Sunday, August 16, 2015

150. NGUYÊN MINH Giọt sương trên cánh phong lan


NGUYÊN MINH
Giọt sương trên cánh phong lan

Hoa phong lan - Nguồn: hoasaigon.com.vn



“Minh Bui, thằng ba trợn”

Thuở ấu thời và các bạn cùng trang lứa sống trong một xóm nhỏ, hai bên đường là hai hàng cây me tây cổ thụ phủ đầy bóng mát. Những trỏ chơi đánh giặc giả, ban đầu chỉ là bạn bè với nhau sau thành đánh lộn thật, giữa bọn trẻ xóm này với xóm khác trong thị xã. Tên đầu đảng bấy giờ vẫn là tôi với cái tên “Minh Bui”. Tôi thường bị mấy bà mẹ của bạn mắng vốn với cha mẹ tôi. Mẹ tôi khuyên răn tôi, còn Ba tôi chỉ là những cú gõ vào đầu bằng bàn tay cứng ngắc của ông làm tôi đau điếng hoặc những ngọn roi quất vào mông. Tôi chịu đựng bặm môi không khóc. Tôi hứa với Ba Mẹ tôi thôi đánh nhau với bọn trẻ. Tôi lại chơi những trò nghịch ngợm khác. Thường vào những buổi trưa hè, nóng nực, bọn trẻ chúng tôi kéo nhau lên con đê sông Dinh, nơi có cái dốc thành lát bằng những viên đá xanh còn phủ rêu, trơn trượt, tuột mình xuống thẳng người, rớt xuống con nước lớn, đục ngầu, bắn tung tóe nước lên, phát ra một âm thanh gọn lỏn: bùm. Tiếng vỗ tay của những đứa trẻ nhút nhát không dám chơi trò tuột dốc này như một khích lệ, tán thưởng tôi.

Những đêm trời tối mịt, thuở ấy chưa có đèn đường chiếu sáng, bọn trẻ vừa trai vừa gái thường tập trung trước sân nhà ông Hội đồng nghe mấy bà già kể chuyện cổ tích hoặc mấy chị lớn tuổi nói chuyện ma quỉ thường xuất hiện nơi cây lim cổ thụ. Trong trí óc non nớt của chúng tôi hình dung khuôn mặt của loài quỉ dữ có cặp mắt to màu đỏ rực lửa, cái lưỡi dài thượt, đưa ra từ cái miệng rộng sẵn sàng cuốn lấy đứa trẻ con nào dám đi ngang qua. Bọn trẻ thách đố nhau thằng nào gan dạ đi ngang qua gốc lim đó, chỉ cần mang về một trái lim dù khô héo đã rớt từ lâu nằm trên đất quanh đó. Tôi xung phong đi liền, mặc dầu con em gái nắm tay kéo lại, nhưng tôi giật ra, bước tới. Nhớ lời Mẹ dặn; gặp nguy nan con hãy niệm Phật. Tôi nghĩ là loài quỷ dữ làm điều ác sẽ tránh xa đức Phật chuyên mang đến điều tốt lành. Tôi nắm chặt bàn tay, miệng lâm râm: Nam mô A Di Đà Phật. Tôi mạnh dạn hơn. Tôi vững lòng tin hơn. Đêm tối mù mịt nhưng tôi cũng mò mẫm ra những trái lim để mang về như một chiến tích.

Hai lần vượt qua trở ngại đó vẫn chưa đủ để bọn trẻ tôn làm người hùng, như trong những chuyện cổ tích, chàng hoàng tử phải vượt qua những thử thách mà mụ phù thủy đã giăng mắc, cuối cùng là tôi phải xâm nhập vào Dinh Ông Sứ, không phải để trộm cắp mà chỉ hái cho được một chùm me đỉa. Trời ơi! Dinh ông Sứ đối với bọn trẻ chúng tôi bấy giờ như một khu rừng bao la, cây cối um tùm, toàn là những cây me cổ thụ, cao vút. Chung quanh là bờ thành xây gạch, bên trên lởm chởm cắm mẻ chai nhọn bén. Sát bên cổng là hai nhà nhỏ đầy lính canh gác. Dinh ông Sứ có từ thời Pháp cai trị, ông Sứ người Pháp là người đầy quyền lực, đứng đầu quan chức trong Tỉnh. Sau này, gắn bảng trên cổng thành là Dinh Tỉnh trưởng, nhưng chúng tôi vẫn gọi theo thói quen là Dinh ông Sứ. Muốn xâm nhập vào đó chỉ có cách dùng mưu trí, như nhân vật Hoàng Ngọc Ẩn trong truyện Châu về Hiệp Phố của nhà văn Phú Đức mà thuở ấy đã từng làm chúng tôi say mê; biết được giữa trưa lính canh vắng mặt trong một thời gian ngắn để vào nhà sau của khu biệt thư ăn trưa, tôi chạy một mạch qua cái cổng còn mở rộng, tiến về một gốc cây me, vội vã trèo lên, đứng vào một nhánh cây nhỏ, đưa bàn tay bé nhỏ tuốt một chùm me đỉa, bỏ vào túi áo, rồi từ từ ôm gốc cây me tuột xuống đất, ung dung bước dọc theo bờ tường, nghỉnh mặt, tay đánh đàng xa, như một người thân của ai đó trong Dinh ra phố chợ. Bọn trẻ xúm lại chia nhau những trái me mới tượng hình, chấm muối ớt, bỏ vào miệng vừa nhai vừa hít hà.

Đó là hình ảnh của tôi trong thời còn học trường Nam tiểu học. Lên trung học tôi vẫn nghịch ngợm, nhất là đối với nữ sinh ngồi bàn trước mặt chúng tôi. Những cú giật tóc, những tờ giấy viết vội “Cúc ghẻ”, “Oanh thò lò” lén dán lên sau lưng chiếc áo trắng, làm trò cười cho bọn con trai, nhưng làm hai cô bạn cùng xóm giận tôi điếng người, thề cả đời không nhìn mặt tôi. “Cái thằng ba trợn”.

Đúng vậy. Ba tôi đã gán cho tôi là thằng ba trợn khi tôi đã phạm sai lầm mà ông không thể tha thứ được, tôi đã không nghe lời dặn dò của ông khi ông nhờ tôi trông hộ con gà chọi đang nhốt trong lồng, chuẩn bị ngày mai đi "thi đấu", bảo tôi đừng để nó xổ lồng rồi đạp mái với con gà mái tơ cạnh nhà hàng xóm. Tôi cười thích chí nhìn cảnh con gà mái đang tiến gần, con gà chọi hất tung cái giỏ, thoát ra ngoài, hung hổ nhào vào, phủ cái thân nặng nề lên con gà mái. Chỉ trong tích tắc là xong. Làm gì có chuyện như ba tôi nói: Trước khi cho gà "ra trận", điều tối kỵ là không được cho nó đạp mái, nó sẽ thua một cách lạ lùng. Trong trận đá gà đó, ba tôi thất vọng ê chề, vì con gà chọi yêu quí của ông nửa chừng đã bỏ chạy. Ông tra hỏi tội tôi. Tôi trả lời ông: Thật vậy sao? Kết quả, hình phạt ông dành cho tôi: Ông nhốt trong chiếc giỏ, tôi ngồi khúm núm như con gà nuốt dây thun. Lũ trẻ cười chế nhạo, đọc thật to cái tờ giấy gắn trên cái giỏ mấy chữ của ba tôi: Cái thằng ba trợn. Tôi "hận" ba tôi nên có dịp tôi tìm cách trả đũa. Tình cờ, trong lúc ba tôi đi xa, vắng nhà vài hôm, tôi lấy chiếc xe đạp bằng nhôm dura của ông đi vài dòng dợt “le” với bọn trẻ khác xóm. Hai chân đạp lia lịa, chiếc xe chạy vùn vụt, bỗng con chó từ đâu trong hẻm chạy ra. Tôi vội bóp thắng. Đứt dây, cả xe và tôi té xuống vệ đường, làm trò cười cho bọn trẻ. Về nhà tôi để xe vào nơi cũ, gắn sợi dây thắng tạm bợ, như chưa có gì xảy ra. Ba tôi trong một chuyến đi về vùng quê, vẫn ung dung đạp chiếc xe, tôi cười thầm trong bụng. Chiều về, gặp tôi, ông chỉ nói: Sao đi xe đứt dây thắng mà không nói, suýt chút nữa tao đâm bổ vào người đi đường, cái thằng ba trợn. Tôi chưng hửng.

Người con gái trong mộng.

Biệt danh: Minh Bui, cái thằng ba trợn biến mất sau một cơn bệnh thập tử nhất sinh xảy đến với tôi. Bệnh thương hàn. Suốt 3 tháng trời tôi nằm trên giường. Với những cơn sốt cao độ, với những tiếng kêu ú ớ như một lời kêu cứu ai đó đánh thức tôi ra khỏi những cơn ác mộng, rồi cũng có những giấc mơ dịu dàng êm ái trong tiếng nhạc buồn, đưa tôi đến những vùng trời xa lạ, cùng một khuôn mặt của một cô gái ngây thơ mà trước những năm tháng cũ tôi chưa bao giờ gặp mặt. Khi tỉnh dậy tôi tiếc nuối. Mong trời tối hẳn. Mong mình được ngủ say. Mong người con gái đó đến với tôi trong một khu vườn trồng đầy những hoa hồng đang hé nụ.

Như trong truyện thần thoại, tôi, một chàng trai mới lớn, đang đi lạc vào một khu rừng rậm rạp âm u đầy thú dữ, không tìm được lối ra, trong lúc tâm tư mình đang rối loạn cùng nỗi lo sợ, bỗng xuất hiện một con chim họa mi từ đâu bay đến đậu trên vai tôi, cất tiếng hót líu lo, như những lời chỉ dẫn để tôi thoát ra cảnh âm u đó, đến một vùng đất mới. Con họa mi biến mất, tôi chưa kịp nói một lời cám ơn. Đúng hơn một lời tạ lỗi khi tôi nhận ra nó là con chim họa mi mà ba tôi đã từng nâng niu, chăm sóc. Cứ mỗi buổi sáng sớm nó nhảy nhót trong chiếc lồng bằng tre đan cùng tiếng hót líu lo, rộn rã, như lời thách đố, chọc ghẹo thằng bé tinh nghịch, háo thắng. Tôi ghét nó. Tôi không nghe lời dặn dò của ba tôi trước lúc ông đẫn đội bóng thi đấu ở tận trong Nam. Tôi nói với con chim họa mi nhỏ nhắn kia. Tao bỏ đói mày xem mày có cất tiếng hót được không? Xác con chim nằm trong chiếc lồng trống trơn. Tôi thờ ơ, vứt nó vào giỏ rác như một vật dụng không còn dùng.

Bây giờ con chim như sống lại, không hận thù với kẻ đã từng giết nó. Chim lại cất tiếng hót. Tôi thấy lòng mình rộn ràng một niềm vui. Một vùng đất mới.

Trước mắt tôi, bấy giờ là một vườn hoa đủ loại đang khoe sắc màu rực rỡ. Lại có một tấm bảng nhỏ gắn trước vườn:
                Biển đề xin chớ hái hoa
                Gió không biết đọc dẫm hoa vô tình

Như tôi đã xem một cuộn phim về chuyện liêu trai ở rạp chiếu bóng cận nhà. Tôi vừa đọc hai câu thơ mở đầu cho cuộn phim đó, đứng trước mấy chậu hoa sứ, hoa tường vy của ba tôi đặt thẳng hàng trong sân nhà, đang khoe cánh, tôi phùng má hả mồm như mụ phù thủy làm phép tạo cơn gió bão bùng ập đến, hai tay tôi dang ra, táp vào những cánh hoa làm rơi rụng tơi bời. Màu đỏ của những cánh hoa nằm trên mặt đất khô như màu đỏ của những giọt máu ứa ra từ vết thương của kẻ thua trận trong trò chơi đánh giặc giả hay đánh lộn thật. Tôi cười như reo mừng vừa đoạt một chiến thắng.

Một cơn gió thổi nhẹ cũng làm tóc tôi phất phơ, một cơn gió thoảng cũng đủ làm vài cánh hoa đã tàn rơi xuống đất, tôi bỗng thấy buồn, một cảm giác như lạ lùng mà trước đây tôi chưa bao giờ có được. Một giọng nói nhẹ nhàng, của một cô gái thốt lên từ sau lưng tôi. Âm điệu êm tai. Sao, anh có thấy vườn hoa ni đẹp không? Tôi chưa kịp quay người lại thì cô gái đã bước nhẹ nhàng đến, giáp mặt tôi rồi. Cô gái đó có khuôn mặt hình trái xoan, đôi mắt to màu hạt dẻ, đôi môi phớt hồng, hai má có núm đồng tiền, và, mái tóc mượt mà, đen nhánh phủ quá đôi vai mảnh khảnh. Tôi ngạc nhiên, hỏi: Cô là ai, từ đâu đến vậy. Cô gái mỉm cười, đưa bàn tay nhỏ nhắn, chỉ vào đám hoa: Em từ đó bước ra. Còn anh từ đâu đến em đã biết.Thật sao?Anh đã lột xác, anh không còn là thằng Minh Bui ba trợn nữa. Tôi hỏi lại: Vậy tôi là ai? – Cô gái vuốt lên tóc tôi và nói rất nhỏ: Sau này anh biết nghe!

Suốt thời gian còn lại của màn đêm chưa tới, tôi và cô gái đó thong dong, đây đó trong khu rừng này. Cô nắm tay tôi dắt đến một con suối nhỏ, và bảo tôi hãy lắng nghe có gì lạ không. Tôi gật đầu khi nhận ra từ xa vọng về tiếng róc rách của con nước chảy vỗ vào những tảng đá nhỏ đóng rong rêu. Cô gái đến ngồi trên một phiếm đá, thòng chân xuống dòng nước trong, bầy cá li ti từ xa kéo đến, bao quanh đôi bàn chân trắng trẻo. Cô gái hồn nhiên cười giòn. Tôi đưa mắt nhìn bãi cát trước mắt như tìm một cái gì đó. Cô gái nói đúng ý nghĩ của tôi. Không có đâu những đám dây lá có độc tố để vò nát mà các anh đã từng dùng đế suốt chết những bầy cá nhỏ dễ thương này. Ác lắm nghe! – Tôi lẩm bẩm, như đồng ý, tự bảo mình phải tránh xa điều ác, dù rất nhỏ.

Trong những giấc mơ khác, tôi vẫn gặp người con gái đó, vẫn khuôn mặt thánh thiện đó, nhưng qua những không gian khác, cảnh vật khác. Trên đồi thông, chúng tôi ngồi dựa lưng vào gốc cây, nhìn những đám mây “vân cẩu” bay qua, lắng nghe tiếng gió rì rào thổi qua ngọn cây, phía xa ẩn hiện trong màu xanh lục của rừng thông, lấp ló một đốm nhỏ màu đỏ, người con gái cho tôi biết đấy là một nhà thờ, trong đó có những ma soeur nguyện suốt đời sống với Chúa. Người con gái mô tả từng chi tiết trong nhà thờ, nhất là tượng Chúa bị đóng đinh trên thánh giá. Tôi nói nhỏ: Có phải em là ma soeur. Tiếng chuông nhà thờ vọng lại. Từng tiếng. Từng tiếng. Ngân vang. Người con gái đã biến mất, bỏ lại tôi một mình.

Thuở trẻ, vào những buổi chiều, chúng tôi thường kéo nhau ra một bãi đất rộng, nham nhở những đám cỏ, cùng nhau chạy nhảy hoặc chia phe vật lộn hay đá banh. Trong một giấc mơ khác, người con gái đó dẫn tôi đến một khoảng đất rộng bao la, ngút ngàn, không một cây cối nào, chỉ toàn là cỏ mọc, xanh rờn, bằng phẳng như một tấm thảm. Tôi gợi ý cả hai chúng tôi bằng những bàn chân trần bé bỏng dẫm lên những ngọn cỏ nhỏ li ti, chơi trò cút bắt. Cô gái lắc đầu, nhưng tôi cũng đưa chân đạp lên mép đám cỏ kia. Bỗng, mấy ngón tay người con gái bấu vào cánh tay tôi. Tiếng rên rỉ từ đôi môi nàng thốt ra: Kìa anh, đau em. Như có ai cầm dao đâm vào tim nàng. Tôi bàng hoàng khi nhận ra người con gái từ từ tan biến vào đám cỏ kia.

 Đó có phải vì thế mà sau này, hơn 50 năm, khi tôi thành một ông già đang đứng trước một bải cỏ xanh rờn trong khu vườn của một người cháu họ trên đất Mỹ, tôi không nỡ bước lên đám cỏ để đến phía bờ tường xem những dây nho đang kết trái. Cỏ đẹp quá. Tôi không dám để lại những dấu chân trên đám cỏ. Tôi đắm mình trong ký ức về một người con gái nửa thực nửa hư: Nguyễn Thị Hoàng Nga.

Nguyễn Thị Hoàng Nga

Trong một truyện cổ tích về một người con gái đẹp trong một bức tranh đã hiện thành người đẹp ngoài đời mang niềm hạnh phúc đến với một chàng nho sinh. Còn tôi, người con gái trong giấc mộng của những năm tháng nằm liệt trên giường lại hiện ra là một người con gái có thật mang một cái tên có thật: Nguyễn Thị Hoàng Nga.

Suốt ba tháng hè, tôi nằm trên giường bệnh, bớt bệnh, đến trường tôi mang cái đầu trọc lóc như một nhà sư, đầu đội chiếc bê-rê cho ấm người. Đứng xếp hàng từng lớp một để chào cờ, đối diện với lớp tôi là một lớp dưới, đàn em. Trong chiếc áo dài trắng của nữ sinh, thấp thoáng một khuôn mặt một người con gái làm tôi đứng ngẩn ngơ. Tôi lẩm bẩm một mình: Em từ đâu đến? Sau đó, Hạnh, cô bạn láng giềng cho biết: Con bé ấy từ Huế vào, cha cô ta là ông Tỉnh trưởng mới đó, anh bạn ạ.

Thế là, vào mỗi buổi chiều, tôi lang thang trên vĩa hè ngoài bức tường thành của “Dinh ông Sứ” để mong tìm cách làm quen. Như có một sự xếp đặt vô hình nào đó làm hai chúng tôi quen biết nhau qua một bức tường thành. Hai chị em cô gái đùa giỡn nhau, tiếng cười giòn giã, giọng nói líu lo, dưới những hàng cây me cổ thụ, như sức hút kéo tôi lại gần. Bước chân cô gái nhẹ nhàng tránh né những xác lá me nhỏ li ti vàng úa nằm phơi mình dưới gốc cây, tôi nhận ra đúng như dáng dấp ngập ngừng của cô gái trong giấc mộng khi tránh né dưới chân mình những đám cỏ hoang xanh tươi. Đôi mắt to, màu hạt dẻ, hàng mi cong vút, đôi môi mỏng, hai má ửng hồng, hàm răng trắng đều đặn, nụ cười có núm đồng tiền hai bên, bàn tay thon thả. Không sai. Đúng là tôi đã gặp nàng từ lâu. Khi tôi hỏi nàng tên gì. Nàng nói nhỏ để tôi nghe: Hoàng Nga, Nguyễn Thị Hoàng Nga đến dặn người lính gác cổng hãy để tôi vào Dinh bất cứ lúc nào. Hoàng Anh, chị nàng ngạc nhiên hỏi: Em quen hồi nào? Hoàng Nga trả lời người chị như trả lời tôi: Em không biết, hình như từ lâu rồi, giờ gặp lại.

Những lần tôi vào Dinh, Hoàng Nga dẫn tôi đến một khoảng sân nhỏ trồng đầy những đóa hoa hồng, tường vy, màu đỏ, trên những luống cỏ xanh, đều đặn như tấm thảm nhỏ. Xem như vườn hoa do nàng trồng và chăm sóc. Hoàng Nga diễn tả về những giọt sương mai long lánh trên cánh hoa đang hé nở đẹp như thế nào? Trời đã cho ta những vẻ đẹp hồn nhiên, ta chỉ cảm nhận, đừng đụng vào để hạt sương rơi xuống đất, cứ tự nhiên hạt sương sẽ tan vào cánh hoa.

Nhớ lời Hoàng Nga, buổi sáng tôi dậy thật sớm, mở cánh sổ sổ phòng ngủ tôi nhìn ra dưới hiên nhà treo lủng lẳng những giò hoa phong lan của ba tôi mà trước đó tôi chỉ thấy những cành khô lẻ tẻ vài cánh hoa nhỏ, vô duyên, bấy giờ tôi bắt gặp những giọt sương long lanh đang lăn tròn từ cánh hoa rơi xuống đất như những giọt nước mắt đang dâng trào trong tâm hồn tôi tuôn ra ngoài. Tôi thấy đời đẹp quá. Tôi xúc động nhìn ra tôi.

Tôi viết lại nỗi cảm xúc của một thằng con trai mới lớn, sau một cơn bệnh, thấy đời quá đẹp qua một lăng kính của một tâm hồn nhạy cảm mà trời đã ban phúc cho hắn, biết chảy nước mắt khi bắt gặp niềm hạnh phúc hay một nỗi khổ đau nào đó. Không ngờ bài tùy bút Giọt sương mai của một cậu học trò tỉnh lẻ mang tên Hoài Thu NCM lại được đăng trên một tuần báo văn học Bông lúa ở Sài Gòn.

Trước khi tôi gởi bản thảo đến tờ báo tôi có đưa cho Nguyễn Thị Hoàng Nga đọc. Và bút hiệu Hoài Thu là do Hoàng Nga gợi ý. Còn tôi thì thêm tên họ tôi viết tắt, vì tránh sự trùng hợp với bút hiệu người khác. Giữa hai chúng tôi, chỉ có Hoàng Nga và Hoài Thu, gọi với nhau như thế. Minh Bui thằng ba trợn đã chết hẳn rồi.

Hoàng Nga là một con chiên ngoan đạo, mỗi buổi sáng Chúa nhật bao giờ nàng cũng cùng gia đình đi lễ nhà thờ. Ở thị xã này chỉ độc nhất có một ngôi nhà thờ cổ tọa lạc trước một cánh đồng lúa bát ngát, trong một ngôi làng nhỏ toàn là dân có đạo. Tôi có quen với một đứa bạn cùng lớp có chân trong ban thánh ca, tôi tâm sự với hắn về Nguyễn Thị Hoàng Nga, nên hắn dẫn tôi lên gác chuông nhà thờ, ở đó tôi nhìn được từ trên cao về người con gái đang quì gối cầu nguyện trước thánh giá Chúa bị đóng đinh. Trong lòng nhà thờ rộng thênh thang những dãy ghế trống không, hình ảnh đơn độc một cô gái trẻ, trong chiếc áo dài trắng, đang quì xuống, đôi mắt nhìn thẳng, hai bàn tay nắm chặt đặt trước ngực, miệng đang thầm thì, như đang đọc kinh hay lời nguyện cầu. Tôi bỗng thấy khoảng cách giữa tôi và người con gái mang tên Nguyễn Thị Hoàng Nga càng lúc càng xa, không phải giữa hai con người trần thế, mà giữa hai thế giới tâm linh. Nàng biến thành thiên thần có đôi cánh, tay mang theo bầu nước thánh để rẩy vào tâm hồn tôi, như cái chìa khóa mở cửa tâm hồn để đón nhận những cảm xúc tuôn ra thành những giọt nước mắt. Sau này. Lớn lên. Tuổi già. Tôi thường chảy nước mắt khi đón nhận một niềm vui hạnh phúc hay một điều bất hạnh, trước một cảnh đẹp vĩ đại của thiên nhiên, hay một cảnh điêu tàn do con người gây ra.

Rồi, Nguyễn Thị Hoàng Nga cũng chắp cánh bay xa. Nàng theo gia đình vào Sài Gòn. Cha nàng là một quan chức cao cấp nên cả gia đình được sống trong một ngôi biệt thự: 20 đường Tú Xương. Tôi cũng rời xa cái thị xã bé nhỏ kia, vào Sài Gòn sống bên cạnh người Mẹ đang chữa trị bệnh ung thư. Tôi và Nguyễn Thị Hoàng Nga có dịp gặp mặt nhau. Những lần như thế, chúng tôi chỉ ngồi đối diện nhau qua chiếc bàn nhỏ trong phòng khách rộng rãi và sang trọng, cùng nhau luyến tiếc cái không khí mình đã được sống cùng với cây cỏ, hoa lá, vườn tược. Hoàng Nga chỉ còn hát cho tôi nghe bản Giáo đường im bóng: …Nơi giáo đường im bóng. Tôi hằng mong ngóng…

Tiếng hát buồn bã như lời kinh đọc trong nhà thờ vừa mới rời xa.

Như một tiên đoán cho những ngày sắp đến với chúng tôi.

Tôi rời xa Sài Gòn, ra Huế tiếp tục học những năm cuối cùng Đệ Nhị cấp bậc trung học. Một năm sau đó, Hoàng Nga vẫn viết thư cho tôi, kể về khu vườn nhỏ trồng nhiều hoa hồng của gia đình nàng ở cận kề nhà thờ Phú Cam ở Huế, bảo tôi có dịp ngang qua đó, nhìn vào như một lời hỏi thăm. Hoàng Nga rất nhớ “khu rừng” mà chúng tôi thường gọi khi nhắc đến Dinh ông Sứ. Còn ở Sài Gòn, trong biệt thự đường Tú Xương nàng chỉ nhớ giàn bông giấy trước hiên nhà thường rơi lả tả những cánh hoa màu đỏ trên mặt đất. Những lá thư đó nàng gởi cho tôi với cái tên: Hoài Thu NCM thân mến.

Không hiểu sao, chúng tôi mất liên lạc với nhau, những lá thư tôi gởi về 20 Tú Xương không thấy hồi âm. Cuối cùng qua một người bạn gái cho tôi biết vắn tắt. Hoàng Nga đã vào dòng tu để trở thành Ma soeur.

Còn tôi, không ai biết trước khi đi vào con đường văn chương mang một bút hiệu: Hoài Thu NCM. Hắn đã chết khi Nguyễn Thị Hoàng Nga biến mất. Tôi không biết tên thánh của Ma Soeur đó là gì. Còn tôi, tôi đã thành: Nguyên Minh từ đó.

Nguyên Minh