Friday, December 5, 2014

88. NGUYỄN MINH NỮU Đinh Cường trên dòng ký ức


NGUYỄN MINH NỮU

ĐINH CƯỜNG TRÊN DÒNG KÝ ỨC


 Đinh Cường 
(Photo by PCH – 2014)


Có một công án thiền mà tôi rất thích, đó là công án chỉ trăng.

Dùng ngón tay chỉ lên mặt trăng là để giới thiệu mọi người về trăng, và theo ngón tay chỉ để nhìn ngắm trăng, chứ đừng nhìn ngón tay bởi ngón tay không bao giờ làm trăng được, mà nhiều khi ngón tay lại làm sai hẳn cái đẹp của trăng.

Tôi cũng đã từng muốn viết về trăng, nhưng cái vĩ đại của trăng làm tôi không biết nói về điều gì trước, về ánh trăng, về không gian trăng, về thời gian trăng, về  phản chiếu của trăng hay những suy nghĩ dưới trăng.  Và với Đinh Cường cũng vậy, tôi nhiều lần ngồi lại, muốn viết xuống những suy nghĩ về ông, nhưng rồi lúng túng chưa biết phải viết về cái gì trước, tranh của Đinh Cường, thơ của Đinh Cường, kỷ niệm giao tiếp với Đinh Cường, cá tánh Đinh Cường ....Và sau cùng tôi chọn một khoảng không gian nồng nàn nhất mà Đinh Cường đang sống để tôi cho ngòi bút chạy về…

Khoảng 15 năm trước, thời điểm những năm cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21,  khi đó Phở Xe Lửa còn sầm uất lắm, anh Nguyễn thế Toàn chủ nhân của Phở Xe Lửa với nụ cười ý nhị và sảng khoái đón bằng hữu khắp nơi ghé về ăn tô phở nhà thơm ngon và ly cà phê pha theo kiểu miền Nam Việt Nam đậm đặc. Cái bàn tròn nằm sát vách là nơi dành riêng cho các thân hữu, nơi bàn này, khách ghé tới là những người mà ông Toàn khẳng định  là " bạn tôi" với giọng Thái Bình đặc sệt  và kéo dài.  Khách ghé đây có thể đã no bụng vì đã ăn món gì đó từ nơi khác, cũng có thể chẳng uống một ly cà phê nữa, nhưng vẫn được ông Toàn nồng nhiệt pha một ấm trà nóng  thân thiện mời chào, khác hẳn với những thực khách khi vào ngồi ở các bàn khác, vào là phải kêu món ăn, phải gọi nước uống. Ở bàn này, tôi đã gặp gỡ với rất nhiều những tên tuổi văn học nghệ thuật từ khắp nước Mỹ ghé về vùng Hoa Thịnh Đốn . Hầu như ai cũng nghĩ rằng về tới Hoa Thịnh Đốn mà chưa ghé lại  Phở Xe Lửa thì chưa đủ. Không phải riêng nước Mỹ đâu, mà ở cái bàn này, tôi có dịp gặp rất nhiều tên tuổi từ Úc, Pháp, Hòa Lan, Đức, Bỉ , Đan Mạch và cả từ Việt Nam nữa. Chỗ ngồi đó là nơi gặp gỡ nhiều người, nhưng thường xuyên ghé tới mỗi ngày là  bạn hữu trong vùng chúng tôi, bây giờ nhiều người không còn nữa như Giang Hữu Tuyên, Huyền Trân, Phan Nguyện, đ Ngô Mạnh Thu, Đỗ Ngọc Yến, Nguyễn Đức Quang, Nguyễn Xuân Hoàng, Quỳnh Dao,  Lê Thiệp, Vũ Ánh...

Cũng từ góc bàn này, tôi nhìn thấy Đinh Cường lần đầu. Tranh và tên tuổi của Đinh Cường thì tôi nghe và yêu thích từ những năm còn ở tuổi mới lớn. Hồi đó, khi đang học những năm chót của bậc trung học, chúng tôi đã có nhiều lần  bỏ lớp ra ngồi quán cà phê nghe nhạc Trịnh Công Sơn và chuyền tay nhau những tập nhạc hình vuông, nhạc Trịnh Công Sơn với tranh bìa và phụ bản của Đinh Cường.  Khi lớn hơn chút nữa, bước vào đời lính và  làm thơ gửi đăng báo, có lần  cả bọn ngồi với nhau và nói đùa rằng chẳng cần làm thơ hay, chỉ  làm sao đạt được bốn điều sau đây thì sẽ nổi danh: có thơ in ra với An Tiêm xuất bản, Tạ Tỵ vẽ chân dung, Phạm Duy phổ nhạc và Đinh Cường vẽ bìa.

Họa sĩ Đinh Cường mà tôi gặp ở Phở Xe Lửa hồi đó là một người ít nói, cũng không phải là người hay cười, nhưng  nhìn là có cảm tình vì  tia mắt thân thiện và khuôn mặt tươi tắn . Mỗi tuần anh đều ghé Phở Xe Lửa một vài lần, có khi là đến để hẹn gặp một ai đó, có khi đến để ăn một tô phở nóng và trò chuyện thân mật với mọi người. Thường thì anh đi với một người bạnnhà văn Phạm Thành Châu. Phạm Thành Châu hay nói đùa rằng: “Người ta gọi Đinh Cường là Đại Họa Gia, và gọi tôi là Tiểu Thuyết Gia, cho nên gọi ngắn gọn thì đây là ông Đại và tôi là ông Tiểu.

Năm 2004, tôi đự định in  tập thơ đầu tay. Tôi nói với Giang Hữu Tuyên là tôi muốn có một bức tranh của Đinh Cường để làm bìa, và nhờ Tuyên nói với anh Cường giùm. Tuyên ngạc nhiên hỏi sao ông không xin anh Cường. Tôi nói mới quen, chưa đủ thân tình, tôi sợ anh Cường từ chối. Tuyên lắc đầuvà cho tôi biết rằng có những người làm thơ lạ hoắc từ tiểu bang khác mà Đinh Cường chưa hề quen, nhưng khi ngỏ ý xin bìa  Đinh Cường đều giúp nhiệt tình. Đinh Cường là vậy, anh yêu quý và trân trọng tất cả những người hoạt động về nghệ thuật.

Dù Giang Hữu Tuyên nói vậy nhưng tôi vẫn không tự tin nên nhờ Tuyên đưa tôi đến nhà Đinh Cường.

Đúng như Giang Hữu Tuyên nói, Đinh Cường vui vẻ nhận lời và đưa tôi một loạt tranh mới vẽ để tôi chọn. Tập thơ của tôi có tựa đề là LỜI GHI TRÊN ĐÁ. Đinh Cường đưa tôi một nức tranh màu xám trông giống như một vách đá dựng với một mặt trời vỡ đôi và khuôn mặt người  màu đen trầm mặc. Ông lấy màu xanh dương vẽ thêm như một dòng nước biển, rồi ký tên, ghi  tặng tôi bức tranh. Khi đưa tôi và Tuyên xuống tầng hầm, Đinh Cường nhẹ nhàng chỉ vào những bức tranh treo trên vách: tấm này vẽ Trịnh Công Sơn hồi năm 68, tấm kia là Bùi Giáng  hồi năm 70, tấm nọ ký ức với Nguyễn Đức Sơn năm 73..... đây là các số Sáng Tạo cũ, kia là tập san Văn ... những lưu trữ và quẩn quanh trong đời sống thường nhật của Đinh Cường là những kỷ niệm, những tình thân nồng nàn ông giữ lại từ bằng hữu . Trong lúc tôi và Tuyên chăm chú xem từ cái này qua cái nọ, Đinh Cường đã ngồi xuống bàn và nhanh chóng phác thảo  chân dung tôi. Cầm trên tay bức tranh làm bìa và bức phác thảo chân dung, tôi run người vì cảm động. Tôi hiểu tấm lòng của người họa sĩ tài ba và tôi hiểu thêm cách đối nhân xử thế rất tinh tế của một đàn anh trong văn nghệ.

Tháng 2 năm 2011, nhân dịp Nguyễn Trọng Khôi và nhóm bạn Boston sang Virginia, tôi có dịp gặp lại Đinh Cường trong buổi họp mặt ở nhà Phạm Cao Hoàng.  Ngay trong buổi gặp gỡ gỡ đó, Đinh Cường viết bài thơ ĐOẠN GHI ĐÊM CENTREVILLE. Tôi nhận ra một thói quen rất đặc biệt của anh: viết và vẽ rất nhanh. Cuối một buổi gặp gỡ anh thường có một bài thơ hay một bức phác thảo chân dung một người nào đó trong buổi gặp gỡ.

Sau lần gặp gỡ này, tôi có nhiều dịp gặp anh nhiều hơn, khi thi cà phê Starbucks, khi thì đi ăn tối cùng nhau.

Đinh Cường là một họa sĩ nổi tiếng từ nửa thế kỷ nay. Tranh của anh có một phong cách riêng, sang trọng và huyền ảo, khồng cần có chữ ký người yêu tranh vẫn có thể nhận ra nét vẽ của Đinh Cường. Tôi rất thích nhận xét của Đỗ Xuân Tê về tranh Đinh Cường:

 "Vẫn chiếc áo dài truyền thống décolleté, vẫn mái tóc nửa thề nửa thõng, ít khi cắt ngắn, vẫn đôi mắt hơi ướt đượm buồn, dù đứng, dù ngồi, dù nằm, dù tựa dù dựa vào nhau, trong quán cà phê hay ngoài công viên, bên bờ sông Hương hay trên sườn đồi Dran, giữa cảnh thu về miền Virginia hay cảnh tuyết rơi bên hồ vùng Đông Bắc, những phụ nữ trong từng tác phẩm vẫn thể hiện được những nét riêng mà tài tình ở chỗ qua ánh mắt, khóe miệng, vầng trán, ngấn cổ, vòng tay, bàn tay, ngón tay, bộ ngực, vòng vai tưởng chừng như cùng khuôn đúc nhưng vẫn tráng lên những nước men lạ làm cho người đàn bà trong tranh của Đinh Cường mang dấu ấn của một phụ nữ huyền thoại có thể là chỉ sáng tạo cho riêng anh mà sau này lại là của chung cho giới hâm mộ, nhưng độc đáo ở chỗ không ai có thể bắt chước trong sáng tác và cũng không thể lập lại hoàn toàn bắng chính tác giả trong những tác phẩm sau"

Từ vài năm nay Đinh Cường có thói quen ghi nhật ký thơ hằng ngày... Thật ra, anh làm thơ rất sớm - ngay từ đầu những nâm 60 anh đã có thơ đăng trên các tạp chí văn học ở Sài Gòn. Nhà xuất bản Thư Ấn Quán nhận xét về thơ anh:

"Thơ anh chân thật, đầy sức sống, có tác dụng nối kết tình cảm mọi người lại với nhau. Đọc thơ anh, chúng ta cảm thấy yêu thương gia đình và bạn bè hơn, yêu thương đất nước của mình hơn. Qua thơ anh, chúng ta còn bắt gặp nhiều tài liệu quí giá về những khuôn mặt nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực văn học nghệ thuật. Trân trọng tài năng của anh, chúng tôi sưu tập và xuất bản tập thơ này như một món quà kỷ niệm dành riêng cho anh và bạn bè."

Còn Nguyễn Âu Hồng thì nhận xét như sau:

Đọc đến câu cuối :-bạn. đôi khi như mẹ hiền cao quý…thì người tôi lạnh buốt. Đây không phải cái lạnh của thời tiết mà là cái lạnh từ cảm xúc thẩm mỹ trực tuyến và tôi chợt nhận ra nhịp điệu của bài thơ chính là nhịp đập của trái tim nhà nghệ sĩ. Quí mến bạn bè, nâng tấm lòng bè bạn lên ngang với lòng mẹ, -“ Có gì cao quí hơn tình bạn”, bạn. đôi khi như mẹ hiền cao quí”, quả là một thông điệp nhân văn nhân hậu sâu nặng và hiếm quí. Đây cũng là nội dung  thấm đẫm trong từng trang thơ của tập thơ.

Đinh Cường là người sống hết lòng với bạn bè. Anh dành một phần không gian trong nhà cho bạn bè:

Nhà anh như một bảo tàng nho nhỏ, lưu giữ các tác phẩm văn học và hội họa, lưu giữ những kỷ niệm của gia đình và bạn bè. Mỗi người bạn được anh dành riêng cho một chỗ để trưng bày các kỷ vật. Chỗ này dành cho Bùi Giáng, chỗ kia dành cho Trịnh Công Sơn, chỗ nọ dành cho Thanh Tâm Tuyền… Anh nâng niu từng kỷ vật của bạn bè. Từ những kỷ vật này, anh đã viết hàng trăm bài thơ kèm theo tranh, ảnh trong những năm gần đây. (Phạm Cao Hoàng- Người họa sĩ ở đường Natick).

Ngoài tranh và thơ, Đinh Cường viết rất nhiều bài biên khảo giá trị về hội họa, về tranh của các họa sĩ cùng thời hay các họa sĩ bậc thầy. Có thể liệt kê ở đây một số bài:

- Nguyễn Trọng Khôi và những viên đá cuội
- Biển trong tranh Ann Phong
- Nhìn chân dung Thảo Trường, Nguyễn Thuyên vẽ trong trại tù (1), nhớ ba năm ngày mất của anh
- Tôn Nữ Kim Phượng - người họa sĩ xa lạ ấy hay cây bông Phượng Vàng xưa quí, hiếm của Huế
- Để nhớ Âu Như Thuy người Họa Sĩ nằm chết trên đèo Cả.
- Triển lãm tranh Du Tử Lê tại Virginia
- Xem lại tranh Đào Nguyên Dạ Thảo trong một brochure cũ
- Xem mấy nét Đỗ Hồng Ngọc vẽ Bửu Ý qua @ mở ra sáng sớm và gõ đoạn ghi này

Những lời lẽ anh dùng để nói về tranh bạn bè là những lời trân trọng, những kỷ niệm chân tình và những cảm nhận sâu sắc về tranh.

Không phải chỉ trong những trang nhật ký thơ mà Đinh Cường viết xuống mỗi ngày, mà ngay trong trò chuyện, lúc nào cũng là những cảm xúc nối tiếp nhau với một trí nhớ tuyệt vời.  Lãng đãng trong Đinh Cường là những đồi thông bạt ngàn của Dran, Bảo Lộc với những khuôn mặt bạn bè và những kỷ niệm ở đó:

"luôn nhớ con đường chạy về Trại Hầm
Trại Mát - Đa Thọ - Cầu Đất - Trạm Hành
đến Dran, qua đèo Eo Gió xuống Sông Pha

ôi một thời suốt đêm ngồi nghe gió hú
suốt đêm chong ngọn đèn khuya
vẽ cho tới sáng, thời ấy còn đâu
sao chiều nay trong quán Le Blédo nhớ lại

như Nữu nhớ thời nhà binh ở Ban  Thuột  
Phạm Cao Hoàng nhớ thời dạy Trạm Hành
tôi nhớ Đơn Dương thời ham mê cô tịch
giữa núi rừng chỉ thấy trăng sao
chỉ có trăng sao là đáng kể, lấp lánh đôi mắt em"
(Chiều thứ bảy ở quan Le Blédo)

Tâm hồn Đinh Cường như một sợi dây đàn, mà mỗi biến động bên ngoài  từ thời tiết cho đến sự kiện đều nảy sinh ra những âm thanh nhung nhớ :

Sáng nay hay tin chùa Già Lam cháy
tầng hai thiêu rụi. tôi lo. không biết
bức tranh Trần Nhân Tông ra sao
có nằm trong đống tro đống lửa

bức tranh hồi còn Thầy Trí Thủ
vẽ xong được Thầy viết thêm ba hàng chữ [1]
quý vô cùng. tôi bắt chước ký tên chữ Hán
được Thầy Đức Tâm đứng bên khen

nay hai Thầy đã đều viên tịch
chùa Già Lam nơi Bùi Giáng hay ghé ăn trưa
chúng tôi hay ghé thăm Thầy Tuệ Sỹ
năm qua Thầy Trí Quang Thầy Tuệ Sỹ đi chùa khác

nhớ làm sao tượng Quán Thế Âm trước sân
mấy cây hoa sứ già nở đầy bông trắng
sáng nay phone thăm Trần Xuân Kiêm
vừa lúc Kiêm cho hay chùa Già Lam bị cháy

chiều ở đây mưa dầm dề buồn biết mấy
buồn hơn nữa nếu bức Trần Nhân Tông không còn …
(Chùa Già Lam cháy ở tầng hai bức tranh Trần Nhân Tông có treo ở đó?)

Dòng suy tưởng của Đinh Cường luôn luôn đưa anh về với ký c, và là một ký ức thật đẹp, nối liền nhau từ hình ảnh này qua hình ảnh khác, từ đang ngồi vẽ  một đàn chim bay, bất ngờ liên tưởng tới một người bạn cũ là Tô Mặc Giang, từ đó nhớ qua  Diên Nghị, Kim Tuấn, Nguyễn Xuân Thiệp, Trịnh Công Sơn,  Tạ Tỵ, Huy Phương.....

Tô Mặc Giang bây giờ tóc bạc trắng
trở lại sống ở vùng đảo Hawaii
nhớ bạn ngày xưa rời vùng Mạc Cửu- Hà tiên
lên Sài Gòn  ở nhà thầy Trần Cảnh Hảo
bên hông sân đá banh trường Petrus Ký

có thời cùng giang hồ ra Huế
cùng trong nhóm làm tờ Thể Hiện
tính đến nay cũng đã năm mươi năm

rồi thời nhập ngũ, sau bạn mang lon đại úy
làm phòng chiến tranh chính trị Quân Đoàn 2, Pleiku
nhớ Diên Nghị nhớ Kim Tuấn
Kim Tuấn đã mất thật buồn, Diên Nghị đang ở San Jose
nhớ hoài Thiếu Tá Dương Diên Nghị
cho trực thăng đón tôi từ Đà Lạt qua Pleiku uống cà phê
cùng các bạn ở câu lạc bộ Phượng Hoàng …

một thời tình bạn bè thật đẹp, nhớ cả Yên Khanh mất đã lâu
nhớ chiếc jeep của trung uý Nguyễn Xuân Thiệp
trưởng đài phát thanh quân đội Đà Lạt
đêm nào cũng ghé đường Rose
chở Trịnh Công Sơn và tôi đi uống bia ở kiosque Dì Ba

trở lại Tô Mặc Giang, sau 75 đi tù Cộng Sản cũng bảy tám năm
có thời ở cùng trại Nam Hà với Tạ Tỵ
nên có cái chân dung Tạ Tỵ vẽ Trầm Trọng Tài rất hay [2]
và thời Mưa Sơn La thương tặng Phạm Tịnh-Trang                                      
người vợ tù cải tạo, nhớ ngày đám cuới bạn ở Huế tôi làm phụ rể 

chiều nay đọc lại tập thơ bạn gởi tặng gần đúng một năm
ngày về thăm bạn ở Cali. cùng Huy Phương ra quán ăn Huế
Gíó, cũng nói lời từ bịệt, bỗng nhiên nhớ người bạn thiết [3]
tôi đang vẽ  bức bầy chim mây nhiều quá bay không ni …

Đinh Cường có một trí nhớ rất đặc biệt. Anh nhớ từng chi tiết  của những câu chuyện cũ cách đây cả nửa thế kỷ. Có lần, trên xe  anh  hỏi  tôi có coi chương  trình Thúy Nga  mới không, tôi nói có. Đinh Cường cười và nói với tôi rằng ông Nguyễn Ngọc Ngạn nói sai một chi tiết nghệ thuật: bức tranh "Chúng ta đi mang theo quê hương" là một bức tranh đẹp , từ tác phẩm tới cái tên, và sau này cái tên của bức tranh  đó được sử dụng cho một chương trình ca nhạc, bức tranh đó không phải của Nguyễn Gia Trí như lời ông Ngạn nói , mà là của Phạm Tăng, vẽ và làm bìa cho số xuân nhật báo Tự Do xuất bản tại Saigon năm  1956.  

Cái thú vị là những kỷ niệm nào của Đinh Cường cũng là những kỷ niệm đẹp, ngát thơm từ ký ức, là những chí tình bằng hữu cho nhau.

Tài năng của Đinh Cường thì quá nhiều người nói cho nên nói thêm sẽ là lập lại mà thôi. Nhưng cái làm tôi thực sự thú vị và trân trọng là tôi nhìn thấy ở anh một nhân cách lớn  của con người nghệ sĩ, một tấm lòng độ lượng bao dungAnh còn là một kho tư liệu, không chỉ là tư liệu mà anh gìn giữ, mà ngay ký ức của anh là một kho tư liệu khổng lồ về những người hoạt động văn học nghệ thuật từ hơn nửa thế kỷ nay.

Bây giờ, mỗi ngày hai lần Đinh Cường đi bộ từ nhà ra quán cà phê Starbucks. Lộ trình hàng ngày đi bộ 4 miles như là một cách tập thể dục, cũng như mỗi tối  anh ngồi ghi lại suy nghĩ của mình trong ngày mà ông gọi là : "Cứ Ghi Note từng ngày cho vui như tập thể dục đầu óc".

Đó cũng là một cách nghĩ. Riêng tôi, tôi nghĩ khác. Tôi nghĩ rằng khoảng thời gian anh tập thể dục đó chính là khoảng thời gian anh sống thảnh thơi , thả rong đầu óc mình lênh đênh vào những dòng ký ức ngát thơm. Và mỗi tối anh ngồi ghi lại chính là lúc anh gửi những lời trìu mến thân thương tới tất cả mọi người. Cái suy nghĩ thảnh thơi đó đước bắt nguồn từ cái tâm nhân hậu và tấm lòng bao dung độ lượng của anh.

Nguyễn Minh Nữu
05 December  2014