Tuesday, August 4, 2015

146. NGUYỄN XUÂN THIỆP Tản mạn bên tách cà phê MƯA CẨM GIANG


MƯA CẨM GIANG
nguyễn xuân thiệp




Có những bài thơ không bao giờ quên…Như bài Mưa Cẩm Giang (hay Mưa Đêm Nay). Với Nguyễn tôi và một số người làm thơ của buổi trời đất nổ cơn giông lớn lịch sử ấy thì Mưa Cẩm Giang mang nhiều tâm tình và hoài niệm. Giờ đây đã hơn nửa thế kỷ sau ngày bài thơ ra đời đọc lại vẫn còn bàng hoàng xúc động. Vậy xin có đôi lời về Mưa Cẩm Giang…

  
Trong bài tạp bút đăng trên Phố Văn ngày nọ, Nguyễn Đạt mở đầu bằng những lời sau đây: "Một buổi chiều, tôi tới thị trấn Cẩm Giang thuộc tỉnh Tây Ninh thì gặp trận mưa lớn. Vào một quán nước, uống tách cà phê lấy hơi ấm, và đợi mưa dứt để đi tiếp tới thị xã, tôi được nghe câu chuyện của ông chủ quán. Ông nói có người lữ khách là một anh lính ghé quán cũng gặp trận mưa, nghỉ lại. Quán của ông nghiễm nhiên trở thành quán trọ của bữa đó. Ông nhắc tới một bản nhạc mang tên Mưa Cẩm Giang, của một nhạc sĩ ông quên tên, hiện vẫn cư ngụ ở vùng này. Ông đọc lời của bản nhạc, tôi nghe quen quen, hình như là bài thơ cùng tên như bản nhạc, nhưng tôi không nhớ tên tác giả bài thơ. Sau đó, tôi ghi lại bài thơ theo trí nhớ, lồng vào một truyện ngắn tôi viết. Bài thơ theo trí nhớ của tôi như sau: Đường dài thẳm nghe sông gió lộng / Đế giày mòn trọ quán đêm nay / Mưa Cẩm Giang niềm đau ai khóc / Đường sụt sùi mấy nẻo truông lầy / Uống cốc cà phê em mùa xanh tóc / Vị đắng như trong mắt ai say / Thoáng dư âm tiếng cười vỡ ngọc / Vẻ thơ buồn trăng sẽ tỏ bày.



A, bài thơ Mưa Cẩm Giang thì Nguyễn có biết. Và biết cả tác giả nữa. Khoảng cuối những năm 1950, Vũ Hoàng Chương có phụ trách mục chọn thơ và bình thơ trên nhật báo Tự Do của Phạm Việt Tuyền. Và ông đã chọn được hai bài thơ hay nhất đưa lên báo: một của Trần Đại (Nguyễn quên tên bài thơ) và một của Trường Anh, bài thơ có tên Mưa Cẩm Giang. Nguyễn cũng như Nguyễn Đạt có thuộc bài thơ. Trước thì thuộc cả bài, nay chỉ còn nhớ một số câu, mà cũng không lấy gì làm chính xác lắm, tuy nhiên vẫn đưa ra đây để tác giả, nếu còn ở đâu đó tình cờ đọc bài viết của Nguyễn Đạt và Nguyễn này, hoặc giả một bạn đọc nào đó biết được, thì xin bổ túc và cải chính cho. Câu đầu, Nguyễn không nhớ, xin cứ theo Nguyễn Đạt: Đường dài thẳm... / Mòn gót giày cắm trọ quán đêm nay / Mưa Cẩm Giang như niềm đau ai khóc / Đường sụt sùi qua mấy nẻo truông lầy / Cà phê đầy cốc cô hàng xanh tóc / Vị đắng trong ly hay mắt em say/ Thoáng đâu đây ai cười lên vỡ ngọc / Thấy thương chúng mình một kiếp trắng tay... Bài thơ còn mấy câu rất hay: Cổng biên thùy lòng tham luôn dời cọc / Mồ những ai nằm trăng lạnh gió lay... Chẳng là hồi đó quân Miên đóng gần biên giới Tây Ninh (Cẩm Giang nằm trên đường đi Tây Ninh) cứ lâu lâu lại lấn đất dời cọc, khiến gây ra những xung đột ngoại gao giữa đôi bên.
  
Bài thơ nằm trong bộ nhớ của Nguyễn một thời gian, cho đến khi đi chấm thi Tú Tài I hay tu nghiệp gì đó cùng với Bùi Giáng và nhiều bạn nữa tại trường Pétrus Ký Sài Gòn. Giờ nghỉ ra hành lang hút thuốc, trong lúc hứng khởi Nguyễn đọc lên mấy câu của bài thơ Mưa Cẩm Giang thì anh bạn đứng cạnh bỗng thốt lên "Bài thơ này là của tôi”. Nguyễn không ngờ được gặp tác giả Mưa Cẩm Giang ở đây nên mừng lắm, cùng nhau trò chuyện và được biết Trường Anh dạy ở Tây Ninh. Hôm sau, Trường Anh chép bài thơ Mưa Cẩm Giang tặng Nguyễn. Thế rồi, sau mùa thi chia tay nhau, không biết bạn về đâu và giờ này ở đâu. Thời gian trôi qua với biết bao sấm ran chớp giật. Nguyễn đã không giữ được bài Mưa Cẩm Giang. Bùi Giáng thì đã mất rồi, còn Trường Anh và các bạn khác? Ôi, Mưa Cẩm Giang như niềm đau ai khóc.

Lê Thị Ngọc Anh & Trương Anh

Nhưng rồi, Nguyễn được gặp lại Mưa Cẩm Giang… trên không gian ảo. Một hôm vào website Gió-o của Lê Thị Huệ thì gặp nó, bài thơ của nửa thế kỷ trước. Gặp như gặp người bạn cũ thời đi dạy.  Hay gặp người bạn lính năm xưa mới từ trường ra mang ba lô về đơn vị tận miền cao mây trắng hay vùng biên giới Tây Ninh nơi “mồ những ai nằm trăng lạnh gió lay”.

Viết thêm sau khi đọc lại đêm 24 tháng 7. 2015: Đêm nay tình cờ vào trang nhà Tây Ninh gặp lại bài thơ của Trường Anh. Trang mạng viết: “Đối với những người yêu văn nghệ ở Tây Ninh trước năm 1975 hầu như không ai là không biết đến bài thơ Mưa Cẩm Giang của Trường Anh (một nhà thơ nhà giáo ở Gò Dầu) và càng ái mộ hơn nữa khi bài thơ nầy được nhạc sỹ Anh Việt Thu phổ nhạc vào năm 1966, và vì nó ở trong tâp thơ Mưa Đêm Nay của Trường Anh, do Vũ hoàng Chương đề tựa nên nó được biết đến với cái tên MƯA ĐÊM NAY nhiều hơn.”

Cũng trên trang web, Nguyễn được biết Trường Anh đã mất rồi. Mất năm 2005 tại Tây Ninh.

Sau đây, xin đăng lại bài Mưa Cẩm Giang theo bản của Gió-o và website Tây Ninh, để trước hết là tưởng niệm Trường Anh, sau nữa để các bạn và Nguyễn nhớ lại một thời và cùng khóc cười theo mệnh nước nổi trôi.

Nguyễn Xuân Thiệp    
       

 
Mưa Cẩm Giang
 (tức Mưa Đêm Nay)

Trường Anh


Thăm thẳm đường trường, tôi, người cô-độc.
Mòn gót giày cắm trọ quán đêm nay.
Mưa Cẩm Giang như niềm đau ai khóc.
Đường sụt-sùi trong mấy nẻo truông lầy

Cho cốc cà-phê, cô hàng xanh tóc !
Ta uống đắng cay, hay mắt em say?
Nghe đâu đây ai cười lên vỡ ngọc
Thấy đau chúng mình một kiếp trắng tay

Cố tri mấy đứa giờ đâu… lăn lóc.
Ở chực nằm chờ, hay giạt đó đây ?
Tiền thân chúng mình có là con cóc
Thơ nghiến răng cho trời chuyển mưa bay

Ta đâu phải giận đời mà trách móc ?
Khi những thằng hề không biết múa may.
Cà-phê đầy cốc, cô hàng xanh tóc.
Miệng em cười, nhạc đắng chở màu cay

Cẩm-Giang ơi! đây, ngày xưa tang tóc.
Xiềng khua chân rổn rảng kiếp đi đày.
Lớp hưng-phế xô nghiêng nhà tróc nóc
Mồ những ai nằm trăng lạnh gió lay?

Cổng biên thùy lòng tham luôn dời cọc
Rồi, với thời gian, người chết xanh cây !
Cho thêm nữa cà-phê, sao em khóc ?
Ta hiểu rồi, em đã cảm thương vay.

Nhàu nát áo xanh mờ tràn bụi mốc
Chung một thuyền thơ, tâm sự dâng ai.
Nước sông Vàm-Cỏ nguồn xuôi trong lọc
Có chắc mang hoa về quán ngày mai?

Cho thêm nữa, cà-phê, em đừng khóc !
Trời hết đêm, rồi nắng sẽ dâng ngày.
Tôi, tôi là khách lữ-hành cô độc
Vỡ lệ nằm nghe mưa quán đêm nay.

1959