Sunday, November 16, 2014

75. DINO BUZZATI Bệnh viện bảy tầng


DINO BUZZATI
BỆNH VIỆN BẢY TẦNG

Trương Văn Dân 
dịch từ nguyên tác tiếng Ý


Dino Buzzati  (1906-1972)


Sau một ngày trên xe lửa, một sáng tháng ba, Giuseppe Corte đến thành phố, nơi có một bệnh viện danh tiếng. Lúc đó dù đang bị sốt nhẹ  nhưng anh vẫn muốn tự mang hành lý và đi bộ từ nhà ga đến nơi chữa trị.
        Dù  rằng căn bệnh của anh chỉ mới phát ở dạng nhẹ nhưng bạn bè đều khuyên anh nên đến chữa trị ở bệnh viện nổi tiếng về chuyên khoa này. Nơi đây ngoài sự hiểu biết của các bác sĩ  về căn bệnh còn có sự sắp đặt  hợp lý và sử dụng hiệu quả các trang thiết  bị y tế.
       Khi nhận biết bệnh viện từ xa, trước đó đã thấy hình chụp trên một trang quảng cáo, Giuseppe Corte liền có ngay một ấn tượng tốt. Đó là một tòa nhà bảy tầng, sơn trắng và được  kiến trúc  bỡi những phần lõm vào đều đặn nên trông hao hao một khách sạn. Xung quanh tòa nhà được bao bao bọc bởi một  bờ rào có trồng các cây cao.
       Sau khi được khám tổng quát, trong khi chờ đợi xét nghiệm chuyên sâu, Giuseppe được  bố trí ở trong một căn phòng vui mắt nằm trên tầng bảy. Các  tủ bàn đều sơn màu sáng và sạch sẽ như lớp giấy dán tường, ghế bành bằng gỗ và các chiếc gối lót lưng đều được bọc bằng  vải màu sặc sỡ. Từ cửa sổ anh có thể nhìn thấy một trong những cảnh quan đẹp nhất thành phố. Nói chung là tất cả đều  yên tĩnh, có vẻ hiếu khách nên làm anh yên lòng.
       Giuseppe Corte thả mình lên giường, anh bật đèn trên đầu giường và bắt đầu đọc quyển sách  mà  mình đã mang theo. Một lát sau  có một cô ý tá bước vào để hỏi  thăm xem anh có cần gì thêm không.
       Giuseppe Corte  đáp là anh chẳng cần gì thêm cả nhưng anh rất vui khi được tiếp chuyện với cô gái trẻ, hỏi thăm về các sinh họat trong bệnh viện. Nhờ thế anh biết được những đặc tính hơi quái lạ của bệnh viện này. Các bệnh nhân được  bố trí ở theo từng tầng tùy theo mức độ nghiêm trọng về bệnh tình của họ. Tầng bảy, tầng cao nhất, được bố trí cho các dạng bệnh nhẹ. Tầng sáu dành cho các bệnh nhân không nặng lắm, nhưng cũng không thể xem thường. Tầng năm được  dành cho việc chữa trị các bệnh nghiêm trọng hơn và cứ tương tự như thế cho các tầng kế tiếp. Tầng hai dành cho các bệnh cực kỳ nguy kịch còn tầng một thì dành riêng cho các trường hợp chẳng còn hy vọng gì.
        Hệ thống phân bố khác thường này, ngoài việc đơn giản hóa việc chăm sóc còn có ưu điểm là ngăn không cho một bệnh nhân dạng bệnh nhẹ bị quấy rầy bởi một bệnh nhân khác nằm bên đang quằn quại, tạo cho mỗi tầng đều có một không khí đồng nhất. Ngoài ra, việc chữa trị còn được sắp xếp một cách hoàn chỉnh theo từng cấp độ .
       Thế là các bệnh nhân được phân chia thành 7 tầng khác nhau. Mỗi một tầng được xem như một thế giới riêng biệt, với những quy tắc và truyền thống khác nhau. Và dù rằng bác sĩ giám đốc đã cố gắng đưa ra một đường hướng chung nhưng do mỗi khu vực  được  ủy thác cho một vị bác sĩ khác nhau nên dù muốn dù không giữa các tầng cũng có một sự khác biệt nhỏ trong phương pháp chữa trị     
       Khi cô y tá bước ra khỏi phòng, Giuseppe Corte cảm thấy mình đã bớt sốt, anh bước đến bên cửa sổ và nhìn ra ngoài, nhưng không phải để nhìn xem cảnh quan của thành phố, dù nó cũng rất mới mẻ đối với anh, nhưng là với hy vọng nhìn thấy các bệnh nhân khác ở tầng dưới.  Cách kiến trúc của bệnh viện, có nhiều chỗ xây lõm vào, có thể cho anh nhìn thấy dễ dàng.Thế là  anh chú mục nhìn xuống tầng một, nhưng vì chỉ được nhìn nghiêng nên thấy mọi vật dường như xa lắm. Và chẳng nhìn thấy điều gì đáng quan tâm.  Phần lớn các cửa sổ đều được khép kín và  che phủ bỡi một màn sáo màu xám tro.
       Lúc ấy Giuseppe Corte  chợt nhận ra là từ cửa sổ cạnh phòng anh cũng đang có một người đàn ông đang ngẩng đầu ra. Cả hai nhìn nhau  với nhiều thiện cảm nhưng không ai lên tiếng trước. Cuối cùng Giuseppe Corte thu lấy can đảm và hỏi :
       “ Ông cũng mới đến đây hã?”
       “ Dạ không.” Gã kia đáp. “Tôi ở đây đã hai tháng ...”. Rồi gã ta yên lặng như không biết tiếp tục câu chuyện ra sao, cuối cùng gã nhỏ giọng : “Tôi đang nhìn xuống anh tôi”.
       “Anh của ông?”
       “Thưa vâng” Gã ta giải thích.” Chúng tôi nhập viện cùng một lúc, một bệnh lạ, nhưng trường hợp anh ấy thì xấu hơn, tôi nghĩ là anh ấy đang ở  số bốn”
       “Số bốn gì?”
       “Ở tầng thứ tư” gã ta giải thích, và khi phát âm chữ tầng thứ tư bằng một giọng đặc biệt như có vẻ thương xót lẫn kinh hoàng, làm Giuseppe Corte bất giác giật mình.
       “Mà ở tầng thứ tư thì bệnh tình nguy kịch lắm sao?” anh hỏi bằng giọng thận trọng.
       “Ôi Chúa ơi” gã ta vừa đáp vừa lắc đầu nhè nhẹ “Chưa phải là tuyệt vọng nhưng cũng chẳng vui gì”
       “Vậy thì” Giuseppe Corte  vừa hỏi vừa như nói đùa với tất cả sự thư thái của kẻ nhắc đến những điều bất hạnh mà chẳng liên quan gì đến mình “Nếu  mới ở tầng bốn mà đã nguy như vậy thì ở tầng một họ sẽ  đưa ai đến nữa?”
       “Ui chao, tầng một là những người sắp chết. Dưới đó các bác sĩ chẳng có gì để làm cả. Chỉ có ngài cha xứ là bận rộn.Và dĩ nhiên là ...”
      “Nhưng ở tầng một chỉ có ít người thôi” Giuseppe Corte ngắt lời gã ta, như anh ta đang nôn nóng có được một lời xác nhận “ tôi thấy  các phòng dưới đó đều đóng cửa”
       “Bây giờ thì có ít người thôi, nhưng hồi sáng thì có nhiều người lắm “gã lạ mặt đáp lời với một nụ cười tinh quái. “ Nơi nào có màn sáo được thả xuống là nơi đó có người vừa mới chết. Ông không  thấy là trên tất cả các tầng khác tất cả cửa sổ đều được mở  đó sao? Nhưng bây giờ xin lỗi ông nhé” gã vừa nói vừa thụt người vào trong “ hình như trời bắt đầu lạnh rồi đó. Tôi đi nằm đây. Chúc ông mau bình phục ...”
        Gã lạ mặt biến mất trên ban công và cửa sổ phòng ông ta được đóng kín; sau đó đèn trong phòng bật sáng. Giuseppe Corte vẫn còn đứng im đưa mắt nhìn xuống những chiếc màn sáo được thả xuống dưới tầng một. Anh nhìn chăm chăm vào đó với một cường độ bệnh hoạn, vừa hình dung đến những đám tang bí mật của tầng nhà kinh khủng đó, nơi mà những bệnh nhân được đưa vào đó để chờ chết;  rồi  cảm thấy lòng  nhẹ nhõm vì thấy mình đang nằm xa tầng ấy lắm. Trên thành phố màn đêm đã bắt đầu buông xuống. Từng cái, từng cái rồi hằng trăm chiếc cửa sổ của bệnh viện đều được bật sáng, và từ xa người ta có thể lầm tưởng đó là một toà nhà đang tổ chức lễ hội. Chỉ có tầng thứ nhất, nằm phía dưới như đáy của vực thẳm,  là có hàng chục chiếc cửa sổ  bị đóng kín và tối tăm.

Kết quả xét nghiệm làm Giuseppe Corte yên tâm hơn. Có khuynh hướng tiên liệu mọi việc theo chiều hướng xấu nên anh đã chuẩn bị trong lòng là sẽ đón nhận một  bản án nghiêm khắc và có thể không ngạc nhiên gì nếu bác sĩ cho hay là anh được  bố trí xuống tầng thấp. Cơn sốt của anh quả là không muốn dứt, mặc dù  tình trạng chung có vẻ đã đỡ hơn. Nhưng khi thông báo kết quả, vị bác sĩ rất tử tế và còn nói lời khích lệ. Một sự bộc phát căn bệnh thì có đấy, nhưng nhẹ thôi ; và trong vòng 2, 3 tuần lễ thì tất cả  có thể sẽ  hết.
"Vậy thì tôi sẽ  được ở lại tầng bảy ?"
" Dĩ nhiên rồi!"  Ông bác sĩ vừa nói vừa thân mật vỗ nhẹ một bàn tay lên vai anh. " Vậy anh  tưởng là mình phải đi đâu? Xuống tầng bốn hả?" Vừa hỏi ông ta vừa cười, như vừa đưa ra một giả thuyết hoàn toàn phi lý.
"Tốt quá, tốt quá" Giuseppe Corte reo lên." Bác sĩ biết không, khi bị bệnh, người ta luôn hình dung đến tình trạng xấu nhất..."

Giuseppe Corte  vẫn ở lại căn phòng mà người ta đã bố trí cho anh lúc đầu. Anh làm quen với vài người trong bệnh viện trong những buổi chiều ít ỏi mà người ta cho phép anh đi lại. Anh tuân thủ một cách thận trọng những gì căn dặn, đặt tất cả niềm tin vào sự khỏi bệnh nhưng hình như tình trạng của anh vẫn không được cải thiện gì nhiều.
Chừng mười ngày sau thì có ông y tá trưởng của tầng bảy đến gặp Giuseppe Corte. Ông muốn yêu cầu anh một việc nhỏ thôi : ngày hôm sau sẽ có một người đàn bà với hai đứa trẻ phải nhập viện  mà bệnh viện thì chỉ có 2 phòng trống nằm gần ngay phòng của anh và hiện tại còn thiếu một phòng thứ ba; ông y tá trưởng muốn  chuyển anh  đến một phòng khác, cũng đầy đủ tiện nghi như phòng anh đang ở.
Đối với Giuseppe Corte  thì việc này chẳng có gì quan trọng ; phòng này hay phòng khác thì đối với anh ta cũng vậy thôi và biết đâu anh ta lại sẽ được phân cho một cô y tá mới và có thể  đẹp hơn.
" Xin cảm ơn ông " ông y tá trưởng vừa nói vừa nghiêng mình. " với một người lịch sự như ông thì thú thật là tôi không có nghi ngờ gì là yêu cầu này sẽ được chấp thuận dễ dàng. Sau khoảng một giờ, nếu không có gì trái ý, chúng tôi sẽ cho chuyển phòng. À, xin thông báo là  ông sẽ được chuyển xuống một phòng ở tầng dưới " rồi ông ta  tiếp lời với giọng nhỏ nhẹ như chuyện đặc biệt này chẳng có gì quan trọng. " Rất tiếc là trên tầng này không còn phòng trống. Nhưng thưa ông, đây chỉ là một sự sắp xếp tạm thời "  ông ta vội vàng nhấn mạnh điều này khi nhận thấy Giuseppe Corte ngồi bật dậy và sửa mở miệng phản đối " một sự sắp xếp hoàn toàn tạm thời. Khi nào có một phòng trống ở tầng trên, chắc phải chờ khoảng 2,3 ngày nữa, ông sẽ được chuyển lên trên".
"Thú thật với ông" Giuseppe Corte vừa cười vừa nói, như để chứng tỏ rằng mình không phải là con trẻ "một sự bố trí thế này tôi chẳng thấy thích tí nào".
" Nhưng thưa ông, sự chuyển phòng này hoàn toàn không mang một ý nghĩa y học nào ; tôi rất hiểu điều mà ông định nói, nhưng đây chỉ là chuyện làm ơn cho người đàn bà này vì bà ta không muốn ở quá xa 2 con mình...mong ông thông cảm..." rồi gã ta cười một cách thật cởi mở :" mong rằng ông không nghĩ là có một lý do gì khác!".
"Hy vọng vậy" Giuseppe Corte nói "nhưng tôi có cảm giác là đây chẳng phải điềm lành".

Thế là Giuseppe Corte được chuyển xuống tầng sáu, và mặc dù anh tin rằng việc chuyển phòng này chẳng có liên quan gì đến việc bệnh tình đã nặng hơn, nhưng lòng anh vẫn  không thấy an tâm với ý nghĩ là  giữa anh và cái thế giới bình thường ở bên ngoài, thế giới của những người  khỏe mạnh, đã bị phân cách bởi một chướng ngại rõ rệt. Ở tầng bảy, dù sao, cũng là nơi tiếp nhận, và người bệnh trong một chừng mực nào đó vẫn còn liên hệ với con người ở bên ngoài; và có thể xem nơi đó chỉ là một sự nối dài với cuộc sống bình thường. Còn ở tầng sáu thì người bệnh đã đi sâu vào thế giới đích thực cuả bệnh viện ; và anh nhận thấy là tâm tình của các bác sĩ, các y tá hay của cả bệnh nhân cũng đã đổi khác. Hình như tất cả đều mặc nhiên là ở tầng sáu người ta chỉ tiếp nhận những người bệnh thật sự, dù với cấp độ nhẹ. Qua những câu chuyện trao đổi với những người gần phòng mình, với các bác sĩ và y tá, Giuseppe Corte nhận biết là trong khu chữa trị ở tầng bảy chỉ được xem như một trò đùa, các bệnh nhân  được xem như "tập sự"  vì chỉ mắc các chứng vớ vẩn, còn khu vực ở tầng sáu,  mọi thứ mới thật sự bắt đầu.
Tuy nhiên Giuseppe Corte cũng ngầm hiểu là để trở lại tầng bảy, nơi thuộc về anh do đặc tính của bệnh lý, chắc cũng sẽ phải gặp một vài khó khăn ;  Bởi để trở lên tầng bảy ít nhất anh cũng phải làm chuyển động một guồng máy hành chánh phức tạp;  có thể là anh không phải bỏ ra nhiều công sức lắm, nhưng anh biết là nếu mình không đích thân yêu cầu thì  sẽ chẳng có ma nào nghĩ đến việc chuyển anh ta trở lên tầng bảy, nơi có những người "gần như khoẻ mạnh" .
Giuseppe Corte nghĩ rằng anh không thể nào lơ là chuyện này được và cần phải làm sáng tỏ quyền lợi của mình, nhất thiết không thể thờ ơ rồi chấp nhận mọi việc theo thói quen. Đối với các người cùng phòng, anh luôn luôn nhấn mạnh đến việc là  mình chỉ bị chuyển xuống tầng sáu chỉ vài ngày thôi, rằng chính anh đã yêu cầu chuyển xuống dưới vì để làm ơn cho một người đàn bà, và ngay khi nào bệnh viện có một phòng trống, anh sẽ được chuyển lên ngay. Bạn cùng phòng nghe anh ta nói với một thái độ hờ hững và gật đầu nhưng hình như chẳng mấy ai bị thuyết phục.
 Sự tin tưởng của Giuseppe Corte sau đó được xác nhận bỡi sự nhận định của vị bác sĩ điều trị mới. Chính ông ta cũng cho rằng anh hoàn toàn được  bố trí lên tầng bảy ; tình trạng bệnh lý của anh cực-kỳ-nhẹ, ông ta nhấn mạnh để  cho thấy tầm quan trọng của câu chữ - nhưng thêm rằng nếu ở tầng sáu thì anh Giuseppe Corte có thể được chữa trị tốt hơn.
"Làm ơn xin đừng nói chuyện kiểu này" Giuseppe Corte ngắt lời bác sĩ một cách cương quyết "Ông  đã nói là tôi có thể được bố trí trên tầng bảy; và tôi muốn được chuyển lên đó."
 "Dĩ nhiên là không ai có thể làm trái ý ông" Ông bác sĩ đáp lại "quan điểm của tôi chỉ thuần túy và đơn giản  là một lời khuyên, không phải từ một  nhà chữa trị mà là của một người bạn! Tình trạng bệnh lý của ông, tôi xin lập lại, là  rất nhẹ, và cũng chẳng có gì quá đáng nếu cho rằng ông chả có bệnh gì ráo, nhưng theo thiển kiến của tôi, nó khác với  các dạng bệnh tương tự khác bỡi có một sự lây lan rộng. Tôi xin giải thích kỹ hơn : cường độ của bệnh là tối thiểu, nhưng có sự diễn-biến-huỷ-hoại-tế-bào trên bình diện rộng " - đó là lần đầu tiên  Giuseppe Corte nghe thấy cụm từ quái ác này- " diễn-biến-huỷ-hoại-tế-bào thực ra thì chỉ nhen nhúm thôi, có lẽ nó cũng chưa bắt đầu, nhưng nó có khuynh hướng, tôi chỉ nói là nó có-khuynh-hướng, tấn công cùng một lúc trên diện tích rộng của các cơ quan. Và vì lý do này nên tôi nghĩ là ông cần phải chữa trị một cách hiệu quả ở đây, vì trên tầng sáu có sử dụng những phương pháp chữa trị chuyện biệt và mạnh bạo hơn ."

Một ngày kia Giuseppe Corte được biết là ngài giám đốc bệnh viện, sau khi tham khảo ý kiến của các bác sĩ cộng tác, đã quyết định thay đổi quy cách phân loại bệnh nhân. Mức độ  bệnh lý của mỗi người - tạm gọi như thế - sẽ được hạ xuống nửa điểm. Giả sử là trên mỗi tầng các bệnh nhân được phân loại, dựa theo tình trạng nguy  kịch, thành 2 nhóm (sự phân loại này được hoàn tất thực sự bỡi các bác sĩ chữa trị, nhưng chỉ được dùng trong nội bộ) và nhóm thấp nhất trong hai nửa này sẽ được văn phòng làm thủ tục cho chuyển xuống tầng dưới. Thí dụ như một nửa bệnh nhân ở tầng sáu, những người có tình trạng nguy kịch hơn sẽ được chuyển xuống tầng 5, tương tự, những người bệnh nặng ở tầng bảy sẽ được chuyển xuống tầng 6. Tin này làm cho Giuseppe Corte yên tâm, bởi vì trong sự thuyên chuyển này, khả năng trở về tầng bảy của anh  sẽ được dễ dàng hơn.
Nhưng khi Giuseppe Corte  trình bày niềm hy vọng này với cô y tá thì anh bị khựng lại vì một sự bất ngờ cay đắng. Anh được thông báo là sẽ được thuyên chuyển, nhưng không phải để lên tầng bảy mà là được chuyển xuống tầng dưới. Vì những lý do mà cô tá  không thể giải thích, anh đang nằm trong nhóm một nửa bệnh nhân thuộc diện nặng của tầng 6 và do đó sẽ được chuyển xuống tầng 5.
Phút kinh ngạc đi qua, cơn giận dữ bùng nổ, anh hét lớn là người ta đang lừa gạt mình, rằng anh không muốn nghe việc người ta chuyển anh xuống tầng dưới, rằng đủ rồi, anh chỉ muốn trở về nhà, rằng quyền là quyền và ban quản trị bệnh viện không thể xem thường lời chẩn đoán của các bác sĩ một cách khinh thị như thế .
Trong khi Giuseppe Corte lớn tiếng la hét thì có một bác sĩ tiến đến để trấn an. Ông ta khuyên anh  nên bình tĩnh nếu không muốn là  cơn sốt sẽ lên cao ; ông giải thích với anh là chắc có một sự ngộ nhận nào đó, có thể là  anh đã được dối xử không công bằng. Ông xác nhận một lần nữa là anh đúng ra phải được bố trí ở tầng bảy nhưng có nói thêm rằng ông có một quan điểm khác, rất cá nhân. Bệnh tình của anh thực ra có thể được xem như thuộc bậc sáu nếu xét về những biểu hiện trên bình diện rộng của bệnh lý. Nhưng ông nói rằng mình chưa thể giải thích được vì sao  anh lại được phân loại vào nhóm một nửa bệnh nặng của tầng sáu. Cũng có thể là viên thư ký của ban giám đốc, đúng là sáng hôm đó có gọi điện cho ông để hỏi về thang điểm bệnh lý, nhưng ghi chép sai chăng. Hay cũng có thể là ban giám đốc đã cố tình "làm xấu hơn" nhận định của ông, bỡi tuy ông là một bác sĩ được đánh giá là giỏi nhưng  cũng được xem là quá dễ dãi. Cuối cùng ông bác sĩ khuyên Giuseppe Corte không nên mất bình tĩnh, nên chấp nhận sự thuyên chuyển và không nên phản đối ; điều quan trọng là căn bệnh chứ đâu phải nơi mà người ta bố trí .
Còn đối với phương pháp chữa trị, ông bác sĩ còn nói thêm, Giuseppe Corte không có gì để phiền hà ; vị bác sĩ  ở tầng dưới  là người có nhiều kinh nghiệm; vì theo như truyền thống thì tài năng của các bác sĩ, theo đánh giá của ban giám đốc bệnh viện, thì càng tăng khi tầng càng xuống thấp. Phòng ở của bệnh nhân thì cũng vẫn tiện nghi và lịch sự. Còn cảnh quan thì  vẫn thế, mở rộng, nhìn ra chân trời :  vì chỉ từ tầng ba trở xuống thì  tầm nhìn mới bị hạn chế vì bị ngăn cản bỡi những hàng cây dọc bờ rào.
Giuseppe Corte, lúc nầy đang bị cơn sốt cao của buổi chiều làm cho choáng váng, lắng nghe những lời phân trần của ông bác sĩ với sự mỏi mệt càng lúc càng tăng. Cuối cùng anh thấy mình đuối sức và hết muốn phản đối việc thuyên chuyển bất công.  Anh yên lặng, mặc tình người ta chuyển mình xuống tầng dưới.

Niềm an ủi duy nhất, dù rất mỏng mảnh, của Giuseppe Corte là khi biết nhận xét của hầu hết các bác sĩ, y tá, bệnh nhân là tình trạng của anh ít nguy kịch hơn tất cả ở tầng 5. Trong khuôn khổ của tầng này, tóm lại, anh có thể được xem là người may mắn nhất. Nhưng mặt khác ý nghĩ bị ngăn cách bỡi hai tầng rào với thế giới của người bình thường làm anh đau xót.
  Rồi mùa xuân đến, khí trời đã ấm áp hơn nhưng  Giuseppe Corte không còn thích ngẩng đầu nhìn ra cửa sổ nữa ; dù rằng sự sợ hãi này chỉ là một điều ngốc nghếch nhưng anh thấy ruột gan mình xáo trộn rồi rùng mình khi nhìn thấy các cửa sổ ở tầng một, phần đông được khép kín, và càng lúc càng gần.
Bệnh tình của anh vẫn dậm chân tại chỗ. Sau ba ngày nằm ở tầng 5, trên chân phải của anh xuất hiện một vết loét mà những ngày sau đó chẳng có dấu hiệu chấm dứt. Đó là một sự nhiễm trùng- vị bác sĩ chẩn đoán- nó hoàn toàn độc lập và chẳng liên quan gì đến căn bệnh chính ; một  thứ phiền hà mà có thể xảy ra cho bất cứ ai. Muốn chữa khỏi hẳn trong vài ngày, cần phải sử dụng tia digamma cực mạnh.
" đây không có tia digamma sao?"  Giuseppe Corte hỏi.
"Dĩ nhiên là có "Vị bác sĩ nhanh nhẩu trả lời. Ở bệnh viện này thứ gì cũng có. Chỉ có điều bất tiện là.."
" Ông nói sao?" Giuseppe Corte hỏi lại với một linh cảm mơ hồ.
" Bất tiện nhỏ thôi mà! " ông bác sĩ sửa lời lại. Tôi muốn nói là thiết bị để chiếu tia digamma chỉ được đặt ở tầng bốn và tôi khuyên ông nên đi chiếu  mỗi ngày ba lần."
"Nghĩa là  sao?"
"Nhưng cho đến khi nào vết loét chưa lành hẳn thì tốt hơn là ông nên chuyển xuống tầng bốn "
"Đủ rồi! " Giuseppe Corte bực bội hét lớn. " Tôi chẳng muốn nghe nói đến việc chuyển xuống tầng dưới nữa! Dù có phải chết, tầng bốn tôi cũng không xuống đâu."
"Tùy ông thôi" ông bác sĩ  dịu giọng để khỏi làm anh tức giận." Nhưng trên cương vị một bác sĩ chữa trị, tôi cấm ông đi ngày ba lần xuống tầng dưới "
 Điều tệ hại là vết loét, thay vì giảm bớt, nó càng ngày càng mở to thêm. Giuseppe Corte  không thể nằm yên, anh liên tục lăn qua trở lại trên giường. Sau ba ngày như vậy, giận dữ, nhưng cuối cùng anh đành phải nhượng bộ. Một cách tự nguyện, anh đến xin ông bác sĩ cho phép được chữa trị bằng tia digamma và chuyển xuống tầng bốn.
Ở dưới đó Giuseppe Corte vui mừng nhận thấy mình đúng là một trường hợp ngoại lệ. Hầu hết những bệnh nhân khác đều có một tình trạng nguy kịch và phần đông đều không thể rời khỏi giường dù là một phút. Còn anh thì vẫn có thể nhởn nhơ đi lại trong phòng mình hay đến nơi soi chiếu giữa những lời ngợi khen  lẫn ngạc nhiên của các y tá.
Lúc gặp vị bác sĩ mới, anh liền nói rõ tình trạng đặc biệt của mình. Một bệnh nhân lẽ ra phải được xếp vào tầng bảy nhưng hiện tại đang nằm ở tầng bốn. Khi nào vết loét được chữa lành, anh muốn được chuyển lên tầng trên. Anh không muốn việc này bị cản trở vì bất kỳ lý do gì.Trên thực tế, anh ta có quyền được bố trí một cách chính đáng trên tầng bảy.
" Lên tầng bảy, lên tầng bảy !" ông bác sĩ vừa cười vừa nói ln sau khi khám bệnh cho anh xong." Bệnh nhân  các anh luôn luôn cường điệu! Chính tôi mới là người phải nói là anh nên hài lòng với tình trạng của mình ; Nhìn vào biểu đồ bệnh lý tôi cũng chẳng thấy có gì xấu hơn rõ rệt. Nhưng từ đây để nói rằng mình được chuyển lên tầng bảy- xin lỗi ông nếu tôi thẳng thắn nhé- thì còn một sự khác biệt. Tình trạng của ông đúng là ít lo ngại thật, đồng ý, nhưng ông cũng phải biết mình là một người bệnh chứ !" 
"Vậy thì sao? Thì sao?" Giuseppe Corte mặt đỏ gay vì giận dữ : "Vậy thì ông định bố trí tôi lên tầng nao?"
"Ôi Chúa ơi, tôi chỉ mới khám sơ qua ông thôi mà. Để trả lời chính xác tôi cần phải theo dõi bệnh tình của ông ít nhất là một tuần "
"Được rồi . Nhưng ít nhiều chắc ông cũng biết chứ "
Để trấn an người bệnh, ông bác sĩ làm bộ như đang tập trung nghĩ ngợi rồi sau một lát, ông vừa gật gù vừa nói :" Này nhé, để làm vừa lòng ông, tôi nghĩ là chúng tôi có thể bố trí ông lên tầng sáu ! À, à...được" ông lẩm bẩm như để tự thuyết phục mình."Tầng sáu thì chắc có thể được".
Ông bác sĩ tưởng rằng nói thế sẽ làm cho bệnh nhân vui. Nhưng trên khuôn mặt của Giuseppe Corte đang xuất hiện một sự lo ngại : Bệnh nhân đã hiểu ra là các bác sĩ trên tầng cuối cùng đã đánh lừa anh ta ; Bây giờ gặp ông bác sĩ này, chắc chắn là có khả năng và thành thật hơn, và trong thâm tâm của ông ta, rõ ràng là ông muốn bố trí anh lên phòng sáu chứ không phải tầng bảy. Sự thất vọng làm anh mệt lử.Tối hôm đó cơn sốt lên cao hơn mọi lần.
Sự lưu trú ở tầng bốn đánh dấu một thời kỳ tĩnh lặng nhất của Giuseppe Corte kể từ khi anh bước vào ngưỡng cửa bệnh viện. Ông bác sĩ là một người dễ mến, tử tế và cẩn trọng ; lúc rảnh rổi ông thường ngồi lại hàng giờ để nói chuyện cà kê về nhiều đề tài trong cuộc sống. Giuseppe Corte cũng vui vẻ  kể về cuộc đời làm luật sư và những  công việc làm ăn của mình. Anh cố gắng tìm cách tự thuyết phục rằng mình vẫn còn thuộc về thế giới của những người khoẻ mạnh, vẫn còn những quan hệ cho công việc, vẫn còn quan tâm đến vấn đề thời sự. Anh cố gắng, nhưng không thành công. Bỡi nói gì thì nói, cuối cùng câu chuyện cũng vẫn quay về tình trạng bệnh tật.
Ước muốn rằng bệnh sẽ tiến triển tốt đối với Giuseppe Corte  đã trở thành một nỗi ám ảnh. Nhưng rủi thay nếu tia digamma đã ngăn cản được sự bành trướng của vết loét nhưng nó lại chẳng có khả năng loại hẳn. Mỗi ngày Giuseppe Corte đều tham khảo ý kiến của bác sĩ và cứ mỗi lần như vậy anh muốn chứng tỏ rằng mình mạnh bạo hơn nhưng chẳng thành công.
"Bác sĩ ơi, tình trạng huỷ-hoại-tế-bào của tôi như thế nào rồi? "
"Ui chao, ông dùng cụm-từ gì xấu thế !" Ông bác sĩ nhìn anh với vẻ khiển trách nhẹ nhàng : "mà ông học được cụm từ này ở đâu thế? Không tốt đâu nhé, chẳng tốt lành gì cho người bệnh đâu ! Tôi không bao giờ muốn nghe nhắc đến cụm từ này đấy nhé."
"Được rồi " Giuseppe Corte đồng tình "Nhưng như thế thì ông vẫn chưa trả lời câu hỏi"
"Vậy thì tôi xin trả lời ngay" ông bác sĩ lịch sự đáp lời." Diễn biến huỷ-hoại-tế-bào, nói  để lập lại cụm từ kinh khủng này, trong trường hợp của ông là tối thiểu, hoàn toàn chậm chạp. Nhưng theo tôi thì tôi sẽ gọi chúng là dai dẳng."
"Dai dẳng.Ông muốn nói là kinh niên chăng?"
"Xin ông đừng nghĩ đến những gì tôi không định nói. Tôi chỉ muốn nói là dai dẳng thôi. Mà thực ra đây chính là trường hợp thường gặp trong phần lớn các trường hợp. Các dạng bệnh nhẹ nhất cũng đều cần một thời gian chữa trị mạnh bạo và lâu dài."
"Nhưng thưa bác sĩ, khi nào thì tôi có thể hy vọng về một sự tiến triển tốt ?"
"Khi nào hả? Một sự phỏng đoán trong trường này thì rất khó....nhưng.." ông bác sĩ nói tiếp  sau vài giây nghĩ ngợi " Tôi nhận thấy là ông đang rất muốn khỏi bệnh... nếu tôi không sợ rằng phải làm ông nổi cáu, ông có biết là tôi sẽ khuyên ông thế nào không?"
"Xin ông cứ nói, cứ nói đi..."
"Thế này nhé. Tôi xin phép được trình bày cho ông hiểu bằng những lời rất rõ ràng. Nếu tôi bị bệnh này, dù  dưới dạng nhẹ nhất, và khi đến bệnh viện này, có lẽ thuộc loại tốt nhất có thể có, chắc tôi sẽ tình nguyện ngay từ hôm đầu tiên, xin nói là ngay từ đầu, ông nghe rõ chứ  để xin chuyển về những tầng thấp hơn. Cũng có thể là tôi sẽ xin chuyển xuống tầng..."
"Tầng một" Giuseppe Corte tiếp lời ông ta bằng một nụ cười gượng gạo. 
"Không đâu! Tầng một thì không." Ông bác sĩ trả lời với giọng châm biếm "Không phải vào tầng một mà tầng ba hoặc tầng hai thì có lẽ thích hợp. Trong các tầng thấp sự chữa trị thường tốt hơn và tôi xin bảo đảm với ông rằng các thiết bị  thì đầy đủ và mãnh liệt hơn, các bác sĩ cũng tài giỏi hơn. À, mà ông có biết ai là linh hồn của bệnh viện này không?"
"Có phải là giáo sư Dati không?"
"Đúng là giáo sư Dati. Chính ông ta là người đã phát minh ra phương pháp mà hiện nay bệnh viện này đang ứng dụng. Chính ông ta là người thiết kế và hướng dẫn lắp đặt các thiết bị. Thế nhưng ông ta, vị thầy kính mến, chỉ trực tiếp phụ trách ở tầng một và tầng hai. Và chỉ trong phạm vi này mới được chiếu sáng bỡi sự chỉ đạo thông tuệ của ông ta. Còn với các tầng khác thì, tôi xin  bảo đảm với ông là ảnh hưởng của ông ta không đi lên tới tầng ba: lên tới trên đó ta có thể nói là các lệnh của ông hay mất dần hiệu lực, giảm tầm quan trọng và có khi lệch lạc ; trái tim của bệnh viện nằm ở các tầng dưới và cần phải xin vào các tầng thấp để có thể có được sự chữa trị tốt.
"Mà như vậy thì..."Giuseppe Corte lấp bấp với giọng run rẩy" vậy thì bác sĩ khuyên tôi..."
"Còn thêm điều này nữa " ông bác sĩ tiếp tục với giọng thân mật :" Trường hợp cá biệt của ông còn cần phải loại bỏ vết loét này nữa. Một chuyện không lấy gì quan trong, đồng ý, nhưng nó cũng rất khó chịu, và nếu kéo dài thế nào nó cũng làm thương tổn tinh thần của ông ; và ông cũng  biết là  tinh thần thanh thản là điều tối cần thiết để khỏi bệnh. Việc chiếu tia digamma mà để chữa trị cho ông đến nay chỉ mang lại  có một phần kết quả.Tại sao thế? Có thể là một trường hợp ngẫu nhiên, nhưng cũng có thể là cường độ của tia chưa đủ mạnh. Thế thì, ở tầng ba, máy chiếu tia digamma rất mạnh. Khả năng chữa lành vết loét  là rất cao. Rồi ông xem, một khi  khởi động việc lành bệnh, mọi bước tiếp theo sẽ rất dễ dàng. Còn khi bắt đầu đi lên  thì sau đó sẽ khó xuống. Vậy thì khi nào ông cảm thấy mình khoẻ , lúc đó ai dám cấm cản ông chuyển lên tầng trên này hay lên cao hơn nữa, tùy theo tình trạng bệnh lý mà được chuyển lên tầng năm, tầng 6 hay tôi còn dám nói là lên thẳng vào tầng bảy..."
" và bác sĩ tin rằng điều này sẽ giúp việc chữa trị tốt hơn?"
"Không có gì để nghi ngờ cả. Tôi đã nói với ông là tôi sẽ làm gì  nếu gặp phải trường hợp như ông"
Lý lẽ kiểu này ông bác sĩ  hằng ngày đều nói với Giuseppe Corte. Cho đến một ngày bệnh nhân cảm thấy mỏi mệt vì vết loét, mặc dù linh cảm chối từ việc xuống tầng thấp, anh vẫn quyết định theo lời khuyên của bác sĩ để chuyển xuống dưới.

Khi được đưa xuống tầng ba Giuseppe Corte  nhận thấy một không khí thật vui tươi của tầng này, từ bác sĩ, y tá... mặc dù dưới đây là khu chữa trị cho những bệnh nhân có tình trạng rất đáng lo ngại. Anh cảm thấy là sự vui vẻ này hình như càng ngày càng tăng : tò mò, sau khi làm thân với một cô y tá anh liền hỏi lý do tại sao mọi người ở đây lại vui như vậy.
" vậy ông không biết sao?" cô y tá  trả lời " Còn ba ngày nữa là chúng tôi được nghỉ phép."
"Cô nói sao?  Tất cả được nghỉ phép ?"
"Đúng vậy. Được nghỉ 15 ngày.Tầng ba này sẽ được đóng và các nhân viên được đi nghỉ. Việc thu xếp nghỉ sẽ được luân phiên cho các tầng"
" Vậy còn bệnh nhân?  Họ sẽ ra sao?"
"Vì họ chỉ có một số ít, nên hai tầng sẽ được nhập làm một"
"Thế sao? Các người sẽ tập trung bệnh nhân của tầng ba và tầng bốn à?"
 "Không đâu " Cô y tá vội vàng đính chính " sẽ tập trung tầng hai và tầng ba. Những người ở tầng này sẽ được chuyển  xuống tầng hai"
"Xuống tầng hai?" Giuseppe Corte hỏi lại, mặt tái như da người chết. Tôi cũng phải xuống tầng hai sao?"
"Dĩ nhiên rồi. Có cái gì bất thường đâu? Sau 15 ngày, khi chúng tôi quay lại bệnh viện, ông lại sẽ được chuyển về phòng này.Tôi thấy đâu có lý do gì để kinh hãi".
Thế nhưng có một bản năng huyền bí cảnh báo Giuseppe Corte và anh bị xâm chiếm bỡi một sự sợ hãi bạo tàn. Nhưng, biết rằng mình không thể không cho phép các nhân viên đi nghỉ phép thường niên, rồi cũng do anh nhận thấy là việc chiếu tia mãnh liệt hơn đã mang lại kết quả tốt-vết loét đã gần như biến mất- anh không dám làm các thủ tục để chống lại việc thuyên chuyển này.. Anh chỉ đòi, không quan tâm đến sự xầm xì của các cô y tá, là trên cửa phòng mới của anh được treo lên tấm bảng này :"Tạm thời. Giuseppe Corte thuộc tầng ba". Mặc dù  việc này trước nay chưa từng xảy ra ở bệnh viện nhưng các bác sĩ cũng không dám phản đối, bỡi sợ anh ta sẽ nổi nóng và có thể sinh ra nhiều phiền toái khác.
Thôi đành phải chờ đợi mười lăm ngày trôi qua chứ đâu có thể làm gì khác. Giuseppe Corte bắt đầu đếm từng ngày, nằm lặng hàng giờ bất động trên giường, đôi mắt nhìn đăm đăm vào tủ bàn trong phòng, mà theo anh chúng không có vẻ  hiện đại và vui tươi như ở các tầng trên, kích thước tủ bàn ở đây khá lớn và đường nét hơi cứng cỏi. Rồi thỉnh thoảng anh vểnh tai  vì hình như có nghe những tiếng động từ tầng dưới, tầng của những kẻ bị "kết tội" đang nằm chờ chết , những tiếng rên rỉ  của hồi kết cuộc đời.
Dĩ nhiên là tất cả những điều này góp phần làm cho anh nhụt chí. Và chính sự  mất  bình an đã làm cho bệnh nặng thêm, cơn sốt có chiều hướng tăng cao, sự yếu sức càng ngày càng làm anh mệt mỏi. Từ cửa sổ của phòng mình- bấy giờ đang là mùa hè  và các cửa kính đều mở rộng- anh không còn  nhìn thấy những mái ngói hoặc những toà nhà trong thành phố nũa, mà chỉ  thấy có bức tường xanh của những hàng cây cao trồng xung quanh bệnh viện.
Bảy ngày sau, khoảng 2 giờ trưa, bất thình lình xuất hiện ông y tá trưởng và 3 người y tá, họ đang đẩy một chiếc giường có bánh xe lăn." Chúng ta đã sẵn sàng để chuyển  chưa?" họ nhẹ nhàng hỏi ông y tá trưởng.
" Chuyển gì thế?" Giuseppe Corte hỏi  với giọng  khó nhọc." Các ông đang chơi trò gì vậy? Không phải là mấy người ở tầng ba  sẽ trở về sau 7 ngày nữa hay sao?"
"Tầng ba nào?"  Gã y tá trưởng nói như chưa hiểu "tôi vừa được lệnh để mang ông xuống tầng một. Nhìn đây" và gã ta cho  bệnh nhân xem một tờ giấy in lệnh thuyên chuyển xuống tầng dưới, được  chính tay giáo sư Dati ký.
Kinh hoàng, sự phẫn nộ của Giuseppe Corte vụt nổ lên trong một tiếng hét đầy giận dữ làm giật mình cả khu điều trị. " Bình tĩnh, làm ơn bình tĩnh" các y tá yêu cầu "Còn nhiều bệnh nhân khác cần được nghỉ ngơi!". Nhưng cơn phẫn nộ của anh không hề thuyên giảm.
Cuối cùng thì bác sĩ phụ trách khu điều trị cũng chạy đến. Đó là một người rất tử tế và có giáo dục. Ông  hỏi tình hình, xem lệnh thuyên chuyển, rồi lắng nghe lời giải thích của Giuseppe Corte. Sau đó ông  giận dữ quay lại phía gã y tá trưởng , tuyên bố rằng đây có một sự nhầm lẫn, ông ta chưa ra lệnh làm việc này, xưa nay trong khu này thường xảy ra những vụ lộn xộn không sao chịu nổi, ông ta bị qua mặt và bị dấu nhẹm đi nhiều việc...Cuối cùng, sau khi khiển trách nhân viên, ông ta quay lại phía bệnh nhân, nhẹ nhàng  nói lời xin lỗi.
"Nhưng rất tiếc là" ông bác sĩ nói thêm " một giờ trước đây giáo sư Dati đã đi họp và chỉ quay lại bệnh viện sau 2 ngày nữa. Tôi thành thật xin lỗi ông, còn lệnh của giáo sư Dati thì ở đây không ai được thoái thác. Và ngay chính giáo sư nếu biết sự nhầm lẫn này chắc cũng sẽ rất hối tiếc, tôi tin là như thế... Hừm, Một sự sai lầm kiểu này! Tôi chẳng hiểu sao nó lại có thể xảy ra ở đây!"
 Lúc ấy thì Giuseppe Corte đang đứng run rẩy một cách đáng thương. Anh hoàn toàn mất hết mọi khả năng chế ngự. Điều kinh hoàng đã làm anh khiếp vía như một đứa bé. Tiếng khóc đứt quãng của anh ta dội lại trong căn phòng.
Và thế là cái lỗi lầm không thể tha thứ được đã đến sân ga cuối cùng. Trong khu điều trị những kẻ đang chờ chết,  mà anh ta, theo sự nhận định của các bác sĩ  thì  tình trạng của anh  có thể được đưa lên tầng sáu, nếu không phải là tầng bảy!  Tình hình đã  chuyển biến một cách quái ác  mà  nhiều lúc Giuseppe Corte muốn được khóc mà không cần che dấu.
Nằm trên giường, khi cái nóng của mùa hè đang bủa vây thành phố, anh nhìn những tàn cây xanh qua khung của sổ và có cảm  tưởng là mình đang đến một thế giới siêu thực, được cấu tạo bỡi những bức tường bằng gạch bông lạnh lẽo, giữa những hành lang băng giá với những hình nhân không có linh hồn. Anh có cảm giác là những hàng cây kia không phải là cây thật rồi cuối cùng tự thuyết phục mình như thế khi nhận thấy những chiếc lá không hề xao động.
Ý tưởng này làm anh chấn động. Anh bấm chuông gọi cô y tá nhờ cô ta mang cho mình đôi kiếng cận mà khi nằm trên giường anh không dùng đến. Chỉ khi đó anh mới cảm thấy mình bình tĩnh hơn đôi chút :  Với đôi kính anh có thể nhận ra rằng các cây xanh kia là cây thật và những chiếc lá, dù là rất nhẹ, nhưng có lúc cũng  chuyển động theo cơn gió.
Khi cô ý tá bước ra khỏi phòng, anh nằm im lặng khoảng 15 phút đồng hồ. 6 tầng, 6 dải vạn lý trường thành, có thể chỉ do một sai lầm hành chánh, nhưng chúng đã đè nặng anh. Trong bao nhiêu năm, vâng, cần phải tính bằng năm, bao năm nữa anh mới có thể leo lên đỉnh của bờ vực này?
Nhưng tại sao căn phòng đột nhiên tăm tối thế này? Bấy giờ đang là giữa trưa mà. Bằng một cố gắng tột cùng Giuseppe Corte, anh cảm thấy mình bị  tê liệt  bỡi một sự choáng váng, nhìn đồng hồ trên chiếc tủ nhỏ cạnh giường. Bấy giờ là ba giờ rưỡi chiều. Anh quay đầu sang phía khác, và thấy tấm màn sáo, như được điều khiển bỡi một sức mạnh huyền bí, đang từ từ  thả xuống, ngăn ánh sáng tràn vào phòng./.
                                                                      Trương văn Dân  dịch từ nguyên tác tiếng Ý