Saturday, June 20, 2015

139. NGUYÊN MINH An Giang, dòng sông trong trí nhớ





Nhiều bạn văn cũng như độc giả của Tập san Quán Văn hỏi tôi vì sao qua 30 số báo mà hầu hết chủ đề dành cho những dòng sông. Những con sông hiền hòa, thơ mộng như cô gái tuổi mới lớn nhưng có lúc cũng dữ dằn cuồn cuộn cuốn trôi những ruộng vườn nhà cửa dọc theo bờ. Cuộc đời cũng đẹp như dòng sông. Cuộc đời cũng dữ dằn như dòng sông. Tôi không biết trả lời như thế nào.

Thời thơ ấu tôi đã đắm mình trong dòng nước trong vắt của con sông Dinh chảy qua thị xã Phan Rang. Thời mới lớn tôi đã chìm lòng mơ mộng bên dòng sông Hương xứ Huế. Tuổi ba mươi, tình cờ như định mệnh, tôi đến với dòng An Giang cùng với một mối tình mang theo.
Sau cuộc đổi đời lịch sử đưa đến, tôi sống như một nông dân nơi một thôn làng hẻo lánh bên cạnh dòng sông của tỉnh lỵ nhỏ nơi tôi đã từng sinh ra và lớn lên. Định mệnh đưa đẩy, tôi dắt cả gia đình vào sống lại ở Sài Gòn sau suốt mười lăm năm chôn chân ở đó. Tại đây, sau 25 năm tôi gặp lại người tình xưa khi nàng từ Pháp về thăm quê hương. Hai đứa tôi như đang trẻ lại, ngồi lại một nhà hàng trên đường Lê Lợi uống vài ly rượu vang, nhắc lại những kỷ niệm một thời trẻ đã từng yêu nhau, và bây giờ tuổi đã xế chiều vẫn còn xúc động. Nhắc lại cái đêm hôm ấy, nàng ngượng ngùng, mặt đỏ hay, không biết có phải vì rượu đã thắm say hay con tim nàng đang xao xuyến và bao nhiêu năm rồi nàng vẫn còn thắc mắc về thái độ của tôi. Bao nhiêu năm rồi tôi vẫn giữ chặt trong lòng, tôi cũng chẳng thổ lộ với nàng. Bao nhiêu năm rồi tôi vẫn chưa hiểu sao nàng không một lời giã từ trước lúc chia tay.
Buổi chiều Sài Gòn tháng 6 có những cơn mưa bất chợt, ồ ạt, ào ào, rồi cũng dứt nhanh, làn gió thổi nhẹ làm tóc nàng lay động, lời nói nhỏ lại như đang thốt ra từ đáy lòng. Nàng hỏi tôi hay đang tự hỏi mình: “Hình như ngày xưa anh chưa từng hôn em?” Phải. Đó cũng là nỗi ân hận, ray rứt của tôi. Đó cũng là lý do người con gái đánh giá tình yêu của người con trai, cái thước đo tình cảm chưa đến mức đậm đà. Người con gái ngày xưa và người đàn bà bây giờ vẫn ấm ức nên đưa mắt nhìn thẳng vào mắt tôi, hỏi: - Bây giờ em muốn tặng anh một món quà. Anh có nhận không? Tôi chỉ biết gật đầu và chờ đợi. Giọng nói người đàn bà ngập ngừng và nhỏ lại. Tôi nghe mà cứ tưởng mình đang còn trong cơn mộng tưởng. “Một nụ hôn, dù đã muộn màng.” Đúng. Muộn màng. Thuở xưa chúng tôi yêu nhau. Và đã từng ngủ chung một giường. Tôi nhắc lại cái đêm hôm ấy.
Tôi bỏ nhà in, nơi tôi phụ trách trông nom mà không thông báo với TDT tạm thay tôi một vài hôm. Tôi không muốn anh biết nguyên nhân. Y. người bạn gái cùng trường, cùng quê, rủ tôi cùng “người yêu” làm một chuyến về miền Tây. Y. hỏi tôi địa chỉ nhà, nơi nàng ở trọ. Tôi nói không đúng số nhà nhưng cuối cùng Y. cũng tìm ra. Ngồi trên chiếc xe Toyota, bên cạnh “người yêu”. Vẫn chiếc áo dài lụa trắng Hà Đông. Vẫn mái tóc thề ngang vai. Vẫn đôi mắt long lanh. Vẫn nụ cười duyên dáng. Y. bô bô kể lại cảnh hai người con gái chưa từng biết mặt chỉ biết về nhau qua lời tôi kể. Trước con mắt soi mói của chủ nhà, cũng là người chú họ mà ba mạ nàng ký gởi, hai người phải đóng kịch như hai cô bạn thân cùng học trường sư phạm rủ nhau về thăm một thầy dạy đang bệnh nặng ở quê, tận miền Tây.

Cảnh vật hai bên đường đối với tôi và H. đều xa lạ, vì lần đầu tiên chúng tôi về miền Tây. Ruộng đồng bao la, chạy tít đến chân trời. Đúng là cò bay thẳng cánh. Lại thêm những chiếc phà đưa khách qua sông. Dòng Cửu Long, nước đục màu phù sa, chảy xiết. Đứng dựa vào thành lan can của chiếc phà lớn cả hai chúng tôi, dù đứng sát vào nhau cũng thấy lạnh vì cơn gió thổi lồng lộng. Nhìn những đám bèo lục bình màu xanh lơ, nhỏ nhắn, dập dềnh giữa dòng bị nước kéo trôi, cuồn cuộn, bỗng nhiên tôi rung động, liên tưởng đến phận người. Tôi nhìn H. và nhận ra từ đôi mắt nàng đang nhìn về những cánh bèo đó như xa vời, buồn bã.
Nơi chúng tôi đến đầu tiên, và ngủ lại là một khách sạn cận kề dòng An Giang.
Tuấn, người yêu của Y. đưa cho tôi chiếc chìa khoá phòng, rồi vội vàng kéo tay Y. đến phòng cuối dãy hành lang. H. riu ríu bước khẽ theo sau lưng tôi. Tra chìa vào ổ khoá. Cánh cửa từ từ mở. Bóng tối lờ mờ. Bật đèn lên. Ánh sáng chói lòa. Một chiếc giường ngủ, hai cái gối cận kề. Tấm vải trải giường trắng tinh. Phía dưới là chiếc chăn màu đỏ xếp gọn. Tôi chưa thả chiếc xách nhỏ xuống thềm, như bị điện giựt khi nhìn thấy cái lavabo màu trắng gắn sát tường ngay giữa phòng, tôi vội vàng kéo tay H. đi theo Tuấn, mặc cho H. vẫn còn ngơ ngác không hiểu gì?
Suốt cả một đêm tôi không ngủ được. Nằm bên cạnh người yêu, người con gái đã từng hẹn hò khi chúng tôi còn ở quê nhà sau năm năm sẽ thành vợ thành chồng. Bấy giờ nàng vừa mới lớn, còn mặc áo dài trắng tuổi học trò. Tôi chỉ là thầy giáo quèn. Gia đình H. ngăn cản chuyện tình hai đứa. Chúng tôi xa nhau, mỗi người mỗi ngả. Biệt tăm. Tình cờ gặp lại nhau, nơi này. Sài Gòn. Đúng như thời gian đã ước hẹn. Cái gì đã ngăn cản tôi, làm tôi như con bướm bị vướng vào màn nhện, cứng đơ, chờ chết. Cái lavabo.
Mấy mươi năm sau, khi tôi làm chủ biên Tập san Quán Văn, số chủ đề về nhà văn Kiệt Tấn, đọc những truyện ngắn anh viết về tình yêu, tình dục tôi mới thấm thía. Tôi không điên như Kiệt Tấn nên tôi không dám viết ra những gì tôi đã sống, nhất là những dục tình của một thời. Giữa tôi và Kiệt Tấn, cùng một thế hệ. Cùng một lối sống giống nhau. Những cảnh làm tình của những chàng trai mới lớn, của những cô gái bụi đời lang thang giữa đêm khuya. Những cuộc tình dục bốc cháy hết cô gái này, từ cô vũ nữ đến người đẹp con nhà lành. Những cảnh bắt “bò lạc”, từ ngữ thời thập niên 60 chúng tôi dùng chỉ những cô gái từ miệt vườn lơ ngơ trước ánh sáng đô thành. Một lũ con trai năm bảy đứa, xa nhà, truy hoan với một cô gái. Cả bọn thi nhau dùng một cái lavabo. Trong bóng tối, chỉ nghe tiếng nước chảy rì rà. Trong bóng tối chỉ nghe tiếng nói thúc dục. Trong bóng tối chỉ nghe tiếng rên rỉ như tiếng mèo kêu động đực.
Sau khi rời bỏ cái thị xã nhỏ cùng một mối tình thơ ngây, vào Sài Gòn tôi đã sống trụy lạc như thế, như muốn quên đi những trong sáng cùng nỗi đau khổ về một mối tình đầu đời. Ngày ấy H. thường lên căn gác nhỏ của tôi. Ngồi đối diện với tôi, nhìn những giọt nước mắt đang chảy dài trên gò má đỏ hồng của người con gái ngây thơ làm tôi chạnh lòng nhớ lại những ngày thơ ấu, lúc tản cư về một làng quê hẻo lánh, cả gia đình tôi trú ngụ nhà người bà con, có cô con gái tuổi xấp xỉ với tôi. Những buổi chiều trời mưa, tôi và cô bé đó thường ngắt những cọng tranh, chấm vào bọt xà bông trên bàn tay nhỏ bé, rồi đưa lên miệng, thổi nhẹ. Những cái bong bóng nhỏ xíu, mảnh khảnh bay lơ lửng. Tôi đưa bàn tay chụp lấy, vừa đụng những chiếc bong bong đó thì nó vỡ tan. Tôi cất tiếng cười giòn giã, như một chiến thắng. Cô bé lại khóc ròng. Tiếc nuối. Cô bé nũng nịu bắt đền tôi. Tôi thổi lại những cái khác. Nhìn những bong bóng đó bay lên, cô bé cười thích thú. Tôi lại nghịch ngợm vói theo, chụp lấy. Nó lại vỡ đi. Cô bé lại khóc nữa. Cứ thế mà tiếp tục như một trò chơi. Sau này về thành phố, lớn lên, tình cờ tôi mới trở về thăm làng cũ mới hay cô bạn ấy đã chết từ lâu, tuổi mới lên mười sáu cơn bệnh tim từ bẩm sinh.

Sau này tôi có viết một truyện ngắn mang tên “Bàn tay” diễn tả bàn tay thô bạo của một chàng thanh niên bụi đời, đụng đến vật gì thì làm nó vỡ tan ra từng mảnh, chạm vào thân xác người con gái nào thì đầy dục vọng, rồi mang những bất hạnh đau thương, chết chóc cho người đó. Chàng mang mặc cảm về những bong bóng mỏng manh ngày thơ ấu. Giống như tôi lúc nhìn người yêu đang khóc. Nhiều lần tôi muốn đưa tay lên vuốt tóc, hay vỗ về người con gái ngây thơ này, nhưng tôi sợ nàng tan mất như những bong bóng ngày xưa. Ngày chia tay, tôi chỉ biết nhìn theo bóng dáng nàng khuất xa.
Sau một thời gian, tôi đã từng trải, qua bao nhiêu cuộc tình, chỉ trong một thời gian ngắn rồi tôi lại quay lưng, quên tuốt. Tôi say mê công việc về nhà in, nhà xuất bản, Tạp chí văn học và viết lách. Tôi tưởng rằng hình ảnh người tình năm xưa đã chìm sâu trong vùng quên lãng, và niềm ray rứt về một món nợ mà tôi chưa trả. Đến tuổi xế chiều này, trong buổi gặp lại nhau, người xưa về như đòi tôi một lời giải thích về cái đêm hôm mà nàng cho là tôi lạnh nhạt, không nồng nàn yêu đương. Nàng như bị tổn thương. Chính vợ tôi lại kết án như thế khi tôi tâm sự kể lại cho vợ tôi chuyện đó. Vợ tôi còn nói: Nếu là em như chị ấy em đạp anh xuống giường rồi. Chị ấy bỏ anh đi lấy chồng, đúng thôi.
Tôi không dám kể cho vợ tôi nghe về nỗi ám ảnh trần tục, dơ dáy, đến buồn nôn của những cuộc truy hoan qua cái lavabo. Giá mà ngày ấy tôi và người yêu xưa vào nơi hẹn hò không phải là khách sạn, không có cái lavabo như thế thì mọi việc đã khác rồi. Tôi không muốn đánh giá quá thấp về người tôi yêu.
Cái lavabo làm tôi đâm ra vụng về, luống cuống. Nằm bên cạnh người yêu mà tôi không chạm đến thân xác nàng. Trời mùa hè, nóng bức, mà tôi lấy tấm chăn đắp lên người nàng.
Tiếng gà gáy ở đâu từ xa vọng lại, tôi rón rén bước xuống giường, mở cửa phòng, xuống đường, dọc dòng sông An Giang, đến một ngôi chợ nhỏ vắng tanh, chỉ còn trơ những sạp gỗ trống trơn, đứng trước một cái quán tạp phô, kêu cửa hỏi mua một cái bàn ủi điện. May mà họ không bảo mình là thằng điên. Tôi lang thang, dọc theo bờ sông, nhìn con nước chảy gợn sóng sau đuôi một con thuyền máy chui qua cầu. Nhớ lại chuyện đêm vừa qua, tự trách mình, như chuộc lỗi nên cầm chiếc bàn ủi điện cá nhân này đem về phòng tặng nàng. Tân và Y. vừa xuống khách sạn, tôi rón rén vào thì H. cũng đã chải tóc. Tôi vào phòng tắm lấy chiếc áo dài lụa Hà Đông của nàng đặt trên bàn và đưa tay cầm bàn ủi làm cho tan đi những vết nhăn. Y. chợt vào phòng thấy cảnh này, thốt lên: “Chà, tên này quan tâm đến người yêu ghê ta.” Y. còn hỏi H.: “Chừng nào cho bọn này ăn cưới đây.”
Nàng âm thầm đi lấy chồng. Tôi về lấy vợ. Thế là xong.
Bây giờ, sau 30 năm. Trước khi H. trở về lại Pháp, nơi nàng theo các con định cư từ ngày chồng chết. Hai chúng tôi đang ngồi tại một nhà hàng nằm trên tầng thứ 33, trên cao nhìn xuống, qua khung cửa kính: dưới kia li ti những ngọn đèn đỏ đèn xanh đèn vàng đủ màu, hàng xe nối dài, không một tiếng động. Như cảnh một đoạn phim câm. Quanh tôi, những chiếc bàn ghế còn trống trơn. Tiếng nhạc êm dịu. Giọng hát Thái Thanh vang vọng:
Đi đi, chúng ta đi đến công viên. Nơi anh sẽ hôn em đắm đuối… (Thơ Thanh Tâm Tuyền)
Dù đã muộn màng. Tôi nhận lại món quà H. tặng.
Một nụ hôn cuối đời.

Nguyên Minh
Tháng 6.2015