Sunday, May 17, 2015

134. NGUYÊN MINH Ngày giỗ Mẹ


NGUYÊN MINH
Ngày giỗ Mẹ

Ảnh PCH - 2012


Những ngày tháng 4 gần đây trời Sài Gòn nóng bức, những cơn giông bất chợt, sấm sét rền vang, chuẩn bị những cơn mưa ồ ạt. Và tôi chờ đợi. Như ngày giỗ Mẹ sắp tới, tôi chuẩn bị chuyến trở về quê cũ. Như mọi năm. Như mọi lần. Tôi đứng thắp nhang đứng trước ngôi mộ Mẹ, nhìn đăm đăm hình Mẹ gắn chặt trên tấm bia đá cẩm thạch. Mẹ đang nở nụ cười bao dung. Còn tôi đang khóc trong lòng. Lần đầu tiên tôi khấn trước mộ Mẹ, tôi vừa đến tuổi 18. Mẹ tôi qua đời sau cơn bạo bệnh tuổi Mẹ mới vừa 50. Mỗi năm, đứng trước mộ, tôi lớn lên một tuổi, thời gian qua tôi đã thành một cụ già trên 70, răng đã rụng, tóc đã bạc trắng nhưng Mẹ tôi nằm ở đây vẫn mãi mãi ở cái tuổi 50. Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy này, cháu nội ngoại đầy đàn nhưng mỗi lần nhớ đến Mẹ, tôi vẫn cảm thấy mình nhỏ lại, bé bỏng trong vòng tay Mẹ ôm ấp, tỏa hơi ấm cả lòng tôi.
Thuở ấu thời Mẹ tôi thường kể chuyện cổ tích, ru tôi vào giấc ngủ êm ái, nơi đó tôi gặp lại cô Tấm dịu hiền, chịu đựng, tha thứ, bao dung, không có những hành động trả thù quá tàn bạo với cô Cám – em mình, cùng người dì ghẻ đã từng hành hạ mình như sau này lớn lên tôi đã đọc ở các sách báo. Có thể Mẹ tôi bỏ qua những cảnh xấu xa đó, Mẹ chỉ tôn vinh cái đẹp của cô Tấm ở một thời điểm nào đó. Thổi vào tâm hồn trong sáng, hồn nhiên của trẻ thơ. Chính vì thế mà sau này lớn lên tôi mới hiểu cái thiện và cái ác.

Lời Mẹ dạy:

Gần nhà tôi là một rạp chiếu bóng, chiều nào cũng phát ra những bản nhạc do quái kiệt Trần Văn Trạch cải biên làm tôi cứ bắt chước hát theo mà chẳng hiểu đúng ý nghĩa lời ca. Có một hôm tôi nằm trên tấm ván gỗ, gác chân lên thành cửa sổ, rướn cổ lên mà rống:
Tiên sư cha nhà mi dám lạy chồng bà / Làm cho bà đi xuống đi lên…
Mẹ tôi từ trong phòng riêng tất ta tất tưởi chạy lên, đến vỗ vai tôi rồi cầm tay tôi dắt vào phòng mà hỏi: “Con có hiểu ý nghĩa mấy lời con hát không?” Tôi trả lời chắc nịch: “Dạ biết” Rồi tôi mau mắn vừa hát vừa làm điệu bộ chắp tay vái lạy đúng ngay lời tôi đang nhái từ “lạy”. Mẹ tôi lắc đầu, nói nhỏ: “Không phải lạy đâu mà đúng ra là lấy đó!” Lúc đó tôi mới giật mình, tôi như vừa làm một điều gì có lỗi với Mẹ tôi và cả Mẹ kế của tôi nữa. Từ đó, tôi không bao giờ hát mấy câu đó nữa. Đến bây giờ, khi tôi chủ biên một tập san văn học nghệ thuật, dứt khoát không dùng nơi đây làm diễn đàn đả phá công kích lẫn nhau…
Ba tôi bị Tây bắt và trục xuất ra khỏi tỉnh, đưa về Huế. Ở đó, Ba tôi có thêm một người vợ trẻ và có thêm hai đứa con, sau này Mẹ tôi đi về Huế rước gia đình đó về sống chung một mái nhà. Cách đối xử của Mẹ tôi bao dung, đùm bọc Mẹ kế tôi làm tôi xóa tan trong tâm trí, không hình dung được cảnh dì ghẻ con chồng xấu xa như ở ngoài đời. Bao nhiêu năm tháng qua, Mẹ tôi đã mất đi nhưng tôi vẫn còn người Mẹ thứ hai. Rồi người Mẹ thứ hai hiền dịu của tôi cũng đi theo Mẹ thứ nhất về nơi vĩnh cữu. Hai người Mẹ vẫn hòa thuận thương yêu nhau nên anh em chúng tôi không biết phân biệt, chỉ chấp nhận mình cùng một cha và cùng có hai người Mẹ đã yêu thương mình.

Chiếc roi đầu tiên:

Từ nhỏ đến lớn, chỉ một lần Mẹ tôi dùng đến cây roi quất vào mông tôi, vì một lỗi lầm mà Mẹ tôi không thể tha thứ được. May mà chỉ là chuyện hiểu lầm. Một chuyện đùa của một người hàng xóm báo tin đến Mẹ tôi là tôi đã phụ tình một cô gái tuổi mới lớn, làm cô gái phải bỏ nhà ra đi. Tôi vừa đi học về, mới bước chân vào nhà đã thấy Mẹ tôi cầm sẵn một chiếc roi. Mẹ tôi bắt tôi nằm úp mặt xuống nơi tấm ván gỗ bóng lưỡng, rồi nhịp nhịp chiếc roi lên mông tôi, hỏi tội tôi bằng cái giọng buồn buồn: “Mẹ phải đánh roi con Mẹ đau lắm nhưng nỗi đau này không bằng nỗi đau mà con đã gây ra cho một người con gái tuổi mới lớn. Đã yêu ai thì yêu suốt cả cuộc đời. Sao con có thể phụ tình.” Tôi giải thích cặn kẽ cho Mẹ hiểu sự tình. Cô bạn hàng xóm, tôi chỉ xem là người bạn bình thường. Cô ta bỏ nhà trốn theo người tình, một anh bạn của tôi. Mẹ thở nhẹ như trút một gánh nặng. Mẹ nói nhỏ nhưng tôi cũng đủ nghe: “Trong tình yêu phải có lòng thủy chung”.
Sau này lớn lên tôi gặp một người con gái tuổi mới 17. Chúng tôi yêu nhau. Hẹn ước vài năm sau chúng tôi sẽ thành vợ thành chồng. Duyên không thành. Nàng đi lấy chồng. Tôi có vợ, một người con gái không quen biết trước. Ngay đêm đầu tiên nằm bên người vợ trẻ tôi trút hết tâm sự về mối tình đầu mới tan vỡ. Còn vợ tôi bấy giờ chưa biết tình yêu là gì? Bao nhiêu năm sống chung với nhau chúng tôi tôn trọng nhau, trọn nghĩa vợ chồng.
Mấy mươi năm sau, tôi gặp lại người yêu xưa trong một lần nàng trở về thăm Việt Nam, cả ba chúng tôi đều quí trọng nhau. Tôi chỉ có một người vợ hiền thục. Tôi chỉ có một mối tình thủy chung. Trong tất cả tác phẩm văn chương của tôi không bao giờ thiếu bóng người tình xưa đó. Vợ con tôi dành nhiều tình cảm thân thiết với “người tình muôn thuở” của tôi. Ngược lại, người tình xưa đó đối với gia đình tôi như ruột thịt. Tôi cám ơn đời. Tôi cám ơn Mẹ.

Lòng bao dung:

Nhớ lại một thời ngôi nhà số 11 ngày Mẹ tôi còn sống, những khuôn mặt thân yêu xa lắc kéo nhau về quây quần nơi đây. Những người cầu thủ bóng đá mà Ba tôi đã đem về từ trong Nam, từ ngoài Bắc, thành lập một đội bóng lừng danh, trong nhà thường vang lên những tiếng cười dòn tan, những giọng nói khác hẳn nhau chen lẫn những câu chuyện kể. Cùng những giọng nói nặng trịch xứ Huế của các ông anh bà chị con bác con chú theo Ba tôi vào đây từ lâu.
Năm 1954 Mẹ tôi vội vã ra Tuy Hòa thăm quê ngoại sau 9 năm cách biệt, dắt một đàn con cháu từ liên khu 5 còn lơ ngơ lơ nghếch bước vào ngôi nhà đông người, rồi cũng sống hòa đồng. Bên nội, bên ngoại, cả người dưng. Bấy giờ chỉ mỗi mình Mẹ là người làm ra tiền bằng những chuyến buôn xa. Mỗi lần Mẹ trở về, các anh thanh niên đều phụ khiêng vào nhà cái giỏ nặng trịch đầy trái cây, nào xoài bồ, nào măng cụt, nào bưởi Biên Hòa, nào ổi xá lị… Cả nhà xúm lại quanh Mẹ cùng vui như mừng chiến thắng. Mẹ tôi là người không ham mê bóng đá, chưa bao giờ Mẹ bước chân vào sân vận động, nhưng Mẹ lại tìm mua những đôi giầy đặc biệt, những quả bóng bằng da tận Sài Gòn về cho Ba tôi. Mẹ còn cao hứng mỗi lần đội bóng đạt được giải mang về nhà chiếc cúp bằng bạc Mẹ lại đãi một buổi tiệc linh đình nơi một nhà hàng. Đúng là Mẹ tôi giàu nhất tỉnh, mặc dầu tôi không biết tài sản bằng tiền bạc của Mẹ đến đâu, nhưng Mẹ tôi đã cho biết bao nhiêu mà kể đến mọi người thân mà chưa bao giờ Mẹ tôi đòi hỏi một sự trả lại kể một lời cảm ơn.
Đến tuổi 70 này tôi mới hiểu từ “Bố thí” của nhà Phật. “Cho đi” không bao giờ nghĩ đến “Nhận lại”.

Trước lúc ra đi:

Năm 1954, đội bóng của Ba tôi tan rã, mỗi người mỗi phương, các anh các chị bên nội ngoại một số đã ra ở riêng sau khi Mẹ tôi cho hẳn một số tiền để mua một ngôi nhà khang trang, còn các chị bên ngoại Mẹ cũng lo chuyện chồng con đàng hoàng. Riêng tôi Mẹ đưa về quê nội để tiếp tục việc học hành, nên những ngày Mẹ tôi bệnh nặng tôi không có mặt bên người Mẹ hiền đó. Trước khi qua đời tôi chỉ về kịp thấy mặt lần cuối và nghẹn ngào nghe lời trối trăn của Mẹ tôi. Bấy giờ trước tôi nằm trên giường bệnh là một người đàn bà ốm teo như cây sậy, da bọc lấy xương, đôi mắt nhắm nghiền, những giọt lệ ứa ra, chảy từ từ xuống gò má nhăn nheo, đôi môi tái mét, run rẩy, chỉ thốt ra vài lời nói từng tiếng một: “Anh… em… một… nhà… phải thương… lấy… nhau…”. Tôi nắm chặt lấy bàn tay Mẹ như một lời hứa. Mẹ tôi kéo tay tôi đưa vào ngực bà, tôi mới biết mẹ tôi đang mang một sợi dây chuyền, nơi tim Mẹ là một cái khoen tròn nhỏ lồng kính mỏng mặt trong là hình ảnh một người thanh niên mặc bộ đồ bà ba đen. đầu đội mũ bê rê đứng dưới rừng cây. Thì ra anh Hai tôi, người đã bỏ nhà ra đi theo kháng chiến chống Pháp lúc tôi mới lên năm tuổi. Té ra Mẹ tôi có vào chiến khu thăm con.
Mặt ngoài là hình ảnh của Ba tôi chụp trước ngày bị tù đầy lần thứ ba. Lời Mẹ tôi trối trước lúc ra đi về nơi viễn cữu đúng vào thời điểm cuộc chiến tranh ở miền Nam bắt đầu khởi sự lại sau mấy năm thanh bình. Mẹ tôi sợ rồi chúng tôi sẽ bị khoác lên mình bộ đồ chiến binh, cầm súng chiến đấu. Hai anh em, hai trận tuyến. Cuộc chiến càng lúc càng dữ dội. Kéo dài suốt 20 năm.
Bây giờ tôi tự hỏi có phải vì lời Mẹ tôi trối lại, lúc tôi 20 tuổi, mãi đến mười năm sau tôi 30 tuổi, tôi mới có dịp tỏ rõ lập trường mang tinh thần nhân bản, vượt lên những thế lực chính trị lúc bấy giờ ở miền Nam, nói lên những đau khổ, mất mát, tan thương do cuộc chiến kéo dài gây ra cho mọi gia đình Việt Nam, ước mơ một ngày hòa bình như bạn tôi Trần Hữu Ngũ, một trong những người chủ trương tạp chí văn học nghệ thuật Ý Thức mà tôi là người chủ biên:
Bao giờ Huế Hà Nội Sài Gòn cùng nằm ngủ chung chăn
Anh em ba miền, “nối vòng tay lớn” như Trịnh Công Sơn đã từng cùng anh em hát ca vui mừng ngày đoàn tụ gia đình khi một mai hòa bình.
Mẹ ơi! Chiến tranh thì đã chấm dứt, nhưng hận thù lại âm ỉ xảy ra. Hòa bình sao có người thắng kẻ thua. Tất cả phải ôm lấy nhau, vừa khóc, xem chuyện bắn giết nhau như một trò chơi “đánh giặc giả” thời ấu thơ, vừa cười, như vui mừng cùng nhau xây dựng một đất nước thanh bình.
Mẹ ơi! Từng tuổi 70 này rồi, và qua bốn mươi năm hòa bình rồi, mà con nghĩ như thế có phải quá ngây thơ không? Hả Mẹ?

Nguyên Minh