Monday, December 1, 2014

85. ELENA PUCILLO TRUONG Bàn tay trong một bàn tay


ELENA 
PUCILLO TRUONG
BÀN TAY TRONG MỘT BÀN TAY

Trương Văn Dân 
dịch từ nguyên tác Tiếng Ý


Elena và Trương Văn DânTrương


Chìm trong tiếng ồn của cuộc sống bon chen đô thị, phần lớn là những người trẻ, tuổi ba mươi, bốn mươi…lúc nào cũng vội vàng, hấp tấp, đi và đến bằng các phương tiện tân thời, xe hơi, bus, taxi…
Giữa những cao ốc nguy nga, tráng lệ,  ánh đèn chiếu sáng những bảng hiệu, biểu tượng của sự  phát triển về một thế giới hiện đại và lý tưởng, về tính hiệu quả, mang vẻ ngoài thật xinh đẹp và trẻ trung…
Bỗng có hai người già như lạc lõng, bước từng bước nhỏ đến chiếc băng gỗ quen thuộc đặt ở góc công viên. Tay trong tay, nụ cười như in trên hai khuôn mặt đã có nhiều nếp nhăn theo năm tháng. Ông lão nắm tay bà, cẩn trọng đỡ người bạn đời của mình, giúp bà ngồi xuống một cách nhẹ nhàng và thoải mái. Mỗi cử chỉ của ông đều ân cần, chậm rãi  và cẩn thận như đang che chở và ve vuốt một chú chim non bằng những lời yêu thương ngọt ngào.
Ngày nào cũng thế...tôi chẳng biết bắt đầu từ lúc nào, nhưng có lẽ từ lâu lắm. Mỗi ngày mỗi mới và có vẻ như mỗi ngày tình cảm giữa hai người mỗi thiết tha mạnh mẽ. Nó tương phản hoàn toàn với thế giới xung quanh, đến nỗi giống một nghịch lý.
Trong cái vũ trụ thu hẹp của họ, giữa những vụn bánh cho vài chú chim sẻ, có những cái vuốt ve cô mèo con bị lạc hay tiếng cười rạng rỡ của một em bé tập đi đang ngã vào vòng tay người mẹ. Họ luôn mang theo mình một chiếc dù, để che nắng hay  phòng ngừa sự chòng ghẹo từ những cụm mây, riêng bà thì không bao giờ quên chiếc khăn quàng khổ rộng, sau khi ngồi vững liền âu yếm quấn quanh cổ ông để che chắn những cơn gió lạnh.
 Tôi tưởng đó là một bức tranh đang đặt trước mắt mình; sự thực đó đang nằm ngoài thế giới này. Chẳng biết gì về họ nhưng lâu nay tôi không thể làm gì khác là  nhìn ngắm và quan sát cho đến khi nào, sau chừng một giờ, bằng những cử động  ban đầu rất yếu ớt, về sau mạnh mẽ hơn, họ chống tay đứng dậy tay nắm tay bước đi cho đến khi mất hút giữa dòng người vô cảm.
Rồi sau đó thì sao? Họ sẽ làm gì trong quãng thời gian còn lại trong ngày? Tôi tưởng tượng như mình đang tò mò theo dõi, bị cuốn hút bởi thứ hào quang hạnh phúc bao quanh người họ. Một cuộc đời đơn giản. Chỉ có những cử chỉ quen thuộc nhưng thật ngọt ngào và trìu mến dành cho người thân. Dĩ nhiên tôi không thể nào tưởng tượng là họ sống trong ác mộng, trong lòng họ đang chất ngất bao điều ưu tư. Hằng ngày lo lắng và đau khổ, một nỗi đau kinh khiếp có thể cướp mất hơi thở tối cần cho cuộc sống
                                                  
Trong bóng tối của buổi chiều tàn, bà vợ mắt nhắm nghiền, nằm bất động trên chiếc giường đôi. Hai bàn tay bà đặt trên ngực, những ngón tay nắm chặt chuỗi tràng hạt. Trên chiếc ghế đẩu đặt cạnh giường, ông chồng ngồi gục đầu, kiệt sức sau một cơn khóc tuyệt vọng. Ông liên tục lau mặt bằng chiếc khăn giấy ướt rã vì nước mắt. Rồi, bất thình lình, trong tay ông loé lên ánh thép lạnh lẽo của một khẩu súng. Ông đăm đăm nhìn họng súng, những giọt nước mắt vẫn tiếp tục rơi, làm ướt chiếc nòng lạnh giá. Ông thì thầm vài lời gì đó, rồi bằng một cử chỉ thật nhanh đưa họng súng chỉa vào màng tang mình. Chỉ trong tích tắc. 
Bàn tay rớt xuống! Chẳng có tiếng nổ nào xảy ra.
Giống như trong phút chót sự can đảm  đã biến mất...
Cuối cùng ông dợm đứng lên, lấy lại tự chủ, rồi đặt khẩu súng trong ngăn kéo của chiếc bàn đêm.       
Bây giờ tới phiên ông.
Ông nằm bất động trên chiếc giường đôi, mắt nhắm nghiền và cũng với chuỗi tràng hạt trên tay. Bà vợ, thận trọng và run rẩy đặt một bàn tay lên trên quyển sách nằm trên ngực chồng. Đó là quyển sách mà ông đã viết và nó sẽ theo ông làm bạn trong thế giới bên kia. Một vài giọt nước mắt ứa ra, rớt xuống trang bìa làm ướt những ngón tay khẳng khiu, gầy yếu...Rồi bà lão như kiệt sức, ngã gục xuống chiếc ghế đặt bên cạnh giường. Những ngón tay bà cố gượng vuốt ve lên thân thể thân thương. Bà vuốt đôi mắt, vành môi, khi vuốt đến ngực  những ngón tay bà  ngập ngừng dừng lại, như thể còn muốn vuốt ve cả trái tim ông...Cuối cùng bà áp tay mình lên bàn tay ông, bàn tay đã từng nâng đỡ và che chở bà suốt một cuộc đời. Nước mắt vẫn tiếp tục lăn xuống nhưng bà chẳng có chiếc khăn nào để ngăn. Sau những tiếng rên rỉ, bà thì thầm bên tai ông những lời ngọt ngào như xưa nay bà đã từng làm. Rồi gượng đứng lên, bà áp môi mình lên môi ông, đặt thêm một lần nữa chiếc hôn cuối cùng.
Run run, bà với tay lấy khẩu súng đặt trên chiếc bàn đêm. Một tay bà nắm chặt tay chồng, còn tay kia, rất tự tin, bà đưa họng súng chỉa vào màng tang mình. Chỉ một  tích tắc. Rồi bà ngã xuống trên xác chồng, như  muốn ôm lấy ông một lần cuối.
Cứ thế, từ hai tháng nay mỗi buổi tối cảnh đó luôn được lập lại như đang trình diễn trong rạp hát.
Mọi chuyện bắt đầu từ sau hôm đi khám bác sĩ. Trước đó bà thường thấy mệt, nhiều lúc thở rất khó khăn, như bị ngạt, tưởng như có một khối đá đè lên lồng ngực trong những chuyến cùng chồng đi dạo. Tay trong tay, trong nước mắt, họ lắng nghe phán quyết của người thầy thuốc.
Tôi rất lấy làm tiếc nhưng trái tim của bà nhà rất yếu...một cuộc giải phẩu là điều không thể thực hiện...Rất tiếc là tôi không biết phải làm gì để có thể  giúp bà...Nguy cấp lắm rồi...bà yếu quá...” rồi sau câu hỏi thầm lặng từ đôi mắt đau đớn và khẩn cầu của họ là câu trả lời ngập ngừng  nhưng thành thật và xúc động của bác sĩ:
Rất tiếc...điều đó có thể xảy ra bất cứ lúc nào...”
Sau đó thì hai người già vẫn tiếp tục sống cuộc đời họ như đã từng, nhưng mỗi ngày đều rất đau đớn vì ý nghĩ là bà sẽ  đột ngột ra đi, bỏ ông lại một mình; Bà, người chưa bao giờ rời xa, chưa bao giờ phản bội ông.
Bởi, suốt một đời họ đã luôn sống bên nhau. Trong một thoáng bà hồi tưởng thời hai người còn trẻ, những cử chỉ ngập ngừng và vụng về trong mối tình đầu, trái tim bà chỉ đập  khi chờ đợi ông, chỉ vì ông, người đàn ông duy nhất có thể lấp đầy cái khoảng trống trong tâm hồn bà; cũng như chỉ ánh nhìn nhân ái của ông mới có thể xoa dịu đi nỗi đau hay mang lại cho bà niềm hạnh phúc. Cứ thế, họ đã sát cánh bên nhau đi qua cuộc đời này. Rồi họ cùng nổi tiếng với tất cả các nhà hát kịch trên thế giới. Trên tường nhà họ hiện vẫn còn treo đầy các biểu ngữ giới thiệu các vở kịch: Shakespeare, Mann, Eliot, Racine, Molière, Pinter.... có tấm in khuôn mặt, miệng mỉm cười của họ, có tấm chụp họ đang mặc đồ diễn trên sân khấu, đứng giữa những bạn diễn thân thiết mà đến nay tên tuổi vẫn còn sáng chói. Hình như hào quang hạnh phúc đã bao quanh họ từng ngày. Và họ luôn ở bên nhau.
Có lẽ trong cuộc sống hạnh phúc và bình an đó, chỉ có một nỗi đau trong trái tim bà, đó là sự thiếu vắng một đứa con...điều duy nhất của riêng họ, chỉ của họ mà thôi. Nhưng mỗi lần bà vật vã, chỉ cần những lời ngọt ngào của chồng “ Em yêu ơi, xin em đừng tuyệt vọng. Không có con chúng ta sẽ yêu nhau nhiều hơn...”  là có thể  làm dịu nỗi đớn đau,  để nó trốn ngay đi, dù chưa hoàn toàn xoá  mất.
Rồi cuộc sống đổi thay. Thăng trầm. Chìm nổi. Có lần họ cũng rơi vào cảnh nghèo túng vì từ chối các vai diễn không phù hợp hay không chịu ký hợp đồng với những công ty ca kịch không hoạt động vì nghệ thuật...và cuối cùng, với tuổi tác, họ bình thản từ giã ánh đèn sân khấu, chấp nhận cuộc sống giản đơn, bùi ngùi  nhìn lại những kỷ niệm sáng ngời trong quá khứ. Nhưng họ luôn ở bên nhau, luôn luôn hạnh phúc vì người này chỉ sống cho người kia. Và ngược lại.
                                           
Là những diễn viên tài hoa nên mỗi buổi tối họ đều chuẩn bị cho chính mình vai diễn, cố thể hiện thật xuất sắc vở kịch cuối cùng.
“ Cái chết của chúng mình. Sự chia lìa sẽ bất ngờ là điều không thể tránh khỏi. Nhưng người nào đi trước sẽ không phải hứng chịu nỗi cô đơn ở thế giới bên kia”.
       Ông thường đi lập lại rất nhiều lần:“ Ước muốn lớn nhất là chúng ta có thể chết cùng một lúc, nhưng dễ gì Chúa ban cho ta ân sủng này!”                             
Nhưng, ông đã lầm...
Vài tháng trôi qua. Và chỉ có vài hàng trên một tờ báo.
       Trong lúc ngủ trái tim mệt mỏi của bà đã vĩnh viễn ngừng đập. Và ông, bất  thình lình thức giấc, tin là còn có thể cứu bà, ông lao tới chụp ống điện thoại để gọi xe cấp cứu...nhưng đã không kịp nữa. Trái tim của ông cũng ngừng đập vì đau đớn, nó chỉ cho ông một tích tắc thời gian để đưa cánh tay nắm lấy tay bà.
Sự việc chỉ xảy ra trong tích tắc.
Elena Pucillo Truong    
SaiGon 8/2011






Sự nhập cuộc trôi chảy

Dạ Ngân

Một bà mẹ chồng. Một ngày mưa. Một bàn tay trong một bàn tay. Một mùi thơm. Một chuyến tàu. Một món đồ chơi thời thơ ấu. Một phút tự do…Nói một cách hình ảnh, 10 truyện ngắn mảnh dẻ và rất xinh này người viết từ việc ngửi mà nên. Ngửi để phát hiện. Ngửi để cảm thông. Và ngửi để rung lên dù cái sự rung này có khi rất khẽ, rất thoáng, rất xa vắng.

Thật đặc biệt với tôi và dám chắc, với các bạn nữa. Vì sao? Vì Elena Pucillo Truong không như một nhà văn ngoại quốc thâm nhập qua đường biên của chúng ta bởi danh tiếng. Elena là một cô dâu Việt. Bạn đã thấy độc đáo rồi chứ.  Giảng dạy tiếng Pháp và Văn minh Pháp ngót 30 năm ở Milano, bỗng dưng muốn cùng chồng – nhà văn Trương Văn Dân về sống hẳn ở Việt Nam. Chúng ta không dám chắc đất nước của chúng ta là đất lành nhưng nó được một tiến sĩ ngôn ngữ có thâm niên cao trong ngành giáo dục chọn làm nơi ẩn mình, thú vị quá đi. Và người đó bắt đầu viết văn, viết báo, làm dâu, làm con dân nước Việt cùng với đi dạy tiếng Ý tại phòng lãnh sự  danh dự Ý và ở Nhạc Viện thành phố HCM,  dạy tiếng Ý và Văn hóa Pháp tại Trường Đại học KH XH và Nhân Văn.

Người Ý khá giống người Việt ở sự nóng giòn với cuộc sống. Nếu người Pháp quá trữ tình, người Đức quá nghiêm lạnh, thì người Ý cởi mở, lạc quan và rộn rã, đôi khi phiêu lưu. Elena Pucillo Trương rất đậm chất Ý trong tính cách và cả trong cách chọn cho mình miền đất và công việc khi cuộc đời bắt đầu chinh xế. Từ châu Âu sang sống ở Đông Nam Á, không là người giòn và mở thì là gì? Đi dạy học với mức thù lao chỉ đủ chồng đổ xăng đưa đón, không lạc quan quá thể sao? Và chọn công việc viết văn, phiêu lưu lắm. Đã có một số truyện và bài in ở Ý, dĩ nhiên, chính quốc mà. Nhưng cũng đã in hầu hết ở Việt Nam nhờ có đức ông chồng dược sư cùng mê văn chương hơn mọi thứ trên đời.

Dễ dàng nhận ra ở Elena Pucillo Trương sự nhập cuộc trôi chảy với truyện ngắn. Do đâu? Không phải ai là tiến sĩ ngôn ngữ, đọc nhiều thứ sách và đam mê chữ nghĩa là viết được văn. Rõ rồi. Do đâu mà Elena không như vậy? Một trí thức châu Âu thường xem việc viết sách là nhu cầu tự thân, nhuần nhị như thể dục, nghe nhạc, thư giãn, hít thở. Họ không đặt nhiều tham vọng vào việc này. Viết hồi ký, viết tiểu luận, viết du ký…Viết, chăm chỉ, giải bày, thầm lặng. Truyện ngắn và cả 7 bài báo (đi, đất, và người) tập hợp trong tập này, cho thấy một đôi chân vừa đi vừa nghĩ và một gương mặt đăm chiêu của một con người có xê dịch nhưng ở đâu cũng nặng lòng khám phá, trắc ẩn.

Cùng dừng lại từng truyện để nghĩ về cách đặt vấn đề và xử lý vấn đề của một người viết từ một châu lục khác. Một khẩu súng lục trong căn nhà của đôi vợ chồng và ước nguyện dữ dội là chết cùng một lúc của họ (Bàn tay trong một bàn tay). Một người con về bên cha không với ý niệm nghĩa tử là nghĩa tận, không hề, và trái tim anh chàng chỉ rung lên với hộp quà rất cũ, trong đó là chiếc đầu máy xe lửa của tuổi thơ mình (Quá khứ dưới lớp tuyết mùa Giáng sinh). Một căn phòng qua tự sự của người phụ nữ hầu phòng, một nơi đặc biệt, một nơi được kín đáo cất giữ chỉ vì nơi đó từng được một đôi trai gái trẻ chọn làm nơi để từ giả cõi tạm, để bên nhau, để tuyệt vọng một cách rất ư bình thản và cảm động (Phòng số 3). Một phụ nữ hiện đại, là sản phẩm của cuộc sống công nghiệp, tự tin, thành đạt, tót vời nhưng cuộc sống ấy lại là nhà ngục với cô ta (Một phút tự do). Vậy đó, bạn cứ thả mình vào trang sách của Elena Pucillo Truong đi, bạn sẽ thấy lạ và rất khác với chúng ta.

Truyện nào cũng dung dị và có dư âm. Cũng dễ hiểu khi những truyện sâu sắc nhất nằm ở đáy ký ức và tâm hồn tác giả với bản quán, hay Paris, nơi in dấu của một nghiên cứu sinh. Trên hết, chúng ta nhìn thấy một trái tim hiểu biết, dịu dàng với một cách tư duy không như người Việt. Đó là điểm thú vị mà Elena Pucillo Truong muốn cống hiến.

Những bài viết của phần hai, đi, nghĩ và tả, trừ bài rất kỹ về Sophia Loren, một gương mặt, một giá trị, một tài sản của nước Ý, thảy đều tập trung cho nhận định vừa rồi: một tiến sĩ ngữ văn viết về những chiêm nghiệm đã chín của mình và mong muốn được độc giả VN đón nhận như một món quà tri ân cho đất nước mà người đó đã trao gửi và đã chọn làm quê hương yêu dấu thứ hai của mình.    

Dạ Ngân
Sài Gòn 6/2014