5.
TRƯỞNG
THÀNH TRONG CHIẾN TRANH
Giữa năm
1972, cuộc chiến ngày càng khốc liệt, hai bên giành giật nhau từng tấC đất; cảnh
tương tàn thương tâm hằng ngày xảy ra trên mọi vùng miền, không thể nói hết.
Trong lúc ấy, Hội nghị ở Paris về chiến tranh Việt Nam đang căng thẳng. Lệnh tổng
động viên đã được Đại Tướng Cao Văn Viên - Tổng Tư Lệnh Quân Lực VNCH - ban
hành khẩn cấp. Theo sắc lệnh này, tất cả các trường hợp hoãn dịch trước đây đều
bị gác lại; hoãn dịch chỉ dành cho những sinh viên đang học năm cuối, đang chuẩn
bị thi ra trường, nhưng khi thi xong, phải trình diện nhập ngũ ngay.
Tôi và một
số giáo sư ở trường Trung học Nguyễn Huệ phải ra đi. Sau gần hai tháng lên xuống
trình diện ở Trung Tâm 3, chờ sắp xếp khóa học ở Thủ Đức, chúng
tôi lần lượt được máy bay chở ra Nha Trang, vào học ở trường huấn luyện hạ sĩ
quan Đồng Đế vì Thủ Đức không còn chỗ. Lớp hạ sĩ quan ở Đồng Đế phải dời lên
trung tâm huấn luyện Lam Sơn ở Ninh Hòa. Tôi vào trường Đồng Đế, thuộc đại đội
729, tiểu
đoàn 3, trước đó đã có 2 tiểu đoàn là sinh viên của
các trường đại học đang học các năm thứ 1, 2 và 3 hoặc đã tốt nghiệp, được hoãn
dịch vì nhiều lý do.
Đang sống
trong một môi trường tương đối ổn định với đám học sinh hồn nhiên, với bằng
hữu thâm tình, tôi phải rời bỏ, để bắt đầu làm quen với mọi
thứ sinh hoạt bất thường, mọi ám ảnh đau buồn, và một tương lai mờ mịt trong cảnh
tương tàn ngày càng thảm khốc đang hiện rõ từng ngày ở đây! Chỉ chưa được một
tháng, sau tiểu đoàn của tôi, từng lớp trẻ đã được chở vào Đồng Đế lên đến mười
sáu tiểu đoàn, rồi 20, 26 và còn tiếp tục các khóa mới, sau đó… tôi không nhớ hết!
Tôi
nghĩ, đa số bạn trẻ vào đây cũng có cùng tâm trạng như tôi là không ai thích
chiến
tranh, không ai muốn rời bỏ cây bút, công việc ổn định,
và nhất là phải rời xa những người thân yêu, bạn bè, quê nhà để dấn thân vào chốn
đao binh hiểm nguy, tập cầm lựu đạn hay M16 cả! Tuổi trẻ đang bị dồn đuổi vào
bước đường cùng, không còn con đường chọn lựa nào khác giữa bao bủa vây, rượt
đuổi bằng nhiều cách, của mọi “nhãn hiệu” được sơn phết.
Qua hết
giai đoạn 1, đang học giai đoạn 2, tôi bị đau nặng, được xe cấp cứu chở vào Quân
Y viện Nha Trang. Tại đây, khi tạm thời ngồi dậy, bước ra hành lang được, tôi
đã chứng kiến cảnh tiếp nhận thương binh từ các nơi dồn về càng nhiều. Cảnh
tang thương ly biệt diễn ra hằng ngày khiến tôi càng phiền muộn và thất vọng. Tôi đã
viết bài thơ “Những Dãy Hành Lang
Buồn Bã” để bày tỏ sự tuyệt vọng và phản kháng về một cuộc chiến tương tàn đã kéo dài dai dẳng trên đất
nước
nghèo khó, nhờ người quen ra bưu điện Nha Trang gởi cho
tạp chí Bách Khoa. Bài thơ đã được Bách Khoa đăng ngay sau đó nhưng cũng đã
làm phiền cho tòa soạn
Bách Khoa phải chậm phát hành một tuần khi buộc
phải đồng ý “cắt bài thơ ra khỏi
tạp chí” theo lời yêu cầu của cơ quan “Phối hợp nghệ
thuật” thuộc Bộ VHTT thì báo mới được phát hành.
Trong một
đêm nằm mê man ở giường bệnh không ai chăm sóc, tôi đã có một giấc mơ “không
mong đợi” nhưng
vô cùng mầu nhiệm, đã đến đúng lúc để an ủi và tiếp thêm thêm nhiều nghị lực để
tôi vượt qua được sự thất vọng cùng cực vào lúc này: người đàn
bà choàng khăn trùm đầu mỏng màu xanh, toàn thân một màu áo
choàng trắng, đã xuất hiên ngay trên đầu giường tôi, chỉ nhìn tôi mỉm cười. Bà
yên lặng nhìn, mà không nói gì. Nụ cười hiền từ, ấm áp, gần gũi đến nỗi tôi tưởng
như đã gặp được nhiều lần ở đâu đó. Tôi cảm thấy rất vui mừng, khoan khoái, và
vô cùng biết ơn. Tôi chợt tỉnh, mở mắt, và nhận biết ngay, chỉ là giấc mơ. Đồng
thời, tôi cũng cảm thấy cổ họng khô khốc, khát nước vô cùng. Trong đêm tối lờ mờ,
tôi lần mò đến các giường bên cạnh, tìm chai nước uống. Tôi vớ được một chai -
không biết là chai gì, vội mở nút ra uống ừng ực! Tôi đã uống hết chai nước, và
trở lại giường nằm cho đến sáng rõ, khi người y tá và bác sĩ trực đang đi đến
khám lại cho tôi…
Sau hơn mười
ngày nằm bệnh viện, tôi trở về trường để tiếp
tục qua giai đoạn 2 với nhiều cam go, thử thách đang chờ đợi. Nếu tôi tiếp tục
vắng mặt, tôi sẽ
phải học lại khóa sau. Người
đã thăm hỏi, an ủi tôi đầu tiên khi về đến trường là nhà thơ Duy Năng; anh luôn
dành cho tôi những tình cảm ưu ái đặc biệt, trong những ngày tháng ở Đồng
Đế. Tôi xem anh như một người anh văn nghệ đáng kính. Và, trong những ngày này,
người - bạn - văn - nhỏ đã từ Saigon bất ngờ đến quân trường thăm tôi vào một
buổi sáng Chủ nhật tại khu tiếp tân (khi vừa thi đậu tú tài hai được gia đình
thưởng cho chuyến đi Nha Trang thăm người cậu). Gặp nhau chỉ một buổi nhưng niềm
an ủi đã ở mãi trong tôi…
Ngay hôm
tôi trở về trường để tiếp tục học, tối hôm ấy, đại đội được lệnh bầu lại ban đại
diện sinh viên, vì ban đại diện cũ không được tín nhiệm của
sinh viên, mà chỉ do vị trung úy đại đội trưởng thiên vị chỉ định, đã làm mất
lòng tin của anh em trong đại đội. Tôi được anh em trong đại đội bầu làm đại diện, với người
thư ký mới tên Nguyễn Văn Minh - Minh-lùn, hiền từ phụ tá. Tôi không thể nào từ
chối bởi đó là quyết định
của anh em, cũng là một mệnh lênh mà
trong quân trường không thể
không chấp hành. Công việc đại diện không
có gì quan trọng và nặng nhọc, chỉ nhận và phát hàng quân tiếp vụ cho anh em
đúng ngày, đầy đủ
là xong. Nếu anh em có đề nghị gì (về quyền lợi), thì
chuyển đạt lên cấp trên, hay lúc cần giao tiếp với chủ thầu nhà ăn, giặt áo quần, thì đại diện có mặt.
Cái khó nhất là trong “mùa thi” qua giai đoạn, và nhất là thi cuối khóa, phải làm thế nào để đạt điểm
cao! Chuyện này thì tôi
làm được,
nhưng chuyện…
ăn thịt chó thì xin
thua! Tôi đã từng bị vị trung úy đại đội trưởng mới đến hướng dẫn cho đại đôi khiển
trách khi tôi từ chối ngồi
vào bàn chung vui với ông ấy và sĩ quan các khoa. Tôi đành ”xin
lỗi và nhận khuyết điểm” bởi tôi không thể
ăn thịt con vật mà tôi rất yêu quý!
Dù đã là
đại diện cho sinh viên của đại đội, tôi cũng từ chối không dọn lên nằm ở phòng
riêng với vị trung úy đại trưởng như ban đại diện cũ, mà vẫn nằm ở phòng tập thể
với anh em, vì nằm riêng lẻ như vậy tuy yên tĩnh, thoải mái hơn, nhưng phải
cách xa anh em, rất buồn! Hằng đêm, và mỗi buổi sáng sớm, khi còn nằm ở giường,
tôi đều luôn niệm hồng danh chư Phật, chư Bồ tát mà tôi vẫn thường trì niệm hằng
ngày từ thuở nhỏ… Một lần được ra phép Nha Trang vào ngày chủ nhật, tôi đã tìm
mua được xâu chuỗi hạt Bồ đề rất đẹp. Tôi thường lấy ra khỏi rương khi đã leo
lên giường mỗi đêm, nhưng có một lần vị trung úy đại đội trưởng bước vào lán, bất
ngờ thấy được, ông lắc đầu: “Tôi… chán ông quá, hèn chi ông không dám ăn thịt
chó!”
Nhờ vào
sự thay đổi bất ngờ với “chức vụ” ngoài mong đợi nầy, bệnh thấp khớp mãn tính của tôi
được giảm dần
và có thể “ở nhà” bất cứ lúc nào khi
chân hay tay bị sưng nhức,
được miễn giảm các món chạy nhảy leo trèo nguy
hiểm. Thậm chí, khi đại đội bị “phạt dã chiến”, tôi cũng có thể... được giảm nhẹ.
Khi thi, lắp ráp khẩu súng lục trầy trật không được, cũng được… thông cảm!
Nghĩa là, tôi luôn được các sĩ quan huấn luyện và cả hai sĩ quan hướng dẫn
đại đội “châm chước”. Và rồi tôi cũng qua được giai đoạn
2.
Trong một
dịp đại đội được nhà trường đưa về Ninh Hòa công tác một tháng, tôi đã viết được
truyện “Dì Lucia” (đăng ở
Bách Khoa, số 304, tháng 11 năm 1973), truyện “ Chiều Trên Sông Đá Bàn” (đăng ở
tạp chí Phổ Thông 1973 - chưa tìm lại được báo cũ đã thất lạc sau năm 1975) và truyện
“Ngày Của Đời Sống” (tạp
chí Phổ Thông số 292 -1973). Nếu truyện “Dì Lucia” viêt về
một mối
tình lãng đãng nhưng đằm thắm với người nữ tu xinh xắn, nhạy
cảm, tại một ngôi nhà thờ ở
xã Ninh Đông để giải bày tâm trạng về tình yêu và chiến tranh thì “Chiều Trên Sông Đá Bàn” là
chuyên tình thơ mộng với một cô giáo trường làng xã Ninh Giang tên Tạo, nhưng
cũng lắm ưu tư, trăn trở của một cuộc tình sớm chia xa thời chiến; còn truyện “Ngày Của Đời Sống” là những
ngày tháng thong dong, nhởn nhơ thơ mộng của một cuộc tình, nhưng cũng rất đổi
ngậm ngùi, vô vọng… Tư tưởng phản kháng cuộc chiến tương tàn dai dẳng trên quê
hương nghèo khổ mà tôi được chứng kiến, luôn là điều tôi mong ước được chia sẻ,
được góp phần, trong khả năng và hoàn cảnh rất bất hạnh của mình qua những
trang viết, như lời thầm thì tâm sự, sẻ chia mọi ước vọng bên đời cùng bạn đọc!
Sau đó
không lâu, khi trở lại quân trường, hai tin vui liên tiếp đến với tôi: tập tùy
bút “Đóa Hồng Cho Người
Yêu” do nhà xuất bản Bông Hồng mua bản quyền trước
đó (có nhà thơ Phan Việt Thủy cùng đi - hai anh em đã lai rai cho hết khoản tiền
nhuận bút “không mong đợi” vừa nhận nầy) - đã in xong, và gởi sách ra tặng.
Tập truyện ngắn “Có Những Mùa Trăng” do nhà xuất bản tạp chí Văn ấn hành, cũng đang
có bày bán ở các kiosque sách trong quân trường. Trong lúc chưa có sách tặng
trong tay, tôi đã mua mấy cuốn “Có
Những Mùa
Trăng” gởi tặng cho vài người bạn thân thiết ở đây,
làm kỷ niệm…
Sau ngày
mãn khóa, ra trường, những giáo sư đã tốt nghiệp đều được trả về
cho Bộ Giáo Dục,
đương nhiên được Bộ trả về lại nhiệm sở cũ của mình trước đó. Những bạn trẻ
cùng khóa, mỗi người đi tản mát một phương. Những ngày cuối cùng ở quân trường, là những ngày
chia tay ngậm ngùi, bởi tất cả đều hiểu rằng trong chiến tranh, ngày mai, không ai có thể
biết trước được…Tôi đem chia lại những vật dụng riêng mang theo, hay được cấp
phát khi vào trường cho vài người bạn trong đại đội - tôi nhớ trong đó, có chiếc
khăn len dài quấn cổ đã gởi cho người bạn “lầm lì” nhất đại đội tên Lập. Không
biết bây giờ anh ra sao.
Tôi về lại
trường cũ dạy không lâu, thì nhận được hai bưu phiếu của tạp chí, cơ sở xuất bản
Văn - Tân Văn, gởi trả nhuận bút cho tập sách “Có Những Mùa Trăng”- mỗi
bưu phiếu mười ngàn đồng. Hai mươi ngàn đồng lúc ấy
tương đương gần hai lượng vàng! Lần đầu tiên nhận được khoản nhuận bút tương đối
lớn, tôi rất vui. Và đã gởi một nửa chia sẻ niềm vui cho những đứa cháu con anh
Nguyên đang ở Nha Trang. Còn lại một nửa, tôi đã mua chiếc máy chữ mới hiệu
Brother Deluxe của Nhật
ở hiệu sách Vạn Kim với giá bảy ngản năm
trăm đồng. Chiếc máy cũ Olympia được “chuyển nhượng” cho nhà thơ Đỗ Chu Thăng với
giá hữu nghị…
Nhớ lại,
từ giấc mơ đêm nằm ở Quân y viện Nha Trang cho đến ngày được ra khỏi quân trường
Đồng Đế, rồi được trả về Bộ Giáo Dục, trở
lại nhiệm sở cũ ngay sau đó; tôi đã gặp nhiều thuận duyên, mầu nhiệm và bất ngờ!
Đã nhận được bao tình cảm sẻ chia hết lòng của bạn bè, của bạn đọc… Tôi thầm
nghĩ, có lẽ, đời tôi không sẽ không còn cô độc và bất hạnh như xưa nữa…
(Còn nữa…)