Saturday, January 24, 2015

105. TRƯƠNG VĂN DÂN Thiên đường và địa ngục

TRƯƠNG VĂN DÂN
Thiên đường và địa ngục


...Chủ nhật chúng tôi chỉ muốn nằm nhà bên nhau. Quỹ thời gian sống còn được bao lâu? Nhưng bè bạn lại đến chơi. Sao anh lắm bạn thế nhỉ? Anh hiếu khách, nên bạn bè thường đến chơi chuyện trò rôm rả. Ông nào cũng hăng, từ tranh luận đến tranh cãi đủ chuyện trên trời dưới đất, chuyện kinh tế, xã hội, môi trường, từ chuyện hôm nay đến chuyện cả ngàn năm sau.

Hai khách hôm nay,  một là anh vợ, họa sĩ Lâm, một là em rể, thương gia Hưng. Anh vợ em rể, nhưng xưng hô mày tao thoải mái. Họ là bạn thân từ hồi trung học. Hình như  anh Hưng vừa đi chơi golf về, trên đường về  tiện ghé chở anh Lâm và họ tranh luận điều gì đó trên đường đi chưa đã, nên ghé đây cãi tiếp.

Anh thích những buổi tranh luận như thế, thường kiên nhẫn lắng nghe, đôi khi chen vào…  

Tôi đứng dậy pha cà phê, anh ngả mình trên ghế nghe các bạn đang mải câu chuyện, thỉnh thoảng liếc sang như thể anh là trọng tài
- Kinh tế phát triển. Tao thấy bây giờ đời sống tốt hơn xưa nhiều,  Hưng ngồi vắt chân chữ ngũ,  nhấp nhấp ly  cà phê…
- Chưa chắc đâu, Lâm thủng thỉnh,  hồi trước, gần nhà tao có ông công chức quèn đi làm, vợ ở nhà trông con, nội trợ, vậy mà họ vẫn sống, ba đứa con đều con tốt nghiệp đại học, thành đạt cả. Bây giờ  cuộc sống tăng lên, nhưng mấy ai đã làm được thế? Chồng là  kỹ sư, vợ là nhà giáo, cả hai đều đi làm, nuôi một đứa con còn thấy chật vật. Không ai dám bỏ việc.
- Cái giá của tăng trưởng là phải thế. Đời sống cao hơn, nhiều vật chất hơn, nhiều tiện nghi hơn. Phải xài tủ lạnh, máy lạnh, máy DVD, karaoke, computer, internet,… Mấy cái tiện nghi của thời đại thông tin này, bộ bỏ qua không xài à? Muốn thụ hưởng, phải có tiền. Muốn có tiền phải đi làm, chồng đi làm không đủ, vợ cũng đi làm. Con cái hả? Cho đi học trường quốc tế. Có tiền là xong tuốt.  Chẳng lẽ hàng xóm hưởng thụ mấy cái tiện nghi đó, còn mình thì nhắm mắt à ? Thời buổi cạnh tranh mà !.
- Đồng ý,  nhưng tại sao lại phải cạnh tranh? Chẳng lẽ không có lối sống nào khác sao? Ai cũng làm việc quần quật với nhịp độ kinh khủng để sản xuất ra cái mobile phone đủ model,  mà tiện ích có khi người dùng cũng chưa biết xài hết.  Rồi đến lượt người khác cũng phải  đầu tắt mặt tối mới có thể mua nổi mobile hiện đại đó.   Đây là cách sống dựa vào vật chất.   
- Mày hoài cổ.  Cứ hay phê phán đời sống mới.   Có thấy đầu tư nước ngoài vào nhiều  hơn không?
- Thấy chứ.   Đầu tư nhà máy ở Việt nam là…bèo.  ,  chỉ cần mang dây chuyền cũ,  công nghệ lạc hậu cũ,  không biết bán cho ai,  qua Việt Nam hợp tác liên doanh là làm giàu đủ rồi,  định giá công nghệ cũ cao,  công nhân rẻ,  quảng bá thương hiệu, .  .   Không giàu to à?
- Họ có đóng thuế cho ta mà!
- Thuế? Lâm cười lớn.   Thất thoát lớn ông bạn ơi.   Không ít doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã khai giá nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài cao hơn giá mua thực tế để tăng chi phí,  dẫn đến thua lỗ để khỏi phải nộp thuế thu nhập doan nghiệp.   Nhiều doanh nghiệp khai lỗ mấy năm liền để tránh thuế nhưng liện tục  mở rộng quy mô sản xuất. 
- Chắc cũng có chuyện này, nhưng nghĩ cho cùng,  chẳng lẽ chúng ta ngồi im nhìn Việt Nam nghèo đói mãi? Cũng phải tạo công ăn việc làm cho người dân chứ.  Tao nghĩ là muốn hiện đại  để bắt kịp  Singapore,  Hàn Quốc,   Đài Loan chúng ta cần phải  dựa vào nước ngoài và viện trợ quốc tế.   Dĩ nhiên phải trả một cái giá nào đó.   Không ai cho không cái gì. 
- Việc làm hả? Hiện đại hóa để bắt kịp người ta hả? Muốn thế phải khởi đầu từ công nghệ mới, năng suất hơn, giá thành rẻ hơn, chứ không phải từ công nghệ lạc hậu. Đó là lợi thế của thằng đi sau, mày hiểu không? Đó là chưa nói đến môi trường, công nghệ lạc hậu sản xuất bột ngọt, men bánh mì,… thải ra môi trường cả đống chất độc hại. Giải quyết nước thải ở mấy quốc gia đó, có mà đẩy giá thành sản phẩm lên đến tuyệt đỉnh. Thôi mang qua Việt Nam sản xuất cho thoải mái, luật môi trường còn lỏng lẻo, viên chức nhà nước cũng lỏng lẻo luôn…Không sướng à? Còn ô nhiễm môi trường, đâu cần đến thế hệ sau mới thấy. Tôm cá chết đầy sông, trồng trọt cái gì thì thua cái đó, nuôi heo nuôi gà cũng thua luôn, mày không thấy à? Vậy đâu là mục tiêu của phát triển ? Để con người hạnh phúc hơn hay để họ bị lệ thuộc nhiều hơn ?
- Mầy cũng  có  lý, nhưng không thể phủ nhận giá trị tăng trưởng. Những năm vừa rồi, thu nhập bình quân đầu người đã tăng nhiều lần
- Đừng vận dụng quá khứ đói khổ, so sánh với những năm tháng cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc để nhấn mạnh đến thành tựu chứ ông bạn.  Đồng ý là  mặt bằng có tăng, nhưng cũng phải xét đến các khía cạnh khác nữa.Vì nếu không trừ những thiệt hại đối với nông, ngư, môi trường, số tiền phải chi trả cho bệnh viện để chăm sóc các vấn đề nảy sinh như sức khỏe, thì chưa đủ. Tao sợ rằng chúng ta tăng trưởng theo mẫu hình : đổ tiền ra đầu tư, sản xuất vô độ, huỷ hoại môi trường. Trên mặt báo  không thiếu những câu chuyện cầu không ai đi, cảng không ai đến, sân bay không ai dùng, hàng đống biệt thự sang trọng bỏ không.  Đừng có hù tao, GDP tăng trưởng 7-8% , thu nhập đầu người một hai ngàn đô la. Tăng trưởng và phát triển khác nhau xa…
- Khác chỗ nào?
- Tăng trưởng càng cao, của cải xã hội càng nhiều, phân hóa giàu nghèo càng tợn. Của cải chỉ chui vào túi một nhóm người. Đâu là an sinh xã hội? Đâu là phúc lợi mà người dân được hưởng? Cá nhân trong cộng đồng có điều kiện tiến thân như nhau không? Hay con bác sãi chùa thì cứ tiếp tục quét lá đa cho được việc… Một quốc gia phát triển hay không là ở chỗ đó đấy. Còn ỷ vào viện trợ quốc tế hả? Xin lỗi… Chơi dao hai lưỡi, quờ quạng là phá sản như chơi…
- Phá chỗ nào?
- Tao cho mày một thí dụ của Philippines. Ngân hàng thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế viện trợ cho nước này với yêu cầu mở cửa thị trường cho hàng hóa và vốn đầu tư nước ngoài. Họ khuyên  Philippines tập trung  sản xuất quần áo, giày dép, hàng điện dụng, nói chung là các ngành thâm dụng lao động, cần nhiều nhân công và kỹ thuật không cao. Nói thì nghe ngon, nhưng sau khi phá giá đồng  pesos, để dễ xuất khẩu, xuất qua mấy nước giàu, một hai năm đầu còn trôi chảy, về sau, tưởng ngon, xuất nhiều  thì những mặt hàng này bị cạnh tranh khốc liệt với các  nước Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan...cũng đang  nhận viện trợ và được khuyên sản xuất các mặt hàng  tương tự. Thế là hàng ứ đọng.  Kẻ bán nhiều mà ít người mua, thế mà sau đó các ông nhà giàu cho vay còn kiếm chuyện, lập hàng rào kỹ thuật, áp thuế chống phá giá... như ngón đòn ác hiểm đá vào hạ bộ. Gục. Nhiều doanh nghiệp đã “chết”, hay trên bờ vực phá sản. Đầu tư nước ngoài đổ vào, ai mà không sướng, tiền bạc rủng rỉnh, tiêu xài hàng cao cấp nhập khẩu, xe hơi, nước hoa,… Đến giai đoạn trả nợ bằng đô la , mới khốn khổ. Xuất không được lấy gì trả nợ? Phá giá đồng tiền nữa để dễ xuất hàng, thì dân khổ. Việt Nam có rơi vào trường hợp của Philippines hay không thì tự mày đoán ra… Quẹt gas, xe đạp mà tụi Châu Âu còn áp thuế chống phá giá muốn nín thở, nói gì đến hàng thực phẩm tôm cá, giở chiêu đánh phá giá mà mày còn lỳ đòn hả?, đánh luôn tiêu chuẩn an toàn thực phẩm… là sụm ngay. Có Chúa mới hiểu thế nào là “an toàn thực phẩm tuyệt đối” kiểu Châu Âu.
- Thì nước nào chẳng có chính sách bảo hộ mậu dịch. Mình phải biết luật chơi chứ!, Hưng chống chế
- Trước khi nhận đầu tư từ ngoài, phải biết dự đoán và bảo vệ mình.Tao thấy nền kinh tế hiện nay rất mong manh, dễ vỡ. Hiện nay chỉ số giá tiêu dùng cao hơn tốc độ tăng lương thì chất lượng nằm ở đâu ? Người dân không cần biết kinh tế tăng bao nhiêu; người ta chỉ biết lương mình trước đây mua được 200 tô phở, sau vài năm chỉ còn mua được 150 tô. Đấy là chưa kể giá nhà đất. Một người bạn của tao hai năm trước dành tiền mua một căn hộ  60 m2,  còn thiếu một 100 triệu ; năm nay cũng căn nhà khu đó, cần phải thêm 300 triệu mới mua được. Vậy về mặt xã hội, căn hộ 60 m2 đất vẫn chỉ là 60 m2,  có tăng thêm được chút nào đâu !
Nếu phát triển kiểu này thì không thể nào xuất khẩu ra thế giới và kiếm tiền của người mà chỉ có thể trấn lột dân nghèo.
- Mầy rắc rối. Suy nghĩ nhiều quá! Đời sống cao hơn thì cứ làm giàu đi. Hãy hưởng thụ.
- Không! Tao nghĩ tăng trưởng kinh tế cần phải đi đôi với phát triển xã hội. Có nơi như Bhutan không nhắc đến tăng trưởng mà nói đến chỉ số  hạnh phúc GNH[1].
- Nữa! Lại tự làm khổ mình. Này nhé, về chuyện này tao thấy nghịch lý : Nhiều quốc gia có chỉ số hạnh phúc vượt trội so với  các quốc gia tiên tiến có nền kinh tế phát triển, nhưng người dân tại các quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao vẫn có nhu cầu tìm đến và xin định cư ở những quốc gia có chỉ số hạnh phúc thấp. Hàng ngày có bao người sắp hàng trước sứ quán các nước phương Tây!
- Họ nghèo quá nên trước hết phải kiếm lấy miếng ăn….

Cuộc tranh luận đang sôi nổi thì bác Thuận đến. Ông bác sĩ già xem ra thoát tục, chẳng có gì trên cõi đời này làm ông vội vã.
- Bác đi ngang, ghé thăm Gấm xem có khỏe hay không thôi. Tới đây, thấy đang ngồi hóng chuyện, chắc là khỏe rồi ! Các anh cứ tiếp tục đi…, Bác Thuận từ tốn.

Lâm hào hứng vào cuộc tiếp…
       - Họ nghèo, nên phải kiếm miếng ăn. Họ chưa hiểu hết những gì chờ đợi họ nếu được gia nhập vào “thiên đường” ở nước người. Nhiều người Việt sống lâu năm ở Mỹ và các nước Tây phương đều đang vỡ mộng. Họ có nhiều thứ hơn xưa: điện thoại di động, xe hơi, cao ốc…mà so với thời trước đời sống căng thẳng và  thiếu hạnh phúc.  Quốc  vương Thái Lan mới đây cũng phát biểu:   "Là một con hổ không quan trọng. Điều  quan trọng là có một nền kinh tế có thể cung cấp đủ để ăn và sống".
- Nhưng chúng ta không thể tự cô lập mình. Cần phải làm giàu. Và  phải thoát cảnh nghèo đói
- Thì đúng thôi! Ngay cụ Khổng ngày xưa cũng quan tâm đến chuyện làm giầu, có lúc còn khuyến khích : “Ở một nước có đạo lý mà mình nghèo hèn thì đáng xấu hổ ; ở một nước không có đạo lý mà mình giầu sang thì đáng xấu hổ ”. Bác Thuận  tiếp lời.
- Hay quá! Đúng quá. Nghèo cũng là một cái tội. Hưng như được tiếp sức.

Bác  Thuận trầm ngâm một lát rồi  nói như tâm sự :  

- Nhưng nếu sống chỉ chạy theo vật chất là sai lầm. Hạnh phúc là sống bình an. Có lẽ vì thế mà nhiều nước đang xét lại sự phát triển của mình và  nghiên cứu kinh sách Phật giáo và triết học Đông phương.

Suốt buổi, đây là lần đầu tiên anh  lên tiếng: “ Theo con, đây là quyết định đúng đắn. Cần phải dừng lại và suy ngẫm. Chúng ta đang quá đà.”
- Chẳng những cần mà còn phải nữa. Hiện nay chúng ta đang bước vào giai đoạn cuối của thời đại kỹ nghệ đặt căn bản trên các nhiên liệu hoá thạch, trên dầu lửa, trên các loại khí đốt thiên nhiên. Nghĩa là nguồn năng lượng làm chuyển động nền văn minh kỹ thuật của các thế kỷ trước đang bắt đầu tàn lụi. Và chúng ta sắp bước vào một kỷ nguyên mới.
- Vì dầu lửa sẽ hết?
- Đúng! Ai cũng biết là nguồn nhiên liệu này có hạn. Có hạn không có nghĩa là cạn kiệt, dưới lòng đất chỗ nào cũng có, nhưng để khai thác có hiệu quả kinh tế thì từ nay sẽ càng ngày càng khó. Đã rất xa cái thời đào đâu cũng thấy dầu tràn. Vì chúng ta đã đào khắp nơi, trong lòng đất, dưới đáy biển.
- Không nhiên liệu là bế tắc. Nay mai chắc sẽ thấy người kéo xe xuất hiện trên đường phố quá! Mà tại sao con chưa thấy  nước nào có hành động cụ thể?
- Vì lòng tham và ích kỷ. Chúng ta đang sống như  không cần tương lai. Chúng ta sống như chỉ muốn hiện tại không bao giờ kết thúc. Với phương tiện hiện nay, sự vùi đầu dưới cát của các nước Âu Mỹ không thể đổ lỗi tại thiếu tiền hoặc thiếu kiến thức. Cái thiếu lúc này là một chữ Tâm làm nền tảng cho những tư duy và hành động
- Vậy theo ý bác thì tương lai sẽ ra sao? Chúng ta sẽ phải làm gì?
- Bác nghĩ là thế giới này cần tạo một cuộc cách mạng mới, một cuộc cách mạng kỹ nghệ thứ ba. Mục đích là loại bỏ nguồn năng lượng  dựa vào nhiên liệu hoá thạch và  triệt để sử dụng năng lượng tái tạo trong thế kỷ XXI. Con thấy không, mặt trời ngày nào không soi sáng thế giới. Mỗi ngày gió đều thổi vi vu trên khắp địa cầu. Từ bất cứ nơi nào trên thế giới chúng ta đều có nguồn hơi nóng dưới lòng đất và biến nó thành năng lượng không khó. Nếu sống ở vùng quê, chúng ta có thể sử dụng những phế phẩm của nông nghiệp và lâm sản. Nếu sống ở vùng biển chúng ta có thể khai thác chuyển động của sóng. Chúng ta còn có thể biến các thứ rác thải thành năng lượng. Trí tuệ nhân loại phải hướng về điều này thay vì làm điện thoại di động, TV, xe hơi, computer… đời mới. Và đây mới  là  sự thách thức cho tương lai. Bắt buộc. Mọi quốc gia thành viên đều phải tham gia . Ngoài ra chúng ta còn phải hợp lực đối phó với sự biến đổi khí hậu, điều này không chỉ có nghĩa là trái đất nóng dần lên mà còn phải quan tâm đến chế độ mưa nắng đổi thay và nền sản xuất nông phẩm nhiều nơi bị tàn phá.
-Ý tưởng tuyệt vời !

Anh  reo lên. Còn anh Hưng  và  hoạ sĩ Lâm dường như bị lôi cuốn về những ý kiến của bác.
- Nhưng có lẽ thay vì gọi là cuộc cách mạng, bác thấy nên gọi là “cuộc tiến hoá mới của loài người”. Bác hy vọng là các thế hệ tiếp nối sẽ biết là chúng ta đang đi trên con đường sai lạc và phải đổi chiều. Rất tiếc là hiện nay mỗi cá thể đều bị trói buộc bởi những chính sách thối nát, những ràng buộc vào sự giả dối của các hệ thống ngân hàng và phải chấp nhận tất cả những gì mà các chính khách và giới tài chính đang lũng đoạn và áp đặt.

Bác quay sang anh, “Bác vừa dịch một tiểu phẩm từ email của một người bạn từ Ý gửi qua. Thấy hay, nên đến đây, vừa thăm Gấm, vừa đưa cháu, xem có báo nào thích thì đăng. “Bác già rồi, tranh luận không còn sôi nổi như mấy anh chị, thôi thì nói chuyện ngụ ngôn cho ngắn gọn”, giọng ông già hóm hỉnh.

Bác rút trong túi áo mảnh giấy gấp tư đưa anh, nhưng Hưng chồm sang, cầm lấy và đọc to :
 
Thiên Đường & Địa Ngục

Một người đàn ông gặp Chúa và thỉnh cầu: “Lạy Chúa, con rất muốn biết thế nào là Thiên Đường và Địa Ngục”. Chúa dắt ông ta đến trước hai cánh cửa.Ngài mở một cánh cửa và bảo ông ta nhìn vào bên trong. Ông ta thấy, một chiếc bàn tròn thật lớn, giữa bàn bày rất nhiều thức ăn, mùi thơm phưng phức làm ông ta thèm chảy nước miếng. Nhiều người  ngồi quanh bàn, nhưng trông họ gầy gò, nước da xanh tái, bệnh hoạn. Họ có vẻ rất đói. Trên cánh tay họ gắn những chiếc muỗng nhưng cán rất dài. Họ có thể với lấy thức ăn nhưng vì cán muỗng dài hơn cánh tay nên không thể đưa  thức ăn vào miệng .
             Người đàn ông rùng mình khi nhìn thấy đau khổ của họ .
             Chúa  phán : “Con vừa nhìn thấy Địa Ngục”
 
             Sau đó  Chúa dẫn ông ta đến chiếc cửa thứ hai. Chúa mở cửa. Quang cảnh mà người đàn ông nhìn thấy vẫn giống như lần trước. Có một chiếc bàn thật lớn bày biện nhiều thức ăn làm ông ta chảy nước bọt. Nhiều người ngồi quanh bàn có những cánh tay gắn những chiếc muỗng cán dài. Nhưng  lần này ông ta thấy mọi người đều khoẻ mạnh và vui vẻ nói cười.
             Chúa phán “ Đây là thiên đường”
             Người đàn ông ngạc nhiên, “Lạy Chúa,  con không hiểu!”
- “Đơn giản thôi”, Chúa  trả lời, “những người này  biết là cán muỗng quá dài, không thể tự đút ăn cho mình được…Tuy nhiên họ có thể đút thức ăn cho người ngồi cạnh mình. Bởi vậy họ đã thực hành việc người này đút thức ăn để  nuôi người kia.  
Chúa tiếp: “ Con biết không, ta còn muốn nói thêm một điều này nữa… Trên trái đất này có đủ thức ăn để thoả mãn nhu cầu của tất cả nhưng không thể thoả mãn lòng tham lam của một nhóm người.  Những ý nghĩ của chúng ta, dù có tốt lành đến đâu cũng chỉ là những viên ngọc giả nếu nó không được biến thành hành động. Con phải là sự thay đổi mà con muốn nhìn thấy điều đó xảy ra trên thế giới[2]
- Tuyệt vời quá!
       Bác Thuận nhìn  chúng tôi và nói  thêm :
- Bác nghĩ, cuộc cách mạng duy nhất là cuộc cách mạng nội tâm. Cuộc cách mạng chuyển hoá lòng tham, giận dữ thành nhân ái, thân thiện với người và với thiên nhiên. Con người không thể sống bình an và hạnh phúc khi dùng cái ác làm phương tiện.

Bác ra về, nhưng chúng tôi ai cũng trầm ngâm về câu chuyện chiếc muỗng dài…


 Trương Văn Dân
(Trích tiểu thuyết “Bàn tay nhỏ dưới mưa”,  Phuong Nam book-nxb Hội Nhà Văn 2011-trang 345 đến 351)



[1] Gross National Happiness

[2] Mahatma Gandi