Friday, March 13, 2015

116. BAN MAI Mang Viên Long - Một thế hệ buồn…


BAN MAI
Mang Viên Long - 
Một thế hệ buồn…

Lần đầu tiên tôi nghe tên ông, là lúc nhà văn Nguyễn Mộng Giác về thăm quê nhà, ông hỏi tôi có biết địa chỉ nhà văn Mang Viên Long, nghe nói bây giờ đang sống ở An Nhơn, Bình Định. Tôi là kẻ hậu sinh, ngày ông thành danh tôi chỉ là một đứa bé, khi tôi lớn lên ông đang sống trong im lặng, làm sao tôi biết được. Cái duyên gặp tình cờ khi tôi và ông cùng viết cho tạp chí Quán Văn Sài Gòn. Và thân tình từ đó.

Mang Viên Long là một người viết sớm, từ những năm còn đi học đã có bài đăng trên tạp chí Văn, Bách Khoa, Khởi hành, Ý thức... Chỉ trong vòng 4 năm từ 1969 đến 1972 ông xuất bản 5 đầu sách gồm 4 tập truyện ngắn, 1 tập tùy bút. Cuốn truyện đầu tiên “Trên đỉnh sa mù” ra mắt năm 1969. Là một cây bút đang lên, ông đột ngột ngưng viết khi thời cuộc thay đổi, và hơn 20 năm sau mới viết lại với độ sung sức đáng kinh ngạc. Bắt đầu năm 2003 ông xuất hiện với tập truyện “Biển của hai người”, và trong vòng 10 năm, ông cho ra đời 16 tập truyện ngắn, phê bình, tạp bút. Những năm gần đây, trung bình hàng năm ông xuất bản 2 đến 3 đầu sách. Có lẽ 30 năm im lặng, chiêm nghiệm cuộc đời, những ẩn ức dấu kín được dịp tuôn trào, ông viết không ngưng nghỉ.

Mang Viên Long là nhà văn trung thành với lối viết cổ điển, thiên về hiện thực. Thời gian trong truyện của ông thường là thời gian tuyến tính, không gian là những miền quê nghèo khó trên dãi đất miền Trung. Với giọng văn mộc mạc bình dị nhà văn kể về những cuộc đời bé mọn của kiếp người. Đặc biệt hệ lụy của chiến tranh bàng bạc trong từng phận người, chúng ta có thể tìm thấy trong “Nỗi khổ không rời, Hai trường hợp một cuộc tình, Trên đỉnh tháp chuông, Mấy ngày trước giáng sinh…” hoặc những chuyện tình luôn có kết thúc tan vỡ trong “Bóng mây ngày cũ, Quán café Tulip”, hay tìm lại một thời đã qua trong “Ngôi nhà mùa hè”.

Đọc truyện của Mang Viên Long, điều đọng lại trong tôi là một chữ tình, mặc dù nhân vật chính của ông lúc nào cũng là kẻ thất thế, người thua cuộc, mang nặng nỗi buồn, với một cuộc đời cô độc, nghèo khó, không gia đình, mồ côi cha mẹ…tuy nhiên, không phải vì vậy mà ông nhìn đời với lòng thù hận, trái lại là một tấm lòng “thàng hậu” của người dân xứ Nẫu.

Trong “Hai trường hợp, một cuộc tình” Ngạn là sinh viên năm 3 tại Trường Kỹ thuật Phú Thọ Sài Gòn, đang học thì phải nhập ngũ bởi lệnh tổng động viên năm 1972. Năm 1973 huấn luyện xong ra trường, Ngạn làm lính với cấp bậc chuẩn úy, hai năm sau chiến tranh kết thúc anh bị bắt làm tù binh và đi học tập cải tạo. Ra tù, không gia đình, không biết nương tựa vào đâu, Ngạn xin đi học làm thợ sửa máy may kiếm sống. Cuộc sống tưởng chừng êm ấp khi Ngạn lấy Kiều và có con, chồng sửa máy may, vợ may vá cũng đắp đổi qua ngày. Nhưng rồi nghề sửa máy may ế khách, cô vợ có điều kiện bằng cấp và lý lịch hơn, được ông chú làm ở phòng giáo dục gợi ý theo học lớp sư phạm, chỉ cần ly hôn với anh chồng (lính ngụy) thì cô vợ sẽ đổi đời…chuyện gì đến rồi phải đến và cả hai ra tòa ly hôn.

Hay trong truyện ngắn “Quán bên sông” nhân vật Đệ có người cha bị bắt đi lính rồi mất tích, mẹ và đứa em gái chết vì bom nổ, Đệ được dì nuôi ăn học, người dì cũng ở giá vì người tình đi lính chết trận. Sau năm 1975, Đệ lớn lên học giỏi, thi đỗ vào Đại học Y khoa nhưng không được đi học vì lý lịch gia đình lính ngụy. Không nản chí, Đệ kiếm việc đi làm rồi vừa làm vừa học, cuối cùng ra trường cưới vợ ở thành phố. Những tưởng cuộc đời sẽ hạnh phúc về sau không ngờ cô vợ đòi ly dị. “Người con trai chán nản, về lại quê nhà, hàng ngày ngồi bên quán ven song thấy cuộc đời trống rỗng. Gần ba năm – hơn một ngàn ngày đêm nhìn thời gian lờ lửng trôi qua đời mình. Đệ càng nhận ra nỗi cô đơn vô vị tẻ lạnh của cuộc sống phù du ngắn ngủi. Những khổ đau đã quấn vào đời anh ngay từ ngày anh vừa mới bước đi chập chững... Đệ trở về nơi đây – quanh quẩn trong ngôi nhà dì Cát như một sự cùng đường - một bến bờ phải neo lại cho đám rong bèo bồng bềnh truân chuyên” …

Với lời kể bình thản của tác giả, bạn đọc cũng thấy lòng mình trống trải như nhân vật trong truyện. Chiến tranh kết thúc nhưng những phận người của bên chiến bại, vẫn không thoát khỏi vòng kim cô “lý lich”, hệ lụy của chiến tranh vẫn là nỗi đau, nỗi ám ảnh đè nặng trên từng con người, không những là nỗi khổ cho người tham chiến, mà kể cả những đứa trẻ không hề liên quan cũng bị “lý lịch” đè nặng. Chính cách hành xử thiếu nhân bản này đã đẻ ra bao vết thương không lành miệng cho đến ngày hôm nay.

Phải chăng vì mồ côi cha mẹ từ nhỏ, cuộc sống riêng cũng nhiều đỗ vỡ nên nhà văn Mang Viên Long luôn khao khát tình yêu gia đình. Tình nghĩa vợ chồng được ông chăm chút trong truyện ngắn “Sáu Bẹo”. “Sáu Bẹo” kể chuyện một người đàn ông đi lính, có vợ ở nhà sinh 6 đứa con. Mặc dù biết những đứa con sau chưa chắc là con mình khi ông đi lính xa nhà, và rồi đi học tập cải tạo, nhưng ông vẫn một mực yêu thương, bỏ qua những lời đàm tiếu của lối xóm. “Điều làm cho cả xóm Thượng Tây thường xầm xì bàn tán là nét mặt mỗi đứa, đều rất giống những người đàn ông trong xóm Thượng Tây này! Giống đến nỗi như khuôn đúc vậy. Từ khuôn mặt, chân tay, dáng vóc như “ cắt để” vào, không lẫn vào đâu được. Có lẽ Sáu Bẹo cũng nhận ra điều lạ thường ấy trước tiên, nhưng ông không hề mở miệng. Vẫn yêu thương, chăm sóc – lo lắng từng miếng ăn, tấm áo, ốm đau – cho đến chuyện học hành của các con, như nhau. Ra khỏi nhà, đi làm – Sáu Bẹo thường nghe bạn bè chặn hỏi, chọc quê: “ Tao thấy mấy đứa nhỏ sau này đâu phải là con của mầy? Mầy không có con mắt hay sao vậy? “. Sáu Bẹo phớt lờ - chỉ cười: “ Nghé ai vào chuồng nhà mình là của mình thôi!”. Nhờ vậy vợ Sáu Bẹo cũng vững tâm chung lưng gánh vát công việc cùng chồng. Ông hy sinh, giữ mọi khốn khó về phần mình, nuôi con ăn học, lần lượt dựng vợ gả chồng cho sáu người con tới nơi tới chốn. Đại gia đình của ông tuy không dư gỉa, nhưng sống với nhau trong yêu thương đùm bọc. Chính vì vậy các con ông đều yêu quý và bênh vực cha mình, khi có người tò mò:” “ Đó là chuyện của người lớn, anh không biết! Anh chỉ biết anh được sinh ra ở nhà này, cha đã lo lắng, chăm sóc, thương yêu anh hết lòng. Anh không cần biết “ cha” nào khác!”.

Truyện ngắn “Sáu Bẹo” chưa phải là một truyện hay nhưng là mẫu nhân vật mà tôi thích, dám nghĩ dám làm, cao thượng, vị tha, mẫu đàn ông xưa - nay đều hiếm. Một người lính bại trận, trở về quê nhà, vợ con bị dèm pha. Nhưng vượt qua số phận, mạnh mẽ gây dựng lại cuộc sống gia đình từ con số không, nuôi dạy con cái nên người, gây dựng một nếp nhà hòa thuận, trách nhiệm chu toàn. Phải là người bản lĩnh, dám sống theo suy nghĩ của riêng mình mới vượt qua sự ích kỷ thường tình của người đàn ông, phải có một tình yêu cao cả mới bỏ qua những lời đàm tiếu của xã hội để bảo vệ người đàn bà mà ông thương yêu. Trong một xã hội, khi đồng tiền lên ngôi mọi luân thường đạo lý dường như đảo lộn: “Công cha thua chiếc Honda/ nghĩa mẹ khó sánh vợ ta bây giờ/ Có tiền – có của, chúng thờ/ Nghèo khô – cháy túi, chúng lơ thôi mà!”(*) thì nhân vật Sáu Bẹo của nhà văn Mang Viên Long trở thành một nét son. Thông qua “Sáu Bẹo”, tác giả muốn nói lên quan  niệm của mình về cuộc sống mà tình yêu thương đối với ông là cứu cánh. Nhà văn cũng gởi vào đó triết lý sống biết chấp nhận cuộc đời, biết hài lòng với chính mình, đấu tranh vượt lên mọi nghịch cảnh để tìm đến hạnh phúc.

Mang Viên Long lớn lên trong một đất nước chiến tranh, nên ông thấu hiểu nỗi khổ của người thanh niên thời chinh chiến. Người thanh niên không có sự lựa chọn cho riêng mình, họ không có quyền yêu, không có quyền sống theo ý mình, họ như một con tốt trên bàn cờ chiến tranh, sống mà không biết ngày mai. Vào những năm 70, trong truyện ngắn “Dì Lucia”, nhân vật người lính Miền Nam đã bao lần trăn trở, họ đã hy vọng sẽ có hòa bình sau hiệp định Pari, hai miền Nam - Bắc ngưng chiến: “Tôi chợt nghĩ là từ khi vào lính, mặc vào người bộ áo quần dầy cộm nầy, tôi chưa có được một dịp nào, để nhìn một chút nắng êm đềm như vậy, mà mơ tưởng tới một ước mơ nhỏ nhắn tầm thường cho đời sống mình. Tôi bận rộn, tôi ngơ ngác. Tôi bồn chồn. Bấy nhiêu tình cảm đó cũng đủ khiến tôi mệt đừ trong hai mươi bốn giờ của một ngày.

Tôi không ngờ tôi đã gặp một người nữ tu trẻ, và đẹp như dì Lucia. Chắc là tôi khó có thể tả lại được một vẻ đẹp như vẻ đẹp của dì Lucia, nhưng tôi có thể nói chắc một điều, xưa nay tôi chưa hề được gặp một người nữ nào có một vẻ đẹp, vừa quyến rũ, vừa thánh thiện như thế.Có lẽ nét hồn hậu, điềm tĩnh của dì, khiến tôi về sau này, thấy nhớ dì hơn.

Tôi cũng đã cầu nguyện hòa bình, yên ổn như họ. Tôi chỉ biết cùng họ ước mong rằng thù hận, và máu lửa, thôi không còn kéo dài, tiếp diễn trên quê hương này nữa mà thôi. Hình ảnh kham khổ của họ đã cho tôi nhìn thấy rõ chiến tranh, thù hận, là một điều đáng ghê tởm, và đáng nguyền rủa nhất. Có bao giờ, những người chủ chiến nhìn thấy được những nét mặt, những đời sống cùng khổ này không?

Tôi không thích chiến tranh. Tôi không là cán bộ tuyên truyền. Nhưng là một người trẻ biết trách nhiệm với quê hương, còn tin tưởng và hy vọng để xây dựng. Chính chúng ta phải xây dựng xứ sở của chúng ta chớ không ai khác, sau ngày ngưng bắn và hòa bình”.

Nhưng ước mơ của người lính Miền Nam được sống yên lành, góp phần xây dựng đất nước sau chiến tranh của họ vỡ tan sau ngày hòa bình.

Theo tôi, “Dì Lucia” là một truyện ngắn hay, viết về chiến tranh nhưng không có những cảnh chết chóc bạo liệt, ngôn ngữ nhẹ nhàng, đầy cảm xúc, không gian thi vị, gấp sách lại tôi vẫn mường tượng hình ảnh u buồn của người lính và vị nữ tu dịu dàng vẫn còn bảng lảng dưới vạt nắng chiều. Truyện kể về mối tình thoáng qua của người lính, trong một lần dừng chân đóng quân gần cô nhi viện, gặp vị nữ tu thánh thiện. Nói về chuyện tình nhưng không một lời yêu, không một nụ hôn, không dám cả một cái nắm tay...giống như tác giả sợ chạm vào, chuyện tình sẽ tan như sương, như khói. Tâm thức đầy bất ổn của người lính bàng bạc trong câu chuyện, nỗi khát khao hòa bình, thân phận tình yêu trong thời chiến để lại dư âm buồn trong lòng người đọc
Mang Viên Long, sinh ra và lớn lên ở An Nhơn, Bình Định thuộc miền Nam trung bộ, cũng như bao người con trai khác trong thời loạn ly, khi đang đứng trên bục giảng, ông cũng bị xung vào lính chiến trong thời kỳ tổng động viên. Sau năm 1975, những giáo viên “biệt phái” dạy Văn và Anh văn như ông đi học tập cải tạo, rồi không được lưu dụng, thất nghiệp ông về quê làm đủ mọi nghề, cuối cùng ông làm thợ sửa ống khóa, chìa khóa. Dù cơ cực Mang Viên Long luôn giữ phẩm cách của một nhà giáo, trong sạch, hiền lương. Nhà văn Nguyễn Mộng Giác cũng đã từng chua xót khi nói đến tình cảnh những trí thức Miền nam sau thời hậu chiến: “Những anh trí thức càng hiền lành, tự trọng, thì càng thê thảm: "...Giống như phần lớn bạn bè, tôi chẳng còn biết phải làm gì nữa. Vốn liếng không! Mưu chước bán buôn không! Những gì tôi có như lòng thành thực, tính yêu mến trẻ con, khát vọng được sống lương thiện... trở nên lẩm cẩm cồng kềnh vào buổi giao thời. Những kẽ hở của thứ luật pháp mù mờ trong lúc tranh tối tranh sáng, không phải ai cũng chui qua được. Ông biết đấy, phải khinh bỉ con người đến cùng cực (con người nói chung trong đó có cả mình) người ta mới dám mở miệng đề nghị hối lộ để khoan thai lọt qua các ngõ ngách. Thật vậy, phải biết đích xác không lầm lẫn kẻ ngồi đó là cái túi tham mới dám bắn tiếng. Tôi thì có thói quen xem mọi người đều đáng trọng. Thành thử đi đâu tôi cũng gặp những bộ mặt nghiêm nghị, xin làm gì cũng va đầu vào các bức tường nguyên tắc. Tôi thành thật nhận rằng mình không hợp với thời loạn, nên mỗi ngày mỗi thêm lúng túng. Vài người bạn có hảo tâm chỉ vẽ cho tôi một số nghề hái ra tiền. Tôi thử một vài lần, lần nào cũng thất bại. Những nghề quái ác ấy đòi hỏi cái lưng thật mềm, cái lưỡi lém lỉnh lật lọng và đôi chân dẻo chạy không biết mệt.Nghề gì bây giờ? Tôi có những điều thừa thãi và thiếu điều cần thiết, nên tìm mãi không ra được nghề gì sống lương thiện được! Chỉ còn có nghề bán bong bóng cho trẻ con" (“Lẽ sống” - Thuyền viễn xứ)

Trong bài tạp bút “Nhớ lại một câu hỏi” Mang Viên Long từng viết: “Bạn bè thấy tôi hành nghề sửa khóa làm chìa ở góc phố chợ lấy làm ái ngại cho tôi. Họ không thể ngờ một nhà giáo, nhà văn như tôi lại rơi vào một hoàn cảnh như vậy. Thật ra, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình “khổ” như lời chia sẻ của các bạn, mà vẫn nghĩ điều gì rồi cũng có thể xảy đến cho chúng ta. Cứ an vui và kiên nhẫn đón nhận mọi biến đổi của cõi tạm để có niềm hy vọng mà sống tiếp”.

Thế hệ của Mang Viên Long là một thế hệ buồn, đi qua mọi thăng trầm của lịch sử, ông thấm thía nỗi đau nhân tình:

“Thế hệ tôi, cơm áo gạo tiền níu thân sát đất
Cuộc sống bon chen
Tay trần níu chặt
Bàn chân trần không dám bước hiên ngang.
Thế hệ tôi, nhận quá nhiều những di sản hoang mang
Ðâu là tự do, đâu là lý tưởng?
Ðâu là vì mình, và đâu là vì nước
...
Trăm năm sau, lịch sử sẽ ghi vài dòng vắn tắt:
Có một thế hệ buồn, đã nhạt nhẽo đi qua...
(“Thế hệ tôi - thế hệ buồn” Gia Hiền)

Sống một cuộc đời nhiều đau khổ, gian truân nhưng nhà văn Mang Viên Long không hận đời, hận người. Trái lại, ông là một người luôn yêu đời, yêu người. Ông hiểu rõ cuộc đời là một “bào ảnh/ huyễn mộng” và để chế ngự được sự “vô thường” bất hạnh kia, ông luôn vui sống chấp nhận, với tình yêu thương. Gặp ông là thấy nụ cười hiền hậu nở trên môi, với một thái độ khiêm cung của một người hiểu đời, hiểu mình. Nhà văn luôn sống với tâm thức:

“ Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy.
Cho ta thêm ngày nữa để Yêu Thương”(**)
dù thế hệ ông là một thế hệ buồn.

Ban Mai 
Quy Nhơn, ngày 12.3.2015
-----------
Ghi chú:
(*) “Công cha thua chiếc Honda/ nghĩa mẹ khó sánh vợ ta bây giờ/ Có tiền – có của, chúng thờ/ Nghèo khô – cháy túi, chúng lơ thôi mà!” Thơ NKT trong truyện ngắn “Lộn ngược” của Mang Viên Long.

(**) Hai câu thơ “Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/ Cho ta thêm ngày nữa để Yêu Thương”.
của thi sĩ người Liban-Kahlil Gibran, được nhà văn Nguyễn Nhật Ánh dịch sang tiếng Việt.