Photo by PCH - April 2014
Thư quay qua người trung sĩ dặn dò một vài điều cần thiết trong đêm. Tiếng người trung sĩ dạ nhỏ rồi xách súng đi xuống những bậc thềm của ngôi nhà gạch đổ nát. Buổi chiều sắp lặn sau những hàng tre bên kia sông. Dòng Cà Ty trước mặt anh như sắp chìm lẫn vào trong bóng đêm mất hút.
Thư mồi tiếp điếu thuốc đi vào trong ngôi nhà gạch. Ngôi nhà bỏ hoang có lẽ đã lâu lắm cho nên có mùi âm ẩm của mốc meo. Một mùi ẩm nghe khó chịu và lạnh như trong nhà mồ. Anh hỏi người lính xem còn có cây đèn cầy nào không. Hắn lục trong xách ba lô và lấy ra cây đèn cầy. Thư mồi lửa. Ánh sáng từ cây đèn cầy rọi hắt vào những gương mặt bơ phờ, mờ ảo. Vách tường loang lỗ những vết đạn. Từng mảnh vôi tróc ra để lộ những viên gạch mầu đỏ sẫm, sần sùi. Không gian thật âm u trong ngôi nhà hoang này. Âm u như trên từng gương mặt của những người dân vừa mới bắt được khi chiều.
Ông trung sĩ Ba kéo cái ghế đẩu mà ông tìm thấy đâu đó đến cho Thư. Anh ngồi xuống ghế và hỏi:
- Anh cho anh em canh gác cẩn thận chưa?
- Dạ, xong hết rồi thiếu úy.
Anh yên tâm đám lính của mình. Và mong sao đêm qua nhanh. Bây giờ anh mới nhìn những người ngồi trước mặt anh. Những gương mặt mét xanh. Những cặp mắt lạc thần, âm u không còn cái lanh lẹ. Thư hỏi người đàn bà có chửa ngồi trước mặt anh bên cạnh người con gái có mái tóc dài mà hồi chiều anh không để ý đến những người bị bắt . Anh chỉ nghe trung sĩ Ba nói lại là bắt được gồm 20 người. Anh báo về ban chỉ huy xin lệnh. Hãy tìm một nơi nào đó giữ họ và chờ ngày mai. Đêm nay, 20 người ngồi trước mặt anh. Hai mươi con người như anh, từ lâu, đã bị loại. Anh hỏi người đàn bà có chửa:
- Tôi nghe ông trung sĩ nói chị không chồng sao có chửa. Tôi hỏi thật, chồng chị đâu?
- Trăm lậy quan thầy, em nói chồng em đi lính quốc gia.
- Chồng chị đi lính sao chị không theo chồng mà lại ở trong vùng bị chiếm?
- Dạ, con nghe nói ảnh đi lính ở đâu ngoài Bình Định.
- Ở xa như vậy mà sao chị mang thai 5,6 tháng?
Một vài tiếng cười của anh em lính đứng gác gần đó. Người đàn bà nghe hỏi, cúi xuống mân mê vạt áo bà ba đen, đôi dép trong chân của chị buông ra trên nền nhà ẩm. Phú ngồi bên cạnh Thư nóng nảy, nói:
- Thiếu úy để cho tôi. Đ. m giờ này mà còn nói láo. Chồng nhảy núi thì nói nhảy núi. Đi lính quốc gia! Đ. m đi lính cho Vẹm thì nói ngay cho rồi...còn cô kia?
- Ông gọi tôi. Người con gái ngẩng đầu lên hỏi.
- Cô làm cái gì trong vùng này.
- Tôi không làm gì hết.
- Mầy lại bướng với tao phải không? Thiếu úy cho tôi mang nó ra ngoài là nó khai ngay thôi.
Thư ngồi im lặng trên chiếc ghế đẩu hút thuốc. Dựa lưng vào vách tường. Bên ngoài trời tối đen như mực. Anh tự thấy chưa bao giờ anh sợ bóng đêm như hôm nay. Anh cố nhắm nghiền đôi mắt mơ màng bên khói thuốc lá...Anh thấy ghê tởm câu nói của Phú: mang nó ra ngoài là nó khai ngay thôi. Anh hiểu câu nói ấy. Giá lúc này anh có rượu để uống một cốc. Anh im lặng không thể nào trả lời câu hỏi xin của Phú. Một tiểu đội trưởng gan dạ trong đơn vị của anh. Bàn tay phải anh vuốt nhẹ trên báng súng M.16. Một sự im lặng nặng nề trong ngôi nhà gạch bỏ hoang này. Anh không ngờ Phú lại có ý nghỉ táng tận lương tâm đến như thế...
Vết thương lòng lại trở về với anh. Phú dục:
- Sao thiếu úy. Cho đàn em trị nó đi chứ?
Người con gái lại càng thấy sợ hơn khi nhìn Phú dữ dằn. Anh nhìn người con gái rồi nhìn Phú, nhìn trung sĩ Ba. Anh lắc đầu, rồi nói: để đấy cho tôi. Mai chuyển họ về ban chỉ huy rồi sẽ rõ. Thư không thể nào chấp nhận, cái lối chấp nhận của những tên Tây đen rạch mặt của hai mươi mấy năm về truớc... Má anh đó. Dì của anh đó. Em của anh đó. Những gương mặt nhơ nhớp của những tên Tây đen rạch mặt năm nào như sống lại...Anh còn nhớ một buổi sáng trên rẫy nương, thấy Tây lên cả nhà chạy không kịp nên phải trốn vào bụi dúi bên một cái gò mối. Thế mà Tây nó vẫn thấy bắt hai người ra khai thác rồi thay phiên hãm hiếp. Hơn mười một thằng Tây thay phiên nhau thỏa mãn thú tính xong thì cả mẹ, cả dì và cả em của anh nữa cũng chỉ là cái xác không hồn. Hình ảnh của mẹ, của em vẫn còn đó thì anh không thể nào thỏa mãn sự yêu cầu của Phú. Bỗng dưng nước mắt của Thư như ứa ra.
Anh đứng lên, nói:
- Không, không được. Chúng ta không có những hành động khai thác như vậy. Các anh hãy nghe tôi. Các anh hãy để tôi yên. Thư nói có vẻ vừa hằn học vừa tha thiết. Trung sĩ Ba biết tánh anh, im lặng. Còn Phú cũng vậy. Sự im lặng trở lại trong ngôi nhà hoang đầy bụi nhện. Lòng anh se lại như một buổi sáng nào đó trên rẫy nương. Anh quay qua người trung sĩ Ba:
- Anh ra xem anh em gác ra sao. Xem chừng đêm nay đó.
Còn Phú lấy tên tuổi của những người này hết chưa?
- Xong hết rồi thiếu úy. Mai chỉ có việc giải họ về là xong.
Thư bắt đầu gợi chuyện với người con gái.
- Tại sao cô phải ở trong vùng này để bị bắt?
- Tôi về thăm nhà thì bị mấy ông bắt.
- Cô ở đâu mà về?
- Ở dưới quận.
- Vậy ai là người bà con của cô. Thư hỏi.
Người con gái chỉ vào người đàn bà có chửa rồi nói:
- Chị của tôi đấy. Chị bà con bạn dì ruột.
- Có chắc như vậy không? Thư hỏi.
- Ông không tin tôi đó là quyền của ông, còn tôi có sao nói vậy.
- Cô làm gì dưới quận?
- Đi học. Hôm nay nghỉ về thăm nhà thì bị mấy ông lùa.
- Cô có biết vùng này mất an ninh, sao cô lại còn về.
- Tôi tưởng có Đại Hàn, hơn nữa tôi là gái mà có sao.
- Sao lại không sao. Thời buổi này khổ lắm cô ơi. Giặc giã mà cô.
Người con gái nhìn người đàn bà có chửa rồi hỏi:
- Thưa ông, chị em tôi bị bắt như thế này có sao không?
- Chắc là không sao. Mai tôi đưa bà con về dưới đó có gì khai thật, rồi người ta thả về.
- Dạ, cám ơn ông.
Người con gái nói xong, cúi xuống vẽ những vòng tròn trên nền nhà trong ánh sáng yếu ớt của ngọn đèn cầy. Thư nhìn thấy trên gương mặt âu lo của 20 người. Những người cùng với anh một giọng nói, một màu da, một dòng máu. Những con người cần cù như mẹ anh, dì anh và em anh. Bây giờ những con người đó đang ngồi trước mặt anh, anh thấy cần phải có một cái gì đó để gần gũi.
Mẹ chàng? Em chàng? Không, mà là tất cả. Chỉ có chiến tranh mới làm cho con người ta thù hằn với nhau, chứ thật ra những con người này có thù hằn gì đâu. Thư ngồi xuống hỏi chuyện với một ông cụ đang ngồi dựa lưng vào vách, có vẻ mệt mỏi:
- Cụ ở đây hẳn là lâu?
- Dạ.
- Mấy ông trên núi thường có xuống không cụ?
- Ông hỏi mấy ông nào?
- Thì mấy ông Cộng-sản đó.
- Ồ! Tưởng ông hỏi ai chứ mấy ổng đêm nào lại chẳng xuống. Có khi cả ban ngày.
- Không sợ quốc gia lên sao?
- Quốc gia nào?
- Như tụi cháu đây nè. Tụi cháu là lính quốc gia, lính của đồng bào. Đồng bào không sợ gì hết.
- Sao mấy ổng nói mấy ổng cũng là lính của đồng bào.
Thư và mấy người lính còn lại trong căn phòng cùng cười theo câu nói của cụ già. Người con gái cũng ngước đầu lên, hất mái tóc ra sau cũng mỉm cười theo những người lính.
Thư hỏi tiếp:
- Đồng bào ở đó cực khổ sao không bỏ đi tìm nơi khác làm ăn?
- Bỏ đi đâu nữa thầy. Tụi tôi sống nhờ chút ít đất để lại. Bỏ đi biết lấy gì mà sống. Xa cái cầy cái bừa có nước mà chết đói.
- Thì ở đây cũng chết về súng đạn vậy?
- Quen rồi thầy ơi. Đêm nào cà nông ở dưới quận cũng bắn lên.
- Có khi nào thấy lũ nó chết không? Trung sĩ Ba hỏi.
- Lũ nào thầy?
- Thì bọn giải phóng đó.
- Có chứ.
Thư nhìn bà cụ ngồi bên cạnh người con gái. hỏi:
- Còn cụ, cụ thích quốc gia hay giải phóng?
- Lão già rồi có biết gì là quốc gia là giải phóng.
Người con gái ngồi bên bà lão cúi đầu xuống, tay vẽ những vòng tròn trên nền nhà trong ánh sáng không được rõ lắm của cây đèn cầy. Mái tóc dài phủ trên bờ vai. Anh nghĩ đến Duyên. Nghĩ đến những ngày phép ngắn ngủi . Những buổi sáng trời mù sương hai người đi trên bờ sông. Duyên cũng có mái tóc dài đó. Cũng vóc dáng đó, mảnh mai. Và, đôi mắt. Đôi mắt nhãn lồng đen to. Duyên với những buổi sáng trời mù sương rồi cũng qua đi với những ngày phép cũng hết, anh trở lại với những cuộc chiến, với xóm làng không có người ở, với những cây dừa khẳng khiu không còn bẹ vì thuốc khai quang...Duyên cũng ở trong vùng bị chiếm, nàng theo gia đình bỏ làng mạc về ở khu định cư bên bờ sông. Giá như Duyên còn ở trong vùng bị chiếm thì làm sao tránh khỏi những cuộc hành quân lục soát bắt bớ, hay phải chịu những sự đóng thuế cho những người bên kia. Trăm chuyện rồi cũng trút lên đầu lên cổ người dân, Thư thấy chua xót, ray rứt. Rồi những sự tình nghi bắt bớ. Những cái chết xảy ra thật lãng ở trong thành phố bởi những trái đạn từ bên kia rót tới. Cuộc chiến lan tràn. Ba ngày trước anh nhận được thư của Duyên cho hay thành phố bị đến 10 trái bích kích pháo. Có một trái rơi xuống mé sông làm chìm một chiếc ghe máy, khá là khu định cư không sao.
Thư mồi tiếp điếu thuốc rồi đứng dậy lấy khẩu M.16. Anh nói với đám người bị bắt hồi chiều: bà con ngồi yên ở đây, ai có đi đâu thì nói với lính gác, kẻo không họ tưởng lầm bắn chết thì ráng chịu. Xong Thư bước ra. Người con gái đưa mắt nhìn theo chàng rồi tiếp tục cúi xuống vẽ những vòng tròn trên nền nhà gạch sụp đổ.
Phạm Văn Nhàn