Huỳnh Như
Phương
Nguyễn Xuân
Hoàng
một đời viết
văn, làm báo, dạy học
Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng
(1940 - 2014)
Anh không về thật rồi
không tìm café bụi đời khác
chỗ ngồi đó quê hương đó
đã hoang vu.
(Vũ
Trọng Quang)
Thầy
Nguyễn Xuân Hoàng và thầy Nguyễn Trọng Văn là hai người thầy giáo mà tôi quý
mến cùng dạy lớp 12C3 của chúng tôi ở Trường Trung học Trường Sơn, Sài Gòn.
Thầy
Nguyễn Trọng Văn dạy luận lý học (logic học), thuộc khuynh hướng “dấn thân”,
thường cộng tác với các báo khuynh tả. Thầy Nguyễn Xuân Hoàng dạy tâm lý học,
gần với khuynh hướng “viễn mơ”, làm báo thuần túy văn nghệ. Nhưng cả hai thầy
đều để lại trong tôi những ấn tượng tốt đẹp về tư chất của người trí thức.
Dạo
đó thầy Văn vừa có bài thuyết trình gây chấn động ở Trường Đại học Văn khoa
“Phạm Duy đã chết như thế nào?”, sau đó được nhà xuất bản Văn Mới in thành
sách.
Ý
kiến của thầy gây ra tranh cãi: người tán thành thì đồng tình với việc phê phán
người nhạc sĩ đã sửa lời những bài ca kháng chiến; kẻ phản đối thì cho đó là
thái độ “chính trị hóa nghệ thuật” và bất công với người nghệ sĩ.
Hơn
40 năm sau, đọc lại những gì Nguyễn Trọng Văn viết về Phạm Duy, dễ thấy là cuộc
đấu tranh tư tưởng trong hoàn cảnh cực đoan lúc đó đã dẫn đến những nhận xét
nặng nề, nhưng tự trong thâm tâm người viết vẫn trân trọng tài năng của nhạc sĩ
và muốn đặt Phạm Duy giữa lòng dân tộc.
Một
lần, trong lớp tôi, chính thầy Văn đã say sưa nói về những kỷ niệm liên quan
đến bài hát Tóc mai sợi vắn sợi dài của người nhạc sĩ tài năng ấy. Và
thật là một nghĩa cử đẹp: sau hơn 30 năm, một trong những người đến thăm Nguyễn
Trọng Văn nằm dưỡng bệnh tại nhà sau cơn tai biến chính là nhạc sĩ Phạm Duy khi
mới hồi hương.
Thầy
Nguyễn Xuân Hoàng thì khác. Thầy yêu nhạc Phạm Duy, cũng như Trịnh Công Sơn, và
muốn tách con người nghệ sĩ Phạm Duy ra khỏi con người chính trị của ông. Nhưng
thầy Hoàng thật ra không phải là nhà văn viễn mơ.
Trong
cái năm 1972 nhiều biến động ấy, thầy nhận lời ông Nguyễn Đình Vượng thay nhà
văn Trần Phong Giao điều hành tạp chí Văn trên cương vị thư ký tòa soạn.
Cũng
năm đó, thầy viết một truyện ngắn có chất tự truyện nhan đề Cha và anh
đăng trên tạp chí Vấn đề của Vũ Khắc Khoan, hoài nhớ về những ngày kháng chiến
chống Pháp, trong đó trích lại mấy đoạn trong bài Bà mẹ Gio Linh của
Phạm Duy. Vì việc ấy, tạp chí Vấn đề bị tịch thu và tác giả Nguyễn Xuân
Hoàng bị gọi ra hầu tòa.
Không
biết truyện ngắn đó có phải là cách đối thoại tế nhị của thầy Hoàng với thầy
Văn hay chăng; nhưng dù không tán thành sự chọn lựa của đồng nghiệp, trong
trường hai thầy bao giờ cũng nể trọng nhau.
Hai
ông thầy đều cao ráo, đẹp trai theo cách riêng: thầy Văn râu quai nón, uy nghi,
đường bệ, giọng nói chắc nịch, đi xe hơi Volkswagen tới trường; thầy Hoàng dáng
thư sinh, pha một chút “bụi đời”, đi xe máy Lambretta, buổi chiều bao giờ cũng
đến trường thật sớm, ngồi chờ ở văn phòng trước khi vào lớp.
Ngoài
bài giảng, thầy Văn thích nói chuyện xã hội; thầy Hoàng chỉ nói chuyện văn
nghệ, triết lý. Một lần, nhân nói về cuốn sách Nói với tuổi hai mươi của
Nhất Hạnh, trong đó tác giả trao đổi thân ái với Phạm Công Thiện về vấn đề lý
tưởng, thầy Hoàng đưa ra so sánh rất thú vị và sâu sắc về hai tu sĩ Phật giáo
nổi tiếng này; thầy nói thầy yêu quý cả hai, nhưng nếu chọn lựa một hướng suy
nghĩ tích cực cho cuộc đời, thì thầy chọn Nhất Hạnh.
Thầy
Nguyễn Xuân Hoàng không thích uống rượu, có thể đó như một phản ứng với người
cha nghiện rượu chăng? Vì nể nang tình bạn mà thầy hay ngồi với nhà thơ Tạ Ký ở
quán rượu bên chợ Đũi.
Thầy
chỉ thích cà phê, nhất là thích nhìn những giọt cà phê sóng sánh rơi xuống đáy
ly. Rượu thường làm người ta hưng phấn, bốc lên; cà phê giúp người ta trầm
tĩnh, đằm xuống.
Nguyễn
Xuân Hoàng là người nghệ sĩ đích thực, nhưng tư chất nhà giáo đặt ra những giới
hạn không thể vượt qua cả trong cuộc đời lẫn trong nghệ thuật. Hình như A.
Camus bảo nghề giáo là chỗ sa lầy của nhà văn chính là theo nghĩa này.
Khi
tiểu thuyết Kẻ tà đạo được xuất bản sau khi đăng dài kỳ trên một tờ báo,
có người hỏi thầy: “Kẻ tà đạo là ai?”, thầy tự trào: “Kẻ tà đạo là tôi đó!”.
Thật ra, Nguyễn Xuân Hoàng vẫn là người coi trọng cái đạo trong đời và trong
văn.
Sau
này, trên đất Mỹ, theo lời kể của thầy, có lần hai người đang ngồi trong quán
cà phê, Phạm Duy bỗng xô ghế đứng dậy bỏ đi giữa chừng, vì nghĩ rằng Nguyễn
Xuân Hoàng không thích con người ngoài đời của ông.
Một
câu chuyện khác chứng tỏ cái đạo của người làm báo: Khoảng 1973 Nguyễn Xuân
Hoàng về Nha Trang phỏng vấn nhà văn đồng hương Võ Hồng, bài báo chỉ có một câu
nói vui về chuyện “đi bước nữa” của nhà văn mô phạm “lắm mối tối nằm không” này
mà khiến ông hờn dỗi, làm người phỏng vấn phải vội vàng “nói lại cho rõ” ngay
trên số báo sau: “Nha Trang, Võ Hồng và không có ai là phu nhân”.
Tôi
đã đọc hết những truyện ngắn và tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Hoàng in trước
1975: Mù sương; Sinh nhật; Khu rừng hực lửa; Kẻ tà đạo;
Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu…
Riêng
sách thầy in ở nước ngoài tôi không có đầy đủ, nên chưa thể viết một bài toàn
diện về sự nghiệp văn học của thầy. Nhưng tôi tin rằng không sớm thì muộn, sách
của thầy sẽ được chọn lọc tái bản trong nước, như trường hợp Nhật Tiến, Lê Tất
Điều, Phan Văn Tạo, Nguyễn Mộng Giác…
Tôi
yêu thích và vẫn còn nhớ từng đoạn văn tùy bút của thầy trong cuốn Ý nghĩ
trên cỏ. Sau này, viết tản văn, tôi biết mình chịu ảnh hưởng những bài của
thầy như Nếu buổi sáng hôm nay, Quá khứ một lần nữa, Uống rượu
ở chợ Đũi, Những trái cao su ở Sài Gòn…
Tôi
đã gửi tặng thầy tập sách mỏng của tôi và vui sướng báo tin với thầy, cách đây
hai năm, cô giáo Lê Trà My, với sự hướng dẫn của giáo sư Trần Đình Sử, đã bảo
vệ thành công luận án tiến sĩ về thể tản văn và sau đó đã chọn tác phẩm của
Nguyễn Xuân Hoàng in trong tập Tản văn Việt Nam hiện đại.
Gần
dây nhất, báo Lao Động cuối tuần cũng in lại truyện ngắn Ở quán cà
phê Starbucks mà thầy mới viết.
Sau
1975, những người trí thức ở miền Nam đều gặp khó khăn về đời sống, Nguyễn Xuân
Hoàng viết báo Tin sáng với bút hiệu Nguyễn Mai Khôi. Hồi đó công chúng
Sài Gòn không có nhiều sản phẩm nghệ thuật đa dạng để thưởng thức, có lần tôi
gặp thầy đến Phân viện tư liệu điện ảnh ở đường Phan Kế Bính để xin vé xem phim
hạn chế.
Một
lần khác, tình cờ gặp thầy cô ở nhà hát Trần Hưng Đạo, trông thầy rất vui và tỏ
ra thú vị với vở kịch Vụ án Erostrat. Từ khi định cưở Mỹ năm 1985, thầy
tiếp tục viết văn, làm báo, tham gia giảng dạy văn học Việt Nam ở Đại học
California, góp phần tục bản tờ tạp chí Văn cho đến năm 2008 mới đình
bản vì lý do tài chính.
Sang
năm là kỷ niệm 50 năm ra đời, tờ tạp chí văn học này có những đóng góp quan
trọng trong việc giới thiệu các khuynh hướng, trào lưu và tác gia lớn trên thế
giới, góp phần hiện đại hóa văn học ở miền Nam trước 1975, “thực sự làm sống
dậy một đam mê chữ nghĩa của nhiều người viết trẻ”, như thầy Hoàng nhận xét.
Không
phải ngẫu nhiên mà gần đây, trong các trường đại học và các viện nghiên cứu,
tạp chí Văn là một nguồn tài liệu tham khảo đáng tin cậy cho các luận
văn, luận án về văn học.
Bức
ảnh in kèm đây chụp nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng ở Thung lũng Silicon, thầy gửi
cho tôi đã gần chín năm. Năm ngoái nhân một đồng nghiệp ở trường đi trao đổi
khoa học ở Mỹ, thầy lại gửi sách mới cho tôi.
Thầy
còn hẹn sẽ về Sài Gòn, thầy trò đi uống cà phê một bữa. Tôi đã chuẩn bị
photocopy tặng thầy một bài luận và học bạ lớp 12 của tôi có lời phê, điểm số
và chữ ký của thầy với tư cách là giáo sư hướng dẫn (bây giờ gọi là giáo viên
chủ nhiệm) cùng với toàn bộ tập bài giảng tâm lý học in ronéo thầy soạn cho lớp
mà tôi lưu giữ cẩn thận suốt 40 năm qua. Nhưng bây giờ đây e rằng điều đó đã
không còn ý nghĩa.
Trong
sách Đoạn đường chiến binh, nhà văn Thế Uyên, một người cùng thế hệ vừa
từ trần tháng 6 năm nay, kể rằng hồi chiến tranh có lần Trịnh Công Sơn đặt câu
hỏi: “Khi đất nước thanh bình, bạn bè hai bên trở về, sẽ ra sao nhỉ?”.
Thế
hệ đó đến nay vẫn còn nhiều người thất lạc quê hương, thất lạc bạn bè. Nguyễn
Xuân Hoàng hay viết hai từ “Hẹn gặp” để tiễn biệt một bạn văn vừa ra đi: “Nghĩ
cho cùng trên đời này tưởng là chia tay mà vẫn là gặp gỡ và tưởng là gặp gỡ đôi
khi đã là chia tay. Con người giống như những hạt bụi bay tán loạn giữa bầu
trời và tình cờ gặp nhau, rồi những cơn giông bất ngờập đến bắn tung ra, những
hạt bụi lại rời nhau bay về những phương hướng khác. Những hạt bụi có còn gặp
lại nhau không hay mãi mãi không bao giờ tái hợp?”.
Nếu
có thế giới bên kia, liệu những người đã ra đi đó còn có dịp ngồi lại với nhau
để nói tiếp câu chuyện bỏ dở của những người trí thức đã kinh qua cơn tao loạn
của lịch sử?
Huỳnh Như Phương