Bến
sông Thu Bồn (Ảnh internet)
Xuân đã đem mong nhớ trở về
Lòng cô gái ở bến sông kia
Cô hồi tưởng lại ba xuân trước
Trên bến cùng ai đã nặng thề…
Lòng cô gái ở bến sông kia
Cô hồi tưởng lại ba xuân trước
Trên bến cùng ai đã nặng thề…
Nguyễn Bính
Từ một ý thơ xuân,
hôm nay chúng ta cướp cả ánh thiều quang để nói chuyện Thơ, bàn về thi tính,
hay chất thơ trong từ ngữ, lấy từ bến làm ví dụ. Dĩ nhiên là còn nhiều
ví dụ khác.
*
Trong ngôn ngữ, dân
tộc nào cũng vậy, có một số từ ngữ được trọng dụng trong thi ca nhờ vào nội
hàm, có khi nhờ vào cái vỏ âm vang, giới ngữ học gọi là cái được-biểu-hiện và
cái-biểu-hiện. Nhưng chúng chỉ được trọng dụng trong một thời gian, dài hay
ngắn tùy nền văn hóa mà chúng phản ánh. Trong thời gian văn hóa này, chúng được
tiếp nhận, cảm thụ trên những tần số khác nhau, tùy từng thành phần văn hóa và
xã hội, và tùy cảm nhận cá nhân, lúc này hay lúc khác.
Cảm thụ cá nhân,
thường tình là chủ quan, nhưng việc khảo sát ngôn ngữ, có thể khách quan. Thậm
chí Yves Bonnefoy, nhà thơ, nhà nghiên cứu hàng đầu về thi ca Pháp, có lần đã
đưa ra khái niệm coefficient poétique1, hệ
số thi lượng (hay thi tính, chất thơ) của một số từ ngữ đắc dụng trong thi
ca, có khi do bản thân nó, đôi khi do văn cảnh, thì ta gọi là
« đắc ».
Yves Bonnefoy, Giáo
sư Học viện Pháp quốc (Collège de France) chức danh cao cấp nhất trong
ngành nghiên cứu Pháp, về môn Nghiên cứu đối chiếu về chức năng thi pháp
từ 1982, nối nghiệp truyền thống Paul Valéry, là chuyên gia dịch thuật
Shakespeare ra tiếng Pháp, đã đối chiếu hai ngôn ngữ Anh và Pháp để lảy ra khái
niệm hiệu số thi lượng nói trên.
Khảo sát giá trị
văn học của danh từ bến, chúng ta thử so sánh khái niệm này trong
thơ chữ Hán và chữ Việt, hai ngôn ngữ gần nhau. Bắt đầu bằng thơ chữ Hán của
Nguyễn Khuyến do tác giả tự dịch ra quốc âm. Bài Ức vọng Đội Sơn II,
được dịch ra thành Nhớ cảnh chùa Đọi2.
Hai câu luận, 5 – 6 như sau :
Kỷ tằng trúc ảnh nghi vô lộ
Hữu khách tang gian lập đãi thuyền
Hữu khách tang gian lập đãi thuyền
Dịch nghĩa:
Mấy tầng bóng tre, tưởng như không có
lối đi
Có khách giữa (bãi) dâu đứng đợi thuyền
Có khách giữa (bãi) dâu đứng đợi thuyền
Nguyễn Khuyến tự dịch:
Dặm thế ngõ đâu tầng trúc ấy
Thuyền ai khách đợi bến dâu đây
Thuyền ai khách đợi bến dâu đây
Tác giả dùng từ “bến”
không có trong nguyên tác ; cũng hợp lý, vì “đợi thuyền” thì thường ở bến.
Nhưng về mặt chữ nghĩa, trong nguyên tác không có khái niệm bến: tang gian
nghĩa là giữa (cây) dâu; vì gần sông nên có thể dùng chữ bãi, đúng nghĩa và hợp
luật bằng trắc.
Thuyền ai khách đợi bãi dâu đây
Tiếng Việt có thành
ngữ “trên Bộc trong dâu” mà Nguyễn Du đã dùng trong Kiều để dịch câu chữ
Hán “Bộc thượng tang gian” chỉ những cuộc hẹn hò tình ái bất chính. Nhưng
Nguyễn Khuyến lại đưa lên từ bến, thay vì “trong dâu”, mà không ai dám
nói là cụ dịch sai thơ mình, hay túng vần ép chữ, hay không sành chữ nôm.
Không khí cổ kính
câu thơ chữ Hán chuyển sang khí hậu thơ Việt, nhẹ nhàng, bàng bạc, sầu mộng. Về
mặt quy luật Đường thi, thì câu thơ nôm của Nguyễn Khuyến đối ngẫu không hoàn
chỉnh, mà lỏng lẻo. Chữ Hán và Việt tuy cấu trúc gần nhau, nhưng thi pháp khác
nhau: thơ Việt xuất sắc ở những hư từ: ngõ đâu… trúc ấy… thuyền ai... dâu
đây…, những âm hao luyến láy: dâu đây, ấy, ai mơ hồ mà quyến luyến.
Nhịp thơ Đường luật 4/3 là cổ điển, nhưng cách cài đặt những âm hao vào tiết
điệu câu thơ, là tuyệt vời. Câu thơ chữ Hán: nghi vô lộ khẳng định, câu
thơ nôm ngõ đâu…mơ màng giữa nghi vấn và phiếm định. Tôi chạnh nhớ sang câu
thơ Huy Cận trong Tràng giang:
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Xuân Diệu dứt khoát
cho rằng từ đâu là phủ định, đi với câu sau Không cầu gợi chút niềm
thân mật, nhưng hỏi sang chính tác giả, thì Huy Cận… không chắc!
Nới rộng nguồn thơ
như thế, là để cùng nhau thưởng thức một câu thơ hay và qua giá trị thi pháp
của từ ngữ, cùng thấy rằng từ bến ở đây, Nguyễn Khuyến, rất ý thức, đã
đặt đúng nơi và đúng lúc.
Chúng ta sẽ còn
thấy thêm nhiều ví dụ khác, qua thơ dịch Hán Việt, với ba bài nổi tiếng nhất: Phong
Kiều dạ bạc, Hoàng Hạc Lâu và Tỳ Bà Hành.
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San Tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San Tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền
(Trương K ế, Phong Kiều dạ bạc)
Bản dịch quen thuộc
nhất, gốc của Nguyễn Hàm Ninh (1808-1867) thường bị gán nhầm sang Tản Đà, hai
lần dùng chữ bến không có trong nguyên văn:
Trăng tà chiếc quạ kêu sương
Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bếnCô Tô
N ửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San 3
Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến
N
Riêng với tên Cô Tô
nhiều dịch giả nổi tiếng như Tản Đà, Ngô Tất Tố, Trần Trọng Kim đều thêm vào
chữ bến, là không sát, vì Cô Tô, nay gọi là Tô Châu, thuộc tỉnh Giang
Tô, là một thành phố trên cao, ngày xưa tương truyền vua Ngô đã dựng đài cho
Tây Thi. Nhưng vì nguyên tác có chữ “bạc” (ghé thuyền) và chữ “thuyền”, nên
dùng danh từ bến là hợp lý, tuy vẫn là thêm vào nguyên tác. Câu này sẽ
phái sinh:
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó…
của Hàn Mạc Tử; hay ca từ trong Phạm
Duy :
Thuyền tôi đậu bến sông Lô
Nửa đêm nghe tiếng…
Nửa đêm nghe tiếng…
Điển cố còn gợi ý cho Quách Tấn:
Trời bến Phong Kiều sương thấp thoáng
Nhà thơ dùng chữ bến
cho một địa danh có nghĩa là cầu (kiều) có trồng cây phong; học giả người Pháp,
Demiéville dịch ra là “Pont de l’érable”.
Ví dụ phổ biến tiếp theo là bài Hoàng
Hạc Lâu của Thôi Hiệu, với hai câu 5-6:
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Trong nguyên tác, không có chữ nào có
nghĩa là bến, nhưng trong bản dịch của Ngô Tất Tố, bậc thầy trong nghề dịch:
Vàng gieo bến Hán ngàn cây hửng
Xanh ngụt châu Anh lớp cỏ dày.
Xanh ngụt châu Anh lớp cỏ dày.
Nhà thơ Vũ Hoàng Chương, một bậc thầy của thi ca, trước
khi lià đời, đã “chuyển ngữ” bài thơ để gửi gắm tâm tư, cuối năm 1975:
Cây
bến Hán Dương còn nắng chiếu
Cỏ bờ Anh Vũ chẳng ai chơi.
Cỏ bờ Anh Vũ chẳng ai chơi.
Chữ bến dựa theo phong cảnh và ý nghĩa trong
nguyên tác, nhưng vẫn là một sáng tạo. Nó tạo thêm âm hưởng cho câu thơ, như
con thuyền cập bến vừa khi.
Bài thơ dịch Hán
Việt nổi tiếng thứ ba là Tỳ Bà Hành của Bạch Cự Dị, bản dịch được truyền
tụng nhất do Phan Huy Th ực,
xưa kia ghi là do Phan Huy V ịnh,
tuyệt trần ngay từ câu đầu:
Bến Tầm dương canh
khuya đưa khách
Nguyên tác:
Tầm dương giang đầu
dạ tống khách
Dịch sát ta sẽ có:
“Đầu sông Tầm dương đêm tiễn khách”, sát và êm tai nhưng không hay. Có người
nêu lên tính cách tượng hình của âm thanh: bến và khách là hai âm
trắc, dấu sắc, đầu và cuối câu, đóng khung cho năm âm bằng liên tiếp, là hình
ảnh hai bên bờ sông cao hơn mặt nước, tượng hình cái bến. Giải thích như thế,
dù có khiên cưỡng, cũng được nhiều người thích thú. Trong bản dịch còn có câu
hay:
Thuyền không đỗ bến mặc ai
Quanh thuyền trăng dãi nước trôi lạnh lùng
Quanh thuyền trăng dãi nước trôi lạnh lùng
Chữ bến dịch
từ “giang khẩu” trong nguyên tác, nghĩa na ná, nhưng âm vang có khác, do duyên
nợ ba sinh vốn có trong tiếng Việt, giữa bến và thuyền.
Dẫn chứng những bản
dịch Việt Hán, mà chỉ nói đến thơ Đường, không nhắc đến ví dụ trong văn ta, như
Chinh Phụ Ngâm, là thiếu sót. Nguyên tác chữ Hán của Đặng Trần Côn,
nhiều bản dịch ra quốc âm, phổ biến nhất là bản Phan Huy Ích, thường được gán
cho Đoàn thị Điểm. Câu nhiều người thuộc:
Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại
Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang
Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang
Nguyên văn:
Lang cố thiếp hề, Hàm Dương
Thi ếp cố lang hề, Tiêu Tương
Thi
Rõ ràng là không có ý “bến », và
hai câu tiếp theo nói đến khói Tiêu Tương, sông Tiêu Tương
Tiêu Tương yên trở Hàm Dương thụ
Hàm Dương thụ cách Tiêu Tương giang
Hàm Dương thụ cách Tiêu Tương giang
Bản dịch, lần này chính của Đoàn thị
Điểm, theo khảo sát văn bản của Hoàng Xuân Hãn:
Bến Tiêu Tương mấy hàng khói tỏa
Cây Hàm Dương bóng lá ngất đầu 4
Cây Hàm Dương bóng lá ngất đầu 4
Nghiệm cho cùng
dịch sát, dò theo từng chữ một, cũng không phải là khó, chỉ cần đổi hay dời một
đôi chữ trong các ví dụ trên đây; bạn đọc có thể làm thử. Nhưng các dịch giả
toàn là bậc tài danh, họ dùng từ bến, có khi tự nó đến, đến chỗ ấy, khi
ấy; có khi vì trong tiếng Việt từ bến có ngân vang mà chữ Hán, những
giang đầu, giang tân, giang khẩu, độ đầu, cổ độ…không gợi lên, nghĩa là từ bến
bản thân nó có một “hệ số thi lượng” cao như Bonnefoy đã nói. Do đó bản nôm
Chinh Phụ Ngâm có rải rác nhiều từ bến, có thể là một công cụ dịch thuật
thuận lợi cho thi pháp.
Chất thơ có khi nhờ
vào vỏ ngôn ngữ, cái biểu hiện, âm chấn mà nhà bác học Gaston Bachelard gọi là
“giá trị phát âm” (valeur vocale) “một đức tính xướng ngôn hoạt động trên
bậc thềm những mãnh lực của giọng nói” mà Edgar Poe gọi là mãnh lực của
lời nói 5.
Ông viết điều này
trong sách kinh điển La poétique de l’espace (Thi tính của không gian),
khi nhận xét về tính từ vaste (rộng, bao la, bát ngát) trong thơ
Baudelaire: từ này được sử dụng nhiều lần, nhưng ít khi trong nghĩa khách quan
của nó, mà thường do âm hưởng nội tâm. Thậm chí, trong từ vaste, nguyên
âm a đã là “nguyên âm của bao la”6.
Chúng ta chợt nhớ cảnh lầu Ngưng Bích: bốn bề bát ngát xa trông… Và lưu
ý đến nguyên âm ê trong ca dao:
Thuyền về thuyền nhớ bến chăng
Bến thì một dạ khăng khăng nhớ thuyền
Bến thì một dạ khăng khăng nhớ thuyền
Từ bến, sau
nghĩa khách quan, có thể để lại một âm hao ngân vọng trong tâm tưởng, trong
thơ, như ta đã thấy, và còn thấy rõ hơn nữa qua ca từ của tân nhạc: Con
thuyền xa bến…, con thuyền không bến…, bến ấy ngày xưa. Và đặc biệt là
trong bài Chuyển Bến của Đoàn Chuẩn.
Bến
là nơi tiếp xúc giữa đất liền và nước, nước sông, hồ hay biển; bến là
một thiên nhiên được chỉnh trang để giặt giũ, tắm rửa hay lấy nước. Nghĩa đến
sau, ngày nay thông dụng hơn là: nơi thuyền bè ghé vào, dần dà ẩn dụ thêm ý
nghĩa đưa tiễn, mong chờ, đón đợi. Những ra đi mong có ngày về. Hay không hẹn
ngày về
Sen xa hồ sen khô hồ cạn
Lựu xa đào lựu ngả đào nghiêng
Em xa anh như bến xa thuyền
Như Thúy Kiều xa Kim Trọng biết mấy niên cho tái hồi
Lựu xa đào lựu ngả đào nghiêng
Em xa anh như bến xa thuyền
Như Thúy Kiều xa Kim Trọng biết mấy niên cho tái hồi
(Ca dao Bình
Trị Thiên)
Đất và nước, thủy thổ, là hai yếu tố cơ bản cho đời sống, vật chất và
tâm linh. Nhưng nếu chỉ có giao tiếp giữa đất và nước, thì mới nên bờ chứ chưa
thành bến: bến là thêm sự hiện diện của con người. Có thể nói: bến là
cuộc hôn phối giữa đất và nước do con người môi giới. Sông biển làm xa cách, bến
là thành tựu của con người vượt thiên nhiên để đến gần nhau, từ làng này sang
làng khác, rồi từ nước nọ sang nước kia. Làm cho “ những đất đai, những chân
trời gần lại” theo lời thơ Văn Cao, 1956.
Làng quê Việt Nam bình dị, ít danh lam thắng cảnh; nông dân Việt Nam gắn
bó với bờ ruộng, lũy tre, ít xê dịch, ngao du, trong những phương tiện giao
thông giới hạn. Do đó, bến đò đã là biên cảnh, rồi phong cảnh, dần dà trở thành
tâm cảnh. Bến là cánh cửa mở ra thế giới, cho những ước mơ, nhưng đồng
thời cũng khép lại những phương trời viễn mộng.
Nguyễn Minh Châu có tập truyện tên Bến quê lấy tiêu đề từ một
truyện ngắn, chắc là ông tâm đắc. Nhân vật tên Lũy, là một “người cha sắp từ
giã cõi đời, đang dấu một tâm sự bí mật gì đó trong cái vẻ lúng túng”. Anh
nắm liệt giường, phải có người đỡ dậy để nhích “từ mép tấm nệm nằm ra mép
tấm phản” bậu vào cửa sổ để nhìn xuống sông Hồng. Cao hứng anh bảo đứa con
trai xuống đò sang bên kia sông “chẳng để làm gì cả. Đi chơi loanh quanh,
ngồi xuống nghỉ ngơi ở đâu đó một lát rồi về”. Kỳ thật, Lũy chỉ muốn nhìn
theo đứa con, hình ảnh của chính mình, ra bến đò, xuống đò, sang sông. Và để
nhìn ngắm bến đò “một giải đất đứng bên này, một đám đông khách đợi đò.
Người đi bộ, người dắt xe đạp. Một vài tốp đàn bà đi chợ về đang ngồi kháo
chuyện hoặc xổ tóc ra bắt chấy !!”. Cảnh tượng như thế thì lấy gì làm hấp
dẫn ? “Họa chăng chỉ có anh đã từng trải, đã từng in gót chân khắp mọi chân
trời xa lạ mới nhìn thấy hết sự giàu có và mọi vẻ đẹp của một cái bãi bồi sông
Hồng ngay bờ bên kia, cả trong những nét tiêu sơ, và cái điều riêng anh khám
phá, thấy giống như một niềm mê say pha lẫn với nỗi ân hận, đau đớn, lời lẽ
không bao giờ giải thích hết”. 7
Phải gắn bó với
nông thôn xưa, với những bến đò, với quê hương khốn khó, mới thẩm thấu điều
riêng, niềm mê say lẫn với nỗi ân hận trước một bờ sông, một bến đò của
nhân vật Lũy, hình ảnh của tác giả Bến quê.
Trong tiểu thuyết Đôi
Bạn, 1939, Nhất Linh cũng đã cho nhân vật Dũng, trước bến đò Gió, thốt lên:
cảnh bến đò bao giờ cũng buồn, nhưng không phải vì cảnh biệt ly,
“nỗi buồn ấy
có một duyên cớ sâu xa hơn (…), Dũng thấy là hình ảnh của cuộc đời…, những
khách bộ hành, một buổi chiều đông, qua bến đò,in bóng trong chốc lát trên dòng
nước trắng của cuộc đời chảy mãi không ngừng(…). Buồn nhất là những cái quán xơ
xác của các bến đò. Mình là những cái quán ấy, đứng yên trong gió lạnh nhìn
cuộc đời trôi qua trước mắt”
(Đôi Bạn, tr 68 bản Hương Anh, Paris,
1951, tr 57 bản Văn Mới, Califorrnia, 2010)
Nhất Linh có thể
đồng cảm với nỗi ân hận đau đớn nửa thế kỷ sau của Nguyễn Minh Châu: họ
cùng là những tác gia lớn lao vì tài năng và vì tác phẩm đậm đà tình người.
Tình người không nhất thiết phải gồm cả tình quê. Nhưng tình quê thì ắt phải có
tình người.
Bến quê,
nghe theo cách nào đó, là hai từ trùng lặp ý: mỗi Quê là một Bến.
Ra đi và trở về. Ra đi từ bến sông Thương của Anh Thơ, để Trở về bến
mơ, bài hát của Ngọc Bích. Hạnh phúc của Ulysse không phải là cuộc phiêu
lưu dài, đầy chiến công và thành tích, mà là buổi trở về, bến xưa thềm cũ, nơi
có con chó già nhận diện được cố nhân.
Nhà thơ Đặng Đình
Hưng, muốn cách tân thơ đã sáng tác một thi phẩm tân kỳ đến bí hiểm, nhưng chọn
một tiêu đề đơn giản: Bến lạ (1991), hình ảnh được lặp lại nhiều lần như
một điệp khúc trong ngôn từ hiện đại:
Tôi ghé Bến lạ cắn một quả vả và những
kỳ lạ
Màu xanh chưa chín…
Màu xanh chưa chín…
Và kết thúc bài thơ:
Đời jì
Sao cứ đi đi những cái vali cứ về
Bến lạ !
Sao cứ đi đi những cái vali cứ về
Bến lạ !
Như vậy thơ dù cách
tân đến đâu vẫn cần buông neo vào một hình ảnh thân thuộc, tạo tính cách đồng
thuận, ở đây là cái bến.
Mộng đầu sông
mưa ngâu
thuyền bến cũ…
mưa ngâu
thuyền bến cũ…
(Thu điếu)
Hay tân kỳ hơn:
Em đời bến nước tên em mát
Đ ội mắt em qua mấy nắng rồ…
Đ
(Vào hè).
Tập Bên kia sông Đuống của
Hoàng Cầm, ấn bản 1993, mở ra với bài Cỏ Bồng Thi bắt đầu bằng:
Chị đưa Em đến bến này
Cheo leo mỏm đá
Trước vực
Sau khe
Thòng lọng tơ gì quấn gót
Cheo leo mỏm đá
Trước vực
Sau khe
Thòng lọng tơ gì quấn gót
Cũng là một bến…lạ.
Vì bến thì phải nơi bằng phẳng cho người xuống thuyền. Có lẽ từ bến tự
đến với Hoàng Cầm, trên hài âm lãng đãng của nó.
Nếu Lưu Trọng Lư có
lần ví mắt em là một dòng sông, thì Hoàng Cầm ví hàng mi với cái bến,
cũng không có gì là trái lý:
Ngày em ngủ bến mi ánh nắng đọng
Chiều em đi không quá một vòng tay.
Chiều em đi không quá một vòng tay.
(Ngẩn ngơ)
Hoàng Cầm đã đi xa
lắm, rời xa những bến khói sương… bến sông xa… Nếu anh còn trẻ…
(1943). Có người còn nhắc câu này của ông:
Anh nhớ em đôi mắt trong như ngọc
Đã mờ phai sương khói bến thu xa
Đã mờ phai sương khói bến thu xa
Hỏi lại thì Hoàng Cầm… không nhớ !!!.
Cùng một chuyến đò,
còn có Phùng Cung. Đi vắng nhà đằng đẵng mười hai năm, khi trở về, 1972, ông
không còn tìm thấy “ bến cũ” như Lê
Đ ạt, nhưng vẫn nhận ra quê xưa từ những sợi lạt bó rau:
Bạc tóc trở về quê
Bỡ ngỡ tìm đò bến mới
Nhìn dáng lạt bó rau
Nhận được người làng
Bỡ ngỡ tìm đò bến mới
Nhìn dáng lạt bó rau
Nhận được người làng
(Người làng)
Nhận ra thôn làng , dễ hơn nhận ra
người làng. Con người khó nhận ra nhau hơn phong cảnh.
Sợi lạt bó rau càng khó nhận ra.
Vậy cái bến
có thể nằm im lìm như bến My Lăng, bến Cộ, những bến đợi dưới
cây già đâu đó, nhưng từ bến thì lại lênh đênh theo thời gian, nổi
trôi theo thời cuộc. Chỉ trong tác phẩm Văn Cao thôi, thì cái Bến Xuân,
bến Bính bên Sông Cấm mộng mơ năm 1942 đã khác với cảnh ai qua bến nắng hồng
với những bóng người sầm uất bến Then bên bờ sông Lô, 1947. Từ bến cảng
Hải Phòng những ngày tranh đấu 1945, Mỗi ngày mồng một tháng năm… Tàu
đứng chết trên bến, cho đến ngày giải phóng 1954, khách nước ngoài đầu
tiên vào bến… chúng tôi hôn nhau… những đất đai, những chân trời gần lại… (Những
người trên cửa biển, 1956).
Muốn đạt tới niềm
vui huynh đệ ấy, con người phải đi qua một cái bến vùng cao, như Nguyễn Đình
Thi đã đi qua, 1950 khi tìm viếng mộ bạn là nhà vănTrần Đăng đã hy sinh trên
chiến trường biên giới Lạng Sơn, trước đó chưa lâu:
Qua bến sông quen tôi về đây
Tìm mộ anh nơi ven núi cũ
Tôi ngắt những hoa rừng tím đỏ,
Ngắt nhiều hoa nữa nhiều trên tay
Tìm mộ anh nơi ven núi cũ
Tôi ngắt những hoa rừng tím đỏ,
Ngắt nhiều hoa nữa nhiều trên tay
(Hoa rừng)
Nhưng rồi cũng có
cái bến nằm ngoài thời gian, im lìm mà vẫn linh động, trong một bài tứ
tuyệt Phạm Tiến Duật làm 1969, thời cao điểm của chiến tranh, mô tả tâm trạng
một người lính lái xe :
Cái vết thương xoàng mà đưa viện
Hàng còn chờ đó tiếng xe reo
Nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến
Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo.
Hàng còn chờ đó tiếng xe reo
Nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến
Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo.
(Nhớ, trích từ Vầng trăng và những
quầng lửa, 1983, tr 27)
Trong bài này, chữ
“bến” chỉ bãi đậu xe vận tải. Nhưng trong tâm tưởng người đọc, bến đây là bến
thuyền, ngang mặt sông khi nhìn nghiêng từ khoang thuyền, đối lập với mặt trăng
trên cao, như trong cảnh:
Cắm thuyền sông lạ một đêm thơ
Trăng thượng tuần cao sáng ngập bờ
Đâu đó Tầm Dương sầu lắng đợi
Nghe hồn ly phụ khóc trên tơ…
Trăng thượng tuần cao sáng ngập bờ
Đâu đó Tầm Dương sầu lắng đợi
Nghe hồn ly phụ khóc trên tơ…
(Vũ Hoàng Chương)
và cách luyến láy,
vừa tiếp nối vừa đối lập: nằm ngửa nhớ… nằm nghiêng nhớ… của Phạm Tiến
Duật thật tài hoa, trong một bài thơ ngắn thuộc loại hay nhất thời chiến tranh,
không khỏi nhắc đến nguồn thơ cổ trong Lý Bạch:
Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương.
Đê đầu tư cố hương.
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương.
Cúi đầu nhớ cố hương.
Một từ ngữ có thể
có giá trị trong giai đoạn, và giá trị đó thay đổi theo thời gian văn hóa,
nhưng cái vốn văn hóa thì tồn tại dài lâu trong tâm thức con người, cho nên,
ngày nay, độc giả vẫn còn thích thú tìm lại trong thơ Hoài Khanh cái bến
xa xôi trong hoài niệm:
Em thì vẫn nụ cười xanh mắt biếc
Màu cô đơn trên suối tóc la đà
Còn gì nữa với mây trời đang trắng
Đã vô tình trôi mãi bến xông xa
Màu cô đơn trên suối tóc la đà
Còn gì nữa với mây trời đang trắng
Đã vô tình trôi mãi bến xông xa
Hay cái bến diệu vợi, vời vợi ước
vọng, trong cùng một bài thơ:
Quá khứ đó dòng sông em sẽ ngủ
Giấc chiêm bao nguyên vẹn có bao giờ
Ta sẽ gặp trong ý tình vũ bão
Con thuyền hồn trở lại bến hoang sơ
Giấc chiêm bao nguyên vẹn có bao giờ
Ta sẽ gặp trong ý tình vũ bão
Con thuyền hồn trở lại bến hoang sơ
(Ngồi lại bên cầu, trong tập Thân
Phận, 1962)
Bến là ngoại cảnh,
mà cũng là tâm cảnh. Bến là thực tại mà cũng là hoang tưởng. Là không gian cùng với thời gian trong hiện tượng
luận. Bến là thời gian ngoài thời gian, như trong bài thơ Đăng Trình của
Vũ Hoàng Chương:
Bao
nhiêu hạt cát bến sông này,
Đã bấy nhiêu ngàn thế kỷ nay,
Ta vượt ngàn năm đường ánh sáng,
Đi từ vô tận đến nơi đây.
Đã bấy nhiêu ngàn thế kỷ nay,
Ta vượt ngàn năm đường ánh sáng,
Đi từ vô tận đến nơi đây.
Bến đây có thể
là một Cõi Về, vào một kiếp khác, và đâu đó, cũng là một Bến Quê:
Đêm
đêm ta dõi mấy tầng cao,
Tìm một không gian mới lạ nào,
Lấp lánh Quê Trời thơ hẹn bến,
Giam mình Quê Đất mãi hay sao ?
Tìm một không gian mới lạ nào,
Lấp lánh Quê Trời thơ hẹn bến,
Giam mình Quê Đất mãi hay sao ?
Bài thơ này Vũ Hoàng Chương cảm hứng từ những thành tựu khoa học không
gian, những phi thuyền đầu tiên mà loài người phóng lên thám hiểm vũ trụ, 1957,
có đoạn lồng lộng thi tứ:
Này
lúc vèo qua hệ thái dương
Ném sau ngàn lửa đóm kim cương,
Mạn phi thuyền cháy lên hừng hực
Ta gõ mà ca: thiên nhất phương…
Ném
Mạn phi thuyền cháy lên hừng hực
Ta gõ mà ca: thiên nhất phương…
Phi thuyền hực cháy, nhà thơ ngồi trong đó, mà vẫn an nhiên “gõ mà ca”
thơ Tô Đông Pha: vọng mỹ nhân hề…thì quả là ngang tàng, hào sảng, siêu
thoát. Bài thơ tuyệt diệu, đưa khoa học vào chân trời mơ mộng, làm giao điểm
giữa kỹ thuật và thi ca.
Bến là một tâm cảnh đã nằm sâu trong tiềm thức cộng đồng, có khi không
ai nhắc đến mà ta vẫn nhớ, như trong câu thơ nổi tiếng của Xuân Diệu:
Đã
nghe rét mướt luồn trong gió,
Đã vắng người sang những chuyến đò.
Đã vắng người sang những chuyến đò.
Trong câu thơ, nào có chữ bến nào đâu, sao mà ta vẫn thấy ? Thế thì cái
bến nằm ở đâu ? Xin thưa nó nằm ở chỗ ngắt câu 4/3, khi giọng người chậm lại,
chùng xuống
Đã vắng người sang
- những chuyến đò..
- những chuyến đò..
Trở về lý thuyết cơ bản của thi pháp: mọi kỹ thuật hình thức đều tiềm ẩn
nội dung của nó. Điều cơ bản, nhưng không phải lúc nào, và ai ai cũng nhận ra.
*
Bến quê… Mỗi quê hương là cái bến trong trí nhớ. Nhớ một bến quê ngày
xuân trong thơ Nguyễn Trãi: Trại đầu xuân độ (Bến xuân đầu trại):
Độ
đầu xuân thảo lục như yên
Xuân vũ thiêm lai thủy phách thiên
Dã kính hoang lương hành khách thiểu
Cô châu trấn nhật các sa miên.
Xuân vũ thiêm lai thủy phách thiên
Dã kính hoang lương hành khách thiểu
Cô châu trấn nhật các sa miên.
Xuân Diệu dịch
tài tình, vừa sát ý vừa thoát lời, dịp Tết 1977:
Cỏ
xuân đầu bến xanh như khói
Thêm hạt mưa xuân nước vỗ trời
Đường nội vắng xa, hành khách ít
Thuyền côi gác bãi suốt ngày ngơi.
Thêm hạt mưa xuân nước vỗ trời
Đường nội vắng xa, hành khách ít
Thuyền côi gác bãi suốt ngày ngơi.
Trong Quốc
Âm thi tập, Nguyễn Trãi một đôi lần đã có dùng từ bến:
Bến
trúc đường thông cảnh cực thanh…
Bến liễu mới dời thuyền chở nguyệt…
Bến liễu mới dời thuyền chở nguyệt…
Sau đó là
trong Hồng Đức quốc âm thi tập:
Bãi
tạnh thuyền ai bến liễu dời.
Có lẽ đây là những « bến » nôm đầu tiên trong thơ quốc âm. Cần
lưu ý đến cụm từ « thuyền ai » thường trở đi trở lại trong thơ
ta, nhờ nội hàm và âm giai, như trên đã nói.
Hình tượng
bến, thịnh hành trong phong trào Thơ Mới. Nguyễn Bính, 1938, đã có nhịp thơ lạ:
Hôm
nay, dưới bến xuôi đò
Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau
Anh đi đấy, anh về đâu
Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm.
Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau
Anh đi đấy, anh về đâu
Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm.
Một hơi thơ
buồn bã mở đầu tập Rau Tần của Trần Huyền Trân :
Mưa
bay trắng lá rau tần,
Thuyền ai bốc khói xa dần bến mưa,
Có người về khép song thưa
Để rêu ngõ trúc tương tư lá vàng.
Thuyền ai bốc khói xa dần bến mưa,
Có người về khép song thưa
Để rêu ngõ trúc tương tư lá vàng.
(Thu, 1939)
Tâm trạng u
uất một thời, qua đoạn thơ Vũ Hoàng Chương mà nhiều người biết:
Lũ
chúng ta đầu thai nhầm thế kỷ,
Một đôi người u uất nỗi chơ vơ,
Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị,
Thuyền ơi thuyền xin ghé bến hoang sơ.
Một đôi người u uất nỗi chơ vơ,
Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị,
Thuyền ơi thuyền xin ghé bến hoang sơ.
(Phương xa,
1940)
Hay Lưu Trọng
Lư ngất ngưởng, trên báo Hà Nội Tân Văn, số 13 ngày 9-4-1940:
Ước
gì ta có ngựa say
Con sông bên ấy bên này của ta.
Trời cao, bến lặng, bờ xa
Lao đao gió sậy, la đà dặm trăng…
Con sông bên ấy bên này của ta.
Trời cao, bến lặng, bờ xa
Lao đao gió sậy, la đà dặm trăng…
Bài này khi in
lại trong Tuyển Tập Lưu Trọng Lư, 1987, thì văn bản vừa thiếu sót vừa…vớ vẩn,
tr.64:
Ta say ngựa cũng la đà ( ???)
*
Quê tôi cũng lắm
bến, nhiều đò. Đò dọc, đò ngang, những bến đò hiu hắt chiều sông, nay
chỉ thấp thoáng trong hoài niệm của một người bạn trẻ, – cũng là xấp xỉ cổ lai hy
– đồng hương, nhà thơ Uyên Hà, mới gửi đến tôi:
Chị ơi chiều đến em say khướt
Như những chàng trai lỡ hẹn về
Chị ơi, trong bóng chiều thổn thức
Vẫn sáng vô cùng một bến quê.
Như những chàng trai lỡ hẹn về
Chị ơi, trong bóng chiều thổn thức
Vẫn sáng vô cùng một bến quê.
Không cứ gì một Uyên Hà, trong chúng
ta đã có bao nhiêu khách tình xuân, cùng với Nguyễn Bính, đã
Đi biệt không về với bến sông
Đi biệt không về với bến sông
Riêng với tôi, sau
cuộc sum vầy, họp bạn trên báo hôm nay, trong mùa xuân này, trên Bến Xuân
này, sẽ còn ngân dài một giọng hò mái nhì, mái đẩy, đâu đó, đâu đây, sâu lắng,
vắng xa:
Tình về Đại Lược,
Duyên ngược Kim Long
Đến đây là chỗ rẽ của lòng
Gặp nhau còn biết trên sông bến nào.
Duyên ngược Kim Long
Đến đây là chỗ rẽ của lòng
Gặp nhau còn biết trên sông bến nào.
Đặng Tiến
Xuân Ất Mùi
2015
1
Yves Bonnefoy (sinh 1923), trong Un Rêve fait à Mantoue, 1967, nxb
Mercure de France. Gallimard in lại trong loại sách bỏ túi : L’Improbable
et autres essais, tr. 256-257, 1992, Paris.
2
Thơ văn Nguyễn Khuyến, tr. 102 và 385, nxb Văn Học, 1971, Hà Nội, Thi
hào Nguyễn Khuyến đời và thơ, tr. 457-462, nxb Giáo dục, 1994, Hà nội. Núi
Long Đội, tức núi Đọi thuộc tỉnh Nam Hà.
7
Nguyễn Minh Châu, Bến quê, tr.61-64, nxb Tác Phẩm mới, 1985, Hà Nội.
Truyện ngắn 8 trang, viết tháng 7-1983. Đọc thêm bình luận về bài này của Tôn Phương Lan , Phong
cách nghệ thuật NMC, tr.125, nxb Khoa học Xã hội, 1999, Hà Nội.