Tuesday, December 2, 2014

87. LỮ QUỲNH Một ngày ở một thành phố





Những truyện ngắn của Lữ Quỳnh phần lớn phản ảnh nỗi thống khổ cũng như sinh hoạt xã hội nhiễu nhương của miền Nam trong chiến tranh.Theo ông, chiến tranh là tội ác, dù cho phe phái nào, nhân danh bất kỳ lý tưởng nào, thì chiến tranh vẫn là tội ác. Bên thắng bên thua đều là những kẻ gây ra tội ác. Kết quả chỉ có đất nước điêu linh, nhân dân đau khổ, gia đình ly tán !
www.dutule.com

           
Thảo đứng thật lâu ở một ngã tư trong phi trường, chàng không thể biết được con đường nào dẫn ra thành phố. Phi trường rộng quá, và tiếng phản lực như xé không gian đang thi nhau rời khỏi phi đạo.. Bộ đồ lính trong người rít rát mồ hôi. Chàng muốn có mặt ngay ở căn nhà mấy năm trước chàng đã ở trọ để tắm rửa. Những mái  tôn thấp của một trại gia binh Không quân gần đó, những sợi dây thép căng tràn quần áo và đám trẻ đang ở trần đùa nhau ngoài nắng,làm chàng cảm thấy bứt rứt . Chàng đưa tay đón một chiếc xe Mỹ trờ tới, nhưng tài xế lắc đầu. Hắn rẽ vào một trại gần đó. Không lẽ đứng chôn chân ở đây mãi sao? Còn phải ghé Quân Y Viện thăm anh Đức, còn phải ghé đường Khải Định gặp Từ. Cả mấy năm nay rồi, đã trở lại thành phố này đâu. Thảo thất vọng đứng nhìn những con đường vắng, đứng nhìn mặt trời dấu mặt sau dãy trại gia binh thấp lè tè. Khi chàng chuyền cái xắc từ tay phải qua tay trái cho đỡ mỏi, thì một người đàn ông đi honda cũng vừa ngừng lại trước chàng. Y nói:
      
-Ở đây khó đón xe lắm, anh có muốn về sớm tôi “thồ” cho!
      
Người đàn ông có vẻ ngượng ngập trong câu nói. Còn Thảo, chàng bỗng ngớ ra trước tiếng “thồ” xa lạ, nhưng rồi cũng lờ mờ hiểu ra.
      
-Ông cho tôi về Chợ Mới?
      
-Xin anh hai trăm.

Người đàn ông nhìn vào mắt Thảo, chàng mỉm cười, lặng lẽ trèo lên ngồi sau lưng y. Người đàn ông rú ga cho xe vọt. Thảo không thể nào tránh được mùi mồ hôi từ tấm lưng to lớn đã thấm ướt cả làn áo trắng. Người ta có thể ngồi trên taxi, trên xích lô, nhưng quả thật Thảo hết sức ái ngại khi nghĩ rằng, người ta có thể ngồi phía sau những chiếc xe gắn máy cho người khác chở lấy tiền. Từ dáng dấp đến ngôn ngữ, những người làm công việc này lúc nào cũng nặng nề mặc cảm. Thảo thấy tội nghiệp họ. Chàng chăm chú nhìn những giọt mồ hôi chảy sau gáy, chui vào cổ áo của người đàn ông. Những giọt mồ hôi thật trong, nhưng chiếc gáy thì đen sì, nổi vảy.Thảo nghĩ tới thân phận mình, khuôn mặt anh Đức đang xanh xao vì mất máu, những bước chân lang thang đầy cam phận của Từ, mà nghe lòng ngao ngán.
      
-Ông cho tôi ghé Quân y viện…
      
-Anh thăm người bị thương à.
      
-Anh tôi đó.
      
-Nặng không?
      
-Chẳng biết, điện tín bảo nặng về gấp.

Những câu đối thoại qua vai người đàn ông với sự tưởng tượng của Thảo chắc khuôn mặt y có vẻ nghiêm trọng.
      
-Tôi là công chức…
      
-Sao chạy “thồ”?
         
-Mười năm trước lương dư xài, nhưng bây giờ thì không đủ cho nửa gia đình ăn mà sống., không ai biết cho điều đó hết. Không ai nghĩ tới lũ chó chết này đã sống bằng cách nào, nên có đứa đã đi ăn cướp, ăn trộm. Tôi có lương tâm, mới làm phụ nghề này…

Thảo cảm thấy mặt mình nóng bừng trong câu nói hằn học của y . 

Khi người đàn ông cua vòng và ngừng lại trước cổng bệnh viện,chàng nhảy vội xuống xe. Chàng bước vào phòng Lựa thương. Người y tá giúp chàng tìm tên anh Đức ở vần Đ trong quyển sổ trực. Thảo thấy tên anh trước cả người y tá. Đây rồi, nằm ở Hậu giải phẫu. Chàng cám ơn người y tá và đi về phía đó.

Mặc dù khu Hậu giải phẫu cấm người nhà vào thăm, nhưng Thảo đã cố gắng xin  người y tá trực thăm Đức cho bằng được. Chàng đẩy nhẹ cánh cửa lưới, đi qua hành lang và nhìn vào mỗi phòng mong tìm khuôn mặt quen thuộc. Những người thương binh nằm trần truồng trên giường trải drap trắng, những đôi mắt ngờ nghệch đang im lặng ngó chàng. Thảo có cảm giác rờn rợn trong cổ, chàng nuốt nước bọt nhiều lần. Khi chàng bước vào căn phòng gần cuối, thì khuôn mặt đầu tiên chàng thấy là anh Đức. Đức đang nằm khép mắt,  một tấm chăn đắp hờ qua bụng. Cánh tay phồng to vì lớp băng trắng, những dấu máu thấm ra tới làn băng ngoài cùng biến thành màu vàng ửng chung quanh màu nâu thẫm. Khuôn mặt Đức xanh xao bình yên. Thảo ngồi nhẹ xuống thành giường. Không khí trong căn phòng có máy lạnh không làm chàng cảm thấy dễ chịu chút nào. Dường như trong không khí đó có cái gì vướng mắc khó thở, và phổi thì căng ra nghèn nghẹn. Thảo đưa tay đuổi một con ruồi vừa đậu trên trán Đức, và ngay lúc chàng thu tay về, Đức mở choàng mắt vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ.
      
-Cậu ra khi nào thế?

Thảo bàng hoàng, yên tâm vì biết rằng Đức không bị thương nặng lắm như chàng tưởng.
      
-Vừa mới xuống máy bay. Bị khi nào thế, có nguy hiểm không?
Đức liếm môi:
      
-Mới cách một ngày. Cậu nhận điện tín mau quá há. Mình dẫn trung đội đi kích. Chắc là có nội tuyến quá. Bọn chúng bắn B40 ngay chỗ mình nằm với mấy đứa khác nữa. Bị ngay quả đầu tiên nên không còn biết gì hết. Thường lệ vẫn ngủ nằm sấp, hôm đó nằm ngửa, không thì chết rồi.
Đức đưa tay dí vào mấy cái xương sườn bên ngực phải:
      
-Mảnh đạn găm vào đây. Nếu nằm sấp thì đạn găm thẳng tim rồi. Bay mất cả miếng thịt nơi cánh tay này, luôn cả cùi chỏ nữa. Mình chỉ chửi thề được mấy tiếng, bắn mấy phát rồi ngất xỉu…
Giọng Đức thản nhiên và có phần hóm hỉnh. Thảo hỏi:
      
-Anh nói chuyện nhiều như thế có mệt không?
      
Đức cười:
      
-Mất máu nhiều nên có yếu thôi. Người y tá bảo ngày mai cho xuống Ngoại thương nằm, vì bệnh nhẹ. Hôm nào nếu được nghỉ tái khám mình vào cậu chơi. Ở thành phố này bẩn quá, ban đêm mình dẫn lính đi phục kích vất vả, thỉnh thoảng nhìn máu anh em, nhìn nước mắt vợ con anh em, ngày này tiếp ngày khác cứ sống như vậy để bọn người trong thành phố làm giàu, bọn trí thức tham nhũng, bọn trai gái đua nhau làm sở Mỹ và sống cuồng loạn. Tởm lắm câu ạ. Trong sự hy sinh cho tổ quốc, sá gì một đời sống cá nhân bé nhỏ, nhưng cái gì cũng vừa phải. Đừng để cho những kẻ như bọn mình phải
chán nản, thất vọng quá, có phải thế không?

Thảo mỉm cười. Chàng có cảm tưởng như Đức đang nằm ở nhà. Những điều Đức nói ra, làm chàng quên đi thực tại trước mắt – quên những mảnh đạn vừa được giải phẫu từ mạn sườn, quên cả cánh tay bị lóc hết thịt đang bỏng rát sau lớp băng

Chàng chỉ thấy một nỗi hằn học đang dày vò tâm hồn Đức. Sự hằn học lúc này của anh có khác gì những lời nói chua chát của người công chức vừa chở chàng từ phi trường đến đây để lấy hai trăm đồng bạc. Thảo cảm thấy một nỗi nghẹn đang cọ quậy trong cổ.
      
-Như vậy là may rồi. Còn sống để chờ hòa bình đến.
Đức cử động vụng về những ngón tay của cánh tay bị thương.

-Nó nóng và tê đi. Có lẽ vì máu khó lưu thông. Cánh tay lành cũng mỏi nhừ vì suốt ngày chuyền sérum. Cậu có biết không, mình mới tỉnh lại có mấy tiếng đồng hồ sau khi hết thuốc mê.
Thảo nhìn chung quanh, nhìn chiếc table de nuit trống trơn, chợt hỏi Đức:
      
-Lính đã vào thăm anh chưa?
      
-Chưa đứa nào léng phéng tới cả. Chúng còn bận hành quân trên đó. Khổ quá, cái kính cận thị bay mất, bây giờ chỉ còn thấy mù mờ. Mắt không có kính, tai nghe cũng không rõ.
Thảo cười:
      
-Thoát qua một lần nguy hiểm, anh có thấy yêu đời thêm như người ta thường nói không?
      
-Yêu đời cóc gì. Chỉ có những kỷ niệm thật bực mình mà bây giờ nghĩ lại không nén cười được thôi. Đêm đó chạm súng rất ngắn, mình bị thương ngay phút đầu, đau đớn vì vết thương đến ngất đi, trong khi mấy thằng lính ngồi chụm lại thảo đề nghị chiến thương bội tinh cho thiếu úy. Mình mơ màng nghe tiếng cãi nhau loáng thoáng của chúng, muốn văng tục hết sức. Cậu thấy đó, lính khổ thật nhưng có cái dễ thương của nó.
Đức với lấy chai nước, và uống bằng cái ống hút đặt sẵn. Thảo đứng dậy vỗ vỗ lên chân Đức:
      
-Thôi tôi về. Ngày mai sẽ vào với anh sớm, ráng ngủ cho lại sức.
      
Thảo đẩy cửa bước ra. Không khí bên ngoài làm chàng thấy dễ chịu. Chàng đi dọc  hành lang bệnh viện. Những thương binh mặc áo xanh ngồi gác nạng trên các bực thềm. Họ hút thuốc và nói chuyện với nhau. Ánh đèn vàng từ một hiên trại hắt bóng chàng loạng choạng trên cỏ. Thảo bỏ tay vào túi quần lửng thửng bước. Con đường rải nhựa đen bóng dưới ánh đèn và những căn nhà hai bên đường mọc cao hơn những năm về trước. Người ta đang nghĩ tới thành phố này với hai tiếng phồn thịnh. Thảo đi hết con đường Hoàng Diệu. Chàng để mắt tìm những căn nhà bị sụp đổ vì hoả tiển, mà trước đây mấy ngày chàng đọc báo thấy. Nhưng hai dãy nhà mang vẻ  bình yên dưới ánh đèn đêm. Thảo nghe tiếng chân mình nặng nề, và hai mắt như muốn sụp xuống. Một người lính ôm súng gác ở đầu đường, những người lính khác đang vây quanh đám thanh niên hỏi giấy tờ. Gần đó mấy cuộn dây thép gai được kéo ra chắn ngang con đường, chỉ để vừa lối cho bộ hành vượt qua. Thảo cảm thấy ngột ngạt, gỡ chiếc mũ lưỡi trai xuống cầm tay. Khi đi ngang  đám người, chàng nghe những đối thoại của họ và được biết bây giờ đã giới nghiêm. Thành phố có tiếng sống động nhất phải giới nghiêm lúc tám giờ mỗi tối. Thảo nghĩ mình có thể đi được lúc này vì có giấy phép, vì chàng vừa đặt chân xuống thành phố. Nhưng cái không khí nghiêm trọng của đêm, nỗi quạnh vắng của con đường làm chàng ái ngại.
Thảo chợt nhớ tới Dân và muốn ghé lại đó. Bây giờ không thể gặp Từ vì hắn dạy học ở một trường xa và chỉ về vào mỗi cuối tuần. Cũng không thể đến ngôi nhà cũ,vì sự vắng mặt nhiều năm rồi làm chàng e dè.

Thảo nhét mũ lưỡi trai vào áo, đưa tay gạt những giọt mồ hôi trên trán. Chàng lầm lũi bước theo bóng mình in dài trên mặt đường. Thế nào vợ chồng Dân cũng ngạc nhiên khi thấy Thảo. Chàng nhớ những ngày còn nhỏ, mỗi khi đi học về vẫn đưa mắt qua hàng rào trụ sở xã để tìm hình ảnh Dân. Đời sống cơ cực của phần đông dân chúng quê mùa, suốt ngày lầm lũi công việc đồng áng, hình ảnh của một văn phòng với người đàn ông ngồi ở bàn giấy, quả thật có ý nghĩa trên sự tầm thường. Dân làm thư ký xã, mỗi ngày đi về bốn bận và được sự mến chuộng của bà con chung quanh. Nhưng thỉnh thoảng anh cũng quên mất sự khiêm tốn tối thiểu và cái lẽ ra không đáng kiêu hãnh, để bắt nạt người cùng quê. Sau đó làng mạc mất an ninh, Dân tìm cách bỏ xứ đưa vợ con vào lập nghiệp ở thành phố này. Người vợ lam lũ với mấy đứa con bệnh hoạn, ngờ nghệch bắt đầu tiếp xúc với một cuộc sống mới. Dân làm đơn nhờ hai sĩ quan làm chứng để vào làm sở Mỹ. Thảo biết về cuộc đời của Dân đến đó. Sự liên hệ giữa hai người không thân thiết, nhưng trước đây thỉnh thoảng Thảo vẫn tới nhà Dân như một thói quen ngày còn nhỏ.

Bây giờ đi giữa không khí ngột ngạt, trong tiếng đêm hình như có sự rình rập ma quái. Thảo cảm thấy không yên tâm. Thời buổi này chỉ cần cách xa một tuần một tháng, đủ để có không biết bao đổi khác xảy ra. Con đường đêm qua bình yên, sáng ra mới biết đó là sự bình yên cạm bẫy, Thảo lặng lẽ băng qua con hẽm vào nhà Dân. Chàng ước chừng khoảng cách, nhưng rồi cũng lúng túng trước sự thay đổi hẳn của ngôi nhà cũ. Thảo nắm tay một đứa con Dân đứng trước hiên:
      
-Bố con có nhà không?

Thằng bé không trả lời, kéo tay chàng vào nhà. Dân đang ngồi hút thuốc trong chiếc ghế bành, vôi vã đứng dậy khi thấy Thảo.
      
-Ra đây khi nào thế? Tưởng cậu đi thẳng không bao giờ thèm trở lại chứ?

Thảo mệt mỏi ngồi xuống chiếc ghế đối diện.
      
-Có việc gấp. Ra thăm người anh bị thương.
      
-Ồ có sao không?
      
-Nhẹ  thôi anh ạ.

Thảo bình thản trả lời rồi ngồi im lặng. Vợ Dân ở nhà dưới đi lên hỏi chàng ăn cơm chưa. Chàng trả lời chưa, nhưng không ăn vì mệt. Người đàn bà rót nước ra ly cho chàng, trong khi Dân hỏi thăm về đời sống và giá sinh hoạt nơi chàng ở. Thảo trả lời Dân những câu ngắn và đưa mắt nhìn vu vơ trên khung máy truyền hình đặt ở góc nhà. Xướng ngôn viên đang đọc tin tức. Chàng nghe loáng thoáng “hòa đàm Ba-Lê vẫn không tiến triển chút nào vì sự ngoan cố…” rồi tiếng khóc thét của một đứa con Dân, rồi tiếng hò à ơi của vợ Dân. Nàng đang ngồi dựa lưng vào tường vừa vạch ngực cho con bú vừa nhìn lên truyền hình theo dõi tin tức…

Thảo hỏi Dân:
      
-Anh có rượu không?

Dân vội vàng đứng dậy chỉ vào tủ:
      
-Cậu uống gì nào?
      
-Thứ gì cũng được, miễn là say. Tôi thích được say để dễ ngủ. Tiếc rằng ở đây giới nghiêm sớm quá, không tôi mời anh…

Dân một tay ôm chai rượu, tay cầm hai chiếc ly.
      
-Chúng mình lên gác đi, trên này mát hơn.

Thảo đứng dưới chờ cho Dân leo hết cầu thang rồi mới cất bước. Chàng nghĩ đến sự thay đổi quá rõ rệt ở người Dân. Từ ngôn ngữ cử chỉ đến cách sử dụng những xa hoa vật chất, nhưng anh không thể thoát bỏ được hết hình ảnh của một Dân ngày còn làm thư ký xã. Thảo nhìn quanh căn gác, rồi chép miệng :
      
-Căn gác đẹp quá, lại có cái lan can này ngồi uống rượu thì tuyệt.

Hai người ngồi xuống hai chiếc ghế dựa lưng vào tường. Thảo uống cạn một hơi ly whisky Dân vừa rót. Chàng khà khà mấy tiếng, đưa tay với bao thuốc trên mặt bàn châm lửa hút. Chàng uống thêm một ly nữa, rồi một ly nữa. Chàng muốn giấc ngủ sẽ đến thật dễ dàng.
      
-Cậu có biết hút pipe không Thảo? Tôi thấy hút pipe ngon đậm đà hơn là hút thuốc điếu.

Mặt Thảo bắt đầu đỏ nhừ. Chàng thấy hình ảnh Dân loáng thoáng trước mặt. Anh đang ngã đầu vào lưng ghế, những sợi khói thuốc vướng vất trên mặt. Thảo ậm ừ cho qua chuyện. Dân hớp rượu từ từ, anh bàn với Thảo về việc muốn sắm một chiếc xe hơi, phải mua loại xe gì để có thể vừa dùng chở hàng vừa có thể chở vợ con đi chơi mỗi buổi chiều mà không làm bẩn mắt thành phố…

Thảo đề nghị, tại sao anh không mua mỗi thứ một chiếc? Dân gật gù, có lẽ tôi nghe cậu, nhưng ngại tình hình không yên lâu. Rồi Dân nhắc lại một cách rõ ràng các vụ pháo kích bằng hỏa tiển 122 ly, các vụ đặc công đặt chất nổ, rồi hình ảnh những người chết, bị thương, nhà cửa thiêu nát. Những tang thương của người khác, qua giọng dân kể, để nói lên cái may mắn của gia đình anh. Dân đang quan trọng hóa cuộc đời mình. Đến đây thì Thảo cảm thấy bắt đầu say, nhưng chàng vẫn ngồi gật gù uống tiếp.
      
-Nhưng đến một ngày nào đó thì sẽ hết cái cảnh anh vừa kể…

Khuôn mặt Dân hướng thẳng vào Thảo, có vẻ nghiêm trọng:
      
-Anh muốn nói hòa bình à? Anh có nghe đài BBC không? Người ta nói hòa đàm không tiến triển.

Thảo uống cạn số rượu còn lại trong ly, và xoay chiếc ly trong tay.
      
-Theo anh nghĩ thế nào?

Dân đưa mắt nhìn quanh căn nhà một lượt.
      
-Theo tôi chiến tranh còn dài lâu. Mỹ chưa rút quân như báo chí loan… Vâng, Mỹ chưa thể rút quân lúc này được.

Thảo đặt mạnh chiếc ly xuống bàn định nói điều gì, nhưng khi tiếng chiếc ly chạm mặt bàn làm chàng quên mất điều muốn nói. Mấy phút sau, Thảo nhớ mang máng hình như chàng muốn hỏi Dân làm sở Mỹ mỗi tháng được bao nhiêu? Nhưng khi nhớ ra, Thảo lại thấy câu hỏi vô duyên nên không hỏi nữa. Chàng vẫn không lạ gì khi hiện tại vẫn có những người chẳng thích chiến tranh chấm dứt. Hình ảnh của những người lính  chết ngoài mặt trận, của dân chúng quằn quại trong các cuộc pháo kích chắc chắn không làm một số người lưu tâm bằng những ngày 15, 30 mỗi tháng cầm trên tay những đồng đô la đỏ*. Chàng biết điều đó không lạ gì tại một thành phố, hai thành phố… Điều đó quả thật chẳng có gì để bận tâm. Thời cuộc giúp người ta đo lường mọi xáo trộn một cách bình thản .
Thảo cảm thấy đầu óc nặng trĩu và tỏ ý muốn Dân đưa chàng vào chỗ ngủ.
      
Buổi sáng Thảo thức dậy thật sớm. Chàng lặng lẽ rửa mặt và rời khỏi nhà Dân, khi hai vợ chồng và lũ con anh còn ngủ. Thảo bước chậm rãi, trên con đường tới Từ, vừa đi vừa ngước nhìn số nhà. Chàng cảm thấy thèm sự có mặt của Từ cùng một tách cà phê. Biết là có thể không có Từ về,nhưng Thảo vẫn đến đó.Khi đứng trước căn nhà mà hắn ở vào mỗi cuối tuần, Thảo thất vọng vì thấy không khí ở đó im lìm quá.. Hàng hóa chất đầy nửa căn nhà, một người đàn bà đứng sau dãy tủ kính thấp trả lời hững hờ những câu hỏi của Thảo. Chàng mượn cây bút và viết để lại cho Từ mấy chữ.

Khác với ý định lúc ngồi trên máy bay đến đây, Thảo nghĩ có lẽ nên vào thăm anh Đức một lần nữa rồi xin phương tiện trở về. Thành phố này làm nản bước chân chàng . Quả thật không khí ở đây làm chàng ngộp thở. Thảo vào một quán cà phê. Ngồi nhìn những giọt nước đen quánh đang nhỏ xuống trong chiếc ly thủy tinh, chàng nghĩ ngợi miên man.

Có lẽ chàng sẽ mua cho anh Đức ít thứ cần dùng như bàn chải đánh răng, khăn mặt, đôi dép… Và lúc vào thăm, nếu Đức có hỏi vì sao chàng trở về vội vã thế,Thảo sẽ không trả lời mà chỉ nói bâng quơ :
      
-Anh như vậy là may mắn lắm rồi, còn được sống để chờ hòa bình…

LỮ QUỲNH
(Khởi Hành số 110)