Tuesday, May 12, 2015

128. PHẠM VĂN NHÀN Phạm Cao Hoàng Giấc Mơ Vẫn Còn Nguyên


Photo by PCH - Scibilia 2015


Nhiều người đã viết về Phạm Cao Hoàng, nhưng với tôi, viết về Phạm Cao Hoàng có lẽ khác với những người đã viết về nhà thơ này. Bi vì, Phạm Cao Hoàng với tôi có một mối thâm tình vừa là bạn, vừa là em cũng có thể. Với tôi,  Phạm Cao Hoàng gần gũi không phải mới ngày hôm nay mà gần gũi vào những năm tháng thật xa, có thể trên 40 năm rồi cũng phải.

Ngày đó, do chiến tranh đưa đẩy, thành phố Qui Nhơn là nơi lưu dấu những bước chân từ phương xa đến. Và cũng từ cuộc chiến này, nơi thành phố Qui Nhơn này, tôi có những người bạn văn nghệ thật tình quý mến. Những người bạn mà cho mãi đến hôm nay vẫn còn giữ nguyên. Nói đến Qui Nhơn tôi không thể nào quên những người bạn "chí cốt" thật dễ thương trong đời sống hằng ngày của tôi, cho dù  cuộc sống có đổi thay vì tình hình đất nước.

Khi nói đến  Phạm Cao Hoàng tôi lại nghĩ đến hai người bạn khác nữa, đó là Trần Hoài Thư và Lê Văn Trung. Đúng vậy, khi viết về Phạm Cao Hoàng mà không nói đến hai người bạn Trần Hoài Thư và Lê Văn Trung là một thiếu sót trong tôi. Hình như năm 1968 thì phải, Phạm Cao Hoàng, Lê Văn Trung đến Qui Nhơn  theo học ngành Sư Phạm để sau này ra trường làm thầy giáo. Còn tôi, sau những năm lội ở phía Bắc Bình Định từ cuối năm 1965, có biết Qui Nhơn là gì đâu. Thành phố đó như một lần mơ ước để về, mà nào có được. Bỗng dưng tôi cũng về và sống nơi thành phố này mấy năm. Trong mấy năm đó, từ năm 1968, 1969, Trần Hoài Thư, Phạm Cao Hoàng, Lê Văn Trung và tôi thường xuyên gặp nhau. Cái duyên văn nghệ, văn gừng ấy đã kết chặt chúng tôi lại cho mãi đến hôm nay. 

Mà nghĩ cũng lạ, sau khi tôi được điều về hậu cứ, trước trận Mậu Thân, làm một anh chàng dạy lính học thì chuyện đánh đấm ngoài mặt trận tôi không màng đến nữa. Thế mà, nơi nào cần thì cấp trên lại  điều tôi đi. Như  khi quận Tuy Phước bị đột kích, thiếu tá Tùng quận trưởng chết. Hai giờ sáng, lệnh trên bắt tôi phải thành lập đơn vị đưa toán quân lên quận Tuy Phước  gấp để giữ an ninh. Đến nơi, một quận trưởng chết, một cô giáo sinh Sư Phạm chết, một cô bị thương nặng. Hình như cô giáo sinh Sư Phạm này cùng khóa với Phạm Cao Hoàng, Lê văn Trung thì phải? Thế rồi Trần Hoài Thư cũng đưa quân có mặt bên ngoài quận. Gặp mhau trên máy, tôi mừng vì có bạn tôi an ninh mặt ngoài. Sau quận Tuy Phước lại đến Mậu Thân năm  1968, cái duyên thật kỳ cục, tôi lại bị chỉ định dẫn  đơn vị ra giữ an ninh tuyến đường chỗ cây xăng Ông Tề trên đường Gia Long, mấy ngày ở trên đoạn đường đó chẳng sao. Sáng 29 tết. Có lệnh rút để đơn vị bộ binh vào thay thế. Hóa ra lại là đơn vị của bạn tôi – Trần Hoài Thư. Đêm 30 tết Mậu Thân, Trần Hoài Thư bị thương nơi chính cây xăng Ông Tề này mà tôi giữ an ninh đêm 29 tết.  

Qui Nhơn qui tụ nhiều anh em cầm bút, lính có, dân sự có, trốn lính cũng có. Những cậy bút thành danh một thời trước 1975. Ngày đó, Trần Hoài Thư mỗi lần rảnh rỗi, không bận việc quân hành là từ cầu Bà Di dù về với ba anh em chúng tôi trong căn nhà thuê ở Khu Sáu, gần Ghềnh Ráng. Ngày đó, với tôi, Phạm Cao Hoàng và Lê văn Trung rất dễ thương. Lúc đó, Phạm Cao Hoàng là một giáo sinh nhưng xem ra cũng "bụi" lắm như tôi với Thư. Chỉ có Lê văn Trung là có dáng dấp "đạo mạo chỉnh tề” của một ông thầy trong tương lai. Ngày đó,  Hoàng có một nụ cười mà ngay chính chúng tôi cũng còn mến huống hồ đám con gái. Nụ cười ấy, đôi kính cận ấy làm sao chúng tôi quên được phải không Lê Văn Trung và Trần Hoài Thư?
  
Càng ngày cuộc chiến càng khốc liệt. Những người bạn của chúng tôi cũng đã nằm xuống, như nhà thơ Nguyễn Phương Loan trên Pleiku. Ai cũng nhìn thấy rõ chiến tranh, nhất là nơi thành phố Qui Nhơn này. Phạm Cao Hoàng cũng đã nhìn thấy, cũng đã trăn trở:

đường tôi đi có bom và đạn
có hận thù trên mỗi dấu chân
ai thả vào hồn tôi mới lớn
những mùa xương máu ngập tang thương

(ĐI GIỮA CHIẾN TRANH – 1969)

Ni âu lo trên từng gương mặt. Sự nhạy cảm qua những con chữ để thơ của Hoàng bay bng. Bài Hành Phương Đông của Hoàng là bài thơ tôi rất thích. Trong cuộc chiến tranh này, thiên hạ đang chơi trò chơi "xanh đỏ" trên quê hương chúng tôi mà nhiều lần tôi thường nói đến. Chúng tôi những thanh niên thời ấy, cũng âu lo:

thời bây giờ ta như chim bị đạn
kêu đau thương nay đã suốt bao chiều
bay lảo đảo dưới trời hiu quạnh
đợi tan tành cùng mặt đất buồn thiu

thời bây giờ, của những giọt nước mắt 
ướt đẫm khăn hồng người con gái năm xưa
thời của những khăn tang chít vội
thời ruột đau như cắt nỗi chia lìa

thời huy hoàng của những bầy quạ đen
bay phơi phới giữa phương đông hực lửa
thời của những người đã đánh mất trái tim
chỉ còn bóng hận thù vây mọi phía

(HÀNH PHƯƠNG ĐÔNG – 1971)

Có những đêm trong căn nhà ở Khu Sáu, nhìn ngọn hỏa châu trên đỉnh núi Ghềnh Ráng, Trần Hoài Thư không về. Mặt trận nơi nào nữa đây đến với Thư?

Viết về  Phạm Cao Hoàng. Mà tại sao phải viết về thơ? Có nhiều kỷ niệm với bốn anh em chúng tôi lắm mà. Viết bao nhiêu giấy cho đủ. Bốn người: ba người định cư ở Mỹ. Một người còn lầm lũi sống ở khu kinh tế mới Đồng Nai  ngày hôm nay. Tháng 4 năm 2014, tôi về nước, trong dịp giỗ anh Từ Thế Mộng, vợ chồng Lê văn Trung từ kinh tế mới Đồng Nai ra thăm. Hai chúng tôi ngồi trong  ngôi nhà của tôi ở Phan Thiết, ngôi nhà có tới 100 tuổi, mà Phạm Cao Hoàng và Trần Hoài Thư đâu? Lê Văn Trung hỏi. Một nỗi buồn xen lẫn nỗi vui tôi gặp lại Trung. Nhắc đến những tháng năm khi còn ở Qui Nhơn, nay mỗi người mỗi ng. Nhìn Trung, già và ốm. Không như ngày xưa. Hình Lê Văn Trung đây. Phạm Cao Hoàng và Trần Hoài Thư xem hình và hai bạn còn nhớ những câu thơ của  Lê văn Trung viết trên tường nhà trong Khu Sáu Qui Nhơn: ..." Em nào hiểu giữa cơn say/ta chiêm bao thấy một ngày rất xa/tình không không cửa không nhà/ lòng như mây trắng bay qua biển chiều..." . Cúc Hoa ơi! Chị Yến ơi! Thu của tôi ơi! Hiệp ơi! Ngày đó, bốn đứa chúng tôi "bụi " lắm. Tình không. Tiền không. Mà người vẫn nói: tiền lính tính liền đấy nhé.


Lê Văn Trung - April 2014 (Ảnh PVN)


Vâng, phải viết, viết về những kỷ niệm thời còn rất trẻ.
Tôi kèm theo đây một tấm hình chụp vào giữa năm 1969. Tấm hình chụp như một kỷ niệm khi tôi với Trần Hoài Thư về thăm Tuy Hòa. Hai người lính lấy phép sao không về thăm quê nhà, mà lang thang thăm những người bạn? Thôi thì tạm mượn mấy dòng thơ của Thâm Tâm để tri lòng:

Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu say...

(TỐNG BIỆT HÀNH – Thâm Tâm)


Phạm Ngọc Lư  Trần Hoài Thư  Nguyễn Lệ Uyên  Phạm Văn Nhàn
Tuy Hòa 1969  (Photo by PCH)


Hình này chụp trước ngôi nhà nhỏ của Ba Mẹ Phạm Cao Hoàng, người chụp là Hoàng. Phạm Cao Hoàng có còn nhớ không? Phải chi ngày hôm đó có ai chụp dùm cho thì đủ năm anh em. Tôi nhớ chiếc áo mà Trần Hoài Thư mặc trên người ngày hôm đó là chiếc áo pull của Phạm Cao Hoàng.

Gần đây, đọc được bài thơ CHA TÔI của Phạm Cao  Hoàng trên tạp chí Thư Quán Bản Thảo, viết về người cha đã mất cách đây 40 năm, tôi vô cùng xúc động.

ông qua đời khi chiến tranh kết thúc
để lại trần gian nỗi nhớ khôn nguôi  
để lại đàn con trên quê hương tan tác   
để lại trong tôi vết thương  mang theo suốt cuộc đời

bốn mươi năm rồi con vẫn nhớ, cha ơi!
ngày mùa đông cha mặc áo tơi ra ruộng
ngày nắng lửa cha gò mình đạp lúa
những sớm tinh mơ cùng đàn bò lầm lũi đi về phía bờ mương

(CHA TÔI – 2015)

Dạo ấy, mỗi lần ghé Tuy Hòa, tôi ở lại cùng Phạm Cao Hoàng trong căn nhà nhỏ ấy. Đọc bài thơ CHA TÔI,  tôi nhớ đến ngôi nhà và hình ảnh của bác trai. Bác cao, hơi gầy và da ngăm đen. Cái đen của nắng và gió của một người nông dân thuần chất. Hiền và độ lượng. Ngôi nhà có cái chái bếp nấu ăn bằng những thanh củi. Ngôi nhà có bộ ván ngựa mà tôi với Trần Hoài thư thường nằm ngủ. Ngôi nhà với lối đi từ đường Nguyễn Huệ vào với những thửa  ruộng nhỏ như vuông chiếu nằm, đầy ắp tình yêu thương. Đọc bài thơ, hình ảnh bác trai lại hiện ra trước mắt. Sao bác lại qua đời khi chiến tranh kết thúc vậy bác? Còn nỗi buồn nào hơn khi  chiến tranh  đã chấm dứt trên quê hương mà bác lại ra đi? Sao Bác không ở lại để nhìn thấy các con của bác và bạn bè không còn phải sống trong cảnh mịt mù khói lửa của cuộc chiến tranh này? 

Tôi muốn viết một chút về Phú Thứ, quê hương của Phạm Cao Hoàng.

mùi hương của đất làm con nhớ
những giọt mồ hôi những nhọc nhằn
cha đã vì con mà nhỏ xuống
cho giấc mơ đời con thêm xanh

mùi hương của đất làm con tiếc
những ngày hoa mộng thuở bình yên
nồi cá rô thơm mùa lúa mới
và tiếng cười vui của mẹ hiền

(MÂY KHÓI QUÊ NHÀ - 1999)

Đọc những câu thơ này trong bài MÂY KHÓI QUÊ NHÀ của Phạm Cao Hoàng, tôi nhớ con đường dọc theo mương dẫn thủy nhập điền từ đập Đồng Cam về tưới tiêu cho cánh đồng Phú Yên. Tôi lại nhớ đến năm tháng ở trại A.30 và ngày được thả cho về trên chuyến xe lam chạy trên con đường ấy. Những cánh đồng xanh màu xanh của lúa, Tôi xuống xe tìm đến một gia đình quen: cô Mãn, ngày xưa làm y tá tại Bệnh Viện Đa Khoa Nha Trang, làm chung một phòng với vợ tôi, có người em trai tên Khang cũng ở chung với tôi trong trại A.30. Ngày tôi về, Khang nhờ  tôi là ghé Phú Thứ thăm chị. Tôi tìm được cô Mãn khi cô đang làm cỏ lúa ngoài ruộng. Cô đưa tôi về nhà. Làng ngập toàn tre xanh, mát rượi trên con đường quê, đầy bóng mát. Những cây cau cao vút đang trổ buồng. Đêm đó tôi ngủ lại Phú Thứ. Rất rõ và thèm: nồi cá rô thơm mùa lúa mới  như trong thơ  Phạm Cao Hoàng.

Năm 1969, tôi ra khỏi Qui Nhơn. Đổi về Tháp Chàm, một thị trấn nhỏ của Tỉnh Ninh Thuận. Ngày đầu về Tháp Chàm, đi qua Cầu Móng, gặp một người dừng xe lại hỏi tôi có phải Phạm Văn Nhàn không? Và người bạn giới thiệu cho tôi biết là nhà thơ Võ Tấn Khanh. Hỏi ra mới biết Phạm Cao Hoàng nói trước với Võ Tấn Khanh tôi về đây. Năm đó,  Phạm Cao Hoàng ra trường đổi về Bình Thuận, Lê văn Trung ra Quảng Ngãi. Rồi Trần Hoài Thư cũng rời khỏi Bình Định về cao nguyên rồi vô Nam. Bốn chúng tôi cũng không còn ai ở lại Qui Nhơn và căn nhà trong Khu Sáu nữa. Chỉ có Thỉnh thoảng tôi còn gặp Phạm Cao Hoàng ở Phan Rí Cửa, khi Hoàng dạy học ở Duồng. Sau đó Hoàng  lên Đà Lạt, vừa dạy học vừa tiếp tục theo học tại trường Dại Học Đà Lạt rồi lấy vợ lập cư trên đó.

Viết về người bạn ngày nào, với những kỷ niệm một thời sao mà nhớ quá đỗi. Viết về những kỷ niệm. Những kỷ niệm vẫn còn nguyên đómỗi lần nói đến, những hình ảnh ngày xưa của những bạn tôi vẫn còn y nguyên. Như giấc mơ của Hoàng vẫn còn nguyên với Cúc Hoa và bạn bè. Rất tiếc, dù ở cùng một quốc gia, mà sao thấy xa vời vợi. Ước gì, gặp lại, ngồi với nhau bên tách trà nóng để nghe Phạm Cao Hoàng ngâm thơ. Với ai tôi không biết, chứ với Phạm Cao Hoàng có một giọng ngâm thơ tuyệt vời như  một người nghệ sĩ diễn ngâm thực thụGiọng ngâm thơ đã ghi dấu những kỷ niệm trong căn nhà Khu Sáu không có ánh điện mà chỉ có ánh đèn dầu lửa.  Có phải thế không Trần Hoài Thư?

Phạm Văn Nhàn
Texas, May 10, 2015