Sunday, November 30, 2014

81. NGUYỄN MINH NỮU Lãm Thúy, người sống hết lòng với thi ca






NGUYỄN MINH NỮU
LÃM THÚY, NGƯỜI SỐNG HẾT LÒNG VỚI THI CA


Nhà thơ Lãm Thúy
(Ảnh Nhất Hùng – October 2014)


Tháng 10.2014 vừa qua, nhà thơ Lãm Thúy tổ chức ra mắt sách và giới thiệu tới người đọc hai tập thơ khá dày. Tập Từ Mẫu  (432 trang với 203 bài thơ) , và tập Thâm Tình (284 trang với 148 bài thơ).

Đây là lần thứ hai ra mắt thơ của Lãm Thúy. Lần trước cách đây 10 năm, Lãm Thúy đã giới thiệu tác phẩm đầu tay "Còn Nguyên Nỗi Ngậm Ngùi".  Ở lần thứ hai này, mọi người đều có cảm giác  choáng và ngợp trước sức làm việc, lòng yêu thơ  của Lãm Thúy. Cho đến nay, Lãm Thúy đã viết trên năm trăm bài thơ!

Khi tập thơ đầu tiên " Còn Nguyên Nỗi Ngậm Ngùi"  xuất bản, nhà văn Phạm văn Nhàn đã viết về thơ Lãm Thúy trên trang web Vanchuongviet.org :

"Ở trang sau của bìa sách, tác giả ghi vài dòng tiểu sử thật giản dị nhưng cũng đủ để cho người đọc biết được một phần đời của tác giả.

Sinh tại Nhơn Ái, Phong Điền, Cần Thơ. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Cần thơ. Định cư tại Mỹ năm 1992. Biết được một ít thông tin về thân thế của nhà thơ nữ này, đọc tiếp nơi trang Lời ngỏ tác gỉ ghi: “ Lãm Thúy làm thơ, tức là dàn tri tâm hồn mình, diễn tả những cảm xúc, những rung động với cái buồn, cái đẹp, nỗi yêu đương bằng chính những gì thành thực trong trái tim và thường là nghĩ sao viết vậy, không sửa đổi, không trau chuốt; vì thế chắc là thiếu phần tinh xảo và đặc sắc...”

Đó là những gì tôi đọc được trong “ lời ngỏ” của thi tập. Nhưng, càng đi sâu vào những trang thơ của tập thơ, có lẽ đây cũng chỉ là những lời “ khiêm tốn” đáng trân trọng của một nhà thơ nữ , có lẽ mới in tập thơ đầu tay này?

Thơ hay, dễ làm cho đọc giả dễ nhớ hơn là những bài thơ d. Điều này, rõ ràng như  một quy luật dành cho người đọc thơ và thích thơ. Nhưng với tập thơ “ Còn Nguyên Nỗi Ngậm Ngùi” của Lãm Thúy thì chưa có bài thơ nào làm tôi chán, khi đọc.

Với 124 bài thơ nằm gọn trong 153 trang. Có bài dài hai trang. Nhưng số nhiều, những bài thơ chỉ “ gói trọn” trong một trang. Ngắn. Dễ đọc. Đúng như những gì nhà thơ Lãm Thúy đã viết trong “lời ngỏ”: nghĩ sao viết vậy, không sữa đổi, không trau chuốt.. Nhưng xuyên suốt 124 bài thơ tôi đọc, ít ra cũng “gây một cảm xúc mạnh” đối với người đọc khó tính, khi đọc thơ Lãm Thúy. "

10 năm trước, khi đọc tập thơ "Còn Nguyên Nỗi Ngậm Ngùi" tôi đã có được cái cảm giác giống như Phạm Văn Nhàn  là những lời ngỏ của tác giả chỉ là những lời nói khiêm tốn. Thực ra thơ Lãm Thúy không phải là  những lời "..nghĩ sao viết vậy, không sửa đổi, không trau chuốt; vì thế chắc là thiếu phần tinh xảo và đặc sắc...” mà ngược lại, chính cái nghĩ sao viết vậy không sửa đổi không trau chuốt lại là yếu tố làm cho câu thơ tinh xảo và đặc sắc.

Tôi không còn nhớ trọn bài thơ này, nhưng hai câu đầu bài thơ này làm tôi cảm thấy thú vị một cách bất ngờ:

"Sáng nay thức dậy hết hồn..
Người xa ta vạn dặm  đường còn đâu"

Trong hai câu thơ này, cái bàng hoàng đầu tiên là cái bàng hoàng  của tác giả, cảm xúc bất ngờ hụt hẫng đã thốt ra lời tự thán, đơn giản  "Nghĩ sao viết vậy, không sửa đổi không trau chuốt" và cái bàng hoàng thứ hai là cái bàng hoàng của người đọc, một câu nói thảng thốt bình dị mà ai cũng có thể từng nghe từ người miền Nam , thế mà khi vào trong thơ nó lại long lanh như hạt ngọc. Cảm giác đó làm tôi yêu thích và gần gũi với thơ Lãm Thúy cho tới bây giờ.

Tập thơ đầu, dường như Lãm Thúy làm cho tình yêu và nỗi thương nhớ vô bờ về một vùng đất đã rời xa, hai tập sau này viết về gia đình và bạn bè

Khi dự buổi ra mắt tập thơ của Lãm Thúy, họa sĩ Đinh Cường đã xúc động viết:

"Với tôi ai yêu thương Mẹ là anh hùng
chiều với Từ Mẫu , nhà thơ Lãm Thúy
là anh hùng thôi, cô con gái út  lên giới
thiệu Mẹ thật là hay, Cảm động thấy nhà
thơ đứng bên hai cháu ngoại nay đã lớn
từ ngày người con gái đầu mất.
...
Cảm ơn mái tóc còn xỏa dài mượt mà
của người thi sĩ vẫn luôn yêu mầu tím
tôi nhìn cả ra con sông Tiền , Sông Hậu
Những chuyến phà qua, lục bình trôi..."

Còn nhà thơ Phạm Cao Hoàng thì cho rằng  MẸ ƠI VĨNH BIỆT  của Lãm Thúy là một trong số những bài thơ hay nhất  viết về mẹ.  Và câu thơ Phạm Cao Hoàng đặc biệt chú ý lại chính là một câu thơ viết chân chất nhất, viết lại những gì chính mắt nhìn thấy  "Nghĩ sao viết vậy, không sửa đổi không trau chuốt" :

Thân xác vùi trong lòng đất
Mẹ nằm giữa một đồi hoa
Mẹ ơi, mộ vừa mới lấp   
Từ đây đất lạnh là nhà

Thơ Lãm Thúy hay và lạ.

Hay vì ý thơ chân thành, lời thơ tha thiết, nhạc thơ dìu dặt...  Hãy đọc nho nhỏ một bài thơ của Lãm Thúy :

Cây buồn từ thủa chim bay
Rừng buồn thủa lá rụng đầy sườn non
Cha buồn theo nắng hoàng hôn
Mẹ buồn từ thủa lũ con chia bầy
Hoa buồn từ thủa hương phai
Con buồn từ thủa cha gầy mẹ đau
Con buồn từ thủa xa nhau
Chân trời góc bể địa cầu chia hai...

Nỗi buồn của Lãm Thúy theo dòng thơ đã đưa phong cảnh cô tịch, qua con người cô liêu, về tới suy nghiệm cô đơn  và về dần tới cô độc...

Lạ là ở chỗ những đề tài Lãm Thúy viết  là những đề tài quen thuộc, Tình mẹ với con, tình con với mẹ, tình cha, tình anh chị em, tình bằng hữu, tình vợ chồng...,  thế mà những dòng thơ viết xuống lại là những cảm nhận sâu xa ghi chú từ những tình huống bất ngờ, cái nhìn về một sự kiện giản đơn, bỗng long lanh thơ  hóa:

Bây giờ mẹ đã không còn
Con về bến cũ nghe hồn nát tan
Bến sông, một cõi thiên đàng
Lê chân viễn xứ hồn quan san về....

hay

Mẹ không hề biết đêm hôm ấy
Trăng ở nơi đâu lúc mẹ về
Chỉ biết, sau này, ngồi nhớ lại
Trăng tròn mười sáu, lúc con đi....

Thơ của Lãm Thúy, từ thi tập đầu "Còn Nguyên Nỗi Ngậm Ngùi" hay sau này hai tập thơ nữa là Từ MẫuThâm Tình  đều mang chung một nét chí tình.  Thiết tha với nỗi nhớ thương, sâu sắc với lòng yêu mến và tinh chất mộc mạc có vẻ như nghĩ gì viết thế mà thật ra là chắt lọc từng lời , chọn lựa từng ý để đưa thơ mình vào rung cảm người đọc người nghe.

Nghĩ suy tưởng của Lãm Thúy về cuộc đời, về tình yêu là những khám phá sâu lắng từ trong một tâm hồn nhạy cảm, khát khao yêu đời sống và yêu con người. Những khám phá đó được Lãm Thúy đưa vào thơ, và Lãm Thúy đã thành công vì   Lãm Thúy đã chuyển được cảm xúc của mình  vào lòng người đọc.

Nguyễn Minh Nữu
November 30, 2014