Sunday, May 17, 2015

135. NGUYỄN XUÂN THIỆP Đêm mưa bão, nghĩ tới loài cây dó



Đêm mưa bão, 
nghĩ tới loài cây dó


Trong truyện ngắn Thả Thơ in ở Vang Bóng Một Thời, Nguyễn Tuân làm sống lại bầu khí văn chương của thời trước bằng một đoạn ngắn mang nhiều hoài cảm: Có những đêm mưa to gió lớn làm nhòe những tiếng trống phủ cầm canh, cô Tú rời phòng mình, qua gian giữa gây một lư trầm cho cha. Ở gian giữa tư thất liền có tiếng ngâm thơ:

Cứ đốt lò hương cho tới sáng,
Thử xem mưa gió tới bao giờ.





    Ở đây, đêm qua, cũng mưa bão sấm chớp đầy trời. Nguyễn tôi nhìn ra cửa số sáng đèn, thấy ngọn hải đào vật vã, thả bay trong mưa những chùm bông đỏ ối. Sẵn có mấy miếng trầm nhỏ bạn cố tri từ Việt Nam qua cho, bèn lấy cái bát sành cho vào rồi đốt lên. Mùi hương trầm thoảng bay trong mưa gió sấm chớp lóe rền, khiến nhớ tới loài cây dó trong một bài viết đã lâu quên tên, nay xin ghi ra đây và điểm xuyết thêm để bạn ta đang ở cuối cơn hôn mê lịch sử cùng nhau ngâm ngợi.

     Trên núi cao có một loài cây gọi là cây dó. Thoạt nhìn, nó chỉ là loại cây tầm thường như hàng vạn thảo mộc khác, nhưng có một điểm đặc biệt khiến cây dó trở thành quý, ấy là nó cho ta trầm. Để có được trầm, theo như sách vở cho biết, loài cây dó phải chịu những vết thương ở rễ và cả thân cành. Rồi qua hàng chục năm, có khi cả trăm năm, nhựa cây ứa ra quanh vết thương đó, lại phải nhờ giọt sương tia nắng, tức khí âm dương của trời đất, làm cho chất nhựa ngấm vào thớ gỗ trong ruột cây.

    Gần đây, tra cứu trên Google cũng thấy ghi: “Aloeswood is the resinous wood from the Aquilaria tree, an evergreen tree native to northern India, Laos, Cambodia, Malaysia, Indonesia, and Vietnam…”

   Trầm là thứ gỗ có chất nhựa từ cây Aquilaria, một loại cây xanh tốt quanh năm, gốc từ miền Bắc Ấn Độ, Lào, Cam Bốt, Mã Lai, Nam Dương và Việt Nam. Cây Aquilaria cao khoảng chừng 40 mét, có đường kính 60 cm. Nó nở hoa trắng như tuyết, tỏa ngát hương thơm. Loài cây này thường xuyên bị nấm (fungus) ăn bám vào khiến nó tiết ra chất nhựa thơm để băng bó vết thương…




    Như đã thấy trên, có những cây dó trầm hương hàng trăm năm tuổi nhưng đường kính gốc chỉ độ mười lăm hai mươi inch. Sở dĩ vậy, vì loài cây này lớn chậm, phải hơn mười năm mới nở hoa một lần, để rồi kết trái, hạt rụng xuống, lưu giống đời sau. Cho nên không phải ở khu rừng ngọn núi nào cũng có trầm hương, nghĩa là có cây dó. Thứ cây quý và hiếm như thế không dễ gì bạ đâu mọc đó, như những thứ cỏ mọn hoa hèn, thảo mộc tầm thường.

     Những nghệ sĩ lớn ở đời cũng vậy, có khác gì loài cây dó mọc trên non cao. Phải hàng trăm năm mới có được những Khuất Nguyên, Tư Mã Thiên, Đỗ Phủ, Nguyễn Du, Beethoven, Lev Tostoi, Boris Pasternak v.v... Họ -những nghệ sĩ tài năng ấy- cũng đã phải cưu mang những vết thương, để rồi suy niệm từ chính những đau khổ của đời mình trải qua trong cuộc nhân sinh mà sáng tạo nên những công trình lớn, những nghệ phẩm lớn. Không thể nào từ cái không mà tạo nên cái có hay từ ao tù mà dấy lên sóng cả. Không thể nào bỗng nhiên một sáng đẹp trời thức dậy thấy mình trở thành nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ hay họa sĩ tài danh rạng rỡ để mọi người phải ngưỡng mộ. Tất nhiên cũng có những văn nghệ sĩ sống cuộc đời bình thường nhưng nhờ khả năng thấu thị và óc sáng tạo, đã cho ra đời những tác phẩm có tầm vóc đồ sộ, nhưng đó gần như là những ngoại lệ, như trường hợp của Rabindranath Tagore với Khúc Ca Dâng Hiến (Gitanjali - Song Offerings), Marcel Proust tác giả thiên trường giang tiểu thuyết Tìm Lại Thời Gian Đã Mất (À la recherche du temps perdu) hay William Faulkner với tác phẩm Âm Thanh Và Cuồng Nộ (The Sound and The Fury) mở ra một chân trời lồng lộng, một bề sâu thăm thẳm của kiếp nhân sinh và tâm thức người. Nhưng nói chung, ngoài yếu tố tài năng, không có một cuộc đời lớn, một tâm hồn lớn thì khó có tác phẩm lớn. Hãy nghĩ đến loài cây dó nơi non cao rú rậm. Hay nghĩ đến con trai giữa muôn trùng sóng biển khơi xô giạt với một vết thương trong lòng để từ đó sinh ra hạt ngọc long lanh. Hay cây gỗ vàng tâm, muốn có những đường vân quý, phải vật vã trăm năm trong bão tố. Người nghệ sĩ đích thực cũng vậy, phải chịu những đau khổ lớn và tự rèn luyện không ngừng, thầm lặng và cô đơn miệt mài trên trang giấy, trước phiếm đàn, khung vải... để làm nên tác phẩm. Khuất Nguyên ôm nỗi đau của người cô trung viết những vần Ly Tao để rồi gieo mình xuống sông Mịch La rửa sạch oan khiên.  Tư Mã Thiên, trong nỗi thống khổ của người bị tội hình, đã dựng lên cả một pho Sử Ký vĩ đại. Có "trải qua một cuộc bể dâu", Nguyễn Du mới viết được Đoạn Trường Tân Thanh để lại cho đời. Beethoven, Lev Tolstoi hay Boris Pasternak hay Solzjenitsyn hay Brodsky… đều đã sống những chấn động bi thương của kiếp người và lịch sử. Và phải chăng, nhà nghiên cứu phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc nói tới sự "thống dâm" của người nghệ sĩ sáng tạo cũng là trong ý vừa nói.

     Tuy nhiên, không phải hễ trải qua cuộc biển dâu là có được tác phẩm giá trị. Thiếu gì loài cây cũng qua cơn gió bão như loài cây dó mà chẳng sản sinh được chút trầm hương nào cả. Nếu không tìm cách thăng hoa nỗi đau khổ, miệt mài suy tưởng về cách thế ưu việt để diễn đạt, thì sẽ bị chính nỗi đau khổ tiêu diệt. Văn Cao là một nghệ sĩ lớn. Ông có bi kịch riêng của đời mình. Kể từ sau Cộng Sản chiếm được chính quyền, ông thường  tự dằn vặt và nhận chìm nỗi khổ trong ly rượu khi nghĩ tới thời trẻ đã mê theo chế độ, cầm súng tham gia ám sát người lương thiện. Kể từ sau Sông Lô, Làng Tôi, coi như Văn Cao đã chết. Chế Lan Viên suốt bao nhiêu năm tháng ăn bánh vẽ của Cộng Sản mà vẫn đóng kịch giả vờ rất hoan hỷ để rồi cuối đời viết Di Cảo chỉ là những mảnh vụn suy nghĩ  chứ chưa phải là tác phẩm. Trường hợp Văn Cao và Chế Lan Viên, thủ phạm giết chết mầm sáng tạo của nghệ sĩ không phải tự thân cuộc đời mà do ở chế độ và những tên đồ tể “đầy gân thiếu trái tim”. Trường hợp nhà danh họa Dương Bích Liên cũng đáng cho chúng ta suy nghĩ. "Nghiêm - Liên - Sáng - Phái" là những danh họa Việt Nam mà trong bốn số phận đó, Dương Bích Liên có lẽ là con người u uất lặng lẽ sống và chết buồn thảm nhất -tài liệu trên net gần đây ghi rằng cuối đời ông nhịn đói cho tới chết. Một danh hoạ được xưng tụng mà sinh thời chưa một lần triển lãm tác phẩm của mình, một danh hoạ vẽ cả đời mà cuối cùng muốn tự hủy hết tác phẩm của đời mình.
    
    Ôi, Nguyễn tôi đã dông dài về những trầm luân của những tài năng nghệ sĩ  trong cuộc ba đào chính trị hỗn mang. Vậy, xin trở lại những luận điểm chính của bài viết hôm nay, ta thấy phần đông nghệ sĩ sáng tạo được tác phẩm giá trị tuyệt vời là từ chính những nỗi đọa đày của kiếp người. Như loài cây dó phải chịu những vết thương mới tạo ra trầm. Tài năng, nhân cách của nhà nghệ sĩ được tôi luyện trong ánh lửa ngời inferno và những cơn giông lớn vật vã trăm bề. Và từ đó, thấy được rằng những cống hiến của nhà nghệ sĩ chính là tim óc, tinh huyết của họ. Để chúng ta có một thái độ trân trọng hơn trong thưởng ngoạn vậy.




Viết thêm sau khi đọc lại: Nguyễn tôi, nhân chuyện cây dó, mà nghĩ tới những tài năng lớn trong lãnh vực sáng tạo văn học nghệ thuật. Không có một tâm hồn lớn, một tài năng lớn và một cuộc đời lớn thì khó mà sáng tạo được những tác phẩm lớn. Nói như thế, người viết không hề có ý phủ nhận sự đóng góp của biết bao tác giả bình thường khác. Tất cả đều là những bông hoa của trái đất này.

Nguyễn Xuân Thiệp