Monday, January 12, 2015

101. MANG VIÊN LONG Hồi ký NHƯ ÁNG MÂY TRÔI (12) Đôi điều về thơ và tập bản thảo "NHẬT KÝ THƠ"




12.
ĐÔI ĐIỀU VỀ THƠ
VÀ TẬP BẢN THẢO 
NHẬT KÝ THƠ”

             

                
Năm 1961 - 62, Đặng Tấn Tới và tôi học lớp đệ tứ trường Trung học Cường Để. Là bạn cùng thôn Hưng Định, lại học cùng nhau từ tiểu học, nên chúng tôi rất gần gũi, thân thiết! Cha mẹ Tới rất thương tôi nên hai chúng tôi có dịp gặp nhau luôn. Hai chúng tôi đều có chung niềm đam mê thơ văn từ năm học đệ thất (1958) nên thường bàn chuyện thơ văn, thường làm thơ, chia sẻ niềm vui mỗi lần có bài được đăng báo (dù là báo văn nghệ học sinh, hay trang thơ của vài tạp chí, nhật báo, xuất bản ở Sài Gòn). Đặng Tấn Tới đầu tiên lấy bút danh Thy Uyên sau là Vũ Thúy Thụy Ca… Còn tôi, ghép tên của cha mẹ, bút danh là Huyền Linh, rồi Hoài Huyền Tiên. Năm 1962 hai chúng tôi đồng ký đơn gởi Ty Thông Tin Bình Định xin thành lập một “thi văn đoàn” với điều lệ hoạt động hẳn hoi…
               
Đơn gởi đi được một tuần, đang giờ học, hai chúng tôi nhận được “giấy mời” của Ông Hiệu trưởng Tôn Thất Ngạc lên phòng riêng của ông để “có chuyện cần gấp”! Gặp nhau ở hành lang trước khi cùng vào gặp ông hiệu trưởng, hai chúng tôi cũng đoán biết chuyện gì sẽ xảy ra, nhưng chưa biết “cát/hung” thế nào.
             
Sau khi chúng tôi ngồi vào ghế đối diện, ông hiệu trưởng nghiêm giọng: “Thầy vừa nhận được thư trả lời của Ty Thông Tin Bình Định về việc xin thành lập Thi Văn Đoàn của hai em…”
             
Ông cúi xuống nhìn vào tấm giấy một lúc, ngẩng lên – vẫn một giọng ôn tồn: “Theo thư trả lời, và theo ý của thầy, hai em chưa đủ tuổi để được phép thành lập Thi Văn Đoàn. Các em hãy gắng học cho giỏi đi. Mai kia lớn rồi, muốn… làm gì cũng được thôi!”
           
Chúng tôi nhìn nhau, im lặng.
           
Ông hỏi: “Các em nghĩ thế nào?”
           
Tôi khẽ cười, e ngại: “Cám ơn lời dạy của Thầy…”
           
Ông nhìn chúng tôi với ánh mắt thiện cảm, thoáng chút ngạc nhiên: “Vậy các em hãy về lớp học đi!”.
           
Cuối năm ấy, Đặng Tấn Tới cho xuất bản tập thơ đầu tay có tựa là “Lễ Tấn Phong Tình Yêu”, bút danh là Vũ Thúy Thụy Ca. Phần trình bày bìa, nội dung Tới tự lo hết vì Tới có năng khiếu về hội họa và trình bày từ thời tiểu học (và đang theo học hàm thụ lớp hội họa của họa sư Vương Quốc Đạt từ Đà Lạt).
           
Từ năm đệ tam, chúng tôi đã “trao đổi” với nhau về khả năng riêng của mỗi đứa. Tới quyết định chọn Thơ,  còn tôi, cảm thấy thích hợp với Văn vì cuộc đời quá bất hạnh của mình…
         
Tuy là tâm sự với nhau vậy, nhưng thỉnh thoảng Tới vẫn viết tạp bút, tiểu luận, còn tôi vẫn… lai rai làm thơ chơi! Năm 1968, Đặng Tấn Tới xuất bản tập thơ thứ hai: “Mưa Mắt Tình” – chính thức lấy tên thật Đặng Tấn Tới làm bút hiệu từ đó. Sau “Mưa Mắt Tình” là “Tâm Thu Kinh” (1970), “Tuyệt Huyết Ca” (1972), “Thi Thiên” (1973), “Trúc Biếc” (1974). Từ dạo ấy, những lúc buồn và thấy “nhớ”, tôi thường viết những bài thơ cho riêng mình. Trước 1975, nơi “trang nghệ văn cuối tuần” của các nhật báo xuất bản ở Saigon, đã rải rác giới thiệu thơ của tôi; tập san Sư Phạm Qui Nhơn (1966) cũng có bài thơ của tôi với bút danh MTNB, và sau đó, hai lần được “xuất hiện” ở tạp chí Bách Khoa:  Bài đầu “Thơ Cho Con Đầu Lòng” (1971), bài thứ hai “Những Dãy Hành Lang Buồn Bã” (1973) nhưng bài sau này đã bị sở Phối Hợp Nghệ Thuật đề nghị cắt bỏ mới cho báo phát hành dù đã in trong mục lục!. Tóm lại, thời niên thiếu nhiều mơ mộng, đa cảm tôi chọn thơ để gởi gắm tâm tình, đôi khi vu vơ, đơn phương, hay… không đối tượng!
           
Thời gian về dạy học ở Tuy Hòa (1966- 1978), tôi dành nhiều thời gian cho truyện ngắn và tạp bút, tiểu luận – không còn “nhớ nàng thơ” nhiều nữa! (từ năm 1967 đến 1973, tôi xuất bản được 4 tập truyện ngắn và một tập tùy bút). Sau 1975, lúc đang ở chùa Phi Lai (và ngay cả sau này), tôi có thơ đăng thường xuyên ở Nguyệt san (rồi bán nguyệt san và tuần báo) Giác Ngộ. Đó là những xúc cảm rất chân thật, rất thiết tha với Đạo, với đời sống quanh tôi. Tôi không nghĩ là mình làm thơ, mà chỉ mong để tự an ủi mình và chia sẻ cùng bạn Đạo mà thôi…Tuy thơ là vậy mà đã được ba nhạc sĩ chuyên sáng tác ca khúc Phật giáo, trong đó có nhạc sĩ Hằng Vang và Huy Thục phổ nhạc, được phổ biến trên nhiều dĩa CD…
         
Một thời gian dài, tôi lang bạt đó đây – với chiếc xách tay nhẹ tênh kinh sách, tôi đã trở lại với thơ như niềm vui còn lại trên bước đường phiêu bạt nhưng không lưu giữ kỹ. Phần nhiều bị thất lạc hay đã gởi chia sẻ cùng bạn bè, trong đó có chị Diệu Thuần (chị Nguyễn Thị Tẩu, chị ruột nhà văn Y Uyên). Chị Diệu Thuần đã chịu khó gom lại, đánh vi tính, in thành tập, gởi cho tôi vài tập đọc chơi! Tập thơ bản thảo ấy hiện nay tôi cũng không còn!
       
Thời gian sau, tôi tìm một tập vở dày 300 trang, mang theo bên mình mỗi chuyến đi xa nên còn giữ lại được khoảng 150 bài thơ. Tôi đã nhờ dịch vụ vi tính in cho 5 bản, lấy tên là “Nhật Ký Thơ”, dày 250 trang. Tôi đã gởi tặng cho ân sư Thích Thiện Đạo, người bạn văn thân thiết Trần Huiền Ân, và hai người bạn văn nữa giữ để làm kỷ niệm.
         
Ở đây, vì nghĩ rằng, sẽ không bao giờ tôi có dịp xuất bản tập “Nhật Ký Thơ” trong hoàn cảnh đang còn nhiều khó khăn nên muốn ghi lại đôi điều về nó  để nhớ một thời đã qua không thể nào quên trong cuộc đời phù du gian truân của mình…
         
Đọc lại bài nào (với ngày tháng đã qua như một dấu ấn hằn sâu trong tâm khảm mình) tôi cũng đều thấy cần chia sẻ nhưng  chỉ ghi lại nơi đây đôi bài cho vui thôi.

Ngày “lập” được Lập Tâm tịnh thất, tôi có viết:

“Nhà tôi bướm lượn ra vào
Có con chim đậu hiên đầu gọi nhau
Gió lùa mát rượi chái sau
Nửa đêm trăng rọi đỉnh đầu nằm mơ
Có rừng núi, có suối thơ
Ngày đêm nghe vọng đôi bờ nhân duyên
Mặc đời tính chuyện đảo điên
Tịnh tâm ngó vách, an nhiên tháng ngày!”
(Tịnh Thất - tháng 12/1993)
           
Ngày Phật đản PL 2540, tôi viết bài này tặng cho “Phi Lai tịnh sĩ” (tức Thượng Tọa Thích Thiện Đạo):

“Trong cơn mưa bão mịt mù
Giữa sương tuyết lạnh thâm u chốn này
Một bông hoa lạ phơi bày
Tuyết sương giông bão cũng tày như không!”
(Kỳ Hoa)
           
Mùa mưa năm 1993, tôi đang lang thang ở Saigon, một buổi sáng sớm ngồi ở quán café vỉa hè nhìn Sài Gòn thức dậy  tôi viết mấy câu gởi tặng chị Diệu Thuần Nguyễn Thị Tẩu (Gò vấp):

“Ngày bắt đầu rất sớm
Khi sương mờ chưa tan
Người lo toan rất sớm
Khi lòng còn hoang mang…”
(Sáng Sài Gòn)
           
Năm 1998, đang ở quê nhà – ngồi nhìn trăng thu, tôi rất nhớ Tuy Hòa với những mùa trăng một thời thương yêu thơ mộng. Tôi viết bài thơ gởi tặng cho người bạn Đạo (cũng là đồng nghiệp lúc dạy ở Nguyễn Huệ, Tuy Hòa) là anh Tâm Cảnh - Hoàng Văn Trí:

“Ta đã trải bao mùa trăng tuổi trẻ
Trăng miệt mài trong giấc ngủ cô miên
Sao chẳng nhớ trăng nơi này chốn nọ
Mà Tuy Hòa trăng lồng lộng thâu đêm?
                     
Trăng phố thị dễ thương từng ngõ hẹp
Bàng bạc hàng dương, lấp lánh biển gần
Ta đã uống café đường Số Sáu
Ăn ly chè Cây Phượng mát tình thâm

Trăng ở Hội Sơn trăng trên gác thượng
Trăng ngợp về Phường Bốn ngát màu xanh
Và những hồi chuông lay động lá cành
Chuông sám hối, chuông gọi hồn mê lạc

Trăng xuôi Hòa Thịnh, trăng ngự Phi Lai
Vằng vặc trăng soi trắng xoá giậu Lài
Mấy chú đọc kinh, mõ chuông vội vã
Hết kinh rồi, ra ngõ đón trăng chơi

Nay ở Lập Tâm, trăng vàng phố chợ
Nhớ Tuy Hòa trăng cũng chếch trời Đông
Cũng Trăng ấy – mấy ngàn năm rồi nhỉ?
Mà đêm nay sao nghe thấm tận lòng?”
(Đón Trăng Thu, Nhớ Tuy Hòa)
           
Tháng 9 năm 1998, ngồi ở hiên chờ khách đến, tôi bỗng nhớ các bạn Tuy Hòa. Thay vì viết thư cho từng người, tôi viết bài thơ gởi chung cho quý vị ấy: Trần Huiền Ân, Đỗ Chu Thăng, Đàm Khánh Hạ, Khánh Linh, Lê Tăng Mính, Phan Tiên Hương, Hoàng Văn Trí…

“Lâu nay tớ ngại viết thư
Thư dài cũng chẳng bằng “thư không lời”
Viết gì? Quanh quẩn chuyện đời
Kể gì? Cũng chuyện buồn vui ấy mà
Chi bằng mặc chuyện can qua
Bữa hai sét chén tương cà Lập Tâm
Đôi khi nhớ Bạn bâng khuâng
Đôi khi cầm bút mà không nên lời
Nhớ nhau, chớ trách tớ hoài
Giận thương chi lắm nổi trôi khổ lòng

Hôm nay Thơ đến chẳng mong
Như dòng nước chảy, như bông đúng giờ
Vội ghi gởi Bạn bài thơ
Tri âm hồ dễ phai mờ thế ru?
(Thư Gởi Bạn Hiền)
             
Chia sẻ cùng hai người em của nhà văn Y Uyên là cô Thanh Vân và Nguyễn Văn Vượng về những lần ra đi của mình:

“Một năm mấy chuyến ra đi
Mười năm mấy chục lần ghi nỗi buồn?
Sự đời cứ mãi trôi luôn
Điểm sương tóc đã phai hường tuổi xuân”
(Ra Đi, mùa hè 1996)
             
Một lần tôi tình cờ gặp lại cô bạn láng giềng thời trung học ở Qui Nhơn, nay đã là sư cô Diệu Sơn, đang trụ trì một ngôi chùa có tên Hoa Nghiêm, sư cô ngỏ ý mời tôi có dịp hãy ghé thăm chùa. Tôi chưa “đủ duyên” tìm đến Hoa Nghiêm nhưng “đủ duyên” để viết hai bài thơ gởi tặng Diệu Sơn nhân dịp Xuân về (Nhớ Hoa Nghiêm và Hội Xuân Hoa Nghiêm). Xin ghi lại một bài:

“Chỉ nghe kể về Hoa Nghiêm chốn ấy
Lòng bỗng vui mơ ước gặp Hoa Nghiêm
Xin lễ Phật trước uy nghi chánh điện
Và nguyện cầu hoa nở đẹp tôn nghiêm

Xuân đã đến đất chùa xưa bỗng sáng
Bốn mươi năm tụ hội cả về đây
Duyên đã đủ như trăng Rằm đúng hẹn
Mọi nguồn tâm thấm ướt nước non này

Tôi nguyện đến, xin một lần hội ngộ
Để một lần, dầu nghe một lời Kinh
Hoa Nghiêm đó, bốn mươi năm hò hẹn
Giữa dòng đời trôi nổi kiếp phù sinh

Tôi sẽ đến, kiếp nầy hay kiếp khác
Bóng chùa xưa dẫu sinh diệt vô thường
Hoa Nghiêm vẫn là chốn Tâm khơi mở
Để bao lòng tỏ ngộ Phật mười phương!”
(Nhớ Hoa Nghiêm - 1997)
             
Lần đầu tiên đến Chùa Đây (Suối Đó) theo lời mời của nhà thơ Đinh Hồi Tưởng (Đại đức Thích Tấn Tuệ),  tôi đã ghi lại một số bài thơ gởi tặng cho Đinh Hồi Tưởng  (tất cả đều đã được đăng ở Giác Ngộ), trong đó có bài:

“Đêm nằm nghe núi hoang mang
Nghe rừng lá đập rộn ràng niềm đau
Nghe suối thở, nghe đá sầu
Nghe mình lãng đãng chìm sâu muộn phiền…”
(Đêm Ở Suối Đó – 26 tháng 11.1998)

Và hai câu sau đây, bày tỏ cảm nhận của một kẻ “không nhà” (chữ “nhà” theo lời Phật dạy là “nghiệp”) trên bước đường thăng trầm của cõi tạm, đã được nhà thơ cho khắc vào ghế đá trong khuôn viên chùa:

“Thênh thang đi giữa Ta bà
Vui sao một kiếp không nhà từ đây!
(Đường Trần)
             
Ngày 27 tháng 11 năm 1998, sau gần một tuần ghé thăm “Suối Đó - Chùa Đây” của Đại đức Thích Tấn Tuệ (Lagi Hàm Tân - Bình Thuận), thầy Tấn Tuệ đã chở tôi trên chiếc Honda ghé thăm các chùa, tịnh thất ở Bà Rịa - Vũng Tàu, trên đường đưa tôi về lại Sài Gòn, chúng tôi ghé thăm tịnh thất Bửu Lâm:

“Trưa nghe vẳng tiếng tắc kè
Gió mơn man gọi bên hè Bửu Lâm
Sư cô đang phút tịnh tâm
Hay chăng ngoài cửa nở thầm nụ hoa?”
(Trưa Ở Tịnh Thất Bửu Lâm)
           
Thăm Chùa Phổ Hiền (Quận Bình Thạnh) và ngủ trưa ở dó:

“Trải chiếu bên hiên chùa
Đặt lưng thềm đá lạnh
Bóng nắng in vách xưa
Soi rõ niềm cô quạnh

Chùa vắng lạc tiếng chim
Hương trầm xa gió thoảng
Thời gian vẫn êm đềm
Khẽ khàng luồn qua cửa!”
(Ngủ Trưa Ở Chùa Phổ Hiền, 27 tháng 11/1998)
           
Tháng 6 năm 1997, nghe tin chồng chị Minh Quân mất ở Saigon, nhớ anh và thương chị,  tôi đã viết mấy câu gởi tặng:

“Cảnh vắng người đi thêm vắng vẻ
Tuổi già, thiếu bạn – biết cùng ai?
Năm canh trở giấc bao nhiêu mộng?
Mộng cũng như đời sao dễ phai!”
(Tứ Tuyệt)  
             
Để ghi nhớ lời dạy của Lục Tổ, tôi tự ghi lại thành một bài thơ đơn giản, cho riêng mình:

“Bỏ tâm tà
là Giới tánh
Lìa tâm mê
là Huệ tánh
Dứt tâm loạn
là Định tánh
Không thêm bớt
chính Kim cương
Thân đi về
nghĩa Tam muội”
(Phật đản, Phật Lịch 2544)
           
Sau 1975, tôi trở thành một người thợ, lao động miệt mài mỗi ngày hơn tám giờ, dù là thời tiết thế nào. Một sáng, tuy mới 8 giờ  mà mồ hôi đã thấm ướt cả áo, vừa cởi áo phơi, vừa nghĩ mấy câu:

“Cởi áo phơi nắng sớm
Cởi quần phơi nắng chiều
Hạt mồ hôi nhỏ xuống
Tận đáy lòng cô liêu!”
(Thường Nhật - tháng 6 năm 1996)
             
Một đêm trăng ở quê:

“Sân nhà rộng ánh trăng
Ngõ xa tiếng chuông gọi
Ta ngồi yên một mình
Trăng vàng từng gáo dội!”
(Trăng. 1996)
               
Và xin ghi lại thêm một bài được viết vào mùa Xuân năm 2004:

“Xin một cành hoa
từ cây Vô ngã
Ngắt một nhánh lá
từ cội Từ bi
Hai tay búp sen
dâng lên Từ phụ
Mùa Xuân chợt nhú
hương ngợp cõi lòng
Thắm đượm thân tâm
ba ngàn thế giới       

Đốt một nén hương
từ tâm vô ngại
Thắp một ngọn nến
từ cõi an nhiên
Hai tay búp sen
cúi đầu lạy Phật
Mùa Xuân có thật
sâu thẳm lòng này
Mấy vạn Xuân qua
hương Xuân đọng mãi…”
(Mùa Xuân Còn Mãi - Xuân 2004)
           
Trong 150 bài thơ gom lại của tập “Nhật Ký Thơ” là những dấu ghi kỷ niệm từng tháng năm qua của một thời lận đận gian truân nhưng cũng thấm đượm rất nhiều thi vị, đạo vị cho đời sống tôi; chỉ xin chia sẻ nơi đây một vài bài tiêu biểu như vậy cho vui. Sau đây là hai bài “cảm nhận” của Thầy Thích Thiện Đạo và anh Trần Huiền Ân đã viết cho, sau khi đọc xong bản thảo tập thơ. Chân thành tri ân thầy Thiện Đạo đã luôn nhiệt tình chia sẻ, góp ý cho tôi mọi điều trong lẽ Đạo tình đời. Cám ơn anh Trần Huiền Ân – người bạn văn thân thiết, người anh lớn chí tình, đã dành thời gian đọc bản thảo, cho dù, thơ tôi… “không giống ai!”


(Còn tiếp)
MANG VIÊN LONG

Đọc thêm:

Hai bài viết về thơ Mang Viên Long: