Sunday, December 7, 2014

89. MANG VIÊN LONG Hồi ký NHƯ ÁNG MÂY TRÔI (7)




7.
TRỞ VỀ QUÊ NHÀ


Tôi đến thị xã Tuy Hòa lần đầu tiên vào một buổi chiều tháng 6 năm 1966 theo giấy bổ nhiệm của Bộ Giáo Dục sau khi ra trường Sư Phạm. Trước ngày chọn nhiệm sở theo thứ tự ưu tiên điểm số tốt nghiêp - Phú Yên được xem là một nhiệm sở tốt - rất nhiều sinh viên  muốn đến và tôi đã được nghe nói về thị xã Tuy Hòa như một miền đất yên lành, đẹp, phong phú! (đã “phú” rồi mà còn “yên” nữa).Tỉnh Phú Yên chỉ được phân bổ 8 người - tôi là người thứ 2 được ký tên vào giấy nhận nhiệm sở đã được in sẵn. Cuộc đời tôi đã bắt đầu thay đổi - bắt đầu gắn liền với Tuy Hòa từ đây…
         
Một người bạn đã có thời làm lính thú ở Phú Yên kể cho tôi nghe về cái thị xã nhỏ nhắn, yên tĩnh, xinh đẹp mà anh nói khi rời khỏi nơi đây anh mãi nhớ! Thị xã sạch, xanh, lặng lẽ như một thôn nữ diu hiền  - người bạn nói văn vẻ như vậy. Theo lời anh, đây là một khu phố hiếm có thời này vì không có snack bar và gái nhảy! Nghe vậ tôi rất vui, vì tôi đã quá chán những đường phố nhằng nhịt những quán bar, những âm thanh rập rình nhạc twist , hay những gương mặt tô trét son phấn nhầy nhụa…
           
Chiếc máy bay loại cánh quạt của hãng hàng không Air Việt Nam đáp xuống phi trường Đông Tác khoảng ba giờ chiều. Xe ca chuyển vận hành khách vào thị xã đến trạm Tuy Hòa nằm trên đường Trần Hưng Đạo ngay sau đó. Lần đầu tiên được nhập vào dòng sống thị xã xa lạ tôi không khỏi bỡ ngỡ với con đường mình đang đếm bước. Tôi dừng lại ở Ngã Năm - đón một chiếc xích lô - móc ở túi áo ra cái phong thư - xem kỹ lại địa chỉ một lần nữa: “Bác cho cháu xuống số nhà 63 Trần Hưng Đạo”. (Người bạn đã cẩn thận viết cho một lá thư gởi gắm tôi cho gia đình một người bạn cũng đang dạy học - rất thân của anh, trong những ngày đầu).
           
Tôi đã được gia đình người bạn tiếp đón ân cần, cởi mở, ngay lần gặp đầu tiên ấy. Tạm có nơi nghỉ chân, tôi thong thả ra phố  đi loanh quanh theo mấy con đường dày bóng cây, yên vắng và lồng lộng gió nồm! Lòng đường như rộng hơn. Thời gian lướt qua cũng nhẹ nhàng chậm chạp hơn - tôi cảm thấy lòng mình nao nức như lâu ngày được trở lại chốn xưa đang réo gọi. Tôi hân hoan hít thở cái không khí yên lành của Tuy Hòa với niêm vui lạ lẫm hiếm có! Tôi đi thật chậm, đi mãi miết, nhìn ngó phố xá người xe Tuy Hòa mà lòng đầy niềm vui! Niềm vui mới mẻ tràn đầy sức sống của người thầy giáo trẻ là tôi khi tuổi đời vừa chẵn hăm hai.
             
Từ căn phố 63 Trần Hưng Đạo ngủ đêm đầu tiên cho đến ngày tôi rời xa Tuy Hòa  tôi đã di chuyển chỗ trọ nhiều lần trong gần 12 năm dạy học ở đây. Muời hai năm - thời gian không nhiều, nhưng với hơn bốn ngàn ba trăm ngày đêm sống với Tuy Hòa, tôi đã có thật nhiều kỷ niệm không bao giờ quên với trường lớp, với học trò, với  đồng nghiệp, với những bạn văn thân yêu…  Thời tuổi trẻ thơ mộng dạt dào ước vọng của tôi dường như chỉ có ở đây. Gắn chặt nơi đây - với từng tên gọi, từng gương mặt, từng góc quán, từng con đường, từng nỗi buồn vui thế sự…
             
Ngôi trường đầu tiên tôi đến nhận lớp là Trường Hòa Vinh - quận Hiếu Xương. Trường cách xa thị xã gần 12 cây số nằm trên quốc lộ 1A - xe Lam chạy khoảng 30 phút. Tôi đã sống gắn bó chí tình với đám hoc trò quê mùa chơn phác ấy gần ba năm. Biết bao niềm vui của thuở ban đầu làm nghề “gõ đầu trẻ” của tôi đã gắn liền ở đây.
             
Chúng tôi sống ở Tuy Hòa trong bao nhiêu năm cũng chỉ thuê nhà, mỗi năm gíá thuê đều tăng  nhưng cũng có thể trang trải được với đồng lương tương đối đầy đủ, dù tôi không quan tâm nhận dạy thêm ở trường tư. Tôi dành thời gian để đọc, và viết. Thời gian còn lại, chúng tôi dành cho những lần thăm viếng, gặp gỡ thân tình cùng bằng hữu đồng nghiệp, hay bạn văn… Tôi thường lấy xe đi về các miền quê Hòa Trị, các xã quanh thị xã,  để tìm hiểu thêm về nếp sinh hoạt, đời sống của vùng quê nghèo đang chịu nhiều áp lực của cuộc chiến ngày càng tiến gần thị xã. Các em học sinh ở quê đang theo học ở Nguyễn Huệ hay trường tư thục Văn Minh, Bồ Đề cũng thường mời tôi về nhà, về quê của các em thăm chơi, vào ngày chủ nhật. Dù biết có vùng quê xa, dưới chân cụm núi Sầm hay dọc dãy núi đá vôi, không được an ninh nhưng vì tấm lòng chân thật của học trò tôi cũng đã theo các em đi mà không chút e ngại gì. Có một hôm, tôi đang ngồi trong nhà người học trò ăn cơm trưa với gia đình bng nhận thấy có vài bóng người cứ đi qua lại trước ngõ.  Cha cậu học trò biết, vội ra gặp, và sau đó, không còn thấy có bóng ai nữa! Người học trò nhắc lại: “Thầy cứ yên tâm ở chơi với tụi em đến chiểu, tụi em cùng về Tuy Hòa với Thầy luôn!”
             
Ở Tuy Hòa, nơi cái thị xã yên vắng dễ thương đầy ắp tình người, đây ắp khát vọng tuổi trẻ nầ tôi viết được khá nhiều truyện và một số tạp bút. Hầu hết các truyện và tạp bút của tôi đều đã được các tạp chí Vấn Đề, Văn, Bách Khoa, Trình Bầy, Phổ Thông, Ý Thức, tuần báo Khởi Hành, Thời Tập, Nghiên Cứu Văn Học, Hiện Diện, Khuynh Hướng, Khai Phá, Tuổi Ngọc… đăng tải. Khởi đầu, tôi viết tay một bản duy nhất, sau đó  nếu thuận tiện, tôi nhờ học sinh viết chữ đẹp nhất viết lại một bản để lưu. Không tiện thì thôi. Về sau, tôi mua được chiếc máy Olympia cũ, viết ngay một lần 3 bản. Chỉ chỉnh sửa lại chút ít sau khi viết xong…

Khi nhận được tiền nhuận bút tập truyện “Có Những Mùa Trăng” của Văn khá nhiều, tôi gởi cho anh Nguyên một nửa tặng các cháu, còn lại mua chiếc máy mới Brother Deluxe ở hiệu sách Vạn Kim, tiền còn dư lai rai cùng anh em. Tôi “chuyển nhượng” lại chiếc máy Olympia với giá hữu nghị cho nhà thơ Đỗ Chu Thăng. Anh Đỗ Chu Thăng (tên thật Ngô Thạch Ủng) là một người bạn, người thầy hiền lành, thàng hậu, chí tình. Tôi quen thân với anh qua anh Trần Huiền Ân, hai người là đôi bạn thân thiết cùng dạy ở trường trung học Bồ Đề (sau này là sui gia)…
             
Thuở ấy, tôi viết được khá nhiểu, khá nhanh, nếu đã suy nghĩ về đề tài cần viết “chín mùi”, tôi thường viết trong vài giờ (hay một buổi) là xong một truyện ngắn dài gần 20 trang. Ngoài giờ đi dạy, (hay có “hẹn” đi chơi đâu đó), tôi thường ngồi ở nhà, miệt mài viết, không nản. Tôi chăm chỉ viết, bởi đó là niềm vui và niềm an ủi còn lại cho đời tôi. Tuy Hòa yên tĩnh, không có nhiều nơi để vui chơi la cà nên nếu không viế tôi sẽ không làm gì cho hết quỹ thời gian còn lại. Ngoài viết truyện, tôi cũng đã nhận làm cộng tác viên viết tạp bút cho vài tờ nhật báo ở Sài Gòn để có chút nhuận bút cà phê, hay nhâm nhi vài chai bia La Rue. Do vậy, dường như số báo nào của Vấn Đề cũng có truyện của tôi.  Có lần tôi chưa kịp gởi truyện mới, Vấn Đề đã đăng lại truyện cũ đã sử dụng trước đó khá lâu. Nhà văn Mai Thảo đã rất nhiệt tình “góp ý” cho tôi, còn anh Trần Phong Giao (thư ký tòa soạn tạp chí Văn) thỉnh thoảng cũng có thư động viên, khuyến khích; tất cả đều dành cho tôi nhiều tình cảm tốt đẹp, cho dầu tôi chưa hề được gặp các anh, trước đó …
             
Thuở ấy - niềm đam mê viết lách của tất cả anh em văn nghệ nói chung, và của anh em Tuy Hòa nói riêng, thật sôi nổi, nhiệt tình! Một không khí đầm ấm, tôn trọng và chia sẻ lẫn nhau trong nghĩa tình văn chương, thật cao quý, thật hiếm có!

Thời tuổi trẻ ở Tuy Hòa của tôi là khoảng thời gian hạnh phúc, êm đẹp nhất, không thể nào quên. Chính vì vậy, khi nhà thơ Phan Việt Thủy (tên thật là Phan Văn Giưỡng - đang dạy học ở Tuy Hòa, cũng đang thực hiện tạp chí Hiện Diện với chúng tôi) xin đổi về làm việc ở Bộ Giáo Dục, có “rủ” tôi cùng đi với anh để có cơ hội làm báo, lập nhà xuất bản nhưng tôi cảm thấy rất “ngán” Sài Gòn, nên vẫn “chung thủy” với Tuy Hòa, cho đến ngày cầm trên tay tấm giấy “phóng thích” trở về quê cũ, tôi mới đành rời xa Tuy Hòa - như rời xa tuổi trẻ, ước mơ, và khát vọng một thời còn dang dở…
             
Cuối năm 1977, tôi trở về quê, lo thu dọn căn nhà cũ dột nát đã có từ trước năm 45 duy nhất còn lại dành cho tôi, trước khi anh Nguyên yêu cầu chị em tôi ký tên bán ngôi nhà tiếp theo để anh có điều kiện mua nhà ở Sài Gòn cho các con có chỗ sinh sống ổn định hơn là ở khu gia binh. Ngôi nhà ngói đã có gần nửa thế kỷ ấy xiêu vẹo, trống trước dột sau nhưng có thể có chỗ cho tôi nằm tạm, một mình, lúc trở về. Vợ tôi còn dạy ở Tuy Hòa, hai con nhỏ đang tạm sống cùng bà ngoại ở Qui Nhơn. Tạm ổn đinh nơi “ngã lưng”, tôi đi Qui Nhơn đến Ty Giáo dục nộp đơn xin dạy trở lại. Khi rời trường Nguyễn Huệ, trong xấp hồ sơ nhà trường đưa cho tôi, có nhiều giấy khen, cùng lời giới thiệu rất “ngon lành” của Hiệu trưởng nhưng bà phụ trách phòng tổ chức Ty không buồn đọc. Lật qua lại xấp hồ sơ, nhìn thoáng qua đơn của tôi, bà ta nói, giọng chắc nịch: “Chúng tôi không thể tiếp nhận loại giáo viên này! Anh cứ về, chờ, khi nào cần, chúng tôi sẽ gọi”. Tôi hỏi: “Thưa bà, tôi là “loại” giáo viên  gì vậy?” - “Dạy Việt văn và Anh văn. Tỉnh không dạy Anh hay Pháp văn, chỉ dạy Nga văn thôi! Còn Việt văn thì…”
             
Tôi biết là từ nay, tôi sẽ không có dịp trở lại nghề cũ đã chọn nữa, mà thời cuộc sẽ “chọn” cho tôi. Tôi nghĩ, nghề nào cũng chỉ để kiếm miếng cơm manh áo thôi, nên an tâm, trước mắt làm các “nghề lặt vặt” (mà nhà báo Nguyễn Tam Phù Sa sau nầy gọi là “thợ đụng”) để kiếm ăn ngày hai bữa, vì tôi không có vốn liếng để dành có thể “làm ăn” một nghề gì khác, trong hoàn cảnh còn đang xáo trộn, chưa ổn định như thế nầy! Tôi xin làm phụ thợ hồ. Nhận bắt điện nhà. Dọn vườn, cuốc đất. Phụ việc (bất kỳ là việc gì) cho các gia đình trong thị trấn khi họ cần người...
           
Sau một thời gian xin đi làm “tiểu công” (khuân vác, trộn hồ, chở gạch - phụ việc cho thợ xây) không kham nổi vì bệnh khớp mãn, mà làm “thợ đụng” không có “thu nhập thường xuyên”, tôi đã quyết định vào Tuy Hòa, đến học nghề sửa chữa xe gắn máy với người bạn - anh Lê Tăng Mính (nguyên là thanh tra Tiểu học vừa chuyển… ngành sửa xe Honda sau năm 1975), theo lời đề nghị giúp đỡ của anh!  Tôi chỉ tốn tiền xe vào ra  còn mọi chi phí khác anh Mính lo cho hết! (Anh dạy nghề, cho ăn ở tại nhà - chu toàn mọi việc). Sau hơn một tháng học ngày học đêm, tôi về nhà, viết bảng hiệu trên tấm ván nhỏ “Sửa Chữa Xe Gắn Máy”  treo vào thân cây dừa phía trước. Mấy tháng hành nghề, lèo tèo vài khách hàng, công việc ngày càng ế ẩm, vắng vẻ! Trong một hoàn cảnh mà người có xe Honda đang tìm người có xe đạp để đổ và xăng dầu phải mua theo tiêu chuẩn, tem phiếu (ưu tiên cho cán bộ công nhân viên chức), thì có ma nào “dám” đi xe máy nổ? Tuy là treo bảng “Sửa Chữa Xe Gắn Máy” nhưng thực ra, “sửa xe đạp” là chính!
           
Nghề sửa xe đạp và xe gắn máy đòi hỏi các động tác mà căn bệnh thấp khớp mãn của tôi không thể đáp ứng, hơn nữa phụ tùng xe tôi không có sẵn (mà phải chạy đi tìm mua từng món, thì rất mệt) nên tôi cũng đang nghĩ cách để “chuyển nghề” cho phù hợp với khả năng tài chánh, sức khỏe và “thời đại”(!)
         
Thời gian này, tôi cũng được tin anh Nguyên đã chuyển ra học tập ở Miền Bắc trong lúc vợ phải nuôi 9 đứa con đang ăn học! Tôi hỏi chị dâu xin địa chỉ trại của anh Nguyên đang học, viết thư gởi Ban giám đốc Trại để “trình bày hoàn cảnh, và xin bảo lãnh” cho anh được sớm trở về với gia đình…Tôi chỉ có thể làm được như vậy bởi tôi cũng đang rất nghèo khổ, chạy ăn từng ngày, và đang nhờ sự giúp đỡ của “ông bà ngoại” các cháu, mới tạm yên…
             
Đang là “diện” bị địa phương “quản lý” trong vòng hai năm sau ngày trở về, tôi luôn chấp hành mọi quy định đã được “nhắc nhở”. Ngoài ngày công lao động (mỗi năm 35 ngày) lên vùng rừng núi An Trường phát quang, mở đường, làm rẫy, trồng mì - dầu rất vất vả, tôi vẫn phải gắng kham chịu, bởi không có tiền để “tìm người đi giúp” như những người khác! Hằng đêm, khi có tiếng kiểng, phải tập trung đi gác ở các ngã đường. Ngủ hè, ngủ bụi, cũng không hề gì nhưng có một “kỷ niệm” khiến tôi cảm thấy rất “chua xót”: một dịp gần Tết, tôi nhận được giấy tập trung đi dự lớp học tập về “an ninh xã hội” do xã Nhơn Hưng triệu tập…. Vào dự trong lớp học khoảng ba bốn chục người này, tôi nhận ra toàn là những khuôn mặt lạ - được biết là những tay cờ bạc, rượu chè, quậy phá, trộm cắp, lường gạt, đỉ điếm…;  vậy mà tôi đã được “xếp loại” với định kiến như vậy. Tôi im lặng chấp nhận, như bao đổi thay đau lòng khác đã đến với tôi, trong thời gian này!
           
Một lần đi Qui Nhơn thăm ông bà ngoại của các con, tôi đi lang thang dọc đường phố Tăng Bạt Hổ, Phan Bội Châu, các ngã phố Võ Tánh, Gia Long (cũ) - và bỗng nhận ra chiếc tủ gỗ nhỏ của một cậu em trạc 18 tuổi đặt ở góc đường. Đến gần, xem, hỏi han, chuyện trò cho vui! Cậu ấy rất nhiệt tình trả lời các câu hỏi của tôi, như đã thân nhau. Khi biết rõ hoàn cảnh và ý định của tôi muốn “học nghề”, cậu đã vui vẻ giới  thiệu tôi đến gặp “sư phụ” đang hành nghề “sửa khóa và làm chìa” ở đường Phan Bội Châu. Vậy là tôi đã mời “sư phụ” lên nhà tôi một ngày  để “truyền nghề” cho tôi với sự đãi ngộ xứng đáng! Từ dạo ấy - vừa học, vừa làm (có ghi chép cẩn thận vào tập vở 100 trang), thường xuyên “học hỏi” thêm ở người thầy cũ, bạn đồng nghiệp, suốt mấy chục năm qua nên đã hành nghề rất tiến bộ và có uy tín…Hai lần tôi “được” người công an khu vực “khuyên” nên chuyển nghề; nếu không - theo lời anh ta - “trong thị trấn có xảy ra vụ trộm cắp nào, tôi phải hoàn toàn chịu trách nhiệm!”. Tôi đã trình bày lý do không thể thay đổi nghề dễ dàng trong hoàn cảnh khó khăn của gia dình và đã cam kết rõ ràng: “Tôi chịu trách nhiệm trước pháp luật, nếu tôi làm gì sai trái khi hành nghề,  nhưng với những bằng chứng xác đáng, cụ thể!”. Sau khi tôi đăng ký hành nghề ở phòng Tiểu Thủ công nghệp, với công an huyện (có người bảo lãnh), thì không còn bị “nhắc nhở dẹp nghề” nữa . Và để cho được “đủ ăn”, tôi làm thêm nghề “Bơm Quẹt Gas”, cng với chiếc tủ gỗ nhỏ mua lại bên vỉa hè đường Phan Bội Châu của mấy gia đình chuẩn bị thu xếp để lên đường đi kinh tế mới với giá rẻ mạt về làm tủ “Sửa Kính Đeo Mắt”. Một người phải làm việc bằng ba  mới có thể sống được trong thời buổi “gạo châu củi quế” này! Mỗi “nghề” thu nhập được một ít, góp lạ cả ngày, cũng đủ…đi chợ!
           
Có ai ngờ được rằng cái nghề mình đã đầu tư liên tục từ thưở lên sáu - ròng rã gần 20 năm, mà nuôi sống nổi mình chỉ được 12 năm, trong lúc, một cái “nghề khơi khơi” mà đã gắn bó dài lâu, nuôi sống mình và giúp đỡ gia đình được hơn 30 năm? Âu đó cũng là một “cái số”? Sự thăng trầm của đời người, nghĩ cũng vui! Trong ngần ấy năm, tôi cũng đã “truyền nghề” cho sáu “đệ tử” trong và ngoài tỉnh có hoàn cảnh khó khăn, kiếm sống được qua ngày!
           
Có vài người bạn thân lâu ngày gặp lại tôi đang cặm cụi mài dũa, khoan đục, với tấm bảng hiệu “Sửa Khóa Và Làm Chìa” ở góc phố chợ, đã mủi lòng, tỏ ra rất buồn! Họ cho biết rất bàng hoàng, ngạc nhiên, không thể ngờ rằng tôi, một thời dạy học - viết văn, lại gặp cảnh ngộ bi đát đến vậy! Riêng tôi, tôi chưa hề nghĩ mình quá “bi đát” như lời chia sẻ của bạn - mà nghĩ, điều gì - rồi cũng có thể xảy đến cho tất cả trong cái cõi tạm lắm khổ, ít vui này! Hãy an vui và kiên nhẫn đón nhận mọi biến đổi khó lường của cõi tạ để có niềm hy vọng mà sống tiếp. Làm Thầy cũng kiếm cơm, mà làm Thợ cũng kiếm cơm. Trong lúc vui chuyện, tôi đã “ứng khẩu” đọc tặng anh bạn mấy câu (có phải là thơ không?) như sau:

“Chữ Thơ - chữ Thợ, cũng gần,
Làm Thơ, làm Thợ - ta mần cả hai!
Làm Thợ thì để sinh nhai.
Làm Thơ thì để… lai rai, đỡ buồn!”
             
Bốn câu ấy thuộc loại “văn chương truyền khẩu”  nhưng, qua bao năm, nó vẫn được bạn bè nhiều nơi thuộc và nhắc nhở, như một kỷ niêm vui!  
             
Tôi vẫn thường tâm sự với vài người bạn thân: “Trước - làm Thầy, ta vẫn vậy. Nay - làm Thợ, ta cũng chẳng khác!”. Tôi luôn nhắc mình hãy giữ Tâm  an tịnh, đối diện với hiện tại - và vui vẻ sống hết lòng…
             
Trong những năm trở về quê nhà, được sống gần vợ chồng chị Thục và các cháu (tuy gia đình chị Thục đang ở Đập Đá, cách nhà tôi 5 cây số, cũng đang lâm cảnh khó khăn - chồng chị phải đi bán cà rem…), được gặp lại vài người bạn học, bạn văn thân cũ thời trung học, được  bà con chòm xóm thương yêu giúp đỡ - nhất là sự đùm bọc, chăm sóc của ông bà ngoại các cháu, gia đình tôi đang dần có cuộc sống ổn định… 

(Còn tiếp)
Mang Viên Long