Saturday, December 13, 2014

91. MANG VIÊN LONG Hồi ký NHƯ ÁNG MÂY TRÔI



8.
NHỮNG CHUYẾN RA ĐI


Năm 1978 vợ tôi được thuyên chuyển từ Phú Yên về Bình Định, phân công về dạy tại trường tiểu học thị trấn Bình Định - gần nhà.
           
Tôi tiếp tục hành nghề “sửa khóa & làm chìa” ngay ở hiên nhà, trước chợ Bình Định. Lúc ấy chúng tôi đã có ba cô con gái, mà đồng lương giáo viên đang còn rất thấp, chỉ nuôi sống mình còn thiếu trước hụt sau, lấy gì nuôi con! (Có câu đối vui được truyền khẩu thời ấy: “Thầy giáo, tháo giày lo chạy gạo/ nhà trường, nhường trà uống nước trong). Ngoài giờ dạy, vợ tôi phụ giúp tôi làm thêm nghề bơm quẹt ga, rồi học thêm sửa kính đeo mắt. Ba chiếc tủ gỗ nhỏ này mỗi sáng đều được tôi đẩy ra hiên nhà, ngồi đón khách…
           
Chỉ trong một thời gian ngắn, vợ tôi cũng có thể bơm quẹt ga và sửa kính đeo mắt rất thành thạon chúng tôi cũng tạm thời đắp đỗi qua ngày, lo cho các con đi học. Năm 1981 chúng tôi có thêm cậu con út nhưng sau đó khoảng vài năm sự bất hòa giữa chúng tôi bắt đầu. Sự xung khắc (chẳng biết do đâu, vì tuổi chúng tôi không hạp hay đã hết duyên rồi chăng?). Sự bất hòa như vết dầu loang làm hoen mờ dần tình yêu thương, sự gắn bó  mà chúng tôi đều tự nguyện đến với nhau trước đó. Nhiều người thân bảo có lẽ do duyên số đã đến lúc phải gặp trắc trở.  Đó là những lời an ủi, khuyên nhủ tôi cần yên tâm chấp nhận nghịch cảnh thôi. Tôi sống trong im lặng  và tự nhủ hãy nhẫn nhục để hy vọng rồi cũng sẽ có ngày “chuyển được nghiệp”…
           
Nhớ lại chuyện cũ: Anh Nguyên tỏ ra không đồng tình với sự lựa chọn của tôi khi tôi ngỏ ý xin anh được lập gia đình với cô ấy. Bà chị (cùng cha, khác mẹ) đã nói thẳng: “Mày đang đi dạy học, có vợ là con cán bộ tập kết, liệu họ có còn cho mày tiếp tục đi dạy nữa không? Uổng công ăn học!”. Tôi đã trả lời dứt khoát với chị: “Tôi có học. Nếu không cho đi dạy nữa, tôi làm nghề khác - cũng sống được!”.
           
Thật ra, tôi biết  anh Nguyên và cả người chị (cùng cha khác mẹ) của tôi chỉ tỏ ra quan tâm tới tôi vậy thôi, thật lòng, mọi việc cho ngày cưới, cho cuộc đời tôi (từ xưa đến ngày nay)  tôi đều phải tự lo lấy tất cả, không ai góp cho thêm chuyện gì! Họ chỉ quan tâm bằng lời nói, mà lời nói thì ai cũng nói hay được. Tôi đã tự quyết định  và gởi thư vào Saigon nhờ người bạn học đồng hương là Đặng Tấn Tới (đang học Luật và làm báo) in giúp thiệp cưới. Tôi không biết ghi tên ai là đại diện cho họ nhà trai nên dặn bạn không cần ghi điều ấy trong thiệp cưới (cả họ trai và họ gái). Tôi tự thu xếp ngày về làm lễ, tự sắp đặt mọi lễ nghi cần thiết, tự mời bà con, bạn bè… Tóm lại, người luôn ở cạnh tôi, chăm lo cho tôi thực lòng, cũng chỉ có chị Thục (mà chị cũng nghèo). Chị không hề phản đối việc tôi lập gia đình vì chị hiểu tôi không thể tiếp tục kéo dài cuộc sống cô độc, đau buồn lâu thêm nữa! Chị chỉ cười, kêu tôi nên xuống gặp Thầy NL nhờ coi giúp tuổi của cả hai xem sao. Tôi có đi nhưng không gặp được vì Thầy đang đi vắng. Tôi trở về, gặp chị,  chị hỏi ngay: “Thầy nói thế nào?”. Tôi cười, đáp tỉnh bơ: “Thầy nói tuổi hai đứa tốt - không hề gì!”. Bên cạnh chị Thục là bà mẹ vợ hiền hậu, ông bà nội ngoại đều rộng lượng, và các cô chú, dì dượng, bà con phía vợ, tất cả đều hết lòng thông cảm, thương yêu, tạo điều kiện thuận tiện nhất cho tôi. Trước sự cương quyết của tôi, anh Nguyên (và người chị cùng cha khác mẹ giàu có) cũng đã nhân nhượng, đồng ý nhưng anh rất trách tôi về chuyện tấm thiệp.   
     
Tình yêu thương đầu đời chân chính đã thúc đẩy tôi vượt qua nhiều chướng ngại để đến với cô ấy trong lúc có vài gia đình giàu sang trong thị trấn vì thương tôi, đã muốn nhận tôi làm con rể mà không hề có điều kiện gì! Tôi nghĩ, với tuổi trẻ và khả năng, tôi có thể tự lập, xây dựng cho mình một gia đình hạnh phúc nên chẳng dám mơ tưởng cao xa đến những gia đình giàu sang đã thương tưởng đến tôi với những lời hứa hen…
         
Nhưng, “duyên nghiệp” đã thay đổi. Thời thế đã thay đổi.  

Tôi tiếp tục lao động cật lực suốt ngày, lo chăm sóc con, làm mọi việc nhà khi vợ tôi đi dạy, chở con đi học và dạy con học thêm mỗi đêm. Thời gian đi qua rất nhanh cùng với nỗi buồn giấu kín!
         
Trong mấy năm hành nghề “sửa khóa & làm chìa” tôi đã tạo được uy tín, tay nghề vững vàng hơn, lại có đăng ký hành nghề và chịu thuế hằng tháng hẳn hoi; tuy vậy, cũng đôi lần bị gây khó dễ một cách khó hiểu. Người có trách nhiệm an ninh khu vực sau khi yêu cầu tôi nên tìm nghế khác không được  đã nói: “Nếu anh không chịu bỏ nghề thì từ nay trong thị trấn có xảy ra vụ trộm cắp nào anh phải hoàn toàn chịu trách nhiệm!” Lại có nhân viên phòng tài chánh giá cả yêu cầu nộp “bảng giá làm các loại chìa & công sửa chữa” mới được tiếp tục (mà sửa chữa nhỏ năm ba trăm, một ngàn làm sao kê khai cho chính xác?)…Tóm lại, dù khó, tôi đều đã hoàn thành mọi yêu cầu, duy chỉ có yêu cầu “bỏ nghề” (của người phụ trách khu vực) là tôi không thể chấp nhận, vì tôi không có điều kiện, vốn liếng để thay đổi nghề mới, và tôi chưa từng vi phạm một khuyết điểm nhỏ nào trong mấy năm hành nghề sửa khóa làm chìa. Tôi đã làm đơn xin đăng ký hành nghề ở Công an Huyện hẳn hoi rồi…
         
Một hôm, người bạn tên Dương - họa sĩ, đang công tác ở phòng Văn Hóa Thông Tin huyện đến nhờ tôi mở giúp khóa tủ của cơ quan mà anh vừa làm mất chìa. Tôi đi theo anh ta. Khi vừa mở xong khóa tủ, kéo cánh tủ ra, tôi nhìn thấy ngổn ngang nhiều đồ vật. Nào sách báo, khung ảnh, chuông mõ, cờ phướng… chồng chất lên nhau. Nhìn kỹ phía dưới một bên tủ tôi thấy một bức tượng Phật cao khoảng hai gang tay đang nằm dưới nhiều khung ảnh, đầy bụi. Tôi moi ra, cầm lên, thì ra bức tượng Phật Thích Ca bằng gỗ, được sơn phết rất kỹ, hình như còn rất mới, nét khắc chạm không điêu luyện nhưng tôi biết đó là cả một tấm lòng thành kính đối với Đức Phật. Tôi nói với người bạn: “Tôi không cần tiền thù lao nhưng cậu cho tôi xin bức tượng nầy nhé”. Người bạn cười: “Anh giấu trong xách đồ nghề đi nghen!”.
         
Về nhà, tôi kể lại câu chuyện hy hữu được có tượng Phật, đưa cho vợ tôi, dặn tắm rửa tượng cho thật sạch sẽ, rồi đặt trên bàn thờ Phật. Đây là bức tượng Phật đầu tiên mà tôi có được để hằng ngày có thể lễ lạy, chiêm bái  với lòng tin sẽ được Phật cảm thông, cứu độ; bức tượng ấy tôi vẫn giữ mãi đến hôm nay…
           
Dù đã hết lòng, bằng nhiều cách – từ bản thân chịu đựng kham nhẫn, đến cầu xin, lễ lạy, cúng kiến theo lời những ông thầy thủy mà bà con mách bảo chỉ mong giữ gìn sự an hòa cho gia đình nhưng mối “xung khắc” giữa tôi và vợ ngày càng khó hàn gắn. Tôi vẫn không hiểu nguyên nhân vì sao. Tôi đã bao đêm thức trắng để tự nhìn lại mình nhưng vẫn không nhận ra rõ ràng nguyên nhân đã khiến cho chúng tôi phải sống trong bất hòa, khổ đau dai dẳng. Các con tôi đều đã bị ảnh hưởng không nhỏ trong việc học tập và sinh hoạt tinh thần. Tất cả những người thân (bên nội cũng như bên ngoại phía vợ tôi) cũng đều ngạc nhiên, chỉ “mò đoán” bằng sự tin tưởng vào một cõi linh thiêng nào vô hình, đã gây tạo nên. Có người  nói tuổi của hai chúng tôi, theo tử vi, là phải chịu “sanh ly, tử biệt”.  Có người còn góp ý rằng sự thay đổi nhanh chóng cuộc đời của tôi sau năm 1975, công danh sự nghiệp chẳng còn gì, nên vợ tôi có thể nảy ý so sánh này nọ với bạn bè,mà thay lòng đổi dạ”chăng? Lại có người cho rằng vì đời sống đổi thay đột ngột, chúng tôi quá khó khăn về kinh tế nên vợ tôi còn non trẻ, không thể yên tâm được, sinh ra bất hòa…Trong lúc đầu óc tôi rối mù vì chưa khẳng định được nguyên nhân thì người chị (cùng cha khác mẹ) tuy giàu sang đã chẳng đưa tay giúp đỡ chút gì mà luôn trách móc tôi cứng đầu, không chịu nghe lời. Tôi quên bẵng chuyện viết lách, sách báo  trong suốt hơn 15 năm bị khủng hoảng cho dầu đó là ước mơ một đời của tôi  ngay từ thuở trung học…
             
Sau nhiều lần phải tạm xa nhà, có khi một vài ngày, có lúc cả tháng, vài tháng, để tránh sự xung đột trầm trọng có thể ảnh hưởng đến các con, tôi quyết định đưa cả gia đình đến chùa Ngọc Lộ, xin Thầy Thích Huyền Minh cho quy y tam bảo. Hai chúng tôi và bốn đứa con cũng đã được làm lễ quy y tại đây.
           
Sự yên lành không ở lâu với gia đình, chỉ vài tháng sau  tất cả lại như cũ. Những lần bất hòa gay gắt, căng thẳng thêm, phát xuất từ những giấc mơ của vợ tôi, từ “sự thấy” rất kỳ quặc của vợ tôi, mà chẳng ai trong gia đình, kể cả bà con gần xa có thể “thấy” được! Những người bạn thân của tôi, có người là bác sĩ chuyên khoa thần kinh, đã tin rằng vợ tôi đang bị “phân liệt thần kinh”, chỉ cần được an nghỉ, ổn định tinh thần, sẽ dần dần giảm bớt mà thôi! Một người bạn văn ở Sài Gòn đã viết thư cho tôi, có đoạn “… Cô ấy còn quá trẻ, nên không thể chống chỏi được với sự chuyển biến bất ngờ nhiều gian truân của cuộc đời, của thế sự, nên tâm trí chưa được ổn định thôi, cậu gắng tạo thêm điều kiện…”. Tôi thầm cám ơn mọi sự chia sẻ của người thân, bạn bè. Tôi đã làm hết mọi cách theo mọi góp ý để mong tạo sự yên lành cho vợ, cho các con, trong nhiều chục năm bằng sự nhẫn nhục và chịu đựng.
         
Tình cờ, một ngày, tôi nhận được một số kinh sách từ chị Nguyễn Thị Tẩu - chị ruột của nhà văn Y Uyên ở Gò Vấp gởi ra cho, bằng bưu điện. Ngoài các quyển Kinh Pháp Hoa, Lăng Già, Kim Cang, A Di Đà, còn có tập sách mỏng  “Sáu Cửa Vào Động Thiếu Thất” của Tổ Bồ Đề Đạt Ma. Tôi vui mừng đọc (và thọ trì biên chép hằng đêm) quyển Kinh Pháp Hoa, và luôn ghi nhớ lời dạy của Bồ Đề Đạt Ma mà tự khuyên mình, hãy nỗ lực “chuyển hóa nghiệp” để được an vui: “Chỉ riêng về phép "Báo oán hạnh" chẳng hạn, Ngài dạy rằng khi gặp khổ cứ vui chịu, đừng than trời trách người. Mắc nợ thì trả nợ, đó là lẽ công bằng, cần sòng phẳng. Sòng phẳng mà không oán trách, đó là hành đạo trên "Sự". Hành sự mà lòng không loạn động, đó là tựu "Lý". Trên hiện tại lý với sự chẳng khác nhau, nên khổ mà không oán trách, đó là giải thoát: giải thoát ở hiện tại, bằng những hành động thích ứng với hiện tại. Chỉ có hiện tại là thực, cần tác động vào đó, ngoài ra quá khứ và tương lai đều là vọng tưởng”. Tôi tin tưởng mạnh mẽ vào lời giàng dạy ấy, ngày đêm giữ Tâm an vui, tiếp tục đời sống, cho dù có lãnh nhận nỗi bất hạnh, và khổ đau đến đâu!
           
Tôi đã không còn rời nhà ra đi nhiều như trước, nhưng một năm - ít nhất, cũng đôi ba lần phải đi xa, để tránh cho gia dình sự xáo trộn nặng nề thêm nữa. Tôi đã vào Tuy Hòa thăm bạn đồng nghiệp, thăm thầy Thích Thiện Đạo, bạn văn, hay học trò cũ. Vào Nha Trang thăm nhà văn Võ Hồng, thăm nhà thơ lão thành đồng hương Quách Tấn. Tôi đã vào Sài Gòn để thăm con đang theo học ở trường đại học Y Dược, thăm gia đình nhà văn Y Uyên, thăm chị Minh Quân, Lê Ngộ Châu, Bùi Đăng, Vũ Viết Điềm, Phan Việt Thủy  rồi lên Đồng Nai để làm “đốc công” cho công ty xây dựng, đã xuống Phước Thái (Bà Rịa - Vũng tàu) làm thông dịch cho công ty xây dựng đang thi công nhà máy bột ngọt Vedan, đã ghé thăm Thầy Thích Minh Tâm ở tịnh thất Nguyên Phong, thăm nhà thơ Đinh Hồi Tưởng (đại đức Thích Tấn Tuệ) ở Suối Đó - chùa Đây, thị trấn Lagi ... Tôi đã lãng du tùy duyên, không nơi nào ở lại lâu. Cho đến khi cảm thấy cần có mặt ở nhà…

(Còn tiếp)
MANG VIÊN LONG