Thursday, March 12, 2015

115. NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH Chớ bảo xuân tàn


Photo by PCH – Scibilia, February 2015



Bão tuyết đang hoành hành miền Trung Tây và Đông Hoa Kỳ, làm những tiểu bang nơi đây chìm trong băng giá và mưa gió. Mấy cô bạn tôi ở New York và New Jersey than trời hết biết. Thị trưởng New York Bill De Blasio nói đây là trận bão tồi tệ nhất mà New York hứng chịu, kể từ năm 1872. Cơn bão được mệnh danh là "Snowmageddon" (chỉ lượng tuyết rơi dày) hay "bão tuyết của năm 2015." Giới khoa học cho rằng những hiện tượng này sẽ xuất hiện nhiều nơi và thường xuyên hơn trong tương lai, khi biến đổi khí hậu đang khiến thời tiết ngày càng trở nên khắc nghiệt. Theo Don Wuebbles, một nhà khí tượng học của Đại Học Illinois, "…những gì chúng ta đang chứng kiến hôm nay là điển hình của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, như đã dự đoán," và chúng ta cũng đã được biết rằng, chính hành động phá huỷ môi trường của con người đã gián tiếp tác động lên tình trạng biến đổi khí hậu ấy. Rất nhiều lời cảnh báo cùng những phong trào tranh đấu để nhắc nhở chúng ta ý thức hơn, tích cực hơn trong việc bảo vệ môi trường. Không làm sao chia sẻ được nỗi tuyết băng nơi bạn ở. Chỉ mong ngày vào xuân. Tuyết sẽ tan đi.

California giờ này vẫn tràn trề nắng ấm ở buổi tàn đông. Và trời cũng thương cho những cơn mưa cuối mùa để bớt lo hạn hán. Và lạ lắm, mới đây, nơi bãi biển Huntington miền nam Calif. bỗng dưng tuyết đổ làm mọi người kéo ra chụp hình cười đùa. Ôi chỉ xin chút ít thôi, tuyết ấy. Vừa đủ để người thơ còn có thể ngâm bạch tuyết thi chứ, vì bạn đã nói, “thử qua đây với bão tuyết đi để xem còn thấy thơ mộng không.” Thôi thì tôi xin gửi chút nắng ấm Calif. để mong bạn quên đi chút giá băng được chăng? (3.2015)

…Ngày 20 tháng 3 năm nay, theo cuốn lịch nhỏ xíu bỏ túi, ngày ta, là tiết xuân phân. Còn trên cuốn lịch treo tường, là Spring begins. Đó là chuyện của lịch tháng ngày khí tiết. Còn vọng âm thời gian trong tâm hồn thì sao, hình như chẳng có một xía vô nào của thời gian vật lý, mà là cảm xúc, nó vang lên đánh động ta nỗi bổng trầm của trôi đi. Tiếng chuông reo trong tôi hôm nay là cánh mai vàng ngoài thềm đang rung trong hơi gió se lạnh tan mùa.

Tôi đang tự hỏi có phải ở đây, miền nam Calif., tôi được hưởng hai lần cái tâm trạng đón xuân?

Thế này, hồi tháng 1 vừa rồi, cả Little Saigon bừng lên không khí Tết, mà Tết thì người mình thường gắn với Xuân, trong khi trời đất ở Calif. thì đang đông. Mặc kệ, bên kia đại dương nhà Việt Nam mình đang đón Tết thì triệu đứa con tha phương cũng rộn ràng Tết bất kể đang mùa nào, từ vật chất đến tinh thần để cảm thấy, để mở ra nơi xa xứ, mùa của Tết, với hoa đào rực nở, bánh chưng dưa món, chợ hoa, báo Tết, hội họp tất niên, hương khói cúng đón ông bà tổ tiên trong mỗi mái ấm Việt. Cứ hồn nhiên rủ nhau Xuân ngay giữa buổi đông đang lăm le rét đậm ở xứ người. Mùa xuân của tâm linh, của truyền thống, di sản văn hóa Việt.

Thế rồi khi Tết qua đi, lòng người chưa kịp nguôi vị xuân ấy, thì trong gió lạnh lại có hai loại đào, một là đào màu cánh sen đậm, tên bích đào, hai là đào với ba màu hồng nhạt, đậm và lớt phớt trắng, bừng lên nở, cho người mình ăn dối thêm cái Hậu Tết, và bonus cảm giác Tết thật là hậu hĩ kéo đến tận buổi đông tàn, bắt kịp để hưởng xuân thực sự của đất trời nơi đây, tháng 3, trổ trên lộc non của cây lá hoa, trên dịu lại của gió nắng. Áo mùa lạnh đã mỏng đi để da người rộng đường thở nắng ấm.

Thế có phải là ta được hưởng xuân hai lần không?


ĐÊM QUA SÂN TRƯỚC

Đến thềm nhà tôi mà xem, hay nhìn vào đào đang nở bên vườn nhà ai, cây đào 3 màu đang hội tưng bừng. Và đây mới là điều đáng nói, cội mai, được tạo nên thịt da từ đất, nước Calif., đang mách xuân bằng những cánh nở vàng rực, chỉ hơi tiếc là mai nở hướng xuống đất, nhưng không hề gì, nó đúng là đóa mai vàng năm cánh, mỏng manh nhưng mang nét mạnh mẽ.

Sớm khi bước ra thềm, nhìn mai rức nở trên cành, tôi bỗng thốt lên mạc vị xuân tàn… ơ hay, sao vậy, đình tiền tạc dạ nhất chi mai*... những câu thơ cứ vào xuân tôi lại nghe nó khẽ khàng thả dư âm trên những xác hoa. Có gì là mới là cũ trên màu vàng như nhiên của mai vào buổi tàn đông này, thưa thiền sư Mãn Giác? Có phải thời gian cũng lưỡng lự trong những cánh đang hé rung và những cánh rụng trên thềm trong nắng sớm, níu lại cho chúng ta ít nhiều cảm xúc thanh xuân?

Chỉ còn một tí thời gian nữa thôi, sẽ thấy trên tờ lịch tháng 3 những chữ, lấp lánh, Spring begins, luôn luôn, chữ “bắt đầu” kích thích tôi niềm phấn khởi, và nhớ lại đâu đó trên dòng thời gian lung linh nơi bắt đầu một giấc mơ, và cũng từ đó lơ ngơ một giấc mơ xa vắng…

Nói vậy, chắc tưởng tôi là kẻ rất loay hoay. Không, chỉ là mang mang ngắm bọt giấc mơ lửng bay. Đúng y như là, xuân khứ bách hoa lạc, xuân đáo bách hoa khai*, bạn thử đọc theo âm này (nhớ cái đầu lắc lư của chú tiểu!) xem có cảm giác như tôi không, cái khí an nhiên và cũng rất quí, của trời đất cuộc đời. Nên, tôi ở trong đó mà đi giữa giấc mơ ẩn hiện. Dường như tìm cái mình đã có. Và mất điều chưa tường tận. Nhất chi mai kia hiện tiền một niềm vui lay động nhịp đập đang dẫn máu đỏ về tim, nuôi dưỡng từng phút xuân đáo trẻ trung. Một tí ti móng tay vừa nhích lên, một tế bào chết đi, Xuân khứ có mắc mớ gì trên hiện tại châu báu này.

… Đã qua mùa đông rồi. Trong sông biển thời gian, dội long lanh ngọn sóng xuân phân trên mấy tấc vuông tờ lịch. Một điểm rõ ràng trong miên man không nguồn cội. Ngọn sóng bung hoa cho ta một cách tối thiểu để thưởng thức phút giây hoa nở hoa tàn, ta đến, ta đi, cho dẫu đó có là một giấc mộng cuộc đời đi nữa, thì cũng đã lặn lội cùng nó, những vui buồn. Cuộc sống với những hệ lụy đang mỗi lúc mỗi trơ hóa tình cảm ta, không ngừng xảy ra khắp nơi trên trái đất những cảnh mà cảm xúc ta không biết phải xoay xở thế nào để được tồn tại với cái nghĩa đúng nhất, Con Người. Lẽ nào một trái tim mẫn cảm chỉ còn là cái kén lẻ loi của riêng kẻ đó chui vào trú ngụ. Sao hưởng thụ bình yên lại làm tôi cảm thấy như đang làm điều gì có lỗi?

Trong nỗi thất vọng u buồn ấy, bỗng biết len lách để sống theo cách mềm nhất vừa tầm nhất của mình, và ước mơ một cách thơ mộng rằng, trong cái tổ của suy nghĩ, chữ nghĩa, được ban sơ lại mình để còn cảm xúc, để có thể chịu đựng nhiều hơn, biết cách sống hơn, mà hiệu quả gần nhất là đem đến niềm vui cho những người thân yêu chung quanh. Và, phải chăng, mỗi người biết quí từng niềm vui nhỏ của cuộc sống mình thì sẽ biết trân trọng hạnh phúc của tha nhân?

Đêm qua có sấm rền, gió đông xôn xao đi đi ở ở, năm nào Santa Ana cũng đều bắt đầu mùa xuân bằng những trận mưa, mưa thiệt tình tầm tã, chứ không xuân mưa lay phay, như ở Nha Trang ngày xưa (lại nhớ Nha Trang!) mưa chẳng đầy tay / mưa lơi đồng mạ / con đường xuân quá / bẫng ngày như mây... tay trời búng đùa những tia nước làm người như đi giữa phiến mỏng của ngày, chiếc cầu lênh đênh, người, xe, mưa xuân, và dòng sông đục, như những phớt màu đậm nhạt trong một bức tranh thủy mặc. Nếu lúc ấy tôi không chan hòa với nó thì bây giờ nhớ lại hẳn sẽ cảm thấy có chút gì mất đi.

Cũng như đêm qua, đã tận hưởng giấc ngủ ngon nhờ tiếng mưa rơi. Và lúc này trên thềm nhà, như cây pháo nắng bung theo bình minh một vòng mùa mới, tâm hồn vút lên hương thơm kỳ ảo của mai cuối đông, nó đi qua sương giá để đưa xuân về, mầu nhiệm của sự sinh nở. Tôi muốn gửi lời chúc mừng cho sinh nhật mùa xuân. Niềm vui người và trời đất gặp nhau.

Bạn thân này, cây nến sinh nhật sẽ là ngọn nắng non nhất, ngọt nhất của ngày khai xuân, những ánh mắt vàng ngân nga… em thấy anh chờ trên con đường bình minh / nắng tháng 3 anh đem tới / mùa xuân mở vàng daffodil / và em. vừa qua một giấc ngủ đông / mọc lên trái tim thanh khiết…

Thế thì sợ gì lão tòng đầu thượng lai*? Tóc bạc ơi nhìn kìa, những cánh daffodil đọng những hạt mưa sót của đêm, vẫn rưng rức vàng. Gió thổi hoa đưa, hạt mưa sẽ rớt. Nắng lên hạt mưa sẽ khô. Vàng của hoa lại ửng nắng. Có phải đó là cái lãng đãng ở ngoài vòng sinh tử?

Thiền sư Chagdud có câu: thế giới này nhìn có vẻ thật bao nhiêu, đáng tin cậy đến thế nào, nó vẫn không vĩnh cửu, tất cả đều thay đổi cho tới khi không còn gì, giống như trước nữa. Thể xác, lời nói, ý nghĩ của chúng ta biến dịch nhanh như thời gian mũi kim xuyên qua cánh hoa hồng**

Nhiều điều rất nhỏ đang chờ đợi, ngay hôm nay, lúc này, cái phút mũi kim xuyên qua cánh hoa mỏng, mỏng như một giấc mơ…

Nguyễn Thị Khánh Minh
Santa Ana, 22 tháng 3.2012

* Bài kệ Cáo Tật Thị Chúng của Thiền sư Mãn Giác (1052-1096 )- Thích Thanh Từ dịch.

** Theo Phật Giáo Thực Hành Pháp Đại Hoàn Thiện