Trước sân Trường Sư Phạm Qui Nhơn (Năm học 1967- 1968)
Ảnh từ Đặc San Sư Phạm Qui Nhơn, 2009
Vào một buổi trưa thượng tuần tháng 5, khi qua con đường Phan Đình Phùng, tôi bắt gặp một hình ảnh vô cùng cảm động và vô cùng thương xót. Nó xảy ra trên đường phố này, thành phố này. Nó làm tôi thấy rõ thành phố tôi đang trở về , tôi đang lẻ loi, tôi đang buồn, tôi đang uống rượu. Tôi đã nhận rõ người thiếu phụ đau khổ ấy. Nàng chạy qua đường, nàng lao vào bánh của chiếc xe quan. Nàng vùng vẫy khỏi những cánh tay của các ni cô áo vàng. Nàng đang níu kéo chiếc xe trở lại. Rồi nàng ngã quị trên vai một ni cô. Tóc nàng tung tóe. Đôi mắt nàng trợn trừng, nhìn về phía xe quan. Anh đi rồi. Sao anh bỏ mặc em. Đám ni cô lại dìu nàng đến trước bàn thờ. Chồng em đó. Chồng em đó. Lạy đi. Khấn đi.
Chồng em hy sinh vì tổ quốc đó. Bỏ vợ và một đứa con mới bảy tháng đó. Lạy đi. Lạy cho hương hồn siêu thoát cho tiêu diêu miền Cực lạc, cho sớm về Cõi Niết Bàn. Tôi thấy nàng không lạy. Không khóc. Nàng trợn trừng ngó Phật, ngó bàn thờ. Chồng em đó. Chuẩn úy mới trình diện đơn vị được mười ngày đó, bị bắt sống đó, bị đâm, bị mổ xẻo lóc da lóc thịt đó... Hôm nay có cả một phe ăn mừng và một phe vinh danh anh hùng hy sinh vì tổ quốc. Hôm nay có một người đàn bà đang níu kéo chiếc xe quan cho đừng chạy. Nhưng cuối cùng xe đã bắt đầu rồ máy.
Và tôi vừa đi, vừa chạy.
Tôi nghĩ đến một người đàn bà thành phố đau khổ. Qui Nhơn đã có biết bao nhiêu người đàn bà như thế. Mới yêu nhau, mới kết tóc xe tơ nhau, mới trở về bên nhau, mới lạy cha mẹ nhau. Mới có một đứa con hay có đám con đùm đề. Qui Nhơn vẫn ăn chơi, vẫn chạy áp phe, vẫn thối nát, vẫn những chiếc xe sao trắng tuôn khói, bóp còi inh ỏi, chở đám con gái đi làm sở Mỹ. Qui Nhơn vẫn có những ổ điếm từ hạng sang đến hạng hèn ở khách sạn, phòng ngủ, hay ở bến xe ngõ hẻm. Thành phố vẫn bình thản với những buổi sáng trời trong và buổi chiều trời xanh lơ như ngọc bích. Tháng năm thành phố nóng bức, bãi biển đông người vào buổi tối. Các quán giải khát mọc lên như nấm. Nhạc thời trang, nhạc Hùng Cường, Trịnh Công Sơn hay tiền chiến vẫn tiếp tục lướt dài trên con đường phố khuya khoắt. Thành phố vẫn yên tĩnh. Tòa nhà văn hóa nguy nga, vẫn ngày buổi họp xây dựng bình định nông thôn, nhân dân tự vệ. Các con đường dẫn vào thành phố bắt đầu có ổ gà, bùn đọng hay bụi bốc mịt mù. Và dọc các con đường phố chính là gái điếm ngồi nhởn nhơ trước cửa mời gọi. Qui Nhơn... Qui Nhơn...
Tôi nghĩ đến một người con gái trong thành phố này. Một đêm trăng nàng khóc bên tôi. Đã xa rồi những bài ca nàng hát, những nỗi buồn nàng kể. Đêm trăng ấy, nàng đến gặp tôi với tờ bảo đảm đi làm sở Mỹ. Nàng năn nỉ tôi ký. Nàng khóc khi kể về sự túng quẩn phải nuôi một đứa con không cha. Tôi hỏi tại sao em không tiếp tục làm nghề ca hát cho đơn vị chiến tranh chính trị nữa. Có những người lính cam khổ, đóng ở tiền đồn xa cần đến tiếng hát của em. Em đem tiếng hát để làm ấm lòng hay an ủi những người phải hy sinh tuổi trẻ của họ. Em đem tiếng hát xoa dịu phần nào nỗi đau đớn của thương binh. Em là con chim mang mùa xuân vào cõi bất hạnh. Tôi muốn ôm nàng mà chia sẻ nỗi niềm của tôi. Tôi nhìn vào đôi mắt của nàng. Sao em lại bỏ đi làm sở Mỹ. Khi ấy nàng cúi nhìn xuống, nửa gương mặt của nàng lóng lánh ánh trăng. Tôi thấy những giọt nuớc mắt vàng long lanh đọng trên má nàng. Nàng lắc đầu: Lương em ít quá. Lương chỉ có bảy ngàn, làm sao em đủ tiền để nuôi con...
Tôi không nói. Nếu tôi nói thì sẽ nói gì bây giờ...
Những người con gái của thành phố này có còn làm đẹp cho thành phố nữa không. Chắc chắn là không. Và người lính như tôi có còn trở về để ấm lòng vì ít ra mình còn biết việc chiến đấu của mình là không vô ích?
Nhưng tôi vẫn phải về thành phố ấy. Thành phố ô nhục như những thành phố khác. Tôi phải về nhờ những chuyến xe đầy thực phẩm hàng hóa và mồ hôi người. Ngày có lương thì ăn chơi thỏa thích. Ngày không còn một đồng bạc cắc thì lê la nhìn con gái đàn bà. Tôi yêu những nàng con gái Sư phạm, mỗi ngày thứ bảy chủ nhật bung ra làm đẹp những đường phố Qui Nhơn. Họ tạo nên một mùa con gái mỗi năm. Họ đến từ bốn phương trời mang về những sắc hoa hương phấn. Họ ở lại để điểm trang thành phố một mùa. Rồi một mùa mới laị trở về. Phố lại thêm những tà áo mới vờn bay thay vào những tà áo đã mất. Họ đến cũng như họ đi. Như những đám mây trên Ghềnh Ráng, họp rồi tan. Không cần ai biết. Cũng chẳng cần ai thắc mắc.
Chỉ có tôi là tội nghiệp. Bởi tôi lỡ có một cánh bướm, một cánh chim, một bông hoa, một người nữ trong rừng bướm, rừng chim, rừng hoa, rừng người nữ ấy. Nàng bỏ tôi, quay mặt với tôi. Nàng không động lòng từ tâm trắc ẩn khi nghe tôi kể về những cực khổ những gian nguy mà người lính đã phải gánh chịu. Để cho nàng được bình an học hành, để cho một ngày nàng thành tài và bỏ thành phố mà đi. Như một con tàu rời nhà ga, để lại sân ga trống vắng lạc loài.
Tôi vẫn phải về, dù nhà giam trong quân trấn vẫn mở cửa chờ đợi. Tóc tôi dài, râu không cạo, đôi giày của tôi vẫn đầy bùn đất sau một đêm dắt lính đi làm ăn. Đây là ngôi nhà nhỏ ở khu Sáu, một lũ bạn nghèo đói, lếch thếch lang thang xa hương xa xứ. Còn có những đêm cả bọn ôm nhau nhổ râu, nặn mụn, chưởi thề. Có tiếng ngâm thơ của Phạm Cao Hoàng trong bài thơ Quang Dũng, còn có tiếng hát của Phạm văn Nhàn, Thế Vũ vang rền cả đêm khuya (1), còn có Lê văn Trung nhìn lên bầu trời ngoài khung cửa mà mà nghĩ:
Tình không, không cửa, không nhà
Lòng như mây trắng bay qua biển chiều
Lòng như mây trắng bay qua biển chiều
Còn có tôi trở về với máu me dầm dề áo trận khi cùng Trịnh Kim Đồng (đã chết ngày 29-3-1970) đập phá quán cho vơi buồn. Bởi vì chúng tôi không thể làm gì hơn thế nữa. Ngoài trừ là chờ đợi cái chết như Trịnh Kim Đồng.
Trần Hoài Thư
(Khởi Hành số 61 tháng 7-1970)