Thursday, August 6, 2015

147. NGUYỄN BẮC SƠN: TRANG THƠ



NGUYỄN BẮC SƠN

Chân dung Nguyễn Bắc Sơn
dinhcuong



TỰ BẠCH

...Đời kẻ làm thơ thường nhục nhiều hơn vinh, buồn nhiều hơn vui, nhưng kẻ vừa làm thơ vừa hành tập Đông Phương Triết Đạo thì thường thường thanh thản, thường có những niềm vui nội mật, thường mỉm cười an thân lập mệnh. Khi qua đời, tôi xin được mỉm cười...


Như những người làm thơ bằng tiếng lòng và hành tập Triết Đạo Đông Phương, cuối đời thi sĩ, mùa thu tóc trắng, nhắm mắt lại thấy mây trắng bay đầy tâm tưởng, mây trắng bay về mây trắng bay! Đời kẻ làm thơ thường nhục nhiều hơn vinh, buồn nhiều hơn vui, nhưng kẻ vừa làm thơ vừa hành tập Đông Phương Triết Đạo thì  thường thanh thản, thường có những niềm vui nội mật, thường mỉm cười an thân lâp mệnh. Khi qua đời, tôi xin đươc mỉm cười.

“Nhân sinh nhược đại mộng”. Tỉnh mộng thường xảy ra vào thời gian thoát xác lìa đời, thời gian cận tử. Đã chết nhiều lần nên kẻ làm thơ tất nhiên phải có nhiều lần tỉnh mộng. Đức Phật thường thuyết “tam thiên đại thiên thế giới”, vậy thì cái trái đất bụi hồng này cũng nhỏ nhít vậy thay! Khổ đau và tủi nhục của một đời thi sĩ còn nhỏ nhít biết chừng nào!

Tôi thường đọc Kinh Dịch, Kinh Hoa Nghiêm và Kinh Kim Cang Bát Nhã. Xin trích một đoạn, một bài kệ trong Kim Cang Bát Nhã để nói rõ ý mình:

Nhất thiết hữu vi pháp
Nhất mộng, huyễn, bào, ảnh
Như lộ diệc như điển
Ưng tác như thị quán

( Tạm dịch: tất cả những hiện tượng trên thế gian giống như mộng, như huyễn, như bọt nước, như ảo ảnh, như hạt sương và như chớp lóe. Vậy, người Phật tử chân chính hãy nhận thức thế gian này là như vậy .)

Đó là ý đạo. Còn lòng trần? Tôi vẫn còn, nói như thiền sư Nhất Hạnh trong “Giấc Mơ Việt Nam”, tôi vẫn còn “Giấc Mơ Việt Nam”. Đã biết “nhân sinh nhược đại mộng, hồ vi lao kỳ sinh” mà vẫn còn nồng nàn với “Giấc Mơ Việt Nam”. Ấy là lòng kẻ làm thơ. Ai cũng vậy thôi. Xin các bạn tìm đọc bài “Giấc Mơ Việt Nam” của thiền sư Nhất Hạnh.

Nguyễn Bắc Sơn
(Bài Tự bạch này, Nguyễn Bắc Sơn gởi riêng cho  Phạm Văn Nhàn . Anh viết vào năm 2005)


TRANG THƠ NGUYỄN BẮC SƠN



TÂM HỒN TRẺ THƠ

Buổi sáng mang tiền đi hớt tóc
Vô tình ngang một quán cà phê
Giang hồ hảo hán dăm thằng bạn
Mải mê tán dóc chẳng cho về

Về đâu đâu cũng là đâu đó
Đâu cũng đìu hiu đất Hán Hồ
Hớt tóc cạo râu là chuyện nhỏ
Ba ngàn thế giới cũng chưa to

Tháng giêng ngồi quán quán thu phong
Gió nhạn môn quan thổi chạnh lòng
Chuyện cũ nghe đau lòng tứ xứ
Thương Kiều Phong nhớ tiếc Kiều Phong

Bày ra một ván cờ thiên cổ
Thua trận nhà ngươi cứ trả tiền
Mẹ nó, tiền ta đi hớt tóc
Gặp ngày xuí quẩy thua như điên !

Tháng giêng có kẻ đi tìm cúc
Nhưng cõi đời đâu có cúc hoa
Thấy đám phù bình trên mặt nước
Biết mình đi lộn nẻo bao la

Lạng quạng ra bờ sông ngó nước
trên trời dưới nước gặp ông câu
Ta câu con đú, ngươi con đẻn
Chung một tâm hồn tất gặp nhau

Ghé thăm ông bạn trồng cây thuốc
Mời nhau một chén rượu trường sinh
Bát cơm tân khổ trong tù ngục
Câu chuyện năm năm khiến giật mình

Khi gã Yêu Ly đâm Khánh Kỵ
Là đâm trúng phải trái tim mình
Sông Mường Mán không dung hào kiệt
Muôn đời bóng núi đứng chênh vênh

Nằm ngủ dưới cây nghìn cánh hạc
Dường như mặt đất tiết mùi hương
Ngủ thẳng một lèo chiều mới dậy
Dường như mình cũng mộng Hoàng Lương

Dường như đứa trẻ nghìn năm trước
Bây giờ đây vẫn trẻ trong ta
Khi về râu tóc còn nguyên vẹn
Một ngày loáng thoáng một ngày qua.


MÙA THU ĐI NGANG CÂY PHONG DU

Khi nhớ mình ta muốn ghé ta thăm
Ngôi nhà gần ngôi nhà xa vạn dặm
Con đường tình có cội nguồn sâu thẳm
Từ sinh cung của bà mẹ mênh mông
Ai xui ngôi nhà em cất bên kia sông
Khiến đời anh cứ mãi qua cầu cứ trèo lên dốc
Bầu trời quá cao phải chăng lòng mình quá thấp
Chiều mù sương vì tình yêu mù sương
Ai xui ngôi nhà em cất giữa ngã tư đường
Khiến lòng anh cứ ngập ngừng ba ngã
Con phố thân quen bất ngờ con phố lạ
Nơi hàng cây rụng tiếng cắc kè kêu
Nơi lầu cao khung cửa sổ đìu hiu
Soi thấp thoáng ngọn đèn hoa thiếu nữ
Những sợi tóc rụng trên chồng sách cũ
Vì thanh xuân theo nước lũ trường giang
Những chuyến xe đò đêm đêm băng ngang
Rớt tiếng động khơi nỗi sầu viễn xứ
Bầy chim én đã bắt đầu tư lự
Ngủ âm thầm trên những đường dây cao
Đi ngang qua, đi ngang qua
Đi ngang qua
Đi ngang qua không dừng trong đời nhau
Hẹn gặp nhau ở nhất nguyên thế giới.


CÁI CHẾT VÀ LÒNG YÊU ĐỜI

Một mai anh chết tự nhiên
Mỉm cười thương tiếc cõi miền nhân gian
Suốt đời anh ly rượu tràn
Niềm vui sống cứ trải dàn mênh mông

Anh thương trái đất chạy vòng
Thương người khốn khổ một lòng thương yêu
Nhà thơ có ít cho nhiều
Hình như anh chết có điều bận tâm

Một mai nơi chỗ em nằm
Không anh em biết trăm năm là dài
Một mai ừ nhỉ một mai
Mỉm cười anh chết cười hoài thế gian.


CHIÊM BAO VỀ ĐÀ LẠT

Kỳ lạ nhỉ ! Giờ đây ta bỏ xứ
theo trái phong du, níu gió lên trời
xin bái biệt cổ thành với nhà ga không thiết bị
khói của chòi rơm, bãi cát trăng soi

Ừ Đà Lạt ngoài khung cửa kính
giàn su xanh thuở ấm má em hồng
và ta, kẻ mười năm không áo lạnh
biết đời mình đủ ấm hay không?

Ừ Đà Lạt ta tha hồ cuốc đất
và tha hồ ẩn hiện giữa ngàn cây
sẽ đi tìm cây cần trúc nhỏ
ra hồ ngồi câu cá câu mây

Đà lạt, lạc đà dăm bảy đứa
còng lưng ra mà cõng ba lô
những hào sĩ đứng bên bờ nhật nguyệt
vỗ tay cười thương lớp sóng lô nhô.


CƯỜI ĐÙA CÙNG NÚI CAO BIỂN RỘNG

Sáng tinh mơ khi em còn chải tóc
anh vác mặt trời đi tắm biển thiên thanh
bà mẹ thiên nhiên yêu những người con lãng tử
yêu còn hơn tình em yêu anh

Nắng ba năm biển chẳng bỏ ta
mưa một ngày ta liền bỏ biển
anh tắm tẩy trần cho Chân Như hiển hiện
cho sạch làu cát bụi trần gian

Nhiều năm qua anh là đứa con hoang
đi tìm kiếm người cha vĩnh cửu
phụ thân anh là chân không Diệu Hữu
bạn thân anh là những ngọn núi cao

Trời Xuân Thu thiên hạ sống lao xao
anh vận khí ngồi vẽ tranh thủy mạc
trên lưng trâu xanh đậu con chim Hoàng Hạc
trên triền núi cao đậu một mình anh

Núi cõng anh, anh cõng khúc trời xanh
anh nghĩ cách hào hùng cõng núi
dù núi nặng có làm anh chới với
cũng không nặng bằng anh cõng khối tình em.


NGƯỜI BẠN GIÀ VÀ CÔ GÁI HUẾ

Vũ trụ chẳng qua chỉ là gian nhà mênh mông ấm cúng
Nên ta mời nhau chén rượu trường xuân
Các dân tộc giống như mấy mụ đàn bà hay cãi cọ
Đông phong, tín nguyệt biết bao lần

Trái đất bụi hồng, chiếc xe luân lạc
Chở muôn mùa bao viễn khách truân chuyên
Thi sĩ, người ngây thơ ngó thấy
Cuối trời chiều, một bến đậu vô biên

Tôi đến rồi đi rồi lãng đãng
Anh nằm đau nặng chiếc giường con
“một chút mặt trời rơi vào ly nước lạnh”
Có gì đâu chuyện mất hay còn

Tôi ra quán cà phê, chuyện trò cùng cô gái Huế
Giọng nói Hương Giang, giọng nói ân tình
Ta mà cũng có người yêu mến nhỉ?
Tóc mây trời bên mái tóc em xanh

Ta đã sống những ngày ngây ngất
Anh vẽ tranh còn tôi làm thơ
Chúng ta giống những hài nhi vô nhiễm
Chơi đùa trên sóng nước hư vô

Sáng nay anh đã qua đời rồi
Tôi vào quán nhạc ngó mưa rơi
Cô gái mỉm cười, tôi ứa lệ
Phải cuộc đời như một trò chơi ?


THƠ TÌNH THÁNG CHẠP

Cám ơn em đã viết cho anh những bức thơ tình
Tình thảo nguyên hoa quỳ vàng đắm đuối
Em không nói tiếng người, em nói tiếng chim, em nói bằng tiếng suối
Tiếng nói em thơm ngát suốt hồn anh
Cám ơn em đã đi cùng anh trong khu vườn xanh
Vườn  trĩu trái, trái hồng như trái ngực
Anh thương những loài cây suốt ngày bực tức
Vì giận mình sao chưa biết đi
Dù cho cây biết đi như mây bay
Vẫn còn thua bước chân người tình đầy dấu ấn
Khi loài chim bước tình cờ tha thẩn
Là lúc tâm hồn anh đầy những dấu chân
Cám ơn ngôi nhà em, ngôi nhà đã bao dung người thiếu nữ
Vừa ngọt ngào vừa cay đắng như em
Những đêm mưa em có thắp ngọn đèn
Để chiếu sáng những góc lòng đen tối
Thôi câu chuyện tình nói cho nhiều cũng vậy
Trăm năm dài rồi sẽ đụng ngàn năm
Tất cả sẽ qua đi điều gì còn ở lại
Một đoá hoa Quỳnh trong cõi trăm năm


THIẾU NỮ

Đứng trên núi đã thấy hàng đèn thị trấn
Là thấy mình lạnh buốt mấy ngàn năm
Vì đêm nay trời đất lạnh căm căm
Nên chợt nhớ chút lửa hồng bếp cũ

Nên chợt nhớ mắt môi người thiếu nữ
Đã nhìn mình rất ấm một ngày xưa
Dù mai sau ngày nắng tiếp ngày mưa
Nhưng vĩnh cửu chút mơ màng thuở đó


CÃI PHẬT

Phật bảo đời người như bể khổ
Ta cười sướng khổ bổ sung nhau
Còn sống còn vui còn múa hát
Khổ đau như nước chảy qua cầu


GIAI NHÂN VÀ SÁCH VỞ

Ta đọc ba ngàn quyển sách
Xong rồi chẳng nhớ điều chi
Ta chỉ nhìn em một cái
Sao mà nhớ đến mê si

(Nguồn: Thư Quán Bản Thảo số 20 - 2005)