều nay vắng bạn
Một ly
mình. Và một ly không
Điếu thuốc
lá ngậm hoài thấy nhạt
Khói lang
thang khói cũng ngập ngừng
Quán hoa
giấy chiều nay lãng đãng
Uống ngụm
nắng tàn trong chiếc ly không
Chiều
Tân Định
Tuổi trẻ
không quê hương
Chúng tôi
nghèo đủ thứ
Năm tháng
thèm quê hương
Như khát
lời ru ngọt
Tuổi Đời
Nghèo đủ thứ nên nhà thơ lãng mạn của chúng ta đã
giàu những giấc mơ. một ánh sáng, mầu sắc khác trong thơ Lữ Quỳnh.
Trắng như
những giấc mơ
Có bạn bè
khuất núi kéo nhau về
Thêm
Một Năm Xa Tiếng Nói Cười
Lòng ta
quanh năm chỉ một mùa vàng lạnh
Giấu bạn bè
trong những giấc mơ
Một
Lần Rồi Xoá Tan
Giấu bạn bè trong những giấc mơ. Đẹp và cảm động
quá.
Và, để có được giấc mơ, chắc cũng không ít lần, nơi
ấy, nhà thơ phải chịu giá rất đắt. Cũng cam.
Chiều về
nặng trĩu vai
Vác cây đời
thánh giá
Đêm nằm
canh giấc mơ
Sợ những
điều trả giá
Tiếng
Chim Lạ Ở Trại Cồn Tiên
Cũng vì, bất cứ giá nào cũng không để tắt ánh sáng
của giấc mơ, nên trái tim dẫu có héo hon, cũng nhờ ánh lung linh ấy cấy lại
niềm khát khao cuộc sống, và nhà thơ đã thu gặt được mùa màng đầy những mùa thu chín trái.
Những ngọn
nến thắp bằng ánh sao
Soi trái
tim khô
Đang nẩy
mầm bất tử
Giấc Mơ
Lúc mở mắt
gặp mùa thu chín trái
Nên lời anh
vi vút tiếng chim rừng
Nên hồn hiền
như những lứa nam trân
Và hơi thở thơm
mùi hoang dạ thảo
Bài
Tình Trăng Sao
Ở trên tôi đã nói, ánh sáng tôi thấy rõ nhất trong
dòng thơ Lữ Quỳnh là tình bạn. Và ẩn chìm trong ánh sáng ấy là con mắt của giấc
mơ. Vì, trong những giờ phút đẹp, thực của cuộc sống Lữ Quỳnh cũng dùng con mắt
giấc mơ để hưởng thụ nó, để cảm xúc vui buồn cùng nó. Như một nghệ thuật (hay
kinh nghiệm?) để trộn lẫn giữa thực và phi thực. Cái phi thực là áo khoác của
thơ mộng lên tất cả những niềm vui lẫn đau buồn, trong thơ Lữ Quỳnh. Tôi có
được cảm giác ấy từ bài thơ này,
thường có
những giấc mơ
gặp gỡ bạn
bè
những người
bạn ra đi đã nhiều năm
nay kéo về
nói cười ấm
áp
tôi rất vui
rất vui
trong từng đêm như thế
để lúc tỉnh
ra
ngồi một
mình trong bóng tối
quạnh hiu.
Giấc Mơ
Tôi nghĩ, anh quí thương bạn bè, và anh đã được
hạnh phúc chia cùng họ, rất thực, những phút giây đẹp đẽ, đẹp đến nỗi anh cho
nó là giấc mơ. Mơ trong lúc sống thực nhé. Rồi khi một mình anh lại sống thêm
một lần nữa thời khắc ấy, bằng giấc mơ. Trời ạ, người thơ sao biết sống quá
vậy! Bởi vì lúc tỉnh hay mơ anh đều mơ cả… Cho nên, cái lúc tỉnh ra thấy quạnh
hiu kia, tôi nghĩ, chắc nó chỉ xảy ra ở
vào giấc ngủ cuối cùng, cho đến khi anh nhắm con mắt của giấc mơ.
Nhà Thơ Lữ Quỳnh đã giải thích hiện thực cuộc sống
bằng giấc mơ. Đã hoá giải những buồn đau của hợp tan bằng giấc mơ. Con mắt của
giấc mơ ấy là Mật Ngôn, mà tôi thấy trong tranh Hoạ Sĩ Đinh Cường, con mắt cá
không bao giờ ngủ. Bởi tỉnh thức, và mơ.
Tôi muốn chấm hết bài bằng một ý vui. Đọc thơ Lữ
Quỳnh tôi ngộ ra một điều rất giản dị
Tôi không
còn trẻ để cầm tay em nữa
Nhưng lòng
luôn sẵn lửa để cho em
Chiều Mưa Trên Thành Phố Nhỏ
Ra người ta không cầm tay mình chỉ vì người ta nghĩ
không còn trẻ nữa nên ngượng, chứ không phải vì giảm lòng yêu thương. Mà chuyện
cầm tay chỉ để dành cho tuổi trẻ thôi ư, lạ thiệt, thế nào thì được xem trẻ, bị
coi già? Thưa nhà Thơ? … vậy thì, bây giờ tôi sẽ chủ động cầm tay người thương
trước, để chứng tỏ mình còn trẻ, biết đâu sẽ được thấy lửa để cho em, và để anh bước qua nỗi tự coi mình già, như nhà thơ
Lữ Quỳnh kia. Có đồng ý với tôi không? Và nếu vậy thì phải cảm ơn Nhà Thơ Lữ
Quỳnh.
Nguyễn Thị
Khánh Minh
Santa Ana, tháng 7.2014