Tuesday, December 2, 2014

86. MANG VIÊN LONG Hồi ký NHƯ ÁNG MÂY TRÔI (6)





6.

NGÀY THÁNG Ở NÚI RỪNG 
SƠN ĐỊNH VÀ NGÂN ĐIỀN


              Tôi trở về trường Nguyễn Huệ dạy lại được một niên khóa, đến năm học tiếp theo, đang gần cuối học kỳ, thì đến ngày chính thể Việt Nam Cộng Hòa đang bước vào giai đoạn chuẩn bị sụp đổ hoàn toàn! Tỉnh Phú Yên, thị xã Tuy Hòa được ban quân quản tiếp nhận một cách êm ả vào ngày 01 tháng 4, sau đó vài tuần, nhà trường đã có hiệu trưởng mới được điều động từ chiến khu về, tạm thời sắp xếp lại ban giám hiệu, và kịp tổ chức buổi lễ “khai giảng đầu tiên”! Tôi và cả gia đình ở Tuy Hòa và Qui Nhơn đã tạm lánh vào Nha Trang trong những ngày hỗn độn trước đó cũng đã trở về lại Tuy Hòa sau khi Nha Trang được tiếp quản…
             Trước ngày khai giảng khoảng một tuần, tôi được người hiệu trưởng mới mời gặp riêng trong văn phòng của ông. Nội dung cuộc gặp là phân công tôi nhận làm người điều hành buổi lễ khai giảng đầu tiên sắp đến. Tôi đã từ chối lời đề nghị vì cảm thấy mình không đủ khả năng, kinh nghiệm cũng như tuổi tác không thích hợp (vừa 29 tuổi); trong lúc nhà trường có nhiều vị giáo sư lớn tuổi hơn (có vị trên 50), uy tín hơn tôi nhiều. Nhưng ông ta không thay đổi quyết định. Tôi cũng rất phân vân, chẳng hiểu vì “lý do” gì, do ai đề nghị, khi ông ta chỉ là người mới đến? Rồi tôi cũng đã nhận ra, tuy nói là “phân công” hay “đề nghị”  nhưng đó cũng là một mệnh lệnh! Tiếp theo, cũng không rõ ai đã “giới thiệu”  ông ta lại nhờ tôi viết giúp cho ông bài diễn văn sẽ đọc nhân buổi sáng ngày khai giảng đầu tiên ấy. Chuyện này làm tôi quá ngạc nhiên và vô cùng bất ngờ vì lẽ  từ xưa nay tôi đâu quen viết “thể văn” này! Tôi đã nêu ra một số lý do hạn chế của tôi để mong ông tìm người có khả năng hơn thay thế nhưng cuối cùng ông vẫn không chịu.  Ông ta nói: “Anh cứ viết giúp đi! Tôi sẽ đọc và bổ túc, chỉnh sửa lại, nếu cần…!”. Một lần nữa, đó cũng là một mệnh lệnh - tôi cũng không thể làm khác!
            Vào năm học, tôi lại “bị” giáo viên trong khối khoa học xã hội của nhà trường, bầu làm “tổ trưởng”. Không giống các bộ môn Khoa học tự nhiên, các bộ môn thuộc Xã hội thay đổi hoàn toàn nhưng sách và tài liệu giảng dạy chưa có. Các môn Anh văn, Pháp văn, Lịch sử, Địa lý, Việt văn, Triết học  đều không thể sử dụng sách giáo khoa cũ! Nếu cần,  phải xét kỹ nội dung, trình ban giám hiệu  mới có thể cho sử dụng một phần, từng phần thôi! Tôi đã phải liên hệ với Ty giáo dục, để “mượn” một số tài liệu tạm thời, đánh máy, quay roneo cho giáo viên các bộ môn để tất cả có “chút tài liệu” mà lên lớp!
            Thời gian này chúng tôi đều nhận “bồi dưỡng” như nhau: 13 ký gạo và mười mấy đồng tiền rau mắm! Tôi không là người địa phương, không có chút vốn liếng để dành, nhà ở phải thuê, mọi chi phí đều tự túc, không thể nhờ cậy vào ai ngoài bà Ngoại các cháu nên thiếu thốn trăm bề.
            Sau hai tháng hè dẫn học sinh về các miền quê khai hoang vỡ hóa theo sự điều động của Ty Giáo dục xong, đang chuẩn bị vào năm học mới, thì những giáo viên có thời gian vào quân trường, vào lính như chúng tôi được lệnh tập trung để đi “học tập”. Trong năm học, đang ngồi dạy ở lớp, thỉnh thoảng chúng tôi cũng đã nghe tiếng loa tay vọng vào từ các hàng rào bao quanh trường, yêu cầu “các thầy hãy đi trình diện cải tạo”. Chẳng biết tiếng loa từ đâu, do ai, nhưng đây là một việc làm hết sức tùy tiện và thô bạo.
            Chúng tôi được tập trung ở phòng họp hội đồng  nghe đọc quyết định tập trung học tập trong thời gian 1 tuần lễ. Chúng tôi đều phải đến trình diện ở các phường đội, chờ ngày hẹn để được chở đi. Rồi chúng tôi được chở lên khu trại tập trung miền rừng núi Sơn Định thuộc huyện Đồng Xuân. Trong tuần lễ đầu tiên chờ đợi “học tập”, chúng tôi đều nghĩ rằng không phải một tuần như lời ông Hiệu trưởng hay phường đội trấn an nữa rồi! Không ai trong chúng tôi có sự chuẩn bị lâu hơn một tuần, ngay cả thuốc chữa bệnh, hay các vật dụng tối thiểu hằng ngày như kem đánh răng, xà phòng giặt, chai dầu gió xanh…
            Sơn Định là một trại tập trung tù binh gom được từ tỉnh lộ 7 nối liền Pleiku, Phú Bồn đến Tuy Hòa trong các trại tạm giam trước đó. Ở đây có nhiều binh chủng khác nhau được chuyển từ nhiều trại giam tạm thời dọc tỉnh lộ, cộng với lớp sĩ quan của tỉnh Phú Yên, nên rất đông. Có lẽ họ đã có mặt ở đây trước chúng tôi nhiều tháng để chờ “điều tra và cải tạo” trước khi được phóng thích trở về. Chỉ vừa đến Sơn Định một tuần, tôi đã nhận ra ngay khí hậu ở đây rất khắc nghiệt, khi da mặt và da bụng dày lên thấy rõ. Không khí nặng nề, âm u, khiến mọi hoạt động trở nên chậm chạp, buồn bã.
             Lán của tôi ở có nhiều bạn trẻ, cấp bậc chuẩn úy, có lẽ họ vừa mới ra trường được một năm; trông họ vô tư, hồn nhiên, và vui tính; nhờ vậy, tôi cũng đỡ đi sự phiền muộn, vì lúc ra đi cả hai đứa con gái tôi đều đang nằm ở bệnh viện vì bệnh sốt xuất huyết chưa hồi phục, mà thuốc men thì rất hiếm! Tôi đã lấy lại dần được sự tĩnh tâm như mình!
           Sau hai buổi sáng chiều được cán bộ trại phân công vào rừng chặt tre, phát quang, cuốc đất, trồng mì bắp, cắt tranh, vân vân, chúng tôi thường ngồi lại bên nhau phì phà khói thuốc Cotin (của trại cấp hằng tháng - do người ở địa phương quấn tay, bỏ vào bịch ny lông, mối gói 20 điếu) để nhắc kể đủ chuyện trên trời dưới đất mà cười cho khuây khỏa. Hoạt động chính trong giờ rảnh rỗi (hay chủ nhật) cũng là lúc chúng tôi “sưu tầm” thức ăn thêm cho đỡ đói. Mọi thứ rau, củ, có thể ăn tìm được quanh rừng đều được tranh thủ góp nhặt, lén lút chế biến. Những bạn trẻ thì “nghiên cứu” thuốc lá, café, hay bánh kẹo (được trao đổi, mua bán lẫn nhau), cho đỡ buồn. Tôi được anh em trẻ thương, luôn được mời “hút hơi thuốc lá thơm đầu tiên” quý hiếm hay uống “ngụm café bằng hữu” thứ nhất, rồi sau đó, chuyền tay nhau, mỗi người hít một hơi, và “chiêu” một ngụm café; rung đùi khề khà. Rất vô tư! Tôi cảm thấy ấm áp, may mắn, khi nhận được tình cảm ưu ái, và sự chia sẻ thân tình quý báu từ anh em - phần lớn là xa lạ, chỉ mới gặp nhau lần đầu. Tôi nhớ người bạn trẻ chuẩn úy binh chủng thiết giáp, cao to đẹp trai, trông rất phong độ, người miền Nam - luôn có sáng kiến hay về những vụ café thuốc lá như vậy; cho dầu trong giờ lao động đã từng… “nổi tiếng” là lè phè, chẳng nể ai! Trong cách pha chế café, cũng như thưởng thức điếu thuốc thơm quý hiếm, cậu ta làm rất cẩn trọng, điệu đàng, như hồi còn thong dong ở nhà. Tôi nhận ra, đây cũng là phong cách phóng khoáng rất riêng của những người trẻ tuổi miền Nam… Tôi cũng đã từng có vài bạn văn, bạn đọc thân thiết ở Saigon, Bến Tre, Châu Đốc, Cân Thơ  nên luôn dành tình cảm thân thiết đặc biệt với anh em như ruột thịt. Tuổi trẻ dễ kết thân, dễ cảm thông, và cũng dễ chia sẻ mọi nổi gian nan của nhau…
              Do khí hậu miền rừng núi cao u trầm, vì bị bắt rất sớm từ cuộc rút lui giữa đường không có một sự “chuẩn bị” nhỏ nào, vì chưa liên hệ được với người thân ở quê xa,  những người thuộc “tù tàn binh” trên lộ 7 có nhiều người đã ra đi vì những cơn sốt ác tính, bệnh phù thủng thiếu dinh dưỡng, và một số bệnh thuộc đường ruột mà không có thuốc chữa trị kịp thời… Thân xác họ được anh em trong trại mang ra đầu suối,  bìa rừng, moi đá, lấp vội. Tôi được nghe người bạn trẻ kể lại, mẹ của một người bạn trẻ chuẩn úy vừa chết chưa đầy tháng đã tìm đến thăm anh muộn     nhưng chỉ thấy một đống đá trơ trọi. Bà không khóc. Yên lặng một lúc lâu, bà nói: “Vậy là một giọt máu của mẹ đã tan vào hư vô từ đây!”. Và bà quay đi xuống núi, tìm thuê người lên “hốt cốt” con trai mang về lại quê nhà ở tận miền lục tỉnh!
            Hơn ba tháng sau, chúng tôi được lệnh chuyển trại. Nơi chúng tôi đến là miền rừng núi Ngân Điền, thuộc huyện Củng Sơn, dọc tỉnh lộ 7. Chúng tôi đều ở chung trại 53, tổng trại 5, quân khu 5. Trước chúng tôi đã có trại 51 và 52, cách nhau khoảng vài cây số. Trại Ngân Điền được tổ chức chặt chẽ, bài bản cho một “trại tù binh” hơn ở Sơn Định, với một ban giám đốc và bộ phận chuyên môn, hậu cần, cảnh vệ.
              Chúng tôi vẫn được giữ ở chung nguyên lán, nhưng căn lán thì thoáng hơn, chu vi khu trại cũng rất rộng. Khi chúng tôi đến, mùa mưa cũng đang đến, với những cơn mưa dầm, tối trời đất.          
             Trại có một hội trường bằng tranh tre khá lớn, do anh em tù binh “có tay nghề” dựng lên để làm chỗ hội họp và học tập hằng ngày. Buổi sáng, sau lưng chén cơm lót bụng với một khúc cá kho mặn, nghe tiếng kiểng báo là chúng tôi lũ lượt kéo lên hội trường để nghe cán bộ thuyết giảng; buổi chiều được về lán thảo luận, thu hoạch. Chúng tôi đã vừa học tập, vừa lao động, ròng rã nhiều đợt, mỗi đợt học tập kéo dài một vài tuần.  
             Sau đợt học tập đầu tiên kéo dài một tháng, Trại đã ra thông báo cho phép thân nhân được lên thăm tù binh vào ngày chủ nhật hằng tuần, với thời gian 15 phút, và 2 kg quà nhưng khi đi phải xin giấy giới thiệu của địa phương. Phần lớn cha mẹ, vợ con, anh chị em những người ở Phú Yên, nhất là ở ngay thị xã Tuy Hòa, có điều kiện về kinh tế lên thăm sớm (và nhiều lần) hơn những anh em ở tỉnh khác.
            Ngoài gói quà phải mở ra cho cán bộ trại kiểm tra,  vài anh em cũng nhận được ít tiền để có thể mua thêm thức ăn, vật dụng (phần lớn là đường, bánh ngọt, kẹo đậu phụng, thuốc tây, kem đánh răng) cải thiện thêm lúc có dịp đi “công tác” chuyển gạo hay thức ăn từ thị trấn Củng Sơn về. Phần tôi, một lần được vợ lên thăm ở Sơn Định, và một lần được bố vợ lên thăm ở Ngân Điền. (Bố vợ tôi là một sĩ quan, dược sĩ - ngành quân y của quân đội nhân dân VN, về thăm nhà dịp Tết, trong lúc ấy, lán tôi có ngưởi bạn dạy toán cùng trường, có người cha tập kết đã về công tác hẳn ở quê, suối thời gian anh ở trại, chưa hề lên thăm lần nào!). Có nhiều người suốt thời gian nhập trại cho đến ngày được ra trại không có người thân nào đến thăm viếng cả! Tôi nghĩ gia đình họ đang gặp muôn vàn khó khăn hay chưa hề nhận được tin tức từ chốn rừng sâu nầy? Trong những tháng ngày ở rừng vắng tin gia đình, có vài thông tin không vui cho vài anh em (do những người thân của người được thăm kể lại), rằng người vợ của “ông ấy” đã ra đi, hay gia đình “cậu ấy” đã tản mát…Tôi nghe, mà lòng thêm hoang mang, buồn!
              Chúng tôi đã chia sẻ cùng nhau, từng chút bánh kẹo, miếng đường, điếu thuốc - như thời còn trẻ nhỏ vậy! Trong chúng tôi, ai cũng có thể ăn một lần nửa ký đường miếng, mà vẫn cảm thấy như… chưa ăn miếng nào! Một tuần một lần được phân phát cho một chén chè đậu đen, một gói thuốc lá quấn tay hiệu Cotin, nhưng chẳng thấm vào đâu so với sự thiếu dinh dưỡng lâu ngày, sức ăn và sức lao động cật lực theo chỉ tiêu đã quy định! Hai sét chén cơm, một chén nước canh, và vài con cá khô kho mặn mỗi bữa ăn, chỉ là lưng lửng bụng mà thôi! Một lần, tôi bị bệnh - được trại cho phép ở lại giữ lán, đang đi thơ thẩn quanh trại thì bỗng nghe mùi thơm của nồi cơm lúa mới, rất quyến rũ! Tôi gắng tìm xem mùi thơm nầy bốc ra từ đâu  thì phát hiện ra ở  ngay lán cách tôi vài chục mét. Tôi vào lán, thấy anh Tùy - người bạn đồng nghiệp của tôi ở Tuy Hòa, đang lui cui bới cơm ra chén! Nhìn chén cơm trắng tỏa mùi thơm hấp dẫn  - nhất là chén nước mắm ngon ớt tỏi; tôi cười: “Hôm nay anh cũng đau sao?” - “Bị đau hai hôm rồi!”. Chợt anh ngẩng lên, hỏi: “Cậu ăn không?” -  “Nếu còn, thì ăn…”. Tôi chợt nhìn thấy xoong cơm của anh nhỏ xíu, khoảng 3 chén cơm, nhưng anh đã bới cho tôi lưng chén cơm trắng gạo Nàng Thơm vừa được gia đình ở Tuy Hòa thăm nuôi tuần trước …Ăn xong chén cơm với muỗng nước mắm ngon thơm lựng - như vừa uống được thang thuốc bổ, tôi vội cám ơn anh và bước ra khỏi lán, để tránh làm phiền anh…
           Trong một lần chúng tôi được phân công lên thị trấn Cửng Sơn cách xa trại khoảng mười cây số để cõng gạo và mì củ, phải di chuyển trong mưa to, đường trơn trợt, gồ ghề, nên quả thật là khó khăn cho những anh em sức yếu, đang bị đau, hay chưa quen cõng mười lăm ký trên vai đường trường không được nghỉ. Trong chuyến trở về, dầu tôi đang bị sưng ở đầu gối chân phải (bởi bệnh thấp khớp mãn tính), nhưng phải gắng đi sao cho không lọt vào tóp người cuối của đoàn. Tôi luôn gắng đi trước vài ba anh em. Được nửa đường về, tôi bỗng nghe tiếng roi quất, cùng tiếng la hét của người vệ binh theo canh giữ: “Đi mau lên!”. Ngoái nhìn lại, tôi thấy người bạn nhỏ con, hơi lùn, đang vất vả lê bước trên con đường trơn, lây lội - nghĩ đó là Tín-lùn, người bạn đồng nghiệp của tôi dạy văn ở trường Nguyễn Huệ, cũng vừa ra trường đại học sư phạm Huế vài năm. Cậu nầy nổi tiếng là “công tử bột”, vì chẳng có chút kinh nghiệm gì về lao động, vóc dáng lại nhỏ thấp, nên luôn bị ghi tên là “không đủ chỉ tiêu” trong các buổi lao động. Tiếng mấy người đàn bà đang lội bộ bên đường vang lên: “Sao đánh người ta vậy? Để ổng đi từ từ chứ?”.
               Suốt mùa đông, tôi bị bệnh thấp khớp mãn hành hạ sưng nhức, và nóng sốt liên tục. Bố vợ tôi có mang lên cho vài vỉ Oradexon, mỗi vỉ mười viên, nhưng không đủ kéo dài trong suốt mùa mưa lạnh. Bên cạnh đó, tôi cũng không thể nghỉ nhiều ngày trong tuần, mà phải có mặt cùng anh em đi lao động chặt tre, cuốc đất, chuyển hàng để không bị ghi tên vào danh sách “không đạt ngày công lao động”. Tôi lo sợ nhất là mỗi lúc đêm về, khí hậu âm u, nặng nề, giá buốt mà áo quần, chăn mền thì chẳng có đủ ấm! Tôi bị mất ngủ nhiều đêm, cảm thấy hoang mang, lo lắng cho sức khỏe và ngày mai của mình và gia đình…
            Trong một đêm mưa dầm, tôi đang nằm ngủ ở võng treo giữa lán, lại gặp một giấc mơ chợt đến bất ngờ: người đàn bà năm xưa đã vài lần ghé thăm tôi trong giấc ngủ mê, đã xuất hiện. Bà đứng ở đầu võng, tay vịn vào một đầu võng, khẽ rung rinh như ru tôi. Tôi ngước lên nhìn bà, thấy bà vẫn yên lặng, ánh mắt nhìn tôi đầy thương cảm. Nhưng, gương mặt - trên gương mặt an nhiên đến lạnh lùng ấy, bà chỉ mỉm cười. Bỗng dưng tôi cảm thấy trong tôi một sức sống mới, dào dạt, và yên lành hơn bao giờ. Tôi muốn vùng ngồi dậy bước ra khỏi võng, nhưng - tôi kịp chợt hiểu, đó chỉ là giấc mơ. Đêm đang dày đặc, mưa rào rạt quanh tôi, gió rít ào ào bên ngoài, và tiếng kiểng đổi phiên gác từ bốn phía trại từng hồi vọng lại; tôi cố dỗ lại giấc ngủ chập chờn…
           Vậy là tôi đã qua được mùa đông khắc nghiệt để bắt đầu đón những ngày đầu xuân nắng ấm. Mùa Xuân cũng góp phần làm cho tất cả chúng tôi cảm thấy vui hơn, khi mọi nẻo đường lên rừng, ra lộ đều khô ráo, lác đác hoa rừng dìu dặt hương. Trong hai tuần cuối tháng Chạp, trại đã cho anh em ra quét dọn lại khu tiếp tân, sắp xếp bàn ghế, và treo ở đó tấm giấy croquis lớn ghi rõ chương trình đón Tết của Trại.
          Vào một buổi sinh hoạt chung đầu tháng, anh em đã “nhất trí” bầu tôi làm đại diện cho Trại, để đọc thư chúc Tết đến ban Giám đốc trại và gia đình anh em vào buối sáng đầu năm ở hội trường. Bức “Thư chúc Tết“ ngắn nầy do tôi “sáng tác”, nhưng đã được ban Giám đốc trại “duyệt xét” trước khi cho đọc, rồi cho viết chữ lớn, treo ở khu tiếp tân để thân nhân anh em cùng đọc trong mấy ngày Tết được lên thăm nuôi (có ghi tên “người đại diện” trại là tôi!). Lại một “tình cờ” từ trên trời rơi xuống mà tôi không thể làm khác…
         Sau Tết vài tháng, trong lần  phóng thích đầu tiên, tôi và khoảng 30 anh em - phần đông là chuẩn úy trẻ, được trở về. Tôi đã “ở lính” chín tháng, nay cũng “ở trại” chín tháng - tính từ ngày nhập trại Ngân Điền!   

(Còn tiếp)
Mang Viên Long