Hãy đối xử với bạn bè
như đối xử với những bức tranh,
nghĩa là hãy đặt
họ ở những góc độ có nhiều ánh sáng nhất
khuyết danh
(Goctraitim.vn)
Những
bức tranh ấy được gìn giữ bởi bộ nhớ của tôi và bất cứ lúc nào muốn, chỉ cần
click vào icon hình trái tim bé bé, và với ánh sáng của nó, tôi sẽ thấy được
ngay, những ảnh hình thân thiết, sinh động.
Có
vẻ như cuộc sống tôi ít những buổi hội họp đông vui, vì hoàn cảnh bản thân,
nhưng điều đó không có nghĩa tôi không có duyên may lọt vào một chút không khí
bằng hữu chân tình, hình như đủ, để tôi hưởng niềm vui và hiểu được yên bình và
tin cậy, một cái kén rất nhỏ cho tôi nương náu giữa đầy rẫy bất an.
Sáng
nay trời Calif. dành mọi ưu tiên cho nắng, rực ấm góp thêm ánh nhìn của tôi vào
những bức tranh khiến nó vô cùng long lanh, giục tôi vẽ lại bằng lời. Ai đó đã
so sánh bạn thân như ngày nắng đẹp, nó toả sáng tận dưới bóng những tàng
cây.
Nhìn
lại, thấy mình được nhiều hơn, những ngày tươi nắng. Trong một tùy bút viết về
tuổi nhỏ, tôi đã lấy tựa đề Những Mùa Nắng Nha Trang, đầy âm vang nhịp guốc đồng
hành trẻ dại của anh em bạn bè. Hoá ra tôi cũng có gặp được “tâm giác” của ai
có câu ví von trên, phải không bạn tôi. Chữ bạn tôi dùng, chỉ tương đối, bởi,
không chỉ là sẻ chia bạn đồng trang lứa, mà còn là chút ngọt ngào của khói
sương văn chương tôi có duyên được lãng đãng theo.
Tôi nhớ những bài thơ nhật ký bạn hữu của Hoạ Sĩ
Đinh Cường, chắt chiu cảm xúc, từng ngày bên những bước mùa đi, chân tình, và
nên thơ. Tôi thấy được, người ấy, một mình, bên hàng cây khô, tiếng chim hót
khan giọng tuyết, người vẫn đi trong chiều rất lạnh. đèn xe
choá sáng ngược về đâu. người đứng nghỉ cột dây giày lại. thở hơi ra ngụm khói
tàn mau (Đinh Cường) Sao có nỗi một mình làm lòng người xao xuyến ấm như thế.
Trầm, và lặng. Cũng như những dấu ấn mà tình bạn để lại trong văn thơ Nguyễn
Xuân Thiệp, biết được cánh tường vi thơ mộng trôi trong vòng tròn một chén trà
sớm của nhạc sĩ Lê Uyên Phương mời bạn, tôi đã ngậm ngùi đóng tập thơ với hình ảnh
Âu Như Thuy trong u uất ly rượu, hạt lệ bằng hữu. Bạn bên cạnh và bạn xa vắng,
có nghe được tâm người nói chuyện một mình ấy?
Mây
phản chiếu ánh sáng mặt trời mà thành ráng, suối treo vào bờ đá mà thành thác.
Cũng là một vật nhưng nương vào vật khác thì tên gọi cũng nhân đó mà khác đi. Đạo
bạn bè sở dĩ quý là vì vậy.(69.Trương Trào,Huỳnh Ngọc Chiến dịch)
Những
bức tranh của riêng tôi đang thánh thót chồi xanh, như một âm bản vừa được rửa
ra bằng ánh nắng tươi mươi của hoài niệm.
Nguyễn Thị Khánh Minh
vẽ nét mực đen - đinhcường
1.
Chúng
ta không thể gọi những con người không hề có cánh là thiên thần, nên thay vào
đó, chúng ta gọi họ là những người bạn.(khuyết danh.
Goctraitim.vn)
Tiếp
những mùa nắng bạn bè ấu thơ ở Nha Trang, là những cơn mưa đùng đùng ở Sài Gòn,
đang tung hoành rồi đột nhiên rút lui cho nắng lại hiên ngang. Thế mà tóm được
nỗi mê say của tôi, từ bé đến giờ. Ai biết, mùi mưa đầy hương nắng Sài Gòn?
...
Nào tuổi 18, lăng xăng làm báo xuân ở trường Mạc Đĩnh Chi, cái ngày mới chân ướt
chân ráo bước vào lớp mười hai bị thầy kêu dò bài, luống cuống vì con zéro đầu
tiên trong đời đi học, rớt cái kính cận, bạn bè lạ cười ầm lên, ấm ức muốn
khóc, thì thấy từ dãy bàn phía bên kia, một bạn trai đứng lên lớn giọng, sao
các bạn cười vô ý thức thế, bạn ấy mới chuyển trường vào lớp mình, thế là
tiếng cười im bặt, và thầy vật lý lúc đó mới rõ tôi chưa kịp có bài để mà trả,
bạn đó là trưởng khối báo chí, dáng vẻ cao gầy thư sinh, mà sau đó tôi có dịp
làm việc chung trong giai phẩm xuân của trường. Kỷ niệm đẹp những ngày đầu ở lớp
học mới, tôi được bênh vực bởi bạn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường.
Tuổi
học trò nắng đổ gập ghềnh những chuyến xe lam, có cánh chim xanh nối hai đầu một
giấc mơ, Hiếu, bạn ở đâu bây giờ? Tôi nhớ dáng nắng bay áo lụa và đôi guốc mộc
gõ nhí nhảnh trên thềm lớp…
Và
em nữa, kia những cánh bướm xanh nhỏ đem nắng đi đâu? “cả một lũ kỷ
niệm, bao ngày xưa thương yêu, em mong- và mong vô cùng- sẽ chẳng phải
là ‘rồi cũng tan như bụi mờ’, nhé khánh, nhé khuê, khương. Tháng
12.1975. đồng hương.” nét chữ xưa tươi phút giây này Đồng Hương ơi.
Không bụi mờ như em ước, đúng không. Sẽ thêm nhiều lần nữa chị em mình ngồi
trên thềm tường vi này ăn món đậu phụ vàng dưa muối kiểu Kim Thánh Thán nhe
Hương. Và chúng ta, hớp một ngụm nước xanh của dòng sông quá khứ, hoá thành dân
xì-trum xanh, thơ thẩn trên bãi cỏ Mai Thôn nhấp nhô tiếng đàn tiếng hát, Bảo,
Quang, Khuê Minh, Thanh, Thu, Phụng, Triệu, Tiến, ơi...
Nắng thời gian ong ong gõ bức tranh thời sinh viên,
nhớ đi hãy nhớ, và thế là ít khi bị quên, như đang rất gần, bập bênh trên từng
bước hôm nay, hình ảnh Liên, Tỷ, Hoa, Xuân, Trung, Tứ, Huệ, Thọ, Thôi, Ngô
Minh… cùng con đường Duy Tân cây dài bóng mát những chiếc lá dầu bay, có
khi mưa Tiến cho quá giang, giang thật đấy, con đường ngập mưa tầm tã như sông…
Mà hình như khí hậu Sài Gòn tôi không hợp bằng Nha Trang, cứ bị đau hoài, mỗi lần
đau bất ngờ ở lớp, cô bạn Liêm phải đưa về nhà bằng xích lô, thật có duyên với
nhau, mà bạn thì bị vất vả há Liêm.
Lại
nhớ lần đau nặng phải đi Singapore mổ, Quý Loan đến tận giường bệnh, em giúp
chị một ít để đi chữa bệnh, Hồng Lan nữa, tôi không bao giờ quên sự giúp đỡ
tiền bạc cùng cái nắm tay trấn an tinh thần tôi lúc ấy của hai bạn, dù vừa rồi
gặp nhau ở Santa Ana, Hồng Lan nói, chị khoẻ là em mừng, nhưng không được nhắc
chuyện cũ nữa. Xin vâng, cô bạn nhỏ, chỉ là tôi làm con chim kết cỏ để đền
đáp những tấm lòng mùa xuân.
Ôi
mùa xuân Hồ Đắc Thiếu Anh, tiếng thơ Huế dịu dàng con sông thơm, một lần đến
trong đời tôi, với một tượng Phật Dược Sư, chị thỉnh ở chùa, chú niệm để cầu
xin cho sức khoẻ em.
Ôi
những mùa xuân, Liên Anh, Liễu, Tiên, Sáng, Hà, Dạ Khê, Vy Hoàng, chắt chiu bát
canh, hũ ruốc… trong những ngày Santa Ana, nằm bệnh, xin cảm ơn duyên phước để
thấy được ánh mắt long lanh của những mùa xuân ấy.
Có
giấc mơ ngủ muộn trong nắng đẹp Santa Ana, ảo ảo rơi vào tranh những hạt mưa
Sài Gòn gõ lời tình tự...
2.
Cười
với nắng một ngày sao chóng thế
Nay
mùa đông mai mùa hạ buồn chăng (Tuệ Sỹ)
Sáng
nay khi cầm ly cà phê bước ra thềm, tia mắt bị khều bởi những cành hoa màu xanh
trong tranh kia, tim chao đi như con thuyền trên một gợn nhẹ con nước nhỏ bên bờ.
Màu xanh ấy như giọt mật ong níu dính chân ruồi. Tôi bất động trên mảng không
gian ngọt lừ. Hứng những hạt thời gian rơi. Bức tranh của một bác sĩ tài hoa. Một
bình hoa xanh cạnh một ly với phin pha cà phê, trên một cái bàn, một cái ghế bỏ
trống, những cái một trên nền xanh ngát buồn, như một bài thơ thiền, cho nên mới
nói, bác sĩ vẽ tranh với trái tim thơ. Có lần tôi đã hỏi anh, nên gọi anh bằng
nhà gì, anh bảo, em đang là bệnh nhân, thì phải gọi cho phải phép. Vợ chồng tôi lúc ấy đều là bệnh nhân của bác sĩ,
nên, xin vâng, thưa bác sĩ Thân Trọng Minh. Thưa Hoạ sĩ Nhà Thơ Nhà Văn Lữ
Kiều. Hình như tôi đang nói với bức tranh trên tường. Và vẳng xa tiếng
nhạc dương cầm quán Du Miên. Những ai đang nói cười quanh tôi vậy? Ôi không khí
của Bùa Hương. Ngày đầu tiên, tập thơ ấy được các anh chị cầm trên tay trong
hương cà phê và tiếng dương cầm nắng.
Trời
buổi ấy một lần đứng lại/ Về xao giấc mộng giữa hai tay...Với
tôi, buổi sáng Sài Gòn đầy nắng ấy là bức tranh thủy tinh. Tôi nhé, phải nâng
niu.
Có
tiếng cười từ chiếc miệng nhỏ xinh của chị Ngọc Bích bên cạnh người chồng tài
hoa nhân hậu đến thiết tha, Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc, độc giả cùng bệnh nhân tìm đọc
văn thơ anh để chữa bệnh, những bài văn như nói chuyện vui đùa, vừa uyên áo vừa
giản dị, đáp ứng rất đúng những khúc mắc về sức khoẻ thể chất lẫn tâm hồn, và
đáng nói là, cho mọi lứa tuổi. Vừa mới đây Nhà Thơ Lữ Quỳnh của những giấc mơ
(Những Giấc Mơ Tôi, Lữ Quỳnh), đem về cho tôi mấy tác phẩm của anh Đỗ Hồng Ngọc, vui mê tơi,
và tôi cũng nghe lời bác sĩ nhà thơ để tập thở, làm thơ, để ru, bệnh ơi hãy ngủ
cho ngoan.
Có
anh Lê Ký Thương, hoạ sĩ của những đề tài gần gũi, đời thường, em bé con trâu
con diều đường đất nâu dấu chân mẹ quê con chó và cô chủ nhỏ…, thể hiện bởi những
đường nét gấp, gãy, sắc nhọn kỷ hà nét nhìn sinh động thông minh mà chỉ bằng
tâm hồn nhiên mới thấy ra được những góc cạnh như thế, nụ cười tiếng cười anh
cũng bình dị, hoà âm cùng vẻ trầm tĩnh của chị, Cao Kim Quy, từ tốn an nhiên
như văn phong của chị.
Và
ở cuối bàn thì bừng lên sôi nổi giọng anh Nguyên Minh, người như đã có lời thề
nguyện chung tình suốt đời với chuyện văn chương làm báo, cô bạn nhà văn Nguyễn
Thị Ngọc Lan mới tối nào đây nói với tôi qua phone mình thích truyện ngắn của
anh Nguyên Minh lắm... Anh đang khen tập thơ Bùa Hương, khen đến nỗi muốn thu âm lại
để nghe.
Cạnh nhà văn Nguyên Minh, là khói thuốc hoạ sĩ Lữ Kiều.
Đó buổi ra mắt Bùa Hương, chỉ 50 bản, Ý Thức Bản Thảo
ấn hành, với sáu anh chị và tôi. Bảy sắc cầu vồng. Bảy nốt trong âm nhạc. Những
quí báu cũng là thất bảo đấy. Và bản quí duy nhất của tôi được ấn chứng bằng những
chữ ký thân tình. Buổi sáng đẫm hương bằng hữu. Nó không chỉ chấm dứt vào buổi
trưa khi chia tay. Nó kéo dài cho tới bất cứ lúc nào hồi ức tôi lay động.
Sau
buổi trưa, anh Lữ Kiều bảo, giờ anh sẽ đưa em đến chùa Già Lam, -Thầy Tuệ Sỹ ạ?, - Ừ, mình cùng đi với Giai Hoa.
Có
đoá sala rụng ở sân chùa, cầm trong tay thơm ngát. Ép vào sách, đến giờ giở ra
còn nghe thơm. Thơm hương hoa khô. Thơm phút giây nhặt nó ở sân chùa, nơi có vị
sư của những lời thơ Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ/ Thắp đèn khuya ngồi
kể chuyện trăng tàn…
Đã bao trăng tàn bên chiếc lan can này nghe Sư nói
chuyện một mình? Chúng tôi ngồi ở đó, trước phòng Sư, trông xuống một vườn cảnh
nhỏ, gió buổi trưa hiu mát, trái tim tôi như chiếc lá bay. Họ đang bàn về
chương trình buổi ra mắt tập thơ Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm, tập thơ tôi được
Sư tặng sau đó. Giai Hoa là người dạy đàn piano cho thầy. Anh Lữ Kiều
nói. Rồi, chúng tôi được nghe và thấy Sư Ngồi Đàn, một Sư Nhà Thơ gõ trên phím
những nốt nhạc của tâm hồn. Tôi tặng Sư tập thơ Bùa Hương, và dĩ nhiên tôi
không để lỡ cơ hội có được chữ của Sư trong bản duy nhất của riêng kia. Và thủ
bút của Sư, bằng chữ Hán lẫn Việt câu thơ: Ngược xuôi nhớ nửa cung đàn/ Ai
đem quán trọ mà ngăn nẻo về.
(Phải
chi ngày xưa cứ giữ cái hiệu Tuệ Minh, thì bây giờ thấy sang bắt quàng làm họ,
với cố nữ sĩ Tuệ Mai và ngọn núi vời vợi Tuệ Sỹ này rồi. Là tôi nghĩ thầm thế)
Giở
xem lại những chữ ký ấy lòng run như đang mở xem viên ngọc quí.
3.
Rong
rêu
Đá
thốt nên lời
Mưa
Nguồn Giáng xuống
Bùi
ngùi trần gian
Đó
là cặp lục bát tôi tặng Thi Sĩ Bùi Giáng, in trên tạp chí Thời Văn, hình như
lúc ông bịnh nặng, hay lúc ông vừa mất (1998).
Nhớ
đâu năm 1997, Trần Quang Châu đem đến tờ báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật, đăng bài thơ Buồn
Vui của Bùi Giáng, trong đó có câu thơ kèm ghi chú: “(1) tơ tóc cũng buồn, tập
thơ nguyễn thị khánh minh.” (Sau này có in trong tập thơ của Bùi Giáng, Như
Sương,1998, do thân nhân in khi ông qua đời). Chỉ vậy thôi mà lúc ấy, tôi nhận
bao bao nhiêu cú điện thoại của bạn bè… thiệt là sức mạnh mũi tên bay của một
cái tên, là Bùi Giáng. Cho tôi say chút ngất ngây.
Trần
Quang Châu, nhà thơ, cùng làm tờ Thời Văn với nhà thơ Nguyễn Đăng Trình,(mà có
một lúc tôi giữ “công tác bạn đọc”), nói với tôi, đại ca Bùi Giáng muốn gặp
Khánh Minh, biểu tui đưa tới. Tôi mua một chai rượu tên Nếp Mới. Trời trưa chang
chang. Đường thì thiệt xa. Tới một ngôi biệt thự, thấy ông ngồi nơi góc vườn,
trên chiếc võng dưới bóng mát gốc cây to treo đủ thứ lỉnh kỉnh. Mầu áo xám,
khăn gì quàng cổ không biết, gầy guộc, khuôn mặt ông, nụ cười móm trẻ con,
nhưng ánh mắt cực sáng sau cặp kiếng. Đó là lần đầu tiên tôi nói chuyện với
bóng cả của nền thi ca Việt Nam, dù trước đó có gặp ông đôi ba lần ở Viện Y Dược
của Bác Sĩ Trương Thìn, và không quên, có lần sau khi Bùi Giáng khen thì Bác Sĩ Trương Thìn quay lại
tôi cười hiền, Khánh Minh sướng nhé.
Tôi
ngồi nửa quỳ bên cạnh võng đưa ông chén rượu nhỏ. Ông cầm tập thơ TTCB của tôi
dứ dứ lên xuống, qua có tập thơ của cô ở một cái gánh de chai à nhen. Rồi
biết thêm, mới đầu nó có một cái giá còn rẻ hơn bèo, nhưng sau đó thì bà ve
chai lại cho không. Không giá, nhưng với tôi lúc ấy, tập thơ nhỏ của tôi lại vô
giá từ lời khen của ông, Trần Quang Châu tủm tỉm, Khánh Minh đã thiệt đó, phải đền ơn tui cái bữa này nghen.
Hạnh phúc là ở đây. Tôi được ông tặng 3 tập thơ với
những đề tặng, xin bạn thứ cho khi tôi nhắc lại, vì đối với tôi, nó quả là rất
châu báu để tôi muốn khoe.
Trong tập Đêm Ngắm Trăng, Lần đầu tao ngộ khánh
minh/ Niềm vui vô tận tâm tình lão phu, với lời bên dưới, tặng
nữ sỹ khánh minh, tất cả được ông viết hoa.
Trang
thứ hai của tập Mưa Nguồn thì, tặng Minh-Khánh-tưng-bừng-tuổi-trẻ. Mưa nguồn
từ độ tuôn ra/ Tới bây giờ dội màu hoa minh khành, cái dấu đánh nửa huyền nửa
sắc. Dưới đó là chữ ký bùi giáng với chữ g kéo thẳng về phía trái, và 1997 với
số 9 có cái chân dài.
Tập
Rong Rêu thì, Giáng Bùi kính tặng Khánh My. Tôi ôm tập thơ vào ngực muốn
cười reo lên, ngẫu nhiên mà ông lại gọi tôi là Khánh My, cái tên máu thịt thanh
xuân, cái tên lãng đãng trên mấy từng gió, cái tên mộng mơ tan theo mấy chiều rủ
mặt trời đi ngủ sớm (Xuân Diệu), cái tên treo trên cành trăng non lơ lửng
hò hẹn sao đêm, cái tên lay động mỗi lần mưa Sài Gòn khẽ gọi, cái tên ngủ ngọt
bao năm trong ký ức sông êm đềm, dòng sông ấy bây giờ đang gợn lên trong nét
bút cong cong sông núi này. Cái ngẫu nhiên làm giây phút ấy rộn rịp nắng trưa.
Chỉ một buổi trọn sáng, ông gọi tôi bằng 3 tên, minh khánh minh khành khánh my.
Cảm ơn thi sĩ, thi sĩ xưng Lão Phu khi nói chuyện với tôi, lần sau cũng Nếp
Mới cho lão phu à, -Dạ.
Tôi
không có lần sau nữa. Tôi nằm bệnh hơn năm trời và cả lúc ông mất 1998. Trên Tạp
Chí Thơ 2004, có bài thơ của tôi, đoạn viết tưởng nhớ đến Rong Chơi Thi Sĩ:
...Đập.vào
mắt là tên một tập thơ được in ra để kỷ niệm bảy mươi năm ngày sinh của một Người
Làm Thơ vừa mới mất. những vòng đen đậm những vòng đen nhạt những vòng xám cắt
đôi chữ “Chớp Biển” sáng làm tôi bỗng nhớ mầu manh vải nhỏ ông cột trên cổ lúc
lang thang…
Tháng
10 nơi đây chiều cuối thu lạnh, mơ hồ trước mắt như sương câu thơ, và bóng
(em).
Đường
lây lất chiều bay sương lổ đổ
Đứng
bên trời em ở lại hôm qua
(Bùi
Giáng)
4.
Đàn
ai ngăn ngắt trời tây phương…
Xanh
đoá hồn tôi xanh lá lệ (Joseph Huỳnh Văn)
Gió
hanh hao từ núi thổi xuống Santa Ana, xen vào những ngày cuối thu lạnh, sáng
nào cũng thấy lá khô đầy thềm, có một chiếc lá rụng từ mùa mưa nào ở Sài Gòn nằm
im trong bức tranh, ánh vàng úa dào dạt tiếng guitar, mỗi lần mùa vào thu tôi lại
treo bức tranh này lên, buồn nhẹ nhàng theo vết thời gian, giờ nhìn tôi không
khỏi rưng lệ, người vẽ nó đã bỏ cây đàn ở lại và biến sau màu vàng chiếc lá thu
kia.
Tôi
nhớ căn phòng treo đầy tranh ở phòng mạch đường Nguyễn Trọng Tuyển, đó là lần
cuối tôi nghe anh đàn và hát Thong Dong Ca. Cũng nơi đó tiếng cười của Thuý
Vinh trong như tinh mơ và như giọng ngâm thơ của bạn. Anh em lại hát, rồi anh
cho hai đứa đi Ngự Bình ăn món Huế. Nghe Thuý Vinh gọi “anh Bụt” sao thấy mềm
lòng, khiến nhớ một hôm nào xưa, Đêm Hoa được tổ chức mà tôi là tác giả lại bị
bất ngờ, anh biết tôi là đứa nhát đám đông, nên có nói tổ chức đêm thơ cho tôi
thì chắc chắn là tôi sẽ lắc đầu, và thế là anh “bắt cóc bỏ dĩa”. Đó là một đêm
tuyệt vời. Tiếng đàn guitar Trương Thìn, tiếng hát bác sĩ Lê Hùng, và cô bác sĩ
hình như tên Hồng?, tiếng ngâm thơ Thuý Vinh, và giọng bắc đầy cảm xúc của nữ
sĩ Đặng Nguyệt Anh trong bài nói (rất hay) về thơ Đêm Hoa, hay vì cộng thêm
phong cách và âm giọng với sức hút của một thỏi nam châm.
Đúng
là Đêm Hoa của tôi. Đêm, lần đầu tiên tôi ôm hoa kín hết người (tôi cao thước
rưỡi thôi nhen). Đẹp quá nên không nghĩ đó là đêm của mình, như thể cô Tấm
đến dự một đêm hội rồi nửa khuya về nhà ngồi ngẩn ngơ tiếc chiếc áo dạ hội đã
tan thành bụi đêm. Ôi đêm hoa. ...Vâng. nửa đêm em sẽ về nhà/ thôi xe thôi
áo em lại là tấm tâm…
Nơi
phòng tranh nhạc ở Viện Y Dược Học Dân Tộc xưa, biết bao là hình ảnh, mùi
hương, mùi hoa sứ nắng hoa sứ mưa khuya, mùi cá nục kho, xôi thịt hon của Hồ Đắc
Thiếu Anh, một nữ sĩ gom hết những dịu dàng của xứ Huế vào thơ và giọng nói,
dáng người. Rồi cái bóng nhỏ, ánh nhìn tinh anh quét rất nhanh cảnh vật chung
quanh của Bùi Giáng, rồi bóng gầy áo nâu Trụ Vũ cúi xuống trang giấy dó để từng
con chữ tung lên, Đặng Nguyệt Anh nồng ấm đọc thơ, giọng ngâm lanh lảnh ánh
chuông của Thuý Vinh, nghe sao mà mị lòng nhau quá sức.
Người
nghệ sĩ đã không đàn thêm nữa, giọt âm thanh đọng lại bên thềm, thành bầy sương
khóc thầm trong tối, xin đêm là đôi cánh chở tiếng nhạc về trong mỗi giấc mơ…
Vâng,
chỉ là giấc mơ, một đêm cuối năm 2012, bên bờ biển phía này, trời lạnh, cái lạnh
không đến từ khí trời, mà buốt khi nghe giọng Ngọc Sương sũng lệ qua điện thoại,
anh Thìn đi rồi, khánh minh ơi, người như bị kéo tuột vào một cõi xa, rất
vắng. Con sóng đập vào bờ, nhẹ mà âm thăm thẳm sâu hút đêm, tiếng đàn guitar rớt
âm buồn trong gió, viễn xứ rồi, thưa anh, Bác Sĩ Trương Thìn…
Đâu
đâu cũng thấy bến bờ
Ô
hay đấy bến đây bờ thong dong
(Thong
Dong 47- Trương Thìn)
5.
Nơi
đây khoảng trời là những nốt treo
Cao
cao cao âm vang đang tan theo (Nguyễn Lương Vỵ)
Theo
mây đi một buổi/ Trời đất nhẹ phiêu phiêu…, phiêu nắng Bolsa,
gặp Võ Chân Cửu, người đã một thời còn rất trẻ tôi thích thơ, chép vào cuốn sổ
tay, một con chó con một vầng trăng sáng… ôi một vầng trăng mang tiếng
khóc… Âm âm tiếng núi trong sương đọng/ Mười năm mà vẫn tưởng hôm qua.
Trăng khóc sương rền tiếng thời gian và con chó con. Va đầu tưởng đụng núi/
Chỉ đụng bóng sương chiều, nên chi khuôn mặt nhà thơ khó căm và may là, bỗng,
cười hiền. (chữ xiên: thơ Võ Chân Cửu)
Một
buổi tối tháng 10, 2012, theo Nguyễn Lương Vỵ, Võ Chân Cửu đến dự một đêm ra mắt sách. Đi ngay, trước
hết vì đó là một tác giả luôn trong tầm ngắm tìm và đọc của tôi, sau là vì tác
giả chỉ họp một ít anh em văn nghệ sĩ tại nhà một thân hữu. Vừa vào bàn ngồi
thì người như trái bóng bay, trời ơi Ngọc Sương của Old Friend, bao năm rồi giờ
bỗng nhiên không hẹn mà ngồi sát bên nhau, hồi còn ở nhà Ngọc Sương là chủ quán
café tên Old Friend, phải đi bộ một con hẻm
nhỏ ngoằn nghoèo xa như đi vào cổ tích, để đến một ngôi quán nhỏ ẩn hiện
cuối đường mây, được thiết kế bởi nhà thơ Đỗ Trung Quân, quán bé như một giấc
chiêm bao, nên không khí bạn hữu cũng lãng đãng, không ít lần xa gần tiếng
guitar anh Trương Thìn. Vỡ ra theo chuyện trò, quên mất nhìn nghe, ông nhà thơ
hằng ngưỡng mộ, đúng là chẳng thấy ai ngoài Ngọc Sương. Mãi khi ra về, cầm mấy
tập thơ được tặng trong tay, người thi sĩ từ giã tôi bằng vòng ôm rất là gió
heo may, và hẹn gặp lại. Đêm đó tôi đi vào giấc ngủ, hình như là rất thổn thức,
sau khi đọc những bài thơ đầy tiếng gió u hoài Nguyễn Xuân Thiệp. Có nỗi gì nhẹ
như vạt khăn san chiều thu.
Và,
gặp nhau lại thật. Cũng mùa thu. Năm 2013. Chả phải mình luôn ước, thu có bạn
cùng ẩm hoàng hoa tửu đó sao. Cầu được ước thấy, một bàn tròn nâng ly
cùng nhau, mùa thu Calif., rượu vang Calif.. Bức tranh không biên giới âm thanh
và màu sắc.
Hoạ
sĩ ngồi đó, một ánh xanh trôi dài như dòng sông Potomac trôi về, với nụ cười mỉm.
Tôi thấy những cành cây khô và cánh chim buồn trong tranh ông như lấp lánh dưới
ngọn đèn vàng sau lưng ghế ông ngồi, bên cạnh tiếng huế thỏ thẻ của old friend
Ngọc Sương, thầy Đinh Cường…,
Nửa
bàn phía kia, nhà văn Nguyễn Đình Toàn bên cạnh dáng mảnh khảnh của chị. Nhìn
ông, ký ức lội ngược về ngày cũ thời ca khúc da vàng, nghe nhạc trong một cái
máy cassette vỏ bằng gỗ, những băng hát Khánh Ly, mà sao mê nhiều hơn, giọng
nói của ông, để sát vào tai nghe cho thấm từng nhịp giọng ngừng, từng âm thổi
chữ đầy cảm xúc.
Vòng
tròn tiếp đến một cô bé, mà tôi đã không cho cô chào tôi bằng cô, chị đi, cho
tôi hưởng chút thanh xuân của cô, nhé, Lưu Na. Có ai đọc những tuỳ bút của cô rồi
gặp, hẳn là phải ngạc nhiên, như tôi lúc ấy, cái trẻ trung tươi măng lại ẩn dấu
suy tư tre già đến thế, ra trong ánh mắt ấy có riêng cái nhìn cùng chữ, để tin
cậy trao gửi thẳm sâu của suy tưởng và tâm hồn.
Còn
mái tóc trắng mây kia nữa, giọng Huế, âm thấp như nốt nhạc trầm rơi xuống chiều,
hoạ sĩ Nguyễn Đình Thuần, người vẽ những giấc mơ và con gái màu xanh.
Tôi
ở đâu trong vòng tròn tối mùa thu ấy? Tôi ở bên tay trái hoạ sĩ Đinh Cường, cho
nên tôi nghe được âm thanh của một nụ cười mỉm, bay ra từ bức tranh đêm xanh
chuông nhà thờ treo lẻ loi nét trăng cong. Lưu Na cho xem tấm hình vừa chụp,
tôi nghe hoạ sĩ nói, hình nào cũng thấy khánh minh tay chống cằm. Chùm
đèn trên bàn ăn rớt những hạt lung linh.
Cách tôi một áng mây chiều mới tới nhà thơ gió thổi chiều
xanh nguyễn xuân thiệp trôi với nắng. Nên thi sĩ ngồi đó, hư ảo
tiếng gió thu, buồn như khúc ca cổ, hoài niệm con đường lát gạch một thời phố
cũ, đâu đó. Tôi thấy trong đáy ly vang đỏ ông đang cầm trên tay sóng sánh những
thời gian.
Áng
mây chiều kia là Mây Hoàng Hôn Vy Hoàng, bạn tôi, có đôi mắt đẹp như Liz
Taylor, quên chưa để ý có ánh tím huyễn hoặc không, sao lời nói phía nhà thơ của
gió bay đến tôi đầy mây tím.
Giáp
một vòng rồi đấy. Vòng tròn ư “cứ đi hết sẽ gặp lại nhau”…, Lưu Na ơi,
có hình bàn tròn buổi tối ấy không xin cho một tấm… Đó là bức tranh của pha lê
trong, rượu sánh đỏ tiếng cụng ly lanh canh. Trời đất như gần lại trong tiếng
cười thân. Ngoài kia đêm đã ngập đầy phố. Gió thổi lộng những vòng ôm chia tay.
Có hẹn gặp lại không để trên con đường tôi đi sẽ hoài nghe bàn tay vẫy gọi?
một
mai về với mây ngàn
chỉ
xin nhớ chút dịu dàng của nhau
(Trịnh
Y Thư)
6.
tôi
gởi lại
một
góc phố. rực lá vàng
quán
cà phê. mở cửa. dưới giàn hoa giấy.
tiếng
chim…
thức
trong cây và đất. đợi chờ ai… (Nguyễn Xuân Thiệp)
Có
một sở thích, gần như là thói quen, không biết thành đường đi lối về của mình
lúc nào, mà thích ngồi quán cà phê đến thế. Hồi sinh viên thì thường xuyên ngồi
với ông anh kế, Khải Minh, lúc anh là sinh viên đại học Minh Đức, hồi anh là
sinh viên sĩ quan Thủ Đức, thường là quán cóc bên đường, đặc biệt là trước một
con hẻm có hoa giấy đỏ ở đường Duy Tân dẫn đến trường Luật, tiếng chim lảnh lót
trong tàng cây, ồn ào trên hè đường cạnh những chiếc đẩu gỗ. Rồi đến khi đóng quân xa, mỗi lần về phép lại
kéo cô em đi, có tí tiền lương lính, cho em biết thế nào là Grival, Brodard Tự
Do. Khi anh ra tù thì lại châu về hợp phố quán cóc cà phê tạp, thế mà vẫn
thích. Anh Khải ơi, hẹn nhau nữa nhé, mai em về, những con đường cà phê dưới
phố…
Hơn
mươi năm đổ lại đây thì say mê tái tê không khí của những Cõi Riêng, Khúc Ban
Chiều, Thềm xưa, Cửa Sổ Ban Mai, mà không ít lần ngồi với người chị tâm hồn sầu
mộng, Kim Cúc, dáng gầy mai, giọng Huế như tiếng gió thổi tia tia kiều nhuỵ,
ánh mắt xa, buồn như mảnh trăng xanh cô đơn trong tranh Đinh Cường.
Tôi
thích đặc biệt quán Đất, quán cà phê, và anh Lữ Kiều lại giới thiệu là mì quảng
rất ngon. Đất, gần nhà, chỉ băng ngang bên kia đường Sư Vạn Hạnh nối dài, đi
vào hai ba con hẻm nhỏ là đến, tôi vẫn hay đi bộ, ngồi một mình, đọc sách hay
viết với cái bàn gỗ xù xì trên căn lầu nhỏ, ngó xuống mái ngói đỏ và những tia
lá trúc lay láy ngoài cửa sổ, nơi có con mèo đất đen nằm co ngủ nướng trên
thành cửa. Nhớ có lần, để quên một tập thơ, hôm sau thấy nó được xếp trên cái tủ
chưng đồ gốm, -Những Buổi Sáng- nằm thật yên ả. Từ đó, mỗi khi đến quán, nghe
ông chủ dặn cô ngồi ở quầy, cô nhà thơ, nhớ bớt 10%..., nghe nhẹ cả người
(nhẹ nhiều kiểu…), đã bao năm rồi, chưa về hỏi thăm con mèo đen bên cửa sổ…
Cho
tới sang đây, dĩ nhiên cũng không thiếu dù cà phê quán kém nên thơ hơn. Có sáng
Tài Bửu với anh Du Tử Lê, Nguyễn Lương Vỵ trầm lặng ba số 5, bên cạnh dáng gầy
thanh tao Ngọc Hoài Phương, thi sĩ có nụ cười mím chi, nói nhiều chuyện đời
xưa… Có sáng Gypsy ngồi nhìn trời đầy xanh đất đầy nắng, có chàng nhà thơ hay
buồn trĩu như mây sắp mưa, Lê Giang Trần, ở đời này hưởng biết bao buồn vui
nhưng vẫn là trạm để bạn quá bước thôi sao, hả. Quát tí cho bạn vui thôi, chứ
sao không hiểu… nên thơ rồi cũng về bao la nào/ chỉ còn một thoáng xôn xao…(LGT),
dường như là tôi chưa làm lễ bái sư dù đã xong cua layout, phải không Lê Giang Trần, thôi
thì coi như, bạn nói đó nghe, là thơ nếm nhẫn nhuỵ sen ngậm ngùi...
Một
buổi sáng đầu đông, Vỵ gọi -khoẻ không, xin phép chồng đi, cà phê, có Trịnh
Y Thư-, - đang đi cà nhắc, phải chống gậy-. Nói vậy chứ tôi lại mượn cái
vai của Vỵ để bước. Và trước khi đi, nhỏ nhẻ với chồng, không biết có thiệt
không, rằng, hôm nay minh không đau, minh đi nhe. Quán có cái tên,
Lovers. Ba người ngồi dưới một tàng hoa giấy đỏ ối, nắng rỗ lanh chanh mặt bàn,
Vỵ thì nói với điếu thuốc hơn là với bạn. Sáng đó nói chuyện được nhiều với nhà
văn, nhà thơ TYT mới thấy được vẻ trầm tĩnh và những nhận xét sắc nét của anh về
cuộc sống cũng như văn chương nghệ thuật, hiểu thêm hơn những điều anh viết
trong Chỉ Là Đồ Chơi (tập sách là một đồ chơi nghiêm túc phải được để một chỗ
trang trọng trong tủ sách, hoặc, một nơi có thể dễ lấy bất cứ lúc nào, để đọc)
thế đấy, Chỉ Là Đồ Chơi, mà tôi có duyên layout, dự một phần trong sự ra đời, về
mặt hình thức, của nó. (Cảm ơn nhiều lắm, anh Khế Iêm, với những giờ học hàm thụ
CS3) Cũng có chút gặp gỡ sở thích trong bài Ngồi Quán, ở đấy. Và chuyện chữ
nghĩa thì, không phải là chuyện dã tràng (chữ Trịnh Y Thư) đâu, nhà thơ ơi, khi
nắng lên gần đỉnh trời vẫn tưởng còn là buổi sáng cà phê… mà, hình như anh còn
nợ tôi một khúc tây ban cầm.
Lúc
ấy tiếng chuông reo, vọng đến từ phương Bắc, giọng hoạ sĩ Hà Cẩm Tâm qua điện
thoại, khánh minh ơi, cho biết tình hình sức khoẻ em… Ôi tôi chưa kịp xẻ
cái bệnh thì đã được vơi rồi…
Cũng
quán Lovers này, năm ngoái, tôi được Tuấn Khanh (là nhạc sĩ trẻ sau này) chụp
cho tấm hình với giàn hoa giấy, tóc bay, trông thật thơ. Người nhạc sĩ này ngoài
nhạc, văn hay, còn có một giọng kể chuyện vui dưới một nét mặt rất tỉnh bơ, dí
dỏm và có duyên đặc biệt, hèn chi nổi tiếng quá. Hôm ấy tôi cũng được biết một
khuôn mặt trẻ mà tôi rất cung kính về sự thông hiểu Phật pháp, Tô Đăng Khoa.
Nắng
ký ức loé lên một bức tranh sắc màu buổi xế Santa Ana. Có tiếng cười rất bằng hữu
của một người anh cả, Nhà Văn Phạm Quốc Bảo, người sở hữu một văn phong điềm đạm,
và những nhận xét tinh tế. Lần đầu tôi gặp anh là để hỏi việc làm, tiếc là
không đủ sức khoẻ nên không thành. Lần khác, tôi đi cùng ông anh đến toà soạn
Người Việt, anh muốn tìm người bạn học xưa tên Uyển, không gặp, tôi dẫn anh đến
phòng anh Phạm Quốc Bảo, tính giới thiệu, thì nghe anh Bảo reo lên, ơ Khôi Minh đây à, ở
đâu đến đây..., té ra họ là bạn nhau thời Chu Văn An. Lúc ấy anh Phạm Quốc Bảo khen thơ
cô em gái của bạn hết biết, làm tôi nheo mắt với ông anh luôn bảo tôi “cái óc bằng
hột đậu đen”. Thế nên, tôi xem anh Phạm Quốc Bảo như anh cả là vậy. Váng vất mùi Hương
Đêm từ trang sách của anh bay trong trưa hạ, nhớ anh nói, ý là, hương đêm mang
cái vị đậm nắng của ngày, ngày càng nóng thì đêm hương càng đậm, tôi đã để ý,
hình như đúng, khi đêm hắt lên vị nồng của đất nóng.
Và
đối diện tôi, nhà văn Nguyễn Tường Giang mà tôi muốn nhắc đến cái nỗi Ngồi
Quán, (mời Trịnh Y Thư cùng
nghe):
chiều
nay không biết làm gì tôi xuống phố
ngồi
trong Pagode một mình
ngó
hoài những khuôn mặt cũ
ước
mơ những chuyện không thành
anh
tự hỏi anh khi nhìn con phố vắng
mưa
xưa hay nắng xưa…
...
ôi hồn anh lẻ loi đã khóc
(Khói Hồ Bay, tr.258)
Khói
Hồ Bay qua giọng Bắc Nguyễn Tường Giang, thổi hút căn phòng khách nhỏ vào những
câu chuyện kể, đời xưa, mơ màng bóng dáng nhà văn thần tượng của tôi, Thạch
Lam,
...Nơi
dấu chấm cuối cùng của câu thơ tiễn biệt. Gió đầu mùa gieo cuối phố hoàng lan.
Gọi như thầm em ơi sợi tóc nhỏ…
7.
Những
bức tranh của tôi. Cuộc sống đã vẽ một màu sắc dịu dàng mà muôn trùng thời gian
chắc vẫn khắc khoải một giấc mơ… Lại còn muốn vẽ cả giấc mơ nữa sao, tôi?
Nhưng,
đã có lúc, dòng sông thời gian ấy được gợn lên ánh hấp dẫn của tình cờ, như buổi
sáng tháng giêng này, cánh chim nào đang tha về những cọng rơm nắng kết tổ mùa
xuân?
Hôm
nay, còn ba trăm năm mươi mấy ngày nữa là hết năm 2014.
Trong
đọt tháng ngày vừa mơn man xanh ấy, tôi theo Vỵ đến Gypsy, anh Du Tử Lê đãi một
bữa cà phê sáng trước khi Vỵ đi xa. Lúc tôi khập khiễng đang loay hoay tìm chỗ
dựa để bước lên thềm thì một chị bước tới đưa bàn tay ra. Tôi vẫn luôn nghĩ,
bàn tay chìa ra cho người khác nắm là bàn tay của nhân hậu. Sáng nay tôi đã nhận
được điều ấy, từ một phụ nữ có khuôn mặt hiền, mắt buồn ánh nụ cười với má lúm
đồng tiền thật tươi. Và khi vừa ngồi xuống thì tôi nghe anh Du Tử Lê nói, chị Tô Thuỳ Yên đúng là một bà tiên.
Lúc ấy tôi như hạt nước rơi vỡ tung toé, để thấy rằng, hôm ấy ngoài anh Du Tử Lê,
Nguyễn Lương Vỵ, còn có các Thi sĩ, Ngọc Hoài Phương, Tô Thuỳ Yên và chị, vợ chồng Nhạc sĩ
Đăng Khánh Phương Hoa, từ Houston đến, và anh Hiến, phu quân một nữ lưu đẹp nổi
tiếng.
Thật
bất ngờ để tôi được gặp một tên tuổi đã nghe mấy chục năm trước. Một khuôn mặt
thơ nổi tiếng của 20 năm văn học miền Nam. So với gương mặt xương xương khó khó
trên trang Gió-o thì Tô Thuỳ Yên tôi thấy ở sáng Bolsa này như đầy đặn, thoải
mái và trẻ hơn. Cứ xem như, biết đến ông từ ngày đọc thơ rải rác ngày xưa, tới
bây giờ thấy ông trước mặt, một khoảng thời gian, tạm ví von bằng câu thơ của
ông, …tình ý theo người đi một đỗi./ Một đỗi, dài hơn bốn chục năm…, và
rồi lại sợ, hỏi chưa ra, đã trăm năm, sững sờ… nên chi tôi hơi huyên thiên và nhất định phải đứng gần ngọn đá mộng ấy
để chụp hình. (Tô Thùy Yên có bài thơ Đá Mộng)
Cả
hai, thi sĩ Tô Thuỳ Yên và nhạc sĩ Đăng Khánh, chắc lây bởi cái nắng chín ấm buổi
sáng Bolsa nên đều tỏ tình vợ khiến tôi phải thốt lên rằng thật không gì hạnh
phúc cho bằng làm vợ nhà thơ và nhạc sĩ, số là họ nói, bao giờ người đọc,
người nghe đầu tiên sáng tác của họ cũng là người vợ. Ly nước rót đầy trong nụ
cười hai chị. Chuyện đẩy đưa thế nào mà tới giọng kể rất hay của nhạc sĩ Đăng
Khánh, nói chuyện như viết văn, về cái buổi gặp gỡ của mối tình đầu, là chị
Phương Hoa đang ngồi cạnh tôi đây, khi ra về tôi nói, em sẽ kể lại chuyện
ban đầu của anh chị đấy nghe, chị Phương Hoa cười cho bản quyền, và
tôi viết lại đây theo trí nhớ,
…một
buổi học anh văn tối, anh nhìn qua bàn bên kia thấy một vai áo tím có đường vải
rạn nhẹ, thấy lạ, anh để ý thêm, sát bên hông cô bé, một cái cặp bằng da bò đã
sờn bạc mầu, cô để trên bàn một hộp bút, là cái hộp sắt đựng thuốc lá (Craven’
A) cũng rất cũ, cô lôi từ ấy ra một cái túi dài nhỏ bằng nhung rút ra một cây
bút, kiểu cũng đã rất xưa. Những cái rất xưa rất cũ ấy lại thuộc về một cô gái
nhỏ trẻ trung, toát ra một sức hấp dẫn lạ kỳ đối với anh. Và nên một mối tình, và thành đến bây giờ, một đôi
hạnh phúc, Đăng Khánh Phương Hoa.
Tôi
cũng nhớ cây bút chì con con có một đầu tẩy mà nhạc sĩ Đăng Khánh lôi từ túi áo
ra để ghi địa chỉ. Nó cũng cũ cũ. Thật lạ, một cây bút chì bên cạnh những
iPhone mà bất cứ lúc nào cũng dễ mở ra để gõ vào note, khi tôi hỏi, mới biết mẩu
bút chì có gôm đó là một đặc điểm riêng của sinh viên trường nhạc, của những
composers.
Gần
trưa chia tay thì lại thấy Tuấn Ngọc tới, người nổi tiếng, đi tới đâu cũng bị
chụp hình. Anh Ngọc Hoài Phương, với iPhone, ghi hình buổi sáng ấy, mà đối với
tôi, có lẽ khó có lần thứ hai. Nắng Bolsa đang phổ tiếng cười chúng tôi thành
những hạt óng ánh rơi vào ly cà phê, soi những tia nhìn bầu bạn.
Cũng
nơi góc thềm Gypsy chứa đầy nắng tươi gió trong ấy, tôi được tất niên, 27 tết,
bằng cà phê sữa với chiếc bánh hình mảnh trăng khuyết thơm ngát bơ, với anh Du
Tử Lê và bạn Lê Giang Trần, nghe đâu đó bên cạnh rổn rảng tiếng nói chuyện của
các văn nghệ sĩ Vương Trùng Dương, Nguyễn Đình Thuần, Đặng Phú Phong.
Hình như vô thanh, tiếng cười du tử thi sĩ họ Lê, anh đang
nhắc đến một ước mơ ngày nào đó mấy anh em dang tay đi giữa đường Tự Do hát chào đêm
Sài Gòn. Dĩ nhiên là đêm, thật là khuya, vì ngày thì chết chắc, và biết đâu phải
nhận một giấy phạt chiếm lòng lề đường.
Tôi
thấy nắng reo trên bực thềm câu thơ như tiếng hát, hãy sống/ hãy sống vì những
điều chúng ta tha thiết (Du Tử Lê)… Vâng, hãy sống thật gắn bó từng phút giây,
vì chỉ thoáng thôi, tất cả sẽ được gọi là, kỷ niệm.
Bức
tranh gần nhất bên tôi lúc này xuyến xao nắng giữa mùa đông, đã tết rồi đấy chứ,
28 tết, trên
thềm gió đã thổi xuống lác đác xác cánh hoa đào, anh Quý, ông anh láng giềng,
đang lui cui cùng với nhà tôi, sửa lại cho vừa tầm tôi, chiếc nạng chống…
*
Ơi
những bức tranh lộng lẫy cuộc sống của tôi. Được cất giữ nâng niu như món đồ cổ.
Càng để lâu càng tăng giá trị, đúng không,
Xoa
tay nhặt năm tháng cũ
Mầm
tươi vừa nhú diệu kỳ
(Nguyễn Lương Vỵ)
Cứ mỗi lần giở ra xem, lại thấy bật ra nhiều nét lạ, và
dường như thấy nó rực rỡ hơn. Cho dù, có thể là rực rỡ mong manh…
Tịch
liêu chiều thế hôm nay
Sông
ơi nước cuốn bay đi những gì
Trông
mòn con mắt lưu ly
(Nguyễn Tôn Nhan)
Vâng, thưa anh Nhan, chiều Santa Ana 28 tết, *
tay
cầm một nhánh cỏ vàng
thổi
phù theo ánh trăng tàn cuối đông
(Nguyễn Tôn Nhan)
Vàng
tan theo nắng đang dần xa như khói hương…
Nguyễn Thị Khánh Minh
Santa
Ana, 28.1.2014
*có một ngẫu nhiên, tôi viết xong bài này vào
28 tết, kết thúc bằng 3 câu thơ của thi sĩ Nguyễn Tôn Nhan, khi xem lại để gửi
trang Gió-o thì mới sực nhớ đó là ngày giỗ của anh NTN, vì thế mà có thêm mấy
câu kết từ chỗ ngôi sao này. Dường như không phải tình cờ, ánh trăng tàn rơi
vào để bức tranh của tôi được trọn vẹn cái thời gian huyền ảo Một Ngày của nó.